Trần Quỳnh Nga – Hoàng hoa tửu

830

30.6.2018-09:40

 Nhà văn Trần Quỳnh Nga

 

Hoàng hoa tửu

 

TRUYỆN NGẮN CỦA TRẦN QUỲNH NGA

 

NVTPHCM- Hai người, một mặc áo đại thần triều đình, một tiên phong đạo cốt khoan thai.

 

– Uống đi ông, đã bao năm rồi chúng ta mới lại được cùng nhau trà dư tửu hậu thế này.

 

– Cũng phải, mới đó mà tóc đã trắng như sương cả rồi!

 

Lão Phùng ngước mắt nhìn Thủ Độ. Ông bạn già đĩnh đạc ngồi xếp bằng trên tấm phản gỗ rót rượu từ chung vào hai cái chén hạt mít được khoét từ cây cổ đẳng hơn trăm tuổi. Rượu chảy ra nhỏ giọt thoảng một mùi thơm lạ kì, khi ngạt ngào như mật sánh, lúc lại thoáng qua như hương hoa trong gió nhẹ. Lão Phùng nâng chén lên:

 

– Bạn quân tử phải được tiếp bằng mĩ tửu mới xứng!

 

– Ông thật sướng, một đời tiêu dao không màng thế sự, lại được uống những loại rượu thượng hạng thì đời có gì phải u buồn nữa.

 

Lão Phùng trầm ngâm:

 

– Đâu có, thứ rượu này tôi ủ mấy chục năm rồi. Từ ngày chúng ta chia tay nhau bên bến sông Phổ Đà ấy, hồi đêm nghe tiếng chim khách đổ dồn tôi mới đào lên đợi ông đấy!

 

– Ôi giời! – Thủ Độ cười lớn – Ông cứ gọi là Phổ Đà cho nó khách sáo làm gì. Với tôi thì nó chỉ là sông Luộc thôi, con sông mà dẫu có đi hết non nước này tôi vẫn cứ muốn về đứng trên bờ bên tả nhìn sang ngút ngát lau sậy bên hữu mà dò tăm hơi cá. Đã lâu lắm rồi, Thủ Độ này mới lại được cảm giác thảnh thơi ngồi uống rượu mà vô lo vô nghĩ. Dặm đường bụi cuốn, bao phen chiến chinh, nào ngờ cuối đời lại được về bên bạn cũ, uống rượu ngon, hàn huyên chuyện thế thái.

 

Khách nâng chén rượu lên ngang mày. Chén rượu sóng sánh màu hổ phách. Mùi hoa cúc phảng phất dịu nhẹ. Để có được loại mĩ tửu này, người làm ra chúng phải kì công lắm. Việc chăm sóc cúc phải thật kì khu. Ban đầu là thửa đất, phải chọn vùng đất phù sa mới, thoát nước tốt, sạch, xáo đất và vun luống thật kĩ cho cúc. Rồi giâm cành, bấm ngọn, chăm bón…  cứ thế cho đến khi những bông cúc vào mùa nở rộ. Lại phải chọn ngày đậm sương mới bắt đầu nghĩ đến khâu cắt ủ. Người ta chọn những bông kim cúc vừa chớm nở, ngắt vào sáng sớm khi hương vẫn còn giữ trong từng lớp cánh mỏng rồi đem ngâm ủ công phu. Sau đó, đem chưng cất thành loại hoàng hoa tửu thuần khiết, trong suốt tuyệt đối. Rượu được hạ thổ càng lâu càng đem lại hương vị tuyệt vời. Thủ Độ ngẫm nghĩ rồi nhấp một ngụm rượu, khà lên một tiếng sảng khoái:

 

– Cái loại hoàng hoa tửu này ông cất vào mùa thu hả?

– Sao ông biết?

 

– Vì trong rượu có vị đậm của hương hoa mà khi ngậm nhẹ trong miệng, mùi thơm hoa cúc làm động khứu giác. Hoa cúc nở mùa thu thường đậm vì tiết trời không dễ dãi, cây cúc vì thế mà không tự do sinh sôi phát triển và rộ hoa như lúc sang xuân.

 

– Ông quả là tinh đời!

