Trần Dũng, Nhà văn của chữ “kì”

1851

Trầm Thanh Tuấn

(Vanchuongphuongnam.vn) – Phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, kì ảo là một phần không thể thiếu trong vô thức cộng đồng, làm nên những đặc trưng trong vũ trụ quan, nhân sinh quan cũng như trong tư duy nghệ thuật.

Nhà văn Trần Dũng

Tôi muốn khái quát đặc điểm thi pháp truyện kí Trần Dũng xoay quanh chữ “kì”. Trong Hán tự thì kì được giảng là Lạ lùng, ít thấy, không giống với xung quanh (Nguyễn Quốc Hùng – Hán Việt Tân Tự Điển). Thiều Chủ thì lại có ý kiến: Kì có nghĩa là Lạ. Vật hiếm có mà khó kiếm gọi là kì. Khiến cho người không lường được cũng gọi là kì (Từ điển Hán Việt).

Phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, kì ảo là một phần không thể thiếu trong vô thức cộng đồng, làm nên những đặc trưng trong vũ trụ quan, nhân sinh quan cũng như trong tư duy nghệ thuật. Mặc dù truyện kí vốn là một thể loại với yêu cầu nghiêm ngặt là phải gắn chặt với yếu tố hiện thực hơn bất kì một thể loại nào khác nhằm ghi lại một cảnh vật con người mà nhà văn mắt thấy tai nghe qua đó biểu hiện trực tiếp khuynh hướng cảm nghĩ của tác giả. Thế nhưng khi tiếp cận thể loại này Trần Dũng đã khéo léo “cài” vào đó những yếu tố “kì” nhằm lôi cuốn người đọc bước chân vào thế giới của những huyền thoại dân gian luôn song hành với quá trình hình thành nên mảnh đất Trà Vinh thân yêu. Tôi gọi đó là “kì thổ”, “kì nhân” hai yếu tố đan dệt nên một phong cách truyện kí độc đáo của Tràn Dũng trong việc đi tìm và khám phá vẻ đẹp của đất và người Trà Vinh.

1. Kì thổ trong truyện kí Trần Dũng

Không chỉ nhìn Đất Trà Vinh bằng con mắt địa lí mà Trần Dũng còn nhìn bằng con mắt lịch sử, con mắt văn hóa dân gian thế nên những gì là đặc trưng nhất của một vùng đất qua ngòi bút của nhà văn đều trở nên lung linh huyền ảo.

Soi chiếu những tiền đề lí luận về không gian nghệ thuật trong thi pháp học vào thực tế sáng tác của Trần Dũng, bạn đọc dễ dàng nhận thấy: trong kí Trần Dũng không gian sông nước là không gian chiếm vị trí chủ đạo. Hình tượng sông nước trở đi trở lại trong kí Trần Dũng như một hình tượng nghệ thuật mang tính quan niệm. Tên của ba tập kí tiêu biểu của anh, đồng thời là tên của ba tác phẩm tiêu biểu, đều có liên quan đến không gian sông nước: Sóng cửa sông, Theo sóng Cần Chong, Sóng bủa Cồn Ngao.

Tôi muốn bắt đầu viết về những dòng sông trong kí Trần Dũng bằng những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca “Mặt đường khát vọng”

Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gọi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi…

Giống như những cây đại bút trong thể kí như Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, khi viết về dòng sông Cổ Chiên quê hương, Trần Dũng luôn thường trực khát vọng tìm đến ngọn nguồn của chúng. Dưới góc nhìn địa lí, Trần Dũng đã có 2 trang sách tài hoa khi vẽ lại thủy trình của dòng sông: ” Sông Cổ Chiên, sau khi tẻ nước từ dòng Tiền Giang, đoạn phía trên thị xã Vĩnh Long một đỗi, đã ung dung thẳng tiến ra biển Đông, trở thành đường ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Bến Tre bên tả ngạn và hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh bên hữu ngạn. Càng về phía biển, mặt sông càng mở rộng mà đoạn cuối cùng từ bờ Thạnh Phú nhìn sang giang cây phía Cầu Ngang dễ cũng không dưới tám cây số chiều ngang. Có lẽ, để cho đôi bờ gần lại, cho lòng người không quá xa nhau, dòng sông đã lẵng lặng từ ngày này sang ngày khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, vận chuyển từng hạt phù sa từ xa tít bên Vân Nam Trung Quốc, từ Biển Hồ Nam Vang… về đây tích tụ thành dãy đất cù lao nhìn ra đại dương bao la sóng nước”.

