Thơ hiện đại Việt Nam trên nền hàng trăm tác phẩm viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh, nổi bật hai trường ca: Theo chân Bác (1970) – Tố Hữu và Trăng Tân Trào (2019) – Hữu Thỉnh. Tuy ở tác phẩm của mình Tố Hữu không đề tên thể loại cụ thể nhưng các nhà nghiên cứu đối chiếu độ dài 500 câu, cũng như nội dung hướng đến cuộc đời và sự nghiệp lãnh tụ cùng những cảm hứng lịch sử của cộng đồng đã xếp vào thể loại “trường ca”. Tác phẩm của Hữu Thỉnh ra đời cách trường ca thứ nhất 50 năm, từ khởi thảo đến hoàn thành mất năm năm (2015-2019). Tác phẩm của Tố Hữu ghi lại khá trọn vẹn cuộc đời hoạt động phong phú và đa dạng của Bác, tác phẩm của Hữu Thỉnh chỉ là một lát cắt lịch sử về cuộc đời Người mà thôi, đó là quãng thời gian Bác bị bệnh ở chiến khu cách mạng thời tiền khởi nghĩa. Nhưng qua một “giọt nước vẫn thấy được sắc màu biển cả!”
Nhà thơ Hữu Thỉnh
Tên trường ca của Hữu Thỉnh là Trăng Tân Trào, một biểu tượng nhiều ý nghĩa. Vừa cụ thể: vầng trăng thiên nhiên trong chiến khu căn cứ địa Tân Trào nhưng cũng hàm chứa một ẩn ý: hình ảnh lãnh tụ trong lòng nhân dân, trong lòng cách mạng. Cũng như tên trường ca Theo chân Bác của Tố Hữu trước đây, mang nhiều tình ý, vừa cụ thể vừa khái quát. Ý nghĩa của nhan đề các trường ca cũng phần nào thể hiện những nội dung chính mà các tác phẩm thể hiện: sự nghiệp các lãnh tụ, tình cảm, lòng ngưỡng vọng của nhân dân dành cho những Người con yêu quí. Tuy vậy mỗi tác phẩm có một phong cách biểu đạt cũng như một nội dụng cụ thể khác nhau.
Trăng Tân Trào là một “trường ca lịch sử”, là một thể loại văn chương hư cấu nhưng viết về đề tài lịch sử có giới hạn khác một “trường ca thế sự” viết về đời thường. Hình ảnh Bác trong tác phẩm vừa cao cả, vừa nhân ái, rất cao đẹp nhưng cũng rất gần gũi chân thực. Nhân vật trung tâm thuộc “lịch sử gần” “làm khó” không cho phép tác giả tùy tiện thêm bớt các tình tiết, các sự kiện làm giảm hiệu quả thẩm mỹ với người đọc như ở các nhân vật “ lịch sử xa xưa” nhà văn có thể hư tạo nhiều chi tiết, miễn sao không ngược với bản chất nhân vật. Viết về nhân vật lịch sử không hạn chế “sự sáng tạo” của nhà văn về các sự kiện cũng như tâm lý nhưng phải tuân theo quy tắc “biểu hiện tư duy của một dân tộc dưới tất cả mọi hình thức và trong tất cả mọi phương thức” (Hegel). Nói một cách dễ hiểu, là sự sáng tạo nhân vật phải được điều tiết, là những con người biểu hiện tình cảm và tâm lý cũng như thị hiếu thẩm mỹ của dân tộc. Bên cạnh sự chân thực lịch sử có những sáng tạo của tác giả nhằm tạo những hiệu ứng thẩm mỹ, thành công đến đâu là do tài năng người viết.
Trường ca Trăng Tân Trào có 8 chương, bốn chương đầu kể chuyện Bác ốm, thông qua những hồi tưởng của Bác, tác giả vẽ lại chặng đường trải qua đầy thử thách của lãnh tụ qua năm châu bốn biển, bao thử thách gian truân… Bút pháp tự sự xen kẽ trữ tình với những điểm nhấn gây ấn tượng sâu sắc về hành trạng tháng ngày trải qua cùng với vẻ đẹp tâm hồn của Bác.
