Trăng khuyết – Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh Hoàng

599

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nó bưng tô cơm ra sàn nước. Mặt buồn so. Tháng Bảy mình, nước đổ về đỏ quạch dòng kinh, đỏ luôn cái gốc me keo soi nghiêng tán lá xuống dòng. Nó ngồi đó mắt dõi ra xa cho bao suy nghĩ rối tung chạy nhảy trong đầu. Vậy là ngày mai nó không còn được ra đây ngắm mấy dề lục bình trôi xuống ở đầu sông. Ai sẽ bơi xuồng đưa ngoại đi chợ những buổi sáng còn sương cho kịp hàng về bán. Ai sẽ phơi củi, gánh nước, lóng phèn, tác mương, bắt cá, mò ngêu… Ai nấu cho ngoại nồi canh chua bông súng?

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Hồi chiều, nó đến nhà mấy đứa bạn chia tay. Chắc là năm sau nó sẽ không còn đi học nữa. Nghe nó nói, mấy đứa kia cũng buồn lây. Nó giỏi nhất lớp, lao động rất hăng, chưa bao giờ bị thầy cô khiển trách bất cứ việc gì. Mà có buồn thì cũng không đứa nào giúp được gì cho nó. Lẽ đời người ta giúp lời chứ mấy ai giúp của. Trong khi ở cái đất nghèo trơ xác mồng tơi này, chỉ việc được đến trường thôi đã là một kỳ tích. Cả xóm chỉ có 4 đứa học lên tới lớp chín, mà đứa nào cũng tồng ngồng hết. Ngay trong lớp của nó cũng có đứa vừa nghỉ hè lớp bảy xong, sang năm đã có gia đình, rồi con bồng con bế. Mà nào phải cưới gả sớm gì đâu. Cũng tại chữ nghĩa đến muộn hơn. Khi chưa biết đọc chữ o thì phải đi chăn bò, lùa vịt.

Nhà người ta cha mẹ đầy đủ mà đôi lúc còn phải nhận hàng cứu trợ. Những người rủng rỉnh đồng tiền thì cửa kính, nhà cao, cách xa với cuộc sống bên ngoài trừ những khi đòi tiền, nhắc nợ. Với nó thì mấy bụi dền gai mọc dại sau hè đã quá đỗi thân quen. Quen đến nhàm chán. Con Phương em nó đã học đến lớp bảy mà cứ trông như con nít mới đến trường. Cánh tay nó khô như chiếc đũa tre. Tóc cháy rám vàng, khoe mùi bùn dưới ruộng. Sao anh em nó sinh ra không có đủ tình thương cha, mẹ? Tuổi thơ đi qua bằng tiếng ru khàn và bàn tay chai cứng của bà lùa gió lúc trời oi. Mười năm, căn nhà nhỏ ven sông không có tiếng gọi mẹ, mừng cha. Bà bảo là, mẹ nó đã qua đời trong một tai nạn đắm xuồng trên cánh đồng lũ lớn. Cha nó gom hết gia tài đi làm ăn xa. Xa tận bên trời lắc lơ nào đó. Những câu chuyện trong làng rồi cũng đến tai. Thỉnh thoảng vài ba người đến nhắc tiền nợ. Mười bảy tuổi, nó hiểu ra cha đã bỏ nhà đi cùng số nợ chất chồng từ những mùa mưa bão trước. Nó quyết định nghỉ học theo người chú xóm trên ra tỉnh kiếm việc làm. Nó không thể quẩn quanh ở cái xóm nghèo. Không thể để cho ngoại phải còng lưng ra mà bươi quào nuôi anh em nó.

Tiếng máy xuồng lạch tạch dưới lòng kênh. Đuổi mấy con thòi lòi dạt vào những gốc bần trơ rễ. Chiều buông xuống trải vàng cam con nước. Mai nó đi rồi, biết khi nào nghe được tiếng ếch gọi bờ sông. Mênh mông xa những tiếng máy ngược dòng. Chốn bình yên cũng chở những mảnh đời long đong trôi dạt.

Bước chân ngoại cọt kẹt ở sàn tre. “Ăn cơm đi con để khuya còn có sức mà đi”. Tiếng em Phương vẫn hồn nhiên trên võng. “Anh hai lên đó làm có nhiều thiệt nhiều tiền, nhớ mua cho em đôi dép mới đó nghen!” Nó gật đầu. Nghe nước mắt nóng rân.

