Trụ cột gia đình – Truyện ngắn của Ngô Nữ Thùy Linh

916

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bây giờ với Thụy, giấc mơ không nhuốm màu buồn nhưng thỉnh thoảng cô bị cảm giác bóng đè. Có ai đó cứ dồn hết sức lực dìm cô xuống, khiến cô thở không được.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Toại quen và yêu Thụy thời gian hai năm. Hai năm, đủ để anh hiểu và biết ít nhiều về tính cách của Thụy. Anh cảm nhận đây là một người sẽ chăm lo cho tổ ấm gia đình mình trọn vẹn. Bởi thế, khi công việc đã khá ổn định anh dẫn Thụy về nhà ra mắt bố mẹ và xin làm đám cưới với Thụy. Buổi gặp gỡ ban đầu, bố mẹ Toại khá hài lòng bởi nhìn thoáng qua thôi, Thụy có một nét đẹp hiền dịu. Cách cư xử, ăn nói nhẹ nhàng, tháo vát trong bữa cơm đầu tiên làm cho bố mẹ toại không có gì từ chối. Nhưng về lâu về dài, ông bà vẫn nhắc nhở Toại tìm hiểu kĩ về gia cảnh của Thụy, về họ hàng, anh em, bố mẹ.

Toại nhớ, những lần Thụy đưa anh về nhà, chỉ có mẹ và Thụy ăn cơm cùng Toại. thường Thụy nói bố đi công tác xa, không về. Vài lần như thế Toại cũng hơi băn khoăn, nhưng trong ngôi nhà mẹ con Thụy ở bức hình bố và mẹ Thụy vẫn ở trên tường, điều đó khẳng định gia đình Thụy vẫn bình thường. Và hơn nữa, Toại yêu Thụy rất nhiều, anh yêu cô từ nét đẹp dịu dàng cũng như sự khéo léo, tinh tế của cô. Anh thường ngồi rất lâu trong quán cà phê quen của hai người và ngắm nhìn Thụy một cách say sưa. Kể cả giọng nói của Thụy cũng làm anh cảm mến. Anh thường cầm lấy đôi bàn tay của Thụy, điều rất lạ là nó to, thô và hơi cứng. Thụy thường cười gượng gạo, nói rằng hồi nhỏ cuộc sống ở quê vất vả, cô theo ba mẹ đi làm ruộng, những công việc lặt vặt trong gia đình ba mẹ đều dạy cho anh em trong nhà làm hết. Chính bởi vậy, tay cô không phải là bàn tay mượt mà, mười ngón thon dài, đẹp đẽ búp măng như bao cô gái khác. Toại áp bàn tay ấy lên má mình, yêu thương dâng đầy lồng ngực.

*

         Lần thứ hai sau khi kết hôn, trở về nhà Toại bắt gặp Thụy đang lụi cụi cầm búa đóng lại mấy cây đinh trong nhà. Anh ngạc nhiên lắm, bởi anh nghĩ Thụy không phải mẫu người con gái thích làm việc đàn ông theo kiểu đó. Anh hơi gắt:

– Em làm sao vậy? Anh đã nói những công việc đó em cứ để anh làm, đó là việc của một người đàn ông trong nhà mà em.

Thụy buông chiếc búa xuống, gương mặt cô có chút u buồn:

– Là tại…em thấy anh bận quá nên những cái nhỏ nhặt này em tự làm được, nó cũng không khó mà.

– Nhưng trong gia đình này, anh là đàn ông mà, em hãy để cho anh thể hiện mình là một người trụ cột, em nhé!

Thụy vâng lí nhí trong miệng.

