Bến sông dưới trăng khuya thanh lặng và tĩnh mịch. Nước thủy triều duềnh lên bến từng vạt nước mát rượi cùng những tiếng vỗ ì oạp vào cầu bến.
Con đường nhỏ rải đá dăm dẫn từ làng ra tới bến sông chỉ độ dăm chục bước chân, khấp khểnh toàn những ổ gà, ổ voi nên rất khó đi. Nhà Ngần nằm cuối làng sát với bến sông nên ngày nào cũng như ngày nào Ngần đều phải mấy lượt qua lại trên quãng đường ấy để ra bến giặt giũ và xách nước về đun nấu. Ban đêm, Ngần vẫn ra bến khi cả làng đã chìm vào giấc ngủ sau một ngày vất vả. Ngần ngồi trên cái bậc đá sần sẹo, tư lự nhìn vào khoảng không trước mặt như một kẻ vô hồn. Cũng có hôm, Ngần nhảy ào xuống sông rồi cứ thế vẫy vùng, quẫy đạp trong dòng nước cho tới lúc thấy người lạnh ngắt rồi mới lên bờ đi về.
Minh họa: Bùi Tiến Tuấn.
Nhà chỉ có hai vợ chồng nhưng Ngần bận rộn chả khác gì đang nuôi con mọn, bởi Thi chồng Ngần không may bị tai nạn nằm liệt giường đã hơn năm nay. Hàng ngày, ngoài việc chăm sóc nâng giấc cho chồng, thời gian còn lại cũng như bao người phụ nữ khác ở cái làng Gò này, Ngần phải tất bật với chuyện vườn tược đồng áng. Ngần lấy chồng khi vừa mới bắt đầu bước sang tuổi mười chín. Học xong phổ thông, Ngần muốn thoát li ra thành phố để học tiếp nhưng hoàn cảnh gia đình không cho phép nên đành phải ở nhà đỡ đần cha mẹ việc cấy cày, gặt hái. Tưởng là lâu dài nhưng chỉ ở nhà chưa đầy một năm Ngần đã đi lấy chồng. Nhà chồng Ngần là một gia đình khá giả ở cùng làng. Thấy Ngần là đứa vừa kháu vừa đảm so với những đứa con gái khác trong làng nên họ quyết tâm đến hỏi cưới cho con trai. Bố mẹ Ngần thấy vậy mừng rỡ ra mặt. Là bố mẹ Ngần muốn thế, chứ Ngần chưa muốn lấy chồng. Nhưng rồi trước sức ép và những lí lẽ của bố mẹ, Ngần đành dằn lòng chấp nhận. Đám cưới của Ngần được tổ chức một cách gấp rút và chóng vánh, từ lúc hỏi đến lúc cưới chỉ vỏn vẹn một tuần lễ. Một đám cưới rình rang nhất làng diễn ra khiến cho ai ai cũng phải cất tiếng khen nắc nỏm. Nào là Ngần như chuột sa chĩnh gạo. Nào là nhà Ngần phải có phúc lắm nên mới được làm thông gia với một nhà gia thế, khá giả như vậy. Thoạt đầu Ngần thấy hơi khó chịu với những lời đàm tiếu ì xèo ấy, nhưng sau rồi cuộc sống mới ở nhà chồng nhanh chóng cuốn đi và cô cũng không còn để ý đến điều đó nữa.
***
Cưới nhau xong ít ngày vợ chồng Ngần được bố mẹ chồng cho ra ở riêng và dựng cho ngôi nhà ở ngay trên mảnh đất nơi cuối làng mà họ đã mua sẵn từ lâu. Ngôi nhà ba gian mái bằng có thêm một cái gác xép nữa đối với người ở làng này là đã cao sang lắm rồi, nhiều người mơ mà chẳng được.
