Trúc Phương & Hoa khaley chỉ nở một lần

689

15.6.2018-10:20

 Nhà văn Trúc Phương

 

Hoa khaley chỉ nở một lần

 

TRUYỆN NGẮN CỦA TRÚC PHƯƠNG 

 

NVTPHCM- Trời vào hè. Bụi mù con đường dẫn vào núi Sam. Phố núi như bị trấn ngộp trong cái nắng thiêu đốt của mùa vía Bà. Những cánh phượng đầu mùa như những chùm lửa bốc cháy trên những thềm đá bạc phếch thời gian.

 

Giữa một phản đá rộng như bàn cờ tiên có truyền thuyết mài gươm của những ẩn sĩ, các du khách buộc phải dừng lại với đôi mắt hiếu khách tò mò trước những màn biểu diễn, thoạt nhìn tưởng là trò sơn đông mãi võ của người đàn ông có mớ tuổi tứ tuần, khuôn mặt khắc khổ, và con khỉ già mặc áo gấm. Hết lượt múa gươm với manh áo tráng sĩ phong phanh làm bằng mảnh vải khác màu của một chiếc áo cũ khâu sang, biểu diễn xong màn xuyên kiếm vào họng, anh nghệ sĩ hát rong bụng mang trống da bò, đầu đội mũ lá buông bo rộng, lưng thắt sợi dây băng đen như chú rể ngời Chăm ngày cưới, oai vệ dạng chân xuống tấn chào bái tổ hướng về quan khách, rồi tiếp tục hạ lệnh:

 

– Sa-Khết ! Chào bà con và múa Lambada!

 

Con khỉ cái có tên Sa-Khết nhe răng cười như mếu, liếc nhìn đôi mắt ân cần của chủ rồi ngoan ngoãn đi bằng hai chân sau, hai chân trước thì biến thành tay vừa đi vừa vỗ cùng tiếng vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt của những lữ khách quần áo còn bám bụi đường, miệng người nào cũng nở nụ cười khoái trá, ưng bụng.

 

Người chủ đánh trống Bà Na và lắc lục lạc “lắc sắc lẻn xẻn”. Sa-Khết bắt đầu điệu múa Lambada trào phúng Mỹ La tinh được chủ nó nhại lại từ một băng nhạc. Kế đó là những điệu Lâm-Thol, Adtoh Muzưt, múa Ấn Độ cải biên … Con Sa-Khết thi thố hết mình cùng chủ nó. Rồi một điệu Sóc Bom Bo vui nhộn được trổi lên cùng tiếng trống cắc cùm. Và tiết mục hấp dẫn mà nó phải biểu diễn tiếp theo là một bài nhảy ngựa theo tiếng kèn đồng cũ kỷ cùng tiếng ngựa hí vang dội từ miệng của ông bầu bất chợt nhớ ào về một thời trận mạc xa xưa. Nhảy tưng bừng túi bụi. Nhảy quay cuồng trong tiếng nhạc thúc quân nghiêng ngả của chiếc kèn đồng dạn dày mưa nắng. Ông bầu như biến thành kỵ sĩ rướn người ôm lấy bờm ngựa phi ngược lên dốc núi giữa mịt mùng gió mây. Các ông Tây bà Đầm vui đến ngơ ngác. Khách thập phương vỗ tay như pháo nổ. Chỉ có những đứa trẻ chăn trâu quanh quẩn bên chân núi, những lão du khách già một thời đánh Pháp đánh Mỹ thì mới không lạ gì với cái trò chơi thôn dã mỗi tối trăng về đầy ắp niềm vui chinh chiến ấy. Cái gùi trên vai Sa-Khết lại có thêm những đồng tiền dè sẻn, hào phóng của khách thập phương. Nó đưa đôi mắt tình tứ nhìn ông bầu của nó rồi chắp tay cúi đầu đa ta quan khách với nụ cười lấm tấm mồ hôi. Nụ cười làm cho con khỉ già trẻ lại. Nó lại đi về phía chủ với đôi mắt biết ơn, hai tay âu yếm bâu vào cổ, áp má lên ve áo chủ, được chủ bế đi một vòng vẫy tay chào những người khách lữ hành tốt bụng.

 

Khác với lần trước thường được khách nước ngoài yêu cầu diễn lại, lần nầy một người khách nữ mặt mày bị cháy bỏng, đôi mắt nâu như mắt chim Khơ-Rim trên núi chen chân bước đến tặng con khỉ một nắm tiền và một túm trái sơn trà cùng với lời yêu cầu bằng tiếng Chăm nói với ông bầu diễn lại tiết mục “ Ka Buol Muk Xơ Ruh Pơ Lây” của người Chăm miền Hạ. Ông chủ của Sa-Khết bước đến chỗ người khách xa lạ ấy, chớp cái mắt nhìn đến nao lòng rồi chậm chạp gật đầu và nhờ con Sa-Khết đóng vai cô gái với bộ nhung y lộng lẫy có gắn giấy bạc, trâm cài lấp lánh. Xong xuất diễn, mọi người thì cười, chỉ có người phụ nữa không còn tuổi che mặt mà vẫn che mặt bằng tấm khăn xoan mỏng, người vận Chăm y màu tím than ban nãy là lén quay mặt ra ngoài, đôi mắt rươm rướm màu sương núi chập chùng như nhớ như quên.

 

– Không lẽ nào… Các thần linh vẫn thức trên đỉnh núi ..? Đôi mắt thì của người quen, còn nỗi buồn thì của một người khác nữa… Ka Buol Muk Xơ Ruh Pơ Lây… Ka Buol…

 

Ông bầu lầm bầm trong mồm rồi rúm người gập gẫy bám vào vai Sa-Khết lê bước đến giồ đá làm nhà tạm, âm bên vách núi rêu phong cùng tiếng thở dài giấu sâu trong ngực. Phải đến tận khi trời bảng lảng vào chiều, chủ con Sa-Khết mới lờ đờ mở mắt như người đi thiếp vừa về:

 