Không biết có phải ngẫu nhiên hay không khi viết về các dòng sông điểm chung của các tác giả thường nhân cách hóa chúng. Nếu Nguyễn Tuân thấy ở con sông Đà có tính cách vừa hung bạo vừa trữ tình, có khi lại như là một “cố nhân” trong thiên tuyệt bút “Sông Đà” thì Hoàng Phủ Ngọc Tường lại xem sông Hương là người gái đẹp ngủ mơ màng đi tìm người tình mong đợi là thành phố Huế trong ” Ai đã đặt tên cho dòng sông?”. Trong đoạn bút kí trên Trần Dũng cũng đã sử dụng nhân cách hóa như thủ pháp chủ đạo để dòng sông như một sinh thể. Đồng thời bằng cái nhìn khái quát nhưng tinh tế về cù lao Cổ Chiên, tác giả đã tạo dựng nên một đoạn văn đặc sắc. Tôi cho rằng đây là đoạn văn hay bậc nhất trong những tác phẩm kí của Trần Dũng mà tôi biết: “Lần đầu tiên đặt chân đến dải đất cù lao Cổ Chiên giữa con nước rong rằm tháng Mười âm lịch, tôi như bị rơi vào trạng thái choáng ngợp giữa cái mênh mông, hùng vĩ của những ngọn sóng cửa sông. Giữa tứ bề mênh mông nước và nước, vô hồi gió và gió, điệp trùng sóng và sóng. Những ngọn sóng khởi nguồn từ thăm thẳm tít ngoài xa khơi, được những cơn gió chướng đầu mùa tốc dậy bạc đầu kéo nhau xô thẳng vào bờ. Hết ngọn này đến ngọn khác, ngày đêm bất tận. Sóng đẩy triều lên như bao binh tướng của chàng trai si tình Thủy Tinh ngày nào háo hức mong tìm lại người xưa. Bãi cát vàng phẳng phiu trải dài từ con giồng Thủ Trước ra mép biển đang phơi mình trong ánh nắng cuối ngày phút chốc đã chìm sâu vào đáy nước. Nước men theo đám dừa nước chồm lên, chồm lên mãi. Bất giác, tôi hơi hoảng: Cái cù lao mười lăm cây số chiều dài, hơn ba cây số chiều rộng có thể bị sóng nước nhấn chìm xuống lòng sông mênh mông bất cứ lúc nào. Vậy mà đằng sau tuyến đê bao bé tí tẹo như sợi chỉ mành vắt ngang cơn sóng dữ, bao thế hệ cư dân ở đây vẫn bình thản sống, bình thản khai cơ lập nghiệp, bình thản sanh con đẻ cái và bình thản chơi đùa.”

Mỗi dòng sông lớn xuất hiện trong kí Trần Dũng không đơn thuần là con sông của địa lí mà bao giờ chúng cũng mang trong lòng mình dấu ấn của lịch sử, dấu ấn văn hóa, dấu ấn của cuộc đời những lưu dân xuôi theo con nước về vùng đất mới khai cơ lập địa.

Trong bài kí Sóng cửa sông, dòng sông Cổ Chiên được tác giả phủ lên tấm voang bảng lảng sắc màu của huyền tích về Đức Nguyễn Ánh trên bước đường lưu lạc. Đó là hệ thống truyền thuyết: truyền thuyết Đức ông Nam Hải (cá voi) đã đưa đám tàn quân qua sông và Lang lại tướng quân (rái cá) đã lăn mình xóa dâu quân đi giúp quân Nguyễn Ánh thoát khỏi sự truy sát của quân nhà Tây Sơn, truyền thuyết về “Giếng vua”, truyền thuyết về tên gọi Cổ Chiên. Chính sự am tường sâu sắc vốn văn hóa dân gian ấy mà thiên bút kí của anh thu hút và giúp người đọc “thay đổi vị giác”. Dẫu biết rằng phương thức miêu tả luôn là phương thức biểu đạt chủ công trong thể loại bút kí, tuy nhiên kí Trần Dũng luôn là sự hòa quyện của nhiều phương thức biểu đạt khác nhau. Những trường đoạn tự sự dân gian được đặt đúng chỗ đã nâng giá trị của tác phẩm lên một tầm cao mới.

