Trần Hữu Dũng – Sự cần thiết của hồi ký

646

04.3.2018-00:30

Giáo sư Trần Hữu Dũng

 

Sự cần thiết của hồi ký

 

TRẦN HỮU DŨNG

 

NVTPHCM- Càng lớn tuổi, tôi càng thích đọc hồi ký: Hồi ký của những nhân vật lịch sử, hồi ký của các tướng lãnh, của các chính trị gia, của các nhà văn hóa…

 

Tôi thích nhất hồi ký của những người cùng trang lứa với tôi, hoặc lớn hơn tôi một, hai thế hệ…  Tôi dò xem những lúc họ làm một việc nào đó mà tôi đã biết qua báo chí, sử sách, viết một tác phẩm nào đó mà tôi đã đọc, thì họ thật sự làm gì, nghĩ gì.  Điều này dễ hiểu. Càng sống lâu, chúng ta càng biết nhiều người, nhiều sự việc. Đọc hồi ký của những người này, về những sự việc mình đã nghe qua, không phải chỉ bồi bổ kiến thức (và thư giãn!), nhưng còn là một cách lấp những khoảng trống, những kẽ hở của chính cuộc đời mình. Những người này cần viết hồi ký, cho họ và những người hâm mộ họ.

 

Nhưng tôi không chỉ trông đợi hồi ký của những người mà, chỉ mới nghe tên, tôi đã muốn biết thêm về họ. Nhiều lần, trong những chuyến đi, tôi có dịp gặp những người tương đối trẻ, không nổi tiếng, mà trước đó tôi chưa quen. Tôi hay gợi chuyện họ, và không ít khi, các bạn ấy kể lại những cuộc đời “ly kỳ” đến ni tôi phải thốt lên lúc chia tay: Anh/chị nên viết hồi ký! 

 

Quả vậy, đến một tuổi nào đó, khi hồi ký trở thành một nhu cầu trong việc đọc thì viết hồi ký cũng là một sự cần thiết cho mỗi chúng ta.

 

Tại sao nên viết hồi ký?

 

Đơn giản, mỗi chúng ta đều đã chứng kiến, tham gia nhiều vụ việc trong một hay nhiều cộng đồng (nhỏ hẹp như gia đình, rộng lớn như quốc gia) và tất nhiên đã tích lũy không ít kinh nghiệm sống. Khách quan mà nói, dù những sự kiện lịch sử mà một cá nhân trực tiếp chứng kiến, tham gia, có thể không nhiều và quan trọng, song mỗi cá nhân có một cái nhìn riêng, mỗi cá nhân có một số thông tin, dù nhỏ, mà không ai khác biết về sự kiện đó. Do tính cá biệt ấy, mỗi cặp “sự kiện – cá nhân” đều là độc nhất, không cặp nào giống cặp nào. Sự hiếm hoi (do tính độc nhất) ấy nên được chia sẻ, lưu truyền. Thậm chí, nếu có trường hợp hãn hữu nào mà một cá nhân không thấy, không nghe, không tham gia gì hết những sự kiện chung quanh anh/chị ta thì hồi ký của người ấy cũng quý hiếm, vì làm sao mà người ấy không thấy, không nghe, không tham gia? Trong khi xã hội trải qua vô vàn biến động thì người ấy đã sống trong “ốc đảo” nào, và vì sao mà ốc đảo ấy có thể tồn tại? Hồi ký của một người như thế đúng là cần thiết.

 

Nếu bạn là một nhân vật nổi tiếng (nghĩa là đã có ảnh hưởng trong một lãnh vực nào đó) thì chắc chắn sẽ có nhiều người muốn biết thêm về bạn, nhất là những thông tin do chính bạn tiết lộ. Song, hồi ký không chỉ nhằm thỏa mãn sự tò mò của người ngưỡng mộ, hoặc để truyền đạt những kinh nghiệm sống của bản thân; viết hồi ký còn là cơ hội để hồi tưởng, gán ghép những mảnh vụn của ký ức, kiếm tìm sự xuyên suốt của chuỗi sự kiện cấu thành một đời người.

 

Đối với những chính trị gia, các tướng lãnh thì, tôi nghĩ, việc viết hồi ký còn là một bổn phận. Các chính sách, quyết định của những người này có thể đã có ảnh hưởng đến vận mệnh của cả nước (thậm chí thế giới). Người dân cần được giải thích tại sao họ đưa ra những chính sách ấy, những quyết định như thế.  Những nhân vật quan trọng này cần viết hồi ký.

 

Đặc biệt hữu ch là hồi ký của các nhà văn hoá – những người hoạt động trong lãnh vực sáng tác (viết văn, làm thơ, biên khảo, nghiên cứu, trình diễn..) – có thể đã có một sự nghiệp đáng kể. Hồi ký của họ sẽ bồi đắp thêm vào sự nghiệp ấy, bổ túc những tác phẩm trước đây của họ với những thông tin từ chính tác giả, có khả năng cho thấy một sự mạch lạc (mà lắm khi chính tác giả cũng chưa nhận ra) trong toàn bộ công trình của họ.

