“Anh đã tìm thấy em rồi, đừng trốn nữa…”
(Vanchuongphuongnam.vn) – Từ nhỏ, tôi phải chứng kiến cuộc sống cơ cực của mẹ và chị tôi, nên tôi từng nhủ với lòng là phải cố gắng học hành cho giỏi để lớn lên có thể giúp mẹ thoát được cảnh nghèo nàn. Vì vậy, có những ngày mẹ tôi bán buôn ế ấm, chưa kịp mua gạo nấu cơm, tôi đành phải đi học với cái đói cồn cào trong bụng, môi mím chặt không than thở một lời nào. Cũng may, tôi là đứa học giỏi, luôn đứng đầu lớp từ thời tiểu học cho đến trung học, tôi quyết lòng thi đậu đại học và ấp ủ hoài bảo trở thành một nhà văn.
Nhà văn Huyền Văn
Vào năm cuối cấp ba, trong lúc tôi đang nôn nao chờ ngày tốt nghiệp thì gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần, chủ nợ thường xuyên đến nhà đòi nợ mắng chửi mẹ và chị gái của tôi. Rồi một hôm, mẹ tôi vừa khóc vừa nói nói với tôi: “Con ơi, mẹ không thể nào lo cho con học lên đại học rồi”. Tôi cảm thấy chới với, nước mắt tuôn như mưa, vừa thương mẹ, vừa bị hụt hẫng, tôi có cảm giác như thế giới đang sụp đổ trước mắt tôi. Ôi! Tội nghiệp cho tôi – đứa con gái mười tám tuổi biết làm gì trước sự khốn khó của gia đình. Từ lâu cha tôi đã bỏ rơi mẹ và hai chị em tôi để đi theo người đàn bà khác. Tôi còn quá trẻ nên không đủ sức để quyết định số phận của mình, không có khả năng để theo đuổi ước mơ của mình.
Tôi đờ đẫn đi trong khoảng không gian mênh mông mù mịt, giống như một thi thể không có linh hồn, không có sinh khí, không biết phải đi về đâu, không biết nơi đâu là bờ bến. Tôi mơ màng có một vị bồ tát đưa tay ra tưới những giọt nước cam lồ để cứu rỗi linh hồn tôi, nhưng chỉ có tiếng khóc của tôi dội ra từ trong lồng ngực, tiếng khóc trong tuyệt vọng.
Tôi đi mãi, không có điểm dừng, cũng không có ai gọi tên tôi. Không có vị bồ tát nào hết. Cái chết chợt xuất hiện trong đầu óc tôi. Nếu chết là giải thoát, thì chết có được không? Nếu được cho tôi còn mẹ tôi, chị tôi thì sao? Họ sẽ tiếp tục làm lụng vất vả nhưng vẫn không thể trả hết nợ nần? Không, tôi không thể bỏ mặc họ, tôi phải đối mặt cùng số phận, tôi quyết định nghỉ học và tìm một việc làm để phụ giúp gia đình.
Thế là, thi tốt nghiệp cấp ba xong, thay vì tôi đi thi đại học, thì tôi lại đi tìm việc làm, sau đó tôi trở thành cô thư ký cho một Công ty xuất nhập khẩu. Dù vậy, trong tôi vẫn luôn ấp ủ hoài bảo văn chương. Thỉnh thoảng tôi lại đến thư viện để đọc sách và tìm một chút yên lặng cho bản thân.
“Em hãy đoán trước cổng trường ai đứng
Giọt sương nào sẽ rụng giữa đêm khuya
Mưa chiều nay chẳng giống những chiều xưa
Em hãy đoán khi vừa mười tám tuổi” (1)
Những câu thơ ấy làm tôi thấy chạnh lòng, cũng là tuổi mười tám, nhưng tuổi mười tám của tôi thì:
Không ai đợi cổng trường mình tôi đứng
Giọt sương buồn lạnh lẽo giữa đêm khuya
Mưa chiều nay cũng khác mấy chiều xưa
Tôi bật khóc khi vừa mười tám tuổi
Mảnh giấy chất chứa tâm sự của tôi bất ngờ bị quạt máy thổi bay đi mất, tôi lơ đễnh không màng tìm lại. Một lúc sau có người đàn ông cầm mảnh giấy đưa cho tôi, nói: “Thơ của cô phải không?”. Tôi miễng cưỡng nói: “Thưa phải! cám ơn ông.” Người đàn ông đó trông có vẻ nho nhã, mỉm cười với tôi và nói: “Tuổi mười tám là tuổi có nhiều dự định cho tương lai, sao thơ của cô có vẻ chán nản quá vậy?”. Thế là tôi quen Tuấn Trình. Tuấn Trình hơn tôi mười tuổi, anh nói tôi có năng khiếu làm thơ, tôi chỉ cười buồn và không thích thú lắm với lời khen của anh, Tuấn Trình chẳng những không tự ái mà tiếp tục khuyến khích tôi.
Tuấn Trình là một nhà văn, anh đã có vợ ở dưới quê, anh ở một mình trong khu nhà trọ. Anh ấy nói với tôi, vợ anh ấy rất xinh đẹp nhưng cô ấy là một khúc gỗ, không có tâm hồn văn chương. Tôi không quan tâm vợ của Tuấn Trình là một người xinh đẹp hay chỉ là một khúc gỗ, nhưng tôi thích nói chuyện với anh ấy, đó là một sự thật.
Có lần Tuấn Trình cho tôi xem bản thảo mới, truyện viết về một người đàn ông đã có vợ nhưng không được hạnh phúc. “Phải chăng đó là tâm sự của Tuấn Trình?”. Tôi còn quá trẻ để hiểu được thế nào là hạnh phúc, nhưng tôi có thể cảm nhận được Tuấn Trình đang thất vọng về hôn nhân của mình.