Trăng hạ tuần còn treo lơ lửng ở đỉnh trời thì nó và Nguyễn đã bơi xuồng đi một quãng khá xa. Lúc nãy khi tiễn nó xuống bến, ngoại cứ chùi nước mắt căn dặn. “Làm không được thì quay về nghen con. Bà cháu mình nương nhau mà sống”. Tiếng ngoại khóc rõ ràng mà nó giả đò như không nghe. Nó chống cây dầm vào bờ một cái thật mạnh cho chiếc xuồng phóng đến giữa kênh. “Nhớ lời ngoại dặn nghen con!” Tiếng ngoại dội xuống sông, khuấy những lớp sóng buồn lao xao cùng tiếng côn trùng gọi bạn.

“Mày lên trển ráng làm cho giỏi. Đừng lo nghĩ chuyện gì hết. ở nhà ngoại mày, em mày có tao. Tao cũng là cháu của ngoại mà, phải không? Yên bụng nghen!” – Tiếng thằng Nguyễn dù dứt khoát nhưng cũng nặng trịch. Chiếc xuồng như muốn khẳm hơn khi chở thêm những tâm tư rối bời của nó. “Tao …”. “Dẹp mày đi! Tính nói cám ơn hả? Tao hiểu mày mà…”. Không biết Nguyễn hiểu nó được bao nhiêu. Nhưng kể từ lúc ba nó bỏ đi thì thằng Nguyễn đầu đường bỗng nhiên trở thành một thành viên không chính thức trong nhà. Nó thường ghé ăn chực cơm nguội của ngoại. Nhà thằng Nguyễn cách trường không xa, nhưng nó chưa bao giờ biết đến lớp là gì. Mỗi khi nghe con Phương đọc bài là nó há hốc mồm ra mà nuốt từng câu, từng chữ. Những lúc rảnh hoặc nghỉ hè nó thường dạy cho Nguyễn viết, cũng bắt đầu bằng những chữ ò ó o. Nguyễn vui lắm, bởi từ khi đó nó đã biết hí hửng khoe với ba mẹ nó là con gà gáy sáng như thế nào bằng tờ giấy nó nguệch ngoạc vẽ cái đầu con gà và ba chữ quen thuộc đó.

Ba giờ khuya bến tàu đã thức rộ. Nguyễn cột dây xuồng vào gốc tre rồi xách túi quần áo lên đứng bên cạnh nó. Không hiểu sao hai đứa cứ mãi nhìn hoài xuống nước. Nó muốn dặn Nguyễn thật nhiều mà không sao nói được. La dùm em nó tắm sông. Đừng ham vớt củi khô mà té nước. Mấy bụi hành ngoại trồng chưa dời lên mé đường để tránh lũ tháng sau. Hôm nào mưa dầm nói ngoại đừng ra chợ bổ hàng. Mùa này học trò nghỉ hết rồi lấy ai mà bán. Mấy giạ lúa công cắt bên dì Tư thư thả hãy qua lấy. Cái chuồng heo bên cô Tám hôm qua còn thiếu dây chì nên chưa buộc xong cái cửa… Bao nhiêu thứ nữa Nguyễn làm sao thay cho nó được mà bảo là “Tao hiểu mày mà”. Bất ngờ Nguyễn vỗ vào vai nó, nói một câu mà nó không nghĩ là từ miệng của thằng Nguyễn bạn mình. “Cái gì tao làm. Quyết định làm là phải được. Mầy cũng vậy đó!”. Nó xiết chặt tay Nguyễn khi tiếng còi tàu hụ lên. Đám khói đen xì phả xuống mặt sông từ sau cái đuôi tôm nổ đành đành. Dáng thằng Nguyễn nhòe dần và khuất hẳn dưới trăng.

*

“Sáng nay chưa rót kịp xi măng cho mấy anh em nghỉ một buổi. Chiều một giờ tiếp tục”. Ông chủ thầu công trình vừa thông báo xong liền phóng xe đi mất. Nó hỏi chú Phạm. “Mấy giờ rồi chú?”. “Sớm mà, mới mười giờ thôi con. Nghỉ một buổi bằng hai tiếng đồng hồ, sướng thật!”. Giọng chú mỉa mai. “Có còn hơn không mà chú”. Nó phụ họa theo. Thọc tay vào xô nước vừa rửa vừa nói. “Chú làm cho ổng được mấy công trình rồi?”. “Không nhớ”.”Nghe anh đội trưởng nói khi nào công trình này hoàn thành rồi anh em công nhân được thưởng mỗi người vài trăm hả chú?”. Chú Phạm thở ra mà miệng cứ nhách lên. “Chừng nào tiền vô túi mới tin nghen con. Ngoài ra… dẹp hết! Mình có làm sói trán cũng chỉ nhận lương thôi. Tiền là máu mà. Ai để cho chảy dễ dàng chứ nhóc!”.

