Trong thơ có một người tình…

635

Tối 8/5 vừa qua, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho nhà thơ Hữu Thỉnh và Chương trình nghệ thuật “Nhà thơ Hữu Thỉnh – Sức bền của đất”. Chương trình có sự tham dự của nhiều nhà thơ, nhà văn tên tuổi của Việt Nam và sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng… Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho nhà thơ Hữu Thỉnh.

Nhà thơ Hữu Thỉnh sinh năm 1942, tên thật là Nguyễn Hữu Thỉnh, bút danh Vũ Hữu, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1970, Tổng thư ký và Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong 4 nhiệm kỳ liên tiếp. Ông cũng là Đại biểu Quốc hội khoá X và khóa XI.

Trong hơn 60 năm sáng tạo văn học nghệ thuật, Nhà thơ Hữu Thỉnh là tác giả của nhiều tác phẩm văn học gồm thơ, bản ký văn học và lý luận phê bình, ghi dấu hai chặng đường lớn của văn học dân tộc; thơ ca những năm chống Mỹ, cứu nước và thơ ca trong chặng đường đổi mới. Ông cũng từng đoạt nhiều giải thưởng văn học như: Giải thưởng loại A Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980; Giải thưởng Văn học ASEAN 1999; Giải A cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt IV, năm 2012…

Phần thưởng cao quý được nhận lần này sẽ tiếp thêm động lực, quyết tâm để nhà thơ Hữu Thỉnh tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa; đồng thời tôn vinh những giá trị văn học nghệ thuật mà nhà thơ đã cống hiến cho nền văn học nước nhà trong hơn 60 năm qua.

Nếu như “số hóa” cuộc đời và sự nghiệp một cách khái quát nhất, thì có thể tóm tắt nhà thơ Hữu Thỉnh ở mấy gạch đầu dòng chính sau đây:

27 năm quân đội (1963-1990)

20 năm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (2011 -2020)

10 năm Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (2010-2020).

Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật 2011


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho nhà thơ Hữu Thỉnh.

Trong lịch sử Hội Nhà văn từ 1957 đến nay, có các vị Chủ tịch Hội là Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Hữu Thỉnh. Trong các chủ tịch Hội, Nguyễn Đình Thi là người tài năng, Vũ Tú Nam đôn hậu, giàu tình người, Hữu Thỉnh năng động, bứt phá và có nhiều đóng góp cho phong trào của Hội. Trong phẩm chất cũng như thơ ca của Hữu Thỉnh có hình ảnh người làng quê, người lính, người tình, cán bộ lãnh đạo phong trào. Hữu Thỉnh đảm nhiệm hai chức vụ quan trọng là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Trách nhiệm cao, công việc nặng nề nhưng mọi hoạt động của Hội vẫn đều đặn được tiến hành tốt đã qua. Năm 1986, nhà thơ Hữu Thỉnh như một cỗ máy chạy đều, một con ngựa đua đường dài không mệt mỏi, nay họp ở Hà Nội, ngày kia ở Thành phố Hồ Chí Minh rồi Buôn Ma Thuột, Phú Thọ. Hữu Thỉnh phải chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng, hội thảo văn chương, bồi dưỡng lớp viết văn trẻ, chỉ đạo việc tổ chức và điều hành nhiều công việc của Hội Nhà văn. Anh được nhiều người quý mến. Tất nhiên ở vị trí ấy, lại công tác ở một hội mà “tài năng không ai chịu ai” nên cũng có những ý kiến trái chiều, nhưng rồi mọi việc vẫn suôn sẻ.

Ở Đại hội VIII, Hội Nhà văn, Hữu Thỉnh lại trúng chức chủ tịch sau nhiều năm đảm nhiệm cương vị này, điều quan trọng là số phiếu thăm dò và số phiếu bầu cho anh đều cao, vượt lên hẳn so với người ở phía sau. Ở Đại hội Liên hiệp của Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hữu Thỉnh lại được bầu làm chủ tịch. Thành quả kép này không khỏi có nhiều người băn khoăn. Sinh thời chị Giáng Hương trong một lần họp Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ nghệ thuật Trung ương có nói: “Chúng tôi cũng băn khoăn nếu anh Hữu Thỉnh mà trúng chức chủ tịch thì công việc rất nặng nề, chỉ riêng việc của Hội Nhà văn cũng là một thách thức. Nhưng rồi không thể khác, số phiếu bầu cho anh vượt hẳn so với các phó chủ tịch. Thôi cũng là số mệnh được giao phó”.