– Ta đi tìm… Sa-Khết à, cho dẫu hết đời ta … Hết những tháng Pulan Pă và những mùa lễ Rija Nưgar … Ta đi tìm dù hết cả đời ta … bóng con chim Khơrim mắt nâu đã nhìn vào tận con ngươi của ta đêm Hakêm và các thiên thần lên núi. Ôi, em là hoa Khaley mọc bên vách núi thâm sâu và chỉ nở một lần… Sao em không là hoa Nalen bên triền lũng thấp nở hoài khi nắng lên… Sao em không là chim Săncôi hát bên bụi cỏ mỗi sáng sương về, lại làm con chim Khơrim líu lo một mình đêm trăng sáng… Đức thánh Olloh vĩ đại trên trời… Chắc Ngài không còn trách hờn gì ta nữa… Khơrim… Khơrim và rừng núi của ta… Khơrim và nỗi buồn của ta …

 

* * *

 

Một chiều xưa. Mặt trời đỏ hoe cùng đêm tối sụp xuống đè hãm lên hơi thở thoi thóp của hai kẻ tử thù. Sự cô độc bên cạnh tử thần hay năng lực ma quái của chiến tranh đã xô họ lại gần nhau. Họ bất đắc dĩ phải nương tựa vào nhau, bịn rịn một cách khiên cưỡng và oan trái để cố quay về cùng sự sống hạ đẳng hoang dại của hai sinh vật cấp thấp chừng chưa kịp có linh hồn. Người lính núi trần trụi cố lết đến chỗ tên Mỹ vừa cất tiếng gọi về phía mình như tiếng ma trơi. Anh dùng cánh tay còn lại để vạch, móc thằng Mỹ dài ngoẵng trông dễ sợ hơn cả xác chết kia từ đất sỏi nhầy nhoẹt những thi thể mục rữa để lôi hắn ra ngoài. Tên Mỹ đã gượng bò dậy cùng người du kích. Anh đưa hắn đến bên bệ đá có dòng thạch nhũ rúc rắc chảy những giọt nước trời. Rồi cả hai cùng lịm đi. Một con thằn lằn núi vừa vô phúc rơi vào cái miệng thô vụng vô tình thành bẫy rập của anh lính Việt Nam. Anh cựa mình nhai ngấu nghiến bằng bản năng sống của con vật rồi nuốt đi một nửa con thằng lằn xấu số vào bụng. Anh nhớ đến thằng lính Mỹ bên cạnh. Biết đâu nó cũng ráng mà nhai được. Miếng thịt thằn lằn nhỏ bằng một phần vạn cơ thể của nó. Và thằng Mỹ đã nhai. Lại những con ốc hương, những con chuột, những con kỳ đà núi đi tìm mùi vị của chiến tranh. Một ngọn lửa lấy được từ đá. Những dây hà thủ ô có nhiều mủ trắng. Những dây sâm đất, cam thảo và những trái sơn trà. Sự sống vẫn còn đó trong cõi hoạng địa nguyên sơ quánh đặc mùi tử khí. Tiếng pháo, tiếng bom vẫn giật dội ỳ đùng quanh vùng Thất Sơn hiểm trở. Cho mãi đến một buổi chiều tím đẫm mây mưa và sấm chớp…

 

– Thằng Mỹ hắc ám kia..! Mầy hãy chịu khó đi theo tao, và nếu có thể thì giúp tao nhé. Tao sẽ mang mầy về giao nạp cho cô gái Chăm hay mắc cỡ, hay che khăn lên mặt làm duyên của tao. Cô ấy cũng đang cần một thằng Mỹ. Con gái Chăm gỡ khăn khi đánh Mỹ rồi che khăn khi gặp con trai. Con gái Chăm không sợ nước mà sợ gió… Tao sẽ tặng cho cô gái Chăm hay cười khi tắm của tao chiếc vòng ngọc thạch và mầy. Cô ấy sẽ thành Dũng Sĩ… 

 

– Vici… Mầy là Vici..?

 

Anh du kích Bảy Núi có biết đâu thằng Mỹ vừa hiền đó, lại dữ đó. Nó hết nhớ nhà thì lại nhớ đến trí khôn thượng đẳng của mình. Đời nào thằng Mỹ chịu thua một anh du kích lù khù, lửng khửng, thật thà còn hơn những người da đỏ ở nước Mỹ. Và thằng sĩ quan công binh có cái tên trắng dờ trên miệng túi rách tưa không còn đủ chữ kia đã lén ném một viên đá to bằng trái tạc đạn vào gáy người lính núi khi hắn hiểu ra anh ta không phải là một chiến hữu Việt Nam Cộng Hòa, rồi tự động mở sợi dây trói buộc liền hai người lại với nhau-một sáng kiến để giữ tù binh được phát minh từ anh du kích-và bò đi về phía không có nắng mặt trời. Không ngờ đến khuya, tên Mỹ khôn quỷ kia bị thần núi xô ngược xuống hố khiến hắn bất tỉnh nhân sự. Khi hắn mở được mắt ra thì thằng kẻ thù có nước da ngâm, đôi mắt nâu màu nâu thạch ngọc vừa nướng xong mấy con thằn lằn núi, vội bóc một con bỏ vào cái mồm bầm đen còn tanh máu của hắn, song song với động tác quấn sợi dây rừng-pháp lý duy nhất còn lại của chiến tranh để phân biệt ai là kẻ có quyền, ai là kẻ phải tuân phục trong trường hợp nầy-gút chặt vào tay tên Mỹ. Hắn lại trở giọng rên rỉ, nghiến răng, so vai, trợn mắt, lớn mồm la hét như thể chỉ còn có cách ấy mới chứng tỏ được khí chất dân Mỹ trước một người Việt Nam hiền lành đối địch. Người lính núi cười khịt khô khan, rồi gật đầu nói với tên tù binh to như cọp bệnh của mình rằng : “ Ăn đi. Mầy đâu có gì đáng để thù tao. Còn tao, tao giữ mầy để không phải sống một mình trong những ngày đơn độc nầy. Xe ủi của đám công binh nhà mầy nó cũng ủi mầy xuống chỗ chết như tao. Tao cứu mầy. Tao với mầy cùng sống. Mầy đừng có ngu mụ mà xé rách lòng tốt của tao. Với lại tao cũng biết tức giận, đâu phải lúc nào cũng nhẫn nhục, cũng tốt được với mầy-kẻ đến Thất Sơn nầy không phải để làm bạn, không phải để đi chơi, mà đến đây với lửa và thần chết.”

 

Tên Mỹ tru tréo, nôn ọe một tràng tiếng Mỹ rồi ngọng nghịu nói như đẽo cày từng câu tiếng Việt, vừa nói vừa phun “phù”, “phù” như đuổi ruồi vào tai anh lính núi: “ Vici… Tao không sợ mầy đâu. Băn đi… Diêt đi… cho tao đai… Tao muốn đai…”-Nói đến đây, tên Mỹ bất thần đưa tay lên ngực làm dấu thánh, mắt nhắm nghiền, ươm ướm những giọt nước không phải của đá.

