“Trở lại Hói Nồi” sâu đằm tình yêu và niềm tự hào về quê hương của Hồ Ngọc Quang

726

Nguyễn Đình Anh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi biết Hồ Ngọc Quang từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi anh mới tốt nghiệp đại học về nhận công tác tại Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ Tĩnh. Mang nghiệp nhà giáo nhưng tình yêu văn chương lúc nào cũng ngự trị trong con người anh. Anh là một trong số ít những cây viết trẻ của xứ Nghệ sớm đạt giải cao trong các cuộc thi văn chương của Nghệ An và các cuộc thi của quốc gia.

Về làm việc tại Trường cao đẳng sư phạm năm 1982 thì chỉ 2 năm sau, vào năm 1984 anh có bút ký “Nỗi đau chưa dứt” được Báo Nghệ Tĩnh trao giải nhất cho cuộc thi  viết bằng thể ký năm đó của báo. Đến năm 2000 Hồ Ngọc Quang lại nhận được giải Vàng của cuộc thi kịch bản sân khấu toàn quốc cho tác phẩm “Vết thương xưa”. Năm 2010 anh nhận giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi truyện ngắn của Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An cho truyện ngắn “Gặp lại bí thư”. Năm 2017 anh nhận tiếp một giải thưởng cho bút ký “Rộn rã bình minh” từ cuộc thi của ngành Nông nghiệp Việt Nam.

Với những giải thưởng của chặng đường đầu khởi nghiệp văn chương, chúng tôi sẽ không ngần ngại khi nói rằng; Hồ Ngọc Quang là người thật sự sớm thành công ở thể loại truyện ký.

Trong chặng đường sáng tác từ năm 1982 đến nay Hồ Ngọc Quang đã cho ra mắt bạn đọc 3 tập sách khá dày dặn: Ông Bụt đất nung (NXB Nghệ An năm 2003), Ma xó (Truyện ngắn NXB Nghệ An năm 2019), Trở lại Hói Nồi ( tập ttuyện  ký – NXB Nghệ An năm 2020). Với những nổ lực không mệt mỏi và những thành công anh đã gặt hái được trong gần 40 năm, đến năm 2020 Hồ Ngọc Quang đã được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam.

Có một điều không thể không nói thêm về nhà văn Hồ Ngọc Quang đó là câu chuyện về một bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời và có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp văn chương của nhà văn, ấy là việc từ năm 2010 anh đã nhận lời của Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu, rời Trưởng Cao đẳng sư phạm Nghệ An về quê hương đảm nhận trách nhiệm Giám đốc Đài phát thanh Truyền hình huyện nhà và cho tới gần đây khi tỉnh Nghệ An có chủ trương sáp nhập Trung tâm Văn hóa với Đài Phát thanh Truyền hình huyện, anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin truyền thông của huyện. Với cương vị vừa là nhà quản lý, vừa là nhà báo, nhà văn anh có nhiều điều kiện  để đi sâu đi sát thực tiễn đời sống của một huyện có địa bàn rộng lớn, có số lượng dân số đông xấp xỉ quốc đảo Singapore nên rất thuận lợi cho hoạt động sáng tác văn học cho mình.

Tác phẩm “Trở lại Hói Nồi” của nhà văn Hồ Ngọc Quang

Ở bài viết này chúng tôi chỉ xin được dành riêng để bàn luận về  tập truyện ký xuất bản gần đây nhất của anh là tập ký “Trở Lại Hói Nồi”. Một tuyển tập văn chương thể hiện sâu sắc nhất sự gắn bó máu thịt với quê hương của nhà văn Hồ Ngọc Quang. Một sự gắn bó đi cùng với hạnh phúc mà không phải nhà văn nào cũng  có được.

“Trở lại Hói Nồi” dày trên 300 trang sách. Gồm 15 truyện ký và ghi chép được nhà xuất bản Nghệ An ấn hành năm 2020. Trừ 2 bút ký: “Bạn bầu Yên Thành trong tôi”“Tình đất Tương Dương”, các tác phẩm còn lại đều là những tác phẩm anh tái hiện thành công cuộc sống sôi động đầy dấu ấn về truyền thống văn hóa, lịch sử và đầy năng động trong thời kỳ đất nước bước vào công cuộc dổi mới của huyện Quỳnh Lưu và Làng Quỳnh Đôi quê hương yêu dấu của anh.