Tuy trách nhiệm nặng nề ở hai Hội nhưng Hữu Thỉnh vẫn viết đều, làm thơ đều. Anh quan tâm đến tài năng nhân cách và cuộc đời nhiều nhà văn, nên khi một người ra đi, Hữu Thỉnh đều có điếu văn xúc động. Những bài viết về Chế Lan Viên: Đa thanh, hiển đạt Chế Lan Viên, về Tế Hanh: Một giọt nước trong cơn mưa lớn, về Anh Thơ: Hồn quê còn mãi với Anh Thơ, nhiều bài viết thương tiếc và vĩnh biệt Hữu Loan, Chính Hữu và hàng chục điếu văn cho các hội viên như Đào Cảng, Bùi Quang Đoài… Mọi người thường nói Hữu Thỉnh là nhà thơ sống có tình, anh chia vui và san sẻ nỗi buồn với bạn bè khi đau ốm, khi gặp khó khăn. Nhiều bài điếu văn của Hữu Thỉnh sâu sắc, chân tình. Có nhà văn nói: “Tôi chỉ mong khi qua đời được ông viết cho một bài điếu văn thì ra đi thanh thản, nhẹ nhõm”. Tuy nhiên cũng có nhận xét cho rằng với những người sống mà anh đề tựa thường chưa chuẩn xác lắm. Nhà thơ là người cả nể nên dễ nương nhẹ. Người nhờ anh đề tựa thơ không phải là những nhà thơ thành danh mà thường ở lĩnh vực khác lấy thơ tô điểm cho mình.

Hữu Thỉnh làm thơ và có phẩm chất của một người viết phê bình. Hằng năm, Hội Nhà văn tổ chức nhiều hội thảo, lễ tưởng niệm các nhà văn theo năm sinh, năm mất như 100 năm ngày sinh Lưu Trọng Lư, Vũ Trọng Phụng, Thanh Châu. Hữu Thỉnh thường có lời khai mạc với bài viết sâu sắc: Vũ Trọng Phụng với hiện tạiThơ Tố Hữu, sinh mệnh của cách mạng, sinh mệnh của con người… Phẩm chất của người phê bình bộc lộ rõ nét qua tác phẩm Lý do của hy vọng. Đúng, mọi hy vọng phải có lý do và Hữu Thỉnh đã chỉ ra để hy vọng về cuộc đời, về phong trào văn nghệ và tài năng của mỗi người viết. Anh luôn khích lệ, hoan hỷ trước thành công của mỗi người. Nhưng đóng góp của Hữu Thỉnh chủ yếu thuộc về thơ. Các tập thơ Trường ca biển, Thư mùa đông, Thương lượng với thời gian bộc lộ một tài năng thi ca phát triển đều với dòng thời gian. Trong thơ Hữu Thỉnh có hình bóng của làng quê, những mái nhà ấm và bờ tre. Không vay mượn, không nói mơ hồ mà từ sự sống, trải nghiệm gắn bó với quê hương để có được những trang viết. Chính tình quê, hình ảnh làng quê tạo nên hơi ấm và chất trữ tình qua nhiều tập thơ. Trong thơ Hữu Thỉnh có tình quê, hồn quê. Quê hương sống tận cùng máu thịt/ Giữa lòng tôi không chết bao giờ/ Cho tôi được nói một lời tâm huyết/ Rằng quê hương đồng nghĩa với tuổi thơ.