 

Nếu bạn thật nổi tiếng thì có lẽ có người sẽ viết tiểu sử của bạn. Song, đừng lầm lẫn hồi ký và tiểu sử.  Hồi ký có thể chỉ về một lĩnh vực hoạt động nào đó, hoặc một giai đoạn nhất định trong đời tác giả. Tiểu sử thì đầy đủ hơn, từ ngày sinh cho đến lúc cuối đời. Hồi ký mới chính là tiếng nói của “đương sự”, nó là nguyên liệu cho tiểu sử. Người viết tiểu sử một nhân vật mà có được hồi ký của chính nhân vật ấy là một người viết may mắn.

 

Không chỉ người nổi tiếng trong xã hội mới cần viết hồi ký, bởi vì mỗi chúng ta đều “nổi tiếng”, ít ra cũng trong phạm vi gia đình, họ hàng, và nhất là có một sự quan trọng đặc biệt đối với các con, các cháu (kể cả những thế hệ chưa ra đời). Hồi ký của những người “bình thường” như thế lắm khi lại còn quý hơn hồi ký của các danh nhân, bởi vì chúng sẽ được trân trọng bởi con cháu, không chỉ vì sự tôn kính, mà còn vì chúng soi sáng thêm cội nguồn cho những thế hệ sau này. Một điều nữa: dù “bình thường” đến đâu, mỗi chúng ta đều là thành viên của một (hay nhiều) tập thể đã có một vai trò lịch sử (một cựu quân nhân đã từng vượt Trường Sơn, một cán bộ y tế chăm lo cho những người nghiện… chẳng hạn), viết hồi ký cho mình cũng là viết hồi ký cho đồng đội của mình, cho những người cùng hoàn cảnh với mình.  Làm sao phủ nhận giá trị của hồi ký tuy là của một “cá nhân không nổi tiếng” như thế?

 

Nhiều người sẽ thoái thác việc viết hồi ký vì khiêm tốn nghĩ rằng “chết là hết”, rằng không có dấu vết gì (mà họ cho là nhỏ bé) đáng ghi lại của một kiếp sống phù du. Đối vói họ, viết hồi ký là một sự tự phụ đáng xấu hổ, xúc phạm bản tính khiêm nhường của họ. Tư duy ấy đáng kính phục. Song, như trình bày ở trên, ngay đến những người không nổi tiếng, hồi ký cũng là cần thiết vì ít nhất là nó giúp ích cho thế hệ mai sau (dù chỉ trong gia tộc) hiểu biết hơn về cội nguồn tổ tiên. Hồi ký, như vậy, là một gia tài nhiều giá trị. Nó không là một sự tự phụ nên tránh, mà là một sự hi sinh đáng được tri ân.

 

Nên viết ra sao?

 

Nhiều người sẽ ngại viết hồi ký vì một lý do khác: Theo họ, hồi ký là một thể loại văn chương, mà họ không phải là “nhà văn”. Lý do đó không hoàn toàn thuyết phục. Giá trị của hồi ký, đầu tiên và cuối cùng, là ở nội dung và sự trung thực. “Tính văn chương”, nếu có, dĩ nhiên là đáng khuyến khích, nhưng là phụ.  Khẳng định như thế không có nghĩa là hồi ký không cần một “trình độ văn chương” tối thiểu, và càng cao thì càng đáng tán thưởng, nhưng sự “trau chuốt văn chương” có thể nhờ vào các biên tập viên ở khâu đoạn biên tập trước khi xuất bản (nếu xuất bản). Ở Tây phương, hầu như hồi ký nào của các chính trị gia, tướng lãnh, doanh nhân, diễn viên…  cũng đều do những “tay viết ma” (ghostwriter) chuyên nghiệp chấp bút theo lời kể của “nhân vật”. Đó là việc công khai, bình thường. Tất nhiên nếu chính tác giả hồi ký là người sống với nghề cầm bút thì “tính văn chương” của hồi ký sẽ được thẩm định như những tác phẩm khác của nhà văn ấy. Nhưng không phải mọi hồi ký đều như thế.

 

Hồi ký không cần dài. Hai ba chục trang cũng là được. Hồi ký không cần thật chi tiết, đầy đủ từng năm tháng. Hiển nhiên, hồi ký không bắt buộc ghi lại mọi việc trong đời tác giả, mà có thể chỉ một sự kiện nào đó. (Nhà văn Anh Julian Barnes, chẳng hạn, vừa ra một hồi ký được giới phê bình nhiệt liệt ca tụng, trong đó ông chỉ nói về những ngày đau buồn mà ông đã trải qua sau khi vợ ông qua đời.) Hồi ký của một chính khách có thể chỉ bao gồm một nhiệm kỳ của chính khách ấy, của một tướng lãnh có thể chỉ về một trận chiến mà ông tham gia.