Hiện thực mà ngòi bút của anh hướng tới phản ánh là những giá trị về truyền thống văn hóa lịch sử, về chân dung của một số chính khách có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội của huyện Quỳnh Lưu từ những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến nay; về các mối quan hệ tình cảm tốt đẹp của chính tác giả với quê hương, đồng nghiệp và bạn bè, về những tấm gương sáng trong lao động sản xuất để xây dựng quê hương Quỳnh Lưu giàu đẹp của nhân dân Quỳnh Lưu.

Điểm qua những bút ký, ghi chép và truyện ký trong “Trở lại Hói Nồi” điều đầu tiên người đọc cảm nhận được là lòng yêu quê hương tha thiết và niềm tự hào của nhà văn về những giá trị truyền thống văn hóa lịch sử có một không hai của quê hương mình. Ghi chép  “Làng tôi, làng Quỳnh” và truyện ký “Trở lại Hói Nồi” là hai tác phẩm có sự trào dâng mãnh liệt của mạch cảm xúc đó. Trong bút ký “Làng tôi làng Quỳnh” bằng dẫn liệu của quá khứ về văn hóa, lịch sử và nét đẹp về những giá trị đạo đức hiện thời mà người dân Quỳnh Đôi quê hương đã vun đắp và xây dựng được, nhà văn Hồ Ngọc Quang ngay từ phần mở đầu thiên bút ký “Làng tôi làng Quỳnh” đã  tự hào khẳng định:

“Ai cũng có một vùng quê để thương, để nhớ. Tôi được sinh ra  và lớn lên trên mảnh đất có tên cổ làng Quỳnh, là xã Quỳnh Đôi nức tiếng ngày nay. Điều đặc biệt, xã tôi chỉ có một làng nên gọi làng cũng được, gọi xã cũng thế. Có thể nói, làng Quỳnh quê tôi là điển hình của một làng quê vùng Bắc Trung bộ xưa, nơi giữ gìn tinh hoa, cái nôi văn hóa, với nếp sống thuần hậu của người dân cày và làng xã ngàn đời vùng Bắc Trung bộ.Tôi sinh ra từ làng, lớn lên từ làng, tình yêu quê hương con người cũng được hình thành từ làng” (Trang 5).