Cái câu đúc kết ngộ nghĩnh của chú Phạm làm nó giật mình. Hơn một tháng ăn bụi ngủ bờ với anh em công nhân nó thấm thía phần nào giá trị của đồng tiền, một cái luật vô hồn nhưng uy lực vô song. Ở đây ăn một dĩa cơm bằng tiền chợ cả ngày của ngoại và em. Nó cứ hà tiện ky cóp từng đồng để còn gởi về quê cho ngoại. Hy vọng cuối tháng sau nó sẽ mua cho ngoại cái ra – dô để ngoại nghe cải lương đỡ buồn, đỡ nhớ. Cứ nghĩ đến đó thôi là nó nghe lòng vui hẳn. Dù có cực khổ thế nào nó cũng chịu.

Chú Phạm đến bên nó câu cổ. “Qua bà Diễm lựa ít bộ si – đa con!”. “Ơ… nhưng mà bữa nay con đâu còn tiền”. “Xạo mày! mới lãnh lương hôm qua nghen!”. Đúng là nó mới lãnh lương hôm qua. Mấy trăm ngàn đối với nó quả là rất lớn. Nhưng để chi phí lặt vặt trong suốt tháng qua, nó cũng đã ứng trước gần nửa số lương của mình, chưa kể những khoảng “chào sân” bằng thuốc lá cho mấy người lính cũ. Một ngàn đồng trà đá nó còn hà tiện, thì làm gì mua nổi bộ đồ hai mấy ngàn để se sua. Nó trả lời chú Phạm một cách thành thật. “Hôm qua, con gởi về cho ngoại hết rồi, còn có mấy chục để ăn… Thôi chú đi một mình đi”. “Đi theo tao, tao mua cho một bộ, khỏi tính tiền, được chứ thằng nhóc?”. Chú Phạm nắm tay nó kéo đi, những đống đá dăm dưới chân lạo xạo theo nụ cười hiền của chú.

Phố nhỏ cấp tỉnh cũng chẳng lớn bao nhiêu, nhưng với nó thật sự là nơi phồn hoa đô hội. Những buổi tối chợt buồn, nhớ ngoại, nhớ em, nó lơn tơn một mình ra cầu Đình Trung nhìn con nước xám màu mà tưởng chừng như dòng sông quê đang chảy. Nhiều hàng quán rực đèn nhấp nháy đằng xa, đâu đó thoảng qua mùi hương nhãn, hương tràm. Nó chợt nhớ đến mùi hương của cụm hoa nhài trước sân nhà Nguyễn. Không biết bây giờ ở quê Nguyễn đang làm gì? Chắc cũng chăn vịt ngoài đồng, thả lưới trên sông, quẩn quanh ở cái đất chưa mưa đã dính đầy bùn. Bỗng nhiên nó thèm được quăng chài, té nước dưới tán me. Thèm được trêu mấy con thòi lòi nhảy sông lủm chủm. Thèm được ngắm màu tím nguyên sơ của bông lục bình trôi về mỗi mùa nước đổ.

Một tốp học sinh túa ra từ trung tâm ngoại ngữ. Nó nhớ bạn bè, nhớ thầy cô. Nhớ ngôi trường trống hoác trống huơ có mấy cái bàn cứ kêu cọt kẹt mỗi khi có đứa nào xê dịch qua lại. Bây giờ không biết ngoại có ngồi nhai trầu nhổ toèn toẹc xuống sàn tre, thả vào sông một chút màu đỏ thẳm.

Mơn man với những ký ức chợt ùa về, Nó chợt thấy những ngôi sao nhấp nháy trên đầu chen lẫn với những đồ chơi bằng nhựa cứng cũng lấp lánh ánh bạc. Trung Thu đến rồi sao? Nó chớp mắt nhìn vào cái tủ kiếng toàn là bánh. Từ vài ngàn cho đến mấy trăm. Hoa cả mắt. Hai đứa con trai cỡ tuổi nó chất lên xe những thùng bánh to, ghi vội lên nắp thùng nhưng hàng chữ lớn: cô X công ty Y, ủy ban xã K, ông Z… Không khí bận rộn, chật chội hơn nhiều so với nhà quê của nó.

