Khi dự án phim ảnh mới chuẩn bị phát sóng hoặc nghệ sĩ nào đó vướng tranh cãi, một lượng lớn bình phẩm tiêu cực lập tức xuất hiện trên các diễn đàn với mục đích dìm đối phương.
Ngày 15/12, CCTV, đài truyền hình trung ương Trung Quốc, vạch trần chiêu trò định hướng và kiểm soát truyền thông của lực lượng “thủy quân”. Theo Baidu, “thủy quân” – những người chuyên bình phẩm tốt xấu trên mạng xã hội – xuất hiện ở xứ tỷ dân từ năm 2010. Họ hoạt động dưới danh nghĩa cá nhân hoặc tổ chức, được trả tiền để phát tán thông tin gây ảnh hưởng tới đối tượng do người thuê nhắm đến.
Theo CCTV, vài năm trở lại đây, cùng sự phát triển của văn hóa thần tượng, “thủy quân” trở thành lực lượng chính trong bài toán truyền thông ở ngành giải trí với mục đích bôi nhọ nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật và thậm chí là đời tư của người nổi tiếng.
Sự kiểm soát dư luận của thế lực giật dây
Theo CCTV, năm nay, hoạt động ngầm của lực lượng “thủy quân” dưới sự thúc đẩy từ người hâm mộ, đối thủ cạnh tranh trong giới, đã gây ra hiện tượng tiêu cực đối với ngành giải trí Trung Quốc.
Điển hình là trang đánh giá phim Douban – được ví như IMDb của showbiz Hoa ngữ, trở thành trận địa khẩu chiến giữa nhiều hội nhóm người hâm mộ, nơi xâu xé nhau giữa các thế lực khi nghệ sĩ trong giới có dự án mới ra mắt hoặc vướng tai tiếng bằng những bình luận hạ bệ vô tội vạ.
Sina cho biết việc khán giả Trung Quốc hiện nay có xu hướng tham khảo đánh giá về tác phẩm, thực lực hay nhân phẩm nghệ sĩ trên không gian mạng, biến Douban và nhiều diễn đàn giải trí khác thành “sân khấu trừng phạt” dành cho ngôi sao bị ghét.
Sự nghiệp của Địch Lệ Nhiệt Ba từng bị gián đoạn vì những đánh giá xấu trên các diễn đàn.
Trong đó, hành động đánh thẳng vào sản phẩm nghệ thuật được xem là cách hạ bệ có tác động trực tiếp đến danh tiếng, nguồn tài nguyên tương lai của giới nghệ sĩ. Do đó, fandom của nghệ sĩ Hoa ngữ và thế lực ẩn mặt thường xuyên dùng cách này để làm giảm thị phần, chặn đường thăng tiến đối với những ngôi sao đang cạnh tranh trực tiếp với thần tượng của họ.
Theo QQ, Địch Lệ Nhiệt Ba là ngôi sao từng bị ảnh hưởng nặng nề từ áp lực dư luận do “thủy quân” tạo ra với 30.000 đánh giá tiêu cực trong một đêm. Lợi dụng việc cô gây tranh cãi với giải Thị hậu Kim Ưng, antifan kết hợp với lực lượng chuyên bình luận xấu đã tràn vào Douban đánh một sao cho tác phẩm Lý Huệ Trân xinh đẹp.
Do không chịu nổi sức ép, nhà sản xuất phải gỡ ảnh đại diện phim của mỹ nhân Tân Cương, thay thành ảnh của diễn viên khác. Việc liên tục bị phản hồi tiêu cực trên thị trường còn khiến Địch Lệ Nhiệt Ba thất nghiệp suốt 8 tháng trong năm 2019.
Theo khảo sát của CCTV, đa phần đánh giá phim trên nền tảng có nội dung khen chê giống nhau, mang tính sao chép. Điều đáng lưu tâm ở đây là năm qua đã xuất hiện tình trạng phim chưa chiếu, diễn viên chưa lộ mặt, nhưng đã có phản hồi kém tích cực.
Tác phẩm Hồ Trường Tân của Ngô Kinh vừa công chiếu được vài phút ngoài rạp, đã có hơn 3.000 bình luận đả kích tác phẩm từ nội dung cho đến diễn xuất, kỹ xảo. Thậm chí, có không ít bình luận kêu gọi khán giả tẩy chay phim với lý do bịa đặt là Hồ Trường Tân phóng đại quy mô sản xuất, cảnh phim được quay dưới phông xanh kém chỉn chu.
Vừa qua, Phong khởi Lạc Dương hay Ai là hung thủ cũng đã bị “thủy quân” tung đòn phủ đầu chê bai trên mọi mặt trận. Đáng nói, những bình luận tiêu cực chi tiết được đưa ra khi phim còn chưa chiếu. Như Triệu Lệ Dĩnh, màn thể hiện của cô trong Ai là hung thủ bị đánh giá kém chỉ thông qua trailer giới thiệu.
Theo điều tra của phóng viên CCTV, việc chiêu mộ lực lượng “thủy quân” được thực hiện công khai trên các nền tảng Douban, Weibo, Zhihu… Với mức giá từ 1 NDT (0,16 USD) trở lên, bất kỳ ai cũng có thể thuê cho mình một nhóm người giúp đảo lộn trắng đen, kiểm soát dư luận theo ý muốn.
