Trấn Thành nói gì về phát ngôn gây tranh cãi?

624

Mai Anh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong một bài phỏng vấn, Trấn Thành đã có phát ngôn gây tranh cãi khi sử dụng “vấn đề về tâm lý” để giải thích cho sự thành công của phim điện ảnh “Bố Già”.


Tác phẩm điện ảnh “Bố Già” do Trấn Thành sản xuất gây được tiếng vang lớn.

Đến ngày 14/3, Bố già đạt doanh thu 200 tỷ đồng, chính thức trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Trước đó, kỷ lục này vốn được Cua lại vợ bầu nắm giữ trong 2 năm qua với doanh thu 191,8 tỷ đồng.

Khi lý giải về thành công của Bố già, Trấn Thành cho rằng yếu tố đầu tiên là sự may mắn. Anh nói: “Để đạt một con số lớn, trước tiên phải may mắn. Tác phẩm tốt cỡ nào đi chăng nữa cũng không đạt được con số lớn nếu không may mắn”.

Ngoài ra, Trấn Thành tự tin nhiều khán giả đã tìm thấy sự đồng cảm sau khi xem phim. “Có thể 1-2 ngày đầu, người ta đến vì Trấn Thành. Nhưng những ngày sau, họ đến vì nội dung và câu chuyện phim”.

Theo nam MC, nhiều người Việt phải đối diện với vấn đề tâm lý, gặp khúc mắc trong gia đình. Chính vì vậy, sau khi chứng kiến những xung đột của Ba Sang và con trai trong phim, họ có thể thay đổi suy nghĩ về cuộc sống, tình cảm gia đình, yêu thương nhiều hơn.

“Tôi nghĩ không chỉ riêng bố mẹ tôi mà ai đi xem phim này về cũng sẽ thay đổi suy nghĩ về cuộc sống và gia đình. Bộ phim của tôi càng thành công thì chứng tỏ người Việt có vấn đề về tâm lý càng lớn. Người đi xem càng đông thì càng nhiều người có vấn đề về tâm lý nên mới tìm thấy sự đồng cảm. 

Trong niềm vui, tôi thấy tủi thân vì nhận ra nước mình khổ quá, cuộc sống khắc nghiệt với người dân quá. Nhiều gia đình không hiểu cách để tạo hạnh phúc cho nhau và quá nhiều người mắc kẹt trong điều đó.”

Việc Trấn Thành sử dụng cụm từ “vấn đề tâm lý” để miêu tả các khán giả đã ra rạp ủng hộ, đồng cảm với phim đã làm nhiều người không hài lòng. Trước đó, Hồ Ngọc Hà cũng đã đăng tải bài review về bộ phim Bố Già, tuy nhiên làm nhiều người tức tối vì dòng chữ “ai không đi xem là sống hời hợt”.

Hiện, chia sẻ này của Trấn Thành gây ra luồng ý kiến trái chiều. Một bộ phận khán giả không đồng tình với cách Trấn Thành dùng từ “vấn đề tâm lý”. Bởi theo họ, không phải ai xem phim cũng gặp khúc mắc với gia đình, cha mẹ. Đôi khi, khán giả yêu thích tác phẩm chỉ vì những hình ảnh thân thuộc trong cuộc sống. Cũng có thể họ đồng cảm khi nhớ đến kỷ niệm bên người thân…

Do đó, cụm từ “vấn đề tâm lý” bị cho là chủ quan và không hợp lý. Ở góc độ nghệ thuật, mỗi người xem sẽ có cảm nhận riêng và không nên áp đặt suy nghĩ của bất cứ ai lên số đông.

Đến chiều ngày 17/3, Trấn Thành lên tiếng thêm về phát ngôn đang gây tranh cãi. Anh cho rằng câu nói của mình bị hiểu sai theo hướng đả kích người khác. Trấn Thành cho hay phần chia sẻ đầy đủ của anh mang tính đồng cảm nhiều hơn.

Anh tâm sự: “Tôi làm phim, tôi cảm thấy trong niềm vui có nỗi buồn và cả sự tủi thân. Khi bộ phim được đón nhận, khán giả khóc nhiều, chứng tỏ người Việt chúng ta đang có vấn đề tâm lý và cần được giải tỏa. Họ không nói chuyện được với bố mẹ, có vấn đề về giao tiếp giữa hai thế hệ”.

“Cho nên, khi xem phim, thấy giống gia đình mình, họ đồng cảm, rơi nước mắt. Mình thấy buồn vì cuộc sống của người dân cơ cực quá. Thời bố mẹ mình, ai cũng khó khăn, căng thẳng. Họ không biết cách nói chuyện với con cái. Hai bên đều có vấn đề về tâm lý và cần được giải tỏa”, anh nói.

Có thể nói, tác phẩm điện ảnh của Trấn Thành thành công khi mang đến câu chuyện có bối cảnh thân thuộc, đậm chất đời sống với lối kể tự nhiên, gần gũi. Kịch bản phim hướng tới cuộc sống người lao động ở TP HCM, nơi xóm nghèo quanh năm nước ngập. Tình huống phim dễ tạo được sự đồng cảm, khiến nhiều khán giả có thể thấy được bản thân mình qua các nhân vật. Ở đó, một ông bố hàng ngày vẫn tiết kiệm một chai dầu gội với con, nhưng sẵn lòng bán nhà để con trả nợ. Một người con thương cha vẫn không thể hiểu được cách ông đối xử quá tốt với người ngoài. Đạo diễn chọn cách phản ánh góc nhìn cuộc sống ở hai phía: Ba Sang và Quắn – con trai của ông. Diễn xuất đồng đều của dàn nhân vật góp phần không nhỏ với sức hút của phim. Ngoài hai vai chính – Ba Sang (Trấn Thành) và Quắn (Tuấn Trần), các vai còn lại đều ít nhiều tạo điểm nhấn. Ngọc Giàu đóng Hai Giàu – người chị cả trọng vật chất nhưng vẫn đặt gia đình lên hàng đầu. Lê Giang tiết chế lối diễn cường điệu để vào vai Cẩm Lệ – hàng xóm thương thầm Ba Sang – với nhiều nét hài duyên. Quý – em út Ba Sang (La Thành đóng), một vai phản diện ít đất diễn, cũng gây ấn tượng về sự chuyển biến tâm lý nhân vật. Từng vai là mảnh ghép tạo nên bức tranh tổng hòa đa màu sắc, đa diện.

Tuy nhiên, bộ him nhận nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều khán giả đánh giá việc tình tiết dễ đoán, thoại nhiều khiến tác phẩm giống phim truyền hình hơn điện ảnh. Trấn Thành cho biết nếu có cơ hội, anh sẽ dựng phim ngắn lại vì thời lượng 128 phút của phim hơi dài. Anh cho rằng việc ôm đồm tại hiện trường – làm đạo diễn, biên kịch và đóng chính – khiến vai của anh chưa hoàn hảo. “Tôi quá cầu toàn, muốn mọi vai trong phim đều hay nên không thể ngừng quan sát, đưa ra những yêu cầu khắt khe. Có những lúc, tôi thấy Tuấn Trần diễn tốt chẳng hạn, tôi sẽ tập trung đẩy cảm xúc cho Tuấn, kết quả là tôi mất tâm lý”, anh nói.

M.A