Trương Nguyên Việt
(Đọc trường ca “Trăng Tân Trào” của nhà thơ Hữu Thỉnh)
(Vanchuongphuongnam.vn) – Với trường ca Trăng Tân Trào, Nhà thơ Hữu Thỉnh đã đoạt Giải A, Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lần thứ VI. Cũng là một vinh dự lớn cho đời thơ của ông!
Nhà thơ Hữu Thỉnh và tập trường ca Trăng Tân Trào
“Khởi bút mùa thu năm 2015; Hoàn thành đầu xuân năm 2017; Bổ sung và sửa chữa 8-2019”. Đấy là hành trình viết Trường ca “Trăng Tân trào”, một trường ca mới nhất của nhà thơ Hữu Thỉnh- có thể nói là nhà thơ viết trường ca hàng đầu của chúng ta hiện nay. Đây cũng chính là giai đoạn chín nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Hữu Thỉnh, và dường như với tất cả tâm huyết, tinh hoa của mình, ông dành cho một đề tài thiêng liêng bậc nhất đời ông: Bác Hồ – Đảng và Dân tộc, mà hình tượng trung tâm của trường ca chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Lịch sử còn ghi “Hồi tháng 7-1945, giữa lúc khí thế tổng khởi nghĩa đang dâng trào thì Bác Hồ bị ốm nặng, lúc tỉnh lúc mê. Tôi (Võ Nguyên Giáp) làm việc tại gia đình ông Hoàng Trung Dân ở dưới làng Tân Lập nên thường lên lán Nà Lừa báo cáo công việc với Bác. Hôm ấy, thấy Bác đang lên cơn sốt, miệng toàn nói mê, thuốc men chẳng có gì ngoài mấy viên thuốc cảm và ký ninh uống chẳng thấy đỡ, hiện tượng khác thường, chưa thấy ở Bác bao giờ, lo quá, tôi xin được ngủ lại với Bác. Đêm ấy, tỉnh dậy sau cơn sốt, người dặn dò như trăng trối: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Thời kỳ này, đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn ở bên Bác, lo lắng tìm thầy thuốc chữa bệnh cho Người. Trong hồi ký của mình, Đại tướng ghi lại: “Ông cụ lang già người Tày xem mạch, sờ trán Bác rồi đốt cháy một thứ củ vừa đào trong rừng về, hòa vào cháo loãng. Sau đó Bác tỉnh. Hôm sau, Bác ăn thêm vài lần với cháo loãng nữa, cơn sốt nhẹ dần…”. Ngoài cụ lang người Tày, Đại tướng còn dẫn một y tá đến tiêm thuốc chữa bệnh cho Bác. Đó là ông Nguyễn Việt Cường (tên thật là Nguyễn Đức Kính, sinh năm 1925, ở làng Khau Chủ, xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn).
Từ hiện thực sinh động ấy, đã thành hình trong nhà thơ tài năng Hữu Thỉnh một trường ca, về bước đường cách mạng của Bác, về mối quan hệ của Bác với nhân dân đồng bào, và tình cảm thiêng liêng của nhân dân, của non nước với Bác:
“Linh hồn của Tự do/ Thở dồn trong lán cỏ/ Chí lớn thu giang sơn/ Giấu mình trong tre nứa/ Miệng đắng. Chân tay nhạt/ Ác mộng nằm không yên/ Chuồn chuồn đu cánh dại/ Bướm khoe rặng cúc tần”. Và hình ảnh người thầy thuốc, tinh hoa của nhân dân đã kịp đến với những thang thuốc giản dị của núi rừng: ”Người chẳng để tên gì/ Lặng xanh vào cõi núi/ Không cả nghe giọng nói/ Dấu mình trong sớm mai”.