Tuấn Trình là một nhà văn nhưng làm thơ cũng rất hay, tôi không giỏi về thơ nhưng thỉnh thoảng cũng có thể trao đổi với anh ấy được. Anh nói, không phải nhà văn nào cũng có bằng cấp đại học, cho nên tôi không nên quá thất vọng vì chưa được vào đại học, tôi có sẵn năng khiếu nếu theo đuổi nghiệp văn chương thì việc trở thành một nhà văn không có gì là khó. Tôi không hy vọng lắm vào tương lai, nhưng tôi vẫn giữ liên lạc với Tuấn Trình, thỉnh thoảng cùng anh ấy ra ngoài uống nước hoặc đến nhà anh ấy để đọc truyện. Quen Tuấn Trình, trong lòng tôi có chút khởi sắc, nỗi buồn cũng vơi dần. Những ngày tháng bên Tuấn Trình tôi nhận thấy mình trưởng thành hơn nhiều.
Tuấn Trình mời tôi ăn tối ở một nhà hàng nhỏ cặp bờ sông, tôi rất ngạc nhiên khi thấy anh ấy đã chuẩn bị sẵn bánh kem và hai đóa hồng, đó lại là ngày sinh nhật của tôi mười chín tuổi. Tôi thật sự cảm động, vì đây là lần đầu tiên có người tổ chức sinh nhật cho tôi. Tôi hỏi sao anh tặng em hai hoa hồng, anh ấy nói hai hoa hồng có ý nghĩa “thế giới này chỉ có hai ta”. Tôi nhìn quanh. Nơi chúng tôi ngồi trong một cái tum bằng lá, cách biệt với những tum khác, cũng có thể nói là thế giới riêng của hai người. Tôi không biết nói gì, chỉ biết nhìn anh ấy với lời nói cảm ơn tận đáy lòng. Tôi chợt nghĩ “vợ anh ấy thật có phước”.
Tuấn Trình mở âm nhạc từ điện thoại của anh:
“Thuở ấy có em anh yêu cuộc đời
Yêu đôi môi hồng điểm nét son tươi
Yêu đôi tay ngà làn má thắm
Tóc xanh buông lả lơi
Nhớ em nhớ bao thuở ấy
Thuở ấy có em anh chưa từng sầu
Chưa đi âm thầm ngoài phố đêm thâu
Chưa mang hoang lạnh ngoài bến vắng
Hởi em em về đâu.
Cho đời mình luôn nhớ nhau…” (2)
“Bản nhạc này tên là “Thuở ấy có em”, có nhiều ca sỹ hát bản này, nhưng anh nghe Đan Nguyên hát thì xúc cảm nhất”. Tuấn Trình nói.
Thật vậy, lời hát thật quyến rũ, tràn đầy một thứ tình cảm nồng nàn, khiến người nghe bỗng thấy rung động. Tuấn Trình nhìn tôi dịu dàng nói:
– Từ khi quen em, anh cũng thấy yêu đời hơn.
Tôi thấy thẹn, gió sông làm tôi thấy hơi lạnh. Tuấn Trình hỏi:
– Em có lạnh không?
Tôi lắc đầu, không dám thú nhận. Vậy mà Tuấn Trình cũng nhận ra là tôi đang bị lạnh, anh di chuyển ngồi xuống cạnh tôi, rồi nói:
– Để anh che gió cho em.
Sự va chạm nhẹ của Tuấn Trình vào vai tôi, tôi nghe một cảm giác kỳ lạ len lén vào lòng. Đột nhiên anh ôm lấy vai tôi nói:
– Quyên à, hãy cho anh ở bên cạnh em, để làm người che chở cho em.
Tôi giật mình! Trong tâm trí tôi, tôi ngưỡng mộ Tuấn Trình như một người thầy, người anh. Tôi chưa từng nghĩ sẽ thích một người đàn ông đã có vợ. Tôi hơi nhích ra nhưng Tuấn Trình càng ôm tôi chặt hơn:
– Quyên à, anh đã thích em ngay lần đầu gặp em, nhưng anh không dám tỏ bày cùng em.
Tôi lúng túng không biết làm gì, bỗng tôi thốt lên:
– Nhưng anh là người đã có vợ!
Tuấn Trình nới lỏng tay ra, đau đớn nhìn tôi rồi nói như bị nghẹn:
– Anh xin lỗi.
Mấy ngày sau, tôi không đến thư viện vì sợ gặp Tuấn Trình, nhưng trong lòng tôi thì lại rất muốn gặp anh ấy, sự mâu thuẫn đó làm tôi ngơ ngẩn, không thể nào tập trung vào một cái gì. Cuối cùng, tôi cũng đến thư viện vào một sáng chủ nhật, quả nhiên Tuấn Trình cũng đến, anh nói:
– Xin lỗi em, hôm đó anh hơi đường đột, anh sẽ không như vậy nữa, đừng tránh mặt anh, được không?
Giây phút đó, trái tim tôi dâng lên niềm thương cảm, một thứ tình cảm trước nay chưa từng có, tôi nói:
– Không có gì, em chỉ bị bất ngờ thôi, chúng ta vẫn như xưa mà.
Tuấn Trình cười vui vẻ: – Mình đi về vườn của thằng bạn anh chơi đi, vợ chồng nó đi du lịch nước ngoài, nó nhờ anh thỉnh thoảng về đó cho nhà cửa không bị lạnh lẽo.
Tuấn Trình chở tôi đi bằng xe máy, ra vùng ngoại ô thành phố Mỹ Tho. Đến đầu con sông nhỏ, Tuấn Trình gửi xe lại ở một nhà dân, anh kéo tay tôi đi băng qua một cánh đồng, đến một khu vườn nhỏ trồng nhiều cây trái, được bao bọc bởi những bờ đê nhỏ dẫn nước từ sông vào. Quang cảnh nơi đây vừa đẹp vừa mát mẻ, là nơi lý tưởng cho những ngày nghỉ dưỡng. Tôi vui quá không hay trời đã tối, lại không nỡ ra về, tôi đành gọi điện về xin phép mẹ ở lại nhà của một người bạn gái. Lần đầu tôi nói dối mẹ, cảm thấy hơi ngượng với Tuấn Trình.
