Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – “linh hồn” của đường Hồ Chí Minh huyền thoại

333

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được biết đến là ‘linh hồn’ của đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cũng là vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn huyền thoại. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng (SN 1923) tại xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1938 và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) vào tháng 12 năm 1939 khi mới 16 tuổi.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thị sát trên đèo Phu La Nhích – đường 20 Quyết Thắng, tỉnh Quảng Bình năm 1972. Ảnh: Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình

Ngày 24/2, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ và tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – Nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình”.

Trong hơn 70 năm hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã trải qua nhiều cương vị trên nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau nhưng dấu son chói lọi nhất là những năm tháng được trao trọng trách Tư lệnh Đoàn 559 – Binh đoàn Trường Sơn và trở thành vị tư lệnh huyền thoại.

Theo Thượng tướng Phùng Sỹ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, gần 10 năm làm Tư lệnh Đoàn 559, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có những quyết định sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức lực lượng, xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả đường Trường Sơn và lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc.

Toàn cảnh Hội thảo

Tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn từ một con đường mòn nhỏ trở thành một tuyến giao thông vận tải lớn với cả hệ thống đường được mệnh danh là “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”, quân số có lúc lên tới hơn 12 vạn cán bộ, chiến sĩ.

Hệ thống đường chiến lược này khi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vào tiếp nhận đã có 5 tiểu đoàn xe với 750 xe tải, chia thành 4 binh trạm, đến năm 1975 phát triển thành 2 sư đoàn vận tải với 10.000 xe tải.

Thượng tướng Phùng Sỹ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân

Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Đường Trường Sơn không còn là cung đường đơn lẻ, mà phát triển thành một hệ thống đường vận tải phức tạp với hơn 16.700 km đường bộ, trong đó có hơn 800 km đường kín, 1.500 km đường rải đá, 200 km đường nhựa.

Bên cạnh đó còn có 1.400 km đường ống dẫn xăng dầu, 1.350 km đường dây cáp thông tin, 3.800 km đường giao liên.

Ghi nhận những cống hiến xuất sắc của vị tư lệnh cung đường huyền thoại Đồng Sỹ Nguyên, năm 1974,  Đảng và Nhà nước phong quân hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng cho ông.

Đại tá Phạm Văn Việt, nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn Công binh 77, Đoàn 559 nhớ bát canh bí xanh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tặng 

Đại tá Phạm Văn Việt – nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn Công binh 77, Bộ Tư lệnh Đoàn 559, một nhân chứng lịch sử, người đã có thời gian công tác, chiến đấu dưới quyền Tư lệnh trong những năm tháng gian khổ trên tuyến đường Trường Sơn chia sẻ: “Giữa năm 1969, trung đội tôi đến sửa sang một khu địa đạo, giữa lúc đang ăn trưa thì thấy Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từ trong bước ra.

Ông bắt tay, chia thuốc lá và nói chuyện thân mật với mọi người. Khi đang nói chuyện, tự nhiên ông quay lưng đi vào bưng ra một bát tô canh bí xanh tặng chúng tôi ăn cho vui.

Cả trung đội chúng tôi nhìn nhau vì quá bất ngờ, đỡ bát canh của Tư lệnh chỉ mấy sợi bí cấp dưỡng nạo rất mỏng hình như nấu với bột tôm mà không hiểu sao tự nhiên tôi thấy nóng ran cả người, nước mắt sắp trào ra”.

Không chỉ là vị tướng tài ba và có tầm nhìn sắc sảo, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn là một vị chỉ huy có tình thương yêu đồng chí, đồng đội.

Trên cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn đau đáu nghĩ về nơi an nghỉ của đồng đội mình. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở thời điểm khốc liệt nhất, tháng 3/1973, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã thực hiện công tác đưa thi hài các liệt sỹ Trường Sơn về với đất mẹ, an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn ngày nay.

Với những cống hiến, công lao to lớn và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923-1/3/2023), là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của ông đối với cách mạng Việt Nam.

Qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam học tập, noi theo, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Theo Hải Sâm/ Vietnamnet