Trương Phú Thiện với ‘Tình yêu cà phê Việt – Bí quyết trở thành chuyên gia cà phê’

6014

(Nhân đọc tập sách Tình yêu cà phê Việt – Bí quyết trở thành chuyên gia cà phê của Trương Phú Thiện, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ)

Nguyễn Văn Hòa

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sau thành công của tập sách “Cà phê Việt thế kỷ XXI – Văn hóa và Kỹ thuật”, Trương Phú Thiện tiếp tục trình làng cuốn “Tình yêu cà phê Việt – Bí quyết trở thành chuyên gia cà phê”. Ở cuốn đầu tiên, anh quan tâm đến việc chọn giống cà phê, cách trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, rang xay, pha chế thế nào đạt hiệu quả tốt nhất mà những người làm nghề phải biết. Đến tập sách thứ hai này, Trương Phú Thiện một lần nữa thể hiện tình yêu sâu sắc hơn của mình đối với cà phê Việt. Bên cạnh sự tâm huyết về cà phê Việt của mình anh còn canh cánh nỗi lo âu, trăn trở về những nguy cơ phát triển không bền vững của cà phê Việt. Đó là mối lo lớn nhất của Trương Phú Thiện nói riêng và của tất cả những người đang theo đuổi với nghề trồng cà phê, chế biến, buôn bán và xuất khẩu cà phê.


Bìa tập sách “Tình yêu cà phê Việt – Bí quyết trở thành chuyên gia cà phê”.

Bởi hơn 15 năm qua, Trương Phú Thiện làm việc trong lĩnh vực rang xay, bán lẻ, cung ứng cà phê nên anh càng hiểu rõ hơn về loại thức uống đặc biệt này. Trước khi trở thành người nghiên cứu về cà phê, anh cũng có thời gian sống và làm việc ở nông thôn, do vậy anh hiểu được sự khó khăn, vất vả của người nông dân. Điều này giúp Trương Phú Thiện có một cái nhìn đầy đủ và sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa người trồng, người thu mua, người chế biến và cả hệ thống những hàng quán kinh doanh cà phê. Nhưng làm thế nào để đảm bảo sự liên kết giữa các khâu một cách đồng bộ, coi chất lượng, an toàn về sức khỏe và cả sự thân thiện với môi trường được đặt lên hàng đầu. Có như vậy mới có thể đảm bảo sự phát triển bền vững của cà phê Việt. Bên cạnh áp dụng những kỹ thuật, cái quan trọng hơn hết đó là cái tâm của người làm cà phê ở tất cả các công đoạn, các khâu, các quá trình từ việc sản xuất đến thương mại.

Tác giả nhấn mạnh đến yếu tố “Xanh – Sạch – Thân thiện với môi trường”. Vừa bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo sản phẩm sạch, thức uống sạch cho mọi người. Đó là mục tiêu tối thượng của chiến lược phát triển bền vững. Cà phê chất lượng cao, giá thành cao cũng là điều dễ chấp nhận được vì đó là sản phẩm sạch. Điều này thúc đẩy và đảm bảo đời sống ổn định của hệ thống những người làm việc liên quan đến trồng trọt, buôn bán, chế biến, kinh doanh cà phê.

Tập sách Tình yêu cà phê Việt – Bí quyết trở thành chuyên gia cà phê được bố cục 4 chương với những nội dung vừa khái quát nhưng cũng vừa chi tiết, cụ thể. Tác giả đi từ cái chung đến cái riêng, phân tích dưới góc nhìn khoa học nhưng rất có lý, có tình.

Ở chương I: Khái luận Văn hóa nông nghiệp cà phê

Trương Phú Thiện đã chỉ ra cho bạn đọc những điều cơ bản về văn hóa và tinh hoa văn hóa nông nghiệp nói chung, văn hóa nông nghiệp cà phê nói riêng. Trong đó, Chân – Thiện – Mỹ là giá trị cốt lõi.

Theo anh, để nâng cao chất lượng cà phê thì chúng ta phải nỗ lực hết mình thay đổi trong văn hóa trồng trọt, kinh doanh. Bên cạnh việc kế thừa những tinh hoa văn hóa, lợi thế về thổ nhưỡng cần phải áp dụng công nghệ tiên tiến. Bởi muốn có sản phẩm cà phê chất lượng cao, đảm bảo sự an toàn cho người dùng thì nhất thiết đặt yếu tố văn hóa nhân bản lên làm đầu. Do đó, cần phải nghiên cứu kỹ lượng toàn bộ hệ thống chuỗi cung ứng của ngành nông nghiệp, công nghiệp cà phê, công nghệ , thị trường kể cả văn hóa tiêu dùng cà phê. Có chiến lược dài hạn trong việc quy hoạch vùng nguyên liệu, diện tích trồng đảm bảo bền vững tránh trường hợp phá bỏ khi cà phê rớt giá hoặc trồng ồ ạt khi cà phê lên giá.

