(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi trở lại trong một chuyến xe ca, có đầy đủ thiết bị hiện đại: wifi, nước suối, khăn lạnh. Tôi bồi hồi nhớ hồi xưa khi từ miền Trung theo gia đình vào miền Nam sống, thuở ấy tôi mới 9 tuổi, đi trên chuyến tàu hỏa đến ga Sài Gòn, rồi đón xe lam về quê nội. Chiếc xe cũ rích, ì ạch chạy qua các con đường, mỗi khi nắng rọi vào, tôi và anh 2 thay đổi vị trí liên tục. Chiếc xe chạy ngang qua một cánh đồng, bỏ lại hàng cây xa xa, mùi khói đốt đồng bay vào nghe cay mắt, bóng chiều đổ xuống đỏ rực ngoài cánh đồng xa, ven đường những mái nhà lá vách đất kề sát nhau, bên lũy tre có cây rơm, vài chú trâu miệng còn nhai bên lũy tre xanh rì. Tôi đi qua những con đường đất, những cây cầu ván cũ, nhà nhà cây cối um tùm, trái quả xum xuê, những con sông được bắt ra một khúc ván, những thằng nhỏ tuổi lứa tôi trần truồng, đứng trên cầu nhảy xuống sông đùng đùng, trông rất thú vị. Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được nét bình dị, gần gũi, và hơi thở của mảnh đất miền Nam này.
Tôi trong vòng tay má nhìn hết nơi này, đến nơi khác. Anh 2 gục đầu vào tay cha ngủ từ bao giờ. Má nói khi về bên nội sống sẽ giống như những đứa trẻ đó, cũng tắm sông, thả diều, bắt cá, nghe má nói mà tôi khoái vô cùng. Cứ nhìn hai bên đường và đôi khi hỏi má đã tới nơi chưa.
Tôi xa miền Trung khi mới chín tuổi, ký ức tuổi thơ của tôi ở đó chỉ quanh quẩn nhà ngoại, nhớ rất rõ nhà ngoại có cây vú sữa rất to ở trước sân, bóng mát bao trùm hết cái nhà, hàng ngày có bé Na sang chơi cùng. Bé Na là con của chú Đạt nhà sát với nhà ngoại, do vợ chồng chú Đạt đi làm đến tối mới về, nên gửi bé Na cho ngoại trông dùm. Tôi còn nhớ, ngày tôi đi con bé Na nó khóc dữ lắm, chúng tôi còn nhỏ nên chưa hiểu biết gì nhiều, chỉ biết là đi lên kia chơi lát rồi về như lời ba má tôi nói. Ba má của bé Na cũng nói dối với cô bé như thế, chú Đạt vỗ dành đưa cho con bé con búp bê rồi thì thầm.
– Nín đi con, anh đi lên kia chơi rồi chiều anh về chơi với con.
Con bé Na cứ khóc lóc đòi đi theo, vì hàng ngày chúng tôi có rời nhau bao giờ. Tôi cứ tưởng là đi lên kia chơi thật nên cũng nói với bé Na trước khi bước lên xe.
– Nín, ở nhà đi Na, anh đi lên kia chơi, chiều anh mua bánh về cho Na.
Chiếc xe đã lăn bánh, nhìn lại vẫn thấy cô bé khóc lên khóc xuống, nó lấy tay chỉ chỉ về phía tôi, má nó phải đôi lần chạy ra ôm nó vào. Từ đó tôi không còn gặp lại bé Na nữa. Hơn hai mươi năm chưa một lần tôi trở về quê ngoại. Nay mới có dịp về, đi trên chuyến xe này, nó gợi tôi nhớ lại ngày thơ ấu, nhớ nhà ngoại và nhớ luôn cô bé của thuở nào, không biết bé Na giờ ra sao đã có chồng con chưa, tôi luôn hi vọng lần này trở về sẽ gặp lại cô bé ấy, tôi nợ bé Na một lời hứa, trước khi đi tôi có nói, chiều về sẽ mua bánh cho bé Na, vậy mà hơn hai mươi năm biền biệt, giờ mới được trở về.
