Trong tàng thư của Borges

241

Năm 1996, nhà văn Mỹ Susan Sontag đã viết một bức thư gửi cho Jorge Luis Borges đúng 10 năm sau khi văn hào Argentina này qua đời. Bức thư như một tiểu luận nói về sự phi thường của Borges – nhà văn “mang dấu ấn vĩnh cửu”.

Susan Sontag cho rằng: “Ở thời đại này, chính ông là một nhà văn được sắp đặt để trở nên bất tử trong văn chương”.

Nhà văn Jorge Luis Borges

Borges đến Việt Nam

Đã có nhiều người dịch Borges, rải rác từ nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhưng để gọi là dịch và giới thiệu nhà văn này một cách tập trung, tương đối đầy đủ, thì cần quay lại thập niên 1990, với câu chuyện cảm động về cố dịch giả Nguyễn Trung Đức.

Trong một thời gian dài thập niên 1990, Nguyễn Trung Đức đã âm thầm tuyển dịch thơ, truyện, tiểu luận của Jorge Luis Borges cùng tác phẩm quan trọng của những tác giả Mỹ Latin khác như Gabriel García Márquez, Juan Rulfo… Chuyện cảm động: Sau khi tận tay giao bản dịch Tuyển tập Borges (dịch từ tiếng Tây Ban Nha) cho những người bạn làm xuất bản ít lâu, thì dịch giả qua đời. Ông chưa kịp nhìn thấy cuốn sách được ấn hành.

Trong ấn bản Tuyển tập Borges do Nguyễn Trung Đức dịch và giới thiệu (NXB Đà Nẵng, 2001), Nguyễn Trung Đức có những dòng nhận định tinh tế về văn chương của Borges đại ý rằng: Đây là một nhà văn có kiến văn sâu rộng, thông kim bác cổ và ôm trùm từ Đông sang Tây cộng với một trí tưởng tượng trời phú trời cho. Nhờ đó, ông “chỉ chơi hai khái niệm then chốt: thời gian và không gian, sự hòa trộn giữa thời – không gian thực với thời – không gian ảo tạo nên một thực thể văn học phong phú, đa dạng…”. Trong bối cảnh văn học Việt Nam thời điểm đó, giới thiệu tác phẩm của Borges với một thi pháp đặc biệt như thế, là một điều hết sức mới mẻ và chấp nhận thử thách.

Năm 2015, Tuyển tập Borges được NXB Hội Nhà văn cho tái bản, dày dặn và kỹ lưỡng hơn.

Sự trở lại của Borges

Đầu năm 2023, Borges trở lại cùng độc giả Việt Nam. Lần này là hai tác phẩm tiêu biểu nhất: Truyện hư cấu (tựa gốc: Ficciones) và Aleph (El Aleph, sắp xuất bản) đều do Nguyễn An Lý dịch từ tiếng Anh, có đối chiếu với nguyên tác tiếng Tây Ban Nha và có phần chú giải khá công phu.

So với văn chương của Márquez, Rulfo… – những bậc thầy trong nghệ thuật tiểu thuyết, truyện ngắn khu vực Mỹ Latin, thì Borges khó đọc hơn hẳn bởi ở trên trang viết của ông, mọi con đường dẫn về hiện thực, những mặc định của chủ nghĩa hiện thực đã bị xóa dấu triệt để. Ông tạo tác một thế giới riêng, thiết lập một trật tự, quy luật riêng cho văn chương mình. Đây lại là một thử thách lẫn gợi mở thú vị đối với người đọc và ngay cả giới cầm bút đang theo đuổi sáng tạo văn chương đích thực.

Trong tập Truyện hư cấu (Phanbook & NXB Hội Nhà văn, 2023), Borges trình bày một thế giới không thuộc cái logic của thế giới mà người đọc ông đang bị chi phối. Ông cho thấy rằng, văn chương không có trách nhiệm viết lại hay giải trình trước hiện thực, mà thực sự phải là một cuộc tìm kiếm trật tự mới của tinh thần. Không còn ý niệm quá khứ, hiện tại hay tương lai, không còn những tham chiếu cụ thể không gian trong hiện thực mà lắm khi chỉ chú mục vào kiếm tìm một địa danh đầy hoài nghi trên tấm địa đồ cổ xưa. Cuộc kiếm tìm một cái tên Uqbar dẫn qua nhiều mục từ, pho sách, bách khoa thư, từ điển… đặt cạnh sự xâm nhập trở lại của một thứ “ngôn ngữ nguyên thủy” có tên Tlon cho thấy một thứ ký ức hư cấu đã thay chỗ cho ký ức thông thường… (Tlon, Uqbar, Orbis Tertius).

Tâm lý con người, tính cách nhân vật theo lẽ thường đã trở nên vô nghĩa và thừa thãi trong một bầu khí quyển mà Borges tạo ra. Quyền năng của hư cấu, sức mạnh tưởng tượng đã tràn vào hiện thực, chiếm lĩnh đời sống, trong một thứ mỹ học riêng của Borges.

Trong thế giới của Borges, ta cũng thấy cả sự phi lý của những bộ khung thể loại. Ông viết hư cấu như người làm tiểu luận và viết tiểu luận văn chương như người viết nghiên cứu khảo cổ học hay triết luận. Người viết không từ chối người đọc, nhưng chắc chắn một điều: Ông ta không chiều lòng người đọc nào cả. Ông tạo ra mê cung để người đọc hoặc khước từ hoặc lạc lối. Khu vườn của Thôi Bản trong truyện Khu vườn những lối đi rẽ đôi là một mê cung như thế. Ở đó, một nhân vật đã diễn giải cảm nghiệm về thời gian: “Thời gian không ngừng rẽ nhánh về những tương lai vô số. Một trong số đó tôi là kẻ thù của anh”.

Tác phẩm của Borges còn là cuộc du hành giữa những cảo bản, sách cổ, tàng thư. Borges coi vũ trụ trong một mốc thời gian xa xưa nào đó, có thể được cấu tạo như một thư viện hình lục giác, nơi có những cuốn sách chi tiết nhưng người ta lại không ngừng đi tìm kiếm cuốn sách toàn thể, cuốn sách của mọi cuốn sách. Ông viết: “Có thể tôi đã bị đánh lừa bởi tuổi già và sợ sệt, nhưng tôi ngờ rằng giống người – giống sinh vật duy nhất – sắp tuyệt chủng rồi và chỉ có Thư viện còn tồn tại: thắp sáng, cô độc, vô tận, bất động hoàn hảo, chất đầy những pho sách quý báu, vô dụng, không thể hủy hoại và bí mật” (Thư viện Babel).

Trong bức thư gửi Borges, nhà văn Mỹ Susan Sontag cho rằng, từ Borges, có thể nhận thấy sách là một hình mẫu để chúng ta vượt ra khỏi chính mình, không phải chỉ để thoát khỏi thực tại, mà còn để-sống-là-người-hơn.

Jorge Luis Borges (1899 – 1986) là nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, dịch giả nổi tiếng người Argentina. Ông được coi là một trong những nhà văn hàng đầu của văn học Mỹ Latin, một tác giả lớn của văn học thế giới thế kỷ 20.

Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên/ Báo Thanh Niên