Khi màn đêm buông xuống, sự yên tĩnh và không khí trong lành làm cho lòng người thanh thản. Ánh trăng rất đẹp, tỏa ánh sáng bàng bạc xuống mặt nước, lấp lánh như kim cương. Vẻ đẹp này khiến cho người ta mộng mị.
Tuấn Trình đột nhiên nhảy ùm xuống sông, vui vẻ gọi tôi:
– Quyên, mau xuống đây đi.
Tuấn Trình nở một nụ cười trong sáng, in hình xuống dòng sông hiền hòa làm tôi có cảm giác vô tư, thoải mái. Sau một chút lưỡng lự, tôi để nguyên quần áo nhảy xuống nước.
Dòng nước mát lạnh thấm vào người, tôi cảm thấy rất dễ chịu. Tôi ngoi lên ngụp xuống dưới ánh trăng mờ ảo. Trong khung cảnh gió mát trăng thanh này, làm cho tôi quên đi tất cả muộn phiền. Tôi muốn thoát thai khỏi kiếp người hóa thân thành nàng tiên có cánh, tự do bay đi bất cứ nơi đâu, nhưng chiếc áo sơ mi bị ướt sũng dính chặt vào người tôi, níu kéo cơ thể tôi ở lại trần gian.
Trong trạng thái mơ hồ, tôi từ từ cởi bớt nút áo, cảm nhận được làn nước đang nhẹ nhàng vuốt ve từng bộ phận trên cơ thể tôi. Lúc này tôi mới hiểu tại sao người nông thôn lại thích tắm sông như vậy. Tuấn Trình nhẹ nhàng bơi đến bên cạnh tôi, cẩn thận và dịu dàng ôm lấy tôi, giọng nói của anh êm ái vang lên “Quyên ơi, anh yêu em nhiều lắm”.
Tuấn Trình dìu tôi lên bờ cỏ xanh. Đôi môi của Tuấn Trình lướt qua mắt tôi, tai tôi, cổ tôi… tôi cảm nhận hơi ấm nồng nàn từ đôi môi của anh, môi của tôi dần hé mở. Anh vuốt nhẹ lên người tôi. Một cảm xúc kỳ lạ đầu đời con gái làm tôi rung lên. Trong cơn mê đắm bỗng một giọng nói vang lên “Ba của con vì mê người đàn bà khác mà bỏ bê mẹ con mình, sau này lớn lên con phải nhớ là đừng bao giờ quen với người đàn ông đã có vợ, đừng bao giờ làm người thứ ba phá nát gia can người ta”. Đó là tiếng của mẹ tôi, nó đã ăn sâu trong tiềm thức của tôi. Tôi thức tỉnh. Tôi nói: “Em không muốn làm người thứ ba.” Tôi từ chối Tuấn Trình.
Tôi quyết định không qua lại với Tuấn Trình nữa. Vì nếu còn qua lại tôi sợ rằng mình sẽ lún sâu, không thoát ra được lưới tình. Để trốn tránh tình cảm của Tuấn Trình tôi mở rộng tấm lòng với Hữu Thành, anh ấy hơn tôi ba tuổi, làm việc ở Phòng Kế hoạch cùng Công ty. Hữu Thành là người có dáng người cao to, khỏe mạnh, khuôn mặt xương, mũi cao, da hơi ngâm, nói chung là “đẹp trai”. Hữu Thành xuất thân từ một gia đình nông thôn, anh lên thành phố học xong đại học rồi ở lại lập nghiệp. Anh là người hoạt bát nhưng không có chiều sâu. Tuy nhiên anh rất tốt với tôi, tốt đến mức tôi phải chấp nhận anh ấy. Cộng thêm sự khuyến khích của mẹ và chị tôi. Mẹ tôi nói “Con gái lấy chồng lựa người chung thủy, thằng Hữu Thành là mẫu người chung thủy, mẹ không nhìn lầm đâu”. Bạn bè tôi nói hai chúng tôi có vẻ như không xứng đôi. Một người quá đơn giản còn một người quá phong phú. Nhưng tôi vẫn lấy Hữu Thành. Năm đó tôi tròn hai mươi mốt tuổi.
Sau đám cưới, Hữu Thành lúc nào cũng tràn trề hạnh phúc, còn tôi thì cảm thấy mơ hồ “không biết lấy Hữu Thành là đúng hay sai?”. Anh yêu thương và chìu chuộng tôi hết lòng, nhưng anh chưa bao giờ vào được vào trái tim tôi, anh không thể biết trong lòng tôi đang nghĩ gì, cũng không thể biết tôi cần gì, bởi sự quan tâm của anh thuộc về thế giới bên ngoài, không đi sâu thế giới nội tâm.
Lập gia đình xong tôi vẫn tiếp tục học lớp đại học khoa Ngữ văn tại chức, nếu không có sự khuyến khích của Tuấn Trình lúc trước, thì tôi đã không có đủ tinh thần để theo học lớp này. Tuấn Trình đã nộp hồ sơ và đóng tiền học phí năm đầu tiên cho tôi. Ôi, nhắc lại Tuấn Trình thì có bao điều muốn nói, nhưng tôi sợ nhắc lại sẽ làm lòng tôi gợn sóng, phải chi Tuấn Trình là người độc thân, thì… có lẽ cuộc đời của tôi đã không giống bây giờ. Mối tình đầu tiên của tôi vẫn ở một góc sâu kín trong trái tim tôi.
Sống với Hữu Thành, tôi mới hiểu vì sao Tuấn Trình nói vợ anh ấy như một khúc gỗ. Thể xác của tôi thì thuộc về Hữu Thành, nhưng tâm hồn của tôi lại không nơi nương tựa. Tâm hồn tôi đôi khi lan man nhớ hai nhánh hoa hồng của Tuấn Trình tặng cho tôi trong lần sinh nhật mười chín tuổi, nhớ khi Tuấn Trình che gió cho tôi, nhớ nụ hôn đầu tiên của Tuấn Trình ở bờ sông… những cảm giác khi ấy vẫn còn ngây ngất đến bây giờ, nhưng tôi đã từ chối anh để rồi hôm nay… mỗi lần nhớ đến là tim tôi có một chút gì đó xốn xang.