 

Lão Phùng cười lớn rồi nhìn người bạn già gật gù. Bao nhiêu năm bôn ba, lẫy lừng thiên hạ, chỉ dưới một người mà trên vạn người, tưởng những ồn ã quan trường đã làm cho Thủ Độ quên đi cái kì khu của loại rượu quý. Ấy vậy mà vẫn nhớ! Cái quý của Thủ Độ là vẫn giữ được tín nghĩa với người bạn từ thủa hàn vi để rồi ở tuổi thất thập này lại rẽ mây, rẽ trúc tìm đến lều cũ của cố nhân để hàn huyên chuyện cũ.

 

– Uống!

– Uống đi!

 

– Xuân du phương thảo địa/ Hạ thưởng lục hà trì/ Thu ẩm hoàng hoa tửu/ Đông ngâm bạch tuyết thi.

 

Trong rừng trúc thâm trầm của tiết trùng cửu hôm đó, trăng hạ tuần vành vạnh ngậm đầy sương trắng soi xuống hai lão già lặng lẽ bên nhau uống rượu hoàng hoa. Bên ngoài lều cỏ, bờ cúc lặng lẽ tỏa hương thơm nồng. Tiếng nói chuyện rù rì như ong bay. Tiếng rượu chảy như sương rỏ. Tiếng gió phất trần nhè nhẹ chỉ làm lung lay ngọn đèn dầu lạc…

 

***

 

Phùng nâng chén rượu cạn một hơi dài nhìn sang Thủ Độ. Trong ánh sáng leo lét của ngọn đèn vàng, mặt Độ đang dần chuyển đỏ nhưng vẫn còn cường lực lắm. Phùng nhớ lại lần Phùng gặp nạn bên bến sông ngày ấy. Khi cha con Phùng chạy trốn quân triều đình, nằm thoi thóp giữa um tùm lau lách bên sông. Khi tưởng chừng kiệt sức vì đói rét thì Độ xuất hiện. Độ đưa cha con Phùng vào căn lều cỏ sâu trong bãi sậy. Phùng chỉ biết líu ríu nói lời hàm ơn:

 

– Cha con tôi suýt chết, may mà nhờ huynh mới thoát, không biết phải đền ơn bằng gì đây?

 

Thủ Độ gạt đi:

 

– Thôi, khoan nói chuyện ơn huệ, cứ nghỉ ngơi ở nơi này đã. Vùng  này là đất của nhà tôi. Không ai biết đâu, để tôi về lấy thứ gì ăn tạm.

 

Độ chân tình, nồng nhiệt dù biết rằng, giữa buổi loạn lạc này, dám che giấu người bị triều đình truy đuổi là tội lớn.

 

Khi đó cha con Phùng lưu lại lều cỏ được ít ngày thì đỡ bệnh. Một bữa, thấy Thủ Độ đang tập võ ngoài bãi trống, Phùng liền hỏi:

 

– Huynh trí lực hơn người sao không ra thi thố làm quan?

 

Độ cười lớn:

 

– Tôi chân lấm tay bùn, suốt ngày lênh đênh sông nước, làm gì có tướng làm quan. Mà nếu được làm quan cũng không thể làm một ông quan tốt.

 

– Thế nghĩa là sao?

 

– Thời buổi loạn lạc, không phải cứ khoác mũ cao, áo dài là xong. Vua chỉ biết lo việc vua, quan chỉ biết việc quan chứ có ai lo cho dân, rường mối bỏ dần, giặc cướp nổi lên không ngăn cấm được.

 

 Độ nói rồi lại cười khà:

 

 – Ấy chết, nói thế hóa ra tôi có ý làm phản. Như huynh trên thông kinh văn, dưới tường địa lí, vì nói lời ngay thẳng mà con bị truy sát nữa là tôi.

 

Độ nói rồi chạy ra xa giương cung bắn vút vào khoảng trời xanh trước mắt. Một con ngỗng trời lảo đảo rơi xuống dòng sông màu đỏ đục. Phùng  đã nhận ra điệu bộ dũng mãnh của Độ sau cú giương cung ấy, chỉ là Độ chưa gặp thời thôi. Cần phải làm gì đó để khích lệ con người này…

 

***

 

– Ông đang nghĩ gì vậy? Thủ Độ nâng chén rượu về phía cố nhân.