Như vậy, sản phẩm cà phê mang giá trị Chân – Thiện – Mỹ  phải hội đủ các yếu tố: chất lượng tốt, bảo đảm “sạch” – an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường, thương mại bình đẳng, có tác dụng chia sẻ giá trị cuộc sống nhằm ổn định kinh tế, văn hóa, xã hội và tạo nên giá trị tinh thần cao đẹp trong đời sống. Để làm tốt được điều này phải có sự phối hợp giữa nhiều ban ngành, đoàn thể, giữa viện nghiên cứu, các trường đại học với nông dân, giữa công ty kinh doanh cà phê và cả ngành giáo dục. Sư phối hợp đồng bộ sẽ là tiền đề tốt cho tất cả mọi người nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa trồng và kinh doanh cà phê. Đừng vì cái lợi trước mắt mà làm mất đi tính nhân văn nhân bản, kéo theo nhiều hệ lụy không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn liên quan đến tương lai sau này.

 Chương II: Phát triển ngành cà phê bền vững

Trương Phú Thiện phân tích và chỉ ra các yếu tố xây dựng chương trình cà phê bền vững, Triển vọng ngành cà phê bền vững, Các chứng nhận cà phê bền vững hiện nay. Trong đó, anh đưa ra 6 loại chứng nhận cà phê bền vững hiện có tại Việt Nam và trên thế giới:

Organic: Tạo một xác minh nông nghiệp bền vững với hệ thống sản xuất thực phẩm hài hòa với thiên nhiên, hỗ trợ đa dạng sinh học và tăng cường sức khỏe của đất.

Fair Trade: Hỗ trợ cuộc sống tốt hơn cho các gia đình nông dân ở các nước đang phát triển thông qua giá cả hợp lý, tiếp cận thương mại trực tiếp, phát triển cộng đồng và quản lý môi trường.

Rainforest Alliance: Tích hợp bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển cộng đồng, quyền lợi của người lao động và các hoạt động nông nghiệp hiệu quả để đảm bảo quản lý nông trại toàn diện bền vững.

Bird Friendly: Tiến hành nghiên cứu và giáo dục xung quanh các vấn đề địa lý, sinh học nhiệt đới, các quần thể chim di cư, thúc đẩy cà phê bóng râm… Được chứng nhận như một môi trường bổ sung hữu hiệu cho chim và các sinh vật khác.

Utz Certified: Hoàn thành chuỗi cung ứng nông nghiệp bền vững. Ở đó, nhà sản xuất trở thành các chuyên gia tiến hành thực hành tốt cho môi trường; ngành công nghiệp thực phẩm có trách nhiệm yêu cầu khắc khe và khuyến khích các sản phẩm được nuôi trồng bền vững; khách hàng mua sản phẩm đạt yêu cầu của họ vì trách nhiệm môi trường và xã hội.

4C* Common Code: Bao gồm: nông dân trồng cà phê, thương mại, công nghiệp và xã hội dân sự. Tất cả cùng liên kết làm việc để cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường thông qua các hoạt động thực tiễn minh bạch và bền vững.

Thú vị, hấp dẫn, gây sự tò mò cho bạn đọc là ở chương III: Thử nếm đánh giá chất lượng cà phê. Phải là người trong nghề, người nghiên cứu về kỹ thuật pha chế như Trương Phú Thiện mới có thể trình bày một cách tỉ mỉ, khoa học từng công đoạn, các điều kiện cần thiết để có sản phẩm cà phê đạt tiêu chuẩn và chất lượng cao. Anh còn đề xuất, đưa ra các giải pháp trong việc đào tạo, huấn luyện nhân viên, quản lý qua đánh giá chất lượng cà phê. Làm tốt công việc này, chắc chắn chúng ta sẽ được thưởng thức cà phê ngon nhất, sạch nhất, chất lượng nhất theo đúng nghĩa của từ này.

Chương IV: Khoa học của Thịnh vượng – Hạnh phúc – An lạc: Với 8 nội dung cơ bản:

– Nhấn mạnh và làm rõ quy tắc 5T: Tâm, Tín, Tầm, Tài, Tự học trong triết lý sống của người Việt. Nếu vì lợi nhuận trước mắt, mà những người làm trong ngành cà phê quên đi yếu tố môi trường sinh thái, quên đi chất lượng thật của sản phẩm, xem nhẹ sức khỏe của người tiêu dùng… thì chắc chắc sẽ không thể nào phát triển bền vững.

