Trần Đình – Người say mê vớt nhặt và chế tác ký ức

888

Nguyễn Tiến Nên

 Đọc “Tình ca mùa đông” của Trần Đình

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Tình ca mùa đông” là tập thơ đầu tay của Trần Đình, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2020. Anh tên là Trần Đình Bót, sinh năm 1960 ở phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình). Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn – Đại học Sư phạm Huế, năm 1984 thầy giáo trẻ Trần Đình Bót bước vào nghề dạy học. Hơn 35 năm gắn bó với nghiệp trồng người, năm 2020 anh về nghỉ hưu, sống và viết tại thành phố Đồng Hới.

Nhà thơ Trần Đình

Đọc tập thơ, ta dễ dàng nhận diện từng chuỗi tâm trạng, từng cung bậc cảm xúc mà tác giả muốn gửi gắm qua các thi phẩm của mình. Đó là tình cảm sâu nặng với quê hương, khi anh trở về lặng ngắm sông quê. Có gì đó làm anh phải thẫn thờ đến vậy? Trước con sông này, bao kỷ niệm tuổi thơ chập chờn ngọn sóng. Và kia, đàn cò liệng giữa cánh đồng vắng lặng, làm anh nhớ tới người mẹ tảo tần. Dáng vóc người cha vạm vỡ cũng đồng hiện trong anh, dải núi xa níu kéo trời chiều. Bấy nhiêu đây, khiến ký ức anh như được vun đầy lên, anh bồi hồi hóa thân làm kẻ lữ hành để đi nhặt những thương yêu/ Của năm tháng xa xưa gói vào bến cũ/ mỗi hòn cuội, gốc cây, bãi cỏ… Thì ra, cái mà anh gom nhặt thật hiền hòa nhưng thiêng liêng đến lạ, bởi trong đó còn vương bao dấu chân người… Dấu chân của mẹ cha, của bạn bè, của những người đã hóa thân vào đất trời và bao người suốt đời sống thác với dòng sông bến nước. Giờ có chăng chỉ còn trong hoài niệm, khiến anh thốt lên như muốn gửi gắm cả lòng mình: Sông yêu thương/ Hãy trôi vào giấc mơ của những người xưa ấy/ Đang đắm mình với bao dòng nước chảy/ Có giọt nước nào mang vị ngọt sông quê (Sông quê). Cũng những miền ký ức, đong đầy kỷ niệm dấu yêu, bên bến quê xốn xang nỗi nhớ. Với những câu lục bát mang thi ảnh đẹp, anh bâng khuâng hồi tưởng một thời: Tuổi thơ neo đậu bến mê/ Mây trôi đáy nước gió vân vê chiều/ Thơm nồng hương rạ phiêu diêu/ Cây đa ngã bóng, trăng xiêu mái đình/ Thương con chuồn ớt nép mình/ Cánh xòe bè vó ngước nhìn xa xăm/ Mịt mờ sương khói giăng giăng/ Lục bình nhuộm tím trời dang dở chiều/ Lặn trong nỗi nhớ bao điều/ Tình quê bè bạn lời yêu đong đầy (Neo đậu bến quê).

Trong tập thơ, tác giả đã dành dung lượng khá lớn, để sống lại những ngày gắn bó với nghề nhà giáo: Lặng nhìn/ cảnh vật đìu hiu/ Đò chiều chuyến cuối/ dập dìu sang ngang. Lẽ thường, lúc còn trên bục giảng ta chưa thể hình dung cái ngày phải rời xa nó, cảnh vật đìu hiu khác nào đò chiều chuyến cuối, vọng về trong mơ dư âm tiếng trống trường, cùng những hình ảnh xiết bao trìu mến sân trường vẫn rộn/ tán bàng vẫn vui (Mơ). Cùng mạch cảm xúc, tác giả đi tới một cái nhìn chân thiện về người đồng nghiệp: Em/ ngọn nến/ đốt cháy mình/ thắp lên bình minh ánh sáng. Ngọn nến ấy tự hóa thân để thắp lên bình minh ánh sáng. Tại sao anh không chọn vật thể gì khác, mà cứ phải là ngọn nến? Anh thật có lý, bởi chỉ khi tự đốt cháy mình thì ngọn nến mới tạo ra giá trị cộng sinh. Và anh vô tư phóng bút: Từ trong đêm/ những hình hài/ chập chững đi qua/ lớn dần trí tuệ/ lớn dần đạo lý làm người. Ôi! Rất khiêm tốn nhưng thật là cao cả! Những tâm hồn trẻ thơ tuy trong trẻo, nhưng đó là sự trong trẻo của những hình hài chập chững bước ra từ trong đêm, trong sự trống rỗng trí tuệ và đạo lý. Chỉ tới khi cô tiên hiện hữu thì ánh ngày mới được mở ra, đem đến cho tâm hồn trẻ những chân trời nắng ấm. Ở khía cạnh người cảm thụ, anh tự sự: Tôi lắng nghe/ tiếng gió lùa… Đang nói về ngọn nến bỗng nhắc tới gió lùa, có gì mâu thuẫn chăng? Cuộc đời nhà giáo là thế, biết bao trăn trở với đời, với nghề, với mỗi thân phận học trò, tất cả đó hình thành những cơn gió lùa, khiến ngọn nến càng mong manh, tan chảy… khiến em hiện ra như cô tiên cổ tích: Và/ ngọn nến mong manh/ tan chảy từ thuở hồng hoang/…cô tiên hiện hữu (Ngọn nến).