Như một sự lặp lại có ý thức, trở thành một đặc trưng trong phong cách kí Trần Dũng, trong hai thiên bút kí đặc sắc khác Theo sóng Cần Chong, Sóng bủa Cồn Ngao, Trần Dũng đã tiếp tục phát huy ưu thế này.

Trong bài kí Theo sóng Cần Chong, người đọc sẽ hết sức thú vị khi Trần Dũng đã tái tạo cuộc đối thoại giữa Nguyễn Ánh và cha cố Bá Đa Lộc dưới những cội bần bên dòng Cần Chong mà sau này những cội bần ấy đã được nhà Nguyễn cho đổi tên là “thủy liễu”. Năng lực liên tưởng tưởng tượng của tác giả đã được phát huy cao độ. Đồng thời bằng những hiểu biết căn cơ về lịch sử và văn hóa, Trần Dũng đã thật sự thành công trong việc “tạo không khí cổ kính” cho cuộc đối thoại. Nhưng chính yếu, tôi nghĩ, không đơn giản đây là cách để tác giả “khoe sử” mà đây là một chi tiết có ý thức nhằm minh chứng cho một cái nhìn nhất quán trong nghệ thuật kí Trần Dũng: Mỗi dòng sông đều chứa đựng trong nó những số phận lịch sử. Đồng thời cũng chính những dòng sông ấy đã hun đúc nên phẩm cách của con người. Thế nên, từ sự kiện lịch sử ấy mà dòng Cần Chong đã sản sinh cho quê hương Tiểu Cần biết bao tấm gương anh hùng nghĩa sĩ, những con người độc đáo phi thường như: Võ Sĩ Sáu Cường, Ông Trùm Thăng, má Năm Hường hay nhạc sĩ Phố Thu.

Tôi luôn hình dung đến một sợi dây vô hình đã nối kết quá khứ và hiện tại trong kí Trần Dũng, sợi dây ấy đã song hành cùng dòng chảy của những dòng sông. Chính điều ấy đã tạo nên không gian nghệ thuật đặc trưng trong kí của Trần Dũng.

2. Kì nhân trong truyện kí Trần Dũng

Nếu Đất Trà Vinh hiện ra trong kí Trần Dũng đẫm màu “kì thổ” thì người Trà Vinh lại luôn được anh xem là những “kì nhân” với những phẩm cách anh hùng đáng trân trọng.
“Sóng cửa sông” ra được xuất bản năm 2006, là trái ngon đầu mùa của Trần Dũng trên mảnh đất kí văn học hãy còn khá hoang sơ trên mảnh đất Trà Vinh thân yêu. Tập kí là một bước dài khẳng định sở trường đặc biệt của nhà văn trên thể loại này. Khi đọc tập kí này người đọc luôn có cảm giác mình đang đứng trước những bức truyền thần. Trần Dũng đã “vẽ” nhân vật mình thật sống động bằng thứ ngôn từ đằm sâu hơi thở phù sa của những dòng sông cuộn chảy mãi miết.

Đọc truyện kí “Kẻ phản bội”, người đọc có thể băn khoăn về tính “chân thực” của câu chuyện. Từ một câu chuyện rất thô mộc trong những năm chống chính quyền Ngô Đình Diệm mà tác giả nhặt nhạnh được trong những chuyến điền dã, Trần Dũng đã khoác lên mình nhân vật mình những tính cách anh hùng nghĩa hiệp vẫn rất thường thấy trong những trang tiểu thuyết Tàu vẫn lưu truyền rộng rãi trong miền Nam trước giải phóng.

Nếu ở những tác phẩm khác nhân vật của anh để lại ấn tượng trong lòng người đọc chủ yếu ở tính cách hành động thì trong tác phẩm này nhân vật của anh được nhìn trong sự kết hợp giữa hành động và những phản ứng tâm lí. Hãy xem anh miêu tả tổng thống Ngô Đình Diệm: “Bổng nhiên ngài nhớ lại những hồi trống “Tiền bần hậu phú” ở điện Thái Hòa mấy năm trước vẫn đều đặn cất lên khi ngài vào chầu Hoàng đế khải Định. Khi ấy, quả có nằm mơ ngài cũng không thể nào tưởng tượng nổi sẽ có một ngày nào đó ở cái xứ sở Long Vĩnh xa xôi này, ngài lại dẫn đầu một đoàn văn võ bá quan bước lên lễ đài trong hồi trống uy nghi ấy. Gương mặt hoan hỉ, Ngô tổng thống nhìn Tỉnh trưởng Lương Duy Ủy bằng cặp mắt hài lòng của mình về phía Hương Quản Thiển, khiến lão sung sướng đến ngây người […].