Đêm tân hôn, Hữu Thành say mê tôi, còn tôi cho dù cố gắng đóng vai cô dâu nhưng cũng không có sự hòa hợp trọn vẹn với anh ấy, chỉ đến khi anh ấy vào được trong tôi, thể xác của tôi bị kích thích và xen lẫn cái đau đớn của lần đầu, khi kích thích trôi qua cũng là lúc tôi chấm hết đời con gái. Tôi chính thức trở thành đàn bà. Một người đàn bà lạnh lùng và dửng dưng với tất cả, cho đến khi tôi gặp người ấy.
*
Tôi lang thang trong một nhà sách, vô tình đánh rơi vài quyển sách xuống sàn, trong lúc tôi cúi xuống nhặt thì có người đến giúp tôi. Tôi ngẩng lên, bắt gặp đôi mắt to đang nhìn tôi, tôi lúng túng nói: “Cảm ơn!” Người ấy cười với tôi, một nụ cười ấm áp và quyến rũ đến mức xao xuyến lòng người, rồi nói “không có chi”. Sách được xếp vào kệ như cũ, người ấy hỏi tôi: “Em có thấy quyển sách có tựa đề là: 10 điều tạo nên số phận, của tác giả David Simon hay không?” Tôi lắc đầu. Người ấy nói tiếp: “Anh thấy trên mạng giới thiệu sách rất hay”. Tôi hiếu kỳ hỏi: “Hay như thế nào?”. Người ấy cười: “Nói chung là một loại sách có tính triết lý về nhân sinh quan, anh đã tìm mấy nhà sách rồi không có”. Tôi nói sẽ tìm giúp người ấy vì người ấy đã nhặt sách hộ tôi. Cuối cùng tôi đã tìm được quyển sách đó. Người ấy có vẻ rất mừng, trên kệ còn ba quyển anh lấy hết, rồi chào tôi ra quầy tính tiền.
Khi ra cổng, tôi lại gặp người ấy. Anh không vồn vã nhưng ân cần đưa cho tôi quyển “10 điều tạo nên số phận,” và nói “Tặng cho em đó.” Thấy tôi ngập ngừng, anh nói: “Chỉ là muốn cảm ơn em đã giúp anh tìm được sách này”. Tôi cầm lấy, trong lòng suy nghĩ lung lắm “Vì sao anh ta tặng sách cho mình, có ý đồ gì không?” Tuy là tôi thích gương mặt đẹp trai và nụ cười lôi cuốn của người ấy, nhưng tôi vẫn làm ra vẻ lạnh lùng. Tôi định chào tạm biệt, người ấy lại nói: “Anh là Phi, anh có vinh dự được biết tên và số điện thoại của em không?” Rất điệu đàng. Tôi không muốn từ bỏ cơ hội được làm quen với Phi, hơn nữa là do anh ta chủ động trước. “Em tên là Quyên”, tôi nói và trao đổi số điện thoại với Phi, rồi chào tạm biệt anh.
Vài ngày sau, Phi gọi cho tôi và hỏi tôi đã đọc xong quyển “10 điều tạo nên số phận” chưa? Tôi nói đã đọc xong, anh hỏi tôi thích nhất chương nào, tôi nói thích nhất là chương cuối nói về “Bình yên”. Phi nói anh cũng thích chương này, nhất là đoạn nói về một “trò chơi trốn tìm” thời thơ bé. “Con nít ở quê anh thì gọi là chơi năm mười – vì khi chơi, phải bịt mắt và đếm năm, mười, mười lăm, hai mươi… cho đến một trăm sau đó sẽ đi tìm người trốn. Còn người trốn thì cố núp cho thật kỹ, nhưng nếu chờ lâu quá không thấy bạn phát hiện thì lại nhảy ra ngoài chỗ núp để gây sự chú ý, sau đó lại trốn tiếp, nếu bị bắt thì lại cười vui vẻ, nếu không bị bắt thì trong lòng rất lo sợ, sợ bị bỏ rơi. Thật kỳ lạ – một người tìm cách ẩn núp nhưng lại lo sợ không ai phát hiện ra mình – đó là một nghịch lý về hai nỗi sợ hãi – sợ bị tìm thấy và sợ bị bỏ quên – mà tác giả nêu lên.
Thật trùng hợp, đây cũng là đoạn mà tôi có nhiều suy nghĩ về nó, vì lần đầu tôi biết được có một cách lý giải về tâm lý con người – thông qua một “trò chơi trốn tìm” trong dân gian – mà lại mang tính triết lý thâm sâu như vậy.
Chúng tôi nói chuyện với nhau không dứt ra được. Phi nói: “Máy anh sắp hết pin rồi, nhưng anh lại không muốn kết thúc lúc này, còn nhiều điều anh muốn nói nhưng chưa nói xong, em có thể cho anh một điều ước là được gặp em không?”. Khó mà từ chối một lời hẹn hò lãng mạn như vậy. Tối hôm đó tôi đi ra ngoài cùng với Phi. Chúng tôi đi bên nhau rất lâu, không biết đi qua biết bao nhiêu con đường, bao nhiêu khu phố. Cuối cùng chúng tôi dừng lại trong một công viên cạnh bờ sông. Phi nói: “Mấy ngày qua anh từng mơ ước được ở bên em, hôm nay đã thành sự thật, cảm ơn em đã cho anh được cái diễm phúc này”.
Không khí ở công viên thật trong lành, mang theo hương thơm thoang thoảng của cây cỏ. Tôi có cảm giác như đã tìm được một nơi chốn bình yên, và bờ vai của Phi đang sẵn sàng cho tôi dựa dẫm. Tôi trộm nhìn anh, anh như đọc được suy nghĩ của tôi, anh kéo nhẹ đầu tôi nghiêng vào vai anh, nhưng tôi lại ngồi thẳng người, sợ sệt và hoài nghi như một đứa trẻ gặp một người xa lạ.