Sau thời hết mình với nghề, khi được nghỉ ngơi ta mới có dịp sống cùng hoài niệm và “Đêm” chính là thời điểm cảm xúc ấy thăng hoa nhất: Đêm/ bụi phấn ngấm vào sợi tóc/ người lái đò neo giữ hoài niệm/ lữ khách sang ngang. Thường vào lúc ấy, (có thể) người ta khó tránh những phút giây tiếc nuối, khi trong Đêm/ tiếng thạch sùng/ phả vào hơi thở, nhói buốt con tim/ nhưng ngàn ánh sao vẫn sáng, như ngoài kia hừng đông vẫn hiện dần như những trang giáo án của bình minh (Đêm). Một thi phẩm khác cũng khiến ta liên tưởng đến nghề giáo: Ưỡn mình với đêm/ nụ gai run rẩy/ Vắt kiệt nước từ sâu lòng cát/ Ươm nụ hoa tỏa mát hương nồng (Hoa xương rồng). Đến với nghề, bằng sự vắt kiệt mình, “người thầy” luôn thấy mình hạnh phúc, dẫu khi bụi phấn thôi bay/ Vẫn không buông nổi nghiệp này người ơi! (Dẫu khi bụi phấn thôi bay).

Về thực tập tại phố cổ Hội An tháng 12 năm 1982, trong bài thơ viết cho các em học sinh lớp 10G Trường Cấp III Trần Quý Cáp, tác giả tâm sự: Trước các em thầy nói chưa tròn câu/ Trang giáo án bao đêm dài trăn trở/ Bài “Hịch” giảng vẫn còn nhiều bỡ ngỡ/ Mỗi lời văn chưa ấm giọng ngọt ngào. Dẫu vậy, với bản lĩnh của người thầy, Trần Đình không vì cái bỡ ngỡ ấy mà dễ dãi, xuề xòa trước học trò: Lời tâm sự hôm qua còn trăn trở nỗi niềm/ Thầy đã dành cho các em bằng ánh mắt trang nghiêm/ Vì thầy muốn ngày mai các em sẽ cho đời bằng ánh nhìn tha thiết. Ánh mắt hôm nay, thầy gửi vào đó mơ ước của mình, mong ngày sau các em sẽ mang đến cho đời ánh nhìn tha thiết, đó là ánh nhìn đầy lòng nhân ái, bao dung, trách nhiệm trước xã hội. Và, từ trái tim người thầy, trái tim học trò cùng rạo rực niềm tin mãnh liệt, niềm tin nhân văn, nhân hậu cho cuộc đời và cho cả tương lai (Lời thơ cho em).