Nhà thơ tiếp nhận cái hay cái đẹp của các câu ca dao: “Một mình giã gạo giữa trời/ Cám bay phơ phất thương người sàng xay”. Hơn thế nữa khi đọc câu ca: “Ai đưa con sáo sang sông/ Để cho con sáo sổ lồng sáo bay”. Hữu Thỉnh suy nghĩ: “Ai là ai? Con sáo là gì? Có phải đây là một khát vọng? Con sáo niềm mơ ước bắt đầu đã bay khỏi tầm tay chăng. Đêm nằm thao thức những câu ca dao ấy tôi bỗng nhận ra rằng: Ca dao dân ca không phải bắt đầu bằng kể lể sự việc mà bằng những chấn động tâm hồn, nó là tâm trạng, là tiếng hát của tâm hồn con người. Tại sao nó lại là tiếng hát. Vì nó cần tìm chất tri kỷ, tìm đến mẫu số chung lớn nhất của con người: Tình yêu, nhớ thương, khát vọng, đau buồn”. Nhận xét ấy là sâu sắc và chất triết lý*. Làng quê lại được miêu tả với những bức tranh thiên nhiên đẹp qua năm tháng thay đổi mùa vụ. Thiên nhiên trong thơ Hữu Thỉnh chắt lọc, gợi cảm và có những sáng tạo riêng. Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh là một trong những bài thơ thu hay sau cách mạng. Tinh tế trong cảm nhận và chọn lọc những nét thu mơ hồ ẩn hiện trong buổi giao mùa. Nhắc đến làng quê gợi nhiều yêu thương và thương cảm tủi buồn. Nhà thơ cho biết tuổi nhỏ sống trong vùng địch, hoàn cảnh riêng anh ở với ông nội từ 9 đến 14 tuổi bị bắt đi phu gánh gạch, cát, cắt cỏ, làm bếp. Hòa bình lập lại, cũng được đi học cho đến kỳ thi đại học. Hữu Thỉnh quyết định xin vào bộ đội. Cùng lớp thân thiện với các anh Vũ Duy Thông, Nguyễn Ngọc Thiện nhưng đành chia tay. Đến với quân đội là mong ước là tâm niệm. Từ người nông dân trở thành anh bộ đội. Người chiến sĩ trong thơ Hữu Thỉnh nắm chắc tay súng hướng về phía trước với tinh thần tiến công mạnh mẽ. Một bài thơ được phổ nhạc về binh chủng xe tăng: “Năm anh trên một chiếc xe tăng, như năm bông hoa nở cùng một cội, như năm ngón tay trên một bàn tay…”. Người lính tuy ở tiền phương nhưng tâm hồn vẫn gắn bó với hậu phương, với mẹ, với người vợ chung thủy. Chất lính đã tạo cho thơ Hữu Thỉnh một mạch khỏe khoắn, bóng dáng người lính ẩn hiện trong nhiều đề tài khác. Trong các Chủ tịch Hội, người mang phong cách trí thức, người là cán bộ phong trào, còn Hữu Thỉnh thể hiện chất lính điều hành công việc. Anh tổ chức, chỉ đạo nhiều công tác, nhiều mối quan hệ, lúc nào cũng như người đang đi trên đường, đang trong công việc, vui vẻ, tất bật, nỗ lực để đạt hiệu quả. Có người nói: “Hữu Thỉnh là người của công việc, xoay tròn, chạy đuổi theo công việc, nếu anh ngừng nghỉ chắc sẽ ốm”.

Thơ Hữu Thỉnh từ những suy nghĩ, những bức tranh về làng quê, về chiến trường có xu hướng đi dần về phía khái quát, tổng hợp, và từ cuộc đời rút ra những triết lý vui buồn, cay đắng qua năm tháng trải nghiệm. Chất triết lý bình dị, tự nhiên nhưng thấm thía, sâu sắc. Mẹ ơi mây héo con xin mẹ/ Cho con lên an ủi mặt trăng buồn/ Cho tận đường cùng tan như chợ/ Bán được buồn hay mua được buồn hơn. Tập thơ Thương lượng với thời gian hướng dần đến một phong cách hiện đại, viết ngắn, lập tứ và chuyển ý bất ngờ, sử dụng nhiều những biểu tượng ám chỉ và mờ. Điều rất đáng nói trong thơ Hữu Thỉnh là vấn đề ngôn từ. Hữu Thỉnh viết ngắn, chắt lọc về câu chữ và sử dụng những từ biểu đạt có một phong cách riêng. Một trong những cái khó của văn chương chính là nghệ thuật kiến trúc và tạo phong điệu cho ngôn ngữ. Đặt tên một tập thơ, cho đến một bài thơ đều rất khó khăn. Có lần nhà thơ Xuân Diệu nói với tôi: “Mình phải nghĩ tên cho đứa con tinh thần sắp ra đời từ nhiều tháng mà nhiều khi cũng không thật vừa ý”. Tôi cũng thỉnh thoảng nhờ anh xem giúp tên của một số tập tiểu luận phê bình và thơ. Người ngoài góp ý, nhất là người tinh ý, dễ thấy chỗ được và chưa được. Trong bài thơ Lả lơi của tôi có đoạn: Xin em hãy hát/ Hòa cùng chim hót/ Đôi mắt hãy biếc/ Từng giọt long lanh/ Cho đắm đuối trời xanh/ Xin em hãy thắm/ Lộ sắc môi hồng/ Cho mặt người nhợt nhạt/ Ánh mắt vẫn chờ mong.

