Tranh tự họa của Van Gogh

1656

Đan Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) Vincent Van Gogh (1853 – 1890), nhà danh họa Hà Lan (sinh tại Groot Zundert, Brabant và mất tại Auvers-sur-Oise). Cuộc đời ngắn ngủi của họa sĩ là những ngày dài lo lắng tinh thần triền miên, đầy bi kịch.

Chân dung tự họa của Van Gogh

Sau khi tới nghỉ tại Borinage và Nuenen, chàng đến sống tại Paris (1886 – 1887) rồi ở Provence gần như bị nhốt một thời gian (1889) trong trại tâm thần tại Saint Rémy de Provence. Sau đó, chàng đến ở tại Auvers-sur-oise (1890), nơi họa sĩ sống những ngày cuối cùng trong cuộc đời quá ư bất hạnh của mình. Chính Van Gogh đã tìm được nồng độ cực đại và sự rung động của màu sắc ở tranh tĩnh vật và hoa của họa sĩ (Tournesols -Hoa hướng dương); chân dung, phong cảnh: Pont de Langlois – Cầu Langlois; Champ de blés au ciprès – Đồng lúa mạch nơi rừng cây bách; La Nuit étoilée – Đêm đầy sao). Van Gogh là họa sĩ tiền phong của xu hướng dã thú (fauvisme) và biểu hiện (expressionnisme). Họa sĩ được giới thiệu qua nhiều tác phẩm tại bảo tàng Orsay Campement de Bohêmiens – Người Bôhêmien cắm trại; La chambre – Căn phòng; nhà thờ Auvers, chân dung tự họa. Tranh của họa sĩ còn được trưng bày nhiều hơn ở bảo tàng quốc gia Van Gogh tại Amsterdam và bảo tàng Kroller-Muller tại Otterlo.

Trong sự thẩm định ở không gian mỹ thuật, cái lợi điểm mang đến cho con người từ một họa sĩ vẽ chân dung có tác phẩm giàu nhạc tính, với cường độ hòa sắc cô đặc và nguyên chất, rất dễ làm nẩy sinh cảm xúc khác biệt và rất dễ gây ngạc nhiên cho người thưởng ngoạn. Một khuôn mặt bao gồm trước hết là những cái nhìn, đôi mày và ánh mắt, thông lệ thể hiện tư tưởng, tình cảm của con người. Làm sao phản ánh suông những tính cách trên bằng dấu chấm đơn giản hay bằng những vệt màu vô tri giác.  Làm thế nào cảm nhận được cái thích thú trong cách diễn tả sức mạnh trữ tình của màu sắc thể hiện trong “Les tournesols” (Hoa hướng dương) hoặc “Les blés jaunes” (lúa mì vàng). Tuy nhiên, dường như Van Gogh buộc chúng ta phải dùng trực giác để chấp nhận điều đó. “Phụ nữ Arle” với màu lục trên nền vàng tạo nên cái vẻ đẹp huyền hoặc. “Bác sĩ Gachet”, trên nền xanh đậm cho ta thấy cái màu tai tái như âm vang tiếng vọng não nùng.

Thật vậy, đã từ lâu, khi mà phong cách thích hợp biểu hiện tâm lý, thì vẻ mặt riêng của Van Gogh không có gì khác. Tại Hà Lan, chàng chỉ để mắt nhìn qua cử chỉ của những đứa trẻ vị thành niên trong tranh của Cuesmes, những nông dân của Nuenen. Trừ Les Mangeurs de pommes de terre (những người ăn khoai tây) hay La vieille paysanne (Bà lão nông dân), những đường nét mô tả nhân vật trong những họa phẩm đó, tác giả còn chưa thể hiện. Đó là những đường nét, vệt màu nâu xám sống động, màu lục tro, màu đỏ son, những màu cô đặc cho đến bây giờ. Nhưng tại Paris, sau nghệ thuật Nhật Bản, họa sĩ đã khám phá ra khuynh hướng ấn tượng, rồi ở Arles, ở Saint Rémy des Baux, và Auvers-sur-Oise, Van Gogh vẽ vài chân dung Paris, sau nghệ thuật Nhật Bản, họa sĩ đã khám phá ra khuynh hướng ấn tượng, rồi ở Arles, ở Saint Rémy des Baux, và Auvers-sur-Oise, Van Gogh vẽ vài chân dung nhiều lần được coi là mẫu mực. Cézanne đã tìm ra được, họa sĩ nói với chúng ta, trong chân dung. “Cơ hội được nhân lên rất nhiều và cũng rất nghiêm túc”. Hãy biết rằng việc kiếm tìm một bức họa đúng nghĩa sẽ gặp phải một trở ngại rất lớn mà họa sĩ quyết định chiến thắng nó.

