Trò chuyện với nhà văn Trần Như Luận – tác giả tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh”

257

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7,  TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.

Lê Tiên Sắc (LTS): Xin chào nhà văn Trần Như Luận! Trước hết xin gửi lời chúc mừng năm mới tới anh, và đặc biệt chúc mừng anh vừa ra mắt tác phẩm thứ 8, ngay trong dịp Tết. Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh Mỹ kinh điển lừng danh, một tựa sách hấp dẫn với bìa sách trẻ trung, ấn tượng. Xin anh nói rõ hơn về cuốn sách này.

Dịch giả Trần Như Luận (TNL): Rất vui với ý tưởng của cây bút trẻ LTS trong việc “khai sinh” cuộc phỏng vấn thân mật này. Trước hết, chúng ta hãy thống nhất với nhau rằng: đạo đức truyền thống dân tộc Việt Nam đã hun đúc nên nền tảng văn hoá của chúng ta. Tôi sinh năm 1955 tại Huế; thế hệ chúng tôi chịu ảnh hưởng bởi nền triết học phương Đông, đồng thời do sự giáo dục gia đình và hoàn cảnh sống, tôi còn hấp thụ nền văn hoá Anh – Mỹ và New Zealand thông qua các tác phẩm văn học đồ sộ thấm đẫm tính nhân bản và tính minh triết của họ cũng như thông qua các cuộc gặp gỡ, giao lưu hữu nghị với họ. Từ điểm gặp nhau của truyền thống và hiện đại, Đông và Tây đó, tôi say mê các tiểu thuyết Anh – Mỹ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, do “nhịp độ sinh hoạt” ngày càng trở nên gấp gáp, tôi thấy truyện ngắn là thể loại phù hợp cho cả người dịch lẫn bạn đọc. Từ năm 1995 tới nay, tôi đã dịch 120 truyện ngắn; ưu tiên gửi đăng các truyện ngắn đương đại trên một số tạp chí. Tôi dự định tuyển chọn các truyện đã dịch và xuất bản thành 3 tập từ nay đến 2025. 2 tập đầu là các tác phẩm của các nhà văn đã qua đời trên 50 năm – nghĩa là bản quyền của họ đã thuộc về công chúng – một cách né tác quyền để được phép in nhanh hơn (cười). Lần này, được hiểu là tập 1, gồm 12 truyện ngắn của các tác giả lừng danh: Kate Chopin, James Joyce, Louisa May Alcott, Hawthorne và Bierce mà truyện ngắn của họ hầu hết đã rất nổi tiếng từ nửa sau thế kỷ XIX đến nay. Tôi biết, đối với không ít độc giả Việt Nam, tên tuổi vài nhà văn trong số đó vẫn còn xa lạ. Nhưng nếu các bạn đến Anh – Mỹ và các nước nói tiếng Anh khác, trò chuyện với dân bản địa và nhắc tới các danh nhân ấy sẽ thấy được sự hào hứng, thú vị. Loạt truyện trữ tình đầy lãng mạn của Chopin; các truyện ngắn không hề ngắn chút nào và đầy vẻ mỹ miều về ngôn từ của Joyce; tính hướng thượng và ly kỳ trong truyện ngắn Alcott; cũng như cách kể chuyện bình thản, hơi khôi hài mà thâm trầm của Hawthorne và lối trần thuật sống động của Bierce: những đặc điểm đó khiến tác phẩm của họ đã được đưa vào chương trình giảng dạy suốt nhiều thập niên. Hai đặc điểm vừa danh tiếng vừa kinh điển là lý do chính khiến tôi chọn lựa 12 truyện ngắn của họ đưa vào tuyển tập 1. Một điều may mắn là bản thảo của tôi đã được Hội Văn học-nghệ thuật Bình Định giới thiệu lên Liên hiệp các Hội Văn học – nghệ thuật Việt Nam, được thẩm định và hỗ trợ kinh phí. Tôi trân trọng cảm ơn Hội VHNT Bình Định, cảm ơn cơ quan tài trợ và cảm ơn LTS cho tôi cơ hội công bố điều này.