“Em là một nàng công chúa rất dễ thương và hiền lành, ai nỡ bắt nạt em, mà em lại sợ?”. Không ngờ Phi có thể nhìn thấu tâm can của tôi. Tôi vẫn ngồi im, hai tay khoanh trươc ngực, lòng chưa hết e ngại. Phi lại nói: “Cô bé khờ à, anh đã tìm thấy em rồi, đừng trốn nữa, hãy bước ra khỏi nơi em đang ẩn núp đi”. Có hai cô gái đi ngang chúng tôi, các cô không ngần ngại mỉm cười với Phi, anh cười đáp trả một cách tự nhiên. Bất giác tôi nghiêng đầu vào vai anh, hai cô gái bỏ đi. Ánh mắt của Phi đăm đắm nhìn vào tôi, ánh mắt đó hút hồn tôi.
Tôi phát hiện ra, cánh cửa tình cảm bị đóng bao lâu giờ đã mở ra, giống như chim sổ lồng, cá ra đại dương, tôi không đắn đo gì nữa, nép sát người vào Phi. Phi nói: “Em là người con gái tinh tế nhất, dịu dàng nhất mà anh từng gặp”. Tôi say giọng nói của anh, say ánh mắt của anh, say vòng tay của anh, say hơi ấm của anh. Tôi đã phải lòng Phi rồi.
“Em có giọng nói êm ái và quyến rũ, khiến cho người nghe bị mê hoặc, anh mê giọng nói của em”. Phi càng nói, tôi càng say. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao người ta nói “Phụ nữ yêu bằng tai”. Tôi không biết những gì Phi nói có thật lòng hay không, nhưng lời nói của Phi du dương bên tai tôi. Phi xuất hiện đúng lúc như một vị thần tình yêu – và tôi đã yêu anh ngay lúc đó. Anh chính là người tình trong mơ ước của tôi.
Phi là kiến trúc sư làm việc tại một viện kiến trúc, anh đã có vợ, anh cũng biết tôi đã có chồng, nhưng chúng tôi không quan tâm đến điều đó, bởi vì chúng tôi cần có nhau. Tôi khao khát yêu và được yêu, Phi đã cho tôi biết yêu là như thế nào, nếu tôi từ chối Phi – có khác nào tôi từ chối chính bản thân mình. Tôi không muốn bị bỏ lại mãi mãi như trong trò chơi trốn tìm.
Phi bước vào thế giới của tôi mạnh mẽ đến mức tôi không thể kháng cự, anh nhanh chóng chiếm lĩnh toàn bộ trái tim tôi. Một ngày không gặp anh là nỗi nhớ nhung làm tôi không thể tập trung vào một cái gì. Tình yêu bí mật giữa tôi và Phi ngày càng sâu đậm, ở bên Phi, tôi biết được sự rung động của con tim là như thế nào. Tôi đã yêu Phi thật rồi.
Hữu Thành và Phi là hai con người hoàn toàn khác biệt. Hữu Thành lo lắng cho tôi đủ đầy về vật chất, cho tôi một mái ấm gia đình. Còn Phi chăm sóc cho tôi về tinh thần và tâm hồn. Tôi thấy mình hạnh phúc hoàn toàn. Tôi không thể thiếu Hữu Thành và rất cần có Phi.
Tôi không thế thiếu Hữu Thành, vì anh là nơi chốn để tôi đi về. Thành là mẫu người chung thủy vô điều kiện, anh từng nói với tôi: “Anh sẽ không bao giờ từ bỏ em – trừ phi là cái chết”. Trong mắt Hữu Thành tôi là một viên ngọc quý có một không hai. Điều này với tôi cũng rất quan trọng. Vì tôi biết được vị trí quan trọng của tôi trong lòng anh. Tôi không muốn từ bỏ vị trí cao quý đó. Nhưng Hữu Thành quá đơn giản, mà cuộc sống thì không đơn giản như thế, cuộc sống có những cung bậc khi trầm khi bổng, như một bản nhạc giao hưởng, làm cho người ta ngất ngây, say đắm.
Tôi cần có Phi, sự lãng mạn và ngọt ngào của Phi mang đến cho tôi cảm giác hưởng thụ của người đàn bà hạnh phúc cả về thể xác lẫn tâm hồn. Không có Phi, cuộc sống của tôi ví như loài gấu miền Bắc cực đi ngủ đông. Tuy ngủ nhưng không chìm sâu vào giấc ngủ, tim vẫn đập và tâm hồn vẫn khao khát tình yêu. Nụ hôn của Phi đã chạm đến linh hồn tôi. Tôi lập tức đón nhận bằng tất cả tấm lòng. Phi cho tôi một vòng tay ấm áp, yêu thương nhưng lại không thể cho tôi một mái ấm gia đình.
Tôi bị bấn loạn khi biết mẹ tôi đã buộc chị hai của tôi phải chấm dứt mối tình với một người đàn ông đã có vợ. Chị tôi vốn dĩ là người con hiếu thảo, chị vô cùng đau khổ nhưng rồi cũng phải chia tay với người yêu. Cũng từ đó, tôi ít thấy chị cười, không thấy chị có bạn trai, trái tim của chị dường như đã chết, không biết đến bao giờ mới hồi sinh.
Tôi sợ một ngày nào đó, mẹ biết được chuyện của tôi với Phi, mẹ sẽ ngăn cấm tôi qua lại với Phi. Ôi, nỗi ám ảnh về sự phụ bạc của người cha đã phù bóng đêm lên cuộc đời của hai chị em gái tôi.
Cha tôi là người đàn ông đã lừa dối mẹ và thiếu trách nhiệm với chị em tôi. Phi thì khác, Phi không lừa dối tôi, chúng tôi tự nguyện đến với nhau để tâm hồn chúng tôi có được một nơi chốn bình yên, để cuộc sống của chúng tôi được sống tốt hơn. Tôi và Phi, không ai từ bỏ trách nhiệm gia đình. Nếu không có Phi – tôi sống – nhưng khác nào một khúc gỗ, không có linh hồn.
