Trần Huy Minh Phương – Uống trà đi người ơi!

577

30.11.2017-15:45

Nhà thơ Trần Huy Minh Phương

 

Uống trà đi người ơi!

 

TRẦN HUY MINH PHƯƠNG

 

NVTPHCM- Dạ thưa, tôi không dám làm cuộc “phẫu thuật thơ” cũng chẳng có gan bình luận thơ, chỉ là cảm thức trong khi uống trà. Vậy, chúng ta có cùng nhau uống trà thì thở nhẹ cùng nét thơ bay ngang tiếng lòng trăm năm gom trong khoảnh khắc.

 

Trong “Dòng sông không vội” của Trần Lê Khánh (NXB Hội Nhà văn 2017), dường như độ nén đã đến tận cùng. Thơ nén, tình nén, hồn nén để bật trào vọt lên cùng tột với thinh không một tấm lòng mở rộng và luôn chờ.

 

Tác giả Trần Lê Khánh đã không ngần ngại chìa ra cho chúng ta rất nhiều cung bậc, lẽ nào mình tiếc chi xâu kim mấy giọt thơ khâu lại lòng đang áp thấp! Màu sắc, lá, thời gian,… được lặp đến vô cùng để thấy sự trân quý khoảnh khắc hiện có là rất cần ở mỗi người đang thực sự sống!

 

Tôi lẩy ra mỗi bài thơ đúng một dòng mình cảm! Câu chữ bung xòe trong không gian, thời gian vô tận của nỗi niềm không nôn nóng nhưng đầy nét nghĩ về nhau. Những sóng ngắn trong thơ lại hay hơn những đợt sóng dài cố giải thích điều gì đó mà không phải!

 

Chúng ta có thể đọc nhẩn nha đến hết hoặc cũng có thể bắt đầu từ đây đọc nhảy cóc sang đoạn uống trà đi! Từ từ hẳn đọc lại những dòng trên, cũng chẳng sao.

 

ngồi bên ‘dòng sông không vội’ [18 nét thơ]

 

tận cùng không (dấu chân của cát)

bàn tay thuận lần mò tay nghịch (nhân ảnh)

vài hạt mưa cũ lung lay thì buồn (mưa cũ)

đợi chờ cái rỗng không (mùa đông không tuổi)

tháng năm sâu chớp mắt một ngày (ngày như chiếc lá)

vầng trăng nằm đau đẻ (ngọn lửa về đâu)

bỏ sau lưng bước không tới (khi bóng lên ngôi)

sao thu bảo em là tiếc nuối (vậy thu là gì?)

mà thôi anh ơi xin đừng mua chịu (truyện như thế)

chiều thu ôm buổi chiều thật nhọn (mùa thu nổi sấm)

tan rồi chẳng biết ai đau (lần trọ bên nhau)

em rủ anh đi bẫy trăng (bẫy trăng)

cuộn mình chảy đến đại dương (dòng sông không vội)

ái ân này rồi như bọt trắng trôi xa (tầm hương)

vì ta là rơm rỗng (tri kỷ)

lớp lớp thời gian lợp mái nhà (thu là phôi pha)

lại một đời khóc mướn không (thu là phôi pha)

níu làm chi, cõi lưng chừng (thu là phôi pha)

 

rồi đưa nhau đến ‘hư vô’ [20 nét thơ]

 

em cởi hư không (khói)

mưa chính là giọt nước mắt đi tu (an)

nên suốt đời nhuộm hồng cánh sen (màu linh hồn)

thành đôi tình nhân mỏi bước (về)

chiếc lá lạnh sống lưng (vậy à)

nhát chém rung rinh (lỡ)

con cá nằm mơ đeo chiếc lục lạc hồng (nàng)

mẹ thương em nên lén dệt thành muôn mạch máu (tự do cuối cùng)

có khi đi qua một mặt người (chơi vơi)

giọt sương đùa chiếc lá khô (nhiên)

chỉ có thời gian là rỗi (rỗi)

giữ chặt mông lung (khởi)

rừng xưa khàn đặc trong cuống họng rỗng (đêm dài)

thuở sát na, trời lỡ tay thả núi trần (làm gì với thời gian)

bằng tổng lực luân hồi (tiếng vỗ một bàn tay)

con bướm khóc vô thường nở rụng (thường)

nguyện ánh sáng thấm vào miền cội rễ (giấc mơ của lá)

ngọn núi mẹ thở dài (lo con trẻ dại)

từng đôi rụng khỏi cây địa đàng (sa mạc)

cột nhau chặt, thì hương tình đứt dây (thủy mặc)

