Trong cõi người êm ấm, an lành

799

Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học)

Chẳng biết nên xếp loại Cao Chiến là nhà văn hay cây bút, già hay trẻ? Chỉ biết ông đã in thơ, in truyện từ cuối thập niên Bảy mươi, đầu thập niên Tám mươi của thế kỷ trước, rồi đều đặn có các tập truyện ngắn Tiếng sáo mù (1992), Đêm bồ đề (1997), Tám Tàng Hình (2005), Nỗi buồn sương khói (2015) và tiểu thuyết Những mảnh ghép (2011)…


Bìa tiểu thuyết Buổi chiều đi qua cánh đồng

Khác với phần đông văn sĩ, ông khuất nẻo, khiêm nhường, lặng lẽ giữa làng văn. Ông lặng lẽ viết, lặng lẽ in, lặng lẽ nhận vài giải thưởng, tặng thưởng. Chẳng có gì quan trọng. Chỉ có viết và viết. Kể từ khi in tập truyện ngắn đầu tay đến nay, trong chừng ba mươi năm với sáu đầu sách, đều đặn cứ dăm năm ông lại thêm một đứa con tinh thần…

Cho đến Buổi chiều đi qua cánh đồng là tiểu thuyết thứ hai và tác phẩm văn xuôi thứ sáu của Cao Chiến. Giọng điệu tiểu thuyết khác lạ và hiện đại, thể hiện rõ vai trò chủ thể trong vị thế người dẫn chuyện, người bộc lộ tiếng nói trữ tình ngoại đề, người phán truyền, răn dạy, phản bác và cũng chính là nhân vật tự sự về cuộc đời mình, về những điều đã chứng kiến, trải nghiệm…

Mở đầu thiên tiểu thuyết là lời tự thuật giả tưởng của nhân vật hài nhi: “Không giống như rất nhiều người đồng thế hệ, vừa rời khỏi bụng mẹ tôi đã được đưa đi ngay. Sự kiện này xảy ra vào một đêm trăng non. Mẹ đặt tôi xuống bãi rác. “Con ở đây nhé”. Mẹ thầm thì rồi lặng lẽ bỏ đi. Tôi yên tâm chờ. Nhưng chờ mãi chẳng thấy mẹ trở lại, bấy giờ mới cảm thấy sợ” (tr.7)… Đương nhiên không ai tin có suy tư của bé sơ sinh nhưng chính từ sự thật này đã quy định số phận của nhân vật Tôi – kẻ bị người mẹ ruồng bỏ, kẻ mang nỗi đau truyền kiếp từ người mẹ, kẻ chịu cô đơn, cay đắng, tủi hổ, vật vã trong kiếp sống làm người. Rồi hài nhi được đưa đến ngôi nhà Cổ Tự, nơi có những “thằng quỷ”, “cu By”, “cặp song sinh” cùng cảnh ngộ… Gắn bó với bọn trẻ là những “ông biết tuốt”, “ông đầu bạc”, “bà bảo mẫu”, “Ông Y”, “Lão Z”, “Người ấy…”, “Có người…” đều mang những cái tên phiếm chỉ. Có thể hiểu rằng, với những đứa trẻ bị bỏ rơi, dù may mắn được người đời giang rộng vòng tay yêu thương, cưu mang, chăm chút thì sự thật đó vẫn không phải là người ruột thịt, vẫn chỉ là mối nhân duyên ngẫu nhĩ giữa cõi đời, cõi người.

Qua năm tháng, nhân vật Tôi vẫn lớn lên với chúng bạn, với những ảo giác, những ước vọng mong manh, những nhận thức mơ hồ giữa hai bờ hư thực về sự hiện hữu của một người mẹ đơn thân đáng thương, từng dại khờ, vấp ngã. Nhân vật Tôi vừa gắn kết, hy vọng vừa như xa lạ, nghi hoặc về một người được gọi là mẹ đã có dượng, có thêm bé em thỉnh thoảng cùng đến thăm nom. Không được sống trong môi trường gia đình, nhân vật Tôi phân thân trong cảm giác ngờ vực về người mẹ, trở nên chơi vơi giữa dòng đời. Cứ thế, nhân vật Tôi đi qua tuổi thơ, sống giữa ngôi Cổ Tự mà như một chiều đi qua cánh đồng hoa cải hư ảo: “Đột ngột, một cảnh tượng vô cùng đẹp, có thể nói là hùng vĩ đập vào mắt tôi. Cánh đồng hoa cải vàng rức, từ trong làng chảy mãi ra tận bến sông. Phía ngoài bãi rác, nơi tôi từng sống, người ta cũng trồng cải, nhưng chỉ lơ thơ vài cọng, còn ở đây là cả cánh đồng. Gió thổi, rừng hoa đổ nghiêng. Tôi chưa từng thấy cảnh nào khiến lòng dạ nôn nao đến thế” (tr.144); “Giữa trời mọc lên một cánh đồng hoa cải vàng nhức, vàng đến độ không thể vàng hơn được nữa. Dưới gốc cây trứng cá có mấy con bò đang nằm nhai rơm, bên cạnh là một chàng trai ôm đầu ngồi buồn. Trong hoàng hôn, mái vòm biệt phủ nổi bật lên khiến cho bức tranh đồng quê càng thêm thơ mộng” (tr.220-221)…

Đan xen giữa nhân vật Tôi là sự giăng mắc của cuộc đời người mẹ như hư như thực, như có như không. Cùng cảnh ngộ với người mẹ ấy còn là mẹ của những “thằng quỷ”, “cu By” sống trong mặc cảm, sự ân hận, dằn vặt, tiếc nuối và những trận bão lòng về tình mẫu tử, về hệ lụy của tình người, những mâu thuẫn gia tộc hay cuộc tranh giành quyền thừa kế… Trên tất cả là khát vọng sống, khát vọng nhân văn, an sinh, an lạc mang màu sắc luận đề: “Trình xã hội, dù mông muội hoặc văn minh thế nào thì rốt cuộc tội ác vẫn tồn tại. Giống như cỏ dại, chúng sống dai dẳng, chẳng bao giờ có thể triệt tận gốc. Chỉ có thể hóa giải sự sinh sôi và phát tán độc hại của chúng bằng công lý và sự bao dung của người với người” (tr.195 và bìa 4)… Phù hợp với kiểu tiểu thuyết “cốt truyện không cốt truyện”, cả 27 chương (thiên, mục, đoạn) đều ngắn gọn, tạo nên những vòng xoay, điểm nhấn trùng điệp của số phận nhân vật và những suy tư, trăn trở về cuộc đời con người. Đồng điệu với kiểu nhân vật phiếm chỉ là những chuyển đoạn bất ngờ, nhanh gọn: “Bỗng”, “Bỗng nhiên”, “Bỗng dưng”, “Đột nhiên”, “Đột ngột”, “Bất chợt”, “Chớp mắt”, “Trong một thoáng”… Có thể thấy thêm ở đây những không gian tâm tưởng, không gian của những gì mong manh, tạm bợ (ngôi nhà Cổ Tự, đường quê, dòng sông, cánh đồng hoa cải…). Tinh thần duy mỹ ám ảnh như một triết lý, một kiểu đốn ngộ, thức tỉnh về sự tồn tại trước mọi buồn vui của con người trong câu kết: “Trong khoảng khắc, tất cả bọn chúng biến mất” (tr.231). Tất cả đẹp đến nao lòng mà khơi gợi cảm thương, nâng đỡ, mong cầu được sống trong cõi người êm ấm, an lành.