*
Cuối cùng tôi cũng nhận được bằng tốt nghiệp đại học, khoa Ngữ văn. Tôi cầm tấm bằng trong tay mà nhớ Tuấn Trình. Không biết bây giờ anh ấy ra sao? Vẫn sống với người vợ “khúc gỗ” hay đã có một hạnh phúc tron vẹn. Dù sao, Tuấn Trình đã để lại trong tôi những cảm giác ngọt ngào đầu đời con gái. Bằng cấp đại học không phải là tiêu chuẩn để trở thành nhà văn, nhưng nó chứng minh ý chí của tôi đã vượt qua thử thách của số phận, tôi cảm thấy tự tin hơn, tôi cảm thấy ước mơ trở thành nhà văn của tôi không còn là xa vời nữa.
Hữu Thành vui mừng còn hơn cả tôi vui mừng. Anh đòi tổ chức một tiệc ăn mừng tại nhà. Chúng tôi chọn ngày chủ nhật. Hữu Thành mời mẹ tôi, chị tôi và một số bạn thời trung học của tôi. Anh không cho tôi làm gì cả, anh nói hôm nay là ngày đặc biệt của tôi, anh sẽ làm hết mọi việc kể cả việc nấu nướng. Hữu Thành nấu ăn còn giỏi hơn cả tôi.
Sáng sớm, Hữu Thành đã đi siêu thị để mua thức ăn. Tôi chỉ làm những công việc vặt vãnh và sửa soạn cho bản thân mình. Đến chín giờ, Hữu Thành vẫn chưa về. Tôi bắt đầu sốt ruột, tôi điện thoại cho anh, tiếng chuông vang lên nhưng anh không bắt máy. Đến chín giờ ba mươi mà vẫn không thấy bóng dáng anh. “Làm sao mà nấu nướng kịp đây?” Việc này không giống tính cách thường ngày của anh. Tôi đi đi lại lại, ngóng ra cửa. Tôi bắt đầu lo lắng. Thường ngày anh chạy xe rất nhanh, ngồi phía sau tôi luôn nhắc anh “chạy chậm thôi anh”. Chẳng lẽ có tai nạn, tôi vội lắc đầu không dám nghĩ tiếp nữa. Tôi muốn đi siêu thị để tìm anh, nhưng lại sợ mọi người đến nhà lại không có ai.
Đến mười giờ, chị và mẹ tôi đến. Chị hỏi:
– Sao có mình em ở nhà, Thành đâu?
– Đi siêu thị từ sáng sớm mà đến giờ vẫn chưa về! – Tôi nói.
– Siêu thị gần ngay đây thôi mà, mua gì thì cũng khoảng một tiếng là xong. – Mẹ tôi nói. – Con có điện thoại cho Thành chưa?
– Dạ, con có gọi, nhưng anh ấy không bắt máy.
– Hồi nãy chạy ngang siêu thị, thấy xe cộ đông lắm, người ta nói bị đụng xe, có khi nào…. – Chị tôi không nói hết câu. Tôi bắt đầu lo.
– Mẹ và chị coi nhà dùm con, để con ra đó xem thử.
Tôi không thay quần áo, cuống quýt ra khỏi nhà. Trước siêu thị, một đám đông đang vây quanh chiếc xe máy, tôi nhận ra chiếc xe Dream màu đỏ của Hữu Thành, trên mặt đường còn đọng lại vài vết máu. Tôi hỏi một người lớn tuổi:
– Bác ơi, người bị đụng xe có phải là một người đàn ông cao lớn không?
– Phải, một người bị thương nặng lắm, còn người kia đưa người đó đi bệnh viện rồi!
Tôi lao vào phòng cấp cứu của bệnh viện, một y tá chặn tôi lại. Tôi vừa thở hổn hển vừa nói lắp bắp:
– Chồng… chồng tôi bị đụng xe… đưa vào đây, có… nặng không?
– Người mới vào hả? Nặng lắm! – Cô y tá trả lời và yêu cầu tôi phải chờ ở bên ngoài, cấp cứu xong sẽ có thông báo.
Tay chân tôi run lẩy bẩy. Tôi vịn vào tường rồi ngã phịch xuống ghế. Trước mắt tôi tối sầm. Nghĩ tới việc Hữu Thành từ bỏ tôi mà đi, tôi không thể tưởng tượng nổi cuộc sống của tôi sẽ ra sao? Không! Tôi không thể sống mà không có anh ấy. Giây phút đó tôi phát hiện ra Hữu Thành quan trọng với tôi tới mức nào.
Tôi gặp Hữu Thành vào lúc cuộc sống của tôi vô cùng khốn đốn, gia đình túng thiếu lại nợ nần, đồng lương ít ỏi của tôi không giúp gì cho mẹ tôi nhiều. Mọi hy vọng tiêu tan, hoài bảo sụp đổ. Lẫn tránh tình yêu của Tuấn Trình, trái tim của tôi trở nên lạnh lẽo, tâm hồn tôi dật dờ không nơi nương tựa.
Hữu Thành đã mở rộng tấm lòng, đã bao bọc tôi bằng tình yêu thương chân thật, anh làm điểm tựa vững chắc cho tôi. Anh sùng bái tôi như một nữ thần. Sự trân trọng và nâng niu của anh khiến tôi ngẩng cao đầu đi về phía trước. Nếu không có Hữu Thành, liệu tôi có được như ngày hôm nay?
Bấy lâu nay, Hữu Thành luôn chăm sóc cho tôi chu đáo từ việc nhỏ đến việc lớn. Chẳng những như vậy, mà anh đã cùng tôi trả hết nợ nần cho mẹ tôi, hiếu thảo với mẹ tôi, chăm sóc cho mẹ tôi như mẹ ruột của anh ấy, mẹ tôi cũng xem anh ấy như là con trai ruột của mình. Đi làm về, anh lo hết công việc nhà để cho tôi có thời gian học hành. Vậy mà anh chưa bao giờ than thở, kể lể với bất cứ ai. Ngược lại tôi cho việc tận tâm, chu đáo của anh là điều đương nhiên, đương nhiên như không khí tôi đang thở mà không hề chú ý đến sự tồn tại của nó, không nhận ra rằng nếu một ngày không có không khí thì tôi không thể duy trì mạng sống. Tôi còn xem thường anh là người chỉ biết về vật chất bên ngoài, không có nội tâm. Đến bây giờ tôi mới hiểu câu nói “Khi một người sống trong cái tổ ong sẽ không nhận ra sự ngọt ngào của mật”. Đúng là tôi sống trong phước mà không biết. Hữu Thành luôn làm thế nào để đem lại những điều tốt lành nhất cho tôi, còn tôi là đứa vô tâm chỉ biết nhận mà không biết cho, tệ hại hơn là tôi không biết thế nào là đủ.