*

         Thụy có một gia đình không vẹn nguyên. Bố và mẹ ly hôn khi Thụy học lớp sáu, anh trai học lớp mười và chị gái học lớp tám. Hồi đó, khi những trận cãi vã, xô xát nhau diễn ra ngày càng nhiều, mẹ quyết định chia tay bố. Mẹ nói với ba anh em Thụy:

– Có thể mẹ chịu đựng được để nuôi các con khôn lớn, nhưng mẹ chỉ sợ những đòn roi làm mẹ kiệt sức khi các con chưa thể trưởng thành. Vì thế các con đồng ý cho mẹ rời xa ngôi nhà này, điều duy nhất mẹ mong muốn là chăm lo được cho cả ba anh em.

Nước mắt giàn giụa, bốn mẹ con ôm nhau khóc rưng rức. Thế là tòa giải quyết li hôn, Thụy được ở với mẹ, còn anh trai, chị gái ở với bố. Những năm tháng khó khăn, bố luôn tìm cách gây khó dễ cho mẹ con Thụy. Cô nhớ, khi tòa án lên kê khai tài sản, tổng tài sản gia đình chỉ có một ngôi nhà ngói ba gian, một con heo nái mẹ chăm bẵm từ nhỏ và những thứ lặt vặt trong gia đình. Sau này khi vô tình đọc được bản quy đổi tài sản đó, cô mới biết nó chỉ đáng giá mười ba triệu đồng. Tòa chia cho bố căn nhà, mẹ con heo nái và mẹ có trách nhiệm phụ cấp thêm cho bố nuôi hai anh chị. Thụy về với mẹ, dựng một căn lều nho nhỏ, buôn bán tạp hóa ngay đầu chợ. Ban đầu, hai mẹ con cứ thế nương nhờ nhau trong cái góc nhỏ hẹp ấy. Được cái mẹ có duyên bán hàng, nên từ khi mở tạp hóa ra, khách khứa trong làng đều tập trung mua ở quán mẹ con Thụy. Một buổi ở trường còn một buổi ở nhà phụ mẹ bán hàng, Thụy thường ngồi trên cái ghế gỗ dài, đu đưa hát hò. Có khách thì lon ton tới bán, miệng cũng dẻo quẹo. Được cái hồi đó nghèo nên mỗi lần thấy mấy nhóc con trong làng ra mua mì tôm nấu canh, Thụy lại hất hàm hỏi:

– Nhà có mấy người ăn?

Nếu đứa bé nào nói nhà đông người, thường thì Thụy sẽ nhón tay bốc thêm một nắm mì tôm cho nó. Cô chỉ nghĩ bụng, chắc nhà đó sẽ được nồi canh đầy hơn. Bởi vậy, mẹ nhập một bịch mì tôm to uỳnh nhưng tính qua tính lại cũng chỉ lời được mấy chục nghìn. Mẹ hay thắc mắc:

– Lạ thật, nhà cô Sen bán một bịch mì như nhà mình, cô ấy cũng lời gấp đôi mình ấy con. Hay đại lý cân thiếu cho mình nhỉ?

Thụy cười hì hì:

– Không có đâu mẹ, là tại con bán rẻ hơn cho nhà người ta ấy mà.

Mẹ nhìn Thụy cười âu yếm. Lúc nào bà cũng vậy, hiền lành đến tội nghiệp. Có lẽ vì thế, khi bố Thụy nổi khùng lên, đánh đòn hay làm gì thì mẹ cũng cắn răng chịu đựng. Thụy nhớ khủng khiếp nhất là khi ông bế mẹ Thụy lên, chạy xồng xộc rồi thả ùm xuống giếng. Hôm đó là hôm anh chị đi học buổi sáng, chỉ còn mình Thụy ở nhà. Cô hoảng hốt gào lên trong tuyệt vọng. Ấy vậy mà mẹ lặn ngụp dưới đó, vẫn tỉnh táo gọi với lên:

– Con qua nhà chú Tuyên, kêu chú qua cứu mẹ, nhanh lên!

Nước mắt giàn giụa, Thụy chạy băng băng qua nhà hàng xóm kêu gào để chú hàng xóm qua vớt mẹ lên.

