Trầu không xanh lá – Truyện ngắn của Cao Thanh Mai

702

Vanchuongphuongnam.vn) – Nắng chói chang một góc vườn trầu. Màu xanh lá dần chuyển màu qua làn nước mắt nhòe nhoẹt của dì Hiên. Trầu không xanh lá vì anh đã phụ em!

Nhà văn Cao Thanh Mai 

Đêm rơi rất sâu. Tiếng chó cắm cẳn. Tiếng những người phụ nữ đi chợ đêm râm ran ngoài đầu ngõ. Đuốc lá dừa cứ bập bùng, bập bùng, sáng lóe. Dì Hiên trở mình, vén mùng bỏ chân xuống dò tìm đôi dép, đụng phải đôi dép khác, giật mình. Cảm giác chung đụng vừa xảy ra trước đó khiến dì co chân lại. Một lúc sau dì mạnh dạn xỏ chân vào đôi dép, ém mùng lại bước ra ngoài, thắp đèn. Ngọn đèn dầu này làm bạn với dì hơn hai mươi năm qua, nó thấu hiểu mọi nỗi niềm của người đàn bà cô đơn, khắc khoải chờ chồng. Đưa tay lấy lá trầu, têm, định nhai, nửa chừng buông thửng. Đàn bà ăn trầu lúc này có khác gì đàn ông hút thuốc trong đêm vắng? Dì nghĩ mông lung về những điều Bảy Cần nói lúc hai vợ chồng…

– Hiên à! Bảy Cần ngập ngừng – Anh thật có lỗi với em. Đàn ông xa vợ mong em hiểu và thông cảm cho anh!

Dì Hiên ù tai. Vòng tay đang ôm riết lấy chồng lơi ra. Tính dì vậy, bao giờ cũng phản ứng chậm chạp. Dì nằm bất động được một lúc mới cất tiếng hỏi:

– Anh vừa nói gì? Anh đã có vợ con ngoài Bắc à?

Giọng dì không riết róng như những người phụ nữ bị chồng phản bội, mắt ráo hoảnh. Bảy Cần nằm chết trân. Mong được vợ cào xé, chì chiết, nhưng không, dì vẫn dịu dàng một cách yếu đuối.

– Đã vậy sao anh còn trở về đây với em? Sao anh không đi luôn để em tin rằng chồng mình đã hy sinh ở một chiến trường ác liệt nào đó. Em luôn khắc ghi “Hãy chờ  đến ngày thống nhất, nhất định anh sẽ về với em”. Mấy tháng qua anh về đây vợ con anh nghĩ gì về em, về người chồng, người cha của mình? Mấy tháng qua anh lừa dối bao nhiêu người thân của mình?

Dì định nói nữa, lại thôi. Bảy Cần khẩn khoản:

– Em nói nữa đi cho vơi niềm đau, cho lòng anh bớt dằn vặt bấy lâu nay!

– Không! Anh không xứng đáng nghe những lời của người vợ thủy chung. Giọng dì bỗng trở nên mạnh mẽ, dứt khoát.

Gió dưới sông thổi lên, hàng dừa nước ven sông xào xạc. Cái thanh âm này dì nghe hàng ngàn đêm qua không có gì thay đổi. Có chăng đêm nay nó giận dữ như hàng ngàn lưỡi gươm khua. Ngọn đèn vụt tắt rồi sáng. Bóng dì cô đơn in trên vách lá. Dì mong những lời Bảy Cần nói ban nãy chỉ là giấc chiêm bao. Hóa ra mấy tháng nay dì là kẻ cướp chồng, kẻ đang thậm thụt với “chồng người”. Dì đau lắm như thể Bảy Cần cầm con dao mũi nhọn hoắc đâm thẳng vào trái tim dì. Có thể lắm chứ? Bảy Cần có lỗi hay dì quá ích kỷ không hiểu cho “chồng người”? Nước mắt dì chảy tràn qua đôi gò má, vô tình lọt vô miệng, mặn chát. Người đàn bà mới ngoài bốn mươi tuổi vò võ hơn hai mươi mấy năm chờ chồng để giờ kết cục như thế này sao? Trái tim dì tưởng chừng tan nát sau ngần ấy thời gian cho đến hôm người đàn ông quảy cái bồng đứng gõ cửa nhà dì vào một đêm trăng tỏ. Dì Hiên không tin được người đó là Bảy Cần – chồng của cô Hiên đẹp nức tiếng có bàn tay liểng trầu nhanh như múa. Dì Hiên ngã khụy trước khi Bảy Cần ào vào ôm lấy vợ. Dì khóc rấm ran, rấm rứt như hồi đưa Bảy Cần bước xuống xuồng đi đến nơi tập trung chuẩn bị ra Bắc.