Tôi chỉ có số điện thoại của dì Bảy, không có địa chỉ hay bất cứ cái gì, dì Bảy nói cứ ra tới bến xe dì tới đón. Tôi về dịp này ngoài thăm ngoại và bé Na ra, còn một chuyện hết sức quan trọng, đó là ra mắt vợ, nghe nói gia đình cô ấy có quen biết với gia đình tôi, nhưng lâu quá gia đình tôi không về đó, và tôi cũng chưa từng biết cô ấy, tất cả là do dì Bảy mai mối. Họ bảo tôi ra đó chơi, nếu hai đứa chịu thì lần sau ba má tôi ra và sẽ tính chuyện cưới hỏi.
Trên xe tôi cứ hình dung ra gương mặt, vóc dáng cô gái ấy trông như thế nào, cái mà tôi biết về cô ấy chỉ duy nhất là tên Bé như dì Bảy gọi, tôi cũng không biết phải ăn nói như thế nào khi đối diện với những người đầy xa lạ, nghĩ tới mà áp lực vô cùng, thôi thì cứ nghĩ cho nhẹ nhàng, dù họ có chịu hay không cũng không quan trọng, được về thăm ngoại và bé Na là đủ rồi.
Màn đêm đã bao phủ miền Trung, trên xe chỉ còn vài người, người xuống, người lên liên tục, và mỗi lần có người lên xuống, thì tôi lại bực mình, vì xe phải dừng, tôi lại mất thêm thời gian, hiện tại tôi rất nôn nao trở về nhà ngoại càng sớm, càng tốt, đã hơn hai mươi năm xa cách, mà xe cứ dừng lại thế này thì đúng là rất khó chịu. Xe dừng lại ở trạm Quy Nhơn, tất cả hành khách xuống đi vệ sinh, ăn uống, tôi cũng tranh thủ mua một ít đồ để làm quà cho ngoại và cho cả bé Na.
Một lát sau, xe tiếp tục hành trình đến một đoạn, xe lại dừng vì có người lên, người lên là một cô gái tuổi tầm ba mươi, cô gái nói địa điểm đến của mình cho tài xế, rồi tài xế sắp cho ngồi cạnh tôi. Trên xe cô gái ấy liên tục ợ ợ như sắp nôn, tôi rất gớm cái cảnh này và tự trách mình sao lại xui xẻo như thế. Cô gái ấy dựa vào vai tôi mà ngủ, tôi tự nói với chính mình, con gái, con lứa gì mà kì cục, chẳng ý tứ gì cả, lên xe mà cứ ợ ợ làm cả xe ai cũng ớn, lại còn tựa đầu vào người lạ mà ngủ nữa chứ. Tôi lấy tay xô đầu cô ấy qua hướng khác, thì một lát cô ấy cũng nghiêng về vai tôi, thôi cứ xem như tôi xui xẻo vậy.
Một lát sau chuyện tồi tệ xảy ra với tôi, cô ấy đã nôn lên người tôi, hành khách bịt mũi quay mặt chỗ khác, có vài người thì cười, tôi chả hiểu họ cười cái gì, họ cười tôi không may mắn như họ chăng, mà đúng rõ ràng là như vậy. Tôi bực mình đến cực độ, cô ấy quay sang tôi thì thào:
– Em xin lỗi anh, em bị say xe, em đi xe dở lắm. Em có khăn giấy đây, để em chùi cho.
– Thôi khỏi, để tôi xin tài xế cái bọc rồi cởi áo khoác ra bỏ vào về giặt, cô đừng nôn nữa nhé, có nôn thì quay sang hướng khác dùm tôi. Đúng là ngày đen như mực.
– Anh làm gì mà khó chịu vậy, bộ em muốn nôn lên người anh lắm sao, nỗi khổ của người say xe rất mệt, anh phải thông cảm chứ, thôi anh cứ đưa cái áo đó đây, em về giặt rồi trả lại cho anh.
– Cô nói chuyện nghe buồn cười nhỉ, đưa cho cô giặt rồi tôi lấy áo lại bằng cách nào.
– Thì em đã xin lỗi anh còn gì.
– Chứ tôi có nói gì đâu, tôi chỉ nói có nôn thì quay sang hướng khác.
– Thôi, anh cho em xin lỗi, mà anh có dầu gió không?
– Không có, cô biết mình bị say xe sao không chuẩn bị đầy đủ trước khi đi.
– Tại nhà em có việc, quá gấp, nên không chuẩn bị kịp, chứ em chả muốn về tí nào, đi xe là một cực hình đối với em. Anh đừng buồn em nhé, xin lỗi anh.