LTS: Đúng là anh gặp nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, khi chọn nhiều tác phẩm của nhiều tác giả nước ngoài có phong cách viết khác nhau, anh có gặp khó khăn gì không?

TNL: Thực ra, trên thực tế, hầu hết các dịch giả kỹ tính đều như tôi: Song song với việc dịch tác phẩm, chúng tôi thường dành ra nhiều thời gian, công sức nghiên cứu tỉ mỉ tiểu sử tác giả, bao gồm cả hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh lịch sử, văn phong, và đặc biệt là xu hướng sáng tác (tức trào lưu văn học) của tác giả trước khi hoàn tất bản dịch. Sở dĩ phải kỳ công như vậy là vì các đặc điểm ngôn ngữ có liên quan mật thiết với thời đại và cá tính; cũng như thi pháp liên quan tới trào lưu sáng tác mà họ theo đuổi. Chẳng hạn, truyện của Kate Chopin thường nói tới những ẩn ức tình dục và sự chịu đựng quá mức của phụ nữ trước “bạo quyền” của đàn ông thời bà sống. Lối viết của bà rất uyển chuyển. Và cách diễn đạt của bà vô cùng tinh tế, như thể bà am tường cả tư duy, tình cảm, niềm rung động và cả những ham muốn tận đáy lòng từng nhân vật. Bà cùng với Louisa May Alcott được xem là “cặp bài trùng” trong các nhà văn tiên phong theo chủ nghĩa nữ quyền. Nếu không am hiểu điều này, dịch giả không thể chuyển ngữ phù hợp được. James Joyce hoàn toàn khác: Nghiên cứu lối viết của ông, các bạn sẽ bắt gặp một cách diễn đạt phóng khoáng, từng trải, một mạch văn cuồn cuộn, một dòng chảy miên man tưởng như không dừng lại, và những “dấu lặng”, tại đó đại văn hào tha hồ nói ra những ý tưởng đầy tính triết lý mà chỉ những ai quan tâm tới các câu hỏi lớn của nhân loại mới ham tìm hiểu. Với tư cách nhà văn tiên phong viết theo dòng ý thức (stream of conciousness) và độc thoại nội tâm (inner monologues), Joyce thường tạo ra những tác phẩm mênh mông, tràng giang đại hải; người đọc có cảm giác bốn phía trên dưới phải trái của trang giấy không đủ để ông tuôn trào cảm hứng sáng tác. Theo tôi, mỗi nhà văn mỗi vẻ, điều đó là sự lý thú tuyệt vời cho người dịch, chứ không phải trở ngại.

Nhà văn, dịch giả Trần Như Luận 

LTS: Ồ, hoá ra dịch là một việc rất thú vị. Thảo nào người ta nói, dịch là “sáng tạo lại”. Nhưng theo anh, ngôn ngữ và thi pháp truyện ngắn Anh Mỹ thời trước và thời nay có khác biệt gì nhiều không?

TNL: Nhiều chứ. Thời đại nào, ngôn ngữ nấy. Thậm chí, xu hướng sáng tác mang tính cá nhân cũng ảnh hưởng rõ lên cách dụng ngôn, chủ đề và nội dung tác phẩm. Ngoài ra, hệ hình văn hoá – cái bao trùm nhất và mang tính thời đại, ảnh hưởng cùng một lúc lên nhiều thế hệ nhà văn – cũng chi phối cả tư duy sáng tạo, nội dung, kĩ thuật sáng tác và ngôn ngữ. Từ nửa đầu đến giữa thế kỷ XX là giao thời giữa hệ hình hiện đại và hậu hiện đại (postmodern). James Joyce mà chúng ta mới đề cập là điển hình của chủ nghĩa hiện đại (modernism). Thực tế là trong cả 5 tác giả được chọn đưa vào tuyển tập lần này, chưa xuất hiện các nhà văn hậu hiện đại (postmodernists). Chúng ta sẽ có dịp bắt gặp trào lưu ấy trong tuyển tập 2 phát hành trong năm tới.