Khi viết những dòng này về chân dung tổng thống Ngô Đình Diệm, tác giả đã có những nghiên cứu kĩ lưỡng công phu về hành trạng của nhân vật. Ngô Đình Diệm trước đây vốn là thượng thư của triều đình nhà Nguyễn. Thế nên những ấn tượng về lễ nghi, thể thức âm nhạc khánh tiết của triều đình trong Ngô tổng thống là rất sâu sắc. Hiểu tấm lí này, nên việc khát khao làm hài lòng tổng thống, khiến bọn tay sai dễ dàng trao cho ông Hai Tất nhiệm vụ quan trọng đánh hai bài trống: Tiền bần hậu phú và Nghinh thiên tiếp giá để đón Ngô Tổng thống trong ngày trọng đại, về xứ Long Toàn khánh thành khu trù mật Cái Đôi. Trong cái thời khắc quyết định, Hai Tất đã hô to “Đả đảo Ngô Đình Diệm! Hồ Chí Minh muôn năm” trong sự ngỡ ngàng của bọn ngụy quân ngụy quyền rồi nhanh chóng tẩu thoát vào trong rừng. Điểm sáng của tác phẩm này chính là tình huống bất ngờ “tháo nút” cho câu chuyện. Ông Hai Tất lúc đầu mang danh là “kẻ phản bội” khi tiếp tay cho chính quyền ngụy quân nguỵ quyền vận động bà con ra ở khu trù mật, rồi lại đích thân đánh hai bài trống để đón tiếp Ngô Đình Diệm. Nhưng kết thúc truyện, tình huống đã đảo ngược hoàn toàn. Đến lúc này người đọc mới vỡ lẽ ra ông Hai Tất là “kẻ phản bội” ai. Câu truyện thú vị hàm chứa sự khâm phục về tinh thần quả cảm, sự thông minh tài trí của người Trà Vinh trong “cuộc đấu trí” cam go với kẻ thù. Như vậy ông Hai Tất chẳng phải là một dạng “kì nhân” đó sao?

Đọc “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi người đọc thật thấm thía trước những điều mà bậc vĩ nhân của thời đại Lam Sơn đã thay mặt Lê Lợi tuyên cáo trước trăm họ:

Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn
Đem chí nhân để thay cường bạo

Dân tộc này đau thương trong dặm dài lịch sử phải liên tục chống ngoại xâm. Nhưng ngời lên trên cả vẫn là tinh thần nhân hậu bao dung kể cả đối với những kẻ thù tàn bạo nhất. Đọc kí Trần Dũng, truyện kí “Chuyện chưa kể ở một xã anh hùng”, tôi xúc động đến rưng rưng khi đọc đến cuối tác phẩm: ” Cô Bảy Chúc xoay người lại, nhìn thẳng vào đám đông quá khích cùng những ánh dao loang loáng:

Tôi yêu cầu các đồng chí , anh em lui ra ngay. Dân Mỹ Long anh hùng không hèn hạ trả thù người đã chết!

Không biết từ bao giờ má Sáu và chị Năm Chói đã có mặt, tận mắt nhìn thi thể tên giặc mười năm trước từng tự tay cắt lấy đầu chồng con mình. Giọng má Sáu nghẹn ngào:

Đừng cắt đầu con người ta, các con ơi!

Nghe giọng nói ru run, đứt quãng của người mẹ từng sống trong tận cùng của sự đau khổ, những ánh mắt quá khích chợt chùng hẳn xuống. Những con dao được mài sáng loáng nhẹ nhàng rơi xuống đất”. Những lời nói nghĩa tình ấy được thốt ra từ người mẹ đã từng phát rồ khi con mình là liệt sĩ Năm Chói bị giết và bị chặt đầu, thân xác không nguyên vẹn, thân một nơi đầu một ngả. Những lời ấy được thốt ra từ chị Bảy Chúc, người đã bất chấp hiểm nguy để tìm lại thủ cấp cho người đồng đội đã hy sinh anh hùng. Ôi! Thật nhân hậu biết bao, vị tha biết bao tấm lòng của những người phụ nữ kiên trung trên mảnh đất Mỹ Long bất khuất. Và vì thế theo tôi, đây cũng là một “kì nhân” đã làm được những điều phi thường một người phụ nữ bình thường của đất Trà Vinh

