Trang văn trang đời trong “Chuyện tình Thi Đa”

1294

     Nhà PBVH Lê Xuân

                                             (Đọc tập truyện ngắn “Chuyện tình Thi Đa” của Dũng Trần) 

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn Lỗ Tấn (Trung Quốc) có nói: “Trên trái đất làm gì có đường, người ta đi nhiều thì thành đường thôi”. Con đường đến với văn chương cũng vậy, mỗi người tiếp cận nó, tìm ra một quỹ đạo cho đường đi của riêng mình.      

  Có người đi tới đích, có người đi nửa chừng không đủ sức vượt lên những đỉnh dốc đành chùn chân quay lại, hoặc giậm chân tại chỗ. Chỉ có “thiên phú”, chỉ có đam mê, tình yêu và nghị lực mới “tiếp lửa” để người viết đi tới đích. Nhà văn Dũng Trần là người đang chạy “ma-ra-tông” trên con đường ấy. Anh như con tằm chăm chỉ rút ruột nhả tơ, như con ong cần mẫn đi hút mật hoa để làm nên mật ngọt cho đời. Sau tập thơ đầu tay “Dòng sông quê” (NXB HNV – 2016) và tập truyện ngắn “Láng Giềng” (NXB HNV – 2018), anh lại cho ra mắt tác phẩm thứ ba – tập truyện ngắn “Chuyện tình Thi Đa” (2024) với 22 truyện, phần lớn đã được đăng tải trên các báo, tạp chí Văn nghệ Trung ương và địa phương.

      Ở tập truyện ngắn này, Dũng Trần đã có những bước đột phá so với tập truyện ngắn “Láng Giềng” trước đó. Anh biết chắt chiu năng lượng, tiết chế vừa phải, phù hợp với nội dung, bố cục của mỗi truyện. Và bao giờ truyện cũng có kết thúc bất ngờ, đem lại niềm hứng khởi cho người đọc từ trang đầu tới trang cuối.

      Vẫn là những đề tài đã được nhiều nhà văn khai thác như tình yêu, lối sống công nghiệp, chuyện đất đai, nhà cửa, buôn bán thời hội nhập, những mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình… Nhưng anh đã tìm được những chủ đề và biết cách làm mới những tình huống, những chi tiết, những mâu thuẩn để khắc họa tính cách nhân vật, những diễn biến tâm lý làm người đọc như sờ nắm được nhân vật đang đứng trước mình.

      Hai mươi hai truyện của tập sách là hai mươi hai “lát cắt” về cuộc sống xoay quanh thân phận con người ở nhiều vùng miền, ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau. Có truyện khắc họa thân phận con người trước ngày giải phóng miền Nam như “Săn Ảnh”. Có truyện về chiến tranh biên giới Tây Nam với quân tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn Cam Pu Chia tiêu diệt bọn Pôn pốt như “Chuyện tình Thi Đa”. Có truyện tình xen buôn bán gian lận, lừa lọc như “Trúng số”, “Bẫy tình”. Có truyện tranh giành nhà cửa, đất đai, anh em bất hòa, tình làng nghĩa xóm phai lạt như: “Vợ chồng lão Hoạch”, “Chuyện ở Cống Đôi”, “Lão Ba Tam”, “Gánh hàng rong”. Có truyện cứu người tai nạn như “Lính chữa cháy”, “Chuyện lão Nhum”. Có truyện lên án lòng tham như “Chiếc hộp vàng”, “Phép màu”. Có truyện về tiền, tình, tù tội, phụ tình như “Trúng số”, “Đất lành”, “Phi vụ tình”, “Cắm sừng”. Có truyện về bảo vệ động vật, môi trường sinh thái như “Mùa chim di cư”. Có truyện về thói háo danh như “Thẻ nhà thơ”, “Thần tượng”. Lại có cả truyện mang chất ngụ ngôn Lafongten như “Con Bông” hoặc “tâm linh” như “Tượng Phật quan âm”…

     Mỗi truyện mang một vẻ đẹp riêng về niềm vui, nỗi buồn của thân phận con người trong quá khứ hay hiện tại và bao giờ cũng ánh lên tia hy vọng ở tương lai. Đọc “Chuyện tình Thi Đa” ta thấy tính hiện thực luôn hòa quyện với tính nhân văn, đem lại những cảm xúc thẩm mỹ cho người đọc, hướng họ vươn tới cái đẹp của chân lý như nhà phê bình văn học Nga Secnưxepsky đã nói: “Cái đẹp chính là cuộc sống”. Cuộc sống đó với tất cả những cung bậc hỉ, nộ, ái, ố được nhà văn chưng cất hướng người đọc vươn tới cái tốt đẹp, tránh xa cái ác, cái xấu, cái đê tiện, thấp hèn.