Mấy năm trước khi đến độ Trung Thu, ngoại thường hay rang nếp, xay nhuyễn gỏ bánh in cho anh em nó ăn, vui cùng bè bạn. Những chiếc lon sữa bò được khui ra, đục khoét, uốn cong từng khía như trái bí để làm đèn. Thằng Nguyễn có chút tài vặt nên lấy giấy tập cũ của em Phương dán lồng đèn hình ngôi sao vàng nhạt. Không biết có cái nào chở hết những ước mơ ngây ngô của đám con nít trong xóm bằng những chữ chi chít trên tờ giấy. Tối mười bốn là thằng Nguyễn bị tụi nhỏ rượt chạy té khói. Bởi nó giao kèo là đứa nào thổi tắt được đèn của nó thì nó chịu làm bò cho cỡi nhong nhong hai vòng quanh sân. Có lần làm cháy rụi luôn con bướm xinh xinh của em Phương. Thằng Nguyễn năn nỉ quá trời mà con bé chưa chịu nín. Sáng hôm sau nó phải thức sớm để làm cái khác đền cho em.

Một người khách ghé lại mua một cái đèn cho thằng bé. Nó cứ nằng nặc đòi mua cho bằng được cái đèn hình hỏa tiễn chớp tắt liên hồi, và reo lên những tiếng chéo chéo, đùng đùng nghe nhức nhối cả tai mà không hề biết mệt mỏi. Sao nó cứ reo đi reo lại có mấy tiếng nhạt nhẽo ấy. Không giống chút nào với tụi con nít dưới quê. Trăng chưa kịp nhú lên ở mái đình thì tụi nó đã rồng rắn nối đuôi nhau hát hết bài đồng dao này sang bài đồng dao khác.

Tiếng điện thoại reo bên góc tủ. Bà chủ vừa nghe xong miệng bây bẩy hét lên. “Tụi bây giao hàng kiểu gì mà chậm như rùa vậy? Thằng Trí đâu?”. Tiếng một đứa con gái trong nhà vọng ra. “Ảnh nói đi lại nhà bạn chút về”. Bà chủ cằn nhằn. “Không có điện thoại di động mà đi lung tung. Bây giờ biết ở đâu mà gọi đây. Kêu ba mày kiếm thêm người làm cũng không chịu nghe. Tới lúc cao điểm như vầy thì lấy chưn đâu mà chạy hàng chứ!”.

Một ý định thoáng qua trong đầu xui nó lên tiếng. “Vậy cô có nhận người làm tiếp không?”. Bà chủ nhìn nó dò xét. “Mày à? có xe máy chứ?”. Nó lắc đầu. “Vậy thì đi chỗ khác cho người ta mua bán!” – Vừa nói xong bà cầm tờ giấy phủi tứ tung trước tủ như đuổi tà. Nó lặng lẽ bước chân ra lề đường.

“Nếu em cần làm thêm thì ghé chỗ chị”. Tiếng người phụ nữ cất lên phía sau lưng, đưa cho nó một tờ giấy cứng. Nó không buồn để ý đến nên nhét vội vào túi rồi ngược về con đường cũ. Cái thành cầu lúc chiều giờ ươn ướt sương đêm. Một ngày sắp đi qua. Giá như thời gian có thể dừng lại một chút thôi để nghiền ngẫm cái vòng xoay tất bật của mình. Hẳn lúc đó sẽ có nhiều người chợt thảng thốt nghi ngờ rằng mình có còn thánh thiện, tinh khôi như ngày trước?

*

Chiều nay công trình có lệnh đình chỉ thi công. Chờ thanh tra. Nó nghe loáng thoáng hình như nhà thầu không thực hiện đúng theo yêu cầu kỹ thuật. Sắt đổ bê tông không đạt chất lượng như thiết kế. Xi măng thì trộn vữa quá kém, không đảm bảo độ kết dính cho công trình. Đám thợ được dịp rảnh tay mà ngồi “tiến lên” với năm mươi hai lá bài đen đỏ.