 

Lại một tiếng cười khô trong cổ, nghe rít riết như tiếng con thạch sùng kêu mưa:

 

– Hóa ra mầy cũng biết khóc. Hừ, phải vậy chớ. Mầy cũng không đến nỗi hèn nhát. Tao cũng đã một lần đưa mầy đến bên vực sâu, ghè dao găm vào cổ mầy mà không nỡ giết, vì sợ còn lại một mình sẽ buồn. Mà mầy có dạy tao nói tiếng Mỹ của mầy được không? Tiếng Mỹ của mầy có tiếng “tha chết cho du kích”, hay “Vici là bạn” không? Nước mầy cũng có tình thương đó chớ? Không lẽ tao tha chết cho mầy mà mầy vẫn cứ thù tao?

 

– Hừ..!-Tên Mỹ gầm gừ như con hổ chỉ còn lại cái mồm lông lá bên bóng lửa bập bùng.

 

Lại im lặng. Hết im lặng được, anh lính núi nhìn mặt trời gác qua khe núi mà nói bâng quơ cùng tên Mỹ cho đỡ buồn:

 

– Ông Bà tao có dạy rằng: “Đừng chọc chân vào miệng rắn, đừng đánh rắn lúc gà gáy”. Tao biết mầy là rắn dữ, tao cũng không muốn gây sự với mầy lúc nầy. Dân tao đâu có mắc mớ gì với Tổ tiên nhà mầy, sao bọn mầy lại đến đây gây sự, đem cây gai trồng giữa nhà tao… Tao phải nhổ cây gai mà vứt đi chớ?

 

Tên Mỹ lại trừng mắt. Im lặng. Một lát sau anh du kích giật giật sợi dây trói tay tên Mỹ và nói rỉ rịt vào tai nó mà không cần nó hiểu hay không. Nói để được nói thôi.

 

– Tao muốn giữ mầy để tặng cho cô gái vừa nói lời tạ lỗi đấng Olloh quyền năng và uống nước suối để nhận mình có tội mà theo Du kích với lời khấn: “Đánh Mỹ xong rồi sẽ về phòng của Mẹ xây mà vấn khăn che mặt và đi tắm tối…” Cô ấy cũng đã diệt được hai thằng xâm lược da trắng như mầy sau mấy lần cầu kinh lên bóng mây của núi… Mầy nhét lửa vào nụ cười trẻ thơ, bắn vào tiếng kinh nguyện của người già, thả bom lên lời thì thầm của con trai, con gái Châu Phong, Châu Sơn… Tao xin thề có thánh Olloh ngự trị trên trời và thần cha… Mầy sẽ là tên Mỹ thứ ba của cô du kích núi… Tao tặng mầy cho cô gái của tao thương…

 

Bỗng đâu tên Mỹ gật đầu rồi thình lình khóc róng nghe đến thảm thiết, khiến anh du kích giật cả mình, ngơ ngác nhìn tên da trắng mắt xanh kỳ cục đang ám lấy anh bằng tính khí thất thường như ma quái của hắn. Chợt hắn ta mếu máo gọi “Chúa ơi!” và lại làm dấu thánh trên ngực.

 

– Tao không muốn đai nữa… Tao muốn sống…
– Tao sẽ không giết mầy. Tao chỉ giao mầy cho cô du kích dẫn đi báo công với Ban chỉ huy…

 

Không biết tên Mỹ có nghe được tiếng Việt không mà nó nhìn vào mắt anh du kích, sau đó lại ngoan ngõan gật đầu.

 

Thằng Mỹ một bên lửa. Anh du kích một bên lửa. Rồi hai kẻ thù của nhau chia nhau những miếng thịt kỳ đà già lửa nám khét, cùng những điếu thuốc giồng khói trắng vừa đắng vừa thơm. Họ nuốt cả lửa và đêm vào bụng. Những ngày từ cõi chết trở về vội vã qua đi khi cô du kích Chăm ngậm trong mồm câu kinh, đốt lửa soi đêm tìm đến bên nầy chốt núi. Đồng đội ôm lấy nhau. Người yêu cắn vào sợi tóc bay, cắn vào bông cỏ dại. Và tên Mỹ “số 3” trong tấm bằng Dũng Sĩ của cô gái không ngờ cũng được ân cần chờ đón như một vật sính lễ cho lời nguyền ước trăm năm của hai người du kích núi.

 

Lễ đính hôn được tổ chức trong hang đá tròng trành tiếng bom B-52 và tiếng pháo bầy. Bữa tiệc Pakloh Pannuôlk với những món thịt của các con vật núi đủ loại hình thù: thằn lằn, kỳ đà, rắn hổ mang, cúm núm, chim cu, gà rừng, cơm nị, cà púa, các món ăn của cả người Kinh, người Khme, người Chăm đều được bày lên bàn đá với chóe rượu cất từ nếp hương của làng Chăm Đồng Cô Ky truyền thống mang từ Châu Giang lên núi cho lứa đôi thấm vào răng vào môi để giữ vững lời nguyền ước đã biến thành dấu trăng in trên đá. Đồng bào Chăm ở Châu Phong, Châu Sơn, thung lũng Cô Ky Ban anh hùng lẫm liệt từ thuở xưa đến giờ. Già HaKêm Cây- Tiểu đội Trưởng Du kích Chăm đã say khướt một đêm bên những điệu múa Chăm cùng lời khấn vọng vào vô cùng dành cho dấng Olloh và các thiên thần. Sau những bài hát giao duyên Àtăm Tàra, Anh Hùng Ca À-Păm, hát xay lúa giã gạo, tên tù binh Mỹ còn được nghe một bài ca giáo huấn của lão du kích núi người Chăm: tóc quăn, mắt sáng, râu bạc trắng như những sợi cước, đường đỉnh như một vị Ahly của làng Chăm. Đó là bài “Ahya Patoa Pakaya”-hay còn gọi là “Ka Buol Muk Xơ Rưh Pơ Lây” dành cho trai gái trong làng.