Hai vợ chồng son ra ở riêng tưởng thế là rảnh rang thoải mái, nhưng suốt ngày Ngần phải tối tai tối mắt với bao nhiêu công việc. Ngoài nửa mẫu ruộng được bố mẹ chồng chia cho thì còn có một khoảnh vườn khá rộng ở ngay cạnh nhà để trồng dâu nuôi tằm nữa. Cứ thế từ sáng đến tối Ngần luôn chân luôn tay không lúc nào được ngơi nghỉ. Ngược lại, Thi chồng Ngần chơi bời lêu lổng chả làm lụng gì, chỉ chăm chăm tụ tập cùng đám bạn chuyên chọi gà và chơi phỏm ở ngoài thị trấn. Điều này trước khi cưới cả Ngần và bố mẹ cô đều biết. Nhưng bố mẹ Ngần cứ khuyên nhủ rằng, nó tuổi thanh niên nên còn mải chơi, lấy vợ vào rồi sẽ thay đổi, tu tỉnh lại thôi. Vậy mà cưới nhau đến cả năm trời Thi vẫn chứng nào tật ấy. Có đôi ba lần Ngần đem chuyện này nói với bố mẹ chồng nhưng rồi ông bà đều gạt đi. Thậm chí mẹ chồng Ngần còn lấy chuyện đó ra giảng giải: Nó là đàn ông đàn ang thì cái việc giao lưu tiếp xúc bên ngoài là đương nhiên. Mình là đàn bà thì phải biết lo thu vén cho êm đẹp cửa nhà chứ đừng có mà hơi một tí lại cáo kiện như thế! Vậy là từ đấy dù chồng có xảy ra chuyện gì thì Ngần cũng không nói năng gì nữa. Cô âm thầm chịu đựng. Ngần tự nhủ, thôi thì mình cũng cố nín nhịn mà sống rồi may đâu tới lúc chồng nghĩ lại.
Nhưng cái mong ước giản dị ấy của Ngần đã không kịp diễn ra. Sau một cuộc rượu chè bù khú với đám bạn, Thi đi xe máy về nhà trong tình trạng say xỉn và đâm vào thành cầu ngay lối vào làng. Thi được đưa ngay ra bệnh viện Việt Đức để chữa trị nhưng cuối cùng vẫn bị bệnh viện trả về vì chấn thương não quá nặng không còn khả năng phục hồi. Ngần ngậm ngùi, tận tâm chăm sóc với ý nghĩ rằng Thi sẽ chẳng sống được bao lâu nữa. Nhưng thời gian cứ trôi đi. Một tháng, hai tháng… Thi vẫn cứ nằm yên đó, thở đều đều…
Đôi bên gia đình qua lại chăm bẵm mãi rồi cũng đến lúc chán nản, cuối cùng chỉ còn lại mình Ngần đơn thân chăm sóc chồng. Đã thế suốt ngày Ngần luôn bị bà mẹ chồng để ý xét nét đủ điều. Mới chỉ ngót năm mươi tuổi bà vẫn còn nhanh nhẹn hoạt bát, nên dù không ở cùng nhà nhưng hầu như ngày nào bà cũng đáo qua mấy lượt để kiểm tra xem Ngần làm những gì, có chăm chút cho con bà tử tế không. Những cái lườm nguýt thường xuyên của bà luôn làm Ngần giật mình thon thót. Cứ nhác thấy bóng bà mẹ chồng sang tới đầu ngõ, Ngần lại theo phản xạ co rúm người lại. Lúc ấy, dù là đang làm việc gì thì Ngần cũng vội bỏ đấy chạy ngay lại bên giường Thi…
Khoảng thời gian Ngần cảm thấy thoải mái nhất là vào lúc đêm khuya khoắt. Lúc ấy Ngần mới thấy mình thật sự được thoát khỏi cái gông cùm vô hình lúc nào cũng như siết chặt. Và thường vào cái giờ khắc ấy, Ngần chạy thẳng ra bến sông rồi có lúc nhào xuống dòng nước mát rượi mà vẫy vùng quẫy đạp…
Đêm nay cũng vậy, ngâm mình dưới nước cả hồi lâu rồi mà Ngần vẫn chưa muốn lên bờ. Trăng hạ tuần chiếu ánh sáng xuống mặt sông từng vệt lấp lóa. Trời cuối hè không nóng lắm nhưng Ngần thấy trong người bức bối khó chịu. Ngần nhoài người bơi ra giữa sông rồi lại quay trở vào. Dòng nước mát lạnh như ôm lấy cái cơ thể đàn bà hừng hực sức sống mà vuốt ve vỗ về. Ngần thả lỏng người, khẽ nhắm hờ mắt lại để tận hưởng cái cảm giác man dại ấy.