Nó gom mấy bộ đồ ra giặt ở cái ống nước phía sau. Tình cờ tờ giấy nhỏ hôm trước rơi ra. Nó nhặt lên xem: Cô Quyên – Hội người mù khuyết tật tỉnh. Nó cố nhớ lại. Không lẽ cô ấy đi giao hàng? Dường như có cái giỏ khá lớn đặt sau yên xe… Nó bán tín bán nghi. Có lẽ nào những người mù lại làm được những cái lồng đèn xinh đẹp đó? Nó chợt nhớ đến lời chú Phạm căn dặn khi mới vừa lên đây. “Thời buổi này có lắm kẻ lừa đảo, lợi dụng lòng nhân từ của người khác để trục lợi cho mình”. Vắt mấy bộ quần áo lên dây căng, nó quyết định tìm đến cái địa chỉ ghi trong tờ giấy ấy.

Đó là một ngôi nhà nằm cuối con hẻm rộng và thoáng mát. Hai bên lối vào trồng rất nhiều hoa. Những chậu kiểng xanh được tỉa tót rất cẩn thận. Nó nghe thoang thoảng mùi bông sứ trong vườn, mấy chùm mai chuỗi buông mình sau những băng ghế đá. Cô Quyên nhận ra nó ngay từ lúc lấp ló ngoài rào. Cô nở một nụ cười thân thiện mời nó vào trong. Mọi người vừa nghỉ ngơi ít phút sau buổi cơm chiều liền bắt tay vào việc. Nó nhìn những thanh tre đã được uốn cong, những cái sườn tạo hình con cá, con bướm, chiếc thuyền, con ngựa, con công, ngôi sao… được ra đời từ những đôi tay của các bác khiếm thính. Nó sà xuống bên ông lão bị khuất một chân, ông là người vui nhất ở đây, cứ luôn miệng kể những câu chuyện tiếu lâm cho mọi người cười giòn rụm. Bên góc phải căn phòng, những đứa con gái, con trai trạc tuổi nó đang cắt dán giấy kiếng vào mấy sườn tre rồi chuyển sang cho các dì lớn tuổi hơn vẽ màu, bôi kim tuyến. Một hệ thống dây chuyền khép kín. Nó cười thầm cho cái suy nghĩ ăn theo của mình. Từ ngày nó xa quê đến giờ cũng đã biết rất nhiều câu đại loại như thế. Những chiếc lồng đèn được treo lên trần nhà, phản chiếu ánh đèn nê-on lấp lánh sắc màu trên từng sợi tóc. Nó thật sự bất ngờ trước sức sáng tạo của những con người bình dị nơi đây. Tại sao mọi người có thể làm được điều này? Bỗng nhiên trong đầu nó có tiếng trả lời rất khí thế của thằng Nguyễn. “Cái gì tao làm, quyết định làm là phải được!”. Nó bước nhanh đến cô Quyên. “Cho cháu phụ làm ngay tối nay được không cô?”. Ông lão mù vót tre cười xòa. “Đi mình không. Về mình không. Cuối buổi lãnh vài đồng. Chịu chứ anh bạn trẻ?”.

Kể từ nụ cười mãn nguyện lần đó, đêm đêm nó đến với cơ sở lồng đèn của cô Quyên đang vào mùa thu hoạch. Với nó bây giờ làm việc ban đêm lý thú hơn nhiều. Ở đây nó tìm thấy được tình thương và nỗi nhớ quê cũng vơi đi đôi chút. Lô hàng cuối cùng được chở đi, mọi người nghe lòng phấn chấn hẳn. Đêm Trung Thu sẽ có nhiều trẻ con được vui đùa dưới trăng, được khoe với nhau những chiếc đèn xinh xắn. Và ấm áp hơn, nếu chúng biết được những chiếc đèn ấy được ra đời từ bàn tay của những người không may mắn.

Chiều, cô Quyên mang đến tận công trình gởi cho nó bốn cái bánh Trung Thu. “Nghe nói em về quê cô gởi chút quà biếu bà ăn lấy thảo!”. Cô Quyên về rồi mà nó cứ trằn trọc suốt đêm. Chú Phạm nằm bên thì thào vào tai nó. “Ngủ đi con sáng mai còn đi sớm. Chừng nào lên nhớ mang ít trái cây cho mấy anh em. Giải quyết xong cái vụ gian dối này chắc cũng vài ba ngày nữa là cùng. Xong công trình này chắc chú cũng về quê, chắt góp tiền dành dụm suốt năm cũng đủ làm chi phí”. Giọng chú càng lúc càng buồn. Nó thương chú lắm. Không biết giờ này cái nắng hanh hao ở miền Trung có khát khô như tâm hồn của chú? “Cũng hên là chú cháu mình nghèo nên mới tứ xứ mới gặp nhau ở chỗ này!” – Chẳng biết tự bao giờ nó đã bắt đầu cái luận điệu mỉa mai.