 

để thả lòng cùng ‘ngày về của mây’ [7 nét thơ]

 

ngọn lửa nhổm dậy nhìn (tức thì)

thổi theo ngọn mây say sóng (mây say)

mặt hồ chết đuối (gương chiều)

chỉ có người bay đi mãi (dòng sông lặng lẽ)

con chim đỏ vén lá tìm ngày mai (thực tại)

chiều nay áng mây khom mình lay gió (nhanh quá)

ngày về cọng rễ trật trầy thêm sâu (ngày về của mây)

 

thôi, mình đi ‘câu gió’ [9 nét thơ]

 

hoa hồng vàng đã lành vết sẹo (vệ thần)

em đã khóc khi chiếc lá giải thoát khỏi gió (gặp mộng)

mảnh bùn trắng phau (ai cho ai)

mùa thu cắn câu (câu gió)

có chiếc lá khô lạc bầy (lằn ranh)

ướt cả hạt nắng em phơi khô từ tiền kiếp (gần tới chân trời)

vì bình minh không thức dậy (chờ tiếng chim hót)

người xưa đang ở đó (ẩn dật)

bỏ lại ngày mai (vì ai)

 

chợt nghe ‘trái tim kiến cắn’ [7 nét thơ]

 

điểm tâm bằng những dấu chân (bữa ăn tối cuối cùng)

vung búa bổ vào bóng mình (chẻ củi)

trăng bồng giọt sáng rỗng (đêm chìm vào nếp nhăn)

áp tai vào đất (trái tim kiến cắn)

đất trời thôi bật tắt (sân khấu cuộc đời)

chạy lẹ trốn tôi (sao kỳ vậy)

rêu phong hấp hối trên cành (sám hối)

 

em có nghe “nỗi buồn đỏ rực” [16 nét thơ]

 

trên những vết son (thôi)

mùa thu trắng tinh như tờ giấy (thu vì ai)

thu chảy lá vàng (em trộn lại làm gì)

em vẫn không đổi thay (sátna)

rửa sạch hạt mưa đọng trên chiếc lá (mùa ra đi)

những giọt lệ thôi đùa giỡn (khóc thôi)

mưa nóng hổi đáy dòng (nỗi buồn đỏ rực)

chỉ còn lại những vết nứt của mưa (hàn gắn)

con đường vắt sạch tình (đi ngang đời nhau)

đôi tình nhân chỉ cách nhau nụ cười (mãi mãi)

môi lần về dấu đỏ (hạt cát thành tâm)

ở nơi gió chia lìa (chuyện đôi hoa tuyết)

đêm là màu biên giới tình yêu (minh bạch)

lớp lớp trùng trùng vóc lụa nào bay (cởi áo cô đơn)

em đánh rơi chiếc chìa khóa của mình (đêm tình nhân)

nỗi buồn dạt sang bên (đợi chờ vừa đôi mươi)

 

có những lúc mình từng ‘tuyệt đối’ [8 nét thơ]

 

bình minh sáng bừng trong chiếc cốc (cafe đen)

rửa sạch cuộc tình là xưng tội hồn mình (sắp đặt)

trăng đầy vỡ tan (cõi không)

linh hồn bò đầy mái cong (điệu múa bất tử)

hồ sen rơi vào trong sương (một giọt)

vệ thần đốt mây cháy rực (chí sĩ)

một dấu chân sâu (bằng hữu)

cỏ cong lưng đếm miết (đêm vỡ từng sợi tóc)

Tập thơ “Dòng sông không vội” của Trần Lê Khánh, NXB Hội Nhà văn 2017

 

em hãy nếm ‘nước mắt về biển’ [9 nét thơ]

 

hằn thành vết chân chim trên đá (tưởng)

khi hiện tiền theo khói (giọt nước nào về biển)

vì kiếp trước lỡ tin nước mắt (biển đau mặn)

trong mơ (giữ lại được không)

con sóng mải gội đầu trên cát (biển lười thay áo)

hạt cát níu bọt vỡ (môi cát)

giọt nước mắt chào đời mặn (nước mắt về biển)

ly trà cạn đứng trông (biển thở mùa đông)

dã tràng bới cái không (hoàng hôn biển)

