Nguyễn Thanh
(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhấn mạnh sự quan trọng không thể thiếu vắng của thành phần trẻ thơ trong xã hội, một nhà văn phương Tây đã nói: “Gia đình nào vắng bóng trẻ con coi như đánh mất thiên đường”. Chắc hẳn tác giả tư tưởng trên muốn đề cập đến vai trò của thiếu niên -nhi đồng cùng với tất cả niềm vui mà lứa tuổi nhỏ chưa tới tuổi teen đã hồn nhiên mang đến cho người thân gia đình và cả trong cộng đồng xã hội. Trong chúng ta, ai cũng hiểu tuổi thơ của con người là khoảng thời gian hoa mộng, ngan ngát hương thơm và được coi là lứa tuổi của bao ước mơ hy vọng.
Trong không gian tuổi thơ đó không thiếu những hoa búp, chồi non, bướm đẹp chim xinh của vườn hồng dưới ánh bình minh. Và trăng sao của vũ trụ, muông thú của đại ngàn, mang ý nghĩa tự nhiên trong sáng biểu trưng cho khúc nhạc dạo đầu tiên của một đời người. Là những tâm hồn tinh tế, giàu cảm xúc, không ít nhà văn, nhà thơ nổi tiếng xưa nay đã vẽ nên những bức tranh đẹp về thế giới tuổi thơ hoa mộng bằng văn thơ như Trần Đăng Khoa, Đoàn Giỏi… Miền Trung còn có nhà thơ Đỗ Ký và trong Nam có nhà thơ Diễm Thi (*), nhưng phong cách độc đáo, ấn tượng hơn là nhà thơ Trần Hồng Thắng xuất thân từ bộ đội.
Nhà thơ Trần Hồng Thắng.
Nhà thơ Trần Hồng Thắng (1934-1995), tên thật là Trần Văn Mơ, sinh ra tại Long Mỹ, Cần Thơ (nay thuộc Hậu Giang), một quận trấn heo hút cách khá xa thành phố mà áp lực cách mạng rất mạnh mẽ từ trước ngày giải phóng. Say mê văn chương từ thuở bé, lớn lên vì căm thù thực dân, Trần Văn Mơ xin vào bộ đội, chiến đấu ở vùng Tây Nam bộ. Sau hiệp định Genève (năm 1954), anh tập kết ra Bắc. Dù phục vụ tốt trong quân đội, đôi khi anh vẫn được anh em chiến sĩ trong đơn vị trêu anh như một chú ốc mượn hồn vì đôi lúc anh tỏ ra trầm tư vơ vẩn. Sau năm 1975, anh hồi kết và phục viên về công tác ở phòng Văn nghệ quần chúng thuộc Sở Thông tin – Văn hóa tỉnh Cần Thơ tại số 1 đường Ngô Văn Sở, Cần Thơ. Tác phẩm của Trần Hồng Thắng gồm có: + Quà của mẹ (tập thơ, Hội Văn học Nghệ thuật Cần Thơ – 1993); + Những vật dụng quanh ta (Truyện ngụ ngôn dành cho Thiếu nhi – Minh họa: Hoàng Tân và Vương Chi Lan); +Vườn cây của bé (Truyện ngụ ngôn dành cho Thiếu nhi – Minh họa: Hoàng Tân và Vương Chi Lan); + Những con thú ngộ nghĩnh (Truyện ngụ ngôn dành cho Thiếu nhi- Minh họa: Hoàng Tân và Vương Chi Lan); + 99 Bài Thơ Hay dành cho bé ; + Hai bài thơ : Bé ngoan và Tay đẹp được nhạc sĩ Khánh Vinh phổ nhạc; +149 Truyện ngụ ngôn chọn lọc. Bài thơ Cây khá độc đáo của Trần Hồng Thắng được chọn đọc bởi bé Uyên Chiêu trên Youtube.
Trong quan hệ công tác văn nghệ sau năm 1975, tôi ở Ban Chấp hành hội Văn nghệ Giải phóng Cần Thơ – từng dạy học ở Long Mỹ quê anh – đã có dịp gặp gỡ nhà thơ Trần Hồng Thắng. Sự thông cảm dễ dàng bắc nhịp giữa hai tâm hồn yêu nghệ thuật văn chương mà cuộc đời có dính dáng đến vùng đất Trà Ban (Long Mỹ), giúp hai người bạn văn mới quen sớm xích lại gần nhau trong mối thâm tình nghệ sĩ. Chủ nhật, ngày lễ, nhà thơ Trần Hồng Thắng thường cưỡi chiếc xe đạp cà tàng đến nhà tôi chơi, hai anh em cùng nói chuyện về văn nghệ, dần dần thân nhau như ruột thịt.