         *

         Buôn bán ngày một khấm khá hơn, mẹ thường mua quà bảo Thụy mang về cùng ăn với anh chị. Đối với mẹ, cho dù chia cắt tình cảm của mẹ và bố thì tuyệt đối anh em Thụy cũng không được rời xa nhau. Buổi tối, anh trai đạp xe lạch cạch ra quán đón Thụy về nhà học bài. Học xong anh lại đưa Thụy ra với mẹ. Mặc dù bố vẫn thường cố tình nói những điều không tốt về mẹ nhưng khi đó anh em Thụy đã đủ khôn lớn để hiểu mẹ là người như thế nào.

Một bữa, Thụy mang quả bưởi từ quán về cho anh chị ăn cùng, khi bóc ra thì Thụy dành phần bóc nên chị gái giận dỗi, buông một câu:

– Mày đưa ra ngoài đó, mẹ con mày ngồi mà ăn!

Anh trai vừa nghe chị nói xong thì nước mắt giàn giụa, bay tới đánh chị tới tấp mặc dù xưa nay anh là người thương hai em nhất. Anh gào lên trong tuyệt vọng:

– Em không được nói Út như thế, em hiểu không, chúng ta là anh em một nhà cơ mà.

Thụy nhớ đó là lần cô giận chị lâu nhất. Mãi một tuần Thụy không về nhà nữa, mẹ có gặng hỏi nhưng cô chỉ im lặng, cũng không kể và mỗi khi anh trai ra đón về nhà học, Thụy đều tìm cách trốn ra phía sau vườn, hoặc giả vờ đi đâu đó.

*

Thụy thay mẹ làm hết công việc của một người đàn ông trong gia đình. Hồi đó, cũng học được những kiến thức ở trường lớp, nên khi mẹ nói ổ điện bị hư, Thụy cũng mạnh dạn tháo ra, sửa cho mẹ. Khi bóng đèn không may bị cháy, Thụy cũng là người bắc ghế lên, tháo ra lắp lại cho mẹ. Thụy nhớ có một anh bạn khi bước vào nhà gặp Thụy đang loay hoay lắp bóng đèn, mẹ giữ ghế ở phía dưới, anh ngạc nhiên lắm:

– Ơ, sao Thụy cũng biết sửa điện à?

Thụy cười:

– Dạ, chút chút thôi anh.

Anh là người trong làng, tất nhiên anh biết câu chuyện giữa bố mẹ Thụy. Thế nên sau này, anh thường lui tới có ý với Thụy, nhưng khi đó đối với Thụy việc học vẫn là ưu tiên hàng đầu nên cô không để ý mọi thứ tình cảm xung quanh.

*

Toại không biết những thiệt thòi của Thụy. Ngày cưới hồi đó, bố vẫn có mặt trong đám cưới của cô. Và những gì cô dành cho bố, từ lời nói, cử chỉ không khiến cho anh nghi hoặc bất cứ điều gì. Thụy nghĩ, một lúc nào đó cô sẽ kể cho anh nghe câu chuyện của mình, nhưng cứ định nói ra Thụy lại ngập ngừng. Thụy không muốn bới móc lại quá khứ của mình cho người khác xem. Cũng như cô muốn mọi thứ trong gia đình nhỏ của mình êm ấm. Nếu có thể kể ra để lấy sự cảm thông, san sẻ của Toại thì cô đã làm từ lâu. Có điều không hẳn là Toại sẽ mở lòng, có khi anh lại nổi khùng lên vì sự dối trá của Thụy. Vì muốn bước chân vào ngôi nhà gia thế, quyền quý của Toại mà cô lừa dối anh, khi đó chắc anh cũng chẳng còn tình cảm với cô. Từ ngày cưới xong, Thụy nhận ra trong hôn nhân, không phải tình yêu là thứ duy nhất để duy trì mọi thứ. Thụy không muốn sau này mình gặp những chuyện tương tự như mẹ. Và điều đó khiến cô kiên trì bám trụ lại thành phố, muốn tự mình xây dựng tương lai cho mình và cho con cái sau này được tốt đẹp hơn. Đó cũng không phải là điểu gì quá lớn lao đối với một cô gái xinh đẹp, có học vấn như Thụy.

