Trần Thanh Cảnh & Giấc mơ

1151

14.4.2018-18:30

 Nhà văn Trần Thanh Cảnh

 

>> Kỳ nhân làng Ngọc

 

Giấc mơ

 

TRUYỆN NGẮN CỦA TRẦN THANH CẢNH

 

NVTPHCM- Huyền là con gái làng Ngọc. Nhà Huyền ở giữa làng, xóm Cầu Chiêu. Huyền ở với ông bà nội từ bé, là vì mẹ Huyền bỏ đi theo giai, đấy là lời bà nội nói. Còn bố Huyền, là đồ bỏ đi, cũng vẫn lời bà nội, chỉ vì một con đàn bà mà hủy hoại đời mình, rồi không trông nom gì đến con cái, bố mẹ.

 

Những lời này bà hay nói với Huyền khi hai bà cháu ôm nhau ngủ trong gian buồng tối om. Thực sự thì Huyền vẫn còn cả bố và mẹ, không phải trẻ mồ côi. Mẹ Huyền là Hiền, vốn là gái làng Ao Xá, về làm dâu bên này, sau đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc. Rồi chả hiểu thế nào mà lúc về nước lại lấy luôn chồng khác. Bây giờ ở mãi mạn đằng “Hà Lội hai”, xa tít. Đấy là dân làng nói vậy. Bố Quyết của Huyền thì vẫn ở ngay ngoài phố. Bán hàng vật liệu xây dựng cho bác Ngân, ăn ngủ luôn ngoài đó, nhưng chỉ rượu. Đã mấy lần phải đi viện cấp cứu vì rượu nhưng vẫn không chừa.

 

May mà Huyền còn có ông bà nội.

 

Ông bà nội Huyền, vốn là công nhân nhà máy giấy, đã nghỉ hưu. Nhà có mấy sào đất lúa, cũng đủ ăn. Sau này, nhà nước thu hồi, trả cho một cục tiền, ông bèn đem gửi hết vào ngân hàng, lấy lãi chi tiêu tùng tiệm. Cũng nhờ có ông bà chắt chiu mà Huyền được đi học bằng chị bằng em.

 

Huyền hầu như không có liên hệ gì với đằng nhà ngoại.

 

Huyền sinh ra thì ông bà ngoại đã mất. Mẹ Huyền theo chồng mới ở nơi xa, rất ít khi về quê. Thỉnh thoảng, có gửi tiền gửi quà cho Huyền, nhưng ông bà nội không nhận, gửi trả: “Con cháu nhà chúng tôi được nuôi nấng, chăm sóc không kém ai. Không cần đến đồng tiền mất nết”. Huyền lúc ấy còn bé, chả hiểu thế nào là tiền mất nết. Nhưng thỉnh thoảng bố ở ngoài phố rẽ về, cho mấy nghìn, ra đầu ngõ mua bim bim. Vài lần như thế, mẹ Huyền không thấy liên hệ gì nữa. Nghe nói, cũng đẻ nhiều con.

 

Huyền học khá và ngoan.

 

Học hết phổ thông, Huyền thi đỗ vào trường đại học kinh tế. Bốn năm học ngoài Hà Nội, Huyền đều đặn sáng thứ hai đi, chiều thứ bảy về với ông bà trên tuyến xe buýt lúc nào cũng chật ních người. Nhiều hôm, Huyền chỉ đứng được có một chân xuống sàn xe, còn chân kia lơ lửng đâu đó. Hay đi cùng xe buýt với Huyền là thằng Thuấn, học bên bách khoa. Thuấn và Huyền học cùng khóa phổ thông, cùng trường nhưng khác lớp, có biết nhau sơ sơ, không thân. Quê Thuấn ở xã bên. Bố mẹ Thuấn là cán bộ huyện.