Thời bao cấp sau khi hòa bình vừa tái lập, cuộc sống của giáo viên công chức không tránh khỏi khó khăn về kinh tế vật chất. Nhân những ngày nghỉ, nhiều hôm, tôi mời anh đến chơi nhà và ở lại dùng cơm trưa với gia đình tôi. Tôi không bao giờ nghĩ đến những bữa ăn đạm bạc của cha con tôi hằng ngày chỉ là điệp khúc với ba khía, cá biển và rau tập tàng luộc. Thật cảm động, thương bạn, sợ làm tôi thêm tốn kém, anh Trần Hồng Thắng vẫn khệ nệ đến với chiếc gào mên hai ngăn – trên là nước mắm chanh tỏi ớt, dưới là ngăn canh hẹ lỏng bỏng nước. Dùng chén cơm đạm bạc nghĩa tình đậm mùi chanh ớt, hai anh em vừa xuýt xoa với vị ớt cay, vừa vui vẻ bàn chuyện văn chương. Thấy anh có ý muốn ấn hành những bài thơ thiếu nhi tâm đắc vừa sáng tác, tôi tranh thủ thì giờ rảnh rổi giúp anh. Tôi xé những tờ giấy úa vàng từ những tập học trò còn thừa của các con, dùng chiếc máy đánh chữ không dấu của hội Văn nghệ giao cho tôi sử dụng để biên tập. Sau đó, tôi sắp xếp bài vở lại thành quyển cho anh xin xuất bản. Với 9 đứa con và người vợ miền Bắc, anh Trần Hồng Thắng tá túc tại một căn nhà nhỏ khiên tốn nơi phía hậu khu Chợ Tham Tướng. Trong số các con anh, có một đứa gái đang học Văn với tôi tại trường Cấp 3 Thành phố (nay là trường PTTH Châu Văn Liêm) nên hai anh em càng có dịp tâm sự buồn vui về cuộc đời mình.
Trong thời gian, hai anh em được gần gũi, có một lần nhà thơ Trần Hồng Thắng đã chân thực bộc bạch với tôi một chuyện không mấy vui khi anh còn mặc quân phục. Trên đường về sau chiến trận vào một buổi chiều muộn sắp tối, một số anh em bộ đội phải đi bộ mệt mỏi về căn cứ. Đường còn xa, bất chợt thấy một ô tô còn trống chỗ chạy trên đường, anh em bộ đội vui mừng ngỏ ý xin đi nhờ xe. Anh Trần Hồng Thắng lên tiếng với tài xế nhưng bị từ chối, và chiếc xe chạy luôn. Trong sự mệt nhọc rã rời, anh Trần Hồng Thắng tức giận, mất bình tĩnh, quay súng bắn dọa thị uy cho hả giận nhưng viên đạn bốc đồng không ngờ đã vô tình làm chết chú tài xế xe không. Trần Hồng Thắng bị xử lý theo quân luật.
Sau ngày thống nhất đất nước, Trần Hồng Thắng vào lại Nam, bạn bè không nói ra, nhưng ai cũng hiểu một phần tâm sự của anh. Ngao ngán chiến tranh tang tóc và thế thái nhân tình, Trần Hồng Thắng đã dồn hết trọn phần nửa cuộc đời còn lại của mình để hồn cốt ngao du trong thế giới văn chương ta bà của tuổi thơ hồn nhiên trong sáng vốn không bợn chút bụi trần tục của thế nhân. Khác biệt với các thể loại thơ khác, làm thơ thiếu nhi là để chơi nhà chòi với các em thiếu niên – nhi đồng, cho tâm hồn mình được hồn nhiên tung tăng cùng đám trẻ em bé nhỏ ngây thơ vô tư, cùng hái hoa, bắt bướm hoặc đuổi bắt châu chấu, chuồn chuồn như nhà thơ Bùi Giáng.
Thong dong dạo bước vào vườn thơ thiếu nhi của Trần Hồng Thắng, đọc giả có cảm giác không khác nào đi vào một thiên đường của tuổi thơ. Từ chủ đề tư tưởng, đến từ ngữ phong cách, thơ Trần Hồng Thắng dìu ta đến thế giới tự nhiên đầy ắp tiếng cười vui rộn rã của hình bóng trẻ thơ. Không gian chữ nghĩa văn chương từ những tập thơ thiếu nhi đến 2 tập truyện ngụ ngôn của thi sĩ họ Trần luôn tràn ngập sắc màu thắm tươi trong sáng của cỏ đẹp hoa tươi dưới bầu trời thênh thang, ngày đêm rộn ràng hoa bướm, và lấp lánh trăng sao.
