Tránh “vàng, bạc” lóng lánh, sàn diễn vẫn đìu hiu

690

Tối 3/11, tại Nhà hát TP.HCM, cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương năm 2020” đã khép lại bằng đêm Gala công bố và trao giải.

Qua 4 đêm tranh tài sôi nổi, 31 diễn viên từ 3 khu vực: Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ đã mang đến những tiết mục với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau, làm mãn nhãn khán giả có mặt tại Nhà hát Trần Hữu Trang và hàng trăm ngàn lượt người xem qua các kênh livestream trên Fanpage, YouTube của nhà hát.

Đúng tuổi, đúng lửa

Cuộc thi năm nay do Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn và Hội Sân khấu TP HCM tổ chức đã được nâng tầm quốc gia theo sự chỉ đạo của UBND TP HCM và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Thành tích đạt được từ cuộc thi này sẽ là cơ sở đề xuất xem xét, bổ sung thành tích nghệ thuật của cá nhân trong các đợt xét danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” (NSND), “Nghệ sĩ ưu tú” (NSƯT) do nhà nước phong tặng.


Nghệ sĩ Lê Thanh Thảo (phải) trong trích đoạn “Bão táp Nguyên Phong”, xứng đáng là nghệ sĩ kế thừa của gia tộc Minh Tơ – Thanh Tòng.

Sân chơi nghệ thuật này đã được một ban giám khảo uy tín, đầy trách nhiệm “cân, đong, đo, đếm” để trao huy chương. NSƯT Lê Thiện tiết lộ chỉ trao huy chương cho “vàng” đúng tuổi, “bạc” đúng lửa, chứ không trao tràn lan. NSƯT Thanh Kim Huệ cho rằng các huy chương đã trao là xứng đáng, đây sẽ là bước đệm để những tài năng này phát triển hơn, góp phần mang lại diện mạo mới cho sàn diễn cải lương nước nhà.

“Tôi cho rằng sự xét nét của ban giám khảo đã tạo thêm uy tín cho cuộc thi vốn thừa hưởng từ giải HCV Thanh Tâm và HCV Trần Hữu Trang, phải khó như vậy để thí sinh không chủ quan, mà phải đầu tư, sáng tạo nếu muốn đoạt huy chương” – NSƯT Thanh Kim Huệ nói.

Đạo diễn làm hỏng thí sinh

Một chút băn khoăn trong cuộc thi năm nay là không ít diễn viên bị đạo diễn “giết chết” vì đã tham lam quá nhiều chiêu trò dẫn đến sự chông chênh trong ca diễn của thí sinh. Cụ thể, thí sinh Nhã Thy với trích đoạn Nước mắt thần phi – đạo diễn bày biện quá nhiều “mảng miếng”, để diễn viên “bơi” trong khổ sở, tải không nổi, dẫn đến đuối sức; thí sinh Võ Hoài Long với trích đoạn “Trần Cảnh” cũng bị chi phối bởi sự ham muốn của đạo diễn, không thuần nhất phong cách, lúc thì độc diễn lê thê như kể chuyện, lúc thì có bạn diễn yểm trợ nhưng lực diễn của người này lấn lướt cả thí sinh chính.

Khán giả và nghệ sĩ tiếc nuối khi hai kép độc Khánh Tuấn và Thanh Sơn bị vuột mất HCV. Cũng chính vì cách dàn dựng và chọn sai tiết mục khiến cho tiết mục bị gãy. Lâu nay sở trường của nghệ sĩ Khánh Tuấn là diễn tuồng tâm lý xã hội, nếu dự thi chung kết với đúng “bài tủ” thì anh sẽ chiếm HCV.

Tương tự, nghệ sĩ Thanh Sơn diễn vai Phạm Khanh vốn là vai kép nhì, đòi hỏi ca vọng cổ mùi mẫn, thể hiện được nỗi lòng của một nhân vật phản trắc, hối hận trước sai lầm của mình nhưng anh chỉ mạnh về vũ đạo và võ thuật, nếu chọn vai diễn đúng sở trường tuồng cổ, chắc chắn HCV đã thuộc về anh.

