Trời mưa quá em ơi, bài ca ướt mất rồi…

665

Châu La Việt

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngày ấy, tôi thường hay theo nhạc sĩ Trần Tiến đi trình diễn. Phải nói thật, xem anh Trần Tiến lúc nào cũng như có lửa rừng rực quanh mình. Những bài hát của anh rực lửa (Một ngọn lửa hồng bừng trong ta/ Một ngọn lửa hồng sáng rừng già/ Một ngọn lửa hồng cháy mãi cháy mãi…), cùng giọng ca đầy lửa của anh. Và đặc biệt là những câu chuyện anh kể, thường trước mỗi bài hát, như một khúc dạo đầu đầy hấp dẫn, như một ngọn lửa ấm áp bắt đầu nhen lên…

Tôi nhớ hồi ấy anh hay hát Mặt trời bé thơ. Trước khi tiếng nhạc vang lên, anh thường kể cho khán giả nghe về những chú bé con vì không có vé thường hay trèo lên những cành me cành sấu bên ngoài để xem “trộm” các anh biểu diễn. Nhìn cảnh ấy, anh rất xúc động, nhớ lại tuổi ấu thơ của mình nơi phố cổ Hà Nội, cũng thường trộm nghe một người lính xa quê cứ đêm về lại hát cùng chiếc đàn guitar đã tróc sơn.

Nhạc sĩ Trần Tiến. Ảnh: NSCC

Chính tiếng hát của người lính ấy đã cho anh cả một chân trời: Đàn anh đã cho tôi, trời xanh như ước mơ tuổi thơ/ Đàn anh đã cho tôi dòng sông mang cánh buồm khát vọng. Rồi anh lớn lên, đi lính vào mặt trận, rồi làm ca sĩ – nhạc sĩ, và như người lính kia, thường ôm đàn hát cho những mặt trời bé con… Câu chuyện anh kể hay lắm, xúc động lắm, khiến ai cũng lặng người lắng nghe. Nhiều khi chẳng cần nghe hát nữa, chỉ cần nghe anh kể đã bõ tiền mua vé vào cửa rồi.

Và khi tiếng hát bay lên – Ngoài kia có cô bé nhìn qua khe nghe tiếng đàn của tôi/ Ngoài kia có chú bé trèo cành me mắt xoe tròn lắng nghe thì “thôi rồi Lượm ơi”, cả ngàn khán giả như chết lịm đi trong tiếng hát Trần Tiến. Nói vui chứ lúc ấy anh có tiến đến cầm tay ai dắt đi đâu khéo họ cũng theo…

Thế rồi bẵng đi một thời gian không thấy anh đâu cả. Cô giáo Ngà vợ anh cho hay anh đang đi diễn ngoài Bắc. Mấy tháng sau anh về, đi diễn Vũng Tàu, anh lại rủ tôi theo. Cũng vẫn bài hát Mặt trời bé con, nhưng bỗng thêm một lời hát mới, nghe vừa hóm hỉnh vừa là lạ: Trời mưa quá em ơi/ Bài ca ướt mất rồi, còn đâu/ Trời mưa đến bao lâu, mà sao em vẫn chờ, vẫn đợi…/ Hạnh phúc quá đơn sơ/ Đời tôi đâu có ngờ/ Từng đêm em vẫn chờ, vẫn chờ đợi dưới mưa…

Đêm ấy, trong một khách sạn nhìn ra biển, tôi hỏi, anh mới đặt thêm lời mới cho bài hát hả anh? Anh gật đầu và kể tôi nghe, giọng kể đầy xúc động. Ấy là đợt vừa rồi ra Bắc, một đêm diễn ở Thái Nguyên, trong hội trường người xem đông nghịt, bên ngoài mưa gió bất chợt nổi lên tơi bời. Lúc anh đang hát Mặt trời bé con, chợt nhìn ra bên ngoài, có những đứa trẻ đang chen chúc nhau ngoài cửa sổ nhìn vào nghe anh hát. Ngặt nỗi mọi người có vé ngồi trong hội trường xem thì không sao, nhưng các em bé đứng bên ngoài nên mưa hắt vào, rét run cầm cập. Mà mắt vẫn xoe tròn lắng nghe như nuốt từng lời hát.