 

“Hãy lắng nghe Ka Buol Muk Xơ Rưh Pơ Lây nầy
Những cô gái da ngâm mặc áo tím
Từng đoàn nhộn nhịp đi chơi rừng
Thương Du kích rồi theo Du kích
Hãy nhớ núi rừng là của Tổ Tiên
Phải giữ mùa vui cho con cháu
Tổ Quốc không ai mượn được
Nào, tất cả hãy ghé môi quanh chóe rượu
Hãy uống rượu thủy chung của chàng Kôlây mồ côi
Với nàng công chúa Mưh Ha Rút 
Đêm hai con chim Khơrim thành đôi
Hoa Khaley xinh tươi chỉ nở một lần
Hãy uống lời thề của Đôrya vào lòng
để trở thành người tốt
Cho phum làng an vui
Ống tơ chín, trái mặc nưa nhuộm vải
Áo cánh tiên pô ly bên rừng gió bay
Lời ca tiếng cười nhiều hơn bên khung cữi
Có ai trèo lên vách núi
Hãy nhớ nâng niu hoa Khaley ăn rễ vào đá
Hoa chỉ nở một lần màu tím yêu thương
Như con gái Chăm gối mặt vào chiêm bao mà cười 
Sau lễ đính hôn
Với tiệc Pakloh Pannuôlk
Làm môi con gái chín đỏ
Gió đi ra từ mùi hương sơn trà 
Thơm cả đêm trăng… ”

 

Cô gái có cái tên Sa Liêm chưa bước qua lễ “Tạcô Knghê”, chưa có uol uôk, mụ uốk trang diện tóc tai đã trở thành vợ chưa cưới của anh lính núi vừa được thánh Olloh đóai thương và già HaKêm Cây phun rượu nguyện vào đất. Cô gái mắt nâu vén khăn che mặt nhìn người yêu rồi được đeo vào tay chiếc vòng ngọc thạch-vật gia bảo duy nhất còn lại của một đời người có liên quan đến số phận đáng thương của thằng bé mồ côi biết làm anh du kích núi từ những ngày thành đinh chưa kịp làm lễ KhoTanh. Một giọt nước mắt của hạnh phúc đã rơi cùng cái hôn xuống vòng ngọc thạch trước sự chứng giám của các Thiên sứ khuất mặt và lão HaKêm Cây oai vệ như một vị sơn thần. Thằng tù binh Mỹ có tên Fred cũng không bị bỏ quên. Cái môi đã chết vì các vết thương của nó sống lại bên cái hôn tạ ơn chúc tụng dành cho cô gái người Chăm khi nó được phép của lão HaKêm Cây và sự bằng lòng của chàng chiến binh núi rừng sau cái nhìn thương cảm và cái gật đầu. Ở đâu trên đời nầy, dù ở trong hang, thằng đàn ông nào cũng nhớ con gái hết. Thằng mắt xanh chừng như rất thèm cái hôn dành cho con gái. Thói quen giết chóc của chiến tranh không làm nó quên những cái chạm môi có hương tố nữ. Nó sung sướng cười vang rồi khóc òa như trẻ con sau khi uống rượu. Kẻ thù của nó cho nó nhiều thứ quá. Nó vui đến chuếnh choáng, vui đến nghệch người ra bên những tiếng gõ túp tùm. Nó uống rượu một đêm để được nhớ và được quên nước Mỹ. Nó được già HaKêm Cây dắt ra lưng núi chỉ lên trời cao cho nó nhìn thấy loài hoa Khaley ngát hương chỉ nở một lần với màu tím lung linh dưới thềm trăng sáng. “ Loài hoa với hương thơm tinh khiết kia là hồn của con gái Chăm làng ta đấy”. Thằng Pred mơ hồ nghe hương thơm hoa Khaley trôi vào mũi, vào môi, vào tâm thức nó, trôi vào ngày xưa ngắn ngủi đời người mà nó có được trước khi rời quân trường và đến Việt Nam để trở thành tên chiến binh xâm lược phi nghĩa, tên tù binh may mắn của bây giờ.

 

Rồi lệnh trên ban xuống. Người miền Hạ chuyển tên tù binh Mỹ lên “R”. Du kích núi phải chảy thêm máu trên cỏ và đá để cưu mang, gìn giữ cho được thằng tù binh đáng giá kia mà trả về nước Mỹ. Cô du kích hôm nào được giao nhiệm vụ đưa tên Mỹ đến Trạm giao bưu về Miền. Lại mấy trận chống càn, đụng nhau với biệt kích. Rồi cô gái còn phải nút nọc rắn hổ mang núi trong máu của thằng tù binh để kịp cứu sống nó với lọ thuốc duy nhất của mình đêm xuống núi. Nó sốt li bì. Sa Liêm phải hái lá rừng về làm thuốc trị bệnh cho nó. Để rồi một tối bên bìa rừng, khi trăng muộn vừa lên, Sa Liêm men đến chỗ có con suối trong để tắm, thì bất ngờ cô gái bị một toán biệt kích hỗn hợp Mỹ ngụy nổ súng, bắt sống. Những tên biệt kích hung hăng, mặt đầy lọ nghẹ, xúm nhau đè cô gái trên cỏ giở trò hãm hiếp. Tên tù binh chụp lấy khẩu súng carpin của cô gái nổ cảnh cáo vào bọn biệt kích. Những con quỷ mắt xanh, mắt vàng lồng lộn. Tên tù binh từ trong bụi nhảy ra, lớn tiếng: “Stop! Can… nôt … rape… She is… Cô ấy là người ơn của tao, không được làm bậy !” Toán biệt kích bu lại chỗ tên tù binh với những con mắt lầm lừ, hậm hực. Một trận ẩu đả giữa những tên đồng bọn và những câu chửi thề tiếng Mỹ, tiếng Việt cứ loạn xạ ném vào nhau không tiếc, giống như những kẻ giàu có tranh nhau móc túi tiền xu mà ném vào mặt nhau vậy. Hai nền văn minh lính tráng gặp nhau giống như anh em sinh đôi, có ngọn ngành ruột thịt từ bao đời. Tên chỉ huy ra lệnh rút. Bọn biệt kích kéo nhau ra trực thăng khi bắn pháo sáng màu đỏ lên trời. Fred bị đồng bọn trói lại để đề phòng bất trắc, bịn rịn chia tay cô du kích khi cô cắn lưỡi, máu chảy đầm đìa, bọn Mỹ bỏ mặc, không cho Fred đưa cô lên máy bay. Sau đó, ước chừng bọn Mỹ ngụy đã về đến căn cứ, là một loạt bom-có cả một trái bom phốt pho-của máy bay chuyên đánh trộm B-57 đã bỉ ổi ném lén xuống triền lũng, nơi cô gái vừa tỉnh dậy, bò đi. Khuôn mặt đẹp như có hương sắc và nụ cười của nữ thần sơn cước để quên chưa kịp chìm xuống nước của Sa Liêm lập tức biến thành bức phù điêu cổ xưa của chiến tranh và tội ác. Còn tên Mỹ tù binh thì sau đó mấy ngày nhờ người trở lại bìa rừng tìm cô gái ân nhân của mình, nhưng không gặp, hắn đâm ra thẫn thờ như ngây dại, cứ chiều chiều là đưa mắt ngó mông mênh về hướng núi. Lần đầu tiên hắn biết buồn vì cơn hoạn nạn của một người Việt Nam. Sự khắc khoải không đâu cùng chút hạnh phúc mong manh và rất phù du có được trong những ngày làm tù binh trộn lẫn vào đời tên viễn chinh Mỹ, khiến hắn không còn đủ tình yêu và lòng tin để tin vào chính nghĩa của Tổ quốc mình. Những ngày đó, hắn nhớ mãi là những ngày heo may se lạnh. Hắn vừa hết hạn quân dịch, được lên máy bay về nước trong tâm trạng không còn là kẻ anh hùng.