 

mơ ‘vầng trăng hóa thạch’ [10 nét thơ]

 

bàn tay lành khô cạn mân mê (mân mê)

nhìn bóng cây treo nửa giấc mơ tròn (vầng trăng ướt)

đớp vào bóng lưỡi câu (câu tưởng)

từ đâu bu vào rối (là ai)

vớt đâu một bụm em rằm đêm mây (vớt mảnh lăn tăn)

người vén mây thả ngọn đồi theo gió (cột đèn của gió)

dẫm trên chiếc bóng chân trời (chân trời có xa không)

khóc bình minh trên sân khấu loài người (đóa sen)

trăng soi mặt hồ từ khi chưa có lửa (tổ trăng)

thượng đế run tay trên từng nốt lặng (vầng trăng hóa thạch)

 

níu lại ‘mùa xuân mềm’ [9 nét thơ]

 

bầy chim én bay ào ra từ tiền kiếp (mùa xuân mềm)

dỗi người vội cài khuy (mùa đông mỏng)

khi lá khô cạn lời (mùa đông hồng)

người con gái bất lực nhấc cuống lá xanh (thu rơi xuân thì)

cạn tay em, anh ở lại (hương thu)

vá mùa thu bằng sợi gân bị đứt (mảnh vỡ mộng du)

ngày vô tướng (xuân chưa đi mà)

chờ anh về lẩn khuất xa xôi (hoang đường)

nhớ chiếc răng ngà cắn nhẹ (vị xuân)

 

uống trà đi!

 

Những bức tranh minh họa và bìa cho tập thơ thật thi vị. Bìa tập thơ hiền như đất, đằm sâu như sông đang kể chuyện tình của cỏ cây hoa lá, bốn mùa cùng trời đất và đó đây phận người vắt nhau qua mùa, mong trở lại xuân, lần về bến xuân mà thu vẫn đang chất đầy dẫu dùng dằng theo gió qua sông.

 

Bạn mình nói, khổ thơ 19x15cm với giấy tốt này trong một ngày không nắng, chẳng mưa, cứ như không gian đang quệt sậm lại thì mình thử ngẫu nhiên một trang nào đó, để coi sông mình chảy về đâu. Ai biết đâu à!

 

Uống trà đi bạn ơi! 113 bài thơ với 10 phiến băng chữ: dòng sông không vội; hư vô; ngày về của mây; câu gió; trái tim kiến cắn; nỗi buồn đỏ rực; tuyệt đối; nước mắt về biển; vầng trăng hóa thạch; mùa xuân mềm. Không thể một lần uống cả dòng sông, nhưng nhẩn nha rồi sẽ thấy sóng gợn. Thập khúc ví như 10 ngón tay đan cài và thành hai bàn tay vỗ mời mọc chân tình về phía sáng.

 

Và có lẽ những con chữ ấy chảy ra mải miết đến bất tận. Chúng ta thấy hoặc chẳng thấy, nó vẫn trôi trong không cùng. Khó hiểu nhưng đọng những nỗi niềm cháy bỏng. Trà nguội rồi, uống đi người ơi!

Đi suốt tập thơ, riêng mình thấy vẻ đẹp ấy lấp lánh từ liên văn bản. Ồ, cát hay ngọc, trầm tích hay phun trào… thấy mình đâu đó trên câu thơ.

 

đọng trong tôi là EM

 

Hai từ ‘cởi’ và ‘thức’ ám ảnh lòng mình nhiều vậy sao?!

 

Mà đúng rồi, chịu cởi bỏ những gì là mình, của mình, vì mình, cái bản ngã cực to sẽ thấy tỉnh thức trong niệm lành, tâm an và rỗng không bất tận.

 

EM là tôi, là ta, là tất cả cũng chẳng là gì cả.

 

Hai bài thơ được tụng lên bằng nghi lễ không nghi lễ. Con chữ nở hoa chật ngày. Ừ, lòng đừng chật nghen em!