Anh cảm thấy choáng, và khi bài hát dứt, không kịp cúi chào khán giả, anh lao vội ra, mở tung cửa đưa các em vào bên trong, xem còn ghế trống nào tự tay xếp cho các em ngồi. Không biết vì nghĩa cử này làm người xem xúc động, hay vì bài hát quá hay, mà tiếng vỗ tay đòi hát lại ào ào.

Xếp cho các em ngồi yên rồi, đáp lại thịnh tình khán giả, anh vẫy tay cho ban nhạc lại nổi nhạc lên, và người xem sững sờ vì đoạn nhạc và lời ca anh ứng khẩu tại chỗ để tặng các em: Trời mưa quá em ơi/ Bài ca ướt mất rồi, còn đâu/ Trời mưa đến bao lâu, mà sao em vẫn chờ, vẫn đợi/ Hạnh phúc quá đơn sơ/ Đời tôi đâu có ngờ/ Từng đêm em vẫn chờ, vẫn chờ đợi dưới mưa.

Tiếng vỗ tay lại ào lên dào dạt hơn trước. Gần như cả hội trường đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt. Chỉ ở hàng ghế đầu, có một cô bé áo trắng tóc còn ướt đẫm mưa ngồi im lặng, hai dòng nước mắt chảy dài trên má. Có lẽ em quá xúc động về bài hát. Như bài hát ấy là tặng riêng em, an ủi em.

Nhạc sĩ vội chạy xuống, quỳ chân xuống cho sát mặt em, áp mặt em vào ngực của mình: “Nín đi, nín đi, đừng khóc nữa cháu. Rồi lần sau chú sẽ về đây biểu diễn, nếu muốn đi xem thì cháu đến cứ nói với bác gác cửa nhé, rằng cháu là cháu của chú Trần Tiến. Họ sẽ cho cháu vào chứ không phải đứng dưới mưa nữa đâu”.

Đêm ấy (cái đêm bên bờ biển), uống một li rượu rồi Trần Tiến kể tiếp: Đêm ấy diễn xong, có cậu Tự và mấy người bạn thân ngày xưa cùng ở Trường Sơn, nay là lính quân giới ở một nhà máy quân đội đóng tại Thái Nguyên nằng nặc rủ anh về nhà uống rượu và đàn hát với nhau như thuở nào Trường Sơn. Nể quá nên về. Đàn hát say sưa lắm. Đến khi phải chia tay, bất ngờ lúc lên xe, có một cô bé chạy tới, giúi vào tay anh một mẩu giấy nhỏ. Anh giật mình khi thấy đấy chính là cô bé vừa gặp ngoài rạp, vừa ngồi nghe anh hát và trào tuôn những giọt nước mắt. Định nói một lời chia tay với cháu, nhưng cô bé đã chạy vù đi mất. Thú thật lên xe, anh say rượu quá nên ngủ thiếp đi…

Đến sáng hôm sau sực nhớ, mới vội mở tờ giấy ra xem: “Chú ơi, cháu yêu nghệ thuật lắm. Chú giúp cháu nhé”. Trời ơi, đã đi xa quá rồi, mà cháu cũng không ghi một dòng địa chỉ để chú biết cháu ở đâu mà tìm, mà hồi âm cho cháu. Anh cảm thấy day dứt vô cùng. Chỉ còn biết đưa vào bài hát cái đoạn ứng khẩu hôm trước, như một bài ca tặng riêng cháu, như một lời xin lỗi với cháu…