 

Còn anh du kích hôm nào-người chưa kịp diện áo dài trắng phết gót, đầu chưa đội mũ vải trắng tượng trưng cho tâm hồn trong sạch, chưa mặc lễ phục KaRung, chưa vận xà rong có hình quả trám, chưa buộc dây Ykal đen thả xuống ngang ngực, ngón áp trái chưa đeo cà rá bạc, móng chân, móng tay chưa nhuộm đỏ bằng lá cây Jamiên theo đòi hỏi của phong tục Chăm mà vẫn bế được “cô gái da ngâm” trốn Mẹ Cha vào núi làm Du kích ấy-thì đã đi vào ngọn lửa bên chốt núi mãi vẫn chưa về sau trận phục thù của 3 Trung đoàn Mỹ ngụy đánh vào căn cứ Ba Non. Đêm đêm lửa trên đỉnh Ba Non vẫn cháy sáng lời thề của Đôrya đã khắc sâu vào đá: “Tổ Quốc không ai mượn được… Hoa Khaley tươi xinh chỉ nở một lần…”

* * *

Buổi chiều ngày đầu thánh lễ Ramadan, ngày lễ kỷ niệm đêm các thiên thần chuyển bản gốc thánh kinh Côran từ ngai vàng của thánh Olloh đưa xuống trần gian để truyền dạy cho các nhà tiên tri Môhammed, cũng là đêm trăng non đức Ngài truyền lệnh cho các thiên thần mang đi lời phán quyết của mình về mọi sự, hai thầy trò Sa-Khết đưa nhau đến ngôi chợ mới bên chân núi vừa được khánh thành sau mùa lễ cứu giúp người nghèo đầu tháng Pulan Sa Pluh năm nầy. Khi trăng lên bên phố trấn, ông bầu chợt nhìn như treo mắt lên dòng chữ lớn bên mặt ngoài của ngôi chợ núi. Ông run lên giả chừng có cơn gió của thần linh đột ngột kéo về từ đêm thánh lễ. Ông hoa mắt rồi rùng mình ôm lấy con khỉ già đang lo lắng nhìn chủ. Nó lại sợ bị đòn, sợ bị đuổi và bị bỏ đói vì những cơn thịnh nộ vô lối và bất thần của ông chủ. Nhưng không, lần nầy ông chủ chỉ ve vuốt nó, sau đó lặng lẽ uống một ngụm rượu cay, viên thuốc an thần và rưng rưng xúc động với nỗi cô đơn muốn hóa đá từ hơn một phần tư thế kỷ vừa theo gió bay về, rồi trìu mến ôm con Sa-Khết tội nghiệp có phần số giống ông vào lòng mà vật vờ tâm sự với mình và với con khi già cho đến khi có tiếng gà rừng gáy vọng từ núi xuống. Từ buổi sáng thánh lễ Ramadan ấy, không ai nhìn thấy thầy trò con khỉ làm xiếc rong trờ lại phô rừng.

 

Mãi sau ngay Mâukut, tháng Pulan Kalâu-lễ sinh nhật Môhammed-khi những con chim Khơrim về kêu mùa nhớ nhung cắm mỏ gõ sương như tụng kinh vào đá, một người nước ngoài da trắng lôi lệch thệch một cái chân giả lê từng bước theo ông già núi trèo lên con đường độc đạo hiểm hóc để tìm gặp một người từ lâu lắm không ai còn nhớ nữa.

 

– Tôi nghe được tiếng Việt… Cảm ơn… Vì Việt Nam mà tôi phải học tiếng Việt nhiều năm. Ông hãy nói thứ tiếng Việt Thất Sơn của ông đi.

 

Giọng ông già chua xót:

 