Ở những truyện kí khác, cũng là Đất, là Người Trà Vinh anh hùng nhưng anh luôn cho người đọc “thay đổi khẩu vị” bởi cách khai thác xử lí đề tài, khắc họa đối tượng thẩm mĩ biến hóa linh hoạt. Có khi là một lát cắt lịch sử gắn với hành động cụ thể của những con người cụ thể như trong truyện kí “Như ngọn triều dâng”, có khi đó là những ống quay cận cảnh chân dung những anh hùng với những chiến công thầm lặng. Tôi thích những tính cách anh hùng trong kí Trần Dũng bởi những anh hùng ấy không phải là những nét vẽ uy nghiêm đạo mạo của những bức tượng được thờ phượng trên đền. Những anh hùng trong văn Trần Dũng nồng nàn hơi thở của cuộc sống bình dị đời thường. Hãy đọc những đoạn văn anh viết về anh hùng Hồ Đức Thắng, viết về cuộc hội ngộ hiếm hoi của anh với người vợ trẻ: “Đôi vợ chồng trẻ bất ngờ tao ngộ trong căn chòi xinh xắn giữa rừng, không một bóng người qua lại, sau hơn năm dài xa cách. Chị nghe như từ xa tít ngoài biển Đông, những ngọn sóng kéo nhau về, rồi vỡ òa vào bờ. Ngọn sau như mãnh liệt hơn, nồng nàn hơn. Chị thấy mình cứ bồng bềnh, bồng bềnh trên những ngọn sóng rất hư và rất thực ấy. Cả cánh rừng ngập mặn như rung lên trước nỗi niềm của đôi vợ chồng trẻ trong ngày vui hiếm hoi ngắn ngủi.

Khi những ngọn sóng hạnh phúc lắng lại, gối đầu vào tay chồng, vuốt nhẹ những sợi tóc lòa xòa trên vầng trán rộng lấm tấm mồ hôi, chị mới kịp quan sát kĩ. Anh vẫn trẻ trung, hăng hái như ngày nào nhưng nước da sạm đen hơn, đôi mắt rắn rỏi hơn, nụ cười cương nghị hơn. Hai giọt nước mắt cứ lăn dài trên má mà chị không buồn ngăn lại”.

Với những truyện kí về anh hùng thiếu tướng nhà văn Bùi Cát Vũ, về thi tướng Huỳnh Văn Nghệ (“Cặp hùm thiêng vùng đất đỏ miền Đông”), về “Hùm xám Tiểu Cần” Nguyễn Văn Hơn, giá như những tác phẩm này đến được với những đạo diễn tài hoa, tôi nghĩ đây sẽ là gợi ý cho những bộ phim hay đóng góp vào nền điện ảnh nước nhà.

Không chỉ đề cập đến những anh hùng trong chiến đấu, anh còn tiếp tục khắc họa chân dung của những anh hùng trong cuộc sống đời thường. Đất nước đi qua hai cuộc kháng chiến trường kì biết bao nỗi đau đã tự lên tiếng ngay trên chính thân xác của những con người bước ra từ cuộc chiến. Câu chuyện về vợ chồng thương binh 1/4 Lê Văn Lục và Cam Thị Cúc trong truyện kí “Hai nửa của một danh hiệu anh hùng” là một trong những giai điệu đẹp làm nên bản trường ca bất tận mang tên “SỨC MẠNH CỦA CON NGƯỜI”.

Trong truyện kí của Trần Dũng tôi còn thấy anh luôn dành những góc trang trọng để tôn vinh những con người từ khi sinh ra đời vốn đã chịu nhiều thiệt thòi vì cơ thể không lành lặn. Những câu chuyện về Hai Thọ Năm Tài (“Cây xương rồng trổ hoa”), những người đã tự chế chiếc xe lắc tay rồi xe ba bánh gắn máy dành cho người khuyết tật; những câu chuyện xoay quanh chàng trai khiếm thính bẩm sinh Võ Thanh Tùng đã dạt chuẩn huyền đai đệ nhị đẳng (môn võ Teakwondo) rồi mở lò dạy võ tại quê nhà (Truyện kí “Có một chàng trai như thế”). Tôi đọc tất cả những truyện kí ấy để thêm một lần xác tín lời của nhà văn người Mỹ lừng danh thế giới Ernest Hemingway : “con người có thể bị tiêu diệt chứ không thể bị đánh bại “, “con người được sinh ra không phải để dành cho sự thất bại”.