Hai mươi mấy năm đợi chờ! Cái giá của ngày đoàn tụ là sự tàn phai nhan sắc từ cô gái tràn sức xuân tuổi mười chín đôi mươi trở thành người đàn bà héo hon đang bước qua cái dốc của cuộc đời. Mười chín tuổi dì biết nói dối mọi người rằng Bảy Cần đã theo vợ bé.  Sau đó để tránh tai tiếng và để được yên thân với bọn tề xã dì lập ngay cái bàn thờ. Ảnh Bảy Cần được dì phóng to ngồi “chễm chệ” trên nóc tủ. Cái áo nào dì cũng “đính” miếng vải đen để “tang chồng”. Dì sống âm thầm với một niềm tin cháy bỏng “Hãy chờ ngày thống nhất, nhất định anh sẽ về với em”. Năm tháng qua kể từ ngày Bảy Cần trở về, dì Hiên như con chim được tung cánh, con cá tự do bơi lội, một tia hy vọng thỏa ước mơ làm mẹ làm dì trẻ lại. Dì Hiên chăm sóc chồng không khác chi đôi vợ chồng mới cưới, dì muốn bù đắp cho cho chồng – người đàn ông dì không tiếc tuổi xuân chờ đợi. Vậy mà!

Nghe tiếng động ở cửa buồng, dì ngoái lại, Bảy Cần vẻ mặt đau khổ nhìn vợ, ngập ngừng tiến lại đặt tay lên bờ vai hao gầy. Phút tĩnh lặng giữa đêm khuya kéo dài, Bảy Cần từ từ quỳ xuống, hai tay buông thõng.

– Mình ơi! Hãy tha lỗi cho anh! Chiến tranh loạn lạc anh không biết có còn sống để trở về với em. Với lại…

Im lặng.

– Anh biết mình không còn xứng đáng với em, chỉ mong em cho anh ở bên cạnh, bù đắp lại những mất mát mà em phải chịu đựng. Anh hiểu tấm lòng chung thủy của em trong suốt hai mươi mấy năm qua, vậy mà anh nỡ phản bội lại lời thề.

Im lặng.

Tiếng gà gáy sáng. Dáng dì Hiên ngồi không thay đổi. Lá trầu nát trong tay tự lúc nào cũng không hay, dì gần như hóa đá. Bảy Cần cầm lấy tay vợ vội rút lại như đụng phải lửa. Bảy Cần bật đứng dậy ôm lấy vợ tưởng dì đang lên cơn sốt. Dì gan góc đến lạ kỳ, gạt tay Bảy Cần ra, bước tới mở cửa. Bàn tay của dì bỏng rộp vì vôi nóng. Dì ngồi dưới giàn trầu, tay mân mê từng lá trầu nhỏ xanh non, những phút giây nầy dì nhớ:

– Cô Bảy ơi! Có mướn người phụ tưới trầu không?

– Chưa anh ơi! Em bán trầu không đủ sống nên không dám mướn, anh có lòng tưới dùm sau này đi cưới vợ em trả công một gánh trầu.