      Có thể nói mỗi trang văn, trang đời của Dũng Trần luôn gắn với mỗi bước chân nơi anh đã qua, mỗi ngành nghề mà anh đã trải để rồi mỗi dòng anh viết ra như máu chảy từ tim, như chính hơi thở của cuộc sống vậy. Anh đã theo bước quân hành của người lính tình nguyện Việt Nam, anh đã lên vùng cao Tây Nguyên Đăk Lăk, anh đã cầm vô lăng theo các ngả đường dọc dài đất nước và đã sống gần gũi, thấu hiểu những con người “dưới đáy xã hội” (M. Gorky) như em bé bán vé số, cô gái bán dâm, người bán hàng rong, người làm thuê khuân vác, phu hồ, thợ thủ công và có cả những tên “Sở khanh” thời đại, những tên “đâm thuê chém mướn”, buôn bán ma túy, cờ bạc, cá độ, và có cả những cô giáo, học sinh, sinh viên, những doanh nhân, giám đốc công ty nhiều ngành nghề có mặt trong tác phẩm. Tất cả đều hiện lên như một bức tranh đa sắc màu của hiện thực cuộc sống dưới lăng kính hư cấu của nhà văn, nó mang tính tư tưởng và thẩm mỹ của vẻ đẹp con người. Đúng như nhà Phê bình văn học Nga Bêlinxki từng nói “Như một hạt giống vô hình, tư tưởng gieo vào tâm hồn nghệ sĩ và từ mảnh đời màu mỡ ấy nó triển khai thành một hình thức xác định, thành các hình tượng nghệ thuật đầy vẻ đẹp và sức sống”.

      Dũng Trần đã biết hư cấu, xây dựng hình tượng nhân vật với những chi tiết khi thực, khi ảo qua những trang văn giàu chất tự sự, trữ tình. “Chuyện tình Thi Đa là truyện ngắn tiêu biểu được lấy đặt tên cho tập truyện, thể hiện rõ nhất bút pháp của tác giả. Đất nước, con người Cam pu chia trong những năm chiến tranh do bọn Pôn pôt gây ra bao thảm họa cho người dân vô tội. Quân tình nguyện Việt Nam đã tới để giúp bạn tiêu diệt bọn “diệt chủng”. Cô gái Khmer (Thi Đa) đẹp người, đẹp nết, vượt qua cái chết đến với anh bộ đội Việt Nam – Tiểu đội trưởng Việt, bằng tất cả lòng biết ơn và nỗi nhớ thuơng thầm. Và cô đã anh dũng hy sinh khi cùng bà con dân tộc đứng trước họng súng kẻ thù để “binh vận”, kêu gọi binh sĩ Pôn Pôt buông súng về với đồng bào, quê hương, nhưng oái oăm thay “Ba phát súng vang lên chát chúa. Thi Đa đổ gục xuống, ngực cô bị thủng lỗ chỗ. Bọn Pôn Pôt lại xua đội quân phụ nữ xông lên. Nhưng “lá chắn sống” mà bọn chúng dày công huấn luyện đã nhất loạt quay lưng, chỉa súng vào bọn diệt chủng và siết cò. Tiểu đội trưởng Việt là người đầu tiên chạy đến ôm lấy Thi Đa, anh lay gọi cô đến lạc cả giọng, nhưng chỉ có tiếng gió rừng Botum Sakor thổi xạc xào vọng lại khôn nguôi”.

