Trần Hoài Dương: Tiếng hạc giữa miền xanh thẳm

741

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Văn chương của ông chân thực, da diết mà bình thản giống như một người ngồi xuống và kể lại những gì đã và đang chảy trong huyết quản của ông. Sự chân thực ấy được dâng lên từ một tâm hồn thánh thiện và đầy rung vang”.

“Tôi gắng chọn lọc từ cuộc sống ngổn ngang bề bộn những gì tinh túy nhất, trong ngần nhất để viết cho các em. Tôi đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ đạo. Viết là để đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ”.

Những lời tự bạch gan ruột ấy lại vang lên trong khán phòng Hội Nhà văn TP HCM sáng 6-5, khi Hội Nhà văn TP HCM cùng gia đình, bạn hữu nhà văn Trần Hoài Dương tổ chức tọa đàm tưởng nhớ về con người và tác phẩm của ông, tròn 10 năm sau ngày ông giã biệt cõi trần.

Nhà văn Trần Hoài Dương Ảnh: TRẦN QUỐC TOÀN

Khán phòng không lớn nhưng lòng người mở ra, sự đồng cảm đồng điệu rõ trong từng lời nói, cái nhìn của những người tham dự.

Dù ông đã đi xa, nhưng nói như nhà văn Bích Ngân, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM: “Cảm giác như ông không mất, ông ở đâu đó trong khán phòng này. Những tác phẩm của ông đến với bạn đọc đều gợi mở những cảm xúc tự thân, khẳng định nỗ lực tìm lối đi riêng của ông trên con đường sáng tạo. Và ông đã làm được, để lại cho nhiều thế hệ những tác phẩm có giá trị”.

Từ nước Anh, nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh, con trai của nhà văn Trần Hoài Dương bày tỏ sự xúc động trước tình cảm của bạn văn và bạn đọc dành cho bố mình. Anh nói: “Nhiều người nhắc bố trong nhiều hoàn cảnh, không chỉ văn chương mà trong đời thường. Bố sống chân thành, chu đáo với nhiều người. Hơn 20 tập sách để lại. 30 năm bố sống ở TP HCM, tọa đàm được tổ chức ngay tại TP HCM, tôi xin chân thành cảm ơn những tấm lòng”.

Ca khúc “Những ô cửa màu xanh” của anh vang lên da diết, lắng đọng lòng người.

“Từng trang sách cha lật qua đưa con chạm đến bao vương quốc xa

Những câu chuyện theo con suốt đời, kể những giấc mơ bắt đầu từ những ô cửa xanh

cùng ngồi bên con trong chiều mưa, cuốn phim ngày cũ nhắc lại năm xưa

Nói với mẹ và những người thân, thấy nồng nàn tình cha rất gần

Cùng về bên cha như ngày xưa, ngỡ như chỉ có hai người trong mưa

Thấy bên con là tình yêu và quên tất cả bao vất vả

Những giấc mơ tình yêu vỡ òa đôi khi rất nhanh

Hãy yêu cuộc sống như cha hằng yêu, những giờ gần con và những ô cửa xanh”

Nói về con người nhà văn Trần Hoài Dương, nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM chia sẻ trong niềm xúc động: “Trong tủ sách lập cho con, chúng tôi vẫn nâng niu cuốn “Miền xanh thẳm”. Đến thăm anh ở căn nhà nhỏ đường Thích Quảng Đức. Khi tôi về, ánh mắt anh nhìn theo, tôi đọc được sự ái ngại của anh, hẳn anh lo cho tôi chèo chống giữa sóng gió cuộc đời với những gian nan của tôi khi đó. Cái nhìn đầy ân tình, thương mến. Trân quý anh vô cùng”.