Cô gái ấy lấy chiếc khẩu trang đeo vào, rồi quay qua hướng kia nhắm mắt, được một lát thì cô ấy quay sang đây dựa vào vai tôi ngủ như ban đầu. Tiếng chuông điện thoại của cô ấy reo lên liên hồi, có lẽ cô ấy bị say xe, quá mệt, nên ngủ luôn không nghe máy, đôi khi tôi định đánh thức cô ấy dậy để nghe máy nhưng nghĩ đi, nghĩ lại, thôi thì cứ để cho cô ấy ngủ yên, lát cô ấy thức dậy cũng gọi lại thôi. Hình như cái sự bực tức ban đầu của tôi đã quên lãng, nghĩ lại cô gái đó cũng rất tội nghiệp, mặt mài tái mét vì chứng say xe, chắc giờ trong người đang rất mệt. Tài xế thắng gấp làm tôi giật mình, mọi suy nghĩ về cô gái ấy cũng biến mất, cô ấy cũng tỉnh thức, hai tay dụi mắt, nhìn ra phía sau, rồi nói.
– Tới đâu rồi anh, tối quá em không nhìn thấy gì, nên không biết đây là đâu. Hình như Đức Phổ thì phải
– Tôi không biết, vì đây là lần đầu tiên tôi đến đây. À mà hồi nãy có ai gọi cho cô đó, tôi thấy cô ngủ say quá nên không đánh thức cô dậy.
Cô gái lấy chiếc điện thoại ra, nhướng mắt thấy có cuộc gọi nhỡ thì gọi lại.
– A lô, ba hả, con gần tới Đức Phổ rồi, khỏi rước, con đón xe về tận nhà luôn. Thôi con nghỉ chút, về lần này con muốn bệnh luôn.
Cô gái nói ngắn gọn rồi cúp máy, tiếp tục nhắm mắt, bất ngờ cô ấy quay sang tôi hỏi.
– Anh về tới đâu, sao ngủ tí đi cho khỏe.
– Tôi về tới bến xe, mà tôi cũng không biết còn bao xa nữa, hỏi tài xế thì tài xế nói còn xa lắm.
– Em cũng về tới bến xe nè, nếu còn xa thì anh nên nhắm mắt tí đi cho khỏe.
– Nói thật với cô, tôi cũng rất mệt, vì tôi đi xe rất xa tới đây, nhưng không dám ngủ, vì tôi hoàn toàn không biết bến xe nó ở đâu mà báo cho dì tôi biết để rước.
– Ủa, anh không phải người Quảng Ngãi sao?
– Tôi không biết phải nói sao nữa, nửa phải, nửa không.
– Em hiểu, em chết liền á.
– Là tôi sinh ra ở Quảng Ngãi, nhưng sống chỉ có vài năm ở đó thôi, rồi vào miền Nam sống, cho tận bây giờ mới ra thăm lại.
– Giọng nói của anh không có chút miền Nam nào hết, thế mà nãy giờ em cứ tưởng, anh là dân Quảng Ngãi đi làm xa rồi giờ về chứ.
– Ngay cả cái bến xe tôi còn không biết nó nằm ở đâu, thì Quảng cái gì. Nhưng ở miền Nam, tôi vẫn sống trong khu của người Quảng di dân.
– Vậy lần này anh về xứ Quảng là sống luôn hả.
– Không, tôi về thăm họ hàng.
– Họ hàng của anh ở huyện nào, nói xem em có biết không.
– Nói thật tôi không biết, khi tôi đi khỏi đất Quảng là tôi còn rất nhỏ, vì thế không biết ở đâu, nhưng tới bến xe là dì tôi đón.
– Thế dì anh không nói cho anh biết là dì ở huyện nào sao.
– Cần gì nói, tới là tự biết mà.
– Em hỏi thử có gần không, nếu gần thì em giặt áo khoác cho anh, rồi đem trả, còn nếu xa quá thì…
– Chắc không gần đâu.
– Ừ, em xin lỗi nhé.
– Không có gì đâu, mà sao cô bị say xe sao không đi cùng người thân, dù gì có người thân đi cùng cũng dễ chăm sóc hơn, chứ tôi thấy thế này không ổn tí nào, may là cô nôn vào người tôi, chứ nôn vào người khác chắc bị chửi cũng nhiều rồi.
