Trưng  Nữ Vương – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai (Hồi thứ ba, phần 1)

229

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn Phùng Văn Khai sinh năm 1973 tại ại Thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Anh hiện đang công tác Tạp chí Văn nghệ Quân đội, cấp bậc thượng tá, chức danh Phó Tổng Biên tập, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (2007), Phó Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam Nhiệm kỳ (2020 – 2025). Phùng Văn Khai được biết đến là một tác giả viết nhiều bộ tiểu thuyết lịch sử nhất gồm 6 bộ gồm: Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử định quốc. Và sắp tới đây anh sẽ ra mắt bộ tiểu thuyết thứ 7 “Trưng Nữ Vương”. Trong những tiểu thuyết lịch sử của anh, bạn đọc đặc biệt chú ý đến các bộ tiểu thuyết; Phùng Vương, Ngô Vương, Triệu Vương phục quốc, trong đó bộ tiểu thuyết Ngô Vương nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam thời kỳ 2016 – 2019. Qua trao đổi trước khi bộ Trưng Nữ Vương sắp được ra mắt, anh cho biết, bộ tiểu thuyết lịch sử này sẽ có nhiều nét mới trong lối hành văn nên văn phong cũng khác hẳn. Và tiểu thuyết Trưng Nữ Vương là tiểu thuyết đầu tiên của anh có nhiều tình tiết hư cấu, có nhiều giai thoại lẫn thần thoại xoay quanh các nhân vật chính, nó thể hiện sự khác lạ so với các tiểu thuyết trước đây. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu Hồi thứ nhất của Bộ tiểu thuyết lịch sử này.

Phùng Hiệu giới thiệu

Nhà văn Phùng Văn Khai

 

HỒI THỨ BA (PHẦN 1)

 

Núi Phượng Hoàng, Nguyễn Huyến về ở ẩn

Đầm Dạ Trạch, Trưng – Dương kết thông gia

 

Phủ thành Luy Lâu, buổi sáng.

Kể từ khi nhận chiếu lệnh của Hán Vũ đế về việc chuẩn y biểu tấu cho phép Thái thú Tích Quang và Châu mục Đặng Nhượng được từ quan an hưởng tuổi già, ngôi đại điện Luy Lâu rất ít khi phải dùng đến. Phần vì bọn binh tướng nơi trấn Đông doanh, trấn Tây doanh, trấn Nam doanh, trấn Bắc doanh đều doanh nào việc nấy; hoặc luyện binh giáp, bắn cung tên nơi thao trường; hoặc rèn voi chiến, luyện lỵ mã nơi triền sông đều đã từ lâu chế định thành quân kỷ. Châu mục Đặng Nhượng còn cho biên chép thao luyện mười tám mục binh giáp các chủng quân kỵ binh, tượng binh, du binh, bộ tốt rất chặt chẽ. Ngay những kho lương thảo cung ứng cho bốn doanh Đông, Tây, Nam, Bắc, không chỉ kiểm định chặt chẽ ngọn nguồn xuất xứ, mà khúc thức bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, đều phải định lượng rõ ràng. Các tướng trong doanh cùng bọn đô thiên tổng, đầu mục cứ thế tuân theo đã thành nề nếp, nên nếu không có việc, bọn chúng tuyệt không dám tùy ý xuất nhập thành Luy Lâu. Ngay cả bốn tướng Sầm Lân, Sầm Bá, Độc Cô Tần, Lữ Thạch thủ lĩnh bốn doanh quân cũng phải có hiệu lệnh của Thái thú hoặc Châu mục mới được nhập thành. Bởi vậy, sau cuộc tuyên đọc chiếu mệnh của Vũ đế, trong đại điện thành Luy Lâu chỉ còn thưa thớt bọn quan văn giúp việc thư từ sổ sách.

Thái thú Tích Quang những ngày thường ở gian nhà gỗ chếch phía sau ngôi đại điện. Ngài nhiều lúc còn cho tiếp bọn huyện lệnh tại đây. Ngay cả Châu mục Đặng Nhượng, nhiều khi việc quân cơ binh giáp cũng đều bàn bạc trong căn phòng gỗ sơ khoáng sau đại điện.

Hôm nay cũng vậy, ngài Thái thú đang định cho gọi đám quan văn tới sửa soạn cuộc du hành trên sông Dâu, xuôi xuống Đầm Sương Mù vừa để hỏi thêm một số việc cũng tiện gặp mấy lão hương trưởng mạn bờ đầm tiếp giáp khu rừng lim Trích Sài, bỗng một tên hầu vào báo có huyện lệnh Bắc Đái là Nguyễn Huyến tới xin gặp. Nghe tới tên Nguyễn Huyến, ngài Thái thú lập tức cho mời vào.