Làng Quỳnh là nơi in đậm dấu ấn tuổi thơ của nhà văn, ở đó nhà văn đã từng cùng bạn bè theo trang lứa sống suốt tuổi thơ. Nhà văn đặt tên cho những dòng ký ức đó trong “Làng tôi, làng Quỳnh” với tên một tiêu mục để gọi quảng đời đó là cánh diều tuổi thơ: “Hình ảnh những thằng con trai chín, mười tuổi chân đất, đầu trần, mặc quần cộc đánh “vuốt tai” chạy đuổi khắp xó xỉnh trong làng, hò hét đến khản cổ, nói không ra tiếng với những trò đánh khăng, đánh đáo có từ xa xưa đã gắn liền với tuổi thơ thần tiên của tôi và theo tôi đến hết cuộc đời” (Trang 7). Theo hướng đó để giúp bạn đọc định hình được một cách sâu sắc các giá trị văn hóa, lịch sử và đạo đức của làng Quỳnh, trong “Làng tôi, làng Quỳnh” nhà văn đã định danh các giá trị của làng Quỳnh Đôi bằng nhưng tiêu mục rất khái quát và cô đọng. Các tiêu mục đó giống như sự định danh các mảng nội dung trong những tiểu thuyết có chương hồi. Nhà văn lần lượt gọi làng Quỳnh của mình là Làng của trầm tích văn hóa: “Điều gì ở làng Quỳnh đã thu hút con em hướng về và nơi lưu giữ hồn quê? Phải chăng là nét kiến trúc, hình thể làng Quỳnh cũng như của các nhà dân rất độc đáo, mang tính chất của một làng cổ Việt Nam và cách đối nhân xử thế của người trong làng nghĩa tình trọn vẹn” (Trang 9). “Trong chiến tranh làng Quỳnh không có một quả bom nào trúng vào khu dân cư. Đúng ra cũng có một quả rơi trúng vào một gia đình, nhưng bom không nổ”. Làng Quỳnh  là ngôi làng Cổ kính hiện đại. Cổ kính từ từng khu chợ: “Và thật lạ lùng khi hàng hóa tràn ngập vào tận các quán xá trong ngõ ngách, người làng Quỳnh vẩn giữ thú vui đi chợ Nồi mua sắm. Chợ  Nồi có từ mấy trăm năm năm nay”. Làng của khoa bảng: “Làng Quỳnh xưa, Quỳnh Đôi trong Hoan Diễn là đất quan lại, thượng thư, thị lang, tổng đốc triều vua nào cũng nhiều nhưng làng xưa nay đều trọng kiến thúc “Trọng học hơn trọng quan”. Từ xa xưa cách đây ba trăm năm năm 1638 làng Quỳnh đã lập hương ước của làng, nhằm san định lễ nghi quy chế, đạo lý, cách ứng xử với người trên kẻ dưới, với xóm làng, với người hàng xứ. Làng của những ông đồ Nghệ: “Thầy đồ Nghệ làng Quỳnh đi đâu cũng gặp”. Làng của những tấm lòng hiếu nghĩa: “Năm 1528 Ông Hồ Nhân Hy, đỗ Giám sinh đã về quê dựng Nhà thánh, dựng chùa Quỳnh Thiện, đổi tên trang Thổ Đôi làng Quỳnh thành làng Quỳnh Đôi. Thượng thư Bộ lễ Hồ Sỹ Dương đã cung tiến cho làng 24 mẫu ruộng làm binh điền và 40 mẫu ruộng tốt khác làm học điền…”. Làng Quỳnh của Hồ Ngọc Quang còn là làng của nghĩa tình mang đậm triết lý người Việt Nam: Thương người như thể thương thân: “Nạn đói năm 1945 làng Quỳnh vượt qua được” nhờ sự chia sẻ đùm bọc lẫn nhau. Với những nét nổi trội như trên của làng Quỳnh cho nên nhà văn Hồ Ngọc Quang đã không ngần ngại khi cho rằng làng Quỳnh nơi chôn rau cắt rốn của ông  là một địa chỉ văn hóa: Chưa đầy 10km² mà đã có 10 di tích lịch sử cấp quốc gia đã được xếp hạng. Mới đây Sở Du lịch Nghệ An đã đưa làng Quỳnh vào điểm đến của một tour du lịch nội địa, với nhừng điểm tham quan: Các di tích lịch sử Văn hóa Tâm linh,  những xưởng sản xuất hương trầm gia truyền nổi tiếng hàng trăm năm nay, thưởng thức ẩm thực dân dã nổi tiếng “Bún, giá, cá, ruốc”… và sâu hơn, cao hơn nữa làng Quỳnh với trầm tích văn hóa khoa bảng, với hội thề của lòng thương người dài mấy trăm năm không nơi nào có được”.

Tình yêu quê hương và tự hào về quê hương không chỉ được thể hiện trong “Làng tôi, làng Quỳnh” mà còn được dâng trào trong truyện ký “Trở lại Hối Nồi” một truyện ký anh viết về chính cái hiện thực mà mình đang được sống với làng Quỳnh. Hồ Ngọc Quang đã chọn tên của truyện ký này để đặt tên chung cho cả tập truyện ký gồm 15 tác phẩm với tên chung “Trở lại Hói Nồi”.

Điều dễ nhận thấy đầu tiên khi đọc riêng truyện ký này người đọc sẽ có chung nhận định: “Trở lại Hói Nồi” là một tuyện ký thành công cả về mặt xây dựng cốt truyện, cả về bút pháp miêu tả tâm lý nhân vật, cả việc  tạo sự bất ngờ cho người đọc về kết thúc câu chuyện. “Trở lại Hói Nồi” còn thấm đẫm tình yêu quê hương xứ sở của tác giả. Đây là một truyện ký khá hấp dẫn đầy xót chua nhưng cũng ngập tràn hạnh phúc, đã thực sự có sức cuốn hút mê hoặc tới người đọc.