Nhà thơ Hữu Thỉnh đã góp cho tôi những từ quan trọng trên của bài thơ:

Đôi mắt hãy biếc

Từng giọt long lanh cho đắm đuối trời xanh

Xin em hãy thắm

Lộ sắc môi hồng…

Chữ “biếc” và chữ “thắm” được Hữu Thỉnh sử dụng rất sáng tạo.

Những chi tiết này nói lên điều tôi muốn nói. Trong thơ Hữu Thỉnh có một người tình. Chữ tình theo nghĩa rộng với đồng đội, đồng chí, đồng bào còn trong nghĩa hẹp là chữ tình đắm đuối ẩn hiện trong thơ. Một người đẹp trai, tài giỏi, có quyền lực tất nhiên phải kiềm chế với những mối tình xô đẩy tìm đến như các bậc danh nhân Nguyễn Đình Thi, Trịnh Công Sơn. Với Hữu Thỉnh cố gắng giữa đúng mực chuẩn mực chỉ có đôi chuyện vui. Hồi anh còn làm việc ở Văn nghệ quân đội nhiều người nói anh có tài xem tướng. Một em nữ sinh nhờ tôi đưa đến gặp và nhờ anh xem tướng hộ. Tôi ngồi ngoài chờ đợi. Khoảng nửa tiếng sau em đi ra và kể với tôi. Anh cầm tay khen bàn tay đẹp, học văn song không có đường nét về văn chương. Có thể làm kinh doanh và rất giàu có. Anh nắn tai em và khen nhiều phúc lộc. Em nói khi nào có lộc sẽ nhớ đến anh. Anh cười và bảo chờ đợi lâu quá. Hẹn mười năm sau nhà thơ vẫn tâm hồn tươi trẻ vui chuyện. Tôi hỏi anh gần đây ở trường đại học và cơ quan văn hóa hay có hiện tượng nam nữ gặp nhau, ôm choàng nhau. Tôi có một trường hợp bị một em ôm. Tôi hỏi anh làm thế nào để gỡ ra. Anh cười vui bảo “Thầy hôn cho em một cái sẽ buông ra”. Trong thực tế tôi đã làm như thế từ trước nhưng em không buông mà càng ôm chặt hơn. Chuyện vui để thấy ở anh một tâm hồn tươi trẻ.

