Trần Tiến và một thời như thế!

656

Âm nhạc Trần Tiến chính là sự phản chiếu tâm hồn ông. Ông sống như thế nào thì viết như thế ấy.

Bạn có biết nhạc sĩ nào kỷ niệm 50 năm viết và hát, thay vì chọn sân khấu lộng lẫy ánh đèn lại lôi cả… “bầu đoàn thê tử” gồm những ngôi sao và cả “bọn” 9X đang muốn làm phim tài liệu về ông đến một vùng quê nghèo, quây một đống lửa rồi uống, rồi ca hát, nhảy múa, cười đùa hồn nhiên bên những người lao động nghèo quanh năm chỉ biết làm lụng, chẳng biết đến ngôi sao nào? Nhưng nếu biết người đó là Trần Tiến, có lẽ sự ngạc nhiên sẽ thay bằng sự thích thú.

1. Vì đó là tính cách của Trần Tiến, cũng là cách âm nhạc của ông đi vào lòng công chúng dù khi viết nhạc, như rất nhiều lần tâm sự, ông viết cho chính mình chứ chẳng viết cho ai. Trần Tiến khước từ tất cả sự màu mè, giả tạo. Ông chọn viết theo hướng trái tim mách bảo chân thành, viết những gì ông thích, hệt như cách ông yêu quý ai đó thì sẵn sàng ngồi sà xuống vỉa hè uống vài ly bia, rồi đàn ca bất tận đến sáng.


Nỗi cô đơn cũng trở thành cảm hứng sáng tác của Trần Tiến

Ông viết bằng sự giản dị, đời thường nhất có thể. Rồi cũng từ cái chất đời ấy, bật lên những chiêm nghiệm mà chỉ những ai trưởng thành “không phải từ bom đạn, cũng không phải từ bão tố mà từ chính nỗi cô đơn của mình” mới thấm thía. Có lẽ vậy nên nhạc Trần Tiến được rất nhiều người ở nhiều thế hệ, đủ mọi tầng lớp ưa thích và thuộc làu làu.

Nhà thơ Lưu Trọng Văn từng kể rằng, Trần Tiến viết nhạc như lấy chữ từ… trên bàn nhậu. Kiểu anh em bạn bè vui với nhau, thách ngẫu hứng sáng tác tại bàn thì Trần Tiến chỉ cần một chiếc đũa gõ, ngay tức thì nhạc tuôn ra. Nhiều bài hát của Trần Tiến đã ra đời như thế, rồi đến tay ca sĩ, thành ra đôi khi có một vài dị bản. Chẳng hạn bài “Mặt trời bé con” có câu: “Hạnh phúc quá đơn sơ/ Đời tôi đâu có ngờ…” mà Lan Nguyên, đạo diễn phim “Màu cỏ úa”, cũng là một trong những người hâm mộ ông, đến khi gặp trực tiếp Trần Tiến mới biết câu đúng phải là “Hạnh phúc vốn đơn sơ”.

Trần Tiến luôn dành cho thế hệ trẻ sự quan tâm đặc biệt. Như cách ông hướng dẫn một tài năng nhí nơi quán ăn vỉa hè khi cậu bé chọn bài “Mặt trời bé con” của ông. Như tình yêu ông trìu mến dành cho ban nhạc Ngũ Cung khi ban nhạc liên hệ xin hát bài “Cao nguyên đá” của ông theo thể loại rock và còn dám bỏ đi hai nốt… “cho nhạc ông ngoại bớt già”. Như khi nghe ai đó phàn nàn với bọn trẻ, chúng nó chả quan tâm ý nghĩa lời nhạc là gì, cứ tiết tấu sướng là thích, thì ông bảo: “Chúng nó cứ thích, cứ hạnh phúc là mình vui. Chỉ buồn là mình chả làm được gì góp cho chúng nó thêm vui”.


Chuyến du ca kỷ niệm 50 năm Trần Tiến gắn bó với âm nhạc

2. Có lẽ, với tôi, Trần Tiến là nhạc  sĩ kỳ lạ nhất Việt Nam. Nếu đặt ông trong bộ tứ sông Hồng gồm: Dương Thụ, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường và Trần Tiến, ông là người nhỏ tuổi nhất nhưng viết nhiều nhất và viết nhiều chủ đề nhất. Về cuộc chiến, người lính, về phong trào thanh niên, thời kỳ đổi mới, về tình yêu, quê nhà, một vùng đất ông yêu mến hay về trẻ con… Chủ đề nào ông viết cũng thành công, cũng đi vào lòng người dù khối bài trong số đó là những bài hát vận động tuyên truyền.