“Trở lại Hói Nồi” cũng như “Làng tôi, làng Quỳnh” đều có những trang viết xúc động về thời niên thiếu của tác giả. Nhưng “Trở lại Hói Nồi” chỉ tập trung nói về câu chuyện riêng của Hồ Ngọc Quang và một người bạn cùng trang lứa trong làng có tên là Văn. Tuổi thơ trong “Trở lại Hói Nồi” không còn là những cánh diều tuổi thơ như trong “Làng tôi, làng Quỳnh” như trước đây mà tuổi thơ của nhà văn trong “Trở lại Hói Nồi” vất vả cực nhọc vô cùng. Nhà văn trong “Trở lại Hói Nồi” thời đó là một cậu bé nhà quê vừa đi học vừa cùng bạn đi chăn vịt để kiếm sống và kiếm tiền trang trải việc học hành, nơi mà nhà văn và một người bạn đã từng: “Dịp nghỉ hè tôi đi chăn vịt với bạn cả tuần mới về nhà” và “Vụ mùa vừa gặt xomg, gió hun hút cánh đồng thoáng đãng. Hai chàng trai choai choai cùng khoác áo tơi đầu đội mũ lá, quần xắn lên đầu gói mỗi cậu cầm một cái sào hóp dài độ hai mét, đầu ngọn buộc chùm lá chuối khô, phía trước là đàn vịt mấy trăm con mò ăn rào rào như mưa giông. Đi đến đâu nhưng cua ốc, thóc rơi vãi trên cánh đồng còn nguyên gốc rạ như có phép thần tự nhiên tuồn hết vào diều của những con vịt ấy. Khi cái sào hóp giơ lên, đội quan ào ào ấy lại tiến lên phía trước. Đó là hình ảnh của Văn và tôi của hơn 40 năm trước, khi tôi đang học cấp 3 trường huyện, nó đã gắn liền tuổi thơ tôi với Hói Nồi. Hói Nồi hoang dã, thơ mộng, bí ẩn và hấp dẫn, gắn kết lạ lùng giữa tôi và thằng bạn nối khó cùng xóm – thằng Văn”. Thương bạn, muốn bạn khi trưởng thành sẽ có một tương lai tốt đẹp, ngay tại Hói Nồi Hồ Ngọc Quang với cách nhìn đời thời đó đã có lần chân tình khuyên bạn: “Văn ơi mình muốn nói điều này, bố mình mỗi lần về quê đều tâm sự với chính mình rằng: Làng Quỳnh ta xưa nay là đất học, học cũng là một nghề. Mình hiểu được nỗi khát khao thiệt hòi của cậu không được học hết cấp 3 như mình. Tuy nhiên cậu cũng có thể thoát ly làng đi làm một việc gì đó rồi có vốn để học thêm lên chẳng hạn… Văn ngồi yên không nói gì, cũng chẳng tỏ ra tán thành hay phản đối nữa. Nó có vẻ bồn chồn như đang ấp ủ một ước mơ gì đó to tát lắm, dữ dội lắm”… “Không biết có phải Văn nghe lời tôi hay không mà cuối năm đó nó xung phong đi bộ đội, mặc dù còn thiếu một tuổi. Tôi nhận được lá thư đầu tiên nó gửi, biết nó nhập vào đoàn quân tình nguyện sang Campuchia chiến đấu”… Sau này tình cờ trong một chuyến tham quan Đà Lạt đoàn do nhà văn Hồ Ngọc Quang làm trưởng đoàn lại ở đúng khách sạn có tên “Hói Quê”, khách sạn vào loại sang 3 sao, có đặc sản gợi nhớ quê hương. Khách sạn đó lại chính là khách sạn của Văn. Trong cuộc gặp đặc biệt này, Văn cho Quang biết: Sau khi kết thúc chiến tranh Văn đi Đức làm quản lý lao động, gom góp được ít vốn về Đà Lạt định cư, lấy vợ gốc  Hà Tĩnh. Vợ học xong Đại học Sư phạm không đi dạy mà ở nhà phục vụ chồng con. Vợ chồng có 3 cháu. Văn vừa là chủ khách sạn “Hói Quê” và là chủ cơ động của các cơ sở kinh doanh khác. Lần gặp này, cả 2 người đều mừng vui và toại nguyện bởi cả hai người bạn nối khố nghèo khổ ngày xưa ở Hói Nồi nay đều đã làm ăn phát đạt: “Gặp nhau hai chúng tôi mừng quá, tôi ngửi lên vai áo nó xen lẫn mùi nước hoa tôi cứ thấy thoang thoảng cái mùi mồ hôi chua chua dạo còn rét ôm nhau ở Hói Nồi”. Còn Văn thì tự hào về bạn cũ đã thốt lên với vợ con và những người có mặt trong buổi gặp gỡ đó: “Cái thằng thầy trắng trẻo này chỉ vào tôi – thưở hàn vi là cùng quê bạn học vừa là bạn chăn vịt với tôi đó”. Và sau đó họ đã “Tâm sự cho nhau nghe đủ thứ chuyện trên trời dưới đất nhưng cuối cùng vẫn về chuyện những con người của làng Quỳnh và chuyện làm ăn của làng”.