 

Hồi ký vừa là tư riêng vừa là công khai. Nó tư riêng hơn một tác phẩm biên khảo, hoặc một quyển tiểu thuyết, nhưng công khai hơn nhật ký. Mục đích của tất cả hồi ký, không như hầu hết nhật ký, là để người khác đọc, nhưng “người khác” ấy có thể giới hạn trong phạm vi gia đình, bạn bè, hoặc thế hệ tương lai, không nhất thiết chỉ hôm nay. Cần nhấn mạnh: Không phải mọi hồi ký đều được viết để xuất bản, phổ biến rộng rải. Hồi ký có thể chỉ để chuyền tay giữa những người quen biết.

 

Trách nhiệm người viết

 

Đối với hồi ký, không gì quan trọng hơn sự chân thực và chính xác (ít nhất là theo trí nhớ có thể không còn tốt của tác giả). Nếu có chi tiết nào không nhớ rõ thì người viết phải cáo lỗi về nhược điểm ấy của mình, độc giả sẽ thông cảm. Chân thực không có nghĩa là người viết hồi ký phải phơi trần mọi sự việc cho cả thế giới biết. Tất nhiên, không nên tiết lộ những bí mật quốc gia, hoặc những thông tin cá nhân có thể làm tổn thương những người đang sống mà không ích lợi gì cho ai khác ngoài những kẻ tò mò.

 

Hồi ký là cơ hội để cải chính những vụ việc liên quan đến người viết mà thiên hạ đã hiểu sai. Hãy giải thích những ngộ nhận về bạn, nếu có, tu chỉnh những sự kiện lịch sử nếu bạn nghĩ là chúng đã bị biết sai.  Nhưng khả năng này của hồi ký có một bề trái rất đáng tiếc: Nhiều người xem việc viết hồi ký là cơ hội để “trả đũa” những người đã công kích mình (thậm chí moi móc đời tư của kẻ khác, hoặc xuyên tạc những “đụng chạm” không đẹp giữa người viết và “đối thủ”). Nếu không cẩn thận, người viết sẽ rơi vào cạm bẫy này và hiện nguyên hình là ti tiện, dối trá, một hình ảnh mà tác giả sẽ không còn cơ hội cải chính. Cộng đồng độc giả (nếu không ở thế hệ này thì những thế hệ mai sau), khi được hướng dẫn bởi những nhà phê bình, những sử gia chân chính, rất tinh nhạy và công minh. Một cuốn hồi ký chân thật, khiêm tốn… sẽ để lại sự kính mến, tin cậy ở người đọc. Trái lại, một hồi ký khoác lác, bôi nhọ người khác, sẽ không để lại cho độc giả một cảm tình nào, mà dư vị mãi mãi chỉ là sự rẻ khinh.

 

Vài lời cuối

 

Tôi rất may mắn đã có một người cha để lại hồi ký của ông. Vì hoàn cảnh lịch sử, tôi đã sống xa cha tôi từ thuở ấu thơ và chỉ gặp lại ông khi tôi đã quá trung niên, nhưng chính hồi ký của ông, tuy không nhiều chi tiết như tôi mong ước, đã là một sợi giây kết chặt cha tôi và tôi – rồi sẽ tiếp nối đến các con, đến các cháu tôi – một sợi giây không bao giờ đứt, và mãi mãi thiết thân. 

 

Đối với người Việt Nam, viết hồi ký trong giai đoạn này còn có một sự quan trọng đặc biệt, bởi vì những hồi ký ấy sẽ đóng góp vào sử ký chung của dân tộc. Hãy xem việc viết hồi ký như một sự sẻ chia, một món quà cho nhiều thế hệ mai sau. Nó có ích cho người viết cũng như cho người đọc. Viết hồi ký, khi tác giả chân thực, là một hành động “rộng lượng”, bởi lẽ nó đòi hỏi nhiều nỗ lực hồi tưởng, đồng thời đè nén những khoa trương, dối láo, để phơi trần con người thật của tác giả, để người đọc học hỏi những kinh nghiệm, biết những điều cần nên biết, xấu cũng như tốt, đáng hãnh diện cũng như đáng xấu hổ, và tất nhiên rất nhiều hối tiếc, từ cuộc đời của mình.

 

TBKTSG Xuân 2018

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Đôi dòng về sáng tạo thơ – Mai Văn Phấn

>> Muốn đổi mới thơ cần đổi mới cảm thức của nhà thơ – Từ Quốc Hoài

>> Tính đa chiều không gian – thời gian trong Bến quê – Nguyễn Văn Ba

>> Văn học mạng trong dòng chảy văn học nước nhà – Đỗ Hải Ninh

>> Đọc thơ Phan Thanh Bình – Hoàng Thị Thu Thuỷ

>> Rượu ngon cặn cáu cũng ngon – La Mai Thi Gia

>> Thiên nhân hợp nhất từ góc nhìn sinh thái – Phương Lựu

>> Hồi kí của văn nghệ sĩ: sự thật sau ánh hào quang – Trần Thị Hồng Hoa

>> Văn chương Việt và khủng hoảng mang tính nhân loại – Lê Huy Bắc

>> Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử – Đặng Huy Giang

>> Tình thế của những nhà nghiên cứu văn học – Huỳnh Như Phương

 

  

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…