Khi chúng ta nhìn những bức tự họa theo từng thời kỳ 3 năm, trừ bức tự họa ở La Haye (b.3) là đã bắt nguồn từ sự nghiên cứu kỹ lưỡng về kỹ thuật sử dụng bút sắt hoặc bút chì, tính cách xa lạ của thời đại mà ta nắm bắt được. Qua những tác phẩm ấy, Van Gogh thể hiện là một nghệ sĩ say mê, mong muốn tự xác định, tự khẳng định cho mình. Họa sĩ làm tỏ rõ những dáng vẻ của con người mà không phải chờ đợi nhiều và đã gây xúc động nhiều nhất. Nhưng sự nghiên cứu thể hiện bằng hình ảnh, những ấn tượng khó tìm đã biến thành giai điệu thực sự và tạo ra sức mạnh mầu nhiệm trong sự chọn lựa về ánh sáng và sắp đặt màu sắc. Chúng ta còn tìm thêm được từ đó hai thử nghiệm đã thâm nhập tác phẩm hoàn toàn mang ý nghĩa tượng trưng: một là sự hòa hợp hai màu lam vàng, bầu trời và ánh sáng, thích hợp với vùng Provence tươi đẹp. Cách phối hợp “quái quỉ” giữa màu lục và màu đỏ thể hiện đam mê, tội ác, cuồng dại của con người. Tôi không chắc rằng hiệu quả luôn giải đáp cho khuynh hướng. Chắc chắn rằng hình ảnh sự vật sẽ khêu gợi hơn là tranh chân dung tự họa màu cam và lục trong sưu tập của Berheim vẽ vào năm 1889. Nhưng hai bức chân dung với lỗ tai bị cắt thì có thật là quái quỉ không? Còn bức tranh ở học viện Courtauld (b.13) với gam màu vàng lam là hình ảnh tinh tế của con người, là miếng mồi vô lý của tư tưởng xấu. Bức tranh ở Chicago (b.12), từ sự bổ sung màu lục đỏ đã chiếm vị trí số một, nói lên sự trở về với tĩnh lặng và sáng suốt. Còn bức người hút ống píp thì sắc màu đã dịu rồi. Từ màu sắc sinh động làm chói rực lên một thứ ánh sáng thánh thiện.

Phong cách sáng tác lúc bấy giờ đã đưa Van Gogh đến sự phá thể có hệ thống từ sự từ chối ý thức về khuynh hướng hiện thực. Họa sĩ còn báo cho ta biết, vào tháng 9 năm 1988, qua bức tranh chân dung mà chàng làm“ cho bạn Gauguin (b.10), là chàng vẽ bức tranh đó với “ton xám trên nền lam tái malachit” nhưng họa sĩ viết cho em trai Théo thì bảo rằng đã sử dụng thái quá màu nâu bằng phẩm tía và cũng làm tăng lên tỷ lệ của màu đỏ lên màu lục. Chàng mở rộng dải xanh của áo veste, gần như là bỏ hẵn đi bộ tóc, thay đổi đường biên của đầu, làm nhăn đôi mắt nâng cao cung cách để vẽ như không phải là Vincent mà là một “họa sĩ ấn tượng” muốn làm rõ cái hình ảnh“ một nhà sư, kẻ tôn thờ đích thực đức Phật vĩnh hằng. Đó không phải là một hình ảnh vui mà chỉ là sự biến thiên trên nền giấy hoa. Ở đây có thể là xu hướng biểu hiện. Vả lại, cũng như khá lâu về sau này ở Matisse, đó chỉ là nét quyến rũ của tranh. Trong bức chân dung vẽ hình ảnh hiền lành của người đội nón rơm năm 1888 (b.8), chúng ta không tưởng được đó là Van Gogh. Khuôn mặt rất bình thường, mũi có vẻ cứng cáp, bộ râu màu đỏ sậm, mềm mại và rất chải chuốt. Hình ảnh làm rực lên vẻ sáng chói trên nền hồng, là một bữa tiệc sắc màu tươi mát.