Câu chuyện của hai người bạn Hói Nồi thời điểm trước đó ở Đà Lạt đang ở cao trào của sự thỏa mãn thì đùng một cái thời gian sau khi Văn về quê thăm lại Hói Nồi gặp Quang thì câu chuyện về Văn lại trở nên bi kịch. Văn cho Quang biết: Do phải đi lại để giám sát nhiều cơ sở kinh doanh có giá tổng cộng gần 10 tỷ, Văn phải thuê một người đàn ông khác để quản lý khách sạn “Hói quê”. Cũng vì bối cảnh như vậy cho nên cô vợ trẻ của Văn đã trở thành bồ của người giúp việc. Với sự phản bội của vợ, Văn đã đuổi vợ ra khỏi nhà, bán luôn khách sạn và chuyển đi tới một nơi rất xa mua đất làm trang trại trồng cao su để tạo lập lại sự nghiệp mới của mình. Đối ngược lại hoàn cảnh của Văn, Văn đã được chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của Hói Nồi trong đó có sự thay đổi về cuộc sống của Quang. Quang vừa là một quan chức của huyện lại là chủ một trang trại nuôi tôm thành công tại mảnh đất Hói Nồi nơi ghi lại một thời về tuổi thơ gần gũi yêu thương nhưng cũng đầy gian truân vất vả của hai người bạn.  Trước tình cảnh éo le của bạn, Quang đã khuyên Văn hãy trở về Hói Nồi để sinh sống quảng đời còn lại với Quang và quê hương làng Quỳnh. Dù Văn không đủ can đảm để trở về làng cũ sinh sống nhưng tại lần gặp này tại quê hương, hai người bạn đã có thêm chiêm nghiệm sâu sắc về quê hương. Cũng như cái thời chăn vịt của tuổi thơ, lần gặp này Quang đã nói với Văn những lời gan ruột và đầy niềm xúc động, tự hào về về quê hương, về Hói Nồi: “Quá nửa đời người đi rất nhiều nơi thăm nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước và trên thế gới và mỗi lần đi qua các bản làng xa lạ, tôi lại đau đáu nghĩ về tuổi thơ, về Hói Nồi của Làng Quỳnh quê tôi, ít nơi nào có được”. Cuộc gặp với Quang ở Hói Nồi đã giúp cho Văn nhận ra một cách sâu sắc hơn: Quê hương là nơi sẵn sàng cưu mang che chở, là điểm tựa vững chắc cho cho mọi người và là nguồn động viên an ủi lớn nhất cho mỗi con người kể cả khi người ta đã ê chề thất bại trên đường đời  Ngoài việc ngợi ca tình bạn và lòng yêu quê, tự hào hết mực về quê hương của mình, “Trở lại Hói Nồi” còn đưa ra lời cảnh tỉnh: Con người khát khao hạnh phúc, tìm được hạnh phúc không là điều dễ dàng chút nào (Nhân vật Văn). Nhưng trong cuộc sống của thời kinh tế thị trường với sự băng hoại của đạo đức có một bộ phận không ít công dân đã đánh mất phẩm giá và hạnh phúc của mình một cách dễ dàng (nhân vật vợ Văn, cảnh tượng khách sạn Hói Quê của Văn thì mất, trang trại nuôi tôm của Quang ở Hí Nồi thì mở rộng và phát triển). “Trở lại Hói Nồi” đã đưa ra thông điệp: Mỗi con người luôn phải tỉnh táo để giữ gìn hạnh phúc của mình. Hạnh phúc của mỗi người còn phụ huộc vào cả chính mức độ tình cảm của mình đối với quê hương.

