Trần Cảnh Đôn một đời đi tìm ‘ngọc trong đá’

693

Trước khi qua đời ở tuổi 62, đạo diễn Trần Cảnh Đôn ghi dấu ở dòng phim thị trường, tạo bệ phóng cho Việt Trinh, Lý Hùng…

Tin đạo diễn Trần Cảnh Đôn đột ngột qua đời tối 21/10 khiến giới nghệ sĩ bàng hoàng. Á hậu Trịnh Kim Chi – đàn em gắn bó anh từ ngày đầu vào nghề – ví đạo diễn như một người dành cả đời đi tìm “ngọc trong đá”, từ đó phát hiện những tài năng của làng phim miền Nam.


Đạo diễn Trần Cảnh Đôn (1959 – 2021). 

Đạo diễn khởi nghiệp phim ảnh có phần chật vật. Yêu nghệ thuật nhưng giỏi các môn tự nhiên, ban đầu Trần Cảnh Đôn theo đuổi ngành tài chính – kế toán. Ra trường, cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học trên tay, anh nhận ra bản thân đi sai hướng. Chàng trai 24 tuổi khi ấy quyết định làm lại, thi vào trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM), đỗ vào khoa đạo diễn sân khấu, cùng khóa với Minh Nhí, Hùng Lâm… Ra trường với “vốn dắt lưng” là hai vở kịch tốt nghiệp Mùa tôm và Cuộc phiêu lưu của những tâm hồn, anh đi học điện ảnh, từ đó dấn thân vào con đường làm phim.

Mang tâm hồn lãng mạn của một người yêu văn chương, những tác phẩm đầu của Trần Cảnh Đôn đều là phim chuyển thể các kịch bản văn học anh tâm đắc. Với Ngọc trong đá (1990) – dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Đông Thức, anh chắt lọc cuộc sống gian khó của lực lượng thanh niên xung phong những ngày đầu giải phóng để đưa lên màn ảnh.

Việt Trinh – nhân vật chính của phim – cho biết thuở ấy, chị vẫn là một nữ sinh hệ B của trường Sân khấu Điện ảnh. Một lần Trần Cảnh Đôn đến thăm trường, nét khả ái của chị lọt vào mắt xanh của anh. Từ gương mặt chưa mấy tiếng tăm, qua vai Oanh – nữ chiến sĩ với cá tính mạnh, không chịu khuất phục trước giặc, Việt Trinh lập tức nổi lên, sánh vai với các tên tuổi ăn khách thời đó như Lý Hùng, hoa hậu Lý Thu Thảo – hai gương mặt cùng phim. Bộ phim như bước đệm giúp chị trở thành diễn viên hạng A, đạo diễn Trần Cảnh Đôn là người góp công lớn. Việt Trinh nói chị luôn xem Trần Cảnh Đôn là “người ơn”.

Từ lúc vào nghề, Trần Cảnh Đôn đã là đạo diễn chuyên phát hiện tài năng trẻ. Ngôi sao cô đơn (1992) – bộ phim từng làm nên tên tuổi của ca sĩ Thanh Hoa, Phương Thảo – đều là dự án chạm ngõ điện ảnh của cả hai. Thanh Hoa đóng vai Hạnh – bạn thân của Mỹ Nhung (Phương Thảo đóng), một nhạc công chơi guitar ở vũ trường. Sau cái chết nhiều uẩn khúc của bạn thân, cô cùng cảnh sát đi tìm ra nguyên nhân. Tác phẩm gây tiếng vang, mở đầu cho dòng phim thị trường. Nhạc phim Ngôi sao cô đơn (Thanh Tùng sáng tác) cũng trở thành bản hit những năm đầu thập niên 1990 qua giọng ca Ngọc Bích.


Từ trái qua: Lý Hùng, Cảnh Đôn, Lý Thu Thảo, Việt Trinh khi ra mắt phim “Ngọc trong đá” năm 1990.

