Tranh phụ bản Kiều: ‘Đem du dương của màu sắc để diễn tả cái thi vị!’

489

Nghệ thuật vẽ phụ bản mỹ thuật cho các ấn phẩm văn chương ở Việt Nam khởi đi có lẽ từ những ấn phẩm của Tự lực văn đoàn, một hội đoàn có ảnh hưởng lớn trong lịch sử văn học Việt Nam. Tập hợp được những cây bút nổi danh đương thời có khả năng sáng tác các tác phẩm văn học chất lượng, có nhà in riêng Đời Nay nên chủ động được việc in ấn, Tự Lực văn đoàn lập ra hẳn một “tủ sách” mang tên là “Sách Mỹ thuật của Đời Nay”. Những ấn bản của loại sách Mỹ thuật Đời Nay này được trình bày duy mỹ, cầu kỳ, với nhiều chất liệu giấy quý khác nhau.

Một trong những yếu tố Tự Lực văn đoàn tạo ra để ấn phẩm của mình có nét riêng biệt là mời các họa sỹ tài danh trình bày và vẽ tranh phụ bản cho các ấn phẩm đó. Tiêu biểu cho loại ấn phẩm này có thể kể đến tập thơ Bức tranh quê của nữ sĩ Anh Thơ. Anh Thơ không phải là thành viên của Tự Lực văn đoàn nhưng tác phẩm Bức tranh quê đoạt giải khuyến khích Tự lực văn đoàn năm 1939, nên khi xuất bản được xếp vào diện sách Mỹ thuật của Đời nay. Ấn phẩm này khổ to, in xong tháng 3-1941, họa sĩ Tô Ngọc Vân trình bày và vẽ 4 phụ bản màu trên nền màu nâu chàm. Ngoài những bản thường còn có 65 bản đặc biệt có chữ ký của tác giả Anh Thơ.

Trước đấy, một tập sách khác có họa sĩ vẽ phụ bản là tập Thơ thơ của Xuân Diệu tái bản năm 1940. Đây là tập thơ đầu tay của Xuân Diệu đã được nhà xuất bản Đời Nay của Tự Lực văn đoàn xếp vào diện sách Mỹ thuật, ấn hành năm 1938, người trình bày là họa sỹ Lương Xuân Nhị. Tuy nhiên, cuốn Thơ thơ ấn hành năm 1938 này không có tranh phụ bản.

Phải đến khi Xuân Diệu và Huy Cận hợp sức cùng nhau để thành lập “Nhà xuất bản Huy Xuân” (theo cách gọi của Huy Cận) và cho ra đời ấn phẩm đầu tiên của “nhà xuất bản” này, chính là tái bản cuốn Thơ thơ vào năm 1940, thì sách mới có phụ bản. Hai nhà thơ ông chủ của Huy Xuân đã mời Trần Văn Cẩn, một họa sĩ tài danh đương thời, người tốt nghiệp Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương vẽ phụ bản cho tập thơ tái bản này. Có thể do điều kiện vật chất không được dồi dào như bên nhà xuất bản Đời nay của Tự Lực văn đoàn nên 4 phụ bản của Trần Văn Cẩn trong tập Thơ thơ tái bản này không in màu mà chỉ có hai màu đen trắng, khá đơn sơ.

Phụ bản mỹ lệ cho ấn bản Kiều

Năm 1942, để có tiền dùng vào việc sửa mộ và dựng đài kỷ niệm tác giả truyện Kiều tại làng Tiên Điền, Hà Tĩnh, hội Quảng Tri tại Huế, một hội đoàn được thành lập với mục tiêu quảng bá tri thức, vinh danh các danh nhân, cổ vũ văn hóa Việt Nam, đã thực hiện việc xuất bản Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du.