 

Huyền xinh theo kiểu như người làng Ngọc hay tả là mỏng mày hay hạt. Huyền giống mẹ, điều này thì cô Thu nói chứ ông bà nội không bao giờ kể về mẹ Huyền. Cô Thu xưa là bạn bố, cô là vợ chú Phương, cũng là bạn bố. Nhà đẻ cô Thu gần nhà ông bà nội Huyền, trong xóm Cầu Chiêu. Cô đi xuất khẩu lao động cùng với mẹ Huyền, rồi nhỡ nhàng có con với một tay Hàn Quốc, thế là ở lại bên ấy. Lần cô Thu về nước thăm nhà và đón chị Hiên, con cô ấy với chú Phương đi, cô sang nhà ôm lấy Huyền, khóc như mưa như gió. Cô bảo, trời ơi, cháu giống mẹ quá. Lâu nay, cháu có thiếu thốn gì không.

 

Huyền không biết là mình có thiếu thốn gì không.

 

Hồi năm thứ nhất đại học, một hôm, Huyền bắt xe buýt lên chỗ mẹ ở. Một cái thị trấn khá sầm uất ở một vùng bán sơn địa, chân núi Ba Vì. Mẹ Huyền cùng với chồng mới kinh doanh chăn ga gối đệm Hàn Quốc, khá phát đạt. Huyền đã có thêm ba thằng em cùng mẹ khác bố. Mẹ Huyền giờ không giống tí nào cô gái Kinh Bắc ngày xưa. Mẹ to béo, phốp pháp, nói cười phớ lớ với khách hàng. Ngồi với nhau một lát, nói với nhau được vài câu, mẹ Huyền hỏi: “Mày có thiếu thốn gì không?”.

 

Từ hôm ấy, Huyền thấy mình đã thành người lớn.

 

Rồi Huyền có bạn trai. Hôm đầu tiên phải đi xe buýt về nhà, Huyền say, nôn ra cả mật xanh mật vàng. Thuấn đi cùng xe, lấy túi ni lông cho Huyền, đưa nước cho Huyền súc miệng, lấy khăn giấy cho Huyền lau. Từ hôm ấy trở đi, Huyền không mày tao với Thuấn nữa, mà xưng tên. Giờ thì Huyền đã thạo đi xe buýt. Huyền có thể ngồi xe cả ngày, đi khắp Hà Nội mà không say. Nhưng Thuấn không cho Huyền đi xe buýt trong Hà Nội nữa. Nhà Thuấn khá giả, bố mẹ thuê cho nhà riêng, rồi mua cho cái xe máy mới để đi học cho tiện. Thuấn hay sang phòng trọ của Huyền, bên Tân Mai, để rủ Huyền đi chơi lang thang trên phố.

 

Huyền cũng không hiểu vì sao mà mình nhận lời yêu Thuấn.

 

Hồi học phổ thông, Thuấn là một thằng con trai chả có gì nổi bật. Khuôn mặt lúc nào trông cũng ủ ê, hoặc như đang âm mưu tính toán gì đấy. Đến khi đi đại học, gặp nhau trên xe buýt, rồi chơi với nhau. Trường bách khoa và trường kinh tế ở gần nhau mà. Đang bạn tớ, Huyền – Thuấn rất vui, mà sang năm thứ hai, một hôm hai đứa rủ nhau đi xem phim ở Vincom suất muộn, lúc về đang đi trên đường Đại Cồ Việt, bỗng Thuấn tạt xe máy vào lề đường, chỗ công viên Thống Nhất, lôi Huyền lên vỉa hè, dưới bóng đen đen của mấy tán cây đêm, ôm chặt lấy: “Mình yêu Huyền nhé”. Rồi hôn tới tấp lên mặt lên môi Huyền. Thuấn bật cúc áo ngực của Huyền, rồi vục đầu vào như nhân vật nam trong phim vừa xem. Huyền thấy người râm ran sao đó, chân chỉ chực khuỵu xuống. Huyền bảo: “Đừng, để về phòng trọ…”. Thuấn phóng xe đèo Huyền về nhà thuê riêng của mình. Từ hôm ấy trở đi, đêm nào hai đứa cũng yêu nhau. Nhưng đều rất cẩn thận, dùng biện pháp. Vì hai đứa đều hiểu rằng, còn đang đi học, không nên cưới vội.

 

Rồi hết bốn năm, Huyền tốt nghiệp.