Trên mảnh đất Trà Vinh hãy còn lắm nghèo khó nhưng cũng là nơi để những “kĩ sư chân đất” ươm mầm sáng tạo. Ngòi bút của Trần Dũng cũng kịp tìm đến họ như là một minh chứng: Con người Trà Vinh anh hùng trong mọi thời. Những tác phẩm truyện kí về “Chuyện Dũng Đen”( ), “nhà sáng chế” chiếc máy đào hút bùn chuyên dụng đào, sên mương tôm, san lấp mặt bằng, thi công thủy lợi nội đồng; về “Vua măng cụt” Lưu Văn Nhiều trên mảnh đất cù lao Tân Quy cây lành trái ngọt luôn là những trang văn ăm ắp ánh nhìn trìu mến về những con người đã làm sáng danh quê hương bằng đôi bàn tay cần mẫn, khối óc sáng tạo.

“Sóng cửa sông” tuy là tập truyện kí đầu tay nhưng là một tác phẩm quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của Trần Dũng trên nhiều phương diện nghệ thuật. Tập truyện kí này như khúc dạo đầu đầy thanh sắc của một bản trường ca đẹp về ĐẤT và NGƯỜI Trà Vinh.
Năm 2009, giới văn nghệ Trà Vinh vui mừng đón chào một đứa con tinh thần nữa của Trần Dũng ra đời, tập truyện kí “Theo sóng Cần Chong”. Đây có thể xem là một bước tiến mới của Trần Dũng trên lãnh địa mà anh đã nhiều năm “thâm canh”, một bước đi dài thể hiện sự trưởng thành trên nhiều phương diện. Đọc “Theo sóng Cần Chong”, một điều dễ dàng nhận thấy, đây vẫn là một sự tiếp nối của “Sóng cửa sông”, tập truyện kí đầy đặn mà anh đã cho xuất bản từ năm 2006. Cũng là những miền đất Trà Vinh mà anh đã từng qua để rồi đằm sâu duyên nợ, cũng là những con người Trà Vinh anh đã từng gặp để rồi luyến nhớ đến nao lòng, nhưng cái nhìn ở trong tập kí này đã đa chiều hơn, đi sâu hơn vào bên trong để khám phá hết vẻ đẹp của đối tượng, chất văn đã phủ kín trên từng câu chữ quyết khước từ lối viết phóng sự báo chí “người thật – việc thật” vốn rất dễ gặp khi đọc kí văn học.

Bàng bạc trong tập truyện kí “Theo sóng Cần Chong”, người đọc luôn nhận thấy một sự tiếp nối, hồi cố giữa hiện tại và quá khứ và niềm tin vào một tương lai tươi sáng. Tập kí này của Trần Dũng vẫn là sự tiếp nối một lối viết đã được định hình. Đó là sự hòa quyện bền chặt giữa “kí” và “truyện” trong từng tác phẩm. Để dựng chân dung một con người, chân dung một vùng đất, Trần Dũng luôn đan cài vào đó những câu chuyện lịch sử, huyền sử đắc địa vừa sống động tinh khôi vừa pha màu huyền thoại. Trong tập truyện kí này người đọc không khó khăn khi bắt rất nhiều “kì nhân”.

“Theo sóng Cần Chong”, truyện kí mở đầu cho tập truyện kí ăm ắp chuyện xưa chuyện nay, chuyện mới chuyện cũ về giáo xứ Công giáo xưa nhất và lớn nhất đồng bằng như trở nên lung linh sống động trên những trang văn của Trần Dũng. Đó là chuyện về “kì nhân” võ sư Sáu Cường đã làm rạng danh đất mẹ Cần Chong trên toàn cõi Nam Kì bằng cú đá liên hoàn danh trấn. Đó là ông Trùm Thăng người có gần tám mươi năm đảm nhiệm cương vị người đứng đầu giáo xứ Công giáo xưa nhất và lớn nhất đồng bằng với chiến công đả hổ và thành tích chỉ huy xây dựng ngôi thánh đường cổ đang ngày đêm soi bóng xuống dòng Cần Chong hơn trăm năm. Đó là chuyện về má Năm Hường trong ngày thống nhất lần gậy trúc ra xã nhận một lượt về mười bằng tổ quốc ghi công, bao gồm sáu người con, một con rể và ba người cháu ngoại. Đó là nhạc sĩ Phố Thu, người đã có một vị trí vững chắc trong lòng người yêu nhạc nhưng cuộc đời riêng lại lặng lẽ bên quán cà phê còm cõi nép mình bên dòng Cần Chong.