Để bán giá cao gây dựng được quỹ, tập sách này phải có những điểm đặc biệt để dân chơi sách có điều kiện bỏ tiền ra mua. Ngoài việc tập sách được in trên giấy dó đặc chế ẩn hai chữ Tố Như trong chất giấy, những người tổ chức in ấn Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du đã mời các danh họa vẽ phụ bản màu, gồm các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Phạm Hầu, Lê Văn Đệ, Tôn Thất Đào, Nguyễn Văn Tỵ, Lưu Văn Sìn. 11 phụ bản tranh khắc gỗ màu trên giấy dó được họa sĩ in rời, sau đó gắn vào trong tập sách.

Phải 9 năm sau sự ra đời của Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du, mới có một ấn bản Kim Vân Kiều kèm phụ bản do Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 1951, mang đầy đủ những đặc trưng một ấn bản sách mỹ thuật.

Bản Kim Vân Kiều của Nhà xuất bản Văn học in khổ to trên giấy có hoa văn chìm. Những người tổ chức thực hiện không in văn bản Kiều theo con chữ chì mà trình bày theo kiểu chữ viết tay trên giấy màu ngà, trong khung có họa tiết chìm rồng màu vàng. Bản viết tay do Phạm Ngọc Tuấn thực hiện.

Đặc biệt, ấn bản này kèm theo 6 phụ bản màu tuyệt đẹp là tranh của các họa sĩ Phạm Thúc Chương, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Lê Phổ, Sekiguchi và Mai Trung Thứ.

Trong lời giới thiệu đầu sách ghi rõ mong muốn “Cuốn Kim Vân Kiều ấn loát một cách mỹ lệ, trang hoàng, ấy vẫn là ước vọng của nhiều độc giả, thư si, và cũng là tham vọng của mỗi nhà xuất bản Việt Nam”. Những người làm sách với phụ bản mỹ thuật này khiêm nhường nhận rằng: “Sách đẹp để tô điểm hoa văn, tranh đẹp để tượng hình thi nhạc, chúng tôi tự giới hạn công việc vào hai điểm đó. Và, mặc dầu sự cộng tác của nhiều họa sĩ cùng chuyên môn, chưa giám (dám) quyết đã đạt được mục đích”.

Theo những người làm sách, “thành ý chiêm ngưỡng văn chương của Tiên Điền, ấy là duyên do độc nhất đã quyết định các nhà danh họa đó, đem du dương của màu sắc để diễn tả thi vị trong Kiều”.

Những bậc thầy đằng sau các phụ bản truyện Kiều

5 họa sĩ người Việt có phụ bản trong tập Kim Vân Kiều năm 1951 đều là những bậc thầy hội họa, cùng với một họa sĩ Nhật Bản là Sekiguchi.

Họa sĩ Lê Phổ là học trò yêu của Victor Tardieu, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, mở ở Hà Nội năm 1925. Ông được chính Victor Tardieu và Joseph Inguimberty, khi đó đảm nhiệm cương vị Giáo sư nghệ thuật trang trí ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trực tiếp truyền dạy. Năm 1937, Lê Phổ sang định cư tại Pháp. Tranh của Lê Phổ, thoạt đầu theo trường phải cổ điển, sau chịu ảnh của hội họa trừu tượng, kết hợp một cách nhuần nhị giữa các đặc trưng của hội họa Đông-Tây mà ông tiếp thu được tự trường học và các chuyến đi thực tế. Tranh của Lê Phổ trưng bày tại nhiều bảo tàng lớn ở Mỹ, Nhật Bản, Singapore và có mặt trong các bộ sưu tập tư nhân trên khắp thế giới. Ông cũng là một trong số ít họa sĩ người Việt Nam có tranh bán vượt mức giá 1 triệu USD tại các phiên đấu giá quốc tế.