Mảng hiện thực thứ hai được Hồ Ngọc Quang phản ảnh thành công trong “Trở lại Hói Nồi” là đã khắc họa lại những phẩm chất tốt đẹp của một số chính khách và vai trò của họ trong sự phát triển kinh tế xã hội của huyện Quỳnh Lưu. Chân dung các chính khách trong tuyển tập “Trở lại Hói Nồi” được miêu tả trong các  truyện ký và bút ký “Bí thư huyện ủy”, “Dấu ấn trên đất Quỳnh”. Hai bí thư huyện ủy mà Hồ Ngọc Quang đã làm hiện dậy một cách sinh động và để lại niềm cảm phục cho người đọc: Đó là ông Ông Nguyễn Hữu Đợi – Bí thư huyện ủy của Quỳnh Lưu thời còn chiến tranh chống Mỹ và Bí thư huyện ủy đương thời của Quỳnh Lưu ông Hoàng Danh Lai.

Ông  Đợi được Hồ Ngọc quang miêu tả với những phẩm chất nổi bật và những câu nói để đời như sau:

“Ông Khỏe mạnh người đậm chân tay rắn chắc, da hơi ngăm. Ông có cái nhìn thẳng thắn ánh mắt chiếu thẳng vào cử tọa. Mới đầu ông nói chậm chạp, có tính khai quát tôi có cảm giác hơi khô khan…”, “Quả thật ông là nhà hùng biện, nhà chính trị nhà tuyên truyền cách mạng, nhà thuyết khách”. Ông Đợi trao đổi với thanh niên những lời lẽ thật khúc chiết rõ ràng, với những câu để đời: “Muốn xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa thì chúng ta cần lực lượng nào? Ồ là thanh niên, các bạn nói rất đúng. Các bạn sẽ là nòng cốt hiện tại và chủ nhân trong tương lai. Chúng ta đang nghèo, Quỳnh Lưu đang nhiều khó khăn, nhưng với: Mo cơm, quả cà và tấm lòng Cọng sản chúng ta sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội”…“Xóa tan đói nghèo và lạc hậu, xóa tan sản xuất nhỏ manh mún. Chúng ta phải mạnh tay: Thay trời đổi đất sắp xếp lại giang sơn”. Diễn giả Nguyễn Hữu Đợi suốt cả một buổi không nghỉ giải lao mà cả hội trường im phăng phắc, họ bị cuốn hút, bị thu phục, bị lôi kéo bị chinh phục hoàn toàn tâm tư của thanh niên”.

Ông Nguyễn Hữu Đợi đảm nhận chức vụ Bí thư huyện ủy Quỳnh Lưu ở một giai đoạn hết sức đặc biệt trong lịch sử nước nhà. Đó là thời kỳ chúng ta dồn sức xây dựng cấp huyện. Có lẽ thời thế đó đã tạo nên con người Nguyễn Hữu Đợi với một phong cách lãnh đạo  tạo mới:

“Chọn cấp huyện vì dưới sự hỗ trợ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ biến hơn 200 huyện thành pháo đài kinh tế” …“ Ở Nghệ An chuẩn bị cho đất nước sau khi thống nhất đi lên xã hội chủ nghĩa thì Trung ương Đảng và tỉnh ủy Nghệ An chọn Quỳnh Lưu làm thí điểm đi đầu, hình thành mô hình và rút kinh nghiệm chung”.

Bí thư Nguyễn Hữu Đợi là con người hành động. Khi Thái Bình là tỉnh 5 tấn ông Đợi cử một đioàn cán bộ 24 người ra học Tập Thái  Bình. Sau thời điểm đó năng suất lúa của huyện Quỳnh Lưu đạt cao hơn nhiều so với tỉnh Thái Bình.