      Chỉ một đoạn văn ngắn anh đã dựng lại bức tranh thật sống động về cuộc chiến vô cùng cam go, khốc liệt với trăm mưu ngàn kế của kẻ thù nhưng cuối cùng, sức mạnh của chính nghĩa, của tình yêu, tình đoàn kết dân tộc và sự thức tỉnh của lương tri đã giúp quân dân làm nên chiến thắng. Cái chết của Thi Đa sẽ hóa thành “bất tử”, là hồi kèn xung trận thúc giục người dân Cam pu chia hãy sát cánh cùng bộ đội Việt Nam làm nên chiến thắng. Truyện có bố cục ngắn gọn mà vẽ lại bao cảnh sắc núi rừng, phong tục tập quán của người dân Cam pu chia, tình đoàn kết quan dân như cá với nước và những mưu mô thâm độc xảo quệt của kẻ thù. Những trang văn như thấm đẫm khói lửa chiến tranh mà đọc lên vẫn thấy những mầm xanh hy vọng về tình người sáng đẹp trong máu lửa.

Nhà văn Dũng Trần   

Xen kẽ những truyện đầy kịch tính và căng thẳng, người đọc bắt gặp một chuyện vui thời @. Đó là truyện “Thẻ nhà thơ”. Truyện xoay quanh ba nhân vật: Tư Đảnh – giám đốc, trưởng phòng Sủng, chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ ca. Tư Đảnh từ một anh bán kẹo kéo có giọng hát hay lấy được cô giáo, được anh vợ giúp đỡ leo lên tới chức Giám đốc một công ty. Y chỉ giỏi nhậu, lo lót, tham nhũng mà trở nên giàu có. Nhưng thời nay nhiều kẻ dư tiền thiếu bằng cấp lại hay muốn nổi danh, khoe mẽ. Dân tộc ta vốn là một dân tộc yêu thơ, có người gọi vui là “cường quốc thơ”. Từ cô bán hột vịt lộn đến anh gác cổng đều làm thơ, và các Câu lạc bộ thơ ca cấp phường, xã, quận, huyện mọc lên như nấm sau mưa, và mỗi hội viên đều được cấp “Thẻ nhà thơ”. Tư Đảnh được Trưởng phòng Sủng tham mưu và được vợ nhiệt liệt ủng hộ nên đã mua được tập thơ hổ lốn như món tạp pí lù, như món thắng cố của người dân tộc Hmông. Nhưng khốn khổ thay đó là những bài thơ vần vè vớ vẩn được coppy trên mạng, để rồi Tư Đảnh tốn hàng trăm triệu in ra, chưa kịp phát hành đã bị tố “đạo thơ” rồi bị tai nạn xe suýt chết cả vợ con. Thơ văng ra tung trắng khắp đường, và “Cảnh sát nhặt được thẻ hội viên câu lạc bộ thơ ca vấy bẩn văng ra gần hiện trường mang tên Tư Đảnh”. Thật là một vở bi hài kịch mang chất “uy mua” (cười ruồi) để thức tỉnh những kẻ háo danh thời nay.

      Có thể nói, những nhân vật trong các truyện ngắn của Dũng Trần đủ mọi tấng lớp, và ai đọc cũng có thể tưởng tượng ra trong đó như có bóng hình của mình hay bạn bè hoặc một người nào đó vừa quen vừa lạ mà ta bắt gặp đâu đó trong đời. Anh không đao to búa lớn ồn ào, không triết lý sâu xa, đọc lên ai cũng hiểu tầng nghĩa ngầm dưới “tảng băng trôi” để từ đó mà suy ngẫm mà nhìn nhận con người và cuộc sống, mỗi trang sách “mở ra trước mắt ta những chân trời mới”.

       Đọc tập truyện ngắn “Chuyện tình Thi Đa” của Dũng Trần, ta thấy anh đã trăn trở, hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp cho nhân sinh, luôn cầu mong con người hãy vượt lên mọi đau khổ mà hướng tới tương lai, hướng về thiện tâm mà chiến thắng cái xấu, cái ác. Bằng một tư duy và giọng văn mang phong cách không lẫn với tác giả nào được, Dũng Trần đã chinh phục bạn đọc bằng cái thật và cái đẹp ở mỗi trang văn với ngôn ngữ vừa dân dã, giản dị vừa hiện đại, để mọi người khi đọc xong còn đọng lại dư âm trong trí nhớ. Xin giới thiệu tập truyện có nhiều sức hút, sức cảm này của Dũng Trần cùng bạn đọc – “Chuyện tình Thi Đa”.

                                                                                                          L.X