Huyện lệnh Nguyễn Huyến được giao kiêm quản vùng Bắc Đái chính là do Tích Quang đích thân tuyển dụng. Hơn mười năm trước, sau khi dẹp loạn họ Đèo ở dãy núi Phượng Hoàng, khi về tới bến sông Lục Đầu, bất ngờ Tích Quang đột ngột đổ bệnh không ngồi dậy được rồi cứ thế mê man ba bốn ngày liền. Bọn thuộc tướng sợ hãi tìm khắp trong vùng mãi mới mang về một vị danh y đến xem bệnh cho Thái thú. Chẳng hiểu vị danh y chữa chạy thế nào mà chỉ hai ngày sau Tích Quang đã ngồi được dậy, cho đến mười ngày sau thì khỏi hẳn. Ơn người đã cứu mạng mình, hỏi mãi mới biết danh y mang họ Nguyễn từng nối đời bốc thuốc dưới chân núi Phượng Hoàng. Càng đàm đạo với danh y họ Nguyễn, Tích Quang càng kinh ngạc không chỉ ở kiến thức y lý thâm hậu, đạo nghề sâu rộng mà những việc sử sách kim cổ khác, họ Nguyễn đều thông hiểu. Dẫu vậy, cũng phải mất ba bốn lần đích thân tới núi Phượng Hoàng mời đón, thần y họ Nguyễn mới chịu nhận lời làm chức huyện lệnh Bắc Đái kiêm quản khắp trong ngoài vùng Lục Đầu Giang, phía Bắc thông suốt tới đất Kê Từ, phía Nam nối liền xuống Luy Lâu, phía Đông liền kề huyện An Định vô cùng rộng lớn.

Từ ngày Nguyễn Huyến nhậm chức huyện lệnh, phàm mọi việc binh giáp thuế khóa, Thái thú Tích Quang và Châu mục Đặng Nhượng đều đặc ân cho họ Nguyễn tự chủ. Vị huyện lệnh vô cùng siêng năng chăm chỉ, nhất loạt các việc nông tang mùa vụ đều sắp xếp quy củ, các đất hoang vô chủ đều cho khai khẩn cấy cày, lục nghệ trong các làng xóm xa xôi đều khai mở dẫn dắt nên dân trong huyện biết ơn ngài lắm. Luôn mười mấy năm tuyệt không xảy ra những chuyện đáng tiếc, bách tính thị tộc Bắc Đái hộ nào cũng chịu ơn đức của ngài. Nay không hiểu có chuyện gì mà đích thân vị huyện lệnh họ Nguyễn lại tìm xuống thủ phủ Luy Lâu.

Còn đang miên man ngẫm ngợi, phía bên ngoài đã thấy huyện lệnh họ Nguyễn tiến vào thi lễ nói:

– Bẩm Thái thú đại nhân! Hạ quan buổi sáng sớm đã đường đột tới gặp đại nhân xin ngài thứ lỗi. Hạ quan còn sợ không kịp gặp được đại nhân nên không thể chậm trễ hơn được nữa.

Thái thú Tích Quang tươi cười nói:

– Nguyễn huyện lệnh đã quá cẩn thận rồi! Chiếu lệnh của hoàng đế cho ta cùng Châu mục Đặng Nhượng nghỉ ngơi dưỡng già đều đã công bố tới các vị huyện lệnh bất tất phải giấu diếm các ngươi làm gì. Các vị hãy cứ ở yên nơi nha huyện, đợi vị Thứ sử mới đến hãy tới chúc không phải tốt hơn ư? Nay lão phu tước vị không còn, sắp cáo lão hồi triều đâu còn quyền hành bổng lộc gì để các vị tới thăm thêm uổng phí?

Thấy Thái thú đại nhân lời nói cử chỉ nhất mực giữ gìn cẩn thận, lại luôn miệng nhắc tới chiếu mệnh của hoàng đế, trong bụng họ Nguyễn khâm phục bèn nói:

– Bẩm đại nhân! Chiếu lệnh của hoàng thượng, hạ quan may mắn biết đến từ mấy hôm trước rồi. Hạ quan hôm nay đến đây không phải để nói lời ơn nghĩa giã biệt, càng không dám quà cáp lôi thôi phương hại tới thanh danh đại nhân, mà chính là xin được noi theo chí hướng của ngài, cáo quan từ nhiệm yên hưởng tuổi già. Hạ quan xin ngài hãy gia ân cho được về đất cũ mai danh ẩn tích.

Thái thú Tích Quang vừa nghe tới đó bất chợt thấy bâng khuâng. Không lẽ nào một huyện lệnh tài đức như Nguyễn Huyến đang được đồng liêu hết lòng tín phục, dân chúng nơi quản hạt một mực tin theo lại đột ngột cáo lão hồi hương? Trong đám huyện lệnh Giao Chỉ, chỉ có ba người vẹn toàn hơn cả, đó chính là Dương Thái Bình đất Chu Diên, Trưng Định đất Mê Linh và Nguyễn Huyến. Trong ba người ấy, tuy uy dũng thanh thế, Nguyễn Huyến không bằng hai vị kia, nhưng đức độ kiêm ái, nhất là sự mềm mại uyển chuyển trong xử thế đều có phần hơn hẳn. Hay là họ Nguyễn kia có uẩn khúc gì chăng?

Thái thú Tích Quang thong thả hỏi:

– Nguyễn huyện lệnh! Lão phu đây tuổi cao lẫn cẫn, quê hương bản quán lại ở tận phương Bắc xa xôi cáo lão đã đành. Còn như huyện lệnh tuổi đương độ tráng niên, đang lúc chúng dân yêu mến tín phục, ngài lại nhất mực từ quan, lão phu thật không hiểu? Huyện lệnh hãy vì lão phu mà nghĩ lại được chăng?