*

Hai tháng rồi mới nhìn lại khúc sông quê. Mới được nghe hương gió đồng mát rượi. Nước lũ đã trắng trời. Nhiều khúc sông không còn thấy đâu là bờ, là ruộng. Lòng nó nôn nao không khác nào con nước xiết. Tàu chạy xuôi nên chẳng mấy chóc đã đến gần nhà Nguyễn. Nó chấp tròn hai tay lên miệng cho tiếng gọi oang oang. “Nguyễn ơi!!! tao về nè…”. Thằng Nguyễn vận cái quần đùi đứng trên nhà vẫy tay lia lịa. “Tao xuống liền. Nhớ chừa phần cho tao đó nghen!”. Cái thằng có tật mê ăn không bỏ được.

“Anh hai về. Hoan hô! anh hai về ngoại ơi…”. Tiếng bé Phương lanh lảnh gọi bà. Ngoại bước mà như chạy ra sàn nước. “Đình đó hả con?” – Ngoại khóc òa. Hành khách trên tàu cũng bùi ngùi theo. Đình nắm tay ngoại với em thật lâu như sợ tuột mất không bằng. Bé Phương chụp cái lồng đèn trên tay anh, nó mừng tíu tít. Đình đặt cái dĩa bánh lên bàn thờ của ông ngoại và mẹ. Nó đốt nhang cho Bà khấn: “Bánh Trung Thu cháu nó mang về, ông với con về ăn cho biết với người ta”.

Thằng Nguyễn mới đó đã lót tót chạy xuống, nó đứng trước hiên nghe ngoại nói mà mắt đỏ hoe. Bé Phương hí hửng cầm lồng đèn chạy ra, chưa kịp khoe thì thằng Nguyễn nói một câu làm nó cụt hứng. “Bữa nay mười sáu rồi, ai còn chơi Trung Thu nữa!” Đình ngỡ ngàng nhận ra cái điều mà thằng Nguyễn vừa thốt lên là sự thật. Sao nó lại có thể đểnh đoảng như thế chứ? Thằng Nguyễn dường như biết mình đã lỡ lời nên lí nhí xin lỗi. Bé Phương buông cái đèn đứng xụi lơ, mặt buồn hiu. Vì nó biết sẽ không được khoe với tụi thằng Tân, con Linh là nó có cái lồng đèn đẹp nhất xóm.

Ngoại đến bên con bé dỗ dành: “Cháu ngoan của bà. Mười sáu thì có sao đâu. Trăng hôm qua không có anh Hai. Trăng bữa nay có anh Hai, vui hơn phải không nè?”. Thằng Nguyễn lên tiếng đề nghị. “Hay là tối nay ngoại với tụi con thả đèn chơi Trung Thu lần nữa đi! Trăng mười sáu tròn hơn đẹp hơn mà”. Nguyễn nhặt cái lồng đèn lên và hát “Tết Trung Thu em đốt đèn đi tu, thằng cu tý cũng đòi đi theo…”. Đang buồn mà nghe cái giọng của nó cũng phải chực cười. Bé Phương giật lại cái lồng đèn trên tay Nguyễn. “Nhưng mà anh không được giành cái lồng đèn này của em đó nghen!”. “Được rồi tụi anh sẽ thả đèn bằng cái khác. Chịu chưa?”. Con bé nghe vậy mới chịu khoe mất cái răng sún.

Trăng mười sáu tròn vành vạnh. Rải ánh bạc lấp loáng xuống mênh mông. Ngoại bưng dĩa bánh ra sàn nước. Tiếng lửa reo trên bếp thật vui. Đình phụ Nguyễn cắm những ngọn đèn cầy lên mấy cái miểng dùa được đục lổ trên vành và nối với nhau bằng những sợi dây gân, tạo thành một dãy đèn dập dềnh theo con sóng. Từng ngọn nến được thắp lên lung linh, huyền hoặc. Nguyễn cột đầu dây vào cây sào đưa ra một khoảng xa. Bé Phương thích thú nhìn những ánh đèn lăn tăn trên mặt nước. Chúng kết lại rồi tan ra như những ngôi sao nhấp nháy trên trời. Bỗng nhiên Nguyễn hỏi nó một câu. “Mày đang nghĩ gì vậy?”. Đình không trả lời. Nó chỉ tay về phía trước. Những ngọn đèn trông cứ như sao. Biết sẽ chở được bao nhiêu ước mơ của nó ngay lúc này. Nó buông cây sào. “Ừa! Giữ mãi làm gì mà không chấp cánh những ước mơ”.