– Em đi làm ở Bình Định, nay nhà có việc đột xuất nên em trở về, hình như anh không bỏ qua cái việc em nôn hay sao ấy, anh cứ nhắc mãi, nếu anh không thích em ngồi đây thì cứ nói. Em cũng xin lỗi anh nhiều lần rồi mà, anh đừng nhỏ mọn như vậy.
– Cô nói gì, tôi nhỏ mọn sao, ý tôi nói là trường hợp thế này có người thân sẽ hay hơn.
– Có thì sao, mà không có thì sao, nãy giờ anh có chăm sóc gì cho tôi chưa, mà nói như kiểu thay thế người thân tôi vậy. Đang mệt cứ nghe anh nhắc lại chuyện lúc nãy, làm tôi bực hơn.
– Cô đã chồng chưa.?
– Có thì sao, mà không có thì sao, liên quan gì tới anh à. Tôi chưa có.
– Hèn gì.
– Hèn gì là sao.
– Hèn gì ngang ngược quá, nên không ai dám lấy.
– Anh coi lại bản thân mình đi, có tốt hơn ai mà đi nói người ta, đàn ông con trai gì mà tính y như đàn bà. Mà nè, chắc anh cũng chưa có vợ.
Tôi im lặng vì những đôi mắt cứ nhìn về phía chúng tôi, cô gái ấy lớn tiếng nên ai cũng nghe thấy. Tôi cảm thấy xấu hổ, lần đầu tiên trong đời mới thấy có người ngang như vậy, lời của tôi là chân thành, mà cô ấy nghĩ khác. Thôi thì không nói nhiều với loại này, cô ấy hình như đang tức giận, cứ lớn tiếng nhìn sang tôi.
– Anh điếc hả, anh hỏi tôi thì tôi trả lời, tại sao tôi hỏi anh, anh lại không trả lời.
– Cô nói chuyện kiểu gì kì cục vậy, ban đầu tôi thấy cô nói chuyện cũng dễ nghe, về sau càng nói càng khó nghe.
– Ai kêu không trả lời tôi chi.
– Được rồi, tôi chưa có vợ.
Cô gái ấy cười ha hả, và nói như châm biếm lại tôi.
– Đó thấy chưa, tôi đoán có sai đâu, anh như vậy thì có con nào điên nó dám lấy làm chồng.
– Cô xúc phạm người khác vừa thôi nha.
– Ai kêu anh xúc phạm tôi trước chi.
– Thôi tôi không nói với cô nữa.
– Ừ không nói thì thôi, càng khỏe, nói ra mất công mệt, đang mệt nghe càng mệt thêm. Tôi nói chuyện với anh là vì tôi thấy mình có lỗi qua việc vừa rồi, anh nghĩ mình có giá lắm sao, đừng chảnh với tôi.
Tôi lắc đầu vì cách ứng xử thô bạo của cô gái ấy, thật sự ban đầu tôi thấy cô ấy cũng rất gần gũi nên trò chuyện, huống gì cô ấy bị say xe, mặt mài xanh như tàu lá lại không có ai đi cùng, không ngờ cái sự quan tâm nhỏ nhoi từ tôi, mà người khác cho rằng có ý khác, thôi thì mặc kệ vậy.
Xe đã tới bến, màn đêm phủ lên miền Trung đầy vắng lạnh, gió lạnh lùng hắt vào người tôi trơ trơ, tôi chợt rùng mình vì trên người không có áo khoác, cô gái ấy cũng bước xuống, đứng nhìn tôi rồi nói.
– Miệng tôi tuy nói vậy nhưng tôi không ghét. Đây là bến xe, anh cứ lại phòng vé chỗ ghế đá mà ngồi, đừng đi lung tung kẻo dì anh tới không biết anh ở đâu mà đón.
– Ừ tôi cảm ơn cô nhiều.
– Tranh thủ lấy vợ đi nha.
Cô gái ấy nói lời sau cùng, nhìn tôi cười rồi đón một chiếc xe ôm đi khuất. Giờ chỉ còn lại một mình tôi giữa màn đêm hiu quạnh. Cuối cùng dì Bảy cũng đã tới đón, tôi mừng như bắt được vàng.
– Sao dì Bảy tới lâu quá vậy.