Đang say sưa trong dòng nước, bất chợt Ngần bị một đôi tay ôm chặt lấy ngang người. Ngần bàng hoàng, chưa kịp phản ứng thì khuôn mặt người đàn ông đã lập tức áp sát vào mình.
– A, buông tôi ra…
Ngần thổn thức lên tiếng nhưng giọng nói của cô yếu ớt, nó chỉ như một tiếng thì thầm khẽ thoảng bên tai và nhanh chóng hòa vào trong gió. Rồi Ngần cảm nhận được hơi thở nóng hổi và đôi môi mềm mại lướt đi trên từng vùng da thịt nơi ngực nơi cổ mình, sau đó dừng lại trên đôi môi khô khát của Ngần rồi cứ thế dính chặt lấy không rời. Trong đầu Ngần chợt hiện lên hình ảnh của Thi. Kể từ ngày Thi bị tai nạn, Ngần cũng không còn có được những phút giây ân ái với chồng và đôi lúc tưởng như nỗi khao khát sinh lí bình thường ấy làm Ngần muốn phát dại. Vậy mà lúc này đây khi nó đang có cơ hội được giải tỏa thì Ngần sững lại. Ngần biết thế này là có tội với Thi, là không giữ đúng phẩm hạnh của một người đàn bà đã có chồng. Ngần khẽ cựa quậy muốn đẩy người đàn ông đang ôm siết mình ra nhưng thân thể của cô đã mềm nhũn. Rồi chỉ sau một cái khuấy nước, Ngần đã được người đàn ông kia dìu vào bến sông. Cô lả đi trong cơn hoan lạc tự nhiên của con người…
***
Ngần bắt đầu thấy lo sợ khi tới vòng kinh nguyệt mà mình vẫn sạch sẽ. Ngần đưa tay sờ lên bụng mình và cảm nhận từ nơi đó một mầm sống đang le lói. Ngần rùng mình, sợ hãi đưa mắt nhìn vào góc phòng, nơi Thi vẫn nằm bất động. Ngần biết mình đã mang tội với Thi. Cho dù Ngần lấy Thi không phải vì tình yêu nhưng khi đã lấy nhau rồi thì Ngần cũng phải làm tròn bổn phận của một người vợ. Vậy mà bây giờ… Ngần thấy tự giận bản thân mình. Chỉ một phút không làm chủ được cảm xúc mà giờ nên cơ sự này. Nếu điều này là sự thật và chuyện vỡ lở ra thì không biết rồi hậu quả sẽ khủng khiếp đến mức nào!
Qua tháng thứ hai kể từ cái đêm trăng suông oan nghiệt ngoài bến sông, Ngần chắc chắn mình đã mang thai. Nỗi phấp phỏng lo sợ cũng theo đó mà lớn dần và giày vò Ngần mỗi ngày. Ngần sợ ánh mắt dò xét của mẹ chồng mỗi khi nhìn mình. Sợ cả tiếng thở khò khè đều đều của chồng vang trong đêm. Sợ lúc nhỡ đâu bất ngờ Thi có thể tỉnh lại… Ngần biết cứ thế này rồi đến lúc không thể giấu được nữa. Ý nghĩ phải phá bỏ cái thai chợt lóe lên trong đầu nhưng ngay lập tức nó bị dập tắt. Ngần không có đủ sự tàn nhẫn để giết chết đứa con của mình. Nhưng nếu như giữ lại thì rồi sự thể sẽ ra sao? Chỉ cần hình dung tới lúc mọi người biết rằng đứa con Ngần sinh ra không phải của Thi, Ngần lại rùng mình sợ hãi. Những dằn vặt làm Ngần mất ăn mất ngủ. Cô cố nghĩ cách đối phó nhưng càng nghĩ lại càng thấy bế tắc. Ngần quá hiểu, ở cái làng đông đúc họ tộc này thì bất cứ một chuyện gì dù lớn nhỏ cũng sẽ thành chủ đề cho người ta đàm tiếu. Và khi đó chắc chỉ còn cách bỏ đi biệt xứ mới được yên thân. Vậy nhưng nếu ra đi thì bố mẹ Ngần sẽ đối mặt ra sao với cái tiếng có một đứa con hủ hóa ngoại tình? Còn Thi nữa? Ngần không nỡ bỏ đi trong lúc anh ta cần có người chăm lo, săn sóc.