Cả đêm ấy, chuyện của anh Trần Tiến làm tôi không ngủ được. Cứ thao thức trong miên man sóng vỗ… Tôi bỗng nhớ tới truyện ngắn “Lẵng quả thông” của Paustovski. Truyện viết về người nhạc sĩ già Grigơ đã viết một bản nhạc tặng cháu bé Đanhi Pêđecxen – con gái người gác rừng: “Cháu như mặt trời, như làn gió êm dịu, như buổi sáng tươi mát. Một bông hoa trắng ngần đã bừng nở trong lòng cháu, làm cho toàn thân cháu thơm ngát mùa xuân. Ta hiểu đời lắm. Cháu ạ, dù người ta có nói với cháu những gì đi nữa, thì cháu hãy cứ tin rằng cuộc đời thật là kì diệu và tuyệt đẹp. Ta già rồi, nhưng ta đã hiến cuộc đời ta, sự nghiệp và tài năng của ta cho tuổi trẻ. Hiến tất cả mà không đòi hỏi trả lại. Vì thế có thể, ta còn hạnh phúc hơn cả cháu nữa kia, Đanhi ạ”.

Nói thật, tôi nghe trong tiếng sóng biển, trong tiếng hát, tiếng nhạc của anh Trần Tiến như có cả những nốt nhạc trìu mến trong bản nhạc tặng cô bé Đanhi của người nhạc sĩ già Grigơ. Và chính tôi, tự nhiên tôi cũng ao ước có một ngày sẽ tìm lại được cô bé Thái Nguyên kia, cô bé mà tôi cứ mơ mộng gọi là Đanhi – con gái người gác rừng…

Nhạc sĩ Trần Tiến với các thí sinh chương trình truyền hình thực tế “Thần đồng âm nhạc” tại nhà của mình ở TP. Vũng Tàu. Ảnh: TL

Năm tháng trôi qua. Thế rồi có một dịp ra Hà Nội, tôi được một nữ họa sĩ trẻ mời đi xem một chương trình âm nhạc “semi-classic” (bán cổ điển) của một nhóm nhạc nữ bao gồm bốn thạc sĩ âm nhạc, nghĩa là mỗi ca sĩ đều đã từng có mười năm đào tạo tại Nhạc viện Hà Nội. Thú thực chương trình làm tôi ngây ngất, tiếng hát của họ làm tôi say đắm, nhất là khi nghe họ hát Đêm nằm mơ phố của Việt Anh hay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Châu Đăng Khoa.

Trong tôi cứ ngân nga lời hát “Tuổi thanh xuân cũng như mây trời”. Cả bốn giọng hát thật tuyệt vời, nhưng không hiểu sao tôi cứ bị hút vào một tiếng hát với những câu solo nhẹ như mây bay, mỏng manh như sương khói, và gợi cảm ghê gớm. Cô họa sĩ trẻ như đoán được điều ấy, thầm thì với tôi: “Bạn cháu đấy chú ạ. Chị ấy tên là P., bạn bè hay gọi chị ấy là P. Thái Nguyên. Vì nhà chị ấy ở Thái Nguyên”. Hả? Tôi giật mình hỏi lại: “Ở Thái Nguyên à? Thế chị ấy có là con nghệ sĩ nào không mà hát hay thế?”. “Không, không chú ạ. Bố chị ấy là một người lính thợ, làm ở một nhà máy quân đội ở Thái Nguyên”. Tôi lặng người.

Phải chăng tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh? Phải chăng tôi đã gặp cô bé Đanhi của nhạc sĩ Trần Tiến? Ôi!… Trời mưa quá em ơi, bài ca ướt mất rồi còn đâu. Cháu đấy chăng, cô bé các chú đã bao năm tháng kiếm tìm?

P. vẫn thường về Thái Nguyên thăm mái nhà ấm áp của mình vào mùa xuân. Ngày nào còn là nữ sinh trường nhạc với đôi bím tóc xinh xinh, còn đi về trên những chiếc xe khách nêm chật người, bây giờ cô đã tự lái xe riêng, đã thành một người mẹ có đứa con trai nhỏ thường theo mẹ đi bất cứ nơi đâu… Cô đưa nó qua những sườn đồi có vạt cỏ xanh, những lùm hoa dại đủ sắc màu, chứ không đơn giản chỉ có hoa vàng như bài ca cô thường hát.