– Dì đợi cho ngoại ngủ rồi mới đi. Ngoại cứ thức chờ cháu nãy giờ. Cháu đi xe có mệt lắm không.
– Cũng không mệt lắm đâu dì, nhưng hơi bực vì xe cứ dừng lại đón khách, lại gặp thêm một cô gái kia ngồi cạnh rồi nôn lên người cháu. Chả biết là ngày gì.
– Con gái thì nó dễ bị say xe lắm, cháu thông cảm đừng bực nhé.
– Cái say xe cháu không nói, nhưng người đó nói chuyện rất ngang ngược. Cháu chưa gặp ai như người đó cả. Chẳng biết điều gì hết.
– Thôi được rồi, về đến đây là mừng rồi, thôi mình về, ngày mai dì sẽ đi chợ mua thật nhiều đồ để làm nhiều món đãi cháu, hơn hai mươi năm rồi, giờ cháu mới trở về, chắc giờ ngoại nhìn không ra. Thôi mình về thôi nào.
Bước vào nhà ngoại, mọi thứ đã quá đổi khác lạ, căn nhà đã được làm lại, và cây vú sữa cũng đã không còn, tuổi thơ của tôi như đã mất dấu. Hai mươi năm thay đổi đến bất ngờ, ký ức xưa cứ ùa về dưới bóng sân này, nơi này tôi và bé Na hay chơi trốn tìm dưới bóng cây vú sữa, thời gian cứ như một chuyến xe tốc hành vậy, thoáng cái vụt bỗng thấy xa xôi. Nhà của bé Na cũng đã thay đổi khác lạ không kém, ngày ấy trước cái hàng rào có hoa dây leo, tôi hay ngắt bỏ vào bàn tay con bé và bảo con bé nhắm mắt lại đoán xem đó là gì, lần nào con bé cũng trả lời sai, nay nó thay thế bằng hàng rào xây cột, căn nhà lụp xụp của thuở nào, giờ là nhà hai tầng rộng lớn phủ lên lớp sơn xanh ngọc trông rất đẹp và khang trang.
Có lẽ ban đêm qua tôi không cảm nhận được nhiều, nên hôm nay tôi sẽ dậy sớm đi khắp nhà ngoại để tìm lại ký ức xưa của tôi và bé Na. Ngoại đã dậy từ bao giờ, trong ký ức tôi nụ cười của ngoại vẫn như ngày nào, mặc dù tóc ngoại thời gian đã điểm lên trắng xóa, gương mặt đã nhăn nheo, nhưng nụ cười vẫn như in thuở tôi còn chín tuổi.
– Sao cháu không ngủ thêm tí nữa, mà dậy sớm vậy.
– Dạ cháu muốn ngắm kỹ, để xem hơn hai mươi năm nơi này khác với giờ thế nào. Ngoại khỏe không.
Ngoại ôm tôi vào lòng, như thuở xưa ba má tôi, và vợ chồng chú Đạt đi làm xa, ở nhà tôi hay khóc, cảm xúc này lại ùa về, nó dâng trào trong tôi.
– Ngoại khỏe, hơn hai mươi năm rồi, cháu của ngoại lớn quá. Ngoại rất nhớ cháu, nhưng cái bệnh xương khớp tuổi già không thể nào vào tận đó thăm cháu được.
– Cháu cũng nhớ ngoại lắm, và bây giờ mới được trở lại, cháu như quay ngược thời gian của đứa trẻ chín tuổi thuở nào bên ngoại. À mà cái con bé Na con chú Đạt, nó còn ở đây không ngoại.
– Còn chứ, hồi sáng lúc cháu còn ngủ nó có ghé lại đây thăm ngoại, nói chuyện rất lâu, nó với dì Bảy đi chợ mua đồ về nấu rồi. Cái con bé ấy mỗi khi về nhà đều ghé đây thăm ngoại, tội lắm.
– Ủa bé Na hồi sáng có ở đây hả ngoại.
– Ừ có, lần nào nó về, nó cũng ghé đây chơi.
– Nó biết cháu về đây không ngoại.
– Nó biết, nên nó với dì Bảy đi chợ mua đồ về nấu cho cháu ăn đó, con nhỏ nấu ăn rất ngon, hôm nay cháu sẽ được thưởng thức tài nghệ nấu của nó. Sau này nó sẽ nấu cho con ăn suốt đời.
