Trên đất này, vài mảnh hồi ức – Tản văn Nguyễn Đông Nhật

611

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà thơ Nguyễn Đông Nhật có bút danh: Nguyễn Thiên Trung, Minh Thuyên, Nguyên Khang, Khải Minh… Năm sinh: 1950. Quê quán: Giao Thủy, Đại Lộc, Quảng Nam.


Nhà thơ Nguyễn Đông Nhật.

Tác phẩm đã xuất bản:

Thơ in từ năm 1969-1971. Sau năm 1975 đến nay, đã in khoảng 1400 bài thơ và 1000 bài viết trên khoảng 80 tờ báo và tạp chí: Tạp chí Thơ, Viết & Đọc, Văn Nghệ TP.HCM, Văn hóa Phật giáo, Giác Ngộ, Sông Hương, Đất Quảng, Non Nước, Văn nghệ Bình Dương, Quảng Nam, Đà Nẵng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Doanh Nghiệp, Du Lịch Việt Nam… và khoảng 40 tuyển tập thơ.

Thơ:

Huế từ ấy (1977), Thơ 1978-1988 (Hội VHNT Quảng Nam – Đà Nẵng, 1988);
100 bài thơ hay 1993 (Báo Văn nghệ TP.HCM), Trong hoàng hôn gió (1995);
Thơ văn nhóm VIỆT (1998);
Trăng của ngày (1999);
Nhìn lại một chặng đường văn học (2000);
Thơ bốn câu (2001);
Bài ca của gió (2002);
Phía sau tôi (2003);
Một trăm bài thơ (2005);
Trăm năm thơ Đất Quảng (2005);
Tuyển tập thơ TP.HCM (2005, 2007, 2008),
700 năm thơ Huế (2008);
Đà Nẵng Thơ (2012);
Thơ chọn (Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm – 2016);

Tản văn: Vu vơ sợi gió (2009).

Trên đất này, vài mảnh hồi ức

Bất khả là cảm nhận có thực khi muốn nói lên điều gì từ sâu xa lòng mình chỉ trong một bài viết ngắn, về nơi đã sống mấy mươi năm, đã qua bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn, những hân hoan rạng rỡ, những đớn đau lặng thầm… Cho nên, đôi mảnh hồi ức vụn rời này chỉ là chút kỷ niệm của bản thân đối với một vài con người đã tiếp xúc, đã sống cùng… Và phía sau cái bóng của họ là vài ảnh chiếu về mảnh đất, con người mà họ đã gắn bó máu thịt. Như thế cũng đã là tham vọng lớn lao quá, cho nên, càng nhận biết thật rõ sự non yếu của ngòi bút chính mình! Nhưng rồi, những con chữ cứ lần lượt hiện ra như tuân theo một mệnh lệnh vô hình mà không thể chối từ!

Nhớ lại

Sài Gòn 1969. Cảm nhận thật rõ mình chỉ là một con kiến li ti giữa cái thành phố đông người nhất miền Nam lúc ấy, miền Nam mới chỉ là một nửa phần tổ quốc mà những ưu tư tìm kiếm của thế hệ những người trẻ tuổi chúng tôi đã dẫn đến con đường đấu tranh cho sự thống nhất. Trong những ngày vừa đến giảng đường, vừa bán báo mưu sinh, vừa bắt đầu viết lách, tôi dần dần hiểu ra cái tình cảm thực giữa những người ở tầng lớp gọi là bên dưới xã hội. Còn nhớ thời gian tạm trú trong những cái nhà chòi trên dòng kênh nước đen hôi thối tại khu vực đường Kỳ Đồng, Quận 3. Rồi sau đó là những ngày đi bán báo rong. Những buổi chiều đầu tiên, “điểm đến” là khu vực Lê Lợi-Nguyễn Huệ, vì mơ tưởng rằng đấy là nơi của tầng lớp nhà giàu, sẽ nhanh chóng bán được. Nhưng đi suốt qua nhiều nhà hàng, quán xá sang trọng, chỉ gặp những khuôn mặt thờ ơ lãnh đạm… Thất vọng, ôm chồng báo về khu Bàn Cờ, Vườn Chuối và thực sự ngạc nhiên khi bán hết veo! Có lần, đi ngang qua trụ sở Tổng liên đoàn Lao công (cũ) đoạn đầu đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám), thấy đông người đang chuẩn bị họp, bèn liều lĩnh “xông vào”. Và cũng bán hết ngay 60 tờ nhật báo. Chợt hiểu: Chỉ có những người lao động nghèo khổ mới khát khao một sự thay đổi, chứ tầng lớp “bên trên” thì chẳng hề bận tâm đến thời cuộc, vì cuộc sống của họ đã vốn “dư thừa”. Có lẽ đó là bài học không quên về việc nhận biết sự khác nhau giữa các tầng lớp người trong xã hội.