Vị huyện lệnh thoáng đôi chút ngẫm ngợi rồi trang nghiêm đáp:

– Bẩm đại nhân! Ý hạ quan đã quyết, trong lòng hạ quan cũng đã nguội lạnh chức tước từ lâu rồi. Ngày trước, cũng do cảm mến tấm lòng của đại nhân, mà hạ quan mới đương chức huyện lệnh đó thôi. Nay chúng dân trong vùng cũng đã tạm vào khuôn phép, mọi người già trẻ nhỏ may đều có bát cơm ăn, trộm cướp trong thôn làng cũng không còn nữa, hạ quan mới yên lòng mà lui về núi cũ, vui vẻ việc bốc thuốc chữa bệnh cho chúng dân. Còn như việc riêng, đám tiểu nữ đang ở độ tuổi cập kê cần sự rèn cặp giáo dưỡng của thân phụ, cũng là thuận đạo trời. Mọi việc hạ quan xin bẩm báo rõ với đại nhân, chứ tuyệt không có ẩn tình gì khác. Hạ quan xin chúc ngài vẻ vang về đất tổ, yên hưởng tuổi già, mãi được lưu vào sử sách, sánh cùng các vị thanh quan của Hán triều.

Thấy không thể khuyên can gì được huyện lệnh họ Nguyễn nữa, Tích Quang cầm tay Nguyễn Huyến cảm động nói:

– Nguyễn huyện lệnh! Ta mấy mươi năm ở Giao Châu, người hiểu việc, hiểu đời, hiểu ta nhất chính là ngài. Nay ta vẫn còn chưa bàn giao chức Thái thú, ngài đã một mực từ biệt mà đi, thật là đáng tiếc, thật là đáng tiếc…

Cứ thế, Thái thú Tích Quang mãi cầm tay vị huyện lệnh mãi chẳng muốn rời.

*

Phủ huyện đất Chu Diên, buổi sáng.

Sau buổi từ biệt huyện lệnh Trưng Định từ Cổ Lôi sơn trang trở về Chu Diên, trong lòng hai cha con Dương Thái Bình, Dương Thi Sách ai nấy đều có niềm vui riêng. Suốt nửa tháng làm thượng khách của huyện lệnh Mê Linh, cha con họ Dương quả đã được mở rộng tầm mắt. Các vùng đất được giao kiêm quản, Trưng huyện lệnh không chỉ chăm lo mọi mặt cho bách tính thị tộc, mà còn cố kết nhân tâm qua từng tập quán, phong tục, nhất là các tập tục riêng từng dòng họ nên suốt một nẻo thượng du, thung châu, hạ bạn đều chịu ân đức của Trưng Định. Trong số các vị huyện lệnh được phân quyền nhiều nhất chính là ba vị Nguyễn Huyến kiêm quản Bắc Đái, Trưng Định kiêm quản Mê Linh và Dương Thái Bình kiêm quản Chu Diên. Còn các huyện An Định, Câu Lậu, Khúc Dương, Kê Từ, Tây Vu… phần do đám huyện lệnh quá cứng nhắc tự trói tay chân mình, phần do bốn doanh quân Đông, Tây, Nam, Bắc của bọn Sầm Lân, Sầm Bá, Độc Cô Tần, Lữ Thạch được phân phó tới lấy quân lương, đã ép các huyện lệnh phải chịu thêm sự chế áp từ các tướng, khiến đám huyện lệnh chỉ biết một mực tuân theo không dám kêu ca gì, chỉ biết đè đầu cưỡi cổ chúng dân lấy của cải nộp lên trên. Dân các huyện vì thế ngày càng tiêu điều xơ xác.

Trong hơn nửa tháng ở Cổ Lôi sơn trang cũng là khoảng thời gian Thi Sách và Trưng Trắc luôn được gần gũi nhau. Sau cuộc trổ thần lực giúp bọn tráng đinh lôi cặp trâu chọi lên khỏi hố sâu, nhất là việc đả bại chúa sơn lâm trên gò đá Khe Cấm, đã khiến không chỉ phường săn mà trưởng nữ họ Trưng nức tài thi thư cung kiếm đều đem lòng yêu mến khâm phục. Biết đôi trẻ đã quấn nhau nửa bước chẳng muốn rời, huyện lệnh Chu Diên đã lựa lúc chỉ riêng hai người nghiêm trang đề nghị hai nhà Trưng – Dương sớm kết thông gia. Vốn là chỗ quen biết từ lâu, lại dòng dõi các Lạc hầu, Lạc tướng, như có mạch ngầm thông sẵn, Trưng huyện lệnh vui mừng nhận lời còn hẹn sẽ sớm định ngày đưa dâu tới đất Chu Diên.