– Ủa là sao Ngoại.
– Thì… nó nấu ăn ngon, con sẽ ghiền, mà ghiền thì bắt nó nấu cho ăn suốt vậy mà.
– À cháu hiểu rồi, mà nó có chồng con chưa ngoại.
– Chưa.
– Cái gì, nó cũng lớn tuổi rồi mà, cháu nhớ nó nhỏ hơn cháu chỉ có hai tuổi.
– Đúng rồi.
– Vậy mà từ lâu cháu cứ tưởng nó đã có gia đình.
– Lát nó về, cháu nói chuyện với nó nhiều hơn nhé. Chiều nay, cháu phải đến nhà nó thăm ba má nó. Ba má nó cũng hay nhắc cháu suốt.
– Dạ cháu cũng định vậy đó ngoại, cháu có mua sẵn quà đây.
– Tốt, cháu rất chu đáo, thôi cháu ở nhà đợi nó về, ngoại đi đám giỗ ở nhà bà tư cách đây vài cái nhà thôi, ngày xưa con với bé Na hay lại đó mua kẹo đó. Ngoại đi sẽ về liền.
– Dạ ngoại đi đi ạ.
Tiếng bước chân và dáng đi của ngoại tôi đã ra tới cửa và khuất sau cánh cửa rào, trong lòng tôi bồi hồi biết bao, không biết bé Na có còn nhận ra tôi không, cũng không biết cô bé có còn nhớ gì về những kỷ niệm hồi nhỏ hay không. Tôi cứ đi tới đi lui, hai tay chắp sau lưng, suy nghĩ mông lung, bất chợt có tiếng xe phía trước cổng, giọng nói của dì Bảy vang lên như đang nói cùng ai.
– Chết rồi, cô bỏ quên rau với hai con gà ở chỗ chị Sương, thôi cháu cứ xách cái này vào nhà đi, để cô chạy ra lấy.
Giọng một người khác cũng nói vào, và tôi hiểu là đang nói dì Bảy tôi.
– Trời ơi có vậy mà cũng để quên, cô mau đi đi để mất bây giờ.
Tiếng xe hù hù rồi nghe nhỏ dần dần, tôi biết dì tôi đã đi. Tôi cũng đi vào rửa mặt và tắm cho thoải mái tinh thần để còn gặp lại bé Na.
Tôi nghe thấy tiếng lục đục khua chén, kèm với tiếng xả nước, tiếng chặt và cả tiếng bằm bằm cái gì đó, tôi bước ra thấy một cô gái đang cặm cụi làm dưới bếp, quay lưng lại phía tôi, cô ấy hình như không nghe tới tiếng bước chân của tôi, tôi bước lại gần và hỏi.
– Ai đó.
Cô gái ấy quay mặt lại, tôi dụi mắt đôi lần vì tưởng mình còn ngủ, còn đang mơ, nhưng đây là sự thật, tôi như đứng hình khi nhận ra, người đang đứng trước mặt tôi chính là cô gái tối qua, một cô gái đã nôn lên người tôi trong lúc đi xe từ Bình Định đến Quảng Ngãi. Cô ấy cũng nhận ra tôi nên hốt hoảng làm rơi luôn cái chén đang cầm trên tay miểng văng khắp nơi. Cô ấy lắp bắp từng lời.
-Tại sao… anh… lại… ở… đây.
– Câu này, tôi hỏi cô mới đúng. Sao cô lại có mặt trong nhà ngoại của tôi.
– Anh… nói… cái… gì… nhà ngoại anh.
– Đúng vậy.
– Anh có phải là anh 2 của anh Beo không.
– Không, Beo là tôi, hồi nhỏ tôi tên Beo.
– Hả… trời ơi… tôi đang mơ hay tỉnh đây. Chuyện gì đang xảy ra vậy.
Cô gái ấy như người mất hồn, cứ nhìn tôi ú ớ không nói rõ nên lời.
– Em… em… em.
– Em anh cái gì, hiểu rồi, em xin lỗi đã đi lộn nhà, phải vậy không.
– Em…em… là…
– Là cái gì, ý coi chừng, đứng im đừng bước tới.
Cô gái ấy đã bước tới, chân đạp lên miểng sành của cái chén lúc nãy làm vỡ, máu tuôn ra bê bết trên sàn nhà, tôi vội vàng chạy vào phòng lấy gói thuốc lá, xé ra đắp vào lòng bàn chân của cô ấy.