Họa sĩ Vũ Cao Đàm là sinh viên khóa 2 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, năm đầu theo học cả hai môn hội họa và điêu khắc nhưng theo lời khuyên của Hiệu trưởng Victor Tardieu, từ năm thứ hai ông chuyển hẳn sang học điêu khắc khóa đầu. Tốt nghiệp hạng ưu năm 1931, ông nhận học bổng sang Pháp học tập và nghiên cứu, sau đó ở lại định cư, theo cả nghề điêu khắc và hội họa. Tranh của Vũ Cao Đàm, thời kỳ đầu trên lụa, sau chủ yếu sơn dầu, mang phong vị miền Nam nước Pháp, chịu ảnh hưởng của trường phái hội họa Ấn tượng và có mặt tại các bảo tàng mỹ thuật lớn trên thế giới, trong đó có cả 2 bức trên lụa được Chính phủ Pháp mua năm 1940.

Mai Trung Thứ cũng là sinh viên khóa 1 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, sau khi tốt nghiệp từng dạy vẽ tại trường Quốc học Huế. Sau khi tham gia Hội chợ đấu xảo tại Paris năm 1936, Mai Trung Thứ cũng quyết định ở lại định cư tại Pháp, là bạn tâm giao với Lê Phổ và Vũ Cao Đàm. Mai Trung Thứ thoạt đầu vẽ sơn dầu, sau mới chuyển sang tranh lụa. Tranh của Mai Trung Thứ được trưng bày tại nhiều triển lãm trên thế giới, giúp giới thiệu một góc nhìn về hội họa Việt Nam ở nước ngoài. Ông hiện là họa sĩ người Việt có tranh bán với giá cao nhất trên thị trường quốc tế, bức Chân dung cô Phương, mức 3,1 triệu USD tại phiên đấu giá của Sotheby’s Hồng Kông ngày 18-4-2021.

Lê Thị Lựu được xem là nữ họa sĩ hiện đại đầu tiên của nền mỹ thuật Việt Nam, sinh viên khóa 3 Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tốt nghiệp thủ khoa năm 1932, cũng định cư tại Pháp và nằm trong nhóm “tứ kiệt” họa sĩ trời Âu “Phổ-Thứ-Lựu-Đàm”. Tranh của Lê Thị Lựu đậm chất Á Đông cổ điển, chủ yếu vẽ người. Thời gian gần đây, tranh của Lê Thị Lựu bắt đầu được săn tìm trên thị trường quốc tế, có giá cao.

Họa sĩ Phạm Thúc Chương sinh năm 1918, năm 1938 giành giải thưởng lớn của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tranh của Phạm Thúc Chương chủ yếu trên lụa, trên giấy Nhật Bản hoặc toan, mang đậm chất phương Đông nguồn cội nơi ông sinh ra. Ông sống khá âm thầm, lặng lẽ tại Chavannes-le-Chêne, Thụy Sĩ cho đến khi mất vào tháng 10 năm 1971.

Người thứ sáu vẽ phụ bản Kiều bản năm 1951 là Sekiguchi Shungo, một họa sĩ người Nhật theo trường phái cách tân, năm 1935 tới Paris theo học tại Trường mỹ thuật theo học bổng của chính phủ Pháp. Sekiguchi Shungo nằm trong nhóm họa sĩ Nhật dưới sự dẫn dắt của danh họa Léonard Foujita sang Việt Nam tổ chức 2 triển lãm nối tiếp nhau ở Nhà Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội).

Như vậy là ngoại trừ họa sĩ người Nhật Sekiguchi Shungo, những phụ bản tuyệt đẹp cho ấn bản Kim Vân Kiều năm 1951 đều do các họa sĩ bậc thầy liên quan đến Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vẽ. Những họa phẩm phụ bản này đã khiến cho tập Kiêm Vân Kiều của Nhà xuất bản văn học năm 1951 được nhà cổ ngoạn Vương Hồng Sển đánh giá “là một cuốn sách xứng đáng gọi là đặc phẩm của nhà chơi sách, một trân ngoạn cho những buổi lâng lâng”.

Theo Yên Ba/Báo Văn nghệ