Chỉ cần bỏ ra khoảng 4 USD, người có nhu cầu có thể thuê tài khoản thực hiện ba nhiệm vụ là bình luận, vote và chia sẻ bài viết. Nếu muốn có được nhận định từ tài khoản VIP, có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, người hâm mộ phải bỏ ra hàng chục nghìn NDT. Để tổ chức chiến dịch “đánh hội đồng” đối thủ, con số cần chi là hàng trăm nghìn NDT với hàng nghìn tài khoản ảo tham gia.
Gõ từ khóa “lưu lượng” trên trang tìm kiếm, theo CCTV, có hàng chục kết quả giới thiệu công ty môi giới tạo số liệu ảo bằng phần mềm hoặc cung cấp lực lượng spam trực tuyến theo ngày. Chỉ cần điền thông tin trên app, link bài viết và thanh toán mức phí 11 NDT (1,73 USD), người mua lập tức có hơn 500 tài khoản theo dõi, bài đăng trên trang cá nhân được chia sẻ với tốc độ chóng mặt ra ngoài chỉ trong vài phút.
“Văn hóa thần tượng là cuộc chơi của những người có tiền. Fandom hay ê-kíp nghệ sĩ nào càng chịu chi, người đó càng có lợi trong cuộc chiến truyền thông với đối thủ. Ở đó, tiền bạc đổ vào việc tạo số liệu ảo lẫn tình cảm của khán giả có thể giúp ngôi sao nâng cao danh tiếng, đồng thời cũng là công cụ bôi đen người khác”, CCTV bình luận.
Như trong vụ bê bối tình ái của Mạnh Mỹ Kỳ và Trần Lệnh Thao, công ty Yuehua Entertainment bị phát hiện thuê “thủy quân” biến nữ ca sĩ thần tượng trở thành người bị hại. Hàng trăm tài khoản trên Weibo đăng bài với cùng một nội dung Mạnh Mỹ Kỳ bị Trần Lệnh Thao lừa dối, đẩy cô vào thế làm người thứ ba. Việc này nhằm định hướng lại dư luận, cứu sự nghiệp của sao nữ 23 tuổi.
Trò cạnh tranh bẩn
Trên Sina, Lý Học Chính, một diễn viên, nhà sản xuất, nhà quản lý nghệ thuật có tiếng tại Trung Quốc tiết lộ ngoài hiện tượng mua đánh giá, còn xuất hiện tình trạng mua rating trong ngành truyền hình. Trong đó, đài vệ tinh và nền tảng bắt tay với những công ty làm giả dữ liệu để đẩy thành tích, còn nhà sản xuất chịu trách nhiệm chi tiền. “Hơn 90% phim truyền hình Trung Quốc đang mua rating”, ông cho biết.
Theo Lý Học Chính, một bộ phim truyền hình được bán bản quyền 100 triệu USD, thông thường phải chi hơn 10 triệu USD mua gói rating theo yêu cầu của nền tảng và nhà đài như một cam kết thành tích. “Đã 5 năm kể từ khi tình trạng bơm số liệu và làm giả thành tích xuất hiện, vấn nạn này vẫn chưa được giải quyết”, ông lên án.
Đạo diễn Lương Thụy từng tố cáo việc bị đài truyền hình ép mua rating với mức giá 11 triệu USD cho tác phẩm Cuộc sống của mẹ. Do từ chối yêu cầu từ đài, tác phẩm của ông bị bỏ xó thời gian dài. “Người làm nghệ thuật chân chính như tôi không dùng chiêu đi ngược quy tắc liêm chính, phim hay dở phải do khán giả công tâm đánh giá, không nên dùng tiền can thiệp”, Lương Thụy nói.
Ngành giải trí Trung Quốc xuất hiện nhiều vấn nạn tiêu cực cần sớm được loại bỏ.
Trên Sina, Chu Ngụy, Phó giáo sư, nhà nghiên cứu lĩnh vực Truyền thông thuộc Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, cho biết việc người hâm mộ mù quáng theo đuổi ngôi sao, nghệ sĩ dùng số liệu để đánh bóng tên tuổi, đã vô tình tạo ra hiện tượng tiêu cực cho ngành giải trí như biến việc “bình luận dạo” trở thành ngành công nghiệp hạ bệ đối thủ với quy môn lớn và bài bản.
Chu Ngụy cho rằng hành động “điều khiển và kiểm soát” truyền thông của thế lực đen, làm giả số liệu là vi phạm Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh khi gây rối loạn thị trường, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế lẫn danh tiếng của nhiều cá nhân liên quan.
Không chỉ vậy, chỉ số và đánh giá truyền thông trở thành chìa khóa để cạnh tranh tài nguyên nghệ thuật, về lâu dài sẽ khiến showbiz Trung Quốc rơi vào ngõ cụt khi nghệ sĩ tìm đủ mọi cách để hút fan, nâng cao danh tiếng thay vì trau dồi thực lực. Người hâm mộ sẽ bằng đủ mọi cách để nâng cao số liệu, bôi xấu nghệ sĩ khác nhằm hỗ trợ thần tượng. Còn nhà sản xuất hình thành tâm lý ỷ vào tiền bạc để chạy thành tích, qua loa trong khâu sản xuất.
Ngày 9/12, theo Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, để ngăn chặn những chiêu trò cạnh tranh xấu xí trong ngành giải trí, cơ quan này quyết định xóa sổ ứng dụng đánh giá phim Douban. Theo Nhân Dân nhật báo, từ đầu năm 2021 đến nay, Douban đã bị xử lý sai phạm hơn 20 lần, với số tiền phạt cộng dồn là 1,4 triệu USD.
Theo Di Hy/Zing