Chìm đắm trong mớ suy nghĩ bức bách ấy rồi trong đầu Ngần cũng lóe ra ý tưởng. Vừa thấy bóng mẹ chồng loáng thoáng sang tới đầu ngõ, Ngần vội lao ra khép hờ cánh cửa nhà lại và leo tót lên giường chui vào trong cánh màn nơi Thi đang nằm. Ngần nhanh chóng lột hết quần áo của mình và của chồng ra, sau đó nằm xuống bên cạnh ôm siết lấy cái thân xác vô hồn của Thi. Nghe tiếng lạch cạch phía cửa, Ngần biết mẹ chồng đã đứng thập thò ở đó, cô bèn hé miệng phát ra những tiếng rên rỉ làm ra vẻ như mình đang trong cuộc ân ái với chồng. Bà mẹ chồng đứng ngó nghiêng một lát, bà khẽ hắng giọng động chân, động tay báo hiệu sự có mặt của mình. Ngần nghe tiếng nhưng vẫn tảng lờ, cô cứ ôm chặt lấy Thi và giả bộ rên to hơn. Bà mẹ chồng không nhịn được nữa bèn đẩy mạnh cửa và dậm chân thật mạnh xuống sàn nhà rồi nói như quát:
– Thân xác nó đã như thế mà chị cũng còn không tha à? Rõ là cái loại đàn bà hư thân mất nết!
Tới lúc này Ngần mới buông chồng ra. Cô ngồi dậy cố làm ra vẻ ngượng ngùng, xấu hổ, kéo tấm chăn đắp lên cho Thi và vơ lấy mớ áo xống mặc vào người. Ngần kín đáo quan sát thái độ của mẹ chồng. Thấy vẻ bực bội, hằn học đang hiện rõ trên khuôn mặt của bà thì Ngần khẽ thở phào vì nghĩ rằng màn kịch mình vừa diễn khá suôn sẻ. Bà mẹ chồng liếc mắt lườm một cái rõ dài rồi dẩu môi ra nói mát mẻ:
– Tôi biết chị đang còn son trẻ, tuổi xuân còn đang đòi hỏi… Nhưng con tôi nó đã ra thế này rồi thì chị cũng phải biết thương hại nó.
– Vâng… Con biết rồi ạ…
Ngần cúi mặt nói lí nhí ra vẻ biết lỗi dù trong lòng lúc này đang mừng khấp khởi vì đã đánh lừa được bà mẹ chồng.
– Biết rồi… biết rồi… Biết rồi mà còn như con hổ đói ấy. Nó mà có làm sao thì cô cứ liệu hồn với tôi.
Bà mẹ chồng ngấm nguýt một lúc rồi ngúng nguẩy đi về, cũng chẳng thèm để ý xem thằng con trai mình hôm nay đã được ăn được uống gì chưa.
***
Sang tháng sau, bụng của Ngần nhô lên lùm lùm, gân xanh ở cổ cũng nổi rõ từng đám như bện thừng. Đến nước này chẳng còn giấu được ai, và Ngần cũng không có ý định giấu giếm gì nữa, ngược lại cô muốn công khai cái bụng bầu của mình ra với bàn dân thiên hạ. Gặp ai Ngần cũng cố tình phưỡn cái bụng ra cho họ thấy và khi được hỏi thăm, cô liền khoe ra với vẻ đầy tự hào rằng, đấy là trời thương mà ban lộc cho vợ chồng cô. Làng xóm bắt đầu có những lời xì xào bàn tán. Người thì tỏ ra mừng cho gia đình nhà bố mẹ chồng Ngần, họ bảo: Ừ thôi thì tắt hương còn khói, nhà ấy như thế là vẫn còn phúc. Kẻ lại trề môi buông một câu lửng lơ: Chắc gì, khéo nhà ấy lại nuôi con tu hú, chứ cái thằng Thi cứ nằm đuỗn ra như khúc gỗ ấy còn làm ăn được gì… Tất cả những lời đàm tiếu cuối cùng đều đến tai bà mẹ chồng Ngần. Ban đầu bà tỉnh bơ vênh mặt lên chửi đổng: Tiên sư quân thối mồm, nó có chui gầm giường nhà con tao không mà nó biết là con tu hú!