“Đào mụ” Lệ Hằng (trích đoạn Kêu cứu) từ Nhà hát Cải lương Việt Nam vào TP.HCM dự thi cũng bị giảm sút phong độ. Sai lầm của chị cũng như của Hải Yến (trích đoạn Đêm cuối Lý Chiêu Hoàng) là mang trích đoạn cũ của vòng sơ tuyển dự thi, trong khi chất lượng ca diễn lại đuối so với vòng sơ tuyển tại Hà Nội.

Giới chuyên môn nhận định đây không phải là sân chơi của đạo diễn, càng “bài binh bố trận”, càng khiến thí sinh không tập trung thể hiện giọng ca, nội tâm, tính cách nhân vật, mà phải lo nhớ những xử lý rườm rà, phô diễn hình thức thể nghiệm của đạo diễn, dẫn đến thất bại.

Thiếu đào kép mùi

NSND Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi – nhận xét: Sân chơi này cho thấy sân khấu cải lương đang thiếu những đào – kép chánh, thể hiện vai mùi – vốn là nhân vật trung tâm của một vở tuồng cải lương.

“Mặc dù cuộc thi cũng chọn được một số đào – kép mùi nhưng về diện mạo vẫn còn quá non, chưa thể lôi kéo khán giả đến rạp đúng tầm một ngôi sao như các mùa giải Trần Hữu Trang trước đây, đã từng cung cấp cho sân khấu chuyên nghiệp những tài năng thực thụ: Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Thanh Hằng, Kim Tử Long, Phượng Hằng, Thoại Mỹ, Vân Hà, Vũ Luân, Tú Sương, Trinh Trinh, Kim Tiểu Long, Trọng Phúc…” – ông Giàu bày tỏ nỗi lo.

Điều khiến giới nghệ sĩ cải lương vui mừng là sự trợ diễn đắc lực của nhiều diễn viên phụ, chứng tỏ họ yêu nghề, hết lòng với sàn diễn và vai nào cũng hay, cũng cảm xúc. Có thể kể đến Chí Linh, Tấn Lộc, Thanh Hồng, Tâm Tâm, Tô Thiên Kiều, Mạnh Hùng, Quỳnh Hương, Ngọc Đợi, Lê Hồng Thắm, Võ Minh Lâm, Trường Lộc, Chí Bảo…

Niềm trăn trở lớn nhất là sau cuộc thi, các HCV, HCB sẽ tỏa sáng ở đâu, hay vẫn chịu cảnh đìu hiu, “ai về nhà nấy”, chờ đến đợt xét tặng danh hiệu lấy huy chương ra đong đếm? Sân khấu cải lương hiện có nhiều NSND, NSƯT nhưng cùng chung số phận là không có nơi biểu diễn, vở mới ra đời sớm “đắp chiếu” sau mỗi mùa hội diễn, liên hoan. Có ý kiến đề xuất cần quy tụ các “huy chương” này lại, dàn dựng tác phẩm đỉnh cao vì về bố cục đã có đủ đào kép chánh, đào mụ, kép lão, kép hài…, đồng thời đặt hàng tác giả giỏi “đo ni đóng giày”, mời đạo diễn uy tín dàn dựng… Làm vậy, chắc chắn tác phẩm của các “huy chương” sẽ tạo cú hích để sàn diễn cải lương sáng đèn.

Cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương năm 2020” đã khép lại vào tối 3/11 với 19 huy chương được trao cho các thí sinh, gồm 7 huy chương vàng (HCV) và 12 huy chương bạc (HCB). Cụ thể, 7 HCV đã được trao cho Nguyễn Thanh Toàn, Lê Thanh Thảo, Võ Thành Phê, Nhã Thy (Nhà hát Trần Hữu Trang), Kim Phụng (Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang), Linh Trung (thí sinh tự do), NSƯT Thiên Hoa (Nhà hát Cải lương Việt Nam). 12 HCB được trao cho các nghệ sĩ Khánh Tuấn, Thanh Sơn, Hà Như, Diễm Thanh, Hoàng Tùng, Hải Yến, Hải Linh, Như Huỳnh, Hàn Ni, Vĩnh Sơn, Lê Trung Thảo, Võ Hoài Long. 4 nghệ sĩ phụ diễn ấn tượng nhận giấy khen: NSƯT Thu Trang, NSƯT Quỳnh Hương, nghệ sĩ Nhựt Thanh, Diễm Thanh.

Thanh Hiệp/Người lao động