Lê Xuân
(Vanchuongphuongnam.vn) – Dù chưa một lần được gặp nhà giáo, nhà thơ, nhà Phê bình văn học Trịnh Vĩnh Đức nhưng chỉ đọc những bài thơ, những tiểu luận văn học đăng tải trên trang Vanvn.vn của Hội nhà văn Việt Nam do anh viết, tôi đã bị ám ảnh. Và từ đó những đàm đạo về dạy văn và nghề văn luôn gắn kết chúng tôi như hai anh em thân thiết. Với công việc bận rộn trong công tác quản lý đã một thời đi qua, anh vẫn giành thời gian cho thơ văn, nghiên cứu lịch sử, văn hóa của quê hương Hoằng Hóa và xứ Thanh với một tấm lòng sâu nặng. Tập “Tri âm cùng con chữ” (Tiểu luận – Phê bình, NXB Hội Nhà văn- 2021) là tác phẩm thứ ba sau “Lịch sử Đảng bộ Hoằng Sơn – 2013” và tập thơ “Hương biển – 2018”. Trịnh Vĩnh Đức đã thử sức mình trên nhiều thể loại: thơ, tản văn, bút ký, khảo cứu và Phê bình văn học… Nhưng theo tôi, anh thành công hơn cả là ở mảng Tiểu luận và Phê bình văn học.
Phần lớn các nhà Phê bình văn học đều có làm thơ, và chính tư duy hình tượng trong thơ đã giúp cho những trang viết về Phê bình văn học mang đậm chất văn, không bị cuốn đi bởi tư duy lô gíc đầy tính luận lý. Được đào tạo tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng với sự đam mê học hỏi và sáng tạo nên cái khung tri thức về Lý luận phê bình của anh khá vững chắc, làm bệ phóng cho những bài Phê bình vừa có sự vận dụng lý thuyết vừa có sự cảm nhận về tác phẩm, tác giả một cách tinh tế mang dấu ấn Trịnh Vĩnh Đức.
Nhà phê bình Trịnh Vĩnh Đức ở Thanh Hóa.
Tập Tiểu luận và Phê bình văn học “Tri âm cùng con chữ” là tác phẩm đầu tay về Phê bình văn học của nhưng anh đã tỏ ra khá vững chắc về bút pháp và khá nhạy bén để tìm ra cái riêng của mình. Tôi nghĩ làm nghiên cứu phê bình văn học vất vả vô cùng. Người thì tán dương, người thì khắt khe khó đồng cảm do quan điểm cá nhân khác nhau của mỗi người. Song, với Trịnh Vĩnh Đức bản lĩnh nghề nghiệp đã đưa anh dấn thân vào ma trận chữ nghĩa. Trong đó không thể không nói đến công phu mà anh nghiên cứu thực hiện trong quá trình đi tìm cái đẹp nghệ thuật trong văn bản. Tôi đồng cảm với một số nhà phê bình có tiếng đã từng tâm sự: “Viết phê bình đúng thì dễ, còn hay thì khó”. Vậy Trịnh Vĩnh Đức viết “Tri âm cùng con chữ” với phong cách nào? Tôi nghĩ trước hết anh viết bằng ý thức và trách nhiệm cao với tác phẩm. Bằng con đường tìm ra nét đẹp nghệ thuật để rồi đồng sáng tạo với tác giả, tác phẩm, theo sát mạch chảy, hơi thở văn học đương đại. Từ đó tìm ra cách diễn ngôn riêng phù hợp với học thuật một cách nghiêm túc. Anh thường gắn lý thuyết về cái nhìn trực giác văn bản nghệ thuật với tác phẩm nghiên cứu. Cách phê bình của anh, thường nghiêng về thi pháp học. Với 18 bài viết về các tác giả, tác phẩm văn học thuộc dòng đương đại, anh đã có những hiểu biết sáng tạo nhất định qua cách nhìn đánh giá chân dung tác phẩm nghệ thuật của mỗi nhà văn, nhà thơ, có khá nhiều ưu điểm từ một góc nhìn. Trong đó, có những tác giả được phủ sóng khá rộng trên diễn đàn văn học mấy chục năm qua như Nguyễn Bính, Nguyễn Minh Châu, Hà Minh Đức, Văn Giá, Chu Văn Sơn. Và một số tác giả ở các tỉnh có đóng góp nhiều cho văn học địa phương, tạo thêm hiệu ứng mới được nhiều bạn đọc biết đến như Từ Nguyên Tĩnh, Lê Xuân, Nguyễn Minh Khiêm, Huy Trụ…
Bìa tập tiểu luận và phê bình văn học “Tri âm cùng con chữ” của Trịnh Vĩnh Đức.