Sự táo bạo có thể đưa đến những tác phẩm giá trị bất ngờ, nó không đưa đến những thói quen công thức. Thao tác chuẩn bị mang cung cách truyền thống. Mặt trông thẳng ¾ hay bị cắt nửa phần trên, chân dung bám đúng vào khuôn bởi một vai, đôi khi hai vai. Nền tranh vẽ thoải mái. Cả lúc Van Gogh vẽ bằng ton lạt và từ chối thói quen dùng phong sẫm, và luôn luôn họa sĩ làm việc ấy kỹ lưỡng để làm nổi bật khuôn mặt hoặc làm hòa hợp với gam màu quanh nó tùy theo hiệu ứng biểu hiện. Lại nữa, bức tranh còn có thể để lộ cho người ta thấy được tâm hồn của họa sĩ và nỗi đau khổ phải cắt đứt một cách bi thương một sự nghiệp và một cuộc đời khác biệt hơn người.

Giữa bức tranh vẽ năm 1887 và bức chân dung tự họa sau cùng là cả một vực thẳm cách biệt. Kẻ đi dạo ngày chủ nhật mơ màng nghĩ đến những quán rượu ngoại ô Montmartre là một nhân vật khá vờ vĩnh (b.2). Nhưng bất chấp bộ râu hung hung đỏ và đôi mắt xanh lạnh lùng, chàng trông vẫn thanh lịch trong bộ y phục bảnh bao tương xứng với nền lam vui của bức tranh: bộ veste sắc hoa cà, cà vạt màu thiên thanh, nón màu vỏ hột gà – hồng với ru-băn sắc hoa cà. Trái lại, chân dung cuối cùng, (b.15) với lớp màu lủng củng và dù cho là lần đầu tiên kết hợp giữa lam và lục, với chỉ vết chấm màu hung của râu và tóc, cho chúng ta hiểu đó là một con người cháy bỏng ngọn lửa kinh hoàng, ngọn lửa tự thân ngùn ngụt khói mù, từ đó thiêu hủy lý trí, làm mất đi sự dịu dàng với mọi người và làm mai một một thiên tài.