Theo nhà thơ Cao Xuân Sơn, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng: Trần Hoài Dương là một trong số không nhiều người khởi đi và trở về với NXB Kim Đồng, từ tác phẩm in đầu tiên tại NXB này năm 1963 đến tác phẩm cuối trước khi qua đời. Ông cùng những cây đại thụ văn học thiếu nhi như Tô Hoài, Võ Quảng, Phạm Hổ, Đoàn Giỏi…, luôn gắn bó với NXB Kim Đồng. Tác phẩm của ông chính là “mỏ vàng ròng” của NXB, là nguồn cảm hứng cho nhiều người cầm bút. “Thời gian đi qua, chúng ta càng thấy có sự hẫng hụt, khoảng trống lớn để lại sau những tác phẩm của những nhà văn như ông. Ông là biểu tượng trong sáng, yêu trẻ em hết lòng, trọn vẹn trong những trang viết của mình”.

Nhà văn Kao Sơn kể lại những kỷ niệm lúc cùng nhà văn Trần Hoài Dương nhận giải thưởng của NXB Kim Đồng. Sau đó hai ông cùng dự trại viết Quảng Bá, về Ninh Bình quê của nhà văn Kao Sơn tìm gặp “người xưa” của nhà văn Trần Hoài Dương những ngày ông về công tác ở tỉnh này. Lần đó nhà văn không gặp được, song sau này nhà văn đã gặp lại “người xưa” ở TP HCM. “Anh nhìn thấy cô ấy, biết nhà riêng và gia cảnh của cô ấy rồi anh quay đi, hẳn anh đã an lòng, không còn lo cô ấy có cuộc sống không như ý. Anh là vậy, luôn sống trọn vẹn nghĩa tình với bạn bè và những người anh thương quý”, nhà văn Kao Sơn đúc kết.

Với tư cách là bạn văn, người em, người thân trong gia đình, cùng đứng ra tổ chức tọa đàm, nhà văn Trần Quốc Toàn điểm lại một góc khác trong tính cách con người Trần Hoài Dương. Trong sổ tay ghi chép của ông, không chỉ chép thơ hay của bè bạn, mà còn chép cả tập truyện hàng trăm trang. “Trần Hoài Dương dành cả 3 buổi để chép “Đêm Tháp Mười” của Lê Văn Thảo tại sân vườn của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, giúp bạn đọc phía Bắc thời đó được thưởng thức một tác phẩm hay của văn chương phía Nam… Đó là sổ tay của một công dân có trách nhiệm với đất nước mình”, nhà văn Trần Quốc Toàn nhận định.

Từ Hà Nội, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có tham luận “Đi tìm miền xanh thẳm”, với những phát hiện tinh tế và sâu sắc, được nhà thơ Trần Mai Hường đọc tại tọa đàm. “Có rất nhiều điều của 20 năm trước đã biến mất khỏi cuộc sống con người. Và bây giờ, cho dù xuất hiện trở lại, nó cũng đầy nguy cơ trở thành một thứ xa lạ và vô cảm với con người đương thời. Nhưng một điều kỳ lạ xuất hiện, đó là khi cái MIỀN của nhà văn Trần Hoài Dương hiện ra, ngay lập tức nó trở thành giấc mơ da diết và ngập tràn xúc động với tôi và tôi tin đối với rất nhiều người đang sống. Bởi trong cái MIỀN ấy chứa đựng nhân tính, tình yêu thương, lòng biết ơn, những vẻ đẹp thiên nhiên kỳ lạ và giấc mơ làm người”.

Nhà thơ Trần Mai Hường đọc tham luận của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều tại tọa đàm

“Văn chương của ông chân thực, da diết mà bình thản giống như một người ngồi xuống và kể lại những gì đã và đang chảy trong huyết quản của ông. Sự chân thực ấy được dâng lên từ một tâm hồn thánh thiện và đầy rung vang. Bởi thế, mọi điều bình thường nhà văn Trần Hoài Dương đặt bút viết đều được thiêng liêng hóa”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhìn nhận.

Là một trong những người tuyển chọn tác phẩm của Trần Hoài Dương vào sách giáo khoa, PGS- TS Nguyễn Thị Ly Kha đánh giá văn của Trần Hoài Dương là một thứ tiếng Việt lấp lánh, ngọc ngà. Đó là những trang văn lộng lẫy, những trang thơ văn xuôi. PGS-TS Bùi Thanh Truyền cho rằng thời gian đi qua nhưng con chữ còn giữ lại, lưu dấu những trang văn đẹp đi suốt đời người. Ông cho biết sau nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Trần Đăng Khoa được trích nhiều nhất trong sách giáo khoa về văn xuôi và thơ, là những áng văn của Trần Hoài Dương. Văn của ông giàu tính giáo dục, nghệ thuật miêu tả bậc thầy.