– “Chiến tranh có những nỗi niềm riêng của nó. Kẻ thất bại không chỉ có nỗi buồn. Người chiến thắng đâu chỉ biết có vinh quang và những niềm vui. Thằng lính ấy, cái thằng mồ côi tấp bụi tấp bờ được lão đây bắt theo đám hát xiệc Trấn Phiên cho làm tà lọt kiếm cơm rồi tập múa gươm, nuốt kiếm, múa kỳ lân trên cây tre… Cái thằng lấy họ Chăm và cái tên Parya nô lệ cho thiên hạ vui lòng mà vẫn giữ nguyên con ngựa biển của Tổ tiên xăm trên ngực, thằng đệ tử trung thành như đất đã cùng lão dẫn con voi con và hai con khỉ theo quân Đồng Khởi ngày Thất Sơn nầy chuyển vùng, cái thằng tửng con đầu ba vá ngày nào bỏ nghề hát xiệc rồi làm du kích, đặc công… Cái thằng không có tiền đồng Sâyka Vanh phải hỏi vợ bằng chiếc vòng đá cẩm thạch của Tổ tiên để lại và một thằng tù binh Mỹ làm quà sính lễ cho ngày “dứt khoát lời nói”, rồi được bỏ hoa thơm vào ngực con gái giữa lúc chiến tranh đang thời ác liệt… Không ngờ ba mươi năm sau nó lại trở về nghề cũ như một định mệnh. Sau trận bị mấy Trung đoàn Mỹ chà xát vào chốt, không còn một viên đạn, nó bị bắt và bị đày ra đảo Phú Quốc. Ở Phú Quốc hai năm, nó lại cùng anh em vượt đảo, rồi chẳng may bị bão đùa vào đất Thái lan, lại bị bắt và bị đi đày. Đến hiệp định Ba Lê ký kết nó mới được phía Sài Gòn trao trả bằng cách ném xuống biển khi tra tấn, bỏ đói cho đến thập tử nhất sinh. Những con còng, con ốc biển lại cứu nó. Nó bò được lên bờ và lọt vào một ngôi chùa Phật bên bờ biển. Một ni sư già đã cứu sống nó lần nữa, nuôi nấng, chạy chữa hơn mười năm trời mới dứt được những căn bệnh ngặt nghèo của chiến tranh và tội ác gặm rỉa, cấu xé thân thể, cuộc đời nó… Khi bà sư ấy qua đời, nó lại cùng con khỉ già làm bạn trong chùa kéo nhau lang bạt kỳ hồ lúc mê lúc tỉnh để kiếm sống. Rồi Ông xui Bà khiến, ma quỷ đưa đường thế nào mà nó lại tìm về Thất Sơn xưa với mối tình thơ mộng còn giấu trong núi đá. Dường như tình yêu đã làm cho những kẻ đau đớn, điên loạn tỉnh lại và vơi dần đi một phần chết chóc đang đè nặng lên cuộc sống con người của họ…”

 

Ngừng lại một chút, kéo chiếc cổ áo chắn bớt ngọn gió từ thung lũng thổi lên làm phập phồng cơn ho trong ngực, ông già Thất Sơn kể tiếp cho người lữ khách nghe:

 

– “… Còn tội nghiệp cho con Sa Liêm-đứa con gái người Chăm kia… sau cái hôm hút nọc rắn độc cứu sống tên tù binh Mỹ rồi bị bọn Biệt Kích Mỹ ngụy vô lương tâm hãm hiếp, nó cắn lưỡi tự vận mà không chết, lại bị thương nặng vì bom phốt pho đánh lén của Mỹ đến một năm sau lửa vẫn còn cháy trên mặt, trên người, nó còn gặp cảnh ngộ buồn hơn là cái chết. Ấy là việc người làng đồn nhau con Sa Liêm đã đánh rơi chiếc vòng xuyến cẩm thạch vào túi tên Mỹ, đã làm rơi cái đêm cô dâu Panganh Tanh Camây vào sự thèm khát của tên tù binh mắt xanh và những tên biệt kích lạ tổ lạ tiên… Kẻ xấu nuốt trấu nuốt tro cố tình băm bầu xắt bí làm cho dân làng đồn nhau nàng Sa Liêm du kích hôm nào đã biến thành ma-lai rút ruột… Con nhỏ đau khổ trốn bỏ Du kích, lẩn tránh già HaKêm Cây đi biệt tích biệt tăm, bỏ cả cái đời theo Cách Mạng đánh giặc và những tấm huân chương, bằng Dũng Sĩ vừa được gởi về. Nó tìm về với Mẹ Cha, làng xóm và bị mọi người xa lánh, ruồng bỏ vì bị xem là ma-lai tội lỗi. Người đời không ưa kẻ phản bội. Thánh thần không ưa những con người dơ bẩn. Mà Sa Liêm thì bị miệng đời cho là trót tay vì đã nhúng chàm. Rồi nó đi một mình lên núi sống lặng lẽ như bóng cây sơn trà vừa ngọt vừa chua. Hồn của loài hoa Khaley chì nở một lần cho một kiếp hoa đã vận vào số phận nó. Nó tự treo khô đời mình trên vách núi chết dần chết mòn sau những bận trăng về mùa thánh lễ. Đó rồi ai ngờ đâu, thằng du kích núi ngày xưa của nó lại mò về và quyết lòng tìm cho ra con vợ chưa một lần nghe đọc Khốtbah, chưa một lần được đốt đèn cầy trắng để dưới sàn nhà đêm hợp cẩn của mình. Tụi nó gặp nhau. Đâu đứa nào nhìn được đứa nào. Chiến tranh làm biến dạng tất cả. Hai đứa nó lại vô tình hát vào nhau những câu ca buồn đứt ruột. Chiếc vòng cẩm thạch không còn. Cái thời con gái của cô du kích dũng sĩ ngày xưa cũng không còn. Con Sa Liêm cứ đóng cửa lặng thinh. Thằng du kích núi kia thì cứ thiết tha nài nỉ như chim từ quy trống đi tìm con từ quy mái suốt những tàn đêm, vừa trông thấy nhau thì trời đã rạng rồi, và lại phải chia tay. Mặt trời là luật pháp hà khắc của hai con từ quy khổ đau lận đận một đời. Còn con khỉ tội tình bạn đường của nó thì cứ nghiến răng vặn mồm nhìn theo bóng chủ.

 

– Chiến tranh qua rồi, mình phải sống với nhau.

 

– Sa Liêm đâu còn là con gái. Sa Liêm như bông hoa Khaley sau những đêm trăng già… Cây nến trắng đã bị thần linh lấy đi cùng đêm hợp cần. SaLiêm đã bị người đời coi là ma-lai…

 

– Cỏ vẫn mọc trên đá. Mình mất nhau gần ba mươi mùa lễ Roiya Phik Trok vào tuổi rồi… Đêm đêm anh vẫn nghe con chim sơn ca trên núi réo rắt. Anh như con chim bị nạn lạc loài, tìm hoài không thấy tổ. Em là con chim Khơrim, con chim sơn ca, đóa hoa Khaley tím chưa nở lần nào của anh…

 

– Bây giờ Sa Liêm đã quên lời răn của già HaKêm, quên lời nguyền khấn trên núi đá… Và chiếc vòng cẩm thạch-sự trong trắng của Sa Liêm cũng không còn… Mặt mày Sa Liêm… Anh nhìn xem… Mặt mày em cũng đâu còn… Tên Mỹ tù binh… Ôi, giá như những tên biệt kích ghê tởm ấy đừng đụng đến em hôm tắm suối trước khi quả bom nổ… Giá như nữ thần Poinư Nưgar không vô tình, thần cha thần trời không giận núi non… Giá như chiến tranh và cái xấu không biến em thành ma-lai… Thôi, hãy giữ cho hồn mình trong sạch bên ánh trăng non của các thiên thần… Sa Liêm chỉ buồn vì không trả được cho anh chiếc vòng cẩm thạch, chiếc vòng của Tổ tiên anh-những người có trong người dòng máu Chavaku đốt lửa trên mặt nước biển…