Theo nhận xét của nhà thơ Trần Đăng Khoa, thì: “Với trường ca Trăng Tân Trào, Hữu Thỉnh lại chọn một lối viết khác, lối viết mộc. Câu thơ cũng mộc với một hiện thực dường như nguyên bản. Hiện thực là âm hưởng chủ đạo của trường ca này. Những người quen với bút pháp thơ Hữu Thỉnh có lẽ sẽ thấy ngỡ ngàng. Nhưng Hữu Thỉnh chọn lối viết mộc, có lẽ đấy là cách tốt nhất để tiếp cận với cuộc đời, tâm hồn cao đẹp và tư tưởng vĩ đại của Bác”.
Nhà phê bình Cao ngọc Thắng đánh giá: ”Trường ca Trăng Tân Trào đầy đặn ý và tình, làm nên một thiên hùng ca trữ tình rực sáng về mối quan hệ giữa lãnh tụ Hồ Chí Minh và đồng bào của Người trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, và tiến tới thống nhất đất nước sau này. Tác giả trường ca – nhà thơ Hữu Thỉnh, đã thể hiện sự sáng tạo và thành công khi thiết lập một cấu trúc nội dung hợp lý, hài hòa bằng thể thơ năm chữ “thuần khiết” với những câu thơ, ý thơ, chữ thơ “mang tính cá thể”, vừa khúc chiết mà dào dạt, vừa thực mà như mơ. Đó là nền tảng để trường ca Trăng Tân Trào có cơ hội đọng lại trong lòng người yêu thơ lâu và bền…”.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giáo viên trường THPT Nguyễn Văn Cừ TP Hải Dương nói về cảm xúc khi đọc Trăng Tân Trào ”Tôi ít đọc trường ca nào được triển khai theo lối thơ 5 chữ như thế này. Đọc rất thú vị bởi nhịp điệu thơ 5 chữ nhưng lại thay đổi rất đặc biệt, lúc là nhịp 2/3, thủ thỉ như 1 lời kể chuyện (khổ 3), lúc đổi nhịp 3/2 như 1 lời tự sự: ”Bao nhiêu năm xa nước/ Nhớ cơn mưa ngày xưa”. Ta đọc trường ca như đọc 1 câu chuyện kể bằng thơ, trong đó có cả những suy tư, trăn trở của tác giả gửi gắm trong đó. Chất hiện thực là rõ ràng, nhưng chất tâm tình, chất thơ cũng thấm đẫm. Rõ ràng là lời kể chuyện của tác giả, nhưng có những đoạn ta nghe như lời tự sự của Bác. Xúc cảm vô cùng”.
“Đây hẳn là quý nhân/ Chọn rừng thiêng ẩn bóng/ Hồng phúc của dân mình/ Người tài cao đức trọng”. Đây là trường ca thứ tư của nhà thơ Hữu Thỉnh, và điều thú vị là trường ca duy nhất ông viết bằng thể thơ 5 chữ (bao gồm gần 900 câu). Theo cảm nhận của tôi, với trường ca này, anh chọn hình thức này là vô cùng thích hợp, vô cùng thông minh, khi viết về một lãnh tụ vĩ đại nhưng cũng là một người con xứ Nghệ, thể thơ 5 chữ như một khúc hát dặm dân gian, đậm chất xứ Nghệ quê hương của Bác, rất vào lòng người bình dân, dân gian mà cũng rất bác học. Phải nói Hữu Thỉnh tài tình, và đã thành công!
Với 50 năm cầm bút, nhà thơ Hữu Thỉnh đã xác lập được vị thế hàng đầu của mình trong dòng thơ ca hiện đại hôm nay, dành được nhiều giải thưởng văn học lớn (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980 (với trường ca Đường tới thành phố và năm 1995 với tập thơ Thư mùa đông)- Giải thưởng xuất sắc của Bộ Quốc phòng năm 1994 với trường ca Biển; – Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật; – Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật; – Giải thưởng Văn học Asean). Với trường ca Trăng Tân Trào, Nhà thơ Hữu Thỉnh đã đoạt Giải A, Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lần thứ VI. Cũng là một vinh dự lớn cho đời thơ của ông!
T.N.V