Hai vị huyện lệnh cùng với sư phụ Đỗ Năng Tế trong các cuộc đàm đạo về thời thế, đã không còn bóng gió xa xôi mà chỉ thẳng ra mối nhục lệ thuộc phương Bắc của các vùng đất phương Nam mà ngày trước mười tám đời quốc chủ Hùng vương trấn nhậm. Trong luận bàn tìm về quốc thống, sư phụ Đỗ Năng Tế thấy nhị vị huyện lệnh tâm thế phân ưu, tấm lòng trĩu nặng quan hoài không dứt cũng chỉ biết chôn chặt trong lòng. Mấy hôm trước, khi bàn riêng với vợ chồng Trưng Định – Man Thị, Đỗ sư phụ đã nhắc tới thời cơ chính là lúc bọn người phương Bắc thay ngôi đổi chủ. Thái thú Tích Quang và Châu mục Đặng Nhượng đã được Hán Vũ đế cho cáo lão hồi hương, người sắp sang đương chức Thái thú chính là Tô Định, một kẻ gian hùng sắt máu vốn theo phái Pháp gia rất hà khắc tàn bạo đến nỗi các quan đồng triều, các vị Thứ sử, Thái thú, huyện lệnh của Vũ đế nghe tới tên y đều giật mình. Chuyện đã đến nước đó, song với bản tính thận trọng, lại chưa biết Thái thú mới sẽ thực thi pháp độ ra sao, nên Trưng Định vẫn có ý chần chừ. Đỗ sư phụ nhân thấy cha con huyện lệnh Chu Diên đầu xuân tế lễ miếu tổ Tản Viên Sơn Thánh lưu lại Cổ Lôi sơn trang, mới dần dần khơi dẫn hùng tâm tráng chí của nhị vị huyện lệnh. Ngài đặc biệt quan sát kỹ Thi Sách, con trai ngài huyện lệnh Chu Diên. Đỗ sư phụ nhận thấy, Thi Sách không chỉ có tài văn võ mà ý chí quật cường của chàng trai trẻ đã sớm tỏ rõ qua những lần đàm đạo riêng với họ Dương. Cũng thực may mắn khi trưởng nữ họ Trưng và Dương công tử đã dần bén duyên nhau. Quả đây đã như một mối duyên trời. Sư phụ Đỗ Năng Tế sớm nhìn ra mối thân tình đặc biệt của hai vị huyện lệnh, trong đầu như vụt sáng cho rằng nếu đôi trẻ kết duyên chồng vợ, nhất định sau này cơ trời vận nước của người phương Nam sẽ có chuyển động khác thường bèn hết sức vun vào.

Hiểu được tâm cơ của Đỗ sư phụ, khi chia tay từ biệt, Dương huyện lệnh đã ngỏ lời mời còn xin với Trưng huyện lệnh để Đỗ sư phụ tới thăm vùng đất Chu Diên.

Phủ huyện Chu Diên vẫn giữ nguyên nền nếp cũ. Vốn là vùng đất rộng ba bề sông nước, phía Đông theo dòng sông Nhĩ Hà kéo tới tận cửa biển Đại Ác; phía Tây thông mãi tận thượng du các vùng rừng núi Thượng Sơn, Cổ Lão, Bình Lâm với vô số rừng rậm, thung sâu; phía Nam kéo sát tới dãy Thất Tinh Hùng Điệp với ải lũy Cổ Họng hung hiểm ngặt nghèo; phía Bắc ngược sông cái thông suốt tới phủ thành Luy Lâu. Trong vùng đất Chu Diên còn có Đầm Dạ Trạch dài rộng mênh mông chính là túi chứa nước mùa lũ của các sông cây cối lau sậy um tùm, hoang thú thủy tộc nhiều vô số kể. Ngày trước, mười tám đời Hùng vương dựng nước đều phong họ Dương là Lạc hầu, sai kiêm quản đất Chu Diên, sắp đặt huấn luyện thủy quân ở Đầm Dạ Trạch. Sau này, khi An Dương Vương xây thành Cổ Loa, đã cho dùng thuyền lớn chở đất sét từ Đầm Dạ Trạch ngược sông cái theo sông Hoàng Long tới mới thuận việc kè đắp thành trì. Bản thân Cao Lỗ tướng quân, khi đại chiến binh tướng Triệu Đà đã nhiều lần kiến nghị phải đưa binh về thủ hiểm ở Đầm Dạ Trạch, song vua đều không nghe theo đã dần dần mất nước. Bởi vậy, xưa nay người đời vẫn cho đất Chu Diên là đất phát vương.

Không thể nào ngờ sư phụ Đỗ Năng Tế lại vô cùng thông thuộc sử sách cổ xưa, hình sông thế núi đất Chu Diên đến vậy. Khi ngồi trong căn phòng gỗ nhỏ vẫn dùng làm nơi tiếp khách của huyện lệnh ở một góc phủ huyện, sau tuần trà nóng thêm mấy củ khoai lang đỏ vùng đất bãi ven Đầm Dạ Trạch, Dương huyện lệnh mới thong thả nói:

– Đỗ sư phụ! Ngài quả như thổ công thổ thần đất Chu Diên ta. Luôn mấy hôm trò chuyện với sư phụ, ta đã được thêm mở rộng tầm mắt. Ngay như mọi thắc mắc của Sách nhi, sư phụ đều tường tận chỉ cho. Ta nay cũng đã già rồi chưa biết thế nào. Mọi việc của Sách nhi, sau này mong sư phụ hãy hết sức giúp cho.