– Cô nói thiệt hay nói chơi vậy cô Bảy?

– Thiệt chớ anh! Trồng trầu bán cho đám cưới mà nói dối người ta ăn phỏng môi, vộp lưỡi vợ chồng dễ xa nhau lắm!

– Vậy thì phải ra công tưới nhiều nước cho trầu bớt vị nồng đi.

– Tưới nước nhiều chỉ cho gốc trầu mát, đâm nhiều chồi, ra nhiều lá chớ cái vị nồng thì không mất được.

Vậy là họ quen nhau. Những ngày đơn vị Bảy Cần về đóng quân ở trong xóm, ngày nào anh cũng lân la đến vườn trầu nhà Hiên khi phụ tưới, khi nhổ cỏ, bồi gốc, thay trụ, giâm cành… Anh em trong đơn vị bắt đầu kháo với nhau mối tình của anh bộ đội Cần và cô Hiên vườn trầu bắt đầu chớm nở. Vườn trầu càng xanh tốt tình cảm họ càng khắng khít hơn.

– Hiên ơi! Nếu lấy chồng bộ đội em có chấp nhận cảnh vợ chồng phải sống xa nhau không?

Bảy Cần đặt vấn đề với Hiên vào một buổi chiều khi hai người ngồi cạnh những gốc trầu. Hiên e thẹn nép sau những lá trầu xanh, tay cầm nón lá quạt tan những giọt mồ hôi trên trán anh, cười hồn nhiên:

– Anh nói gì lạ, bao nhiêu người chờ được mình cũng đợi được mà. Nếu có xa anh em vẫn sống với vườn trầu.

Thời chiến họ không có thời gian tìm hiểu. Bảy Cần báo với đơn vị xin được cưới Hiên, con gái ông Mười Hào có vườn trầu lớn nhứt xóm. Hiên có hai người anh theo cách mạng, thuộc thành phần cơ bản. Đơn vị đứng ra làm lễ tuyên bố. Ngày đám cưới Hiên mặc chiếc áo bà ba màu hoa cà, tóc kẹp gọn sau lưng, mặt rạng ngời đứng cạnh anh bộ đội bình dị vốn có. Vậy là họ nên vợ nên chồng. Ba tháng sau, cũng một buổi chiều bên vườn trầu xanh tốt, Bảy Cần cầm tay vợ:

– Em à! Anh được cấp trên điều ra Bắc, trong đơn vị anh còn mấy người nữa. Đi tập kết khi vừa cưới xong anh không muốn nhưng đây là mệnh lệnh, một người lính như anh không thể chối từ.

Hiên bàng hoàng. Nước mắt ứa ra, nắm lá trầu trong tay rơi xuống. Chiến tranh đã làm bao gia đình tan nát, chia lìa, giờ đến lượt mình, Hiên đón nhận như một quy luật của chiến tranh. Nhưng Hiên còn trẻ quá. Người con gái mười chín tuổi đầu đang căng tròn sức sống, “xa anh bao nhiêu năm”. Câu hỏi này Bảy Cần không trả lời được. Đúng hơn anh không biết trước để trả lời người vợ trẻ.

Hôm sau, Hiên chuẩn bị mọi thứ cho anh đi. Hai vợ chồng chưa kịp chụp với nhau một tấm hình làm kỷ niệm. Đêm chia tay:

– Hiên! Mình có tin vui gì chưa em? Bảy Cần đặt tay lên bụng vợ, dè dặt hỏi. Nếu anh đi năm năm chưa trở về em cứ đi lấy chồng, đừng chờ anh. Đàn bà con gái có thì, ba má mất rồi em ở một mình héo hon mất.

– Không! Dù bao nhiêu năm nữa em cũng chờ. Bao giờ anh về em sẽ sinh cho anh một đàn con. Chỉ có anh mới là cha của những đứa con em. Anh hãy tin em!