Mẹ là đại dương ngôn từ cho thi ca. Với Trần Đình, anh vận dụng tinh tế những thi ảnh khá đẹp, để gửi gắm nỗi niềm về mẹ: Bánh đa giòn/ nghiêng vàng sợi nắng/ dáng mẹ giữa đời/ thắp sáng tuổi thơ con (Đồng vọng). Chao ơi! Cái nhìn, cái liên tưởng của anh sao mà độc đáo đến thế! Nắng chiều xiên nghiêng, hắt ánh vàng lên những vĩ bánh đa mẹ đang lật giở hong phơi. Câu thơ bánh đa giòn cho ta biết thế! Và bên vĩ bánh là ai? dáng mẹ giữa đời/ thắp sáng tuổi thơ con. Từ bao giờ mẹ đã hiện thân giữa đời, gom hết nắng mưa, thức khuya dậy sớm… cho tuổi thơ con tươi sáng. Câu thơ vừa thể hiện sự biết ơn vừa bày tỏ một cách sâu đậm tình mẫu tử, chắc chắn Trần Đình đã quan sát khá kỹ mới viết lên được. Một chiêm nghiệm khác của anh, cũng đã làm bao người đọc cay cay sống mũi: Chợ chiều vắt vẻo trăng non/ Đôi vai mẹ trĩu chén cơm cuối ngày. Ở thời điểm cuối ngày, phía đỉnh núi đã vắt vẻo trăng non, mẹ vẫn chưa chịu rời phiên chợ. Mẹ vẫn cố để có thêm cọng rau, con cá (chén cơm) cho chồng, cho con. Đôi vai mẹ từng trĩu nặng nhọc nhằn, nhưng khi chứng kiến hình ảnh ấy giữa cảnh chợ tàn, dáng mẹ càng rõ hơn, thương cảm làm sao. Không chỉ trĩu nặng vì chén cơm, manh áo, mà bao nỗi toan lo gia thế, gia đình đều đặt cả lên đôi vai của mẹ: Thân cò lặn lội bờ sông/ Mẹ tôi gánh nỗi vuông tròn hôm mai. Thường, khi mái tóc đã ngã màu, ta mới có dịp cảm nhận sâu sắc hơn về công ơn cha mẹ. Và, âm hưởng những lời ru của mẹ luôn đi mãi cùng ta: Lời ru thấm khúc vô thường/ Truyện xưa mẹ dạy cương thường đạo con (Lời ru). Trở về chốn cũ cũng là cách để hoài niệm: Thời gian rát buốt nỗi niềm/ Đỏ hoe khóe mắt bên thềm rêu phong (Vườn xưa). Về đây, anh có dịp sống với những kỷ niệm xưa, khiến tâm tư càng lắng đọng, càng rát buốt, càng rớm lệ bên vườn xưa, thềm cũ, phủ kín phong rêu… Viết được những câu thơ như thế, anh quả là người nghĩa trọng ân sâu.

Tập thơ còn cho thấy, anh đã đi khá nhiều, tới những miền quê trên đất nước thân yêu, mỗi nơi đến đều để lại trong anh nguồn cảm xúc dạt dào thi tứ. Nhớ làm sao những đêm vít cong cần rượu, hòa cùng nhịp sống phóng khoáng, yêu đời của bà con các dân tộc Tây Nguyên. Tay tìm tay, những đôi chân trần cuồng nhiệt và tiếng hú đánh thức giấc ngủ chú nai rừng: Cần rượu vít cong rừng núi ngã nghiêng say/ Tay tìm đến bàn tay quanh vòng đống lửa/ Tiếng hú vang con nai rừng thức ngủ/ Những đôi chân trần cuồng nhiệt thuở hồng hoang (Đêm Lang Biang). Phải thực sự hòa mình, Trần Đình mới viết được những câu thơ vừa thực vừa mộng như thế! Từ lâu, anh đã ém chặt trong tim tình yêu Đất Mũi, chỉ chờ có dịp, tình yêu ấy được anh trải ra, như mở cả lòng mình với xứ sở nơi địa đầu yêu dấu: Về đất Mũi Cà Mau/ nơi rừng biển/ chập chùng xanh ngắt/ nơi bình minh/ đỏ ối phía chân trời/ nơi nắng chiều/ lặn ngụp giữa trùng khơi… Sau cảm giác ngây ngất ấy, anh thốt lên không chỉ cho ý nghĩ của riêng mình: Ngắm Đất Mũi/ nghe vọng lời Tổ quốc/ thổn thức tim mình/ với Biển/ Biển ơi! (Một thoáng Cà Mau). Bằng sự sáng tạo của người cầm bút, Trần Đình kết nối với một đồng nghiệp ở Điện Biên để nói lên tình cảm của mình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cái khéo, tại sao anh không chọn một tỉnh nào khác? Bởi địa chỉ ấy đã gắn liền với tên tuổi của vị tướng: Quê em ở Điện Biên/ nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm nên lịch sử/ quê anh Quảng Bình…/ nơi sinh thành/ vị tướng lừng danh/ Hẹn lúc nào/ em đến quê anh/ anh dẫn em thăm/ nơi Người yên nghỉ/ Đảo Yến Vũng Chùa/ bên đường thiên lý/ sóng Hòn La/ nâng cánh gió Đèo Ngang/ Ta tự hào/ Đại tướng của lòng dân/ đem hào khí non sông/ sưởi ấm lòng thời đại/ một nhà giáo đức, tài, nghĩa, nhân/ huyền thoại/ đã hóa thành/ tinh tú giữa trời cao… (Tinh tú giữa trời cao). Trở lại quê nhà, anh thường đến với Trung Thuần, vùng đất lưu dấu ấn khá đậm nét trong anh: Lá rừng nhuộm vàng sợi nắng/ Dòng người viếng mộ Tĩnh Trai/ Khói hương cuộn lên trời thẳm/ Cụ Nguyễn ơi! Chén rượu vơi đầy// Muốn vẽ vào thời gian bức chân dung Tĩnh trai/ Muốn viết lên thời gian tấm lòng cụ Nguyễn/ Lung linh trên đỉnh Chóp Chài (Viếng mộ Nguyễn Hàm Ninh). 