Bên cạnh các bài: Bút chì, Quà của mẹ, Chữ O, Ai nhuộm bầu trời, Chim non lễ phép…trong tập thơ chủ lực đầu tiên Quà của mẹ (1993) của Trần Hồng Thắng, bài thơ Bé ngoan của và Tay đẹp đã mang đến cho người đọc không chỉ trong lứa tuổi nhỏ mà cả người lớn hết thảy cái tinh thần lạc quan và cảm xúc trong sáng về cái đẹp nhân văn của lứa tuổi yêu mực tím mồng tơi: Bé ngoan/ Bé thích nghe đàn/ Bé múa dịu dàng/ Như con bướm xinh/ Bướm chỉ yêu hoa/Bé ngoan/ Bé quý cả nhà, mẹ yêu. Những vần thơ mới phá cách với ngôn ngữ trong sáng, hình tượng gần gũi với thế giới tuổi thơ rộn ràng âm thanh: bướm, hoa, mẹ, đàn,… Thơ Trần Hồng Thắng hầu hết giàu tính giáo dục từ gia đình đến trường học – tính cách cơ bản loại thơ thiếu nhi: Tay xòe ra trắng tươi bông bưởi/ Tay khép vội cầm chổi quét nhà/ Tay giúp bà xỏ kim may áo/ Khi gặp cô giáo, khoanh tay em chào (Tay đẹp). Những bài thơ trên mang đến cho người đọc những ý nghĩa đạo đức quý giá bằng những hình ảnh ẩn dụ, quen thuộc trong thực tế đời thường: Tay xòe, tay khép, bông bưởi, bà, cô giáo (Tay đẹp)… ngoài các bài thơ, truyện ngụ ngôn khác.
Truyện ngụ ngôn (fable)- 2 tập của Trần Hồng Thắng – một thể loại đắc dụng của nhà thơ Pháp nổi tiếng La Fontaine (1621-1695) – đã gây được tiếng vang tốt đẹp trên thị trường sách vở vì tác phẩm đã cháy hàng nhanh chóng chỉ trong một thời gian ngắn sau khi phát hành. Đây là những truyện dí dỏm mang tính giáo dục trong đó tác giả đã cho cây cỏ, loài vật, chim chóc thay thế cho con người, chúng cũng biết nói năng và hành động và có tình cảm. Trong khoảng thời gian hơn 10 năm (1982-1995), nhà thơ Trần Hồng Thắng đã nghĩ ra cách chịu khó làm ăn nên đời sống có vẻ dễ thở. Tác phẩm in ra, nhà thơ chịu khó chở sách, đèo vợ phía sau xe, đến tận các trường học tại trung tâm Thành phố và các quận huyện xa như Bình Thủy, Cái Răng, Phong Điền, Long Mỹ… để nhờ nhà trường giới thiệu với học sinh. Sau khi phu nhân nhà thơ ngâm tiếp thị vài bài thơ (chị Trần Hồng Thắng người Bắc có giọng ngâm tao đàn trời cho khá độc đáo, học sinh trường nào cũng nghe rồi thương tình, hết lòng ủng hộ, hăng hái mua sách. Mô hình bán thơ rất thơ thành công tốt đẹp của thi sĩ Trần Hồng Thắng được nhà thơ Đỗ Ký (Quảng Nam) học tập và phát huy đỉnh điểm về sau, đã trở thành một giai thoại hiếm trong thị trường thi ca vốn luôn ế ẩm từ trước đến nay (theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn).
Trong khi cuộc đời thơ thăng hoa, Trần Hồng Thắng – chàng thi sĩ tài hoa và rất dễ thương của lứa tuổi thơ, của sinh viên học sinh và công chúng yêu thơ không may qua đời đột ngột trong một tai nạn giao thông tại Cần Thơ trên đường hành hiệp. Sự thiếu vắng hình ảnh đáng yêu của một nhà thơ có chân tài và tâm huyết với văn chương đã để lại không ít tiếc thương cho bằng hữu khách thơ và công chúng mộ điệu thi ca. Thiên đường tuổi thơ – trong trắng hồn nhiên mãi mãi rất đáng yêu. Xã hội thiên thần nhí với những kim đồng ngọc nữ xinh xắn ngây thơ như con cháu luôn rất đáng thương. Ta ước mơ trên văn đàn hôm nay có được nhiều ngòi bút thơ như Trần Hồng Thắng biết ca ngợi lòng thương yêu con người nhất là các bé thiếu niên nhi đồng. Những vần thơ hay gây cảm xúc cho người đọc hy vọng sẽ triệt tiêu hẳn cảnh chướng mắt sống sượng gây nên bởi những xồm vương nhiều nọc tính ác ôn trong một xã hội đạo đức đi vắng.
N.T
(*) Diễm Thi: nhà văn Nguyễn Thanh, có nhiều bài thơ thiếu nhi đăng trên Tuần báo Văn nghệ TP.HCM và tạp chí văn nghệ ở trong nước, tiêu biểu như: Đồng hồ, Bóng đèn điện, Mặt và tóc… (1982-1985) được dư luận khen.