Những buổi chiều đi bán báo không kéo dài: Cuộc đấu tranh của phong trào đô thị nổ ra đã kéo chúng tôi vào những cuộc xuống đường, bãi khóa. Và những bài thơ viết lúc ấy, in trên các tờ báo roneo rồi sau đó trên tạp chí Đối Diện, giờ đây sau hơn 50 năm nhìn lại, thực lòng mà nói, chỉ là “kỷ niệm” thời trẻ tuổi nồng nhiệt, say mê chứ không hề “văn chương chữ nghĩa” gì cả…

Và cũng theo dòng cuộn xoáy khốc liệt trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động, tiếp sau những ngày đấu tranh trên trận địa đường phố, là những tháng năm ở chiến khu, trên đất Campuchia. Rồi sau khi Hiệp định Paris được ký kết, chúng tôi chuẩn bị trở lại miền Nam, theo từng nhóm với công việc khác nhau. Anh Sáu Tĩnh bảo: Năm Nhựt chuẩn bị qua chỗ anh Giang Nam. Tôi thực thà khai báo: Tôi không phải là dân chuyên nghiệp, chỉ viết quấy quá dăm bài, thì làm sao qua chỗ các tên tuổi lớn như Lý Văn Sâm, Trang Thế Hy, Viễn Phương, Trần Hiếu Minh, Lê Văn Thảo, Chim Trắng… được? Là vì, tự nghĩ, theo tinh thần của Hiệp định, chúng tôi sẽ được đưa vào chiến trường quen thuộc và phù hợp trong mặt trận đấu tranh chính trị. Và thêm nữa, lúc đó đã nhớ Thành phố lắm rồi. Vậy là, tôi đã không có được cái “duyên” với Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam.

Về miền Nam. Trên vùng đất Củ Chi – Thanh An – Hố Bò – Bến Súc lúc ấy, Sài Gòn là cái quầng sáng bồn chồn thương nhớ đó / cứ đêm đêm nức nở gọi ta về (thơ Lê Anh Xuân). Sài Gòn và miền Nam và Việt Nam lúc ấy, cũng là nơi mà chúng tôi không muốn chết vì hư danh / không thể chết vì tiền bạc / chúng ta lạ xa với những tin tưởng điên cuồng / những liều thân vô ích / đất nước đẹp mênh mang / đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt / chỉ riêng cho Người chúng tôi dám chết…, như sâu xa tâm cảm của nhà thơ Thanh Thảo trong bài thơ Thử nói về hạnh phúc (viết năm 1972) mà tôi đọc được một thời gian sau đó. Còn nhớ, trước khi trở lại miền Nam, điều mà nhiều người được nhắc nhở, và chân thành tự dặn lòng, là: Hãy thận trọng trước “những viên đạn bọc đường”. Sau chiến tranh, có không ít người đã ngã gục trước những viên đạn bọc đường ấy! Phải chăng, chỉ có những ai giữ được tấm lòng ngay thẳng và không bị lôi cuốn theo những cám dỗ vật chất mới có thể? Còn đối với bản thân, thì phải chăng, chính sự “sợ hãi” đã cầm giữ được, như một câu thơ đã viết dưới tán lá rừng, năm 1974: Tôi và bạn thường nhớ nhung góc phố sáng ánh đèn / và giữ đến đau giữa ngực / bóng tối dưới chân những thành phố… / Nỗi sợ của chúng tôi là mai kia / sẽ quên đi màu nắng đại ngàn / sẽ ngạt thở trước ánh phản quang lừa dối.

Cuộc sống, là sự đan xen giữa bóng tối và ánh sáng. May mắn, là chúng tôi hiểu đtfợc điều ấy, không quá muộn.

