Trường ca ‘Đi trên đường một chiều’

464

Nguyễn Thị Phụng

(Đọc Trường ca “Đi trên đường một chiều” của Ngô Văn Cư)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trường ca “Đi trên đường một chiều” (NXB HNV 2022) đánh dấu bút lực của nhà thơ, nhà giáo Ngô Văn Cư viết về xứ Hoài – Hoài Ân quê mình từ trong kí ức đến hiện tại đầy hào hứng với phong cách riêng. Tưởng nghĩ đây cũng là tấm lòng của người con được trưởng thành nơi nguồn cội của cha ông, đây cũng là tấm lòng thơm thảo của nhà thơ được tắm mát tâm hồn từ khi biết “Soi mình vào dáng quê” (tập thơ, NXB Văn nghệ 2009) biết tự chăm chút trong sáng tác cũng là rất hiếm với người Bình Định.

Trường ca Đi trên đường một chiều chảy theo mạch cảm xúc gồm năm chương cả phần mở đầu và kết thúc. Nói đến trường ca chính là sức viết dài hơi của những cây bút dày dạn thấu đáo căn nguyên, và đời sống con người luôn nằm trong nội hàm văn hóa, lịch sử tồn tại của đất nước. Có thể điểm lại một số trường ca người Bình Định như Sáu mươi mùa xuân gửi lại của Lê Bá Duy viết về nhân vật Lê Công Miễn, vị đại thần thời Tây Sơn; Hòn vọng phu viết về chinh phụ trên nền cổ tích của Vũ Thanh; Sông thiêng và Đất lành của Nam Thi viết về cội nguồn người Bình Định dọc bờ Sông Côn và vùng đất Sài Gòn nơi tác giả từng định cư…; Thì trường ca Đi trên đường một chiều của Ngô Văn Cư cũng là niềm tự hào tri ân vùng đất phía Bắc Bình Định cần khắc ghi là như thế.

Khởi nguyên, là chương I của Trường ca Đi trên đường một chiều: dẫn dắt người đọc thấu hiểu về Mạch ngầm được nhấn mạnh trong sự lặp lại để xác định vị trí địa lí vùng miền, không là cửa ngõ thuận tiện giao lưu văn hóa và con người nơi đây đã bám víu núi rừng tồn tại qua thăng trầm từ tiếng cồng chiêng, từ sử thi, từ tên gọi con người, xóm làng đã được khắc sâu đến bây giờ và vĩnh viễn tồn tại cho mai sau trong mở đầu: “Hoài Ân/ Mảnh đất không có đường quốc lộ ngang qua/ Nên những người H’re, Bana/ Phải níu vào Trường Sơn mà tồn tại/ Rừng thì thâm nghiêm/ Người thì cần cù chân chất/ Vạn vật hữu linh/…” (Mạch ngầm)*. Và chính sự lặp lại đến lần thứ tư “Hoài Ân/ Mảnh đất không có đường quốc lộ ngang qua” mở ra tên đất tên làng của Hoài Ân làm mạch khơi dòng chảy để lần tìm về tiên tổ quê mình, thể “uống nước nhớ nguồn” không áp đặt nhưng thể như tâm tình sẻ chia, nhắc nhở. Chứng cứ từ sách vở, từ câu ca dao bà ru cháu mẹ ru con, và tiếp nối lời ru bao thế hệ có đền đài Chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ, Danh nhân Đào Duy Từ, Văn chỉ vinh danh trang hiếu học từ xưa. Các tựa đề trong Khởi nguyên, ngoài Mạch ngầm*, còn có: Rừng, Sông, Đất và Người* đã làm nên Hoài Ân cho một lời minh bạch.

