Trong vẻ đẹp của tình yêu và thơ ca

950
Nguyễn Quang Thiều
(Vanchuongphuongnam.vn) – Người ta thường nói khi người viết đi tới tận cùng con người mình thì người đó chạm vào vẻ đẹp. Nhà thơ Trương Tuyết Mai trong tập thơ này là như thế. Chị đã đi tới tận cùng trong tình yêu của mình và chị đã tìm thấy vẻ đẹp trong bản chất tình yêu muôn thuở của con người và đồng thời tìm thấy vẻ đẹp trong ngôn từ thi ca về nó.
Bìa tập thơ Gập ghềnh khúc đau
Tôi phải thú thực rằng: bản thảo tập thơ này của nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai là bản thảo thơ tôi đọc nhiều lần. Đây là tập thơ tình cho dù không phải tất cả các bài trong tập này đều viết về tình yêu. Nhưng hầu hết những bài thơ viết về tình yêu đều hay. Hay bởi những câu thơ mê đắm, cháy bỏng, trong sáng và cả liều lĩnh như của một cô gái 18 tuổi đang yêu trong mối tình đầu và hay bởi sự chiêm nghiệm về tình yêu của một người đã ngoài 70 tuổi. Tôi đang hình dung trên con đường của tình yêu trong thơ Trương Tuyết Mai, có hai người phụ nữ cùng đi trên con đường đó: một cô gái 18 và một phụ nữ đã có tuổi. Có lẽ chỉ như thế, thơ viết về tình yêu mới chạm tới được bản chất của tình yêu và những bí ẩn lạ lùng của nó. Hơn nữa, không ít những bài thơ trong tập này là những bài thơ xuất sắc về ngôn từ, hình ảnh, biểu tượng và cảm xúc tận cùng của sự chân thành.
Tôi muốn lấy bài thơ Chân dung để mở đầu cho những điều tôi suy ngẫm về thơ chị.
Chân dung
Ôm trái tim mình cùng mối tình mộng mị
Trong gió thốc sấm rền nàng vẫn đi…vẫn đi.
Bài thơ chỉ có hai câu. Một chân dung ngắn nhất về một người mà tôi từng biết. Nhưng hai câu thơ đã dựng lên toàn bộ con người đó. Khi đọc hai chữ “chân dung” như là tên bài thơ này thì trong tôi hiện lên hình ảnh người đàn bà Trương Tuyết Mai đã luống tuổi, tóc đã pha sương, giọng nói đã lặng lẽ hơn…nhưng khi đọc xong hai câu thơ thì tôi không còn thấy hình ảnh của chị ban đầu nữa mà thay vào đó là một cô gái tên là Trương Tuyết Mai trong sáng, đắm mê và mãnh liệt. Bởi làm sao tôi lại đồng nhất một người ôm mối tình mộng mị đã đi như chạy trong cuộc đời qua tất cả bão gió, sấm chớp với một người đàn bà có tuổi như một người bà được. Tình yêu thật quyền lực, khi nó hiện ra nó sẽ biến tất cả những gì cũ kỹ, già nua và mờ nhạt trở lên rực rỡ và vang dội.
Xin bạn hãy chọn một không gian thật tĩnh lặng và chỉ một mình bạn để đọc những câu thơ dưới đây:
Nắng tràn qua cửa sổ nhảy nhót trên gối mềm
Gối ta không nước mắt cần chi nắng hong khô
Chỉ có những giấc mơ vẫn còn đẫm trên đó
Ta sợ bất chợt gió ập vào cuốn bay đi.
Tôi đã đọc những câu thơ ấy trong một không gian tĩnh lặng và vẻ đẹp lộng lẫy của tình yêu đã hiện ra trọn vẹn. Câu thơ “Chỉ có những giấc mơ vẫn còn đẫm trên đó” với tôi là một trong những câu thơ đẹp nhất viết về tình yêu mà tôi đọc được. Không phải nước mắt của sự đau khổ, than khóc…mà là những giấc mơ “đẫm” trên chiếc gối đêm đêm của một người đàn bà. Hình ảnh ấy đẹp tựa như một nàng tiên ngủ cô đơn trên chiếc gối và những cơn mơ ngập tràn. Đấy là một cách nói khác biệt và đầy sáng tạo khi viết về tình yêu. Nghệ thuật “quyền lực” là như thế. Nó luôn chọn một cách bày tỏ mà khi ta chạm vào nó ta không thể rời xa được. Và tôi không thể nào rời xa được câu thơ ấy hay nói khác là hình ảnh ấy về một người đàn bà đang yêu.