Vị sư phụ họ Đỗ luôn mấy hôm thăm thú trò chuyện nhiều nơi sông đầm đền miếu đất Chu Diên, thấy tất thảy từ cảnh vật tới chúng dân đều phong quang thoáng đãng, hồn nhiên cởi mở. Mọi việc từ nông tang mùa vụ tới sắp xếp lục nghệ, các xưởng đóng thuyền, các làng chài ven sông, ven biển ai ai cũng ghi sâu ơn đức của Dương thị. Nhất là đối với Thi Sách, công tử trưởng của Dương huyện lệnh thì đám thợ thuyền, môn khách, nhất là các bậc lão trượng trong ngoài phủ huyện đều thập phần cảm mến phong độ khí khái của công tử. Việc hai nhà Trưng – Dương hẹn ước kết thông gia đã sớm loan truyền càng khiến dân chúng vui mừng.

Như thấy rõ từng suy nghĩ trong lòng của Dương huyện lệnh, Đỗ sư phụ trang nghiêm nói:

– Huyện lệnh đại nhân! Ngài nói thế khiến lão hủ đây thêm hổ thẹn. Vùng đất Chu Diên xưa nay các mạch nguồn sang quý đều châu tuần vun đắp hiển lộ nhân tài. Đầm Dạ Trạch còn là nơi nhị thánh Chử Đồng Tử – Tiên Dung sinh sống phổ độ chúng sinh. Có thể thấy mạch đất Chu Diên không chỉ thần thánh linh thiêng, mà còn vô cùng gần gũi, mật thiết tới bách tính thị tộc. Đất Chu Diên thông biển thông rừng, ba mặt đều có thể tiến thủ nhịp nhàng chính là mảnh đất dụng binh lâu dài của người phương Nam chúng ta. Còn về Dương công tử, công tử bên ngoài uy nghi hùng dũng, bên trong trầm hậu bao dung, chính là khí độ của một vị chủ công sau này. Lão hủ lại thấy trưởng nữ của Trưng Định tài sắc vẹn toàn, không chỉ là bậc dâu hiền còn chính là người sẽ khơi thông khát vọng, hết sức khuông phò họ Dương mưu nghiệp lớn. Nay lão hủ theo ý của hai nhà Trưng – Dương, tình nguyện làm ông mai cho đôi trẻ, cũng là mãn nguyện lắm rồi. Mọi nghi lễ sau trước trong cuộc kết mối thông gia, hễ biết đến đâu, lão hủ sẽ hết lòng giúp cho đôi trẻ.

Dương huyện lệnh thấy Đỗ sư phụ bắt nhịp vào câu chuyện chính, lại luôn tỏ ý chu toàn cho hai nhà Trưng – Dương, trong lòng rất xúc động nói:

– Đỗ sư phụ! Đúng thật duyên trời đã cho họ Dương ta được kết thông gia với dòng Lạc tướng. Sách nhi may mắn được làm rể đất Mê Linh cũng là hồng phúc của Dương gia. Bởi vậy, cuộc này Đỗ sư phụ hãy giúp ta sắp đặt lễ nghi thật chu đáo mới được. Nửa tháng ở Cổ Lôi sơn trang, được tận mắt xem xét lễ hội, tham dự săn bắn với ngài Lạc tướng, ta đã thấy rõ cao ý của huyện lệnh đất Mê Linh người thường không hiểu được đâu. Nhất loạt từ các tùy tướng, môn khách, tráng đinh, các phường săn của ngài ấy đều nền nếp quy củ, chính là ngầm rèn giũa thông đạt phép dụng binh sau này. Ngài ấy lại có thêm Đỗ sư phụ khơi dẫn nặng nhẹ, trui rèn các vị cô nương đều là tính cho việc lớn. Ngay như Sách nhi của ta cũng đã nhiều lần khuyên ta tích trữ lương thảo, luyện tập tráng đinh chờ thời, ta đều phải tạm gạt đi. Xét cục diện hiện nay, Thái thú Tích Quang, Châu mục Đặng Nhượng chưa dễ gì đánh đổ. Luy Lâu vẫn còn đó bốn doanh quân Đông, Tây, Nam, Bắc hơn vạn người do bọn Sầm Lân, Sầm Bá, Độc Cô Tần, Lữ Thạch dẫn dắt nghiêm ngặt chưa thể công phá được. Cái khó nhất là ngoài ngài Lạc tướng đất Mê Linh, các vị tù trưởng, thủ lĩnh vùng đất khác không biết ý tứ ra sao, nên bọn ta mới đành thúc thủ bấy lâu nay vậy.

Nói tới đó, bất giác vẻ mặt Dương huyện lệnh chợt thoáng quan hoài.

Đỗ sư phụ thong thả nói:

– Dương huyện lệnh! Tâm tư của ngài thật chẳng khác nào Trưng huyện lệnh. Bởi thế, cuộc kết thông gia Trưng – Dương lần này chính là cuộc tụ họp anh hùng. Lão hủ sẽ cho mời các vị tù trưởng, thủ lĩnh, huyện lệnh, thương đoàn, tiêu cục cùng giới sĩ lâm thị tộc tới chung vui, cũng là để xem xét thử tâm tư chí hướng của mọi người. Nhân đương lúc người phương Bắc thay đổi chức quan Thái thú, Châu mục ở Luy Lâu, đây cũng chính là thời cơ tụ họp của người phương Nam. Lão hủ xin đợi lệnh của ngài.