Một không gian rộng lớn Bác đã trải nghiệm: từ xứ Nghệ Lớp sóng đầu tiên, qua sông Hương Hồn quê theo lữ thứ, đến Dục Thanh học trò Níu thầy đầy nước mắt; rồi Qua bao nhiêu bến cảng, với Bao lần thay hộ chiếu đến Pháp, Nga, Trung Quốc… Đông sang Tây; từ Mùa thu Nga rất vàng/ Không hay đời ngang trái, đến những ngày Nhen lửa trên đất Xiêm/ Lại vòng về nước Pháp… Người từng gặp bao khổ nạn, nào Chạy giặc trên đất khách, đến Hai lần trong ngục tối/ Phải mang án tử hình; gặp gỡ với bao số phận Cái thân người nô lệ/ Đều cùng cảnh khổ đau; làm bao nhiêu công việc từ Nắm than dưới gầm tàu, đến Gò lưng mò quét rác… Những ngày về nước ẩn trú miền Khuẩy Nậm, Pắc Bó, hoạt động phong trào nhen dần ngọn lửa nơi Bản vắng mái tranh nghèo/ Góp dân thành trận bão… Thơ chấm phá nhưng đủ đầy như những trang sử biên niên về đời hoạt động của Bác!
Chúng ta từng gặp Bác trong nhiều thi phẩm với bao hình ảnh “hoành tráng” mang đậm chất anh hùng ca, trái lại trong Trăng Tân Trào, hình ảnh Bác mang một vẻ đẹp lớn lao mà dung dị rất gần gũi, đọc qua ngôn từ rất “đạm” nhưng tạo một xúc cảm rất “nồng” trong cảm nhận người đọc: Linh hồn của tự do/ Thở dồn trong lán cỏ/ Chí lớn thu giang sơn/ Giấu mình trong tre nứa… Hình ảnh thơ gợi một tương dị đột biến, cái lớn lao ẩn đằng sau cái bé nhỏ (tự do – lán cỏ), cái cao cả nép dưới sự bình thường (chí lớn – tre nứa), khuấy động một suy cảm sâu xa, lâu dài về phẩm chất những nhân vật cao thượng từ nhân dân mà ra. Kết thúc bốn chương đầu về bệnh tình của Bác là lời căn dặn: Dẫu đốt dãy Trường Sơn/ Quyết phải giành độc lập/ Anh Văn nâng tay Bác/ Trĩu nặng một lời thề. Một ý chí, như một lời thề truyền kiếp vĩnh hằng trong lịch sử từ các triều đại Đinh – Lê – Lý – Trần, từ Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo qua Nguyễn Huệ đến Hồ Chí Minh trong thời hiện đại, lời thề vang lên trong công cuộc chống Pháp cũng như chống Mỹ.
Bốn chương đầu như một bức tranh chấm phá, điểm nhãn những nét tiêu biểu cuộc đời Bác, bằng bút pháp trữ tình kết hợp tự sự thông qua ngôn ngữ tác giả, ngôn ngữ cộng đồng cũng như độc thoại nội tâm nhân vật, thể hiện khá rõ đầy cảm động và thuyết phục về sự lớn lao mà gần gũi của cuộc đời lãnh tụ.
Viết về lãnh tụ ngoài cái vẻ đẹp, sự lớn lao thuộc về bản chất nhân vật, từng thời kỳ trong từng tác phẩm, các tác giả còn muốn gửi tới độc giả một thông điệp riêng, bằng cách tô đậm nhấn mạnh vào một đặc điểm cụ thể nào đấy của nhân vật. Trong Trăng Tân Trào, Hữu Thỉnh bằng phương thức nghệ thuật liên kết sóng đôi qua mối quan hệ giữa Bác với cụ lang người dân tộc, đã “làm sáng” mối quan hệ giữa Dân và Lãnh tụ: sự yêu thương, ngưỡng vọng của Dân đối với Bác cũng như sự quý mến, chan hòa của Bác đối với Dân.
Trường ca có 8 chương thì bốn chương sau nói về mối quan hệ này. Cảm nghĩ đầu tiên của ông lang về Bác Đây hẳn là quý nhân/ Chốn rừng thiêng ẩn bóng/ Hồng phúc của dân mình/ Người tài cao đức trọng đã thể hiện và chi phối toàn bộ cảm tình cũng như việc làm của ông đối với Bác. Ngày qua ngày ông đã băng rừng vượt thác tìm cây thuốc về chữa bệnh cho Bác Dấn thân vào cõi hiểm/ Để tìm thuốc cứu sinh và lòng luôn tâm niệm Cầu Trời, Phật bốn phương/ Độ trì người thương nước/ Xin tổ nghiệp gia ân/ Người hiền mau ứng Phúc. Những hình ảnh, ngôn từ đậm màu sắc tâm linh đã hiển lộ tấm lòng rất mực yêu thương và trân quí của thầy lang khi chữa bệnh cho Bác. Toàn bộ Chương VII là lời độc thoại của Thầy Lang bày tỏ tấm lòng đối với Bác. Với nhân xưng ngôi thứ nhất, cả 20 khổ thơ trong đó nhiều khổ đều bắt đầu cùng một điệp khúc: … Tôi luôn ở bên Người, Như dao nằm trong vỏ…/ … Tôi luôn ở bên Người, Như kèo liền với cột…/ … Tôi luôn ở bên Người, Năm dài cùng tháng rộng…/ … Tôi luôn ở bên Người, Dù đèo cao núi khuất…
Hoặc bày tỏ tâm tình: Tôi xin gửi theo Người/… Xin xanh cùng cây lá/ Chung bóng giữa non ngàn/ Làm một cây góp gió/ Nước vượt ngày gian nan… đã thể hiện rất chân thành và cảm động tấm lòng của người thầy thuốc nơi bản vắng với “người hiền”, “người thương nước”, đó cũng chính là tấm lòng của Nhân dân đối với Cách mạng, là mạch sống vô biên của mối quan hệ Dân và Lãnh tụ. Chương này là một sáng tạo khá thành công của tác giả.