Chắc có lẽ, là một người nghiên cứu lịch sử, Trần Dũng quan niệm, những câu chuyện của ngày hôm nay đều bắt rễ sâu từ câu chuyện của ngày hôm qua. Đọc từng tác phẩm trong tập truyện kí này người đọc có thể dễ dàng nhận ra mối liên hệ bền chặt giữa hiện tại và quá khứ. Chẳng hạn trong truyện kí “Khi đất hóa rồng”, để khơi màu cho những bức chân dung anh hùng trong chiến tranh trên vùng đất Nhị Long kiên trung như cựu du kích Trần Văn Bắc, như chú Sáu Mì người giao liên chế tạo và trực tiếp điều khiển những chiếc xuồng bằng vỏ bom săng đặc trong những năm kháng chiến ác liệt của dân tộc, Trần Dũng đã tái dựng chân dung cụ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa thanh liêm khí phách, dũng lược chống lại cường quyền bảo vệ dân lành hai bên bờ kinh Láng Thé năm xưa như một sự lí giải: “Chắc hẳn khí phách của cụ thủ khoa vị nghĩa vong thân và các bậc liệt tổ liệt tông vẫn còn tồn lưu trong huyết quản, khiến cho người dân Nhị Long khi sinh ra đã là thân cứng lá dai, vững vàng trước mọi giông bão của cuộc đời”.

Chúng tôi vẫn đánh giá cao Trần Dũng như một tác giả đặc biệt có biệt tài dựng chân dung anh hùng với những nét truyền thần pha lẫn một chút bảng lảng sắc màu huyền thoại. Sở trường này đã giúp Trần Dũng tiếp tục thành công trong việc khắc họa những tính cách anh hùng trong những trang kí sống động trong “Theo sóng Cần Chong”. Đó là chân dung bậc túc Nho cuối cùng trên đất Trà Vinh, cụ Trần Long Chu (“Chim ưng đỏ”), anh hùng “hiển thánh” Nguyễn Hòa Luông – nguyên chỉ huy trưởng Công an xung phong huyện Cầu kè thời chống pháp (Hai người đàn bà trong đời vị anh hùng). Đó còn là chân dung “Người con của đất”, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thượng tá trưởng công an huyện Cầu Kè Nguyễn Thành Thiên, chàng “Trương Chi” Út Hiệp tật nguyền vượt lên số phận trên bến vắng Cà Tum (Chàng Trương Tri trên bến vắng Cà Tum) hay “hữu nhân vô ảnh” Bảy Quý

Tôi thích những đoạn Trần Dũng viết về Trần Long Chu, một nhà Nho cuối cùng trên mảnh đất Mỹ Long giàu truyền thống Cách mạng trong truyện kí “Chim ưng đỏ”. Đặc biệt là đoạn “biện Nho” giữa cậu Nho sinh Trần Long Chu và nhà Nho đã thành danh, Mai Thọ Truyền, chủ quận Cầu Ngang. Sự khảng khái, tinh nhại của chàng trai trẻ mới tập tễnh bước ra từ cửa Khổng sân Trình trước một người đứng đầu một quận với biết bao quyền uy thế lực khiến tôi không khỏi liên tưởng đến đoạn Khổng Minh áp chế quần Nho trên đất Ngô xưa trong truyện Tam quốc bên Tàu. Càng thích thú hơn khi đọc đến đoạn xử lí mưa trí của thầy lang Trần Long Chu nghĩa đảm trong cuộc giải vây cho những đồng chí của mình vòng vây của kẻ thù độc hiểm. Ở Trà Vinh tầm được những “chất liệu độc” như thế chắc chỉ có Trần Dũng!