Hiên ôm riết lấy chồng, hít lấy mùi của cơ thể anh, như thể không bao giờ  có lại phút giây nằm bên người chồng yêu quý. Nước mắt chảy tràn qua cánh tay anh thấm xuống chiếc gối cưới có hình đôi chim bồ câu dang cánh bay lên bầu trời tự do, họ rất hạnh phúc.

– Đàn ông xa vợ có giữ được lòng chung thủy không anh?

Bất chợt Hiên buông chồng ra hỏi. Anh quá bất ngờ trước câu hỏi của vợ. Liệu rằng phút giây xa vợ anh có giữ được lời thề? Chiến tranh! Người lính sống dưới bom rơi đạn nổ có giữ được mình nguyên vẹn ngày trở về. Tất cả ở phía trước.

– Anh mãi yêu em!

Anh nghĩ chỉ có trả lời như vậy mới làm vợ yên lòng hơn.

Vườn trầu vẫn xanh tươi. Đám lính đi hành quân ngang nhà hay ghé lại “thăm” cô Hiên vừa mới cưới mấy tháng mà chồng đã bỏ theo “vợ bé”. Tấm ảnh Bảy Cần trên bàn thờ chỉ đánh lừa được ai chớ làm sao qua mắt bọn bảo an, chỉ điểm. Bảy Cần ra đi năm tháng, bảy tháng rồi một năm không một tin tức về anh. Nụ cười Hiên bắt đầu héo hắt. Hàng đêm Hiên vẫn đốt nhang cho ba má, cầu nguyện ông bà phù hộ che chở cho anh bình yên.

Năm năm sau Hiên nhận được một tin rằng Bảy Cần đã hy sinh trên đường ra Bắc. Hiên lặng người. Đêm đêm dì lại khóc. Khóc cho chồng, khóc cho phận mình đơn côi, chiếc bóng. Vẻ đẹp của cô Bảy vườn trầu lặn vào trong. Bọn lính trong đồn không bỏ sót một cử chỉ nào của Hiên. Thằng đồn trưởng có đến hai con vợ bé sục đến nhà, Hiên nói thẳng rằng chồng đã chết, chỉ biết ở vậy thờ chồng. Niềm tin của lòng chung thủy làm dì mạnh mẽ hơn lúc nào hết. Hằng ngày, Hiên vẫn chăm sóc vườn trầu như nuôi một niềm hy vọng. Trái tim người vợ mách bảo anh ấy vẫn còn sống. Cũng có người đặt vấn đề sau khi biết tin Bảy Cần chết, nhưng Hiên tin anh không chết, dì từ chối hết thảy. Đơn vị bộ đội nào dừng chân lại nghe giọng nói ngoài Bắc dì cũng hỏi thăm. Biển người mênh mông, Hiên hỏi để tìm sự may mắn nào đó, dù rất nhỏ, như an ủi mình. Lúc chiến trường miền Nam ác liệt Hiên cứ mong ngóng một ngày nào đó anh trở lại. Khi không còn một tia hy vọng nào về anh cũng là lúc kết thúc chiến tranh.

Bảy Cần kể rằng:

Anh bị thương trên đường ra Bắc, được đưa về một trạm cứu thương, lạc mất đơn vị. Các bác sĩ bảo rằng vết thương anh khá nặng cần điều trị thời gian dài mới bình phục. Nhưng bao lâu bác sĩ chưa thể trả lời vì ở chiến trường thiếu thốn nhiều thứ. Anh nằm đó cứ hình dung đồng đội mình đang ngày đêm vượt qua những chặng đường dài, có người ngã xuống, anh em chôn cất rồi vội vã ra đi. Sự hy sinh mất mát không diễn tả được bằng lời nhưng những đoàn quân cứ vào ra theo tiếng gọi của chiến trường đầy khói súng. Bảy Cần được trạm phẩu thuật tiền phương gởi theo một chuyến xe chở thương binh ra Bắc. Trong thời gian này anh hoàn toàn không liên lạc gì được với vợ.