Miệng thì nói vậy nhưng trong bụng bà cồn lên hàng đống nghi hoặc. Mỗi lần sáp mặt, bà lại quét cái ánh mắt sắc lạnh như một tia sét cứa thẳng vào người Ngần mà săm soi. Ánh mắt ấy như muốn xuyên thủng lớp áo đi vào tận bên trong bụng Ngần như muốn để xem đứa bé có phải đúng là dòng giống của nhà bà hay không.
– Này, tôi nói cho chị biết! Nếu nó không phải là máu mủ nhà tôi thì liệu mà bỏ đi nhá, chứ để đến lúc cháy nhà ra mặt chuột thì đừng bảo tôi ác.
Là một lần bà mẹ chồng chỉ tay, nghiến răng nói thẳng với Ngần như vậy. Ngần biết bà ấy nói thế để nắn gân mình thôi nhưng cũng thấy chột dạ, bởi một lúc nào đó, bằng một cách nào đó mọi người có thể sẽ biết sự thật. Điều ấy có thể lắm chứ, thời bây giờ việc người ta đi xét nghiệm ADN để xác định huyết thống chả khó khăn gì. Ngần biết mình không thể bỏ đứa con đi như lời bà mẹ chồng, bởi bản năng tự nhiên của người mẹ không cho phép cô làm điều đó. Hơn nữa, nếu như cô đi phá thai thì chẳng hóa ra là lạy ông tôi ở bụi này, là tự thừa nhận mình ngoại tình hay sao. Nhưng nếu giữ đứa con lại thì chẳng biết làm thế nào để bảo đảm rằng điều bí mật của Ngần không bị phát giác. Ngần thấy lo sợ đến mất ăn mất ngủ, người cô cứ dần héo quắt đi như một cây sậy.
Khi Ngần mang thai đến tháng thứ bảy cũng là lúc Thi từ giã cõi đời. Sau hơn một năm trời phải sống trong tình trạng thực vật, cơ thể của Thi không tiếp tục tồn tại được nữa. Cái chết của Thi làm Ngần nửa mừng nửa lo. Dù điều đó được xem như sự giải thoát cho cả Thi và Ngần nhưng tự đáy lòng Ngần vẫn thấy xiết bao thương cảm. Thi không còn, dù cũng có đau buồn như những người phụ nữ chết chồng khác nhưng Ngần thấy có chút hi vọng về tương lai của mình. Hi vọng chuyện cái thai không phải con của Thi sẽ không bị phát hiện, bởi khi Thi không còn nữa thì cũng chẳng ai muốn bới chuyện ra làm gì.
Nhưng Ngần đã mừng hụt. Ngay sau hôm đám tang của Thi, lúc tiễn chân một người họ hàng là bác sĩ ở một bệnh viện lớn về lại thành phố, bà mẹ chồng Ngần lựa lúc có cả mặt Ngần đứng đó rồi bất ngờ ướm hỏi như cốt để cô nghe thấy:
– Này chú Vũ, cho chị hỏi cái việc đi xét nghiệm để biết dòng giống nhà mình ấy có khó lắm không?
Ông chú bác sĩ thoáng đưa mắt nhìn lướt nhanh về Ngần, khe khẽ gật đầu:
– Vâng, đơn giản thôi chị ạ! Nhưng…
– Ừ, thế thì được rồi. Vài tháng nữa là chị phải nhờ đến chú đấy!
Ngần giật thót người. Cô thấy mặt mày xây xẩm, một cảm giác choáng váng ập đến làm rụng rời tay chân. Vậy là bà ấy đã quyết tâm rạch ròi đến cùng chuyện này ư. Nếu thế thì Ngần không còn đất sống ở cái làng này nữa rồi!