Với Cô thủ môn tội nghiệp (1991), Trần Cảnh Đôn đưa tên tuổi Thanh Mai – khi ấy còn là sinh viên múa – trở thành diễn viên tiềm năng. Phim cũng đem lại cho anh giải thưởng đầu tay – Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam. Thời kỳ dòng phim thị trường lên ngôi, Trần Cảnh Đôn là đạo diễn được săn đón bậc nhất với loạt tác phẩm Đoạn cuối ở Bangkok, Khi người ta trẻ, Vòng vây tội lỗi… Một thời gian dài, tên tuổi anh gắn bó với những ngôi sao của dòng phim này, như Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh, góp phần định hình diện mạo làng phim miền Nam giữa thập niên 1990.

Đạo diễn từng cho biết không muốn định danh bản thân bằng chữ “thị trường” hay “nghệ thuật”. “Tôi quan trọng là phim có khán giả xem hay không. Cầm tiền của nhà sản xuất trong tay, tôi luôn để tâm làm việc sao cho xứng đáng”, anh từng nói.

Cao gầy, da đen sạm, hay đội chiếc nón rộng vành, Trần Cảnh Đôn thường được gọi là “gã cao bồi” khó tính trên phim trường. Đạo diễn quan niệm: Nghiêm khắc với bản thân và đồng nghiệp là cách anh giữ vững tên tuổi. Năm 2005, sau thời gian dài vắng bóng vì thiếu cảm hứng làm phim, anh trở lại với phim truyền hình Dollar Trắng – kể hành trình lần tìm một đường dây cung cấp ma túy lớn của các chiến sĩ cảnh sát hình sự. Lý Hùng – diễn viên chính, vai đại úy Nguyễn Trực – nói lúc ấy, dù đã quen làm việc với đạo diễn, anh vẫn áp lực trước lịch quay dồn dập suốt một tuần đóng phim tại Thái Lan. Lý Hùng cho biết: “Anh rất khó tính, chọn cảnh đến lúc ưng ý mới thôi, không qua loa, diễn viên phải vắt sức ra mà làm”. Bù lại, khi phát sóng, tác phẩm tạo tiếng vang về kịch bản lẫn mức đầu tư về bối cảnh, mở màn cho dòng phim hình sự miền Nam.

Những năm cuối đời, Trần Cảnh Đôn vẫn xông xáo làm phim. Năm 2020, anh trở lại màn ảnh nhỏ với phim truyền hình Hoa trong bão – khai thác câu chuyện nữ quyền của những người gặp bất hạnh trong tình cảm. Vài tháng trước khi mất, anh đau đáu với kịch bản Tôi thương mà em đâu có hay – chuyển thể từ tiểu thuyết Đoàn Thạch Biền. Anh ấp ủ dự án này từ nhiều năm, nhưng chưa tìm được cảm hứng vì “giữa thời buổi sống gấp gáp này không dễ chuyển tải hết chất lãng đãng trong truyện lên phim”. Dự án dang dở khi anh buông bút để điều trị bệnh gan một tháng qua.


Trần Cảnh Đôn hội ngộ Kim Khánh – từng cộng tác cùng anh phim “Đoạn cuối ở Bangkok” – năm 2018.

Trong các cuộc trà dư tửu hậu với đồng nghiệp sau này, Trần Cảnh Đôn thường kể về đam mê làm phim với ánh mắt “đầy lửa”. Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc cho biết một lần, chị cùng anh và nhà văn Nguyễn Đông Thức ngồi uống cà phê vỉa hè Sài Gòn. Trần Cảnh Đôn nói muốn nâng đỡ lớp trẻ, nhất là các đạo diễn nữ. Anh quan niệm tre già măng mọc nên luôn kỳ vọng vào một thế hệ trẻ tài năng, tâm huyết với nghề. Anh từng nhiều lần kể với chị chuyện muốn lùi về vị trí sản xuất, để lớp đạo diễn mới có cơ hội được trọng dụng.

“Nhìn vào mắt anh lúc đó, tôi biết anh vẫn còn đau đáu cho điện ảnh nước nhà. Nhưng lực bất tòng tâm, bao kỳ vọng anh đành gửi lại cho các đạo diễn trẻ”, Minh Ngọc nói.

Theo Mai Nhật/VNE