Có phải vì vậy, mà đôi khi vẫn hiện lên giữa những buổi chiều không nhan sắc trong những ngày buồn của độ tuổi “nhi bất hoặc”, những con người bình thường, lam lũ mà kiên trung của vùng đất ven đô Sài Gòn, những năm tháng ấy.

Như một đêm tháng 4/1973. Đêm đầu tiên về Thanh An (Thủ Dầu Một). Mảnh trăng đỏ lừ trên đất đồng khô cháy. Cái chòi lá, gió giật le te. Ngọn đèn dầu chập chờn. Bát nước chè và bàn tay mẹ. Mùi cỏ đốt đồng trong những buổi chiều Hố Bò, Bến Súc còn phảng phất hơi cay, trong bóng tối của hồi ức… Những ngày tháng ấy, chúng tôi dần dần hiểu thêm về Đất Mẹ: Nhân Dân.

Nhân Dân, là Năm Nghĩa, cậu bé bảy tuổi đã nhanh trí cứu tôi khỏi chết đuối ở một con kênh nước chảy siết tại tỉnh Cần Đan (Campuchia) vào năm 1972. Nhân Dân, là Thọ bảo vệ, đã dặn tôi: Sau này về Sài Gòn, khi anh Năm in bài báo, anh nhớ chấm ba chấm phía trước cái tên anh, là em sẽ tìm cách liên lạc. Thọ nói vậy, vì hồi đó do “ngăn cách”, chúng tôi không được tiết lộ về bản thân. Năm 1979, khi in bài trên báo Văn nghệ TP.HCM, tôi vẫn nhớ lời Thọ dặn, nhưng làm sao có thể yêu cầu tòa soạn làm một chuyện “kỳ” như thế!? Nhân Dân, ơi những chú Ba Huyền Phong, Năm Lửa ở hậu cứ Thành Đoàn tại Xóm Giữa (Tây Ninh). Ơi những dì Bảy, chú Tư đặt ống trúm của Bến Cát năm xưa. Bây giờ, những người thân thương ấy ở đâu? Đâu rồi những con người vô danh ở cả hai miền Nam – Bắc đã góp máu xương cho ước vọng ấm no, hạnh phúc? Hay xác thân họ đã hòa vào mảnh đất đầy nắng gió phương Nam này?

Và lại hiểu rằng, hạnh phúc của những người bình thường thân yêu ấy không bao giờ là những bàn tiệc thừa mứa, những phố lầu lộng lẫy trùm bóng lên những đời bất hạnh!

Liên tưởng

Nỗi sợ đã giữ cho chúng tôi không rơi vào bùn nhơ là một sự sợ hãi cần thiết. Nhưng còn có nỗi sợ khác, như một căn bệnh vô hình khó ai thoát khỏi: Sợ nói thực. Gốc rễ của căn bệnh này có từ rất xa trong quá khứ, và ngày càng phát triển, theo với sự xuống cấp về mặt tinh thần, trên toàn thế giới. Cũng có nghĩa là, khi vật chất lên ngôi, thì đạo đức tụt giá: Khi nào cái sở hữu (avoir – have) phát triển thì cái chủ thể (être – be) teo rút lại.
Tất nhiên tôi cũng không thoát ra được cái tâm thái xao xuyến bao trùm ấy. Đó là, vào năm 1976, khi đọc bài báo “Cái bi kịch đã lui vào dĩ vãng” (nội dung: Sau năm 1975, xã hội không còn bi kịch) của một tên tuổi lớn, tôi rụt rè đặt câu hỏi cho chính mình:

1. những nhà thơ buồn chết đi / nhưng có phải nỗi buồn đã chết? / và bài ca trong những bóng đời riêng / ai sẽ hát?

2. không ai hát lên nỗi buồn riêng / nhưng bài ca còn nguyên vẹn đó / trong trái tim xưa còn sinh nở đến ngày mai / người chỉ biết có niềm vui chăng, hỡi người?