Các bài viết đó đã cho ta thấy một sức đọc rất nghiêm cẩn của anh và một sự cảm nhận văn chương nhanh nhạy, luôn phát hiện được những “điểm sáng thẩm mỹ” trong tác phẩm và những điểm mạnh hoặc những mặt còn hạn chế ở mỗi tác giả. Viết về những tập thơ, tập truyện cho hay đã khó, nhưng khi viết về chân dung một nhà phê bình văn học thì lại càng khó hơn. Anh đã dày công để tìm hiểu về hoàn cảnh xuất thân, quá trình sống và viết của tác giả và những tác phẩm mà nhà phê bình đã công bố. Điều quan trọng là phải nắm được đúng phong cách, quan điểm về văn chương và cuộc sống của nhà phê bình ấy, để rồi “Lấy hồn ta để hiểu hồn người” như nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nói. Có thể xem các bài viết của anh là một “lát cắt” về chân dung văn học của các tác giả mà anh yêu mến, quý trọng.
Đáng chú ý, các tác giả Nguyễn Bính, Nguyễn Minh Châu, Hà Minh Đức, Văn Giá, Chu văn Sơn đã có nhiều bài viết của các nhà Phê bình văn học, nhưng Trịnh Vĩnh Đức đã không bị “cái bóng” của những bài viết hạng “cây đa cây đề” ấy che khuất mà anh luôn tìm được những điểm mới để “điểm nhãn”. Viết về Nguyễn Bính, anh đã tinh tế nhận xét: “Với tôi, Nguyễn Bính là thi sĩ thổi ngọn lửa quê ấm áp và say tình nhất. Ông có chất lãng du, lãng mạn lên bổng xuống trầm trong trường đời của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông… Thơ ông đậu lại ở những mảnh vườn xinh, trong những căn nhà ngõ ngách nấp sau lũy tre xanh hoặc lấp ló trong những hội làng hẹn chờ em qua ngõ” (Trang 5). Với cách hành văn giàu chất thơ và nhịp điệu như vậy, khi đọc lên ta có cảm tưởng như đọc một đoạn “thơ văn xuôi” phù hợp với phong cách thơ Nguyễn Bính.
Khi viết về các nhà Phê bình văn học Hà Minh Đức, Văn Giá, Chu Văn Sơn, Lê Xuân, Lê Xuân Soan, Thy Lan… anh tìm hiểu khá kỹ về thân thế sự nghiệp, các tác phẩm của các tác giả này, để từ đó nêu bật những mặt thành công của mỗi tác giả. Trong bài “Văn Giá – một đời dạy và viết” anh như tìm được người thầy, người bạn đồng môn với mình, cùng dạy học và viết văn. Anh nhận xét khá tinh về cái tài, cái đức của một nhà giáo khi dạy văn và viết văn; “Trong đời dạy học, nhà văn, nhà giáo Văn Giá luôn quan tâm về cái chung của chất lượng giáo dục nước nhà… Văn học nhà trường nên có sự liên thông tương tác với nền văn chương đương đại… phải được đặt trong bối cảnh xã hội hôm nay, và phải nhìn rõ sự dịch chuyển tương ứng với thời đại” (Trang 22). Văn Giá là một tác giả đa tài trên nhiều lĩnh vực: thơ ca, phê bình, khảo cứu… nhưng thành công hơn cả là những bài Phê bình văn học. Anh đã nghiên cứu và tiếp cận nhiều trường phái văn học, nhiều lý thuyết về thi pháp Đông Tây khác nhau nhưng luôn có sự sáng tạo để vận dụng vào thực tế giảng dạy ở Việt Nam và cho ra đời những công trình nghiên cứu phê bình được đông đảo bạn đọc yêu thích, chấp nhận. Trịnh Vĩnh Đức đã khái quát ngắn gọn mà đầy đủ về năng lực sáng tạo của Văn Giá: “PGS – TS Văn Giá đã được giới học thuật xem như một hiện tượng sắc sảo trong hoạt động nghiên cứu phê bình hiện nay. Và những lớp học trò ông dạy coi Văn Giá như một thần tượng. Những kiến giải về văn chương trong nhận diện, phân tích khái quát của Văn Giá tinh và lạ, sắc sảo và uyên thâm. Đặc biệt cách phê bình văn học “lấy người để hiểu văn, lấy văn để hiểu người” có sức lôi cuốn lớn” (Trang 24).
