Trần Trí Thông – Chùm thơ dự thi qua vòng sơ khảo

63

 

Nhà thơ Trần Trí Thông

 

EM ĐI BIÊN GIỚI…

                                 Nhớ M – L

 

Ngày em đi biên giới…

Cái bắt tay đến giờ vẫn nóng

Nóng của tuổi đôi mươi khát vọng

Nóng của thương yêu ngày chia xa

 

Một thế hệ chấp nhận những hy sinh

Hành khúc thanh niên xung phong dội về thành phố

Bến Sỏi – Bến Cầu – Kà Tum – Xa Mát…

Tổng đội là nhà biên giới là quê hương…

 

Cơn sốt đầu đời – cơn sốt rét biên cương

Mưa đại ngàn hung hăng dòng lũ quét

Đường lấy gạo ngo ngoe bầy vắt

Ngơ ngác em nhìn vắt bám mọng bàn chân

 

Từng ngày từng ngày thử thách lớn thêm  

Nữ sinh đô thành nay là kiện tướng

Về thăm má lần nào cũng vội

Thiện Ngôn xanh thoang thoảng hương rừng

 

Những sóc vùng ven hữu nghị thân tình

Loạt đạn A – K quét lời bội nghĩa

Sau một đêm tội ác và man rợ

Tro tàn Tân Lập* thấu trời xanh

 

Em đi đào hào, đắp lũy, tải thương…

Chiều Tân Biên hoàng hôn xuống vội

Tiếng em đâu đây hay về cứ muộn?

Liên đội bàng hoàng nhìn lau trắng thâu đêm

 

Lời hẹn với em… vẫn thường trực trong anh

Cô thanh niên xung phong ra đi từ thành phố

Rừng mười tám rừng bao mùa thay lá!

Em hóa màu xanh cho biên giới thanh bình.

 

  • Tân Lập, một trường học thuộc huyện Tân Biên bị lính Pôl pốt tập kích cuối năm 1978

 

 

 TÀ – SĂNG* 

                                 Kính viếng các anh hùng liệt sĩ

Trung đoàn 271 hy sinh ở cứ điểm Tà Săng

 

Đồng đội ở lại Tà Săng

đã nửa già thế kỷ

chúng tôi về đây viếng các anh

khói nhang cuộn vòng ký ức

chim rừng ríu rít gọi nhau

 

Tà Săng

Tà Săng…!

đêm hủy diệt bạc màu

hố bom B52 nham nhở như dấu răng mãnh thú

ngoạm vào Tà Săng máu ứa

 

Các anh hy sinh

thịt xương lẫn trong bùn đất

mảnh bom B52 găm vào câu hát

vùi chiếc ba lô đầy kỷ niệm chiến trường

 

Rừng miền Đông mùa nắng mùa mưa

bao nhiêu tuổi hai mươi trong bài ca đánh Mỹ

bao nhiêu nụ cười trên bức phù điêu chiến sĩ

bao nhiêu phong lan thơm trong những tập thơ ?

 

Ngày giải phóng Sài Gòn

ngày chiến tranh kết thúc

hàng chục Sư đoàn cùng vào thành phố

có các anh trong đoàn quân chiến thắng

về từ cứ điểm Tà Săng.

 

  • Tà Săng – một địa danh trên biên giới Tây Ninh – Cămpuchia. Ngày 19/ 2/ 1972; trận hủy diệt khốc liệt của B52, làm nhiều cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 271 hy sinh.

Để tưởng nhớ các đồng đội hy sinh tại cứ điểm Tà Săng. CCB Trầm Minh Tâm, đã cùng các Cơ quan, Chính quyền, đơn vị và các CCB Trung đoàn 271… xây dựng tại đây một ngôi Nhà Tưởng Niệm để thờ anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến.

 

 

 DƯỢNG TƯ

 

Muộn chiều nhậu với dượng Tư

Ghe bầu khẳm sóng lắc lư sông Tiền

 

Nâng chung rượu ‘ vã cơn ghiền

Tôm càng xanh nướng bén duyên tiếng mời

 

Dượng Tư đạp đất đội trời

Vẫy vùng sông nước –  một thời chiến binh

 

Nhập thần – xuất quỷ – vô hình

Giặc nghe tên dượng thất kinh phách hồn

 

Bám dân, bám ấp, vây đồn

Nghi binh… dượng hóa thành đoàn đặc công

 

Những lần mai phục bên sông

Dượng nhấn tàu giặc đắm dòng Tiền Giang

 

Khuya đi diệt bạo trừ gian

Mấy bót ‘ dân vệ bảo an * quy hàng

 

Ngày vui đất nước khải hoàn

Bắt tay dượng bảo: – Thỏa lòng non sông!

 

Nghêu ngao điệu lý Gò Công

Ngồi nghe dượng hát bềnh bồng trăng lên.

 

  • Mấy sắc lính địa phương của chế độ cũ

 

 

MIỆT VƯỜN

 

Dọc ngang kênh rạch miệt vườn

Chiều miền Tây nắng vàng hươm đất lành

 

Miệt vườn hoa trái tươi xanh

Ai giăng điệu lý trên cành sầu riêng

 

Miệt vườn nhân kiệt – địa thiêng

Giọng ca tài tử treo nghiêng góc trời

 

Miệt vườn thương lắm một thời

Thanh gươm mở cõi vọng lời cha ông

 

Tháp Mười chín đợi mười trông

Đêm phương Nam  lắng nỗi lòng phương Nam

 

***

  • Chàng ôi!… Dạ Cổ Hoài Lang*

Mảnh trăng thiếu phụ… ngổn ngang đêm dài

 

Cần Thơ đò đợi bến ai?

Ghe bầu Phụng Hiệp chở xoài Gò Công

 

Người qua Rạch Miễu nhớ không?

Vần thơ Đồ Chiểu xuôi dòng Cổ Chiên

 

Kiều Nguyệt Nga – Lục Vân Tiên**

Trăm năm… lóng lánh một thiên sử tình.

 

  • Bản vọng cổ nổi tiếng của nhạc sĩ Cao Văn Lầu

** Tập thơ nổi tiếng của Cụ Nguyễn Đình Chiểu.

 

T.T.T