LTS: Câu chuyện này thật lôi cuốn… Anh có thể nói đôi câu để người đọc hiểu sơ về chủ nghĩa hiện đại không?

TNL: Chủ nghĩa hiện đại trong văn học (literary modernism), hay văn học hiện đại chủ nghĩa (modernist literature) bắt nguồn từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, đặc trưng bởi sự tách biệt một cách tự giác khỏi cách viết truyền thống trong cả thơ và văn xuôi. Nó thử nghiệm hình thức và cách diễn đạt văn học, như được minh họa bằng phương châm “Làm mới tác phẩm” của Ezra Pound. Chính mong muốn “lật đổ” các quy cách trình bày truyền thống và thể hiện những cảm nhận mới của thời đại đã thúc đẩy tạo ra trào lưu văn học ấy. Sự mất mát nhân mạng quá lớn trong Thế chiến I buộc văn học phải gánh vác trách nhiệm “đánh giá lại” các lý thuyết phổ quát về xã hội, và hệ quả là các tác phẩm theo chủ nghĩa hiện đại – gắn liền với những tiến bộ công nghệ cùng những thay đổi xã hội của thời hiện đại đang bước sang thế kỷ XX – ngày càng phát triển. Nhà nghiên cứu văn học Mary Gillies lưu ý rằng, trong văn học hiện đại chủ nghĩa, những chủ đề văn học ấy (mất mát, tiến bộ, thay đổi…) có chung đặc điểm “tập trung vào việc đoạn tuyệt quá khứ một cách có ý thức” – chủ đề này “nổi lên như một phản ứng phức tạp toàn cầu cùng các nguyên tắc đối với một thế giới đang thay đổi từng ngày”.

LTS: Ồ, vấn đề này hấp dẫn đây. Nếu có thời gian, tôi sẽ quay lại với chủ đề này. Ngoài James Joyce, các tác giả khác được đề cập trong tuyển tập vì lẽ gì?

TNL: Cả 12 truyện trong tuyển tập đều được cộng  đồng văn học Anh-Mỹ đánh giá là các truyện ngắn kinh điển, lừng danh. Đến nay, các tác phẩm ấy vẫn được đem ra giảng dạy trong nhà trường ở Anh, Mỹ và một số nước nói tiếng Anh. Kate Chopin, với 4 truyện ngắn; Louisa M. Alcott, cũng 4 truyện; James Joyce 2 truyện; Hawthorne 1 truyện; Ambrose Bierce 1 truyện. Cả năm nhà văn này đều được công chúng xem là những cột trụ, các văn hào của chủ nghĩa hiện đại trong văn học Anh-Mỹ.

LTS: Thưa anh, ấn tượng sâu sắc nhất của anh khi chọn dịch 12 truyện Anh-Mỹ ấy là gì?