 

Nhưng mà Thuấn vẫn còn đang học, vì bên bách khoa học năm năm. Thuấn đưa Huyền về nhà báo cáo bố mẹ. Bố Thuấn vừa lên chức chủ tịch huyện, ngồi gật gù, không nói gì. Mẹ Thuấn ngọt ngào bảo Thuấn cứ đưa Huyền về, rồi có gì thu xếp sau. Khi Thuấn trở lại nhà, một trận lôi đình nổ ra. Bố mẹ Thuấn thẳng thừng tuyên bố không chấp nhận Huyền làm con dâu nhà này. “Bố thì nát rượu, mẹ thì theo giai. Mày xem thế có xứng thông gia với nhà ông chủ tịch huyện không?”. Mẹ Thuấn nói như hắt nước vào mặt Thuấn, khi Thuấn một hai nói tốt về Huyền. Rồi bố mẹ Thuấn cho người bắn tin sang làng Ngọc.

 

Huyền ra trường vào đúng lúc kinh tế khủng hoảng.

 

Các công ty doanh nghiệp phá sản cả loạt. Công nhân, nhân viên tài chính, ngân hàng, tiếp thị, marketing ra đường cả đống. Chả có cơ hội xin việc ở Hà Nội, Huyền về quê với ông bà. Mà, Huyền cũng đang buồn. Huyền đã biết chuyện nhà Thuấn không chấp nhận mình. Hỏi Thuấn định thế nào thì Thuấn bảo để từ từ, sang năm ra trường, đi làm, tự lực được kinh tế rồi tính. Có điều, từ ngày Huyền về quê, thấy cứ nhàn nhạt. Một tuần, hai tuần, rồi cả tháng không gặp nhau cũng không sao. Thế mà lúc mới yêu nhau, vừa ôm nhau cả đêm, sáng ra mỗi đứa đi học một trường, chỉ nửa buổi, điện thoại của Huyền đã rung tíu tít. “Nhớ lắm”, “Nhớ gì”, “Nhớ môi xinh xinh, nhớ má hồng hồng”, “Gì nữa?”. Thế là hai đứa bỏ dở buổi học, phóng về phòng thuê, nhảy bổ vào nhau. Quên cả nấu cơm trưa.

 

Nhưng mà ông bà không nuôi được Huyền mãi.

 

Ông bà đã già lắm rồi. Đêm nằm ngủ với bà trong buồng, thấy bà toàn nói chuyện với “người âm”. Huyền xin vào làm ở nhà máy sản xuất điện thoại “lớn nhất thế giới”, trên khu công nghiệp, cách nhà ba mươi cây số. Tháng lương đầu tiên đi làm công nhân, được bốn triệu, Huyền về đưa cả cho bà. Bà chảy nước mắt, bảo: “Giữ lấy mà tu tạo cho bản thân, rồi còn chồng con. Bà già rồi, bà không cần tiền”. Đêm, bà cứ nằm vuốt ve Huyền, rồi nức lên: “Khổ thân cháu tôi…”. Huyền ngủ say, chả biết gì. Ca làm việc của Huyền từ tám giờ sáng đến tám giờ tối. Trừ thời gian vệ sinh cá nhân, giải lao, ăn ca… còn thì chúi mũi vào bảng mạch, con chip, dây cáp… Khi về đến nhà, đã hơn chín giờ tối. Tắm giặt, ăn cơm xong là lên giường ngủ say không còn biết đất trời gì nữa. Sáng mai, Huyền lại phải dậy sớm.

 

Ngày Huyền còn bé tí, ông nội hay dậy rất sớm, đi tập thể dục. Có hôm, sáng sớm Huyền giật mình tỉnh giấc, không thấy ông đâu, khóc ré lên. Bà phải dỗ mãi, bảo tí ông về, Huyền mới nín. Ông đi tập thể dục về, Huyền túm tay, mếu máo: “Ông đi đâu không cho cháu đi, để cháu ở nhà, con ngáo ộp nó vào bắt cháu thì sao”. Ông chả nói gì, nhưng mà ôm cháu nước mắt cứ chảy ròng ròng. Sáng hôm sau, ông lay Huyền dậy sớm, rồi cõng cháu lên cầu vồng mương nổi cuối làng, nơi buổi sáng ông hay ra tập thể dục sớm. Ông bảo dậy sớm, đón những ánh nắng mặt trời đầu tiên trong ngày, con người sẽ được tiếp thêm một nguồn năng lượng tinh khiết và tươi mới của vũ trụ. Ông để Huyền ngồi trên vai, đứng trên cầu, hướng về phía đông. Chân trời phía đông từ từ rạng lên, rồi ửng hồng. Một lát sau, mặt trời đỏ lừ nhô ra khỏi đường chân trời, phát ra xung quanh những tia hào quang rực rỡ. Huyền nhong nhong trên cổ ông, reo hò lảnh lót. Nhưng mà, hầu hết các buổi sáng Huyền ngủ tít, ông có cù vào nách cũng không dậy.