 

– Tôi đang nghĩ chuyện cha tôi xưa khi nhìn thấy ông. Tôi nhớ sáng đấy, cụ dạo một vòng nhìn ra các gò đống nổi lên. Rồi cụ nói rằng vùng đất có hình thế “tiền tam thai, hậu thất tinh”, là đất phát đế vương. Lúc đó tôi hỏi cụ “là Thủ Độ chăng?” thì cụ nói rằng Thủ Độ không phải là vua nhưng là người dựng nên nghiệp lớn.

 

– Nghiệp lớn – Thủ Độ nói to rồi lại thở dài – Công hay tội, theo ông, khi tôi phế bỏ nhà Lý lập nhà Trần? – Thủ Độ dừng chén, nheo mắt, giọng đã bắt đầu thấy liêng biêng – Cả thiên hạ ca ngợi tôi, cả thiên hạ cũng đang thù hận tôi đấy thôi. 

 

Lão Phùng lặng lẽ nâng chén, nhấp một hơi cay, đoạn đặt chén xuống, rót thêm một chung rượu rồi tiếp tục:

 

– Ông cứ thảnh thơi vui thú tuổi già đi. Đất này của dân, nước này  của dân. Triều đại là cái gì, chẳng qua như mái nhà che nắng mưa ngoài kia thôi. Theo năm tháng nó mục ruỗng, hỏng rồi thì phải thay cái mới.

 

– Ông chỉ tay lên đầu mình – Đấy tôi vừa cho người thay cái mái mới, nên đêm nay tôi và ông mới có chỗ mà ngồi thưởng rượu ngắm trăng.

 

– Đấy là ông nói thế thôi – Thủ Độ lại cười dài – Binh quyền đã ăn sâu vào thâm căn cố đế của thiên hạ. Đời mấy ai được như Sào Phủ thấy Hứa Do rửa tai bên sông mà dắt trâu ra chỗ khác uống nước? Không ai không tham quyền bính, chỉ là nó có đến với mình hay không thôi. Ông là bậc thầy phong thủy hẳn ông hiểu rõ hơn tôi về định phận.

 

– Rõ là có định phận – Chủ nhà nâng chén rượu nhìn khách rồi nhấp một ngụm – Nhưng định phận không phải như ông đang nghĩ trái đi như thế. Nếu chúng ta nói rằng sống trên đời giàu nghèo, sang hèn đều do định mệnh thì thử hỏi khi can qua, hỗn loạn, người ta độc ác với nhau thì cũng do ông trời tạo nên sao?

 

– Thế sao khi nhìn thấy tôi đánh cá trên sông mà cha con ông  đã nói rằng sau này tôi sẽ làm việc lớn?

 

– Đó chỉ là cái cớ để khích ông thôi. Lúc ấy ai chẳng biết thái tử Sảm chạy lánh nạn qua vùng đấy. Họ Trần nhà ông khi ấy là dòng họ lớn. Ông có dũng khí, can trường, thì chỉ cần một cú hích là có thể làm nên nghiệp.

 

– Cứ cho là vậy! – Thủ Độ nói rồi lại nâng chén – Nói đi nói lại cũng phỏng ích gì! Tại trời mà cũng tại ta. Giờ chỉ có ông và  tôi. Đêm nay tôi phải say một lần cho bõ bao ngày xa cách vậy!

 

Trong ánh trăng sương, hai người bạn nâng chén cổ đẳng lên ngang mày. Chén rượu sóng sánh nhuốm đầy trăng ùn lên trông như khói tỏa. Không gian lặng thinh, chỉ một tí rung động nhẹ nơi yếu hầu người bạn là biết rằng hơi rượu đã làm vơi bao nỗi u sầu. Thủ Độ đặt cái chén xuống phản gỗ, nhanh, dứt khoát nhưng rất nhẹ nhàng. Ống tay áo vung lên như một cánh chim, không hề có tiếng động, chỉ để lại một vùng tối trong nháy mắt… Rượu hoàng hoa là một thứ trân quý ở đời vì nó thấu được cả tâm tính của người thưởng thức và cả người làm ra nó. Tri kỉ là thế, nào có cần đợi mở lòng, chỉ nhìn cách thưởng thức loại rượu quý gọn ghẽ đến thế đã biết là bậc kì nhân.