Tập thơ “Tình ca mùa đông” của Trần Đình

Một mảng đề tài khá nóng, được nhiều người quan tâm, đó là cuộc đối mặt với “tên sát nhân” Covid-19: Đất nước/ trải qua trận giáp lá cà với kẻ sát nhân…/ chiếc áo blu cố níu từng hơi thở (Ngọn lửa nhân sinh). Nhưng/ đất nước tôi/ những trái tim cùng chung ý chí/ như tấm vải kết nối từng sợi chỉ/ sức mạnh nhân từ chặn kẻ sát nhân (Xanh trong ngọn gió). Nỗi đau da cam lay lắt bao đời hậu thế. Nhà thơ đã rất tinh tế khi nhìn nhận và khéo léo nhắc gợi: Em không biết chất độc màu da cam là gì/ chỉ biết mình bước đi/ bằng đôi tay gầy guộc của cha/ vặn vẹo uốn mình/ trong mỏi mòn lòng mẹ… (Đôi tay nhìn). Một chút kỷ niệm nhân ba mươi lăm năm ngày cưới, anh cho đó như bản tình ca mùa đông. Bản tình ca ấy được anh chọn làm tựa đề tập thơ, chắc chắn rất nồng nàn và phong phú về giai điệu, mới đủ “can trường” vượt lên ngọn gió vắt ngang/ Ba mươi lăm năm/ bản tình ca mùa đông khắc vào gió chướng/ nước mắt/ nụ cười/ thời gian/ giai điệu bổng trầm (Tình ca mùa đông).

Là một nhà giáo làm thơ, Trần Đình đã cố gắng để bắt nhịp với lối viết mới. Tuy vậy, tập thơ đầu tay không tránh khỏi việc đi lại những vết chân cũ mòn, đôi nơi có thể cho là thừa thãi. Song, cũng qua “Tình ca mùa đông”, ta đã thấy nơi anh, một tiềm năng đầy hứa hẹn. Bởi anh là thi sỹ giàu cảm xúc và sốt sắng sáng tạo: Nắng chiều lóng lánh sông quê/ Ta đi vớt những câu thề thuở xưa (Hoài niệm). Dòng hoài niệm và những câu thề thuở ấy cứ lóng lánh mặt sông quê. Và anh, người say mê vớt nhặt để chế tác, làm đẹp cho đời. Xin chúc mừng anh, sắp ra tập truyện kí “Mảnh đất tình người”! Thời gian trườn qua cuộc đời/ gội sương mái đầu điểm bạc/ bâng khuâng ngoái miền ký ức/ đất cựa mình chồi biếc đơm xuân (Bâng khuâng). Sự bâng khuâng mà mỗi chúng ta từng gặp, khi sống lại miền ký ức là lẽ đương nhiên. Nhưng kia rồi, hãy nhìn phía trước, đất cựa mình chồi biếc đơm xuân. Bởi, với đôi cánh văn nhân, là nhà giáo anh yêu trẻ hết mình, là nhà thơ anh biết cách lấy giọt nắng hồng trong tâm tưởng/ Hòa cùng điệu gió mênh mang… (Tôi muốn). Ta say/ hát giữa đất trời/ ta vui/ nối những nụ cười/ trong veo (Nụ cười trong veo).

“Tình ca mùa đông” của Trần Đình là tập thơ giàu cảm xúc và rất đáng đọc!

N.T.N