Tranh Van Gogh mua để đốt của Hồ Anh Thái

1024

26.3.2018-07:30

 Sách Tranh Van Gogh mua để đốt của Hồ Anh Thái

 

Khi bức tranh bị đốt

 

PHAN TRỌNG HOÀNG LINH

 

NVTPHCM- Đặt tên cho sách là một nghệ thuật. Và Hồ Anh Thái thuộc số nhà văn luôn thể hiện được nhiều ý tưởng tài hoa trong việc gọi tên những cuốn sách của mình. Tiểu thuyết mới nhất của ông không phải ngoại lệ: Tranh Van Gogh mua để đốt (Nxb Trẻ, 2018). Sự kết hợp nghịch dụ ngay từ nhan đề. Tranh Van Gogh, một biểu tượng có tính nhân loại của đời sống nghệ thuật. Và ai đó mua nó để đốt?

 

Điều bí ẩn trong cấu trúc truyện kể và siêu hư cấu

 

Có thể dứt khoát khẳng định vai trò của nhân tố bí ẩn trong chiến lược tự sự của Hồ Anh Thái qua nhiều tiểu thuyết. Một nhà nghiên cứu kỳ cựu gọi Hồ Anh Thái là “người mê chơi cấu trúc”. Với Tranh Van Gogh mua để đốt, nhà văn tiếp tục niềm đam mê ấy quanh cái trục của nhân tố bí ẩn.

 

Bức họa Chân dung bác sĩ Gachet bị phán quyết hỏa thiêu trong một đống lửa lớn. Nhưng rồi, ngay khi đã yên vị bên cạnh ngọn lửa trong tư thế sẵn sàng, bức họa bỗng… biến mất. Cách khai màn trực diện này đặt ra hai nghi vấn: vì sao bức tranh bị đốt? Và nó biến đi đâu? Chúng thực chất hướng tới hai vấn đề: lý do xuất hiện của truyện kể? Và kết cục của truyện kể? Đó cũng là hai nguyên cớ tạo thành trục phát triển song hành của cốt truyện. Vẫn là một trục, nhưng song hành, bởi trục ấy bị chia đôi ở thời điểm bức tranh biến mất bên ngọn lửa, để sau đó được kể song song. Một tuyến trở ngược về quá khứ làm sáng tỏ nguyên nhân, một tuyến đi tiếp tới tương lai truy tìm thứ đã mất. Mượn cách định danh rất ước lệ của Tzvetan Todorov, thì mỗi tuyến đều gắn liền với sự tồn tại một con người – truyện kể: nhân vật Sếp của tuyến thứ nhất và nhân vật Anh/ Giám đốc truyền thông của tuyến thứ hai. Không có hai nhân vật này thì không có truyện kể.

 

Đi quá nửa tác phẩm, lý do của truyện kể đã được sáng tỏ. Nhưng lý do đó thật bất thường, gợi nhiều suy ngẫm. Bức danh họa bị đốt vì Sếp không muốn nó trở thành cái “phốt” cho con đường chính trị mà nhân vật chuẩn bị bước vào. Sếp là một doanh nhân, mọi sự đánh đổi trên hết đều phải được cân đo ở giá trị kinh tế. Đốt bức tranh trị giá hơn 160 triệu đôla Mỹ để bước vào chính trường, nghĩa là chính trường sẽ mang đến cho anh ta những mối lợi gấp nhiều lần con số đó.

 

Đối với quá trình truy tìm và trình bày kết cục của bức tranh, nhằm tạo hiệu ứng bất ngờ, thì ngoài nhân vật Giám đốc truyền thông còn có màn dự phần của nhân vật thứ ba, cô gái con nuôi của Sếp, cũng là người chính tay định đoạt số phận bức họa. Nhìn trên góc độ nào đó, tất cả các trường đoạn miêu tả đặc tính huyền ảo của nữ nhân vật này đều là phần chuẩn bị công phu cho tình huống kết thúc. Cái kết ấn tượng, tựa như một công áng thiền: một di sản nghệ thuật vĩ đại. Một hành trình gay cấn có thể phải đánh đổi bằng mạng người, chất chứa những giằng xé nội tâm, nhằm hủy và cứu nó. Tính nghiêm trọng của sự việc được nhà văn khuếch đại một cách chủ ý. Và rồi vô tình, bức tranh trở về với màu nguyên thủy. Mọi căng thẳng, mưu tính, tranh giành… bỗng chốc trở thành vô nghĩa, nhẹ tênh như lẽ được mất ở đời.