Với nhà Phê bình văn học Chu Văn Sơn, Trịnh Vĩnh Đức đã “điểm nhãn” để chỉ ra cái tinh hoa nổi bật ở mỗi bài viết là “chất văn và giọng điệu riêng” trong mỗi tiểu luận về chân dung văn học. Chu Văn Sơn cũng một đời dạy và viết như Văn Giá, nhưng con người tài hoa này đã “ra đi” quá sớm để lại bao nuối tiếc cho học trò và bạn đọc. Và anh khẳng định: “Trong hành trình xuất chữ của mình, văn chương Chu Văn Sơn khá điển hình trong tư duy nghệ thuật, trong sự tri giác về sự vật và hiện tượng đến độ tinh xảo có chất tài năng đích thực” (Trang 55).
Còn với nhà nghiên cứu Phê bình văn học nổi tiếng Hà Minh Đức anh đã tìm thấy chất Thanh trong các bài viết. Nhân vật xứ Thanh, hiện tượng xứ Thanh trong trường kỳ lịch sử. Tất cả đã hiện nguyên trong tác phẩm của Hà Minh Đức đã được anh luận giải, bình phẩm khá minh triết lôi cuốn. Riêng với lớp trẻ xứ Thanh, Trịnh Vĩnh Đức vẫn dành thời gian đọc kỹ và sâu. Thể hiện trong bài viết về tác phẩm “Mạch ngầm con chữ” của nhà phê bình trẻ Thy Lan rất giàu cảm xúc. Vừa trân trọng vừa gợi mở khám phá những ưu điểm mà Thy Lan có được. Hình như, anh đã giành nhiều tình cảm ưu ái cho cây viết nữ đa giọng điệu này qua những bình phẩm khá tinh tế ở bài “Giải mã thơ qua mạch ngầm con chữ” (Tác phẩm đạt giải B của Liên hiệp toàn quốc các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và giải C của Hội đồng Lý luận Văn học Nghệ thuật Trung ương). Những nhận xét tinh tế, hàm súc nêu bật được giá trị tác phẩm phê bình của Thy Lan: “Khám phá các cấu trúc hình tượng nghệ thuật, nhà phê bình văn học Thy Lan đã bắt đúng “mạch ngầm” của thi ca và những câu chuyện văn xuôi ngọt đắng, tình đời để “thổi hồn”vào con chữ làm cho tác phẩm văn học thêm lung linh, sống động. Và những con chữ ấy lại hiện lên lớp phù sa văn chương màu mỡ để chị thăng hoa trong ngòi bút, góp thêm cho đời những gia vị ngọt ngào trong đời sống văn học hiện nay (Trang 129).