– Tôi đã nói đừng bước tới mà, giờ thấy chưa.
Mặt cô ấy nhăn nhó, nhưng đôi mắt cứ nhìn tôi chằm chằm, tiếng xe ở trước cổng ù ù, tôi biết dì tôi trở về. Tiếng bước chân dồn dập đang đi xuống.
– Trời ơi hai đứa làm cái gì vậy, sao lại máu me không thế này, có chuyện gì ở nhà vậy. Có sao không Bé.
Cô gái ấy không nói mà chỉ lắc đầu, tôi vừa nghe dì bảy gọi Bé, thì bỗng giật mình.
– Dì nói sao, bé là đây sao.
Cô gái ấy nhìn tôi cười rồi gật đầu, tôi tá hỏa, dì Bảy nhìn hiện trường rồi nói.
– Đó là bé Na đó, nhưng ở đây hay gọi nó là bé như thói quen, cũng là người mà cháu chuẩn bị ra mắt, mới gặp chưa gì đã gây gổ đánh nhau rồi.
– Người con sắp ra mắt, là bé Na sao dì.
– Chứ còn ai nữa.
Na gương mặt vẫn còn nhăn nhó vì vết thương ở dưới chân. Na không lắp bắp nữa, cô nói rõ ràng từng chữ.
– Tụi con có gây gổ đánh nhau đâu cô.
– Không đánh nhau, không cãi nhau, thế sao lại đập chén, đập tô thế này.
Tôi nhìn Na cười rồi quay sang dì xua tay.
– Không phải đâu dì, dì còn nhớ chuyện tối qua cháu nói ở bến xe không, có cô gái bị say xe ngồi cạnh cháu đó.
Dì như nhớ ra ngay.
– Dì nhớ, nhưng có liên quan gì đâu.
– Dạ có liên quan chứ, người bị say xe là Na đấy.
– Ôi trời ơi, quá bất ngờ, vậy là hồi sáng Na có kể tối qua trên xe gặp thằng khó ưa, giờ thì dì biết thằng khó ưa đó là ai rồi, và giờ dì biết luôn nhỏ ngang ngược mà tối qua cháu nói là ai luôn rồi. Nhưng dì vẫn không hiểu sao lại có miểng chén đầy nền nhà thế này.
Na giải thích với dì.
– Do cháu gặp lại ảnh nên bất ngờ, sơ ý làm rơi cái chén đang cầm thôi, chứ không có cãi cọ, đánh nhau gì đâu cô.
– Ừ cô hiểu rồi, thôi chúng ta cùng dọn cái này cho sạch sẽ, rồi còn nấu đồ ăn. Từ nay về sau gọi là dì Bảy nha, không gọi cô nữa.
– Dạ.
Dì Bảy nhìn qua hai đứa tôi mà cứ cười mãi, đôi khi dì cười thầm lấy tay che miệng, rồi đôi khi cười thành tiếng. Tôi không biết nấu nướng nên chỉ ở đó cho dì Bảy và Na sai việc, đôi khi họ nhìn tôi cười khi đang làm cái gì đó trông rất vụng về như một gã khù khờ. Giờ tôi đã biết người mà ngoại và dì Bảy giới thiệu cho tôi không ai khác chính là Na, cô bé của ngày nào làm tôi nhớ mãi tuổi ấu thơ. Chiều đó tôi và ngoại, cùng dì Bảy đến nhà Na, dì Bảy kể lại câu chuyện tôi gặp Na trên chuyến xe tối qua cho gia đình nghe, ai nấy cũng đều cười ngất ngư. Gia đình Na đã đồng ý chuyện hôn sự của hai đứa tôi. Ba má Na đã gọi điện nói chuyện với ba má tôi, ngày hai mươi bốn ba má tôi sẽ ra đây và tổ chức lễ đính hôn cho tôi và Na.
Đêm đó tôi và Na cùng ngồi trước sân nhà ngoại, trăng của miền Trung đêm nay sáng quá, mọi cảnh vật như rõ ràng trước mắt, tôi cứ nhìn ra xa mà cười một mình, Na thầm thì nói bên vai tôi.
– Anh không có gì nói với em sao.