Trong cái mạch độc thoại này, ở Chương đầu trường ca, có những khổ thơ viết nghiêng với dấu thoại (-) bày tỏ lòng người dân hướng về Bác với những lo âu, hy vọng trên các chặng đường cách mạng, nó như lời dàn đồng ca trong những vở kịch cổ điển, vang vọng một hợp âm khá ấn tượng trong tâm hồn người đọc: – Hỡi chàng hai mươi tuổi/ Đau đời? Hay mộng mơ?/ Bao nhiêu vầng trán lớn/ Dở dang. Hận không bờ./ – Đây hai bàn tay trắng/ Bắt đầu từ trắng tay/ Ở đâu có con người/ Còn da lông sẽ mọc./ – Xin tặng chàng sóng lớn/ Từng thử sức bao người/ Cầu vồng ôm biển cả/ Không phải đĩa dầu vơi.
Phương diện thứ hai của mối liên hệ là tình cảm của Bác đối với người thầy thuốc, mong mỏi tìm gặp ân nhân của mình. Không chỉ cho người tìm vừa sau khi khỏi bệnh, mà sau ngày độc lập, mấy bận về lại Tân Trào chốn cũ, nơi Mái tranh xưa bợt gió/ Chiếc giường xưa thuốc thang/ Lán Nà Lừa còn đây, Bác luôn nhớ và mong gặp người thầy thuốc năm xưa Nhưng vẫn bặt tin người/ Mai danh và ẩn tích. Người thấy thuốc vô danh trong đời nhưng luôn hữu danh trong lòng Bác, kỷ niệm đó theo cùng, tăng sức mạnh cho Người Nghĩa nặng của tình dân/ Theo Người vào chiến dịch. Ơn nghĩa mãi không quên Độc lập nhớ tìm về/ Ghi ơn người cứu mệnh.
Xây dựng mối quan hệ này bằng những độc thoại nội tâm đầy cảm động, giàu suy tư của các nhân vật, của cộng đồng là một sáng tạo thành công của Hữu Thỉnh. Khi nói về các tác phẩm văn chương đề tài lịch sử, người đọc thường quan tâm cả về phía tính xác thực của lịch sử, cả về phía sáng tạo của nhà văn. Liên hệ Trăng Tân Trào, sự xác thực của các sự kiện trong trường ca tác giả rất đảm bảo, còn sự sáng tạo của Hữu Thỉnh trong trường ca này rất đáng ghi nhận là những phần độc thoại đã phân tích trên. Trong lối viết này, hư cấu thêm bớt sao cho “sáng tạo” chứ không “ngụy tạo”, đấy là điều cốt yếu gây hứng thú thẩm mỹ chân chính cho độc giả!
Thơ hiện đại Việt xuất hiện rất nhiều trường ca. Tác giả nào cũng muốn để lại dấu ấn của mình ở thể loại này, một thử thách đẹp đẽ nhưng ít người tạo được thành công như ý? Trăng Tân Trào là trường ca thứ ba của Hữu Thỉnh, sau Đường tới thành phố (1979) và Trường ca biển (1994). Thơ và trường ca của ông đều có phong cách riêng, đó là sự giản dị, khúc chiết luôn chân thành về tình cảm và sâu xa về ý tứ. Cái mới ở văn chương ông nằm trong mạch truyền thống nhưng luôn hướng tới sự cách tân có chuẩn mực! Phong cách này đã tỏa trùm lên Trăng Tân Trào, giúp nó có một dáng vẻ mới trên nền hàng trăm tác phẩm viết về lãnh tụ, nó đưa đến cho độc giả một ấn tượng thẩm mỹ riêng biệt rất có ý nghĩa về sự cao cả của Bác cũng như sự đóng góp cuả nhà thơ vào nền thơ ca đương đại.
Theo Hà Quảng/Văn Nghệ