Về mảng nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian qua tác phẩm “Cảm nhận về vẻ đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian Nam Bộ” của nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Xuân – người con của xứ Thanh, sống và làm việc trên đất Cần Thơ, nơi “gạo trắng nước trong”, Trịnh Vĩnh Đức tỏ ra rất am tường, có vốn văn hóa dày dặn khi nghiên cứu tác phẩm này. Sự bình phẩm, luận giải hiểu sâu và kỹ đã giúp người đọc yêu mến, hiểu sâu hơn về vùng đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Nhà văn Lê Xuân đã chỉ ra những nét tiêu biểu, khu biệt hay giao thoa giữa văn hóa văn nghệ dân gian Nam Bộ trong dòng chảy của văn nghệ dân gian các vùng miền của đất nước trên một số mặt: “Những nét đặc trưng của văn hoá khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khá phong phú. Nó được thể hiện rõ ở phong tục tập quán, ở lễ hội, ở tính cách con người. Song, nét khu biệt hơn cả, được phản ánh khá trung thực qua kiến trúc đình chùa gắn với các lễ hội, qua văn minh ẩm thực và đờn ca tài tử”. Tác phẩm của Lê Xuân đã góp phần quảng bá các giá trị về văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam nói chung và văn hóa, văn nghệ dân gian Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng tới các đọc giả trong và ngoài nước, về vùng đất còn rất trẻ và giàu tiềm năng này mà các nhà khảo cứu văn hóa, văn nghệ dân gian cần quan tâm, khai thác hơn nữa. Tác phẩm của anh đã góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống về văn nghệ dân tộc, truyền bá cho các thế hệ con cháu mai sau.
Ngoài những bài viết về các nhà Phê bình văn học, Trịnh Vĩnh Đức giành phần lớn số trang để “khắc họa chân dung nghệ thuật” mười ba nhà thơ mà anh yêu mến qua các thi phẩm nổi bật, như: Nguyễn Bính, Từ Nguyễn Tĩnh, Nguyễn Minh Khiêm, Huy Trụ, Trần Đàm, Lê Xuân Đồng, Phạm Văn Dũng. Với các nhà thơ, anh đã góp tiếng nói đồng sáng tạo đã đưa thơ Hữu Thỉnh, Văn Đắc, Từ Nguyên Tĩnh, Lê Quang Sinh, Huy Trụ, Nguyễn Minh Khiêm, Mạnh Lê… đến với người đọc qua những trang viết rất trang trọng đầy chất thơ.
Những bài viết của anh giàu chất văn và đầy chất trí tuệ, bắt mạch được cái hồn của mỗi nhà thơ để rồi cộng hưởng thêm nhịp điệu mới. Điều đáng nói ở Trịnh Vĩnh Đức là luôn sáng tạo và đổi mới trong cách viết, đem lại cảm xúc mới cho tác giả và tác phẩm. Nếu như ta soi chiếu ở hai góc độ, lý thuyết và sáng tạo thì những trang viết phê bình của Trịnh Vĩnh Đức thể hiện tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu phê bình. Trong bài viết về thơ Nguyễn Minh Khiêm, anh tìm ra phong cách của tác giả. Trên cái thế mạnh nhìn sâu rộng về văn hóa xứ Thanh, và qua thi pháp học, anh đã giải quyết những vùng sáng ấn tượng trong thơ Nguyễn Minh Khiêm. Từ đó giúp người đọc hình dung đối chiếu với các tác giả viết trường ca Việt hiện nay để đồng cảm với việc định danh thơ Nguyễn Minh Khiêm trên thi đàn. Thơ Nguyễn Minh Khiêm theo xu hướng hiện đại đã có nhiều tác phẩm chạm vào nét hoa văn theo dòng chảy của thơ ca Việt. Tính hiển lộ phát sáng trong thơ anh được ngấm sâu vào chiều dài lịch sử, đánh thức những khát vọng lớn lao hôm nay và cả những vọng âm quá khứ.
Vốn là người yêu thơ và làm thơ, Trịnh Vĩnh Đức đã rất tinh phát hiện ra những điểm mạnh và hạn chế của mỗi nhà thơ mà anh tâm đắc, bắt trúng mạch cảm xúc của hồn thơ và những tín hiệu nghệ thuật trong từng con chữ, trong mỗi nhân vật trữ tình để chỉ ra sự thành công của nhà thơ ấy, đem lại sự thích thú hưng phấn cho những ai chưa được đọc, để rồi họ sẽ tìm đọc thi phẩm đó.