Đến chương II Giở trang lịch sử, ta lại thấm thía hơn Từ trong ký ức tự chủ: “Khởi nguyên là H’rê hay Bana/ Hay người Chăm bây giờ vắng bóng/ Mà thế kỷ mười tám/ Chàng Lía, người Kinh khởi nghĩa chống cường hào/…” (Từ trong ký ức)*. Cho một sự khẳng định: “Chúa hiền thì có tôi hiền/ Muôn đời vẫn thế/ Đất nước hưng vong cũng bởi con người/…” (Bắt đầu một tầm nhìn)*. Đến: Đệ nhất khai quốc công thần, Người kéo múi dắt dây, Én liệng Truông Mây, Không đòi hỏi một điều gì*. Tất cả khơi thông dòng chảy dễ gì lãng quên, không chỉ Hoài Ân mà của người Bình Định. Vẻ đẹp sự hi sinh của người Hoài Ân hòa chung với đất nước làm nên tầm vóc quê hương: “Quê tôi/ Gói đầu trên đỉnh Trường Sơn/ Nơi có mẹ Âu Cơ và đồng bào ta ở đó/ Chân soãi về phía biển Đông/ Nơi có Hoàng Sa, Trường Sa và đất nước ta ở đó/ Kẻ thù luôn dòm ngó/ Nhân dân luôn giữ gìn/ …” Bởi một đất nước mà trường ca Đi trên đường một chiều đã khẳng định: “Dân tộc ta/ Đi suốt chiều dài lịch sử/ Thời gian lo giữ nước nhiều hơn dựng xây” (Không đòi hỏi một điều gì)*. Vậy thì để bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước, đó là thử thách cam go muôn đời của dân tộc đã tồn tại đến hôm nay.

Mảnh đất, hồn người – chủ đề chương III trong Trường ca Đi trên đường một chiều là vóc dáng hồn cốt quê hương qua thăng trầm lịch sử. Như là tất yếu từ Cõi thiêng* gọi về:

Tôi đã đi dọc sông An Lão, Kim Sơn

Những soi bãi lên màu xanh trù phú

Nhận biết rằng thân xác cha ông đã vùi sâu vào lòng đất

Cùng mồ hôi và máu

Làm tươi tốt ruộng đồng

Không quen cầu nguyện

Chỉ chiều chiều vái lạy giữa thinh không

Tin ở sức mình…

Một khi đã xác tín “Tin ở sức mình” chính là niềm tin vào nhân dân và cuộc sống. Sự đóng góp bắt đầu từ nội lực cá nhân, và không thể ngồi chờ một sự phù trợ nào nếu không có bàn tay và khối óc con người. Đó là lí do cho từng tứ trong trường ca Đi trên đường một chiều có sức mạnh lay động tâm hồn bạn đọc. Không gợi mở mà khẳng định: “… Tin ở sức mình/ hơn tin ở cõi thiêng/ vẫn biết/ Đã có đường lên trời/ Phải có đường vào địa phủ/ Thiện ác ở nơi nơi/ Đâu chỉ ở Thiên sanh Thạch tự” (Cõi thiêng)*. Những tên đất, tên làng trong Hồn quê* phong phú cách gọi: “Những cái tên không lẫn vào đâu/ ruộng bà Cả, đất bà Khôi, vườn dừa xã Lệ,…/ Những cái tên chỉ gọi lên đã nhớ/ hóc Sấu, đồng Tròn, dốc Đót, truông Mây…/ cây bình thường cũng mang tên cây me bà Quýt/…”. Riêng tựa đề Đồng Dài* trong Cõi thiêng, Ngô Văn Cư đã dành đến bảy mươi câu, bởi không thể không nhắc: Đồng Dài – chợ Đồng Dài, cầu Đồng Dài, người Đồng Dài,… tha thiết quá:

Dân quê tôi bao đời làm vườn làm ruộng

Ruộng mênh mông có tên gọi Đồng Dài

Vườn mỗi nhà nhỏ như tờ giấy

Vở học trò

Thao thức bên ngọn đèn khuya

Hiếu học, siêng năng, quý trọng người lao động, còn là bản chất người Đồng Dài yêu thích văn hóa tinh thần từ câu ca dao mẹ hát, cho đến: “Giọt nắng chiều chưa khuất ở đầu non/ “Nghe tiếng trống chầu đâm đầu mà chạy/ Nghe tiếng trống chiến không khiến cũng đi”/ Để bộc lộ hỉ nộ ái ố sầu bi/ Quên tháng ngày cơ cực/ Trong tiếng trống dập dồn.”(Mê hát bội)*.