 

Ông lão thở dài nhìn người lữ khách, đủng đỉnh cắn cằm rút một hơi đến oắn chiếc tẩu rồi thả khói mơ màng, cố xua đi nỗi buồn đang theo lửa mà đốt vào lòng ông:

 

– “Thằng lính núi ấy cắn răng đốt nến hết đêm nầy đến đêm kia, giờ hợp cẩn nó đợi chờ vẫn không xảy đến. Mà trớ trêu lắm chú khách à. Vậy chớ anh em du kích Bảy Núi vẫn nhớ đến hai đứa nó. Người ta lấy tên hai đứa đặt thành tên của cái chợ trấn bên kia núi Phu Thê-núi chồng vợ-sau ngày hòa bình đó chớ.

 

Người lữ khách da trắng mặt đỏ chọi lên vì leo núi, mồ hôi chảy từng hạt to như hạt mưa từ trán xuống trũng mắt giấu sâu trong lòng kính râm. Ông khịt mũi cố giấu một nỗi xúc động không phải là vô cớ khi ông già núi bóc từ túi áo bành tô của mình ra một nắm quả sơn trà. 

 

– Cô du kích oanh liệt ấy mấy năm nay sống bằng nghề trồng cây sô-na, hái trái sơn trà vừa chua vừa ngọt trên núi xuống trấn mà bán đổi gạo. Đã vậy mà cô còn lên núi lấy cây hoa Khaley ăn rễ trong đá về ươm giống trồng trước sân nhà như để được nhìn thấy nỗi buồn mỗi năm một mùa tím nở mới lạ và thương làm sao. Ăn đi, ăn thử cái trái cây rừng chua chua ngọt ngọt của vùng núi Thất Sơn nầy cho biết…

 

Người khách gật dầu, lắp bắp những câu tiếng Việt:

 

– Hồi trước trái sơn trà tôi được ăn. Tôi ăn cả thằn lằn núi đốt lửa, uống cả rượu nếp nàng hương đêm tiệc Pakloh Pannuoilk và nghe hát Àtăm Tàra…

 

– À, lão quên mất, chú là cựu binh Mỹ mà. Kia, cái nhà giống như ngôi cổ am bên giồ đá lẻ loi lơ lửng gió mưa ấy chính là nhà của cô du kích bị phỏng phốt pho và cắn lưỡi thành câm ngày trước đó.

 

Sự yên tĩnh của núi rừng càng làm cho câu chuyện của ông già núi có thêm duyên vẻ huyền bí về những đời người. Rồi đột ngột như một cơn lốc rừng, người lữ khách da trắng sửng sốt thét lên bằng tiếng kêu hoang dã của Tổ tiên người Mỹ : Oh dear..! Sa Liêm… Oh dear..! My Friend… Bạn của tôi… Fred đây… Sa Liêm..!

 

Người lữ khách sụp xuống làm dấu thánh rồi lại can đảm bước đến bên hình ảnh của cơn ác mộng đã dày xéo tâm tưởng ông từ bao nhiêu năm trở lại quê nhà. Đúng rồi… Ông nhớ lại tiếng kêu thét thất thanh, tiếng cầu cứu tuyệt vọng của cô gái du kích bên bọn quỷ dữ trần truồng, hung bạo và rất điên cuồng lúc ấy. Cô gái kiệt sức, máu từ trong họng tràn ra bên thân hình lõa lồ, bê bết bùn đất. Rồi tiếng kêu rú bất lực của tên tù binh và tiếng súng giải vây muộn màng. Ôi, Sa Liêm, cô du kích đêm làm lễ đính hôn bên mâm rượu nồng… Cô gái đang đi ra từ vầng mây trắng, đi ra từ quá khư mơ hồ vừa hư vừa thực bên bóng núi cao vời. Trong phút chốc mặt trời đã biến thành mặt trăng trong mắt ông với bông hoa khaley cô đơn chỉ nở một lần… Ôi, chính cô ấy, cô gái gần ba mươi năm trước đã bước lên cái chết, đã chối bỏ lời phán truyền của thánh Olloh mà giữ mãi lời nguyền khô héo trong lòng để được đi qua thời gian lửa cháy, để tìm đến cuộc hóa thân trong muôn vàn khắc khoải của kiếp con người. Phải, chính cô ấy, chính Sa Liêm-người vừa xua đi quá khứ đen dày cái ác, cái xấu và khói bom khoét ruỗng da thịt, linh hồn… Phải, chính cô gái nhân từ ấy đã bước ra từ cuộc chiến tranh vừa lùi xa thành cổ tích, đã bước ra từ thân nạn ma-lai mà trở lại làm người. Ôi! Một khuôn mặt đã trở thành xa xăm. Một khuôn mặt của sự ám ảnh khôn nguôi. Một khuôn mặt của tình yêu, lòng mến thương và tội ác…

 

Lý trí và thực tế như tính cách Mỹ mà Fred mang theo trong người cũng không giúp ông vượt qua cơn bấn loạn được chờ đợi nầy. Ông nửa mê nửa tỉnh như đi vào đêm, cái đêm ném đá vô đầu anh lính núi; cái đêm rời khỏi móng vuốt tử thần khi cô gái Chăm cúi đầu hút nọc rắn cho ông; cái đêm sau những đêm không có du kích và không có thiên thần canh giữ chiếc vòng xuyến cẩm thạch, cái đêm mà cuộc chiến tranh xâm lược đã tập trung lợi thế vào ông và đồng bọn của ông để một lần nữa ông và đồng đội của ông lại chiến thắng người Việt Nam bé nhỏ và dễ thương kia bằng chính lòng nhân đạo, sự can trường và tinh thần cao thượng của họ.

