“Trầu không” nghĩa là gì?

150

Trầu không còn được gọi là trầu hương, phù lưu, thược tượng, thanh củ hay Hsuê êhang (vùng Tây nguyên), hala (Chăm)… Các nước có tục ăn trầu thì từ này được gọi là sirih (Mã Lai, Indonesia), phlū /bai phlū พลู / ใบพลู (Thái), supāṛī सुपाड़ी (Hindi) hay Veṟṟilai வெற்றிலை (Tamil)…

Ở Việt Nam có hai loại trầu phổ biến là trầu mỡ và trầu quế (trầu hương). Lá trầu mỡ thì to bản, dễ trồng; còn trầu quế thì có vị cay, lá nhỏ, thường được dùng trong tục ăn trầu. Xin lưu ý, trong tiếng Việt có những loài cây được gọi là trầu, nhưng lại hoàn toàn khác với trầu không, do đó cần phân biệt để không bị nhầm lẫn. Thí dụ: trầu bà (thuộc chi Epipremnum, họ Araceae) là loại cây cảnh, có nhiều loài khác nhau, không dùng để ăn; trầu cổ (Ficus pumila), thuộc họ Moraceae, một loài thực vật có hoa, còn gọi là thằn lằn, sung thằn lằn, sộp hay vảy ốc; mần trầu (Eleusine indica) thuộc họ Hòa thảo Poaceae – còn gọi là màng trầu, cỏ vườn trầu, ngưu cân thảo, thanh tâm thảo hay cỏ chỉ tía, một loài phân bố ở các vùng khí hậu ấm từ vĩ độ 50 trở lên; trầu thuốc (Piper cubeba) – còn gọi là tiêu thất hay hồ tiêu thuốc, là loài cây thuộc chi Hồ tiêu, được trồng để lấy quả và lấy tinh dầu …

Trầu là cách gọi hiện nay, còn tiếng Việt thời Trung cổ gọi là blàu. Từ này đã được ghi nhận trong Từ điển Việt – Bồ – La (1651): ‘blàu’ và ‘têm blàu’- concertar o betel: folium illud concinnare ad edendū (trang 41). Chúng ta thấy gì? Hiện tượng phụ âm đầu kép “bl, kr, ml, tl…” rất phổ biến trong tiếng Việt cổ, Ví dụ: blời = trời; blang = trăng; mlời = lời; tlẻ = trẻ; tlâu = trâu… Chúng chỉ dần dần biến mất sau thế kỷ 17. Từ điển Việt – Bồ – La ghi nhận gần 100 mục từ có phụ âm đầu kép “bl”, đến giai đoạn tiếng Việt hiện đại thì phần lớn phụ âm “bl” đã chuyển thành “tr”, phần còn lại thành “l” và “v”. Và ở đây từ blàu biến thành trầu là hợp qui luật ngữ âm tiếng Việt.

Xét về chữ Nôm, có nhiều từ dùng để chỉ trầu như 䕱, 油 (trong miếng trầu); 芙, 茱 (trong trầu cau); 蒥, 蔞 (trong ăn trầu); (cây trầu), (lá trầu), (khay trầu)… Những từ này đã đi vào ca dao như “Yêu nhau trầu (芙) chẩm cùng chơi/ Ghét nhau cau đậu đầy cơi không màng” (Thanh Hóa, t.27b); “Ba đồng một mớ trầu ) cay/ Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không” (Quốc phong thi tập hợp thái, 16a); “Liền ông nông nổi giếng thơi/ Liền bà sâu sắc như cơi đựng trầu” ) (Lý hạng ca dao, 38a)…

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương và Nguyễn Khuyến cũng đã từng nhắc đến trầu cau:

“Quả cau nho nhỏ miếng trầu ) hôi

Này của Xuân Hương mới quệt rồi”

(Xuân Hương thi tập,14b. Mời ăn trầu)

“Kiếm một cơi trầu ) thưa với cụ

Xin đôi câu đối để thờ ông”

(Tam Nguyên Yên Đổ thi ca, 3a)

Trong văn xuôi bình dân cũng không hiếm câu nhắc về trầu: “Thị tỳ đâu, nào sắp sửa hộp trầu (蒥) khăn quạt, đặng theo ta chơi mát xem trăng” (Ô Lôi, 11a) hay “Đi coi rồi, mượn mai dông đi nói. Đàng gái chịu gả cho bỏ trầu ) cau. Mà phép hễ có miếng trầu ) miếng cau rồi thì phải đi làm rể” (Chuyện Đời Xưa, t.34)…

Nhìn chung, có nhiều cách viết chữ trầu, trong đó thuần Nôm có 4 chữ (䕱, , , ), những chữ còn lại là mượn nguyên xi từ chữ Hán: 油 (du), 芙 (phù), 茱 (thù), 蔞 (lâu). Song từ trầu được ghi nhận chính thức bằng chữ Nôm là (betel) trong Từ điển Taberd (tr.541) và Nam Việt-Dương Hiệp Tự vị của J.F.M. Génibrel (tr.876)…

Về chữ Hán, từ trầu được ghi nhận phổ biến là phù lưu 浮留 trong Di Vật Chí thời Tam Quốc, Ngô Đô Phú của Tả Tư, Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân… Ngoài từ này, ta còn thấy từ củ tương (枸醬/蒟醬), lâu diệp (蒌叶) và những từ khác chỉ trầu cũng được ghi nhận trong Thủy Kinh Chú của Lịch Đạo Nguyên thời Bắc Nguỵ, Giao Châu kí của Triệu Xương thời Đường hay Nam Phương thảo mộc trạng của Kê Hàm viết vào năm 304… Riêng về sách do người Việt khảo cứu thì có Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên thời vua Lê Hy Tông, Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp cuối thời nhà Trần, An Nam chí lược của Lê Tắc thời vua Trần Nhân Tông, Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn viết vào năm 1773…

Vương Trung Hiếu/ Văn nghệ Thái Nguyên