Trang văn đồng hành số phận

521

Nhà thơ, nhà PBVH Lê Thiếu Nhơn

(Vanchuongphuongnam.vn) Tác giả Lê Xuân (tên thật là Lê Xuân Bột) là một gương mặt hiếm hoi trong giới cầm bút ở Đồng bằng sông Cửu Long đứng vào hàng ngũ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở lĩnh vực Lý luận phê bình.

Nhà Phê bình văn học Lê Xuân

Thế nhưng, tác giả Lê Xuân không chỉ có sở trường cảm thụ và đánh giá tác phẩm văn chương, ông tung tẩy ở nhiều thể loại, thơ cũng có, báo chí cũng có, nghiên cứu văn hóa dân gian cũng có, ngôn ngữ học cũng có. Vì vậy, không khó nhận ra, tác giả Lê Xuân nhiều đam mê và nhiều nhiệt huyết với người và với nghề.

Cuộc đời của tác giả Lê Xuân đã nếm trải không ít trôi dạt và thăng trầm. Ông sinh ra ở Thanh Hóa, đi dạy học ở Nghĩa Lộ (cũ), nay là Yên Bái và thành danh ở Cần Thơ. Những va vấp không khiến ông chùn chân và những thua thiệt không khiến ông nản chí. Ông vẫn nhẫn nại và chăm chỉ với từng trang bản thảo. Đó là một thái độ sống đáng trân trọng và đáng nể phục.

Ở tuổi 78, tác giả Lê Xuân cao hứng trình làng một tập tản và và bút ký. Ông viết với tư cách một nhà văn, một nhà báo hay một nhà giáo? Không cần quá rạch ròi, bởi chính ông cũng không có ý định chứng tỏ bản thân qua những bài viết nhỏ nhắn và khiêm cung ấy. Ông chỉ viết như một cách ghi nhớ cho bản thân. Ông chỉ viết như một cách chia sẻ với đồng nghiệp. Ông chỉ viết như một cách tri ân với nhân gian.

      

Bút ký của tác giả Lê Xuân vừa có sự ghi chép tỷ mỷ, vừa có sự suy tưởng bay bổng. Bút ký của ông giao thoa giữa báo chí và văn chương, khi cần cụ thể thì cụ thể, mà khi cần phóng túng thì phóng túng. Thế nhưng, ưu điểm lớn nhất ở bút ký của tác giả Lê Xuân là sự tin cậy. Ông chân thành với từng câu chuyện và từng nhân vật, tạo được sự đồng cảm cho độc giả.

Tác giả Lê Xuân có một miền ký ức trong veo để lặn ngụp và để đắm đuối. Những ngọn rau má ngọt đắng ấu thơ ở Thanh Hóa, những màn sương bảng lảng triền dốc ở Tây Bắc, những mái chèo khua nước ở kênh rạch miệt vườn và cả những vùng đất từng bước qua bằng bàn chân lữ khách… cũng đều giống như những thước phim âm bản ám ảnh ông. Ông kể lại thật lặng lẽ, để tự đánh thức hoài niệm chấp chới mỗi giấc chiêm bao.

Đặc biệt, những năm tháng gắn bó với ngành Giáo dục đã giúp tác giả Lê Xuân có được những bút ký rất ân tình với những con người đứng trên bục giảng. Ông viết tỷ mỷ và trìu mến, như nhìn thấy những giọt mồ hôi của họ rơi xuống giáo án, như nhìn thấy những nét đăm chiêu của họ trước khoảng cách giữa bài học và thực tế.

Đọc bút ký của tác giả Lê Xuân, không ai đòi hỏi những ngôn từ trau chuốt, hay những suy nghĩ thâm sâu. Bởi lẽ, ông không hướng đến những giá trị ấy. Điều mà ông tha thiết kiếm tìm chính là sự gần gũi và sự thấu hiểu giữa con người với con người và giữa con người với quê hương. Và ông đã có được những trang viết như vậy, bằng chính tấm lòng mình, cởi mở và thân thiện./.

                                                       L.T.N