Có muộn màng không, khi tôi vừa nhận ra Hữu Thành mới đúng là người tôi yêu, thì anh ấy đang nằm trong phòng cấp cứu, sống chết chưa rõ. Tôi không thể chịu nổi, nếu tôi chưa kịp báo đáp tình yêu của Hữu Thành thì Hữu Thành đã rời xa tôi vĩnh viễn. Trời ơi! Có phải đây là sự báo ứng cho sự thiếu chung thủy của tôi. Tôi thật đáng ghét.
Càng nghĩ, đầu óc tôi càng bấn loạn, nước mắt cứ trào ra.
Cánh cửa phòng cấp cứu bật mở. Một đám người nhốn nháo chạy ào đến. Người đàn bà vừa khóc vừa kêu “Nam, Nam con ơi…” rồi nắm tay cô y tá hỏi “Cô ơi, con tôi có sao không?”. Cô y tá nói: “Bà bình tĩnh lại đi, nhờ đưa vô cấp cứu kịp thời, nên không nguy hiểm đến tính mạng, cấp cứu xong sẽ đưa ra phòng điều trị”.
Qua màn nước mắt tôi thấy Hữu Thành trong đám người đó. Tôi đứng bật dậy, miệng há hốc “Đúng là Hữu Thành mà”. Hữu Thành cũng nhận ra tôi, “Quyên, sao em ở đây?” Tôi nhào đến ôm chặt anh:
– Anh ơi, anh có làm sao không?
Hữu Thành ngạc nhiên nói: – Anh đâu có làm sao!
Tôi nới tay ra, sờ vào mặt, vào tay anh: – Người ta nói anh bị xe đụng nặng lắm, ở trong phòng cấp cứu, nhưng sao anh lại…
Hữu Thành xua tay: – Không có đâu, là người khác, anh đưa anh ta vào bệnh viện.
Thì ra lúc Hữu Thành đến trước cửa siêu thị nhìn thấy tai nạn, người lái taxi sợ quá bỏ chạy, anh báo công an, gọi xe cấp cứu và ở lại bệnh viện cho đến bây giờ.
– Em thấy chiếc xe màu đỏ, em tưởng… – Tôi lắp bắp.
– Không phải xe anh, anh đi bộ.
– Trời! làm em hết hồn, tưởng anh đã…
– Tưởng anh nằm trong kia hả?
Tôi bật khóc và ôm Hữu Thành, mặc cho mọi người xung quanh.
Bà mẹ của nạn nhân bước tới nói với Hữu Thành “Cậu trai trẻ, cậu đã cứu con tôi, nhà tôi chỉ có mình nó là con trai độc nhất, cả nhà tôi vô cùng cảm ơn cậu”. Vợ con của nạn nhân cũng nói cảm ơn anh hết lời. Những người xung quanh nói mỗi người một câu: “Cậu ấy tốt lắm, đưa bệnh nhân vào rồi còn xăng xái mua thuốc cấp cứu, ai cũng tưởng cậu ấy là người thân của nạn nhân, hóa ra chỉ là người dưng. Cậu ấy tốt bụng thật”.
Tôi cảm thấy tự hào khi đứng bên cạnh Hữu Thành, anh là một người đàn ông có nghĩa khí, nhìn những người thân của nạn nhân đối xử với Hữu Thành một cách tôn kính, tôi cảm thấy mình may mắn đã có một người chồng như anh, vậy mà bấy lâu nay tôi luôn cho rằng anh không phải là người đàn ông lý tưởng trong lòng tôi.
Điện thoại vang lên, là của chị tôi, tôi nói với chị là đã gặp Hữu Thành ở bệnh viện, anh ấy vẫn bình an. Hữu Thành kêu lên:
– Thôi chết rổi, hôm nay là ngày có ý nghĩa quan trọng của em, vậy mà anh… làm sao bây giờ? – Mặt anh đỏ bừng, nhìn tôi bối rối. Tôi nói:
– Không có làm sao hết, dời lại bữa khác cũng được mà, điều quan trọng là anh không có làm sao.
Hữu Thành nhìn tôi, có lẽ, anh không hiểu hết những ý tứ trong lời nói của tôi, vì anh vốn là người đơn giản mà.
Bữa tiệc cũng được tổ chức vào buổi chiều và kéo dài cho đến tối. Tất nhiên câu chuyện của Hữu Thành làm cho mọi người yêu mến anh hơn, còn tôi thấy mình hãnh diện hơn. Khi mọi người ra về hết. Hữu Thành quá mệt mỏi, anh ngủ quên trên ghế salon. Nhìn gương mặt đẹp trai và hiền lành của anh đang vô tư trong giấc ngủ, tôi dâng lên niềm thương cảm vô cùng.
Kết hôn với Hữu Thành, nhưng trái tim tôi lại chôn dấu tình yêu của Tuấn Trình, tôi đã từ chối Tuấn Trình chỉ vì tôi sợ hãi sẽ có một kết quả không đáng có, nhưng tôi vẫn luôn khao khát có một tình yêu giống như Tuấn Trình đã dành cho tôi, vô tình tôi đã ngưỡng mộ hình tượng của Tuấn Trình, coi anh như một mẫu người đàn ông lý tưởng để tôi nhắm đến.
Hữu Thành không giống Tuấn Trình, tôi thất vọng. Phi xuất hiện, Phi vừa có sự nồng nàn của Tuấn Trình, vừa có sự lãng mạn của một người đàn ông từng trải, Phi đã làm cho tôi u mê – và tôi đã ngã vào vòng tay của anh.