Bên cạnh đó với một loạt những truyện kí về hành trạng, chiến công của những nhân vật anh hùng như: Nguyễn Hòa Luông, “hữu nhân vô ảnh” Bảy Quý đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đặc biệt. Đây là những nhân vật mang đậm dấu ấn của những anh hùng Lương Sơn trong truyện Thủy Hử.

Trong tập Sóng bủa Cồn Ngao, người đọc còn bắt gặp những kì nhân khác trong chiến đấu cũng như trong lao động sản xuất hằng ngày trên mảnh đất Trà Vinh vốn còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Tôi xúc động khi đọc bài Người phu lục lộ nhân dân bởi đây là câu chuyện về một người đàn ông Khmer ở ngay tại nơi tôi sống. Một người đàn ông nghèo nhưng tấm lòng thơm thảo. Ông đã làm được một việc mà có thể trong mắt mọi người đây là “việc lạ”: Khi mưa đến trên con đường đất bắt đầu có nhiều chỗ đọng nước gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, ông Kim Huyên đã vác cuốc đi đào đắp, vá sửa những con đường trong ấp với tinh thần “Hồn nhiên ăn cơm nhà, hồn nhiên lo chuyện lối xóm” mà không nhận bất cứ một đồng thù lao nào từ chính quyền địa phương. Từ một câu chuyện của thực tại Trần dũng đã khéo léo dẫn người đọc lần giở từng trang đời của người đàn ông đặc biệt ấy để nhằm tô đậm thêm nhiều yếu tố “kì” trong cuộc đời bị vây bủa bởi bao bão táp phong ba. Để rồi khi khép lại trang kí,dư âm là những dòng xúc cảm rưng rưng.

Một “kì nhân” khác trên mảnh đất cù lao Hòa Minh một thời hoang sơ nghèo khó, cô giáo Trần Thị Mỹ Duyên trong truyện kí Người đàn bà gánh chữ vượt sông, cũng đã được nhà văn Trần Dũng khắc tạc một cách hết sức sinh động. Tôi gọi đây cũng là một “kì nhân” bởi bên trong một người phụ nữ nhỏ nhắn lại là một nghị lực phi thường, một tình yêu lớn lao đối với sự nghiệp trồng người, một cô gái đã dám từ bỏ đời sống nhung lụa để dấn thân vào một cuộc trường trinh gian khổ chiến đấu với “cái đói”, “cái dốt” trên mảnh đất cù lao bốn bề sóng nước mà không phải ai cũng làm được.

Còn biết bao “kì nhân” khác đã xuất hiện trong kí Trần Dũng. Người đọc cảm thấy xúc động trước chân dung của cô Trần Thanh Hồng nguyên là chủ tịch liên đoàn lao động Tỉnh Trà Vinh qua những lần cô đối đầu trực diện với địch mà đặc biệt là những lần cô đã dũng cảm “vượt qua chính mình” trong truyện kí Người đàn bà vượt sóng. Tôi đọc màn đấu trí giữa ông Lâm Sắc người cán bộ Khmer Trà Cú với bọn địch mà không khỏi không liên tưởng đến trường đoạn Không thành kế và tiếng đàn bí ẩn ở Tây Thành một “trò chơi tâm lý” giữa Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý trong truyện Tam quốc. Chính sự trải đời đặc biệt là sự bình tĩnh gan dạ đã giúp chú thành công trong việc qua mắt được bọn địch. Đấy chẳng phải là “tinh thần thép” mà Khổng Minh đã đấu với Tư Mã Ý ở Tây Thành.

Sáng tác văn học thực thụ là hoạt động có ý thức của mỗi nhà văn trong việc xác lập cho bản thân mình một phong cách đặc trưng trong sáng tác. Thế nên dù có thiên biến vạn hóa trong những trang viết nhưng tựu trung lại những nhà văn ấy vẫn kiến tạo cho mình một “bộ khung” giúp khu biệt tác phẩm của mình với tác phẩm của các nhà văn khác. Tôi xin tạm cho rằng “bộ khung” của phong cách truyện kí Trần Dũng có thể quy về 2 nội dung lớn: ca ngợi Đất và Người Trà bằng chữ “kì” đã được pha thật nhuyễn để thấm vào từng chi tiết. Và vì thế Đất và Người Trà Vinh luôn hiện ra trong truyện kí Trần Dũng đầy sinh động và ấn tượng.