Dương huyện lệnh như thấu rõ tấm lòng trung nghĩa của vị sư phụ họ Đỗ bèn trang nghiêm đáp:

– Đỗ sư phụ! Sư phụ thật hiểu mọi tâm tư chí hướng của bọn ta. Cuộc kết thông gia Trưng – Dương kỳ này chính là cuộc anh hùng hội tụ bàn việc lớn. Mọi sắp xếp, sư phụ hãy giúp cho hai nhà Trưng – Dương chúng ta.

*

Căn nhà gỗ dưới chân dãy núi Phượng Hoàng.

Sau buổi từ biệt Thái thú Tích Quang tại thành Luy Lâu, chỉ ba ngày sau, huyện lệnh Nguyễn Huyến cùng gia quyến tất cả mười bảy người rời nhiệm sở, lên chiếc thuyền nhỏ theo đường sông về bến đò Nham Biền chân núi Phượng Hoàng. Nơi đây, mười sáu năm trước cũng chính là nơi danh y họ Nguyễn bốc thuốc cứu mạng Thái thú Tích Quang rồi vì thương dân chúng mà nhận chức huyện lệnh Bắc Đái. Vẫn là đất xưa cảnh cũ thơ thới yên bình. Dãy núi Phượng Hoàng chín mươi chín ngọn châu tuần sừng sững biết bao năm cây xanh mây phủ. Ngài huyện lệnh nhìn lên dãy núi mây bay từ từ hồi nhớ huyền tích núi xưa vẫn lưu truyền trong chốn dân gian.

Từ thời hồng hoang, vùng đất núi Phượng Hoàng xưa kia còn nhiều nơi hoang sơ úng trũng, biển cả mênh mông suốt một dải từ chân núi Bảo Đài, Cai Kinh, Đằng Giang qua đến vùng Lục Đầu. Đôi chỗ có nổi lên mấy bãi đất trống giữa vùng nước. Tương truyền rằng thuở đó, ở chốn thiên đình Ngọc Hoàng cai quản các miền thượng giới, hạ giới khắp nơi đều được bình an. Bấy giờ, mùa xuân đã đến hoa đào, hoa mận nở rộ đẹp khắp mọi nơi. Ngọc Hoàng cùng các tiên nữ xuống thưởng ngoạn cuộc vui từ lúc hoa đào nở cho tới khi có trái đào chín đỏ, họ ăn và hái về trời. Chiều chiều, sau những cuộc vui chơi nơi vườn đào, Ngọc Hoàng cùng các tiên nữ xuống bãi biển Đằng Giang tắm mát, đùa giỡn với những loài cá, tôm. Hộ tống các vị xuống trần là một trăm con phượng hoàng rực rỡ. Khi xuống tới bãi tắm, thấy vùng bãi tắm trống trải, các tiên nữ bàn với Ngọc Hoàng đắp một khu gò nổi xa bờ để làm nơi trút bỏ xiêm áo và làm nơi ngắm cảnh. Ngọc Hoàng chấp thuận cho một vị thần khổng lồ đến đào đắp gò, công việc thật khẩn trương. Vào một chiều oi ả, mấy vị tiên nữ mỏi mệt, ngồi bên sườn núi không muốn xuống biển tắm, thấy thần mây bay qua, bèn nhờ múc nước để tắm gội, quên không thấy vị khổng lồ dưới bãi đang đào đắp gò. Vị ấy đang đào, thấy nước ở trên núi ầm ầm đổ về liền đắp một con trạch để ngăn nước. Ông khổng lồ là người vui tính, lại khéo tay, có tài xem phong thủy, tiên đoán trước sau vài vạn năm nơi này sẽ là thắng địa. Con trạch ông đắp là hình con rồng, đầu ngoảnh về phía Đông Bắc, thân rồng cuộn về phía Tây, đuôi rồng uốn vồng lên ở phía Tây Bắc. Con rồng như đang bay với đường nét uyển chuyển, sinh động. Giáp đầu rồng về phía Nam, ông dậm chân ấn huyệt, đặt tên là Long Hoa.  Ông dự kiến đắp một trăm gò nổi bằng một trăm quả núi như hình con chim phượng hoàng. Công việc sắp xong thì Ngọc Hoàng đi vi hành xem công việc làm đến đâu, đến nơi thấy vị khổng lồ còn đang sửa sang đôi chút nữa trên thân rồng nên ông bị quở trách, bèn vội vã gánh đất. Ông vô ý khi gánh để trật mấu đòn gánh, một bên quang văng ra ngoài, đất đá bị vung ra thành mấy chỏm đất ở ngã ba sông. Sau này người đến ở đông, các vua hạ giới cầu xin Ngọc Hoàng giúp nới rộng đất đai, Ngọc Hoàng cảm thông cho thần nước cào đất từ trên núi đồi đưa xuống lấn biển qua dãy núi hình rồng trăm ngọn. Ở mỏm đầu Bắc có một khoảng trống, thần nước liên phá dòng sông lách qua, từ đó dãy núi hình rồng chỉ còn chín mươi chín ngọn núi liên kết với nhau. Đất bồi đến đâu người khai khẩn đến đấy.