Còn với nhà văn trẻ Trương Huỳnh Như Trân, những trang văn của Trần Hoài Dương mở ra một thế giới của tuổi thơ. Nhà văn trẻ này học cách viết của ông với đặc tính gắn tính cách nhân vật để bạn đọc nhớ lâu.

Nhà văn Kim Hài gọi văn của Trần Hoài Dương là “văn chương lãng mạn thiếu nhi”. Với văn của ông, mỗi chiếc lá, viên bi cọng cỏ đều sinh khí, sau những câu chuyện luôn có những bài học cho thiếu nhi và người lớn. “Phải có một trái tim ngọt ngào, sự rung cảm mãnh liệt với tình yêu mới viết được những câu chuyện như vậy”.

Nhà văn Kim Hài phát biểu tại tọa đàm Ảnh: HOÀNG HOA

Nhà văn Võ Thu Hương bày tỏ: “Những vẻ đẹp thiên nhiên cùng những thông điệp sâu sắc mà ông gửi gắm trong từng câu chuyện dung dị theo tuổi thơ chúng tôi và nhiều thế hệ bé thơ khác lớn lên. Chỉ có thể đắm say mới dễ dàng chạm vào cảm xúc không chỉ của trẻ nhỏ mà với cả người lớn yêu trẻ, yêu thiên nhiên đến thế. Chỉ có thể đắm say những trang văn ấy mới đằm sâu giá trị cả khi nhà văn đã rời xa. Người đã đi về cõi mây trắng trời xanh nhưng vẫn để lại miền xanh thẳm trong lòng những người mến yêu”.

Nhà văn Lê Luynh cũng góp thêm câu chuyện tại tọa đàm về tư chất của Trần Hoài Dương. Ông đã biên tập, tuyển chọn tác phẩm cho các cây bút trẻ bằng chất lượng chứ không vì tác động nào, ông nói thẳng ai có thắc mắc gì cứ gặp ông, ông sẽ trả lời. Một con người từ tâm và rất thẳng thắn, rạch ròi.

Theo nhà văn Lê Phương Liên: “Tác phẩm cũng như cuộc đời và sự ra đi đột ngột của nhà văn Trần Hoài Dương đã để lại cho chúng ta một lời nhắn nhủ: Sự tồn tại trần thế của một con người là hữu hạn, nhưng sức sống của những khát vọng văn học là vô hạn. Cuộc đời và tác phẩm của Trần Hoài Dương trong tiến trình lịch sử văn học cũng như tiếng hạc bay qua, nhưng không biến mất hoàn toàn. Tiếng hạc ấy vẫn bay từ “Miền xanh thẳm” trở về trong những trang sách trẻ thơ đang cầm trên tay; những khát vọng nhân văn mà tác giả gửi lại sẽ còn xanh mãi như bầu trời.

Nhà văn Trần Hoài Dương tên thật là Trần Bắc Quỳ, sinh năm 1943 tại Hải Dương, từng công tác tại Tạp chí Học tập (Tạp chí Cộng sản), Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn), NXB Măng Non, NXB Trẻ. Ông qua đời tại nhà riêng ở TP HCM vào ngày 6-5-2011.

Trong sự nghiệp của ông, ngoài 24 tác phẩm văn chương, ông còn viết kịch bản phim hoạt hình và múa rối cho thiếu nhi, có 5 kịch bản dựng thành phim. Nhiều tác phẩm của ông đoạt giải thưởng, như: “Miền xanh thẳm”, giải B (không có giải A) Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001; “Cuộc phiêu lưu của những con chữ”, “Một thoáng heo may phương Nam”, kịch bản phim hoạt hình Bé Rơm”, kịch bản múa rối “Huyền thoại Cửu Long Giang”…

Bùi Phan Thảo/ Theo Người Lao Động