– Có chứ, nhìn cảnh này, anh nhớ lúc mình còn nhỏ quá, cũng tại đây ngay chỗ mình ngồi, ta chơi trốn tìm dưới gốc cây vú sữa, em tìm mãi không thấy anh rồi khóc, anh thấy xót nên đi ra không trốn nữa.
– Anh có biết không. Từ lúc anh vào miền Nam bỏ em lại đây một mình, mỗi lần nhìn cây vú sữa, em nhớ anh lắm, mỗi lần như vậy em hay khóc, ba má cứ nói dối rằng : thằng Beo nó đi chơi vài ngày sẽ về chơi với con, em cứ đứng trước ngõ cứ nhìn ra đường mà chẳng thấy anh về. Ngày mai cũng vậy, anh về miền Nam. Mà thôi…
Na bỏ ngang câu nói, xúc động, tay lau nước mắt, tôi ôm Na vào lòng.
– Anh sẽ trở lại vào đúng ngày hai mươi bốn, em ở lại chờ anh nhé.
– Anh đã bỏ em đi hết một lần, lúc đó anh nói chiều anh về mua bánh cho em, thế mà hơn hai mươi năm sau anh mới trở lại, em lo lần này cũng vậy.
– Không có đâu, anh sẽ trở lại để đính hôn mà.
– Ừ em chờ anh. Thật sự em không ngờ người chồng tương lai của em lại là anh.
– Anh cũng không ngờ chính là em, ban đầu cứ tưởng là ai khác, sao lúc đi trên xe em không nói tên cho anh biết.
– Anh có hỏi đâu mà em nói, mà cho dù em có nói chưa chắc gì anh nhớ.
– Tại lâu quá mà, lúc em chỉ có bảy tuổi và anh chín tuổi, thì làm sao nhớ đây, xem ra mình có duyên nợ em nhỉ.
– Thế ai đã nói em, ế là do ngang ngược.
– Thế ai nói anh, có con nhỏ nào điên mới lấy anh làm chồng.
Na cười rồi ngắt vào người tôi. Na tựa đầu vào vai tôi nhắm mắt như cái đêm tình cờ đi chung chuyến xe. Sáng đó tôi tạm biệt Na để trở về miền Nam. Khác với hồi nhỏ cứ khóc lóc đòi đi theo, lần này Na cười thật tươi đưa tay vẫy chào vì Na tin rằng tôi sẽ quay trở lại vào đúng ngày hai mươi bốn. Đúng vậy, tôi sẽ trở lại vào đúng ngày hai mươi bốn như đã hứa hẹn ước với Na, chứ không phải hai mươi năm xa cách như hồi nhỏ nữa. Thời gian có thể qua rất nhanh, nhưng nó không thể làm bay màu những ký ức và hoài niệm mà con người đã khắc ghi, và đôi khi người ta sẽ ngược dòng thời gian để trở lại tìm những kỷ niệm ấy. Tôi bước lên xe, Na đứng nhìn dặn dò đôi lần.
– Anh về nhớ giữ gìn sức khỏe, nhớ quay trở lại với em, anh phải luôn nhớ em ở đây vẫn chờ anh trở lại.
Tôi đưa tay vẫy chào nhìn Na cười và nói.
– Anh đi chơi rồi chiều về mua bánh cho em.
Na giậm chân, nói trong lẫy hờn.
– Thôi em không muốn nghe câu đó, đánh chết anh bây giờ, ngày hai mươi bốn anh phải quay lại đây.
Chiếc xe đã đi, nhìn lại thấy Na vẫn đưa tay vẫy chào với nụ cười đầy yêu thương. Nửa tháng sau đúng ngày hai mươi bốn, tôi cùng ba má quay trở lại như lời hứa của hai gia đình. Đêm đó tôi và Na cùng nhau đeo nhẫn cưới. Chúng tôi chơi trốn tìm trước cái sân nhà ngoại, với tiếng nói cười đầy hồn nhiên như hồi tuổi nhỏ. Vẫn là câu nói của Na từ thuở nào: anh Beo ơi, chờ em đi với – chồng ơi, chờ vợ đi với. Ánh trăng của năm nào vẫn còn đó, như chiếu lại vùng sáng tuổi ấu thơ của tôi và Na, chúng tôi như quay ngược thời gian trở lại, hồn nhiên đầy tiếng nói cười dưới bóng sân thời tuổi thơ.
Q.N