Giữa hai đối cực đó là tất cả sắc thái tâm hồn, của hiệu ứng, và của kỹ thuật. Nó biểu trưng trong lớp y phục. Tại Paris, Van Gogh mặc bộ veste màu vỏ hột gà có cổ hẹp, viền lam. Chàng thay đổi như vậy là để làm vui màu tùy theo khí sắc màu hoa cà, lam, nâu, xám hoặc lốm đốm đỏ. Chiếc áo sơ mi cổ thẳng vuông vắn, chiếc nơ hình bướm, chiếc nón màu vỏ trứng gà vành chụp xuống thể hiện y phục đúng mốt của người đàn ông. Nhưng cái nhìn thật không vui và miệng thì mím chặt. Arles mời mọc nghệ sĩ với thời gian thong dong hơn. Cũng như trên lộ Tarascon, gần đồng lúa mì, Van Gogh đi khỏi nơi đó có động cơ (8/1888 Bảo tàng Kaiser-Friedrich Madgebourg). Ánh mặt trời tát vào đầu, gió Mistral thổi qua những cánh đồng bao la và cảnh biển cả mênh mông làm phấn khởi người nghệ sĩ Hà Lan nầy. Tuy vậy, đất nước Hà Lan đã cống hiến cho nghệ sĩ ánh sáng mùa xuân chan hòa trên những cánh đồng hoa tu-lip rực rỡ sắc màu, trên những mái ngói đỏ au, trên mặt nước lấp lánh của những dòng kênh thẳng tắp, những khung trời bao la trên bình nguyên mênh mông vô tận. Nhưng đất nước Provence, tinh khiết, trong lành, trù mật giống như nghệ thuật Nhật Bản. Nó chứng minh cho chiếc nón rơm rộng vành (tranh.8), ánh mắt sững sờ, gò má hồng, bộ veste sáng màu xanh lá. Nó giải thích, vào năm 1888 trên pa nô tại Zurich (tranh.9) người ta thấy Van Gogh cạo râu nhẵn nhụi trong bộ veste giản dị hơn, màu da trời trên nón màu lục sáng, vẻ mặt căng thẳng trên chiếc cổ to, tóc chải gọn và gợn sóng, cái nhìn bướng bỉnh, đó là những hình ảnh biểu hiện một sức mạnh thách thức mọi trở lực trên đường đời.

Ở những ngày khác, Van Gogh mặc áo choàng nặng nề với cổ lớn và mũ trùm đầu dẹt ở phần trước bằng da lông thú. Bởi vì họa sĩ bị sốt và rất cần hơi ấm. Nhưng để tự họa chân dung mình trên giá vẽ, chàng phải mang bộ veste không cổ thòng. Lần này, Van Gogh tự vẽ trên nền lam xám lấp lánh ánh sáng (b.7). Bố cục, khối nổi biểu hiện tâm lý bằng vô vàn đường nét tinh tế màu đỏ son trên nền lam, vàng trên nền son lấp lánh vệt ánh sáng trắng. Tất cả đã nói lên một cách chính xác. Nhưng chàng họa sĩ lực lưỡng mà trầm lặng trước khung vải, có phải đó cũng là điều tìm gặp trong bức chân dung đầy chất thơ của họa sĩ đã vẽ vào năm 1889. Trong sự phối hợp lạ lùng giữa sắc lam Phổ và malachit chói sáng của lưu huỳnh, những hình thể lượn sóng, kéo dài trong nền lam bằng những đường vạch ngoằn ngoèo (b.14). Bộ veste trông như chiếc áo blouse nhẹ nhìn chung sắc nét mang vẻ đẹp thanh tú ở tranh của Van Dyck. Bức chân tranh vẽ từ Laren gợi cho người quan sát nhạy cảm nghĩ đến phong cảnh ngập nắng được trình bày rất mộng mị. Sắc lam cùng màu lục như vậy có cường độ làm tăng lên cái háo hức của họa sĩ. Tất cả họa phẩm khác đều trong sắc lam nhẹ và lục tai tái, như vậy ở con người này với bộ áo ves-ton xuề xòa không cổ cũng chẳng cà vạt thì cởi mở và thân thiện biết chừng nào! (b.15).

Tuy nhiên trong nhiều họa phẩm, đã thể hiện đường nét trên khuôn mặt nhưng dễ làm người xem xúc động. Một vầng tráng rộng lùi sau, một cái đầu to, mũi mạnh, khum khum với lỗ mũi rộng, khuôn mặt hình tam giác, không đối xứng với những gò má lồi ra, dưới má lại trũng vào. Chàng mang bộ râu cằm và hàng ria hung đỏ được tỉa tót kỹ lưỡng hoặc sơ sài, đó là khuôn mặt có vẻ kém bình thường của những con người mạnh bạo. Đôi mắt nhỏ rất lãnh đạm với màu vẻ nào cũng dễ mất đi dưới những vòm mắt nặng nề, những cặp mắt lo toan và nhiều đau khổ. Những bức họa đẹp nhất là những bức tranh thể hiện được sự âu yếm, ít nghiêm khắc cuối cùng là – vào thời gian hạnh phúc hơn trong kỳ nghỉ ở Paris vào năm 1887 – hai bức chân dung có đội nón vẽ với màu gạch non.