 

“sân đình chật người

khói nghi ngút bao la

khuôn mặt hoa hầm hập đỏ

em cởi hư không

lau nhẹ giọt mồ hôi

cho con kỳ lân đá”

 

       (khói, trang 45)

 

và:

 

“ngày em về

con đường mòn thức dậy

dãy núi úp mặt vào bật khóc

bên kia hư vô”

 

    (vô tận, trang 69)

 

‘em cởi hư không / lau nhẹ giọt mồ hôi / cho con kỳ lân đá’: trước bao lễ nghi và vọng niệm chỉ thấy tràn đầy nỗi mong lòng muốn đến chảy tràn mồ hôi chen lấn trong kiếp nhân sinh chật hẹp. Tay hoa lau nhẹ giọt mồ hôi, lau đi bụi bặm đang ken dày lèn chặt lòng mình để thấy mình là kỳ lân, kỳ lân là mình.

‘con đường mòn thức dậy / dãy núi úp mặt vào bật khóc / bên kia hư vô’: những khó nhọc và lo toan đã lập trình sẵn, đã bày biện cả rồi, đã thành nếp, thành đường, bạn có đi chăng? Qua dãy núi này chúng mình sẽ tới ‘bên kia hư vô’ nhưng rất an lành. Đọc mấy câu này tôi nhớ phẩm ‘Hóa thành dụ” trong Diệu Pháp Liên Hoa kinh quá chừng!

 

Sau rốt, tôi bật lên tiếng hát với “một giọt” – trang 183:

 

“hồ sen rơi vào trong sương

mặt hồ thêm chút nước

một giọt

trong veo

chứa cả đất trời lặng yên buổi sáng

rơi khỏi mắt em”

 

Rơi khỏi cái nhìn của mắt thịt sẽ thấu cả đất trời, cảm nhận tận cùng buổi sáng bình yên trên lá sen đọng giọt sương. Phải chăng đó là viên ngọc trong tim mỗi người chúng ta. Chỉ khi nào thật lặng, rời bỏ những nghĩ đúng sai, phải trái, hơn thua thì “trong veo” bắt đầu xoay tròn trong bạn, trong tôi, khắp cả hư không.

 

Khép lại tập thơ, sau một tối thức dậy, tôi mãi miên man hai bài rất đời:

 

“cuồng phong năm đó

cây cổ thụ bật gốc rất đau

đám cỏ lau phủ lên

thành tấm bông gòn chậm máu

và chừa lại

một dấu chân sâu”

 

     (bằng hữu – trang 187)

 

“tôi đem vĩnh hằng

làm vật phẩm cúng dường

bỏ vị lai vào thùng phước sương

hộ pháp trông chừng quá khứ

khi hiện tiền theo khói

bay lên”

 

     (giọt nước nào về biển – trang 195)

 

Hoài nghi, khát vọng, mong chờ thoát khỏi những nỗi khổ niềm đau, vượt qua những chướng nạn từ thiên nhiên là nỗi mong chờ của tất cả chúng ta. Trận cuồng phong bật gốc tất cả gì ta đang hiện hữu, từ tài vật tới cả thân mạng này hoặc một phần thân thể. Phải vậy chăng mà trong khoảnh khắc hiện tiền này rất cần sự vĩnh hằng bay lên trong bình an. Quá khứ, vị lai đều nằm trong hiện tiền của chính mình với thái độ sống ngay đây và bây giờ vậy!

 

Mà thôi, tôi chừng như thấy tác giả vừa hoàn mãn thời Kim Cang kinh, ngày giăng mây đầy!

 

Ngày 17.11.2017

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Phác thảo văn học Việt Nam trên bản đồ văn học thế giới – Nguyễn Quang Thiều

>> Phan Khôi với Tản Đà – Phan An Sa

>> Từ chiều sâu của sự chân thật trong thơ- Nguyễn Hiếu

>> Về một số chức năng của văn chương – Umberto Eco

>> Tiếp cận một nét thơ thiền hiện đại – Nguyễn Vũ Tiềm

>> Linh hồn mỏi trên những vết son – Lê Thiếu Nhơn

>> Mỹ nhân nơi đồng cỏ, nhìn từ đặc trưng thể loại – Cao Thị Hồng

>> Chất truyện trong thơ – Nguyễn Đức Mậu

>> Chép lên khoảng trời: Thao thức một miền quê – Đỗ Xuân Thu

>> “Ngũ hổ” thơ Hàn Quốc – Đặng Huy Giang

>> Tây Nguyên trong thơ Đặng Bá Tiến- Nguyễn Minh Khiêm

>> Niềm yêu hiển lộ từ những lớp ví dụ – Trần Quang Quý

 

  

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…