 

***

 

Đêm khuya. Sương sa nhỏ giọt trên mái lá lộp bộp. Thủ Độ vẫn ngồi xếp bằng như tượng gỗ. Không biết đến chén thứ mấy rồi mà hai người vẫn còn say sưa. Dư vị của rượu bị dồn về một phía. Rượu giờ mở ra một trang khác. Con người Phùng thì nào có gì phải bàn. Ẩn dật, an nhàn, không ham danh lợi, không màng thế sự từ cái ngày bị truy đuổi. Còn Thủ Độ, người đã chứng kiến bao thăng trầm của thế sự, tay dính cả máu và nước mắt giờ cũng là một ông già nhàn tản. Nhưng ngày ấy, khi nghe cha Phùng xem sao nói rằng “Nhà Trần là chủ của thế đất tốt. Huyệt tổ lại ở vị trí “thổ phúc tàng kim” (trong đất giấu vàng) nhưng muốn phát thì phải nhờ phụ nữ” mặt Thủ Độ đã tái dại đi. Khi ấy thái tử Sảm đang lánh nạn ở nhà Trần Lý, cha của Trần Thị Dung, người sau này là hoàng hậu của triều Lý.

 

– Ông đang nghĩ gì vậy? – Thủ Độ hỏi.

– Tôi đang nghĩ đến Linh Từ Quốc Mẫu – Lão Phùng trả lời.

 

Thủ Độ bất giác thở dài, lời nói có phần nằng nặng như như nhớ về những ngày xưa cũ.

 

– Vậy mà nàng đã rời khỏi thế gian mấy năm rồi. Trước hôm nàng mất, trời nổi một cơn mưa đá rất lớn. Đêm đó, nàng cứ nắm lấy tay tôi mà mê sảng. Nàng nói, nàng nằm mơ thấy mình là một con cá đang bơi trên ngã ba sông thì nghe thấy tiếng động, đất đá không biết từ đâu rào rào ném xuống lòng sông. Nàng bơi bên phải, đá rơi bên phải, nàng bơi bên trái, đá ném bên trái, nàng rướn phía trên, lùi phía dưới, đất đá cứ quây chặt lấy nàng. Nàng càng quẫy đạp, bùn đất càng sánh lại bám chặt vào mang. Nàng không thở được, máu tứa ra từ mắt, mũi. Nàng là con cá sặc bùn mà chết. Thương thay cho nàng, là bậc mẫu nghi thiên hạ mà có lúc bị xem là loại “thất tiết”. Mà tôi có phải là kẻ “sát phu, đoạt phụ” đâu. Làm sao tôi có thể là kẻ đó khi chính tôi mới là người bị cướp?

 

– Thôi nào, thôi nào… –  Cố nhân đỡ lời bạn – Ông đừng nghĩ vẩn vơ nữa. Công hay tội bây giờ khó mà nói được.  Nếu tôi nói ông không có tội, liệu ông có thỏa lòng? Còn Linh Từ  nữa, chuyện ấy cũng đã qua rồi, nghiệp của nàng xong rồi. Có câu, mất ít được ít, mất nhiều được nhiều là vậy. Có khúc khải hoàn nào mà không nhuộm máu đâu…

 

***

 

 Đêm đó, ở nhà Trần Lý, cậu ruột Tô Trung Từ đã gọi Trần Thị Dung ra huấn thị:

– Cháu có biết thái tử Sảm lưu lạc đến đây và có lòng yêu thương cháu là cái phúc của họ nhà ta không?

 

– Cháu không hiểu nhiều đâu.

– Đây là cơ hội ngàn năm có một cho họ nhà ta mở mặt với đời.

Ý chú là muốn nhân cơ hội này giúp thái tử Sảm để làm thế lực cho họ Trần?

 

– Đúng thế!

