Trần Nguyệt Ánh và không gian vũ điệu trong “Vọng núi”

460

Thơ ẩn nấp trong tâm hồn và xuất hiện từ tâm hồn. “Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm”, Voltaire – nhà văn, sử gia và triết gia Pháp thời Khai sáng từng nói như vậy. Nhưng, hiển nhiên, thơ ca luôn vận động, bởi cuộc sống không đứng yên.

Nhà thơ Trần Nguyệt Ánh

Thơ ca Việt Nam, sau 1975, nhất là sau năm 1986 đến nay đang vận động, hay thì chưa nói, nhưng dễ thấy là xu hướng đa dạng. Nhà LLPB Nguyễn Thanh Tâm nhận xét: “Thơ Việt Nam sau 1975 vận hành theo ba khuynh hướng lớn: Khuynh hướng bảo tồn những giá trị thơ ca truyền thống/ Khuynh hướng cách tân/ Khuynh hướng cách tân trên cơ sở kế thừa truyền thống”, (nguồn: báo Tổ quốc). Hẳn nhiên, đã có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà LLPB về xu hướng này.

Tôi quen biết nhiều bạn thơ, thấy họ có nhiều cố gắng đổi mới thi ca. Nếu như nhà thơ Trần Quang Quý khai sinh ra thể thơ namkau (năm câu); thì ở TP. Hồ Chí Minh, có lẽ trên “nền” thơ Haiku (Nhật Bản), nhà thơ Lệ Bình chủ trương làm thơ hai câu về lục bát…Dù cách tân triệt để hay cách tân nửa vời, thành công hay chưa thì công chúng yêu thơ cũng đã được thưởng thức, ngắm nghía. Chắc chắn rằng, “bàn chân không có trên lối mòn”, theo như cách nói của nhà thơ Vương Cường, nên nhiều nhà thơ với trách nhiệm, trước hết với chính mình đã và đang tìm cách đổi mới.

Trong xu hướng ấy, tôi được biết đến “thơ 1-2-3” trên trang “Văn học Sài Gòn”, do nhà thơ Phan Hoàng chủ xướng. Từ chú ý không chủ định, tôi chuyển sang chú ý có chủ định, khi thấy “thơ 1-2-3” lan tỏa, rất đông người hưởng ứng nhất là người viết trong giới giáo chức. Và rồi, tôi nhận được 2 tập thơ thể loại 1-2-3, trong đó có tập thơ “Vọng Núi”, NXB Hội Nhà văn năm 2022 của cô giáo, nhà thơ Trần Nguyệt Ánh ở Đắk Lắk.

Nói về Trần Nguyệt Ánh, được biết chị là hội viên Hội VHNT Đắk Lắk, nhưng vào Hội với chuyên ngành văn hay thơ thì không rõ. Chỉ biết, chị sáng tác cả văn, truyện ngắn đã từng được đăng trên Văn nghệ Công an, thơ của chị thì đã được nhiều tở báo, tạp chí VHNT đăng. Như vậy là người viết có nội lực.

Tập thơ 1-2-3 “Vọng núi” của Trần Nguyệt Ánh vừa ra mắt ở Đường Sách Cà phê Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk ngày 21.4.2022

“Vọng Núi” gồm 132 bài. Chính nhà thơ Phan Hoàng đánh giá đó là “Vũ điệu cao nguyên nóng bừng ngọn lửa”, (tiêu đề của Tựa tập thơ). Ngoài Tựa của nhà thơ cách tân Phan Hoàng, “Vọng Núi” còn có phần Phụ bản với hai bài viết của nhà phê bình Khang Quốc Ngọc và nhà thơ Trương Nhất Vương. Như vậy, là được các nhà nghiên cứu để ý từ lúc tập thơ còn là bản thảo.

“Vọng Núi”, đúng như nhà thơ Phan Hoàng và Trương Nhất Vương nhận định, đó là không gian của vũ điệu Tây Nguyên. Trước khi đọc thơ chị, tôi để ý có bài thơ “Khi ta đến với thơ”. Phải đọc trước bài này, biết đâu, lý giải được, vì sao tâm hồn chị đăm đắm cùng thơ.

Được lĩnh hội cả bầu trời nhân nghĩa

Con mắt thơ chiếu sáng từng sinh linh hoa cỏ

Thơ hồi sinh những tâm hồn cằn cỗi, tật nguyền

Ta yêu hơn những kiếp người khốn khổ

Soi lại mình để viết tiếp giấc mơ!