Hữu Thỉnh cũng là người chịu đọc mở rộng tri thức trên nhiều phương diện. Thực ra qua những năm tháng bộn bề nhiều công việc, rồi một đời lính trải dài nhiều năm, thường người viết không khỏi thiếu hụt về vốn kiến thức đòi hỏi phải bồi đắp. Bồi đắp về ngoại ngữ là một chuyện khó khăn, về tri thức cũng không dễ dàng. Một khối lượng lớn các tác phẩm về văn học, văn hóa, triết học đã được dịch ra nhưng cũng không dễ tiếp nhận. Hữu Thỉnh phải đọc trước hết là những tác phẩm văn học. Anh nói một bài viết tưởng niệm về Nguyễn Đình Thi phải đọc toàn bộ Nguyễn Đình Thi, rồi với Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Vũ Trọng Phụng cũng thế thì sức đâu, thì giờ đâu cho đủ? Hữu Thỉnh tuy không đi sâu như các nhà nghiên cứu về những tác giả trên nhưng Hữu Thỉnh “như con chim biết chọn hạt”, người nhanh trí biết chọn những ý tưởng, những văn mạch tiêu biểu cho bài viết nên dễ tạo được sự hòa hợp trong phân tích, bình luận cả với những áng văn một thời qua. Thời kỳ chỉ đạo Hội Nhà văn, Hữu Thỉnh cũng làm được nhiều công việc hằng năm của Hội, Anh đã bỏ nhiều tâm sức và công sức xây dựng cho Hội Nhà văn một bảo tàng hoành tráng gồm nhiều thế hệ nhà văn từ các vị Tú Mỡ, Hoàng Ngọc Phách đến Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật. Bảo tàng Nhà văn Việt Nam là một trường học lưu giữa bao hình ảnh, nhiều kỷ niệm văn chương. Anh Hữu Thỉnh lại tổ chức vườn tượng, công việc đang làm cho thế hệ cha ông từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du đến Tản Đà. Anh cùng Ban chấp hành Tổ chức 16 lần Ngày thơ Việt Nam Nam tạo cho thơ một vị thế riêng, có tác động rộng rãi. Đặc biệt là mở rộng quan hệ, giao lưu giữa thơ Việt Nam và thơ quốc tế. Các cuộc hội nghị của nhiều nhà văn, nhà thơ nước ngoài tham gia việc dịch văn thơ Việt Nam, tổ chức mời các nhà thơ nước ngoài đến Hạ Long ngắm cảnh, ngắm người và làm thơ về vẻ đẹp Hạ Long – kỳ quan của thế giới. Một nền văn học, thơ ca có giao lưu bao giờ cũng là một điều tốt đẹp, Hữu Thỉnh là người chủ trì trong những hoạt động khó khăn này, Hữu Thỉnh bao quát những công việc chung nhưng cũng chú ý đến từng việc, từng người cụ thể. Cứ nhìn vào một vài cuộc họp quốc tế khi ngồi trên chủ tịch đoàn nhưng anh luôn chạy đi chạy lại đển từng người để dặn dò thêm trong công việc. Cách chỉ đạo đó làm cho anh mất sức khi quá chú ý đến những công việc nhỏ. Trong Hội, anh nhớ đến công việc, sự đóng góp của nhiều nhà văn nên được giới trẻ gần gũi. Gặp khách quen hay lạ, Hữu Thỉnh đều hồ hởi chào mừng và khen ngợi những sáng tác của các tác giả mới được in. Anh hay dùng chữ, những từ ngữ giàu tính khích lệ “Tuyệt vời”, “Quá tốt”, “Xin chúc mừng”… Cũng từ đó nhiều nhà văn hay tặng sách và muốn lắng nghe những ý kiến nhận xét của Hữu Thỉnh. Một lần tôi đến Hội Nhà văn và ngồi ở phòng anh Nguyễn Hoa để chờ gặp Hữu Thỉnh. Thoáng trông thấy Hữu Thỉnh đến, anh Nguyễn Hoa nói với tôi: “Mời anh lên ngay đi, tranh thủ lúc anh ấy mới đến, lát nữa thì rất đông người đến bàn bạc công việc”. Tôi lên phòng, mở cửa, Hữu Thỉnh nhiệt tình chào đón. Anh kéo ghế và nói: “Bác ngồi đây, có việc gì ta trao đổi, chờ em ký cái văn bản này”. Nhưng đã có một vị khách quý: nhà văn Ông Văn Tùng đem biếu hai tập sách dịch dày và viết về văn học Trung Quốc. Nhà văn Ông Văn Tùng dáng gầy gò như sắt nhưng quắc thước. Ông nói với Hữu Thỉnh: “Chịu khó đọc, công phu đấy”. Hữu Thỉnh một tay ôm lấy hai vai, tay kia đỡ tập sách và nói to: “Uyên bác. Uyên bác. Cảm phục”. Cứ thế anh mở cửa rộng và người đến đông hơn.

Thời gian trôi qua, dù có thương lượng cũng không thể kìm hãm được dòng thời gian. Hữu Thỉnh đã bước vào tuổi bảy mươi, sức làm việc của anh còn tốt, trách nhiệm vẫn đặt nặng trên vai Chủ tịch Hội Nhà văn và Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật. Người xưa nói: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Câu nói của Đỗ Phủ được nhiều người biết đến. Nhà văn Niculin, trong một lần viết thư cho tôi cũng tâm sự: “Tôi đã ở tuổi bảy mươi, tuổi ít thấy trên đời”. Ngày nay, người ở tuổi bay mươi không hiếm, có người nói phải đẩy lên mốc tám mươi “Nhân sinh bát thập cổ lai hy”. Nói thế nhưng ngoài bảy mươi sức làm việc hạn chế, và phải kiềm chế dần nếu không sẽ đến lúc không thể thương lượng với thời gian được. Anh lại trúng thêm hai khóa nữa của hai nơi mà như nhà thơ Ngô Thế Oanh thì “rất khó thay thế…”. Cho đến năm 2000, anh nghỉ trách nhiệm lãnh đạo, song vẫn làm cố vấn cho Hội.

Anh đã có thơ hay, và cần thêm những bài thơ hay nữa vì hồn thơ anh còn trẻ tư duy thơ hiện đại với phong cách độc đáo dễ đi vào lòng người. Anh được Nhà nước tặng Huân chương Độc Lập hạng Nhì. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2011.

Theo Hà Minh Đức/Văn Nghệ số 20-2022

* Hà Minh Đức: Nhà văn nói về tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.423