Phải lập tức rời khỏi nơi này. Ý nghĩ ấy như một mệnh lệnh trong đầu Ngần. Thi không còn. Không còn lí do gì để Ngần phải băn khoăn cấn cá nữa. Giờ thì Ngần đã có thể thanh thản dứt áo ra đi được rồi. Và đích đến của cô sẽ là một khu công nghiệp lớn ở phía nam, nơi có vài ba đứa bạn học đang làm việc ở đó.
Không chần chừ thêm nữa, ngay trong đêm đó Ngần âm thầm thu xếp hành lí, lẳng lặng rời khỏi ngôi nhà mà cô từng suốt mấy năm trời gắn bó.
***
Trăng hạ tuần nhô lên khỏi rặng duối, tỏa chiếu cái thứ ánh sáng mờ ảo, huyễn hoặc trên mặt đất. Ngần lầm lũi bước đi trên con đường dẫn ra bến sông. Rồi Ngần dừng lại, ngoảnh mặt nhìn về phía sau, căn nhà nơi cô và Thi đã chung sống những ngày tháng vợ chồng. Một thoáng bùi ngùi dâng lên xâm chiếm lấy tâm hồn Ngần nhưng ngay sau đó cô lại tiếp tục dấn bước. Nơi đó, phía bên kia bờ sông là con đường lớn tấp nập dẫn ra thị trấn, vậy nên chỉ cần qua bờ bên kia, Ngần có thể bắt xe đi về phương nam…
Ngần bước đi chậm chạp, cái bụng chửa lặc lè làm những bước đi của Ngần trở nên khó nhọc. Chân Ngần dò dẫm bước xuống từng bậc đá dẫn xuống mép nước. Nhưng ngay lúc ấy, từ phía sau bụi duối, một bóng người đi ra, tiến sát đến bên Ngần. Theo phản xạ tự nhiên, Ngần giật mình quay lại và ngỡ ngàng nhận ra bà mẹ chồng đang đứng sừng sững sau lưng mình. Ngần đứng chết trân tại chỗ, miệng cứng lại không nói lên lời.
Bà mẹ chồng thản nhiên đứng nhìn Ngần không ra vẻ trách cứ, bực bội nhưng cũng không có gì là vồ vập.
– Mẹ… Sao mẹ lại ở đây?
Bà mẹ chồng không trả lời Ngần mà đứng chống nạnh hất hàm hỏi lại với một giọng đầy trịch thượng:
– Chị định đi đâu?
– Con… là con… định… định về bên nhà bố mẹ con…
– Về bên ấy mà sao lại đi lối này?
– … Là vì… con…
Ngần ấp úng không biết phải thanh minh thế nào. Ngần cúi gằm mặt xuống, hai bàn tay nắm vào nhau vặn vẹo một cách khổ sở. Riêng bà mẹ chồng vẫn tỉnh bơ, chẳng thèm để ý đến điệu bộ lúng túng của Ngần:
– Thôi, đi về nhà!
Ngần gần như co rúm người lại. Nhưng bất chợt Ngần thấy trong mình như có một sự hối thúc, rằng cần phải làm một điều gì đó cho rõ ràng dứt khoát. Ngần lấy hết can đảm ngước lên nói với bà mẹ chồng:
– Vợ chồng con đã chẳng may giữa đường đứt gánh… Vậy nên… con xin phép mẹ, cho con được đi khỏi nhà mình…
Tưởng rằng sau câu nói đó của Ngần thì bà mẹ chồng sẽ nổi đóa lên. Nhưng thái độ của bà ta vẫn rất điềm tĩnh:
– Chị không phải đi đâu nữa cả! Nó sẽ là cháu tôi!
Ngần giật thót mình, tuy nhiên vẫn cố trấn tĩnh và làm bộ như mình chưa nghe rõ bà mẹ chồng nói gì:
– Mẹ bảo sao cơ ạ?
– Còn sao nữa! Dù con của chị có là máu mủ nhà ai đi nữa thì nó cũng sẽ là con cháu nhà tôi, nghe chưa!