*

Như thường lệ, Đình thu xếp công việc cơ quan xong cũng sắp đến 6 giờ chiều. Đoạn đường bốn mươi cây số về nhà không còn xa xôi cách trở tàu đò như mười năm trước. Đường vào xóm bây giờ đã nâng cao vượt lũ và đã lót đal bằng phẳng hẳn hoi. Không còn cảnh vác xe mỗi khi trời mưa nhầy nhụa. Mười năm, không biết bao nhiêu mùa trăng đầy rồi khuyết. Dòng đời cứ lặng lẽ trôi xuôi, nuôi lớn cái ước mơ bé bỏng thuở nào. Phương cũng đã tốt nghiệp ra trường làm kỹ sư nông nghiệp huyện. Đã có nhiều mối dòm dèm nhưng chị vẫn chưa ưng. Chị muốn dành tất cả thời gian cho ngoại và bé Bảo. Đứa con trai giống tạc như cha. Thằng bé suốt ngày cứ đòi cô út Phương. Ngày nào đi làm về chị cũng mua cho nó vài viên kẹo màu xanh. Không biết tại sao thằng bé cứ thích cái màu trong như ước mơ của cha ngày trước.

Vừa định đóng cửa phòng về quê, thì cái “a lô mọi lúc mọi nơi” của anh khảy một khúc nhạc véo von. Sức mạnh của nó còn to lớn hơn nhiều so với nỗi chờ trông của vợ con anh ở nhà. Vậy là đủ sức nặng giữ chân anh lại một đêm như bao ngàn đêm khác. Thời buổi kinh tế thị trường khách hàng là trên hết. Đã là công việc làm ăn thì không thể từ chối lời mời của họ. Không biết có bao nhiêu cuộc hẹn đột xuất xảy ra vào những chiều cuối tuần như thế.

Xế trưa, anh thức dậy nghe đầu còn đau như bổ búa. Một đêm chật vật cùng mấy chai rượu ngoại để cho cái hợp đồng tín dụng vay vốn được ký kết. Và phương án làm ăn chắc chắn sẽ thực hiện theo tinh thần “hai bên cùng có lợi”. Nhiều lúc anh cũng muốn thoát ra cái sức hút của những lý lẽ thị trường, nhưng rồi cái ý nghĩ đó cũng chỉ là thoáng qua một cách vu vơ mà không sao thành sự thật. Khoảng cách từ ý thức đến quyết định vốn đã rất xa, nhưng khi hành động thì lại càng diệu vợi.

Đêm nay rằm tháng Tám. Một mùa trăng đặc biệt nhất trong năm lại về. Đình ghé vào dãy phố mua ít quà về cho con. Năm mùa trăng kể từ khi bé Thảo ra đời là ngần ấy lần cái lồng đèn ngôi sao xanh lung linh tỏa sáng. Hạnh phúc của anh và Bích đến cũng thật tình cờ. Con một thương hiệu có tiếng ở thành phố lại phải lòng một anh nhà quê, đã nghèo mà còn ít học. Bốn năm bon chen cật lực với cơm áo gạo tiền cuối cùng anh cũng đã thực hiện theo lời động viên của Bích. Những buổi tối đi học bổ túc về ngang cửa hàng, Bích luôn dành cho anh ít nhất là một cái bánh bao hay một bịch nước mía. Rồi nhịp tim chung hướng đã đồng điệu hát lên một khúc tình yêu. Ngày đính hôn cũng là ngày kỷ niệm một năm anh chính thức đi làm ở công ty xây dựng tỉnh.

Dù cuộc sống tất bật như thế nào, cái vòng xoay nghiệt ngã có đến đâu, nhưng cứ nghĩ đến dáng con mừng rỡ lon ton chạy ra cổng đón cha là lòng anh nghe thanh thản, bình yên lạ. Những lúc ấy, cuộc sống trở nên quá đỗi nhẹ nhàng. Nhưng bao giờ hạnh phúc không chất chứa những đắng cay. Anh cũng đã đánh đổi thật nhiều để mưu cầu những điều tưởng chừng như không bao giờ với tới. Và những điều phải bỏ đi như bỏ hẳn những sở thích của riêng mình, bỏ cả sự quan tâm đến sức khỏe trên những bàn tiệc tùng vô vị lợi.