 

Bây giờ thì Huyền dậy rất sớm.

 

Đúng bảy giờ là Huyền phải có mặt tại điểm tập kết đưa đón công nhân của nhà máy, ngoài phố. Phải dậy từ năm giờ sáng, vệ sinh cá nhân, ăn sáng cho no bụng để đủ sức làm việc đến trưa. Cái xe Hyundai màu trắng to đùng, không bao giờ đến sai một phút. Huyền ra khỏi nhà, đi bộ ra phố mất khoảng mươi phút. Lúc đi cũng là lúc mặt trời thường mọc. Nhưng Huyền cũng chả có thời gian mà hướng vào những tia sáng đầu tiên trong ngày, để thu về mình nguồn năng lượng mới, như ông Huyền vẫn bảo. Lúc ngồi lên xe, thường thì Huyền kéo cái rèm cửa màu trắng lại, rồi tranh thủ gà gật thêm một chút. Tiếng còi xe hỗn loạn í éo trên đường lẫn với tiếng máy lạnh chạy xè xè trên đầu, thả xuống một luồng hơi mát lạnh, dễ chịu. Cái hôm đi làm đầu tiên, lên cái xe to, trắng, sạch tinh như xe du lịch và mát lạnh, bỗng Huyền sực nhớ đến Thuấn. Nhớ cái hôm mùa hè, hai đứa đi xe buýt về nhà, trời thì nóng bốn mươi độ mà máy lạnh trên xe hỏng, nóng chảy mỡ. Thuấn cầm tay Huyền, thì thào, bao giờ chúng mình có tiền, mua cái xe bốn bánh, máy lạnh đi cho sướng. Huyền cũng mơ màng nghĩ, sau này khá giả, sẽ mua một cái xe hơi máy lạnh, thỉnh thoảng đưa ông bà nội đi khám bệnh ngoài Hà Nội. Ông bà nội già yếu lắm rồi, nhiều bệnh.

 

Một năm nay, ngày nào Huyền cũng đi xe máy lạnh.

 

Nhưng cũng một năm nay, Huyền ít gặp Thuấn. Bị bố mẹ cấm, Thuấn không dám công khai đến nhà Huyền. Thỉnh thoảng, về chủ nhật, Thuấn hẹn Huyền đến một cái nhà nghỉ tồi tàn bên đường vắng. Lúc xong việc, bao giờ cũng đưa cho Huyền một cốc nước lọc và hai viên tránh thai khẩn cấp. Vài lần như vậy, tự dưng Huyền thấy chán. Chủ nhật sau, Thuấn về, nhắn tin “Ra nhà nghỉ Hoa Hồng, P.203”, “Mệt, không ra”. Huyền nhắn lại rồi tắt máy. Thế rồi lâu cũng chả thấy tin tức, nhắn nhe gì nữa. Nghe mấy đứa công nhân cùng xã với Thuấn nói là học xong bách khoa, Thuấn đi du học thạc sĩ ở Singapore luôn rồi, đi cùng với con gái ông quan đầu tỉnh. Huyền ngồi nghe chuyện thờ ơ, như chả có gì liên quan đến mình.

 

Mà đúng là Huyền thấy không còn gì liên quan thật.