Ghi lại câu hỏi ấy trong sổ tay, không dám chia sẻ với ai! Đến năm 1980, nghe ồn ào lên chuyện bài thơ “Đánh thức tiềm lực” của nhà thơ Nguyễn Duy:

“… Lời nói thật thà có thể bị xử tội / lời nịnh hót, dối lừa có thể được tuyên dương / Có cái miệng làm chức năng cái bẫy / sau nụ cười là lởm chởm răng cưa… / Cần lưu ý có lắm nghề lạ lắm / nghề mánh mung cứa cổ bóp hầu nhau / nghề chửi đổng, nghề ngồi lê, nghề vu cáo / nghề ăn cắp lòng tin và chẹt họng đồng bào…”. Đó là thời điểm chuẩn bị thành lập Hội Nhà văn Thành phố. Nhiều năm sau, Nguyễn Duy nhớ lại: Viết thế thì chỉ dám đọc chơi với vài bạn rượu tri kỷ. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng an ủi: “Cứ đợi đấy, rồi sẽ đến hồi có người nghe và có người in”. Và không phải đợi quá lâu: Người nghe “quan trọng” nhất là ông Sáu Dân, vào dịp Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt nói chuyện với văn nghệ sĩ. Nguyễn Duy nhớ lại lời người lãnh đạo cao nhất Thành phố và anh xúc động, nhận ra nét nhân tình ít thấy ở các quan lớn. Và thế là thi sĩ xuất bản miệng một lèo: “… có lẽ nào người lớn cứ ru nhau / ru tiềm lực ngủ vùi trong thớ thịt…/ Tiềm lực còn ngủ yên trong quả tim mắc bệnh đập cầm chừng / Tiềm lực ngủ yên trong bộ óc mang khối u tự mãn”.

Cả hội trường lặng ngắt. Ông Sáu cũng im lặng, rồi chậm rãi: “Nặng lắm. Nhưng chịu được”… “Nhưng vấn đề ở đây không phải là chống tiêu cực hay biểu dương tích cực. Vấn đề ở đây là con người, là văn hóa. Con người có thức dậy thì đất đai mới thức dậy được…”.

Ngay thời điểm ấy, đã có những người biết nghe. Có thể chưa nhiều lắm, nhưng càng ngày càng nhiều hơn lên, theo vận động tự nhiên của cuộc sống. Nhắc lại chuyện này, là để tự dặn lòng, rằng đối với người cầm bút, điều quan trọng nhất là nói thực những gì mình nghĩ, miễn là suy nghĩ ấy không tách rời với con người và cuộc sống chung quanh. Đoạn thơ ngắn chỉ dám ghi trong sổ tay, gợi nhớ anh Chim Trắng, người đã in khá nhiều thơ tôi từ năm 1979 – 1980 (và suốt 7-8 năm sau đó, tôi không gửi bài cộng tác, vì… buồn). Khi ấy, tôi chưa được gặp anh. Vậy mà trong lần sơ kiến, tôi đã vô tình mà… vô lễ chòng ghẹo anh. Nhưng anh là người rộng lượng, không chấp nhặt; sau đó, anh bảo tôi tiếp tục gửi bài. Bài thơ ngắn ghi trên là 1 trong 11 bài trên trang báo Văn nghệ Tp.HCM giới thiệu thơ tôi, năm 1989, do anh viết chapeau. Có lần ngồi ở tòa soạn báo Văn nghệ (ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, bây giờ là Nguyễn Thị Minh Khai), chuyện café lan man dẫn đến chuyện nhân cách, anh Ba hỏi: Ông có nghe điều tiếng gì về mình không? Và sau khi nghe trả lời, chúng tôi đều thấy có chút vui, vì ít nhiều có điểm giống nhau trong quan niệm sống.

Năm 1990, khi được anh Ba tặng tập thơ Có một mùa thu trong vừa in, tôi hỏi báo Phụ Nữ TP.HCM: Nếu báo giới thiệu tập thơ này, tôi sẽ viết bài? Được ok, tôi giao bài. Chờ; hơi sốt ruột, vì đã lỡ “khoe” với anh Ba, tôi phải đến tòa soạn để hỏi (thời ấy, chỉ ở cơ quan mới có điện thoại bàn nhưng “cấm” dùng vào việc riêng). Bài được trả lại, vì viết “cao quá”, khó đọc. Tôi phải gửi báo Tuổi Trẻ. Ngày 5/2/1991 báo ra. Bài bị cắt, từ 800 chữ còn 300 (theo số chữ được qui định của mục điểm sách); hẳn nhiên không còn mặt mũi gì cả, ngớ ngẩn, khó hiểu… Tôi lại phải xin lỗi anh Ba; anh cười nhẹ: Mình biết việc lên trang báo mà. Bài điểm sách này, bản gốc viết tay đã mất. Nhưng tôi vẫn đưa vào tập sách dự định xuất bản, vì muốn giữ lại kỷ niệm với người mình quý trọng. Kỷ niệm với anh Ba cũng nhiều, như chuyện tôi vào Hội khá muộn, nhưng… thôi vậy.