 

Sa Liêm lặng lẽ cầm lấy chiếc vòng ngọc xanh lơ màu xanh của núi đá và của biển từ hai bàn tay to bè run rẩy của người du khách mà chị vừa nhận ra trong sự biết ơn của mình. Ôi! Màu xanh của Tổ tiên người Chavaku cưỡi sóng từ nghìn dặm xa, xé mây, xé nắng áp trái tim mình vào ngực đất bên nầy bờ biển Đông gắn thành tình anh em với người Việt, người Khme và người Hoa tha phương xuôi qua miền Hạ từ bao thuở trăng về. Cái màu xanh long lanh ánh mắt các thiên thần và ánh sáng của tình yêu, lòng tốt, lời hẹn nguyền của Đorya khắn trên vách đá và những cánh đồng đầy mùa My Năng Kô Bâu… Có lẽ nào cái màu xanh thiêng liêng ấy vẫn còn cho chị sau ngần ấy biệt ly, cách trở, đọa đày? Chị cúi mặt đắm đuối lên chiếc vòng cẩm thạch vừa xa lạ đã chợt thành thân quen. Chị nhìn thấy anh du kích ngày nào hiện về lung linh trong ngọc đá. Còn người khách Mỹ thì nhìn thấy bóng dáng của cô gái Chăm thon thả dịu dàng bước ra từ đêm lễ Pakloh Panuôilk, lễ “dứt khoát lời nói” cầm lấy bàn tay người yêu của mình bên sự chứng kiến của lão HaKêm đầu họ.

 

– Sa Liêm … Tôi có lỗi… Hãy tha thứ cho tôi… Tha thứ cho người Mỹ chúng tôi… Bom phốt pho Mỹ đốt vào thân thể em, những tên biệt kích Mỹ làm ố bẩn đời em bằng sức mạnh… Tiếc thương cho hoa Khaley chỉ nở một lần… Hãy cho tôi xin lỗi em…

 

Fred để nguyên cho những giọt nước mắt trộn cùng mồ hôi chảy xuống vai áo người con gái hơn hai mươi lăm mùa mưa núi trở thành góa phụ tật nguyền vì những người Mỹ như ông và vì nước Mỹ của ông. Ông già núi cũng đưa tay gỡ từng hạt hạt nước mắt. Giây sau ông lão cất tiếng hỏi: “Thằng Châu Pa… Cái thằng Parya nô lệ của thánh thần và của con người, nó và con khỉ hát xiệc của nó đâu rồi… Hãy kêu nó về cho chú Mỹ nầy thăm nó…”

 

Sa Liêm vùng ra khỏi đôi tay rắn rỏi và lồng ngực cuồn cuộn những nhịp tim không phải của đàn ông từ Fred rồi lao ào theo con đường tắt dẫn xuống chân núi rẽ qua triền lũng xanh có nhiều khói trắng và những đàn bò ung dung gặm cỏ. Chị vừa chạy, vừa gọi về phía mặt trời khuất bên kia thung xa:

 

– Châu Pa ơi… Parya nô lệ và lòng tốt của em ơi… Sa Liêm đã tìm lại được chiếc vòng xuyến ngọc… đã tìm lại được Sa Liêm của anh hồi xưa trên núi… Anh ở đâu, Parya..? Em muốn hoa khaley nở thêm một lần…

 

Sa Liêm vừa quẹt mắt vừa gào gọi. Chị cứ trách sao đêm qua cứ vô tình bỏ anh đứng ngoài hiên sương với những cây nến trắng nguyện cầu. Chị ngã vật xuống thảm cỏ. Chị mơ màng gọi anh về để chị được dâng anh món quà “Panganh Tanh Cà mây” mà người phụ nữa nào cũng đợi chờ.

 

Hết đêm, ông già núi và người khách Mỹ ngang qua đường cái để xuôi về núi Sam. Trên con đường đá bụi rợp bóng sầu đâu và cây sơn trà, với chiếc xe ngựa yên bình gõ bước lọc tọc như đánh nhạc KolRúk trên lộ, ông già núi ngậm tẩu gật đầu nói cùng kẻ đồng hành:

 

– Sa Liêm nó khóc mà kể lại rằng, đã mấy đêm rồi có thần của người Chăm về trên núi bảo Châu Pa đến đây. Anh ấy cứ đứng bên ngoài đòi được đốt nến dưới gầm giường theo mộng báo của nữ thần Poinư Nưgar xui bảo. Các thần người Chăm sẽ cho con gái Chăm đêm đốt nến trắng với buộc dây Ykal đen bước qua lễ “Tạcô Knghê” cùng chàng trai thề hẹn của mình khi tìm lại được sự trong sạch. Vậy mà nó vẫn không cho vì chưa có vòng ngọc thạch chứng minh. Năm nay nó gần 45 mùa chịu tuổi rồi-cái tuổi không còn lịch để có chồng và để đẻ con theo ý các thần bảo hộ của người Chăm. Giá mà ông Mỹ, ông mang cái vòng ngọc thạch ấy đến sớm hơn từ mấy năm về trước…

 

– Tại người Mỹ, nước Mỹ vẫn cố chấp… Việt Nam sau chiến tranh đối với các cựu binh là một đất nước của sự hiềm kỵ, một xứ sở không dễ để gần…

 

Người khách Mỹ đã vĩnh viễn bỏ lại áo lính và khuôn mặt chiến tranh trong nỗi chán chường sợ hãi gần giống với nỗi sợ hãi rất ư tôn giáo của mình kia đã lặng im như người vừa thiếp đi trong cơn mộng mị. Mãi sau ông mới lấy từ ví ra tờ giấy vàng ố với những con chữ vụng về nghiêng ngả. Ông già núi rướn mắt trong tròng kính trắng nhặt ra từng chút chữ nghĩa cũ càng đã bạc áo thời gian.

 

“Hãy lắng nghe Kabuol Muk Xơ Rula pơlây 
Những cô gái da ngâm mặc áo tím
… Hãy uống rượu thủy chung của chàng Kôlây mồ côi
Hãy uống lời thề của Đôrya vào tận trái tim
Và hãy biết rằng:
Hoa Khaley tươi xinh chỉ nở một lần
…”

 

Tiếng móng ngựa vẫn lọc tọc, lọc tọc.

 

Vĩnh Long – 1992

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Bầu trời lặng lẽ – Nguyễn Xuân Hưng

>> Đứa con lạc loài – Trần Đức Tĩnh

>> Cái cối trầu bằng đồng – Tống Ngọc Hân

>> Cánh chim chấp chới – Trần Thanh Cảnh

>> Cỏ tím – Đào Thị Thanh Tuyền

>> Ba người đàn bà – Bích Ngân

>> Khiếu ăn mày – Võ Chí Nhất

>> Cháo giải oán – Lê Minh Nhựt

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…