Rồi khi tới đầu xóm, tíu tít các bá, các cô, các chú và cả lũ trẻ con chạy theo ríu rít “Chào nghệ sĩ”, “Chào cô giáo ạ”… Rồi cô bước vào nhà, khẽ khàng dặn con: “Chào ông chào bà đi con”. Rồi cô đưa những gói quà cho cha mẹ, nói rằng quà tết con biếu ông bà đây…

Đợt này cô về thấy bố không vui. Ông ngồi lặng lẽ ở một góc phòng. Mẹ cô bảo đêm qua, bố mày đưa chú Tự đi cấp cứu, ơn giời, may quá bệnh viện tỉnh họ chữa kịp thời, nên chú đã qua khỏi. Bố mày mệt vì cả đêm qua thức trắng trong viện với chú Tự đấy thôi… Cô thở phào khi nghe những lời ấy.

Chú Tự… đó là người lính từ Trường Sơn ra, chẳng hiểu sao không lấy vợ, và cuối tuần thường thức rất khuya để chơi đàn. Cây đàn guitar của chú đã cũ, màu véc ni trở nên đen kịt, nhưng âm thanh vẫn còn nồng ấm lắm. Chú hay hát những bài hát về Trường Sơn, là rung động tâm hồn non nớt của cô ngày ấy. Cũng không thể không nói rằng cô đã lớn lên bởi tiếng hát ấy.

Bố bảo ngày xưa chú là văn công Trường Sơn, yêu một cô diễn viên trong đoàn, nhưng rồi cô ấy hi sinh, và từ ấy chú không yêu ai nữa. Chỉ lặng lẽ hát những bài ca nhớ thương cô ấy, nhớ thương những bầy chim én quê ta bay đi và không bao giờ trở lại… Và cũng chính chú Tự ấy một đêm xa xôi đã đưa về nhà những người bạn nghệ sĩ như Trần Tiến.

Các chú ấy đã ngồi đàn hát với nhau suốt đêm. Bố không ngủ ngồi hút thuốc lá. Mẹ cũng không ngủ. Tuổi 15, lần đầu tiên cô thức trắng. Cô yêu tiếng hát của họ, yêu những bài ca ấy, yêu những chân trời mà những người nghệ sĩ và những bài ca mang lại cho cô. “Chú ơi, cháu yêu nghệ thuật lắm. Chú giúp cháu nhé!”.

Cô đã đánh bạo viết những dòng chữ ấy vào một tờ giấy nhỏ, đứng chờ khi người nhạc sĩ ra xe để liều chạy đến giúi vào tay ông. Cô đã chờ. Một ngày, hai ngày, một tháng, hai tháng, một năm, hai năm và nhiều năm sau nữa… cũng không thấy chú nhạc sĩ quay lại đón cô. Rồi có một đợt trường nhạc từ Hà Nội về tuyển sinh, cô nói mẹ mua cho cô một cái áo mới, vận vào cho thơm tho rồi đi tuyển.

Cô hát một bài về chim én của nhạc sĩ Trần Tiến. Lời hát hay là những xao xuyến rung ngân trong lòng cô bé: Hát về em cô gái yêu ai yêu ai đợi chờ ai/ Ôi quê hương bao la tiếng đàn tôi ngân xa ngân xa/ Hát về em cô gái yêu ai yêu ai đợi chờ ai (Tạm biệt chim én). Một thời gian sau, cô có giấy báo về Hà Nội học, và bắt đầu với khoảng trời nghệ thuật…

Người nhạc sĩ năm xưa đã không trở lại đón cô. Nhưng cô vẫn yêu những bài hát ông sáng tác, yêu tiếng hát của ông. Sau này cô đã hiểu ra rằng: Những bài ca do ông sáng tác chính là bàn tay, là đôi cánh đã dắt dìu cô trên con đường nghệ thuật để có hôm nay… Cô luôn nhớ về ông, dù bao năm chưa một lần cô được gặp lại. Nghe nói ông ở mãi trong Vũng Tàu, xa lắm…

C.L.V