Tình yêu quê tha thiết luôn được mở rộng và nâng tầm, nhưng tất cả đang bị cuốn theo trong guồng máy xã hội, con đường đất được bê tông hóa mọi ngõ ngách làng quê thuận tiện bước chân, thương sao luống cải bờ tre, con hến con ba ba đang trăn trở, hay lòng thi nhân trăn trở: “Tù túng những giấc mơ/ Quá khứ vẫn về trên quãng đường dài dằng dặc/ Như gió nồm non đến hẹn lại về/ Cây cải trổ ngồng quặt quẹo ở rẻo đất ven sông/ Hàng tre cũng chen mình vào mảng bê tông đang biến bãi bờ thành phố thị/ Con hến, con ba ba không còn bờ cát để sinh sôi/ Đứa trẻ lớn lên vẫn giữ nguyên giọng nói/ Cây trái quê nghèo vẫn mặn chát giọt mồ hôi”(Những giấc mơ tù túng)*. Tù túng những giấc mơ cứ lặp lại trên mỗi trang sách trong chủ đề III thể như bế tắt những khát khao đang trỗi dậy tâm hồn người con xứ Hoài cũng đành vậy.

Đến Bây giờ – Ngày mai thì sao! Cả chương IV này cũng được nhấn mạnh ý “Tôi tin ở quê tôi…” dấu ấn khó phai về những ước mơ đã thành hiện thực chứa chan thi vị từ chuyện cổ đến thực tế thường ngày. Để rồi khi Đi qua con dốc* không là tiên đoán: “Sông suối độc hành/ gió chẳng hề đơn độc/ nắng vô tư đùa cùng giọt sương trên lá/ nhưng có thể nào nén lòng khao khát/ về một giấc mơ trùng trùng điệp điệp xanh”. Thể như say Men rượu quê nhà*, còn Dòng sông tuổi thơ* lại miên man chảy, cho thỏa thích Hát trong những giấc mơ* đến cùng tận. Không thể đơn độc, nhà thơ tâm tình với Rừng ơi* mà băn khoăn nuối tiếc. Rồi trở lại thực tại cho sự khẳng định và niềm tin có là tuyệt đối: “Quê tôi bốn bề giáp núi sông/ Không quy hoạch dự án treo”.

Lời kết – sẽ còn ai nhớ ai quyên. Đã là kết thúc Đi trên đường một chiều cứ thế mà tiến cùng thời gian, bên khó khăn vất vả hoa vẫn đơm, quả ngọt và trái sai song hành tồn tại. Cụm từ: “Mỗi ngày/ Cha nhắc từng bước chân chậm rãi/ Vác cánh đồng trên vai về nhà/…/ Mỗi ngày/ Mẹ chậm rãi đi ra từ mái nhà xưa cũ/…/ Mỗi ngày/ Những người con gái con trai/ Nhấc chân ra khỏi đất quê hương/…./ Mỗi ngày/…/Ta nhặt bên đường một chút hương/ Biết mình không đơn độc/…/ Ta nghe quanh ta còn lắm tiếng người/...” Đó phải chăng thanh âm cuộc sống khơi nguồn và nhắc nhở, dẫu có Đi trên đường một chiều đến với từng ngã rẽ, thì tên đất tên làng Hoài Ân sẽ là dấu ấn nhịp đập trái tim mọi người.

Trường ca Đi trên đường một chiều đậm chất thơ trong tính sáng tạo từ cái hứng, cái thú, cái tình hòa quyện san sẻ nguồn cội quê hương.

N.T.P

* Tên các tiểu đề trong tập trường