Hơn năm sau, được sự giới thiệu của anh em trong trại Bảy Cần cưới Na – cô y tá của trại an dưỡng điều trị thương binh. Họ dắt díu nhau về quê, nhờ sự chăm sóc tận tình của vợ Bảy Cần nhanh chóng phục hồi sức khỏe và họ có với nhau đứa con đầu lòng. Bé Thủy ra đời cũng là lúc Bảy Cần nhận quyết định làm việc ở nông trường chăn nuôi cách nhà hơn chục cây số. Bảy Cần xác định nhiệm vụ nào cũng là làm cách mạng, với lại từ chỗ làm về nhà không xa anh còn tranh thủ phụ giúp vợ con. Rồi thằng Chung sinh ra cách chị nó một năm, vợ chồng anh thêm vất vả. Lúc này, Bảy Cần không còn đủ thời gian để nhớ về Hiên. Đôi khi hình ảnh người vợ miền Nam thoáng hiện về trong giấc mơ rồi tan biến theo những trận bom hay những lúc đưa con đi sơ tán. Còn Na, chỉ một lần duy nhất hỏi chồng về “chị ấy” rồi giấu niềm riêng trong tận đáy lòng. Tất cả do chiến tranh!

– Hiên! Vô nhà đi em, mặt trời lên nắng lắm. Anh ra ruộng rút nước mai còn sạ lúa. Giọng Bảy Cần vẫn nhẹ nhàng.

Dì Hiên như chợt tỉnh một giấc mơ. Mái ấm gia đình và một đàn con giờ chỉ là hư ảo. Dì thông cảm cho chồng nhưng không khỏi thương cho phận mình. Ngôi nhà này bao nhiêu lần thay mái lá nhưng cái “nóc nhà” lại là nơi người phụ nữ chưa hiểu hết. Dì thẩn thờ nhìn trân trân lên chỗ để tấm hình Bảy Cần trước đây không hiểu sao dì không cất đi mà chỉ úp xuống. Cuộc trùng phùng nào cũng được trả bằng máu và nước mắt. Sự trở về của Bảy Cần hóa ra còn đau hơn cả ngày ra đi. Khi đó dì còn có niềm tin chờ ngày gặp lại. Còn bây giờ…

Dì Hiên đứng dậy lấy cây chổi lông gà từ từ giở tấm hình lên, dì bất ngờ thấy những lá thư “con Thủy Chung” gửi “ba Phạm Văn Cần”:

“Ba kính nhớ! Mẹ và hai con luôn nhớ đến ba. Từ ngày về với má Hiên đến giờ ba có được mạnh khỏe không? Bao giờ ba lại về với mẹ con con? Con đã xin được việc làm rồi, con sẽ phụ giúp mẹ nuôi em Chung đi học. Hàng tháng mẹ vẫn nhận được tiền ba gửi ra… Tháng chạp này đàn trai tới nhà dạm hỏi, ba có ra dự đám con được không?”

Đất dưới chân như sụp đổ, dì ngồi sụp xuống, chưa có nỗi đau nào bằng sự dối lừa. Bấy lâu nay dì vẫn tin lời Bảy Cần nói “Mấy chục năm làm cách mạng anh chỉ có bằng này lương, em cất để dưỡng già”.

Xếp lại những lá thư như cũ, dì bước đến cái bàn trầu têm lấy một miếng, trệu trạo nhai. Những lúc buồn dì hay ăn trầu kiểu vậy, nhưng có lẽ miếng trầu này cay nhứt, nồng nhứt từ khi dì bắt đầu ăn trầu sau lần hay tin Bảy Cần chết. Nó cay đến xé ruột gan dù dì không nuốt nó. Dì kéo chiếc khăn đang đội đầu lau nước mắt. Phía trước khoảng sân đầy nắng. Những tia nắng rụt rè từ từ vô tới hàng ba, con gà mẹ mới xuống ổ dắt đàn gà con chiu chắt tìm mồi. Dì nghĩ, mẹ con cô ấy chắc cũng giống như vậy nếu không có Bảy Cần? Trong đầu dì nảy ra một ý nghĩa táo bạo.