TNL: Thú thật, có rất nhiều bài học quý giá cho tôi khi dành ra gần 30 năm để dịch khoảng 120 truyện tiếng Anh, rồi tuyển chọn dần để in thành 3 tập như tôi đề cập. Lần này, công việc của tôi chỉ là chọn lại những tác phẩm đỉnh cao của các văn hào. Họ toàn là các đại thụ của nền văn học hiện đại chủ nghĩa Anh-Mỹ. Tôi “choáng ngợp” khi nghiên cứu sâu tiểu sử các văn nhân xuất chúng ấy. Tôi bị họ chinh phục hoàn toàn bởi sức làm việc và khả năng sáng tạo phi thường của họ. Năng khiếu và kiến thức, đồng ý, “Có bột mới gột nên hồ”, nhưng cái vĩ đại của họ nằm ở “lao động trí tuệ”, niềm đam mê sáng tạo, tính kiên trì và tư duy cách tân chứ không phải những thứ khác. Nhà văn nữ Kate Chopin là một trường hợp rất đặc biệt: trên 100 truyện ngắn của bà gần như bị bỏ xó! Ở thời bà, chẳng ma nào quan tâm tới tác phẩm của bà. Lý do là bà theo chủ nghĩa nữ quyền (feminism): sẵn sàng “vạch trần” thói xem thường phụ nữ của cánh đàn ông thời đó, “lên án” thói gia trưởng, độc đoán của họ. Các truyện ngắn của bà thường đề cập những nỗi niềm sâu kín trong tâm tư lãng mạn của người phụ nữ, do vậy, hay bị các “quý ông” ném sang một bên. Thậm chí, họ bảo, đó là “sách khiêu dâm”! Mãi tới 70 năm sau, khi bà đã “xanh cỏ” từ lâu, một học giả Na-Uy nghiên cứu kỹ các sáng tác của bà thì mới “tá hoả” ra là bà thực sự có tài năng xuất chúng. Truyện của bà nhanh chóng được dịch ra hằng chục thứ tiếng. Sách bà và những nghiên cứu văn học liên quan tới bà bán chạy, không những tại Mỹ, tại Na-Uy, mà khắp lục địa châu Âu. Ở Việt Nam, tiếc thay chưa có cuốn sách riêng biệt nào viết về tài năng tuyệt diệu của bà. Nói sang Alcott, chúng ta càng nhận ra tài hoa bậc nhất của nữ văn hào: Lối văn của Alcott vừa tự nhiên, trôi chảy, vừa rất trữ tình. Các truyện ngắn của bà thường lôi cuốn nhờ lối kể chuyện dí dỏm, bình thản, pha trộn đôi chút tính kỳ bí và một giọng văn cực kỳ uyển chuyển.

LTS: Vậy, anh ngưỡng mộ ai nhất trong số năm nhà văn tiếng tăm lừng lẫy ấy?

TNL (cười): Cả năm! Họ thật tuyệt. Thực tế, các nhà phê bình văn học dù khó tính tới đâu cũng phải nghiêng mình thán phục văn tài cao vời vợi của họ. Nhưng nếu phải lựa chọn, tôi sẽ dành nhiều cảm tình cho James Joyce và Kate Chopin. Joyce là một thiên tài khiến tôi rất ngưỡng mộ. Tôi cho rằng ông là nhà “sáng chế lại” kĩ thuật tiểu thuyết. Còn Chopin, sớm trở thành goá phụ lúc mới 32 tuổi, gánh một khoản nợ do chồng để lại lên tới 42 nghìn đô (tương đương 1,3 triệu đô tính theo thời giá hiện nay). Bà đến với văn chương năm 40 tuổi để tự chữa trị bệnh trầm cảm bằng một loạt truyện ngắn, nhiều bài báo và chuyện dân gian. Bà cô đơn trên văn đàn; tiểu thuyết The Awakening (Tỉnh thức, 1899) của bà bị văn giới trọng nam khinh nữ ở địa phương xem thường. May thay, nó được “phát hiện lại” vào thập niên 1970, tức là hơn 70 năm sau, khi có một làn sóng nghiên cứu mới đánh giá cao các tác phẩm phụ nữ. Kể từ đó, bà được xem là một trong những cây bút tiên phong của văn học nữ, một người có ý chí vô song, bền bỉ viết trong thầm lặng, dù bị “mắc kẹt” trong thành kiến. Đọc văn bà, chúng ta sẽ thấy rõ tâm hồn bà thật phóng khoáng; các tác phẩm của bà đều có tính nhân văn, tính nhân bản, nghĩa là viết cho nhân loại, thuộc về nhân loại.

LTS: Ồ, nhà văn làm tôi nhớ tới câu ngạn ngữ: “Không có gì thuộc về nhân loại mà lại xa lạ với tôi”.

TNL: Đúng vậy, đó cũng chính là điều tôi mong mỏi độc giả nhận ra, cảm thông, thấu hiểu các tác giả và nỗ lực của người dịch.

LTS: Vâng, xin cảm ơn anh đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn này.

(Lê Tiên Sắc thực hiện)