Thỉnh thoảng, cô bất chợt hỏi Toại:

– Anh yêu em vì điều gì?

Toại cười:

– Vì em dịu hiền và đúng tiêu chuẩn của một người vợ anh mong muốn, một người con dâu mẹ anh thích.

Thụy cười nhạt:

– Đơn giản chỉ thế thôi à?

Toại quay lại, nhìn Thụy đầy nghi ngờ:

– Ý em là sao?

Thụy lắc đầu:

– À không, em chỉ hỏi vui thế thôi!

*

Thụy thường có những giấc mơ về thời thơ ấu, có những trận đòn roi của bố khiến cô ám ảnh. Nhưng cũng có những miền kí ức đẹp về một cô bé ngồi ghế gỗ, thỉnh thoảng trèo lên bàn của mẹ nghịch ngợm, nhưng thích bán hàng theo cách riêng của mình. Thích chui trong xó bếp, vừa nấu ăn vừa đọc báo, những tờ báo gom từ tiền ăn sáng mẹ cho. Cơm canh thỉnh thoảng vẫn có mùi hương lạ bởi cứ chúi mũi vào những quyển báo, Thụy thường quên hết thời gian. Mẹ có cái bể nước xây trong nhà, tối om. Thỉnh thoảng bà kêu cô chui xuống, quét dọn cho sạch sẽ. Thụy lén mẹ bỏ một con cá rô vào đó, nuôi với ý nghĩ nó sẽ ăn hết rong rêu trong bể. Thụy thích đứng trên chiếc xe đạp mẹ mua, nhảy nhót và khoe thành tích học tập cho mẹ. Trong những giấc mơ của mẹ, Thụy nghe tiếng mẹ khóc tức tưởi, cô thường tỉnh giấc khi hai ba giờ sáng, đánh thức mẹ dậy, khi mẹ tỉnh táo cô mới lại nằm xuống tiếp tục giấc ngủ của mình.

Bây giờ với Thụy, giấc mơ không nhuốm màu buồn nhưng thỉnh thoảng cô bị cảm giác bóng đè. Có ai đó cứ dồn hết sức lực dìm cô xuống, khiến cô thở không được.

Cô bắt đầu có thói quen uống cà phê, làm việc muộn và cảm giác ít mặn mà với Toại hơn. Mỗi khi anh gần gũi, cô đều tìm cách từ chối khéo. Hoặc giả cô kéo dài thời gian mỗi tuần chỉ để suy tư vài điều vẩn vơ. Toại thấy cô khác lạ, anh bất an lo lắng. Những lúc như thế anh thường cầm lấy bàn tay của Thụy, áp vào má mình và ân cần:

– Em ổn chứ?

Thụy cười hiền:

– Anh vẫn luôn bình lặng như một cái ao bèo. Em không sao cả, chỉ là cảm giác chống chếnh vì nhớ mẹ và nhớ nhà.

– Anh đưa em về được mà, chúng ta sắp xếp được em ạ! – Toại vui vẻ.

*

Thụy bỏ thói quen làm những việc của người đàn ông trong gia đình. Cô để Toại ra tay. Những lúc anh mướt mồ hôi đóng cho con trai trong bụng một cái cũi hay ra sau góc vườn nhỏ làm một cái giàn để trồng mướp, Thụy đều cảm thấy anh đẹp vô ngần.

Có thể cuộc sống còn dài lắm, khi cu nhóc ra đời, chắc cô sẽ thủ thỉ cho anh nghe về một tuổi thơ dữ dội của mình. Thụy tin chắc tình yêu của anh đủ để nâng đỡ cuộc đời cô qua những sóng gió…

N.N.T.L