 

Cái quãng đời sinh viên trường kinh tế bốn năm, như đã lùi xa sâu thẳm trong ký ức của Huyền. Những thứ gọi như là quản trị doanh nghiệp, marketing, kế toán tài sản, kế toán công nợ… như đã rơi rụng hết trên con đường hằng ngày từ nhà đến khu công nghiệp. Khi xin vào làm công nhân, Huyền không khai trong lý lịch là mình tốt nghiệp đại học, mà khai “tốt nghiệp phổ thông”. Làm công nhân lắp ráp điện thoại di động, suốt ngày chúi mũi vào dây chuyền, thì cần gì đến bằng cử nhân. Nhà máy không tuyển người học cao vào làm công nhân. Lắm chữ, chỉ tổ rách việc, hay đòi hỏi, đấy là tay quản đốc người Việt nói thế. Còn tay Kim Han Chi, giám đốc nhà máy không nói gì. Lâu, Huyền cũng quên là mình có bằng cử nhân quản trị kinh doanh. Mối tình sinh viên sống thử góp gạo thổi cơm chung với Thuấn, thật lạ lùng, cũng như bị xóa sạch khỏi trí não của Huyền, không còn một dấu tích. Đêm đêm, Huyền cũng chả có giấc mơ thiếu nữ ướt át nào. Mười giờ đêm mới về đến nhà, tắm giặt cơm nước xong là lên giường ngủ ngay, sáng mai còn dậy đi làm. Còn sức đâu mà mơ với mộng.

 

Nhưng có mấy lần, Huyền không biết là mơ hay thực.

 

Đấy là mấy hôm, Huyền tăng ca thêm vài tiếng. Mệt. Lên xe, Huyền kéo ghế ngả ra rồi ngủ thiếp đi, mặc kệ bọn trẻ ồn ào tán chuyện xung quanh. Huyền lớn tuổi nhất xe. Trong mơ màng, Huyền thấy anh Kiên lái xe, cúi xuống hôn lên má, lên môi, rồi hôn sâu xuống cổ. Huyền giật mình tỉnh dậy, thì chỉ thấy anh Kiên đang đứng bên cạnh ghế xe, nhìn mình cười cười: “Thấy em ngủ ngon quá, anh không nỡ đánh thức”. Huyền nhìn ra xung quanh, phố xá, làng xóm đã vắng lặng, đêm rồi. Thì ra anh Kiên đã để máy chạy, bật điều hòa cho Huyền ngủ mấy tiếng. Công ty mà biết, anh sẽ bị trừ tiền lương ngay. Nhưng mà lúc ấy đêm rồi, nên Huyền phải để cho anh Kiên lấy xe máy chở Huyền về làng Ngọc, tận trong ngõ xóm Cầu Chiêu. Thế mà sáng hôm sau, mấy con mẹ bán cá, bán rau ở chợ xanh đầu làng, đã kháo nhau: “Cái con Huyền, giống mẹ như đúc, đĩ như ranh. Đi với trai nửa đêm gà gáy mới về”. Huyền đi qua, nghe thấy cả, nhưng lờ đi.

 

Chủ nhật cuối tháng, Huyền ra cây ATM ngoài phố, rút tiền sắm ít đồ phụ nữ. Thấy trong tài khoản của mình có mấy chục triệu đồng là tiền lương của cả năm Huyền chưa rút đồng nào. Cơm thì đã có ông bà nấu. Còn quần áo, suốt ngày bộ đồng phục công ty màu xám nhạt, có tiêu gì đến tiền đâu. Huyền lẩm nhẩm tính toán, thế này thì mấy chục năm nữa, mình mới mua được xe hơi máy lạnh. Nhưng Huyền bỗng giật mình, thì suốt ngày, suốt tháng, suốt cả năm, Huyền toàn đi xe máy lạnh đấy thôi, sao còn mơ xe hơi máy lạnh nữa làm gì? Có điều, dạo này Huyền rất hay ngủ quên trên xe, và rất hay mơ. Mấy lần Huyền đã nhắc anh Kiên, về đến phố thì gọi em. Nhưng mà anh ấy toàn lờ đi, bảo, lúc ngủ, nhìn em mỉm cười rất xinh.

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Con chó xấu xí – truyện ngắn Kim Lân

>> Nhớ gõ ba tiếng – Ái Duy

>> Những đứa trẻ tóc bạc – Trần Nhã Thuỵ

>> Trầm – Phạm Thanh Thuý

>> Mộ núi – Nguyễn Thị Việt Hà

>> Một cảnh không có trên phim – Hồ Huy Sơn  

>> Đêm không bóng tối – Tống Ngọc Hân

>> Đò dọc – Hoàng Phương Nhâm

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…