 

Cuốn sách tất nhiên không chỉ tập trung vào vụ án mất tranh, mà được khai triển theo một kiểu thức rất Hồ Anh Thái, đó là dựa trên trục vụ án để phân ra thành các nhánh tương ứng với các nhân vật chính, rồi từ đó lại tiếp tục chia thành nhiều nhánh nhỏ hơn. Mỗi nhánh là một mảnh ghép, có thể thoáng qua, có thể tương đối hoàn chỉnh về cảnh đời, cảnh người. Những mảnh ghép này bao phủ phạm vi không gian hiện thực rộng lớn, từ Tây về ta, từ bắc chí nam, và được trình hiện trong một văn bản siêu hư cấu (metafiction). Tôi biết Hồ Anh Thái là mẫu nhà văn rất dị ứng với việc chạy theo các loại thủ pháp tân kỳ mà tự mình không tiêu hóa nổi, dẫn đến trạng thái tối tăm và nặng nề một cách giả tạo của sinh thể nghệ thuật. Mà thủ pháp siêu hư cấu thì chưa bao giờ là cuộc chơi dễ dàng cho bất kỳ người cầm bút nào ở nước ta. Cho nên, để có thể cho ra đời một văn bản siêu hư cấu, nhưng vẫn sáng, tự nhiên và có sức hút, vừa thách thức, vừa khơi gợi tầm đón đợi của độc giả, chắc rằng Hồ Anh Thái đã mất không ít dụng công. Có lẽ chưa tác phẩm văn xuôi nào của Hồ Anh Thái xác quyết đến thế bản chất trò chơi của hành vi sáng tạo. Hình tượng tác giả được đưa thẳng vào thế giới truyện kể để tranh cãi, bông đùa với quyền xuất hiện, phát ngôn của các nhân vật. Chính kiểu hình tượng tác giả/ người kể thích đùa này có công rất lớn giúp tác giả tránh được vẻ gượng gạo, khô cứng trong việc sử dụng các kỹ thuật vốn không hề đơn giản. Siêu hư cấu của Hồ Anh Thái không chỉ là tiểu thuyết về tiểu thuyết, về sự tạo thành tiểu thuyết, mà còn là câu chuyện về sự đọc tiểu thuyết. Truyện lúc thì được kể từ góc nhìn của khán giả đang xem một thước phim, khi lại được chính các nhân vật đọc ra từ những trang sách. Đường biên giữa phim, sách và đời lại chồng lấn, gợi nhắc lẫn nhau, khiến tiểu thuyết thành nơi tương tác giữa ba nhân tố cơ bản của đời sống văn học: tác giả – văn bản – độc giả. Đến với loại tác phẩm này, nhiều lúc có cảm giác như người đọc đang bị chơi khăm. Thì đã sao? Tiểu thuyết là hư cấu, là trò chơi, và đây là cuộc chơi của Hồ Anh Thái. Miễn sao khi cuốn sách khép lại, người đọc biết rằng, mình thực sự không bị chơi khăm. Kiên nhẫn thu thập đủ mảnh ghép, đến sau cuối bạn đọc vẫn có thể có cho mình một bức tranh hoàn chỉnh.

 

Phức điệu trong âm sắc tư tưởng

 

Việc kết hợp nhiều âm sắc tư tưởng trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái không phải điều lạ. Với Tranh Van Gogh mua để đốt, sự chủ đạo của sắc thái hài hước hay được hòa điệu trong những khoảnh khắc lắng đọng của cái bi. Tay nghề lão luyện của Hồ Anh Thái thường trực đánh lạc hướng quán tính người đọc trong giọng kể hóm hỉnh, rồi đột ngột thay đổi tiết tấu và âm sắc, khiến họ lọt thỏm vào một khoảng không buồn. Giữa trạng thái phức điệu ấy, theo tôi, vẫn có thể phân giới một cách tương đối ba âm sắc tư tưởng dựa trên ba mẩu chuyện tiêu biểu: Chuyện đặt tên tranh (cái hài) – Chuyện đời Sếp (cái bi hài) – Chuyện đời chàng Kỹ sư (cái bi).