Bữa cơm được dọn ra. Mắm kho cá lóc non chấm bông súng, Bảy Cần rất thích món này.

– Lâu lắm rồi anh mới được ăn lại món này, mấy chục năm rồi đó. Ở “ngoài kia” đôi khi thèm cũng không có ai nấu để ăn, mà có cũng không giống cách em nấu!

Bảy Cần vừa ăn vừa nói, và, đưa chén vợ bới cơm liên tục. Trong lòng dì Hiên một cái gì đó nghèn nghẹn vừa thương vừa giận.

– Mình à! Sáng nay, mấy anh em trong tập đoàn nói năm nay ruộng mình thể nào cũng trúng lớn vì có đàn ông dọn đất kỹ lúa tốt cho mà xem. Anh tính sẽ áp dụng cách bón phân cho lúa như ngoài Bắc coi có thích hợp không? Mình thấy thế nào?

– Em e rằng không được vì mỗi vùng miền có cách làm khác để thích hợp với khí hậu, thời tiết. Em nghĩ không nên, vô tập đoàn rồi mình làm gì cũng phải thống nhứt chung không làm khác được. Dì Hiên chậm rãi nói.

– Vậy chắc anh phải học lại từ đầu vì lâu quá rồi có nhiều thay đổi.

– Em định bàn với anh việc này. Dì thăm dò ý Bảy Cần.

– Mình định sửa lại nhà à? Bảy Cần vẫn không đọc được ý nghĩ của vợ.

– Không! Em định sau khi anh sạ lúa xong em đi Sài Gòn mấy bữa thăm người bà con lâu rồi không gặp. Ở nhà có một mình đi đâu cũng khó, mấy con gà con vịt nó quấn cái chân đi không được.

– Mình cứ đi đi ở nhà anh lo. Bảy Cần vừa trả lời vợ vừa bước đến bàn rót nước trà uống. Mình định khi nào đi?

– Ở nhà anh lo được mai em đi, khoảng năm ba bữa thì về.

Dì Hiên lui cui dọn dẹp mâm cơm, Bảy Cần ngồi hút thuốc, dáng tư lự, nghĩ:

– Chẳng lẽ vợ mình đã quên chuyện đêm qua?

Nhìn ra sàn nước, dáng dì Hiên ngồi hiện rõ sự cô độc của người đàn bà bị chồng phụ rẫy. Một sự nhẫn nhịn ngoài sức tưởng tượng của Bảy Cần. Còn Na, hai con Thủy Chung nữa? Bảy Cần đốt điếu thứ hai nhìn lên chỗ nóc tủ, trầm ngâm.

Dì Hiên đón chuyến xe đò sớm nhứt đi Sài Gòn. Xe đông khách, người ngồi như nêm cối. Dì ôm chặt cái túi đồ như sợ lơi ra một chút là có kẻ rọc túi lấy hết tiền của dì, dù trước khi đi dì đã cẩn thận gói tiền trong cái khăn mùi xoa bỏ trong túi áo gài kim tây cẩn thận. Lần đầu đi Sài Gòn dì ngơ ngác giữa đám xe ôm bu quanh, lôi kéo, dì hỏi một bác lái xe xích lô có vẻ “hiền” hơn đám người chộn chạo kia:

– Chú ơi! Đây tới chỗ mua vé xe lửa có xa không chú?

– Cũng hơi xa, cô đi tui chở lấy giá phải chăng đừng sợ. Bác xích lô trả lời và quay đầu xe lại giữ thăng bằng cho dì bước lên.

Trên đường đi dì hỏi chuyện bác xích lô phần để trấn tĩnh nỗi sợ phần biết đường chuyến về mình không bị lạc.