– Vậy cháu…

 

– Cháu phải dứt khoát từ bỏ chuyện với Thủ Độ đi, được cái lớn  thì phải mất cái nhỏ. Mọi việc thành hay bại của dòng họ là do tay cháu. Cháu phải nhớ lấy điều ấy…

 

Lời nói như dao chém đá, đã nói ra khó lòng mà rút lại được. Trần Thị Dung lặng lẽ nằm khóc. Bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu dự định cùng Thủ Độ trên bến sông cỏ lau đã tan vỡ. Nàng nhìn ra mờ xa, trời chiều nhuốm bãi lau thành một màu vàng u uẩn. giờ này chắc Thủ Độ đang ở đó đợi nàng. Đêm nay, chàng hứa sẽ đưa nàng bơi thuyền ra gò Hỏa tinh đầy lau trắng. Chàng có hiểu cho việc bất nghĩa này…

 

***

 

Ngày làm lễ sắc phong nguyên phi cho Trần Thị Dung được định. Hôm đó, trời lập thu, hoàng hôn dịu nhẹ như bông bay sà sà xuống bãi sông Phổ Đà nhuốm bãi lau thành một màu hồng bạc. Trần Thị Dung như một đóa phù dung. Nàng đẹp quá! Mái tóc dài đen mướt, hàng mi uốn cong đậu nhẹ trên làn da trắng như bông đã làm xiêu lòng thái tử Sảm. Chỉ có đôi mắt, dẫu bị kìm hãm bởi áo váy của nữ nhi thông thường thì vẫn toát lên vẻ bướng bỉnh, sắc sảo… 

 

Cũng ngày hôm đó, nước sông Luộc dâng tràn, Thủ Độ một mình bơi từ bên này sang bên kia sông, hết vòng này sang vòng khác trong nỗi đau đớn tột cùng của một mối phụ tình không thể nào hóa giải. Cũng ngày đó, trên rặng núi mù sương, hoa cúc nở tràn bờ dậu, người bạn đồng niên đã biết chuyện mà lặng lẽ hái hoa cúc ủ men chưng cất thành thứ rượu hoàng hoa chờ đến ngày sẽ dùng nó.

– Say! Say! Say!… Xuân du phương thảo địa, Hạ thưởng lục hà trì, Thu ẩm hoàng hoa tửu, Đông ngâm bạch tuyết thi…

 

***

 

Trời bắt đầu sáng rỡ. Sương nặng chảy thành dòng trắng như sữa non trên những phiến đá mờ rêu. Trong lều, Thủ Độ khoan thai xỏ chân vào giày cỏ sau một giấc ngủ dài.

 

– Về thôi.

– Về đi.

 

Lão Phùng tiếp lời rồi tiễn bạn xuống núi. Lão không đi xa, chỉ tiễn bạn qua rặng trúc trĩu nặng sương rồi quay về. Giờ chỉ còn lại một mình lão ở lại khu rừng thâm sơn cùng cốc với nỗi nhớ thương vô định. Người đi không trở lại. Lão biết rồi mai đây khó lòng mà gặp lại cố nhân nữa.

 

Lão Phùng bước ra mé hiên, con chim khách đang nhìn lão như  muốn nói điều gì. Lão nhìn con chim, mỉm cười mãn nguyện rồi rút then cài lồng. Con chim lặng lẽ rũ cánh, liệng tròn trên thinh không một vòng dài rồi vút vào bầu trời cao rộng. Chỉ còn lão với chung rượu hoàng hoa còn dang dở…

 

                                                                                   

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Người con gái Tuy Hoà – Trình Quang Phú

>> Thiên sứ về trời – Nguyễn Thị Việt Nga

>> Ngải đắng ở trên núi – Đỗ Bích Thuý

>> Tình cha – Châu Hoài Thanh

>> Anh em song sinh – Võ Chí Nhất

>> Gửi ông Đại tá chờ thư – Nguyễn Văn Thọ

>> Người tình – Cấn Vân Khánh 

>> Hoa nở muộn – Hoàng Thanh Hương

>> Mùa thanh long – Nguyễn Trường

>> Gió thu – Nguyễn Trương Quý

>> Nhật ký IVF – Chu Thị Minh Huệ

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…