Nhiều năm sau này, tôi thường đi đây đó, không đọc báo, hiếm khi liên lạc với ai. Khi anh Ba mất, mãi vài tháng sau tôi mới biết. Nơi xa, khi lặng lẽ thắp một nén nhang nhớ anh Ba, tôi tin, anh nhìn thấy.

Đi trên những con đường

Đi trên những con đường hôm nay mà nhớ những con đường đã qua. Từ hương phấn mở cõi Huyền Trân để hai châu Ô-Rí trở thành Thuận Châu và Hóa Châu. Từ những bước chân Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào mảnh đất “dưới sông sấu lội trên giồng cọp um”. Sài Gòn là đất của dân “tứ chiếng”, theo nghĩa đẹp của từ này, là chỗ tựa cho những người tìm về thành phố theo nhiều dự định khác nhau. Và sau đó khoảng mươi năm, dường như phần lớn trong số họ đã làm nên phong thái chung của sắc điệu Sài Gòn.

Tên đất, tên người cũng mang một bản sắc văn hóa riêng: Không phải Tam Thái mà phải là Tam Thới, Tân Sơn Nhứt chứ không nên là Tân Sơn Nhất… Rồi những: Chợ Bà Chiểu, giồng Ông Tố, cầu Ông Đen… Tất cả: Rõ ràng, mộc mạc. Ngay cả mâm hoa quả trên bàn thờ gia tiên với những trái quả từ một thiên nhiên ưu đãi cũng thể hiện nét hồn nhiên trong mơ ước của lòng người: Cầu dzừa đủ xài (mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài)…

Dòng sống chảy thật nhanh, thành phố lớn nhất phương Nam này giờ đã khác lắm, so với mấy mươi năm trước. Những người lớn tuổi lo xa rằng, e đến một lúc nào đấy, những tên chợ như Bà Điểm, Cây Quéo… sẽ dần mất đi chăng? Ý ông bạn hẳn rằng, nét lộn xộn đáng yêu của “khái niệm chợ” sẽ bị cái sạch sẽ của các siêu thị đẩy lùi! Những người trẻ tuổi và thành đạt lại kêu lên: Sao mà các thứ lễ – tục cũ kỹ vẫn chưa chịu biến mất cho rồi!

Có phải một đức tính đáng yêu của người Sài Gòn là lòng mến khách, đang dần nhạt đi? Có phải, sự giản đơn của nếp sống công nghiệp đã vô hình tước đoạt ý nghĩa đoàn tụ gia đình trong dịp Tết? Và còn bao nhiêu câu hỏi cần thiết khác đang chờ đợi đtfợc trả lời…

Có lẽ cũng không cần phải bận lòng quá nhiều đến tương lai hoặc quá khứ, vì thời gian, ở mỗi giai kỳ của nó, đều có những việc làm riêng. Và, cốt lõi của cái thực thể phức tạp và sống động là cộng đồng Việt, là một sức mạnh không có gì ngăn chặn được. Không ai phá hủy nổi. Muốn gọi là gì cũng được. Là văn hóa (cultural), văn minh (civilization) hoặc bao nhiêu định nghĩa khác…