– Cô mua vé đi Bắc hả? Mua hơi khó đó, có khi chờ cả ngày mới tới lượt mình.

Bác xích lô có vẻ thông hiểu, tới cửa ga bác còn dặn giữ đồ đạc cẩn thận, xế chiều bác sẽ quay lại nếu dì không mua được vé bác đưa xuống bến xe.

Dì ngồi xếp hàng mua vé trong lòng lại thấy xốn xang. Đất khách quê người không thông thuộc đường đi, mà mình ra ngoài đó để làm gì, gặp “người ta” làm gì, để cảm ơn người đã lo lắng chăm sóc chồng mình mấy chục năm hay để “đánh ghen”. Ghét người lừa dối sao mình lại nói dối? Nghĩ quanh nghĩ quẩn, dì Hiên bước ra ngoài. Cánh xe ôm lại bu lấy dì níu kéo, dì chọn một người lái xe hơi đứng tuổi nói rằng mình về bến xe miền Tây.

Về đến đầu đường trời đã tối, dì ghé nhà người quen xin một cây đuốc. Bóng người đàn bà cô độc trong đêm thanh vắng, lẻ loi đến nao lòng. Dì cứ lủi thủi bước đi, một dì, một cây đuốc chấp chới, chấp chới, xa dần. Giờ nầy những người phụ nữ tảo tần sắp đi chợ sớm, mọi khi dì cũng hay nhập vào nhóm này gánh trầu ra chợ. Gánh trầu quằn hai đầu đòn gánh như gánh cả nỗi nhớ chia xa. Gánh niềm vui đến cho trai gái nên vợ nên chồng. Gánh nỗi buồn trĩu nặng của những người vợ mỏi mắt chờ chồng. Từ ngày có chồng về dì ít đi hơn. Sắp đến đầu ngõ dì dụi tắt cây đuốc, khẽ mở cửa rào bước vô nhà. Qua khe cửa dì ngửi thấy mùi thuốc hút của Bảy Cần, ánh sáng vụt lóe lên rồi tắt, liên tục, dì biết rằng chồng dì cũng mang một tâm trạng khó xử. Nghe hết tiếng thở dài rồi lại trở mình, dì những muốn đạp tung cánh cửa lao vào ôm lấy chồng để nói rằng “Em hoàn toàn tha thứ cho anh”, nhưng để nói được những lời đó cầm bằng dì chấp nhận cảnh chung chồng? Dì Hiên khẽ khàng đặt túi đồ xuống cái chõng ngoài hiên nhà, ngã lưng xuống rồi thiếp đi lúc nào không hay, khi tỉnh lại thấy có cái mền đắp ngang người. Trong bếp lửa còn đỏ rực, nhìn quanh không thấy Bảy Cần đâu, dì nghĩ, chắc “ông ấy” lại ra ruộng? Dù cố làm ra vẻ bình thường nhưng vẫn có chút gượng gạo giữa hai người. Trên đường về dì tính kỹ ngày mai giáp mặt dì sẽ nói…

Trưa trờ trưa trật mà chưa thấy “ông ấy” về, dì đâm lo, lại tất tả ra ruộng tìm. Dì ngồi khuất sau bụi lức dại nhìn thấy gương mặt hốc hác của Bảy Cần dì biết chồng mình cũng dằn vặt lắm. Dì lùi lại khi thấy Bảy Cần vác cái leng lên vai trở vô nhà. Dì Hiên thấy đất trời nầy một màu thâm u, nghĩ, phải đối diện một lần cho rõ nguồn cơn. Dì về sau “ông ấy” như thể dì vừa chạy đi đâu đó mới về. Bảy Cần thấy dì bước vô nhà thì mừng lắm:

– Mình đi mới hơn một ngày mà anh thấy dài cả năm.