“Cô ơi! cái bánh Trung Thu này bao nhiêu tiền vậy?”. Tiếng người đàn ông đội cái mũ lưỡi trai gần như che một nửa khuôn mặt trông có vẻ hốc hác của mình. ông cứ hỏi giá hết cái này đến cái khác. Khách hàng đến tiệm khá đông. Sự có mặt của ông đã khiến cho nhiều người cau có, và Đình cũng không ngoại lệ. Anh lên tiếng “Ông có tiền mua không mà đứng hỏi hoài vậy?”. Người đàn ông vội ngước mặt lên, không một vẻ phật ý hiện lên khuôn mặt. Trái lại ông rất vui nữa là khác. “Đình? Cháu phải là Đình không?”. Thoáng ngỡ ngàng trước câu hỏi bất ngờ của ông, anh ấp úng “Tôi… tôi… à không chắc chú nhìn lộn với ai rồi…”. Người đàn ông nhíu đôi chân mày lại, như cố lục tìm trong ký ức của mình một gương mặt mà ông đã từng ăn, ngủ, thương yêu. “Không phải đâu, cháu nhất định là Đình! Nhớ chú không? Chú Phạm nè!”. Anh đảo mắt lãng tránh đi nơi khác rồi lắc đầu. Có lẽ cái bộ đồ dính đầy xi măng, bạc thếch của ông là vật cản lớn nhất cho ý nghĩ khước từ hiện diện trong cái đầu đã nhuốm mùi sĩ diện của anh.

Chiếc SH đề máy lao đi. Bỏ lại đôi mắt buồn rười rượi của ông thợ hồ. Đình của ngày xưa mà ông đã cùng chung sống đó sao? Không lẽ ông đã nhìn lầm? Cuộc sống lao đi bào mòn sức nhanh nhạy, phán xét của tuổi tác, nhưng không thể xóa hẳn vết sẹo trên tay Đình trong một buổi chiều trượt chân từ giàn dáo xuống đống đá dăm. Ông đứng dõi theo chiếc xe của Đình cho đến lúc chỉ còn là cái chấm nhỏ như vết máu khô trên tay của thằng bé ngày xưa. Ngần ấy thời gian làm cho con người thay đổi. Cũng như cái ước mơ được an nhàn nơi chốn nắng quê hương của ông cũng không sao thực hiện. Nó cũng thay đổi theo trận bão ác nghiệt năm ấy, thổi ông vào kiếp tha hương cùng những năm tháng tiếp nối nhọc nhằn.

Vừa quẹo vào ngã ba đầu làng Đình đã thấy từ xa chiếc xe đẩy treo đầy những bộ quần áo si-đa chắn ngay cổng vào nhà. Phương ướm thử mấy cái áo đầm lên người bé Bảo. Chị bán hàng lật tung những cái áo khác sặc sỡ màu cố tìm cho hết những cái viền xanh cho Phương chọn lựa. Đình bóp kèn xe inh ỏi làm cho thằng bé giật mình, nó chạy ra mừng cha khấp khởi. “Em lựa cho cháu cái áo này, anh xem có đẹp không?”. “Em có lộn không vậy, con anh mà mặc đồ si-đa hả? Không sợ hàng xóm người ta cười à!”. Phương tròn mắt nhìn anh. Sao hôm nay anh lại có thể nói với mình bằng giọng điệu ấy? Chẳng lẽ anh đã quên mất bộ đồ của chú Phạm mua cho ngày trước rồi sao? Bộ đồ mà anh chỉ mặc vào đêm giao thừa và ngày đầu tiên năm mới. Phương còn nhớ anh đã nói với chị và ngoại rằng: Có những thứ không đáng bao nhiêu nhưng mất nó người ta không thể nào khôn lớn, nên người.

Phương trả tiền cho người bán hàng, và nhất quyết mua cho thằng cháu thương yêu của mình một cái áo si-đa. Gia Bảo mặc áo vào đứng trước gương mà cười thích thú. Nó hỏi Bích. “Mẹ ơi con có giống hoàng tử không?”. Bích chưa kịp gật đầu thì đã thấy trong gương còn có gương mặt của anh đang bần thần, cau có xoáy vào lưng. Chị bước vội ra sau, hâm nóng thức ăn lại cho chồng. Một tiếng “cạch” khô khan được phát ra từ cái bếp gas.

Không có sợi khói nào bay ngược ánh nắng chiều.

L.N.M.H