Bài thơ Sự cô đơn là một bài thơ xuất sắc của nhà thơ Trương Tuyết Mai. Đọc xong những câu thơ đó, tôi thấy những câu thơ của mình viết về sự cô đơn trở nên nhạt nhẽo vô cùng. Những câu thơ này không dùng bất cứ phép tu từ nào. Nó tạo ra cảm xúc bởi câu chuyện, nó tạo ra nghệ thuật bởi một cách nhìn không giống ai và bằng một quan sát tinh tế. Bài thơ nói về sự cô đơn của một người đàn bà mà không dùng bất cứ tính từ hay danh từ nào chứa đựng cái nghĩa đó. Viết về sự cô đơn vô cùng dễ dàng dìm nhà thơ vào một bể những từ ngữ sáo mòn. Nhưng nhà thơ Trương Tuyết Mai đã vượt qua sự sáo mòn một cách ngoạn mục bởi chị có một hiện thực và có một cái nhìn đầy tính phát hiện. Tôi hình dung mỗi sáng chị tỉnh dậy và nhìn lại chiếc giường chị đã ngủ đêm qua và chị thấy một sự trống vắng. Cái “vết lõm” trên chiếc giường quen thuộc đã trở thành một vực sâu của sự cô đơn ấy:
Một sớm thức dậy ngẩn ngơ ngồi ngắm
Nơi ta nằm nghiêng lệch tự bao giờ
Cứ thế mỗi sớm ngẩn ngơ ngồi ngắm
Phía ta nằm ngày càng lõm sâu thêm…
Và đây những câu thơ cuối cùng tôi muốn trích trong bài viết nhỏ này:
Trăng cứ mãi lang thang khắp chốn
Nước lặng thầm ngóng đợi trăng soi
Tình đôi ta lẽ nào trăng nước
Tan hòa nhau mà vẫn xa xôi.
Đẹp mà đau đớn. Đấy là cảm giác khi tôi đọc những câu thơ này. Trăng nước là những hình ảnh vốn quá quen thuộc đến nỗi những nhà thơ có kinh nghiệm ít dám dùng vì dễ rơi vào sáo mòn và không tạo được cảm giác. Nhưng trăng nước ở bài thơ này làm tôi như được nhìn thấy lần đầu. Đẹp và cô quạnh. Xa xôi và buồn bã. Hình ảnh một đôi trai gái như trăng và nước thật đẹp. Nhưng câu thơ cuối cùng mới đẩy bài thơ đi tới bến bờ cuối cùng của nó và làm bài thơ như một bông hoa bung cái cánh cuối cùng để mở ra toàn bộ vẻ đẹp giấu đi trước đó. Hiện thực đúng là vậy. Trăng lồng trong nước và nước trong trăng thế mà hai vật thể ấy chẳng bao giờ bên nhau được. Một mối tình hay nói cách khác tình yêu thường vậy. Người ta có muôn vàn cách diễn nôm điều này. Nhưng khi nó trở thành câu thơ như thế nó làm cho trạng thái và cảm quan người đọc được mở ra vô tận. Câu thơ có độ vang rất xa làm lòng tôi xao động không ngừng.
Người ta thường nói khi người viết đi tới tận cùng con người mình thì người đó chạm vào vẻ đẹp. Nhà thơ Trương Tuyết Mai trong tập thơ này là như thế. Chị đã đi tới tận cùng trong tình yêu của mình và chị đã tìm thấy vẻ đẹp trong bản chất tình yêu muôn thuở của con người và đồng thời tìm thấy vẻ đẹp trong ngôn từ thi ca về nó. Và chính thế mà “Trong gió thốc sấm rền nàng vẫn đi…vẫn đi”. Chỉ có khát vọng không chùn bước và tình yêu không mệt mỏi, con người mới đi tới những điều họ theo đuổi. Trong tình yêu và trong nghệ thuật đều có chung qui luật này.
Hà Nội, 9.3.2020
N.Q.T