Biết mình lỡ lời Bảy Cần vội lảng sang chuyện khác:

– Sáng sớm thức dậy thấy mình nằm chèo queo ở đây, về hồi nào không kêu anh mở cửa? Mà sao nói đi mấy ngày lại về sớm vậy, không tìm gặp bà con à?

– Em về lúc nửa đêm sợ kêu anh thức giấc. Dì nói như không biết chồng còn thao thức, trăn trở. Chắc anh đói bụng rồi để em dọn cơm.

Thực ra tiếng “em” và “anh” bây giờ nghe ngượng lắm và Bảy Cần cũng hay gọi dì là “mình” chớ ít khi gọi “em” như trước.

– Anh Bảy nè! Dì mở lời thăm dò. Ý em vầy anh thấy được không?

– Hôm nay, mình có chuyện gì mà nghe trịnh trọng quá vậy? Bảy Cần thấy cách xưng hô của dì Hiên hơi khác mọi ngày.

– Ruộng, anh sạ lúa rồi để đó em lo. Sắp tới ngày đám… giọng dì nghẹn lại. Ý em là sắp tới ngày đám dạm hỏi con… Thủy con anh. Anh nên ra đó dù gì nó cũng còn cha. Hơn nữa hồi tụi mình cưới chỉ có đơn vị chứng kiến chớ đâu có hôn thú gì đâu. Anh trở về mình là vợ chồng trên danh nghĩa chớ luật pháp đâu có công nhận. Em nghĩ kỹ mình không có gì ràng buộc, con cái không có, còn cô ấy mới là vợ chính thức của anh. Với lại anh cũng còn có hai đứa nhỏ, giờ con gái sắp lấy chồng anh làm cha phải có mặt. Phần em sống một mình đã quen, duyên nợ vợ chồng mình… Dì dừng lại, rồi tiếp lời. Tiền đi tàu xe em chuẩn bị hết rồi. Mấy tháng nay anh đưa em cất đó giờ có việc xài anh cứ lấy đi.

Bảy Cần và nửa miếng cơm, nghẹn đắng, cái điều ông sợ nhất lại đến sớm hơn ông tưởng. Nước mắt ông rơi xuống, lặng căm. Dì Hiên quay mặt nơi khác khóc rưng rứt. Mấy chục năm qua dì đâu nghĩ mình phải đối diện với điều cay đắng nhứt của cuộc đời làm vợ là khuyên chồng đến với người đàn bà khác. Còn mình lại từng đêm, từng đêm khắc khoải trong cảnh chăn đơn. Dì quay lại nói:

– Anh chuẩn bị rồi khuya nay đón xe đi sớm, vé tàu xe bây giờ khó mua lắm. Cố gắng ra cho kịp ngày… Dì bỏ lửng câu nói.

– Mình ơi! Anh thương mình. Nhưng còn mẹ con cô ấy, dù gì tụi anh cũng là vợ chồng hai chục năm nay, mong em hiểu cho anh. Lúc nhận thư anh định nói cho mình biết lại không biết lúc nào mở lời được. Thôi thì đằng nào mình cũng đã biết rồi mong mình tha thứ cho anh. Anh ra đó sắp xếp mọi thứ xong anh sẽ quay về sống những ngày cuối đời bên cạnh em vậy. Được không mình?

“Dù gì tụi anh cũng là vợ chồng”. Câu nói nầy chẳng khác nào Bảy Cần cầm con dao cắt đứt mọi mối quan hệ với dì? Lê từng bước chân nặng nề ra tới vườn trầu dì mới bật thành tiếng nức nở. Giọng con Mén nhà bên kia xẻo nhỏ hát ru em nó: “Trồng trầu thì phải khai mương. Làm trai hai vợ anh thương vợ nào?”

Nắng chói chang một góc vườn trầu. Màu xanh lá dần chuyển màu qua làn nước mắt nhòe nhoẹt của dì Hiên. Trầu không xanh lá vì anh đã phụ em!