Giờ đây tôi đã hiểu, một tình yêu thật sự – là sự hòa quyện của niềm vui, nỗi buồn và sự chia sẻ. Tình yêu được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, không nhất thiết phải giống như Tuấn Trình hay là giống như Phi thì mới là tình yêu. Mặc dù Hữu Thành không nồng nàn như Tuấn Trình, không lãng mạn như Phi, nhưng anh đã dùng hành động thiết thực nhất, nhỏ nhặt nhất để chứng minh tình yêu của anh dành cho tôi, cho cả người thân của tôi. Đó là cách cho đi không cầu mong nhận lại của Hữu Thành. Tình yêu của anh mới thật sự là một tình yêu chân thật, một tình yêu khắc cốt ghi tâm.
Giờ đây tôi biết người mà tôi nên yêu, nên trân trọng, đó chính là Hữu Thành, chồng tôi, chứ không phải là Tuấn Trình hay là Phi.
Có tin nhắn của Phi: “Nghe tin em tốt nghiệp đại học, chắc là em đang vui mừng và hạnh phúc lắm. Hãy cho anh cái vinh dự được chia sẻ niềm vui với em. Anh chưa bao giờ thôi nhớ thương em”.
Phi luôn biết nói những lời ngọt ngào, ru ngủ lòng người. Anh là mẫu người đàn ông lãng mạn khiến cho phụ nữ xao lòng, nhưng hôm nay tôi không còn bị rung động bởi những lời lẽ ngọt ngào của Phi nữa, vì lòng tôi đang hướng về Hữu Thành.
Phi không có tôi, anh sẽ có cô gái khác. Nhưng Hữu Thành không có tôi, anh sẽ không sống được, cũng như tôi – không có anh – tôi không thể nào tồn tại. Tôi và Hữu Thành là hai sinh linh đã định sẵn từ kiếp trước – không thể tách rời nhau – trừ khi là cái chết.
*
Hữu Thành cựa mình, tôi dìu anh lên giường. Tôi cởi giày và quần áo cho anh. Tôi dùng khăn ấm lau mặt và lau người cho anh. Lần đầu tiên tôi ngắm cơ thể anh, một cơ thể cường tráng đầy sức sống. Cơ thể này chứa đựng một trái tim rộng lượng, bao dung và chung thủy. Trong trái tim đó – anh đặt tôi vào một vị trí rất quan trọng, vậy mà tôi từng xem thường vị trí đó. Thật là ngốc ngếch. Đắp chăn cho anh, tôi vào phòng tắm.
Vòi sen làm cho người tôi tỉnh táo và sảng khoái. Tôi mặc một chiếc áo ngủ bằng voan màu ngọc bích, ngồi vào bàn phấn, tôi xoa một ít kem dưỡng da. Khuôn mặt của tôi hiện lên trong gương, tuy có chút mệt mỏi nhưng vẫn tươi xinh, ánh mắt của tôi ngời sáng, mái tóc của tôi đen mượt, dài phủ lưng, ngực của tôi căng phồng. Tôi là một người đàn bà đã trưởng thành cả thể xác lẫn tâm hồn.
Bất ngờ Hữu Thành ôm tôi từ phía sau. Tôi nghe như có luồng điện chạy vào cơ thể. Lần đầu tiên tôi có cảm giác rung động khi Hữu Thành chạm vào tôi. Tôi xoay người, anh hôn tôi một cách nồng nàn. Chúng tôi ôm nhau như đôi tình nhân lần đầu yêu nhau. Trái tim của tôi rộng mở đón nhận tình yêu của Hữu Thành. Đêm đó là đêm tân hôn thật sự của tôi với Hữu Thành.
Thì ra tình yêu rất đơn giản. Tình yêu là sự hòa hợp của hai con người về thể xác lẫn tâm hồn. Tôi đã làm cho tình yêu trở nên phức tạp, bởi sự khao khát của thể xác làm cho tư tưởng bị u mê đã vượt ra ngoài sự dẫn dắt của tâm hồn. Trong một thời gian dài tôi mê muội trong một nghịch lý – bỏ ra nhiều thời gian đi tìm một người yêu thương tôi – trong khi người đó đang ở bên tôi.
Hai tuần sau đó, từ que xét nghiệm tôi biết mình đã có thai. Tình yêu của tôi với Hữu Thành được đơm hoa kết trái. Một sinh linh bé nhỏ đang tồn tại trong cơ thể tôi. Tôi lập tức điện thoại cho Hữu Thành. Anh đã reo lên như trúng số độc đắc. Lúc đó lại xuất hiện tin nhắn của Phi.
“Nỗi nhớ thương em cứ làm cho anh trăn trở suốt mấy ngày qua. Lần này em trốn anh quá kỹ anh không gặp được em. Em đang ở đâu? Có thấy sợ hãi khi cô đơn một mình? Hãy ra tín hiệu để anh tìm được em, để anh lại được ngắm nhìn nụ cười quyến rũ của em, được nghe giọng nói ngọt ngào của em. Anh rất mong được gặp em”.
Kể từ ngày tôi vào bệnh viện tìm Hữu Thành, đến nay đã hơn mười ngày tôi không liên lạc với Phi. Đã đến lúc tôi phải nhắn tin cho Phi rồi.
“Em không còn phải ẩn mình và cũng không còn sợ hãi cô đơn, vì em đã tìm được nơi chốn bình yên, đã cảm nhận được hạnh phúc thật sự mà từ lâu em hằng khao khát. Mong rằng khi chúng ta tình cờ gặp lại nhau, chúng ta vẫn mỉm cười với nhau, vì chúng ta đã có với nhau một hồi ức đẹp. Chúc anh hạnh phúc bên người anh yêu thương”.
Không biết những nhà văn đã bắt đầu trang viết đầu tiên của mình như thế nào? Còn trang viết đầu tiên của tôi, là sự trải nghiệm về một “trò chơi trốn tìm” chính cuộc đời của tôi./.
07/01/2014
H.V
—
(1) Một đoạn trong bài thơ “Tuổi mười tám” của Khuê Việt Trường
(2) Bản nhạc “Thuở ấy có em” của Huỳnh Anh