Bức vẽ ở Amsterdam (b.5) khá ấn tượng là sự hòa hợp dịu dàng màu gạch non và màu lam, làm rạng rỡ bằng màu đỏ. Nghệ sĩ đã biểu lộ bằng một thoáng lo âu về sự kính trọng, nhưng tính cách không đối xứng của khuôn mặt, cái bĩu môi ra vẻ tư lự, cái nhìn liến láy hòa hợp với một bầu trời nền lởm chởm xanh như cơn gió phiêu lưu ngông cuồng đi qua. Bức chân dung vẽ ở Laren (b.4) với màu lam đêm và đất son, lốm đốm đỏ sắc thần sa và vàng chanh biểu lộ sự hiện diện sâu sắc ánh sáng nội tâm. Khuôn mặt và nền tranh bao quanh là hiện tượng giao thoa giữa hai điện năng, giữa hai sê-ri âm ba điểm bằng màu nguyên chất, đó chính là ánh sáng cuộc sống tinh thần đau khổ tỏa ra từ khuôn mặt, một nỗi đau thương thầm lặng còn giày vò; từ đó ta đoán ra được sự trìu mến của Van Gogh dành cho những số phận đời thường một cách rất nhân văn. Kỹ thuật biểu hiện này làm dịu nhẹ bức chân dung vẽ ở Paris vào năm 1887 mà trong đó nền tranh như một vầng hào quang đêm bao quanh khuôn mặt đỏ như lửa (b.6) chính là khúc nhạc dạo cho những hiệu quả của tháng 11 năm 1889.

Ở những tranh ảnh khác, nỗi bất hạnh của nghệ sĩ thể hiện qua một vẻ hung hăng. Ở bức chân dung vẽ tại Oslo (b.13), lý trí và tình nhân loại không hiện hữu. Vẻ mặt trông nghiêng từ đó góc trán với đôi hàm nổi bật lên sự thô bạo, thể hiện bộ mặt của một con người lạc lỏng. Mắt diễn đạt bằng góc cạnh nhiều hơn hình ảnh thực trước gương. Cái nhìn dữ dội rực lên vẻ tàn bạo với màu son chứa đầy ngờ vực, miệng thì xấu và râu mép sắc đỏ hung buông rũ, trên đôi má xanh xao hốc hác, bộ râu đỏ hung cạo sơ sài nói lên chân tướng của một lãng tử sống lần hồi trên đường đi hơn là một họa sĩ thiên tài. Khuôn mặt đầy ảo giác đó được vẽ trên một nền màu lam cuộn sóng, cũng như một bản phác thảo với những nhát quét qua loa lộn xộn của bàn chải, điều hiếm thấy trong tác phẩm của một nghệ sĩ đã dám đặt vào đó những nhát cọ quyết định táo bạo.

Đó cũng là bức chân dung vẽ ở Zurich (b.9) và bức chân dung vẽ mặt người nhìn nghiêng, cả hai sử dụng cùng một lối kiến trúc nghệ thuật. Những bức tranh vẽ tại Zurich thể hiện một con người xác thực, sáng suốt và kiên quyết. Trong bức chân dung vẽ tại Oslo, người ta cảm nhận được từ đó một nỗi hãi hùng thông qua cái nhìn có vẻ vờ vĩnh, cho thấy rõ hơn ở đó một sự hiện hữu phù du, cảnh khốn cùng suy sụp. Một sự thú nhận như thế được biểu lộ như các bức họa chân dung của Rembrant* cũng rất đa dạng nói lên những tiến triển từng chặng suốt một đời người, sự tiến bộ của họa sĩ và lắm nỗi thăng trầm do số phận. Những họa phẩm chân dung của Van Gogh chiếm lĩnh không gian nghệ thuật trong 3 năm. Tính đa dạng của nó biểu lộ nỗi ngao ngán của một thiên tài đã miệt mài thử nghiệm một cách vội vàng.