 

Cái hài của Hồ Anh Thái tiếp tục nhắm vào những hình thái oái ăm, tầm thường, vẩn vơ của thực tại, trong đó, đời sống văn nghệ là địa hạt được ông chú tâm nhiều nhất. Đỉnh cao của sự giễu cợt và đả kích chính là màn kịch đặt tên tranh. Nhường đặc quyền gọi tên tác phẩm cho nhà phê bình, thực chất là tác giả muốn mời anh ta tóm gọn cách hiểu của mình về chủ đề của tác phẩm ấy. Nhà phê bình hiện đại là người sẵn sàng đưa ra cách diễn giải có thể không đồng nhất với ý đồ khởi nguyên của tác giả. Song, việc diễn giải vẫn phải dựa trên cơ sở thực tế của văn bản và văn cảnh. Điều đáng nói trong trường hợp này là chẳng có bất kỳ cơ sở nào cho nhà phê bình khi tất cả chỉ là những tấm toan màu trắng. Thế mà, bất chấp khả năng thông hiểu, người ta vẫn có thể quết màu cho sự rỗng tuếch ý tưởng thông qua những con chữ hào nhoáng. Tôi đã bật cười khi sực nhớ đến câu cửa miệng của một nhân vật trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp: “Văn học nước mình rôm rả thật!”. Văn học nghệ thuật nói chung ở ta, hình như chưa từng thoát khỏi những rôm rả phù phiếm, vô nghĩa.

 

Đáng chú ý ở tác phẩm này còn là sự xuất hiện đồng thời của hai mẫu hình, theo cảm nhận chủ quan của tôi, phần nào có tính lý tưởng trong quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn: kẻ sĩ – lạc loài và doanh nhân – anh hùng thời loạn. Những mẫu người này thực ra đã xuất hiện riêng lẻ trong các tiểu thuyết trước đây, ví như Mười lẻ một đêm (2006) và Dấu về gió xóa (2012). Mỗi mẫu hình đều gắn liền với một sắc thái thẩm mỹ đặc thù trong bút pháp miêu tả.

 

Từ Dấu về gió xóa đến Tranh Van Gogh mua để đốt, hình ảnh kẻ sĩ đều hiện lên trong phạm trù cái bi. Được gửi đi du học trời Tây, những con người tài năng ấy mang theo biết bao hoài bão về một ngày được trở lại phụng sự quê hương, để rồi vỡ mộng và rơi vào bi kịch lạc loài. Những viên ngọc thanh khiết miễn nhiễm bụi trần, nhưng mãi mãi bị bụi trần che phủ, không được ló dạng dưới ánh mặt trời. Có khác ở chỗ, người cha trong Dấu về gió xóa, dẫu đã chọn cuộc đời ẩn dật, nhưng trong thâm tâm vẫn khôn nguôi giấc mơ được gặp minh chủ; còn người cha trong Tranh Van Gogh mua để đốt thì đã tự thổi tắt toàn bộ giấc mơ lớn nhất, cũng là sinh mệnh đời mình. Hồ Anh Thái có sức hút rất lớn trong cái khiếu dí dỏm, nhưng những trang viết đẹp nhất của ông lại dành cả cho việc miêu tả nỗi buồn.

 

Hình ảnh người con (nhân vật Sếp) là sự kế thừa những phẩm chất ưu tú của người cha (chàng kỹ sư), nhưng đã thay đổi ở cách nhìn về thế giới. Anh không chấp nhận thân phận lạc loài trong bi kịch sinh bất phùng thời. Có lẽ với một thời thế khác, anh ta sẽ lựa chọn lối đi khác. Nhưng hình ảnh người cha, dù vẫn được lưu giữ trong anh như một giá trị trân quý, chắc chắn không thể trở thành bài học về phương châm sống. Nếu mẫu hình con người lạc loài được khắc họa tựa như nét đẹp quá vãng, thì mẫu hình doanh nhân thời loạn lại hiện lên trong sự pha tạp màu sắc thẩm mỹ của con người tiểu thuyết hiện đại. Có thể lấy nhận xét của Mikhail Bakhtin để khái quát bản chất của loại nhân vật này: “Nhân vật tiểu thuyết không được “anh hùng” cả theo nghĩa sử thi lẫn nghĩa bi kịch của từ ấy: nó phải kết hợp trong nó cả những nét chính diện lẫn phản diện, cả thấp kém lẫn cao thượng, cả nực cười lẫn nghiêm trang”. Tiểu thuyết sinh ra trong thời đại mà con người buộc phải cất vào sâu thẳm những nỗi niềm ngây thơ về hình mẫu lý tưởng không tì vết, để chấp nhận kiểu anh hùng luôn bước đi giữa làn ranh của các cực đối lập, trong sự lưỡng lự về các giá trị, của bản thân, và cả ngoại giới.

 

Tranh Van Gogh mua để đốt, với kỹ thuật viết đã đạt đến cảnh giới tự nhiên, mang đến cho người đọc những trải nghiệm thú vị về trạng thái phức điệu của cuộc đời. Hồ Anh Thái, một lần nữa, xứng đáng với sự đón đợi. Và xứng đáng là sự mở đầu đầy hứng khởi của văn chương Việt một năm mới Mậu Tuất.

 

VĂN NGHỆ, SỐ 12/2018

 

 

 >> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…