Dưới ngòi bút giàu tính hiện thực và mang tính triết luận cao với “Trở lại Hói Nồi” nhân vật Bí thư huyện ủy Nguyễn Hữu Đợi đã hện ra trước mắt người đọc như một người anh hùng. với nhân vật Nguyễn Hữu Đợi, nhà văn Hồ Ngọc Quang như muốn khẳng  định lại một triết lý, đó là thời thế tạo anh hùng:

“Đến năm 1975 mới 3 năm ngớt tiếng bom Quỳnh Lưu đã trở thành hiện tượng trong cả nước và truyền thông thời đó đã có nhiều bài viết ca ngợi rất hình ảnh ví: “Quỳnh Lưu đã chạm một tay vào chủ nghĩa xã hội” Chủ nghĩa xã hội ở Quỳnh Lưu là đây: Năng suất lúa cao, thủy lợi được hoạch định, đời sống nhân dân được cải thiện, người già, thương binh, bệnh binh được chăm sóc, đồng ruộng và thôn xóm được sắp xếp lại, trường học và bệnh viện được xây dựng khang trang”. Bí thư Nguyễn Hữu Đợi còn là một người biết “Chuyển hóa Nghị quyết vào cuộc sống”. Ông có biệt tài biến Nghị quyết của Đảng bộ huyện vào cuộc sống bằng những câu khẩu hiệu dễ hiểu: “Chúng ta với mo cơm quả cà và tấm lòng Cộng sản để tiến lên xã hội chủ nghĩa”. Mạnh mẽ như thế nhưng Nguyễn Hữu Đợi lại là con người hết sức vô tư trong sáng, luôn nêu gương cho đồng chí. Ông Hồ Đức Phước  nguyên Bí thư tỉnh ủy, nay là  Bộ trưởng Bộ Tài chính, người có thời gian dài sống và làm việc với Bí thư Nguyễn Hữu Đợi đã nhắc lại một kỷ niệm đẹp về ông Bí thư Nguyễn Hữu Đợi:

“Có lần bác ấy kể lại với tôi là nhà cách huyện ủy chỉ mấy trăm mét. Chiều đến thấy khói nấu cơm bốc lên nghi ngút mà không dám về nhà mặc dầu rất nhớ bữa com chiều quây quần bên vợ con nhưng nghĩ anh em ở xa sẽ buồn bỏ về, nên ở lại cơ quan với anh em”.

Tuy nhiên dù có những đức tính quý nhưng ông Đợi không phải là người không có hạn chế. Ông Đợi là con người hành động. Nhưng con người hành động ấy khi ông thể hiện ra ngoài ý chí của mình bằng ngôn từ thì lại rất gay gắt. Ông từng tuyên bố trong các cuộc họp: “Chỉ bàn tiến không được bàn lùi”. Một điểm nổi bật khác của ông Nguyễn Hữu Đợi đã được Hồ Ngọc Quang khẳng định thêm: Ông là người kiên trung tuyệt đối trung thành với Đảng. Thành tựu mà ông dể lại cho đời đó là thời ông lãnh đạo đã làm đến cùng để xây dựng được công trình thủy lợi Vực Mấu, một công trình chứa 75 triệu mét khối nước cung cấp nước tưới cho 4 ngàn hecta lúa hai vụ.