Vào thời vua Hùng, đồng bằng trải rộng. Vua Hùng muốn dời đô về đồng bằng cho thuận tiện cày cấy. Vua sai các quan theo một trăm con phượng hoàng đi đầu tìm đất dựng kinh đô. Tới vùng núi hình rồng, đàn phượng hoàng thấy nơi đây phong cảnh tuyệt đẹp. Ở vào vùng trên của sông Lục Đầu rất hợp với đất xây dựng kinh đô. Nơi đây thuận lợi đường đi các ngả, núi sông quanh vòng, địa thế cao ráo, cảnh sắc tươi thắm có một không hai. Có rồng bay, phượng múa, đầu phượng hoàng hướng ra biển Đông đúng là nơi phúc địa.

Đàn chim phượng hoàng bay vòng quanh dãy núi hình rồng rồi lần lượt đỗ lại, mỗi con một ngọn đủ chín mươi chín con có chỗ đỗ, duy chỉ có con đầu đàn chưa tìm ra chỗ đỗ của mình ở dãy núi hình rồng. Hóa ra ngọn ấy ngày trước ông khổng lồ bị trật quang gánh, đất văng sang vùng khác thành các núi ô lúp xúp khiến con đầu đàn không nhận ra nên bay về nơi vua Hùng ngự ở núi Nghĩa Lĩnh, cả đàn cũng bay theo. Vua hỏi ý đàn chim thế nào? Đàn chim ra hiệu khu là nơi đất đẹp. Vua Hùng rất vui. Nhưng các quan theo đàn chim lại bảo: Đất ấy chỉ có chín mươi chín ngọn núi không đủ một trăm, không thể dựng kinh đô. Thế rồi, vua lại sai các quan cùng chim phượng hoàng tiếp tục tìm nơi đóng đô trong nước Văn Lang. Cuối cùng tìm ra đất Bạch Hạc, lập kinh đô nhà Hùng ở đó. Còn dãy núi hình rồng chín mươi chín ngọn, vua cho đặt tên là núi Phượng Hoàng.

Đó chính là huyền tích về dãy núi Phượng Hoàng theo truyền thuyết dân gian.

Về nơi đất cũ, do ơn đức của Nguyễn huyện lệnh với dân chúng các vùng kiêm quản xưa nay rất dày vững, nên khi nghe tin họ Nguyễn từ quan, các vị trưởng lão, đám thương đoàn, tiêu cục trong khắp huyện Bắc Đái chỉ nửa tuần trăng sau đã tìm đến rất đông. Bọn họ mau chóng dựng bảy gian nhà gỗ lớn ngay dưới chân dãy núi Phượng Hoàng để gia quyến họ Nguyễn có chỗ ăn ở tươm tất. Nguyễn Huyến ngày trước do mải mê nghiên cứu y thuật, suốt ngày đêm chỉ chuyên chú bốc thuốc cứu người, thành ra muộn đường con cái. Mãi đến năm gần bốn mươi tuổi mới sinh được mụn con gái. Cuộc sinh nở của vị phu nhân huyện lệnh mới thực là vô tiền khoáng hậu. Khi đó, tuy nhậm chức huyện lệnh Bắc Đái đã được hai năm, song vị danh y họ Nguyễn vẫn nhớ nghề da diết. Ông vẫn thường cùng phu nhân và đám tiểu đồng, binh lính dùng thuyền nhẹ đi khắp các vùng Lục Đầu giang, nhất là chín mươi chín ngọn núi thuộc dãy Phượng Hoàng vốn thông thuộc từ tấm bé để tìm các cây thuốc quý. Ngày đó, nghe theo lời mách của đám ngư phủ hay ra mạn cửa biển Đằng giang đánh cá, rằng nơi vách đá dọc cửa biển Đằng giang có một loài huyết sâm vô cùng quý hiếm, muốn tìm được chúng phải chờ vào mùa bão, bởi loài huyết sâm có đặc tính kỳ lạ là bình thường trông chúng như đám dây leo hà thủ ô, chỉ mỗi khi bão sắp đến lập tức thân lá gốc rễ đều chuyển sang màu huyết dụ, đến khi bão tan lại trở về vẻ cũ vô cùng khó nắm bắt. Theo lời đồn mách trong chốn dân gian, mùa bão năm ấy, vị danh y tạm gác việc quan cùng đám gia nhân đi thuyền ra cửa biển Đằng giang tìm cây thuốc quý. Ngặt nỗi phu nhân đang mang thai đã quá cữ sinh cả tuần trăng vẫn không động tĩnh gì, khiến vị quan huyện có đôi chút băn khoăn. Hiểu được tâm ý của chồng, lại là người rất đam mê tìm cây thuốc quý, phu nhân kiên quyết đòi theo xuống thuyền ra cửa biển Đằng giang.

Ngăn cản không được, danh y họ Nguyễn đành căn dặn đám gia nhân mang thêm những thức vật mà phu nhân thường ngày sử dụng rồi khởi hành giong buồm ra cửa biển.

Tới cửa biển Đằng giang, đám gia nhân mau chóng tìm được một hang núi thoáng đãng vừa thuận tiện cả hai đường thủy bộ bèn dựng tạm chiếc lán dùng làm nơi nghỉ cho phu nhân, còn đoàn người miệt mài ngày đêm tỏa ra các vách đá tìm huyết sâm.