Tuy nhiên đến thời điểm mà nỗi bất hạnh vượt quá khả năng của con người. Đó là bức chân dung buồn thảm ở viện Courtauld, tạo nên cơn ác mộng của bảo tàng Oslo, một hình ảnh ngập tràn xúc động ở Louvre, lần cuối hoàn chỉnh hơn, nhưng là một giản đơn sau cùng của một kiệt tác. Tác phẩm đó để lộ cho chúng ta thấy rõ sự trong sáng trong tính chính xác và sự hiện hữu của cái vô thực với khuôn mặt vĩ đại, tâm hồn rực lửa của nghệ sĩ. Điều này giới thiệu với chúng ta một cách chắc chắn ở một họa sĩ nhạy cảm hơn có lẽ là về sức mạnh chói sáng của những ton màu nguyên chất rực lửa như người tình của ánh sáng, tuy nhiên càng thiếu thốn niềm vui mà người xem có thể cảm nhận trước như là một dự báo.

Ngày 17/09/1888, Van Gogh viết cho Théo nói về sự thỏa mãn của nghệ sĩ đã hoàn thành cho Gauguin chân dung của mình vào khoảng khắc đã hứa và bức tranh của bạn là Gauguin gởi đến cho chàng đã gây sầu não vì chàng nhận ra trên tấm tranh của Gauguin “không gợn lên một chút niềm vui”. Nhưng với chàng, nhà nghệ sĩ thiên tài Van Gogh mà cuộc đời nghèo túng, nghiệt ngã vì bệnh tật đã sở hữu hơn 850 tác phẩm** trải qua 10 năm cật lực lao động nghệ thuật trong hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã, có bao giờ ta có dịp thấy thoáng xuất hiện trên khuôn mặt chàng một nụ cười?

Tham khảo

  • Vincent Van Gogh-Ruth Doppe Ehser, 1963.
  • Tự điển mỹ thuật-Hà Nội.
  • Tìm hiểu hội họa – Đoàn Thêm (NXB Nam Chi tùng thư – Sài Gòn 1962).
  • Tìm đẹp Đoàn Thêm (NXB Nam Chi tùng thư – Sài Gòn 1964).
  • Câu chuyện hội họa – Thái Tuấn (NXB Cảo Thơm – Sài Gòn 1967).
  • Lettres sur la peiture et commentaires – Florent Eljolras – Sài Gòn, 1964).
  • Tạp chí mỹ thuật – Hà Nội (từ 1975).
  • Tạp chí mỹ thuật – Thành phố Hồ Chí Minh (từ 1975).
  • Tạp chí Phổ Thông (trước 1975, Nguyễn Vỹ chủ biên).
  • Những khuynh hướng chủ yếu của hội họa tư sản hiện đại – NXB Văn hóa Hà Nội, 1978.
  • Các tài kiệu tiếng Anh, Pháp, Đức, Việt, Nga … viết về Van Gogh, Picasso, Cézanne, Kandinsky, Modigliani… của NXB Fernand Hazan-Paris VI, 1963.
  • L’art moderne (Nghệ thuật hiện đại) – Joseph Émile Muller, 1963.
  • Nghệ thuật Mô-đec và Hậu Mo-đec – Lê Thanh Đức – NXB Mỹ thuật, 2003.
  • Vanh xăng Van Gog (Vincent Van Gogh) – Lê Thanh Đức (NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1984).
  • Cuộc đời Vanh xăng Van Gogh – Louis Piérard (NXB Correa, Paris, 1950).
  • Một số bài viết về Van Gogh  trong các tạp chí nghệ thuật của Việt Nam và Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Nga…
  • * Rembrandt (1606-1669) họa sĩ bậc thầy Hà Lan về chân dung.
  •   ** Van Gogh vẽ bình quân mỗi năm khoảng 100 bức tranh (Lê Thanh Đức – Vanh xăng Van Gog – NXB Văn Hóa, 1984).

Đ.T