Ngần choáng váng, cảm giác như là một mũi kim vừa xuyên vào trúng tử huyệt của mình. Vậy là bà mẹ chồng đã biết sự thật. Nếu vậy thì sao bà ấy lại xử sự như vậy. Lẽ nào bà ta muốn Ngần trở về rồi cứ thế hành hạ, giày vò Ngần suốt đời? Không, nếu vậy thì thà chết Ngần cũng nhất quyết không quay trở lại. Như có thêm được sức mạnh, Ngần đứng thẳng người đối diện với bà mẹ chồng và cất giọng rành rọt:
– Mẹ… là mẹ đã biết hết rồi phải không ạ?
– Hừm, thế chị tưởng tôi quê mùa đần độn lắm hả? Ngay từ khi biết chị có mang là tôi đã phải tìm hiểu xem một người bị chấn thương tủy và sống thực vật như thằng Thi thì có con được hay không.
Ngần mở trừng mắt nhìn mẹ chồng như nhìn một vị quan tòa đang đọc lời kết tội:
– Vậy sao… mẹ còn định nhờ chú Vũ đi làm xét nghiệm…
– Là tôi thử xem chị phản ứng thế nào thôi.
– Mẹ… Thế thì mẹ còn giữ con lại làm gì nữa… Mẹ tha cho con… Mẹ để cho con đi đi… Con không còn mặt mũi nào ở lại nhà mình nữa đâu mẹ ơi…
Ngần bật khóc tức tưởi. Trong đêm khuya, tiếng khóc của cô não nuột, ai oán khiến khúc sông nhuốm một vẻ u linh, ớn lạnh. Bất chợt, bà mẹ chồng bước sát tới vòng tay ôm lấy đôi vai đang rung lên bần bật của Ngần và vẫn với cái giọng nhấm nhẳng, bà bảo:
– Sao mà phải khóc? Ông trời đã sắp đặt thế rồi thì mình cũng chẳng nên cưỡng lại làm gì. Giờ chị toan cất bước tha phương như thế rồi thì ai biết dở hay thế nào! Thân gái dặm trường, bụng mang dạ chửa thế này, chị tưởng đơn giản lắm đấy phỏng? Rồi chị cũng phải nghĩ cho bố mẹ chị, cho cả tôi nữa chứ! Không lẽ để cả cái làng này nó ỉa vào mặt chúng tôi? Bởi vậy, chẳng còn cách nào khác nữa. Con chị đẻ ra nó sẽ là cháu tôi và việc này cấm chỉ không được để ai biết, kể cả bố mẹ chị ở bên nhà, hiểu chưa!
Bà cứ nói một tràng dài như thế, Ngần nghe không bỏ sót câu nào. Ngần hơi có chút ngờ vực về độ chân thực trong những lời bà vừa nói, không dám tin rằng đó là sự thật. Cô thổn thức hỏi lại trong sự nghi hoặc:
– Mẹ… có thật là… mẹ sẽ coi nó là cháu của mẹ không?
– Ở đời chẳng ai vui vẻ gì khi con cháu mình lại là con tu hú, nhưng sự thể đã thế này thì thôi cũng đành, như các cụ đã dạy, cá vào ao ta thì ta được… chứ biết làm sao!
Bà mẹ chồng vừa nói vừa buông một tiếng thở dài tưởng như có thể rút hết gan ruột ra. Ngần khuỵu chân ngồi xệp luôn xuống bậc đá, rồi cứ thế quàng tay ôm lấy chân mẹ chồng khóc tấm tức. Trăng khuya vẫn dãi trên bến sông, phủ ánh vàng mướt mát lên dáng hình hai người đàn bà một già một trẻ giống như vầng hào quang tỏa ra từ hai pho tượng thần nữ. Trời đêm tĩnh lặng, gió đồng chiêm thảng hoặc thổi từng cơn làm mặt sông lăn tăn xao động. Bất chợt từ phía xa xa một ánh đèn hiện ra, tiến dần lại. Khi nhận ra ánh đèn của một người câu ếch đêm, bà mẹ chồng liền vội cầm tay Ngần kéo cô đứng lên:
– Thôi nào đi về, kẻo người ta thấy rồi mai lại ầm ĩ cả làng lên bây giờ!
Theo Văn nghệ quân đội