Tới ngày thứ bảy, khi đoàn người đã mệt mỏi chán nản, chỉ quanh quẩn nơi hang đá, duy danh y họ Nguyễn cùng hai tùy tùng vẫn nhất quyết leo thẳng lên hai đỉnh núi cao nhất để tìm. Trời không phụ công người, vị danh y đúng ngày thứ tám vạch đám cây rừng leo thẳng lên đỉnh ngọn núi cao nhất dãy núi Thiên Đằng đã bàng hoàng quỳ xuống trước một vạt đá nghiêng rộng chỉ hơn chiếc chiếu một đám huyết sâm đang chuyển màu đỏ rực lung linh dưới nắng mặt trời. Phải mất một lúc lâu, họ Nguyễn mới dần dần tĩnh trí ra khỏi cơn mê rồi vô cùng cẩn thận tách từng gốc sâm ra khỏi kẽ đá. Dẫu biết đây là loài cực hiếm, song họ Nguyễn cũng chỉ dám lấy đúng mười bảy gốc, còn đều để lại rồi cứ thế vạch cây rừng tìm xuống núi.

Vị danh y rời đỉnh núi như người mộng du bỗng choàng tỉnh khi bốn bề mây đen ầm ầm kéo tới, trời đất đột ngột nổi cơn cuồng phong phẫn nộ. Khi ấy họ Nguyễn mới sực nhớ tới lời đồn mỗi khi huyết sâm lộ dạng cũng là lúc báo hiệu bão biển ập về. Huyết sâm càng tươi đỏ tức là các trận bão càng kinh khiếp.

Không dám một phút chậm trễ, vị danh y ngược luồng gió lốc trở lại hang đá, thấy mọi người ai nấy đều bồn chồn sợ hãi khi bốn bề sấm chớp mưa gió nổi lên mà vẫn chưa thấy chủ nhân trở về.

Vừa đặt túi huyết sâm quý giá xuống, danh y họ Nguyễn khẩn trương nói:

– Hãy mau tìm cách chốt chặn cửa hang lại. Bão lớn đang về, giờ này xuống thuyền đã không kịp nữa rồi!

Đám gia nhân lập tức theo mệnh lệnh chủ nhân chặt cây đóng cọc bịt chắc cửa hang lại cũng là lúc bên ngoài gió giật đùng đùng, sấm chớp nổi lên bốn phía. Trời đất tối sầm khiến lòng hang càng đen đặc lại.

Đúng lúc khẩn trương, đột nhiên phu nhân kêu đau bụng dữ dội. Vị danh y họ Nguyễn hiểu ngay cơ sự, song hai vợ chồng đều y thuật rất cao nên bình tĩnh sai bọn gia nhân trước mắt hãy đốt lên đống lửa nấu nồi nước sôi tiện khi dùng đến.

Họ Nguyễn ngồi sát bên phu nhân cầm tay bắt mạch tượng, thấy mạch đảo bất thường, toàn thân phu nhân khi nóng khi lạnh, nhịp thở cơ chừng đứt quãng không giống với những cuộc sinh nở thông thường, trong lòng đôi chút nao lung song vẫn nói:

– Phu nhân trở dạ rồi! Hãy hít thở đều để ta lựa đón con ra.

Vị phu nhân mồ hôi túa ra đầy trán cố nén đau méo mó nở nụ cười nói khẽ:

– Thiếp đã làm vướng bận phu quân rồi! Tìm thấy huyết sâm tức là bão lớn không biết đến bao giờ mới dứt?

Vị danh y nhìn vào mắt phu nhân:

– Phu nhân hãy gắng lên, đừng suy nghĩ gì nhiều. Bão đến rồi đi. Sau cơn mưa trời lại sáng. Đứa bé này ắt ngày sau khiến thiên hạ náo động lắm đây!

Vừa nói đến đó, bỗng bên ngoài tiếng sét nổ kinh thiên động địa, một vầng sáng chạy suốt vào trong lòng hang lóa lên mãi không dứt. Mọi người trong hang ai nấy đều kinh dị chỉ biết trố mắt đứng nhìn. Vầng sáng soi tỏ mọi ngõ ngách càng khiến mọi người đứng im không ai dám động đậy. Đột nhiên lúc đó, có tiếng oa… oa… cực lớn vang lên. Ngay cả vị danh y đang ngồi sát phu nhân cũng chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra đã lập tức lại oa… oa… oa… luôn bốn, năm tiếng nữa.

Phu nhân phút chốc thấy mình nhẹ bẫng cũng là lúc người cha với bản năng y thuật đã mau chóng đón đỡ hài nhi còn luôn miệng nói:

– Đúng thật con gái rồi… Ôi chao… Mấy tầng tràng hoa quấn cổ, thảo nào mưa gió sấm chớp là phải lắm…

Người mẹ quệt nước mắt đón con đỏ hỏn ấp vào ngực mình hít hà cưng nựng:

– Con yêu… cầu cho con mai sau thân gái được mưa thuận gió hòa. Ông trời hãy mau tạnh sấm chớp cho con tôi.

Kỳ lạ thay, lời người mẹ còn chưa dứt, bên ngoài sấm chớp mưa gió bỗng như ngớt hẳn mà quầng sáng bên trong phải một lúc lâu nữa mới tắt.