Người bí thư huyện ủy thứ hai mà Hồ Ngọc Quang đã phác họa trong “Trở lại Hói Nồi” là ông Hoàng Danh Lai người đang đương nhiệm Bí thư huyện ủy Quỳnh Lưu. Điều mà Ông Hoàng Danh Lai đưa đến cho huyện Quỳnh Lưu là: “Cơ sở để làm nên thành tích phát triển bền vững vẫn là một khung văn hóa, một chiều kích văn hóa và một tâm thức văn hóa đặc sắc được thể hiện trong khát vọng huyện mạnh, dân giàu trong đó dấu ấn đậm đặc nhất bao trùm nhất và tinh hóa nhất là tinh thần đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng trách nhiệm của các cấp lãnh đạo”.  Nhà văn Hồ Ngọc Quang người đã nhiều lần nói chuyện với bí thư huyện ủy Hoàng Danh Lai và có một lần nhà văn đã hỏi ông Lai: Trong công tác lãnh đạo anh tâm đắc nhất điều gì? Anh cười bảo ngay: Đoàn kết thống nhất trong thường vụ, trong ban chấp hành phải được xem là một chiến lược lâu dài là nhân tố cần thiết để bảo đảm mọi thắng lợi. Điều mà Bí thư huyện ủy Hoàng Danh Lai làm được không chỉ do anh phát ngôn mà đã được các đồng chí lãnh đạo khác trong huyện ủy ghi nhận: “Dịp đi Cà Mau với các anh lãnh đạo huyện, ở cùng phòng với anh Lê Xuân Kiên, Phó bí thư thường trực, tôi chia sẽ với anh là tôi đã đi nhiều, tiếp xúc với nhiều nơi, nhiều người đều đánh giá cao và ngưỡng mộ cấp ủy huyện mình có tính đoàn kết và thống nhất cao. Anh Kiên nói: “Chúng ta đạt được nhiều thành tích vì chúng ta đoàn kết. Không phải đoàn kết là xuôi chiều không đấu tranh, ngại va chạm mà chính là thường xuyên trao đổi ý kiến với nhau, nếu có dư luận trái chiều thì trong các cuộc giao ban Thường trực hàng tuần sẽ trao đổi thảo luận tìm ra chân lý như thế dễ thống nhất với nhau hơn”. Nhà văn Hồ Ngọc Quang trong bút ký “Dấu ân đất Quỳnh” còn nói rõ thêm: “Vâng đúng như bí thư Hoàng Danh Lai nói, Quỳnh Lưu trong mấy chục năm qua đã giữ được ổn định xã hội, kinh tế văn hóa phát triển là nhờ cấp ủy có được sự đoàn kết nhất trí trong Đảng và cũng như thế nên đã chọn lựa được người đứng đầu huyện vừa có tâm vừa có tầm vừa có tài”. Chính vì xây dựng được khối đoàn kết vững mạnh mà các kỳ Đại hội Đảng ở Quỳnh Lưu đều trở thành ngày hội của toàn dân: “Cứ một kỳ đại hội Đảng bộ huyện, giống như ngày hội của cán bộ và nhân dân, ngày vui của mọi người, mọi nhà các xã thi nhau gửi về chúc mừng đại hội không những niềm vui văn hóa văn nghệ, thư chúc mừng mà cả vật chất. Xã miền biển gửi tặng hàng tấn cá tươi, các xã vùng bán sơn địa thì trâu bò lợn gà, vùng nông giang thì gạo nếp rau củ quả. Người dân gửi tặng quà như gửi gắm cho Đảng bộ niềm tin yếu, niềm hy vọng và cả tấm lòng mình tin tưởng vào một ngày mai tốt đẹp”.

Mảng hiện thực thứ ba nổi bật được khắc họa trong “Trở lại Hói Nồi” là mảng bút ký ngợi ca con người Quỳnh Lưu hăng say trong lao động (“Những bông hoa dâng Bác”, “Những người có đạo”, “Vua bếp bạn tôi”,…).

Hiện nay nhà văn Hồ Ngọc Quang là Trưởng ban Văn xuôi của Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, anh có điều kiện được đi nhiều, đi xa khỏi Làng Quỳnh nên trong tập ký “Trở lại Hói Nồi” của anh có thêm 2 bút ký viết về hiện thực của  các địa bàn ngoài Quỳnh Lưu: Bút ký “Tình đất Tương Dương” phản ảnh những thành công của một huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An  trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới. Bút ký “Bầu bạn Yên Thành Trong tôi” là sự giải bày tình cảm mến yêu của tác giả với nhà thơ Phan Văn Từ một bạn văn có đời sống chân thành mộc mạc như lão nông và những bạn văn chương và đồng nghiệp mến yêu của nhà văn ở huyện lúa Yên Thành.

Tập truyện và ký “Trở lại Hói Nồi” và những sáng tác mà nhà văn Hồ Ngộc Quang đã xuất bản trong hàng chục năm qua (Từ năm 1980 đên nay) đã khẳng định nhà văn Hồ Ngọc Quang là một trong số ít nhà văn nổi trội đã góp phần tạo nên bước phát triển mới của nền văn xuôi của Nghệ An. Mặt khác Hồ Ngọc Quang ngoài tư cách chung là một nhà văn của Nghệ An, của cả nước, anh còn là một trong những người có số lượng bài viết đậm đặc nhất và thành công hơn cả về làng Quỳnh Đôi và huyện Quỳnh Lưu quê hương của nhà văn.

Vinh tháng 6 năm 2021

N.Đ.A

Trưởng Ban Lý luận Phê bình Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An