Trời mưa bong bóng phập phồng – Truyện ngắn Chinh Văn

181

(Vanchuongphuongnam.vn) – Có lẽ chúng chưa đủ lớn để hiểu rằng mình được sinh ra bởi bà mẹ chẳng ra gì và sắp phải đối đầu với những tháng ngày bất hạnh. Đứa lên bảy, đứa lên bốn, chúng trong trắng như những thiên thần. Hàng ngày, chúng cứ quẩn quanh bên những chiếc bàn café và nhặt những tờ vé số cũ làm đồ chơi nhưng chúng tỏ ra vui vẻ lắm.

          Nhà của cha mẹ chúng là cái quán café cóc mà ông bà ngoại để lại. Tuy chưa tới tuổi sáu mươi mà ông bà lần lượt ra đi cách nhau chỉ hơn một năm. Cha của chúng là người ở rể. Chung quanh việc ở rể này cũng có nhiều điều. Trong đó, nguyên nhân chính là gia đình không chịu gã con về xứ cù lao. Xứ sở gì mà thò tay vào hũ gạo đến tận nách mà chưa gặp hạt nào. Thế là trai theo vợ chứ không phải gái theo chồng. Họ thành vợ chồng từ đó mà không hề có cưới xin.

          Sở dĩ hai đứa bé không hòa nhập với bọn trẻ gần đấy vì bị mẹ chúng ngăn cấm. Bởi có lần bà nghe chúng nó cãi nhau:

– Con An, con Thy là những đứa không có cha. Cha tụi nó bị ở tù.

– Tao còn cha khác. Mẹ tao nói cậu Tám hiện ở nhà tao là cha tao.

Người mà hai đứa bé gọi là cậu Tám đã có vợ con. Chẳng hiểu sao lại bỏ rơi gia đình đến đây sống ngang nhiên như vợ chồng với bà chủ quán. Lại một lần nữa bà chủ trẻ cay cú nhưng chỉ biết trút giận vào mông hai đứa bé khi chúng lân la chơi với lũ trẻ xóm giềng và bị bọn này hát nghêu ngao chọc ghẹo.

– Đồ lũ tiểu yêu mất dạy.

Chúng có được dạy đấy chứ! Nếu không, ở tuổi lên bảy lên mười làm sao chúng biết hát rằng:

Chồng đi thì có chồng nhà

Hơi đâu mà đợi chồng xa trở về

Và rồi từ đó, hai chị em An và Thy cứ mỗi buổi chiều chỉ sống với thế giới trẻ thơ bằng cách đứng nhìn bạn bè trang lứa. Niềm khát khao được chơi đùa không át được những lằn roi của mẹ. Giá mà có cha chúng ở nhà…

          Thế – tên người cha của hai đứa bé, không những thương con mà còn rất yêu vợ. người tốt như vậy sao lại đi tù? Với người lạ thì đây là câu hỏi lớn, nhưng với những người quanh đây thì họ nhớ như in:

          Là một quán café nơi chợ xã nhưng quán này về đêm cũng đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng. Nổi bật nhất là các cô được gọi là “tiếp viên”. Gọi thế cho có vẻ chứ thực ra đây là những con ở không hơn không kém. Thường thì ban ngày quán rất ít khách. Các cô phải làm những việc như lau dọn, giặt giũ, nấu nướng… Công việc chính là vào ban đêm: Không nặng nhọc lắm đâu. Chỉ là bưng bê café và đú đởn với đám trai mới lớn ở nông thôn. Các ả thay đổi liên tục từ quán này sang quán khác coi như là luân chuyển. Mỗi quán, các cô chỉ ở lại vài tháng. Quán nào nhiều tiền hơn thì làm. Vì vậy mới nảy sinh ra cớ sự. Bỏ quán cũ chạy sang quán mới thì bà chủ nọ tức bà chủ kia. Tiếp viên thì ghen ghét nhau, nói xấu nhau rồi xảy ra xô xát.

          Tối hôm ấy, vợ Thế dắt theo chồng và những ả “mỏ đỏ mắt xanh” trang điểm vụng về theo kiểu nhà quê xông vào quán làng bên. Cuộc hỗn chiến diễn ra chớp nhoáng. Một cô gái trong quán bị tấn công bưng mặt la khóc vì lãnh trọn lưỡi dao lam.

          Khi công an tới nơi thì vợ Thế trút tội cho chồng. Không ai biết thủ phạm là ai ngoài bà chủ trẻ. Thương vợ, Thế nhận chính mình là kẻ thủ ác rồi phải đi tù.

          Với ý nghĩ:

Lẳng lơ chết cũng ra ma

Chính chuyên chết cũng đem ra ngoài đồng

          Ai nói mặc ai, bà chủ trẻ bất chấp những lời xì xầm trong thiên hạ. Còn nhà chồng từ đó không còn nhìn nhận ả là dâu.

          Ngày Thế mãn hạn tù thì sự việc sẽ đi đến đâu? Đây sẽ là câu hỏi thử tài phán đoán của những người thích ngồi lê đôi mách. Có lẽ anh ấy sẽ bắt hai con về nuôi và cưới vợ khác cho mình, có lẽ “cậu Tám chồng tạm” sẽ bỏ đi, cũng có lẽ cặp gian phu dâm phụ kia bán nhà dắt nhau đi nơi khác mà xây tổ uyên ương? Và rất nhiều cái “có lẽ” khác nữa nhưng tuyệt nhiên không ai nghĩ rằng Thế và vợ nối lại tình xưa. Ngoại trừ khả năng cực hiếm là vợ chồng Thế sống chung lại với nhau, còn dẫu thế nào thì hai đứa bé vẫn phải mồ côi. Hoặc là thiếu cha khi chúng sống với mẹ, hoặc là không mẹ khi chúng ở với cha. Chúng nào biết điều đó. Với chúng, điều đáng buồn nhất hiện giờ là không được đùa vui với lũ trẻ lân cận. Đấy, mọi người thấy đấy. Chúng đâu được tắm mưa đùa giỡn cùng đám bạn. Hai chị em chỉ ngồi ở hàng hiên và nghịch những bóng bóng nước trời mưa đang phập phồng dưới đất.

          Còn tôi, bất chợt nhớ đến bài thơ cũng nói về mưa. Không biết sau này lớn lên, hai đứa bé có mang tâm trạng như nhân vật trong thơ:

Ấy là tôi nói ngày xưa

Mẹ tôi tái giá đò đưa sang dòng

Không mưa cũng thể phập phồng

Lừa tôi ngõ trước mẹ vòng lối sau (1)

          Mưa mỗi lúc một thêm nặng hạt. Không biết lúc này trong tù Thế có nghe mưa? Làm sao anh thấy được bong bóng phập phồng?./.

C.V

 (1). Trích bài thơ “Mưa”- Nguyễn Ngọc Ly