Nhớ một bài hát cũ

Đi trên những con đường hôm nay, đôi khi miệng lẩm nhẩm câu hát cũ: “Đời mình là một khúc quân hành…” của cố nhà thơ Diệp Minh Tuyền; nhưng do điều kiện lan tỏa của âm nhạc luôn lớn hơn thơ ca, nên nhiều người vẫn quen gọi anh là nhạc sĩ. Tôi chỉ gặp anh thoáng qua vài lần, vào những lúc đến nhận nhuận bút bài viết in trên tạp chí Sóng Nhạc, khoảng những năm 1990 -1991. Nhiều năm sau, khi anh đã mất, Đoàn Vị Thượng nói trong một lần café cóc: Thượng biết anh lâu rồi, đâu khoảng 1980, vì hồi đó có nghe anh Diệp Minh Tuyền nhắc đến thơ anh. Có lẽ, anh có đọc thơ tôi, in khá đều trên Văn nghệ Thành phố, khoảng thời gian đó. Vậy là thêm một lần hiểu rằng, tình cảm của những người làm văn nghệ chân chính là vậy: Lặng lẽ, không phô trương mà chân thành, sâu xa. Nhà thơ Diệp Minh Tuyền xung phong trở lại miền Nam khi công tác tại Viện Văn học. Ngày nay, nhiều người không hiểu sự chọn lựa ấy. Nhưng đó là việc bình thường và phải đạo của những người yêu nước, thời ấy…

Giờ đây, tại quận 9, có con đường mang tên anh. Đó là sự ghi nhận của Thành phố về đóng góp cho văn học đối với một người kháng chiến cũ.

Phía sau và phía trước

Phía sau, Sài Gòn (cũ) là những dòng kênh nước đen hôi thối, những xóm áo gió nhếch nhác ở Quận Tư, những xóm Nhị Tì, xóm làm giỏ cần xé đẫm mồ hôi, những người bình dân nghèo cực… Và phía trước, dù còn không ít việc phải lo và những ngổn ngang, nhưng lòng vui khi nhìn thấy đời sống vật chất của bà con đã khá hơn 40 năm trước gấp nhiều lần… Không nên dài dòng các con số thống kê mà đối với bất kỳ ai, kể cả những người đã bỏ nước ra đi, những “ấn tượng” họ ghi nhận về những đổi thay của Thành phố là những bằng chứng không thể… cãi cọ.

Đi trên những con đường hôm nay, và nhận được điều giản dị mà sâu xa: Đất trời đã gửi trao cho người món quà quí: Thành phố đầy nắng gió và rộng rãi tình người này.

Đi trên những con đường hôm nay, để nghe vọng lại tiếng giáo gươm trên đường Nam tiến. Máu, mồ hôi và những đớn đau cùng niềm tin và hy vọng. Để thấm tận rằng, cái đà sống (elan vital) của một cộng đồng là tổng thành của những giấc mơ mà mục đích cuối cùng là sự kết tinh của những gì hướng về phía đám đông và vì lợi lạc của người khác.

Để luôn nhớ Thành phố này, từ những năm tháng khẩn hoang đầu tiên đã cùng nhau đùm bọc để vươn lên trong tinh thần hào hiệp, trượng nghĩa, bên cạnh những nét sinh hoạt riêng của người Khmer và người Hoa. Nhất là trong những ngày tháng này, khi cơn hồng thủy Corona đang càn quét thế giới, mới càng thấy rõ hơn tình yêu thương của bao lớp người dân Thành phố.

Tất nhiên cũng là để biết giữ gìn, không thể khiến cho những tiếng vật chất cướp đi vật vô giá ấy. Nghĩa là, phải có Tình yêu. Cũng có nghĩa là, bên cạnh việc “đẩy mạnh”, “phấn đấu”, “tăng cường”… mọi người nên “tập trung” cho Tình yêu. Tình yêu, cái năng lượng có sức mạnh “bình phương ánh sáng”, như di ngôn của nhà bác học vĩ đại trong thế kỷ XX là Albert Einstein. Đó cũng là ý nghĩa sâu xa và chính xác cho câu hỏi bình thường nhất: Hạnh phúc là gì?

Đối với người cầm bút, lẽ nào có thể quên câu nói của văn hào Nga A. Tchekhov: Trong sáng tác, tự do cao hơn mọi thần linh. Và lời dặn của nhà phê bình văn học Viên Mai: Văn chương tối kỵ tùy nhân hậu. Nghĩa là, không “theo” ai cả!

Và, đối với người cầm bút, câu hỏi đầu tiên và cũng là câu trả lời cuối cùng: Hãy Yêu đất. Yêu người.

1/6/2021

N.Đ.N