Với thơ Huy Trụ, anh đã cảm thức thơ trữ tình Huy Trụ bằng bài viết có sức lôi cuốn, tìm ra chất riêng, đặc biệt là thơ lục bát và thơ tự do. Trịnh Vĩnh Đức đã có con mắt thẩm bình để chỉ ra những tiết tấu, vần điệu trong mỗi bài thơ viết theo phong cách truyền thống: “Chất trữ tình trong thơ Huy Trụ không chỉ là những hình ảnh, hình tượng nghệ thuật mà còn gắn với cái đẹp có nhạc cùng cách phối âm, ngắt nhịp khá hay… Anh đã giành một không gian khá rộng cho những vần thơ lục bát tỏa sáng Huy Trụ khi viết về đề tài tình yêu”.
Riêng về thơ Từ Nguyên Tĩnh, anh đã hiểu rất kỹ về phong cách thơ ông. Văn phong anh viết giàu cảm xúc, đã chạm vào trái tim bạn đọc với một lối viết vừa ngẫu hứng, vừa chân thực, lãng mạn, hiện rõ thế mạnh của thơ từ Nguyên Tĩnh, một cây bút đa tài ở nhiều lĩnh vực. Một nhà thơ có phong cách viết lạ. Chất giao cảm thơ ông có hồn, có chiều sâu triết học. Nổi hơn cả là tính tự sự, lắng sâu, hàm ẩn nhiều nghĩa, đa sắc, đa thanh.
Với nhà thơ Trần Đàm, anh thấu cảm thơ ông trong một bài viết khá tài hoa. Bài anh viết về tập thơ “Lời yêu” của nhà thơ Trần Đàm đã chắp cánh cho thơ ông lên một tầm cao mới, góp phần đưa độc giả yêu thơ ông hơn. Về lĩnh vực nhiếp ảnh, nghệ sĩ Trần Đàm cũng rất thành công. Anh đã có nhận xét tinh tế qua những kiến thức về ảnh và hội họa như một nhiếp ảnh gia khá điêu luyện: “Mỗi bức ảnh ông chụp đều ngưng đọng những giọt mồ hôi, thấm đẫm vị mặn của sức lao động trí tuệ với bàn tay tài hoa của một đời nghệ sĩ. Ảnh của ông có sóng vỗ khi cảm hứng sáng tạo vươn tới cao trào, có khi như một con thuyền thô sơ không cần trang điểm vẫn tiến đến bến vinh quang…. Ảnh của Tràn Đàm sắc sảo mà không sắc lạnh, không bi lụy giữa đời thường, không mềm yếu trước kẻ mạnh, có khí chất quật cường, vóc dáng kiêu hãnh vươn xa.”
Song hành cùng các nhà thơ trên, hai gương mặt thơ dồi dào cảm xúc là Lê Xuân Đồng và Phạm Văn Dũng cũng được Trịnh Vĩnh Đức luận bình sắc bén, thể hiện sự đọc và cảm nhận các tác phẩm của hai nhà thơ này khá sâu sắc, thông hiểu nội dung và nghệ thuật đạt đến độ nhuần nhị, đã tìm được cái hay cái đẹp thông qua thi pháp học soi chiếu tác phẩm đầy mỹ cảm. Từ đó khẳng định trong đường thơ của hai tác giả này có sự vươn lên mạnh mẽ trong vườn thơ xứ Thanh hiện nay.
Trịnh Vĩnh Đức không những tỏ ra sành điệu trong thưởng thức và thẩm định thơ mà anh còn có “con mắt xanh” khi bàn về truyện ngắn, bút ký trong các bài viết về Nguyễn Minh Châu, Hà Minh Đức, Lê Xuân Soan. Với tiểu luận về “Nguyễn Minh Châu tư duy về cái đẹp trong truyện ngắn sau năm 1975” là một bài hay và sắc sảo, có cái nhìn thông tuệ về tác phẩm từ một điểm nhìn. Những luận đề, luận điểm, những dẫn chứng anh đưa ra có chất riêng trong bút pháp, đã đưa Nguyễn Minh Châu càng sáng hơn trên diễn đàn văn xuôi Việt Nam thời kỳ đổi mới. Nếu không có cái nhìn tinh xảo trong thế giới quan về nhân vật và sự kiện, giữa cái hữu hình và vô hình của thế giới nghệ thuật, có lẽ không thể có một bài viết như thế. Đến với nhà nghiên cứu phê bình Lê Xuân Soan qua tác phẩm “Từ Trong bụi phấn” anh đã phát hiện ra vẻ đẹp nhân văn trong tâm hồn của một nhà giáo cả đời say sưa dìu dắt học trò, và đã khắc họa chân dung nghệ thuật qua tác phẩm của một nhà nghiên cứu giàu năng lượng Lê Xuân Soan đối với văn học xứ Thanh thấm đẫm tình quê.