Chẳng hạn, bài Sao em nỡ vội lấy chồng với những câu buồn da diết một thời phát trên radio: “Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi/ Lấy chồng sớm làm gì/ Để lời ru thêm buồn”, mãi sau này tôi mới biết đó là bài vận động kế hoạch hóa gia đình. Bài này được Trần Tiến viết khi còn ở căn nhà trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, nhìn sang Bệnh viện Từ Dũ. Còn các bài như “Marathon 97”, “Tôi yêu bóng đá” thì các cây viết cổ động ngày nay nghe xong phải gọi Trần Tiến bằng thầy.

Ấy vậy mà cho đến nay, Trần Tiến chưa từng in hay phát hành bất cứ tập nhạc nào. Lý do cũng bởi như trên. Và một lý do khác, như cách đây nhiều năm, nhà thơ Bình Nguyên Trang viết trên tờ An ninh thế giới giữa và cuối tháng, Trần Tiến chẳng quan tâm gì đến thị trường âm nhạc. Bởi thời của ông, âm nhạc viết ra là để hát lên, giữa mưa bom, lửa đạn hay kể về những trăn trở, suy tư, những niềm vui và cả những nỗi buồn, nỗi cô đơn của ông.

Có những ca khúc của Trần Tiến rất buồn, nỗi buồn phận người hay cho chính mình trong tâm thế chằng níu như Trần trụi 87 hay Trống rỗng 3 với những câu: “Đôi khi, đôi khi thôi ta muốn quên con người, trái đất buồn/ Rồi lại nhớ ra bài ca đang hát có ai mua bao giờ/ Rồi lại khóc, đàn con nheo nhóc có ai thương bao giờ/ Rồi lại đi, lại đi…” nhưng cũng có những bài vừa tự trào vừa chua xót như: “Quê ta nhiều Honda, nhiều Coca-cola, nhiều những bữa dưa cà/ Quê ta nhiều villa, nhiều xe Toyota, nhiều đứa bé không nhà” (bài Lambada quê ta).


Du ca đồng nội ngày ấy

Âm nhạc Trần Tiến chính là sự phản chiếu tâm hồn ông. Ông sống như thế nào thì viết như thế ấy. Và khi đã trải đủ nhiều những cay-ngọt-đắng-mất mát của cuộc đời, ông nhìn cuộc đời bằng tâm thế bao dung, tự trào thay vì gắt gỏng. Song, dù với tâm thế nào thì Trần Tiến, từ những ngày còn xác xơ, đói rách đến khi thành danh, vẫn giữ nguyên khí khái của một kẻ lãng tử phong trần còn sót lại của thế kỷ trước: sống thật, yêu thật và viết thật. Sống dũng cảm tiến về phía trước, chấp nhận những thiệt thòi như lời ông bộc bạch trong phim: “Nếu mà thiệt thòi một chút nhưng được sống là chính mình thì cũng đáng lắm chứ”. 

3. Nhạc Trần Tiến lên sân khấu lớn nhiều khán giả thú vị vô cùng qua giọng hát Mỹ Linh, Hà Trần, Tùng Dương, Uyên Linh, Tấn Minh, Lân Nhã… Thế nhưng, nhạc Trần Tiến thiên về cảm xúc hơn kỹ thuật. Hát nhạc Trần Tiến tưởng dễ mà khó, vì cảm xúc là thứ khó nắm bắt vô cùng và không vay mượn được, trừ phi người ta đã ít nhiều nếm trải hoặc lắng nghe bằng chính trái tim nhiều rung cảm. Nhạc Trần Tiến không kén chọn người hát hay không gian, chỉ cần yêu và hiểu là có thể tỏa sáng.

Màu cỏ úa có thể xem là lời hồi đáp của Lan Nguyên với những gì cô đang tìm kiếm cũng đúng, bảo là sự trân quý cô dành cho một nhân vật đặc biệt phía sau thế giới ti vi từ thập niên trước cũng không sai. Dù là hành trình nào, Lan Nguyên cũng đã đi bằng tình yêu và kết thúc bằng tình yêu. Chính tình yêu ấy đã lay động, không chỉ nhạc sĩ Trần Tiến, để ông đồng ý cho một nữ đạo diễn tay ngang, còn rất trẻ, ghi lại những thước phim về mình mà còn chạm đến rất nhiều người, những người đã hỗ trợ, giúp sức, động viên cô và cả người xem.

Điều may mắn nhất là lời gợi nhắc của Lan Nguyên đến đúng thời điểm tăm tối của dịch bệnh, của những điều xưa cũ dễ rơi vào quên lãng. Điều may mắn thứ hai, vào những ngày sức khỏe không tốt, nhạc sĩ Trần Tiến vẫn được xem phim, được lắng nghe tình cảm khán giả khắp nơi gửi về cho ông bằng niềm hạnh phúc giản dị và đầy cảm hứng, như cách ông đã sống, cống hiến và truyền lửa đến thế hệ mai sau.

Thư Hiên/PNO