(Khi ta đến với thơ)

Đến đây thì bạn đọc đã có khái niệm về “thơ 1-2-3”. Cấu trúc của thể thơ này gồm 6 câu, cả tên bài; nó như nhịp vận động, liên kết chặt chẽ ngay từ câu thứ nhất (tên bài thơ). Qua bài thơ “Khi ta đến với thơ”, độc giả yêu thơ Trần Nguyệt Ánh còn biết được tuyên ngôn của chị. Theo cách nói của nhà thơ quá cổ Chế Lan Viên thì câu thơ phải luôn bất ổn xôn xao, đọc “tự bạch” đến với thơ của Trần Nguyệt Ánh đã thấy chị lựa chọn sự “bất ổn”.

Trần Nguyệt Ánh có gốc ông, bà, bố mẹ quê Thái Bình, chị mới là “F1 Tây Nguyên” nhưng sinh ra, lớn lên, cuộc sống hiện tại gắn bó với Tây Nguyên. Trong “Vọng Núi”, chị có dành cho cố thổ một số bài như “Tự hào phụ nữ quê mình Năm Tấn”, “Ước cùng anh một lần về dự lễ hội chùa Keo”; còn lại là “nhịp điệu Tây Nguyên”, ngay cả mảng thơ tình, vốn là thế mạnh, dễ tạo ra bản sắc cho từng tác giả thơ nữ.

“Ta ru mình trên ngọn núi Chư – Yang – Sin/ Để nghe tiếng ngân rung của gió đại ngàn/ Để lắng hồn mình nghe âm vang từ dòng thác/ Khói lam chiều ẩn hiện mái nhà rông/ Tây Nguyên hồn nhiên đất đỏ Ba zan/ Tựa lưng núi lòng ta ngập tràn hương sắc”. Tây Nguyên nuôi dưỡng tâm hồn Trần Nguyệt Ánh, hay nói cách khác, cho chị tất cả trong đó có tâm hồn; vậy nên trong “Vọng Núi”, ngờm ngợp gió, ngợp ngợp hoa và tất cả những gì bản sắc Tây Nguyên. Đó có thể là tiếng chim Pí, là sắc vàng của mênh mông Dã quỳ, là những thác nước tung lên màu huyền sử.

Do thể “thơ 1-2-3” đặc biệt nên trích dẫn thơ trong các bài bình hay lý luận cũng khác thường. Phải dẫn nguyên cả bài mới đập vào trực giác nhịp điệu. Mong bạn đọc khi đọc bài viết này, nhận diện ra 1-2-3 từ tưởng tượng, nhận diện ra “khoảng trắng” giữa 1-2-3.

Trên từng câu thơ của Trần Nguyệt Ánh dễ nhận ra “bất ổn, xôn xao”. Chị là người đa cảm, cuộc sống với tất cả niềm vui, nỗi buồn ập vào chị thành suy tư, ưu tư. Và cái đẹp của thi ca cất lên. Đó là mơ ước về hạnh phúc, thánh thiện cho con người.

“Ước mơ về một ngày mai tươi đẹp

Cậu bé mồ côi ước được chăm sóc trong vòng tay mẹ

Em bé tật nguyền ước một lần bước nhẹ đôi chân

Kẻ mù lòa ước có một đôi mắt trong ngần

Nhìn thấy ánh sáng như bao người bình thường khác

Những người con yêu đất nước mình khát khao sự bình yên”

Sự phát triển tư duy thơ từ hiện thực đến chiêm nghiệm, từ đời thường đến chân giá trị. Hẳn nhiên, ước mơ từ cụ thể của từng con người đến số phận dân tộc luôn mang thông điệp cái đẹp, ánh lên vẻ đẹp nhân bản. Đó là sứ mệnh của thi ca.

Đọc “Vọng Núi” của Trần Nguyệt Ánh, tôi nhớ một câu nói nữa cũng của cố nhà thơ Chế Lan Viên: “Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết vàng mà đời rơi vãi/ Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang”. Đúng thế, nên đọc và cố gắng đọc khi còn có thể và có điều kiện; ngay cả với tác phẩm của những nhà thơ trẻ. “Hôm nay ươm mầm từ những điều nhỏ bé/ Để ngày mai gặt hái niềm hi vọng to lớn khôn cùng”, tôi thích hai câu thơ này trong bài “Cuộc sống này muôn vàn điều tốt đẹp” của Trần Nguyệt Ánh.

Trần Nguyệt Ánh đã và đang mạnh mẽ ươm mầm trên đất Tây Nguyên, với trách nhiệm của một công dân, có ý thức tìm tòi, đổi mới mình trên mỗi trang thơ với trách nhiệm của người viết. Tất nhiên, đó là con đường dài, không riêng với chị./

THEO VANVN