Với những nhà thơ trẻ của xứ Thanh, anh luôn chỉ ra những điểm mạnh và những mặt còn hạn chế của mỗi tác giả để họ phát huy mặt mạnh và khắc phục những mặt còn hạn chế, tạo thêm cơ hội cho họ vươn ra biển lớn văn chương. Trịnh Vĩnh Đức không đao to búa lớn như kiểu một số người cho Phê bình văn học phải như “một ngọn roi” quất cho “con ngựa sáng tác” phi nhanh… mà anh luôn kết hợp hài hòa kiểu phê bình trực giác với phê bình theo các hệ thẩm mỹ khác nhau để làm bài viết vừa có tính lý luận của chiều sâu trí tuệ kết hợp với cảm xúc thăng hoa khi bắt gặp ý thơ, lời văn tâm đắc. Nhận xét chung về thơ Thanh Hóa đầu thế kỷ XXI, anh đã có cái nhìn đa chiều: “Trong xu hướng đổi mới, tôi nhận ra một điều họ đã xác lập nên một giọng điệu ngôn ngữ có yếu tố riêng và lạ. Nhưng không quên chủ động, dấn thân, tìm tòi, sáng tạo để nhìn nhận đánh giá về con người và cuộc sống, kể cả nghịch lý trong xã hội. Tuy nhiên những tác phẩm thơ dưới dạng phê phán sự vô cảm của con người trước thế giới tự nhiên đang bị tàn phá nghiêm trọng về môi trường chưa được chú trọng” (Trang 86). Nhiều bài thơ ca ngợi cái đẹp, cái tốt đôi khi còn dễ dãi. Và những bài thơ chống tham nhũng, tiêu cực, chống cái ác, cái xấu để từ đó khẳng định, tôn vinh cái đẹp, cái tốt hướng người đọc tới Chân, Thiện, Mỹ thì thơ xứ Thanh còn quá ít.
Tại hội nghị về Phê bình văn học ở Tam Đảo, nhà thơ Hữu Thỉnh – Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã nói “Hiện nay chúng ta đang đốt đuốc đi tìm các nhà phê bình”. Trước hiện tượng nhiều bài phê bình văn học dạng báo chí đang có phần lấn át các bài phê bình mang tính hàn lâm, khoa học đối với nền văn học nước nhà, thì những bài về Phê bình văn học của Trịnh Vĩnh Đức trong “Tri âm cùng con chữ” rất bổ ích cho người sáng tác và cho bạn đọc.
Xứ Thanh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, tự hào đã có các nhà Phê bình văn học được định danh như Lã Nguyên (La Khắc Hòa), Đỗ Ngọc Yên, Chu Giang (Nguyễn Văn Lưu), Chu Văn Sơn, Đỗ Ngọc Thống, Lê Xuân, Nguyễn Thanh Tâm, Lưu Đức Hạnh… thì nay đội ngũ ấy lại có thêm một cây Phê bình văn học giàu năng lượng là Trịnh Vĩnh Đức, đang tiếp cận từng bước theo con đường ấy, dẫu biết rằng đó là con đường còn lắm chông gai. Theo tôi được biết thì anh còn hai tác phẩm sắp trình làng trong thời gian tới là một tập Bình thơ và một tập Tiểu luận và Phê bình văn học mang tên “Điểm hẹn văn chương”. Hy vọng anh sẽ có nhiều thành công hơn trên lĩnh vực Phê bình văn học đầy lao tâm khổ tứ nhưng rất đáng tự hào này.
Cần Thơ, 02/4/2022
L.X