17.6.2018-22:45
Nhà văn Trần Đức Tiến
Chân mình vợ người
(Nhân mùa World Cup 2018)
TRẦN ĐỨC TIẾN
NVTPHCM- Cầu thủ trẻ giống như nhà văn trẻ. Thần đồng, thiên tài đến mấy cũng phải mài đũng quần trên ghế dự bị. Đến lúc vào sân, có anh nổi đình nổi đám, có anh lóng ngóng chả nên cơm cháo gì. Suốt cuộc đời hành nghề, làng nhàng không thiếu, loé sáng ít hơn, lóe càng sáng thì tắt càng lịm…
Trong bài bình luận về một trận đấu đăng trên tờ nhật báo bóng đá nổi tiếng L’Équipe của Pháp có đoạn: “Chính quả bóng thay đổi nhịp điệu và tạo ra tốc độ, chứ không phải do các cầu thủ chạy nhanh. Sự thay đổi nhịp điệu là quan trọng hơn chính nhịp điệu. Khi ta chạy nhanh, nên dừng lại đột ngột để gây bất ngờ. Và khi ta đi bóng chậm thì nên đột ngột tăng tốc cũng để gây bất ngờ”.
Cảm nhận về trận bóng như thế thật chẳng khác mấy cảm nhận về một tác phẩm văn chương. Rất có lý. So một trận đá bóng với một truyện ngắn tưởng không đến nỗi lởm khởm. Cầu thủ sai khiến bóng thì nhà văn sai khiến chữ. Rườm rà chậm chạp tất nhiên là dở rồi. Nhanh nhẹn khéo léo nhưng đều đều một điệu chưa chắc đã hay. Tối quan trọng là tiết tấu. Lúc nhẹ nhàng khoan thai, lúc gấp gáp hổn hển. Đang bật tường qua lại phía sân nhà như không có gì xảy ra, bỗng vọt một đường chuyền vượt tuyến, một cú chọc khe xẻ nách đối thủ. Như khúc cua gấp trong mạch văn. Nó thức tỉnh người xem. Làm người xem giật mình, mừng, lo, toát mồ hôi. Giữ chặt lấy họ đến phút cuối cùng. Tuyệt đỉnh công phu đấy. Chứ đâu như mấy ông bình luận trên đài bảo chơi thế là đơn giản, thực dụng.
Cầu thủ trẻ giống như nhà văn trẻ. Thần đồng, thiên tài đến mấy cũng phải mài đũng quần trên ghế dự bị. Đến lúc vào sân, có anh nổi đình nổi đám, có anh lóng ngóng chả nên cơm cháo gì. Suốt cuộc đời hành nghề, làng nhàng không thiếu, loé sáng ít hơn, lóe càng sáng thì tắt càng lịm. Lại có cả những thiên tài không gặp thời, đôi chân vàng, cây bút vàng mà suốt đời như kẻ ngoài cuộc.
Nói về sự tương đồng giữa bóng đá và văn chương thì nói đến… World Cup sau cũng chả hết. Có những hiện tượng, thoạt đầu khiến ta khó chịu, nhưng sau ngẫm lại thấy buồn cười. Những ông lão cố sống cố chết bám sân. Những anh chàng bị thay ra giữa chừng, vùng vằng cởi áo ném xuống đất, thuận chân đá văng chai nước, mặt mũi sưng sỉa. Những anh khác đòi đá với người này, không đá với người kia, có tao không mày, thậm chí còn đòi thay cả huấn luyện viên trưởng… Công thần, kiêu ngạo, hoang tưởng, ông trời con, bệnh nào cũng có. Nhưng có lẽ căn nguyên của mọi thứ đáng ghét đó lại là một thứ ít đáng ghét hơn, tạm gọi là bệnh “chân mình, vợ người”! Hệt như thứ bệnh phổ quát văn mình, vợ người mà đã là nhà văn thì ít ai tránh khỏi.
Tuy thế, bóng vẫn có những chỗ khác văn. Chẳng hạn: bóng phải chơi tập thể, còn văn thì chơi một mình. Đã là nhà văn cứ một mình với computer đá thoải mái, không cần giờ giấc, bất chấp luật lệ, không huấn luyện viên cũng chẳng trọng tài. Tuýt còi, việt vị, phạt đền, thẻ vàng thẻ đỏ… tính sau. Tức là có thể lãnh đủ khi trận đấu kết thúc. Trên sân cỏ trả đũa nhau bằng đá nguội, thúc cùi chỏ, sưng chân u đầu cũng chỉ xịt cho tí thuốc tê rồi kéo nhau đứng dậy. Trường văn trận bút lại dùng đòn âm, một chữ quăng ra đủ cho đối phương thành tật cả đời. Cuối cùng, chỗ nào có bóng đá là có nhà văn ăn theo. Nhà văn bình luận, tường thuật, làm thơ bóng đá long sòng sọc. Thế nhưng khi nhà văn công bố tác phẩm thì không khí nói chung lại diễn ra vô cùng êm ái. Năm trăm, một nghìn cuốn in ra phục vụ 90 triệu dân. Nhiều “kiệt tác” ế thiu ế chảy ngoài cửa tiệm. Lỗi tại ai? Có phải do văn hoá đọc thụt lùi? Nhưng đến nhà văn cũng chả thèm đọc của nhau, trách gì dân đá banh, đấm bốc.
>> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…