– Xây dựng được tình yêu thương, lòng biết ơn, niềm tin và sự can đảm.

– Xây dựng tầm nhìn, mục tiêu cho cuộc đời.

– Phát triển 4 giá trị cốt lõi (Tình yêu thương; Xây dựng lòng tin; Kính trọng, yêu thích sự đa dạng; Tính chuyên nghiệp) cho bản thân. Nhận thấy được tầm quan trọng của năng lực cốt lõi. Nắm vững các kỹ năng thiết yếu lãnh đạo bản thân.

– Làm việc hiệu quả, hướng đến mục tiêu: Bí mật của nụ cười – Bí mật của kết nối.

– Hiểu rõ mọi sáng tạo đều bắt nguồn từ năng lượng của tình yêu.

– Chiến lược, lập kế hoạch, tổ chức quản lý để gặt hái thành công. Trong đó cần đặc biệt lưu ý đến 12 kỹ năng quản lý thiết yếu để thành công trong công việc:

1- Kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu, động viên.

2- Kỹ năng giao tiếp, điều khiển cuộc họp.

3- Kỹ năng kết nối, phối hợp, làm việc nhóm.

4- Kỹ năng viết báo cáo, kiểm tra, cải tiến công việc.

5- Kỹ năng lãnh đạo, chỉ huy, ủy quyền.

6- Kỹ năng tư vấn và huấn luyện, định hướng cho phát triển năng lực cho cá nhân hoặc nhóm.

7- Kỹ năng sáng tạo, kinh doanh.

8- Kỹ năng quan sát, lập kế hoạch, tổ chức và giải quyết công việc.

9- Kỹ năng về kỹ thuật, quản trị chất lượng, chăm sóc khách hàng.

10- Kỹ năng thu thập thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc.

11- Kỹ năng học hỏi, tự đào tạo mình thông qua công việc và ứng dụng vào thực tiến.

12- Kỹ năng quan hệ với chính quyền và các đối tác.

– Điểm mấu chốt của việc tổ chức học tập, hình thành năng lực cốt lõi. Trong xã hội hiện đại mỗi cá nhân cần phải có ý thức tự học tập, tự rèn luyện; nếu không sẽ không bắt kịp với nhịp sống công nghệ số đang thay đổi từng ngày, từng giờ. Học để nâng cao năng lực cốt lõi bản thân, ứng dụng vào thực tiễn để làm việc hiệu quả, tìm ra giải để nâng cao chất lượng hoạt động của công ty/ xí nghiệp làm cho sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn: sản phẩm chất lượng, dịch vụ tương ứng với giá trị đồng tiền.

Hoạt động kinh doanh hoặc khởi nghiệp có thành công hay không đòi hỏi người kinh doanh/ khởi nghiệp phải có tầm nhìn chiến lược, có triết lý kinh doanh rõ ràng, có tư duy hệ thống để liên kết với tầm nhìn, mục tiêu, triết lý kinh doanh nhằm xây dựng và phát triển giá trị cốt lõi. Đặc biệt, giá trị cốt lõi khác biệt để tạo ra sản phẩm và dịch vụ thỏa mãn 4 tiêu chí: chất lượng, hiệu quả, cải tiến, có trách nhiệm với nhân viên/ khách hàng.

Phần phụ lục là Bài thơ Tình yêu cà phê. Trương Phú Thiện dành tình cảm đặc biệt của mình về cà phê Việt với sự trân trọng và rất đỗi tự hào. Cà phê Việt đã vươn mình ra khắp năm châu, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê nhân Robusta hàng đầu thế giới và xếp thứ 2 sau Braxin về tổng sản lượng cà phê các loại. Cà phê trở thành thức uống đặc trưng mà hầu như người dân nào ở Việt Nam nào cũng thích. Không chỉ ở trong nước, cà phê Việt với hương vị đặc trưng của thổ nhưỡng và kỹ thuật rang xay, pha chế… đã có mặt hầu khắp thế giới. Nhưng theo Trương Phú Thiện, nếu thưởng thức cà phê ngon, đặc trưng, ấn tượng nhất phải là cà phê phin Việt.

Ôi cà phê ơi!/ Bạn đi khắp nơi/ Hương thơm lan tỏa/ Bay khắp phương trời/ Vượt ngàn đại dương/ Đến khắp năm châu/ Mang hương thơm mới/ Tôi yêu tôi mến/ Cà phê Việt Nam/ Yêu bác nông dân/ Yêu người chế biến/ Yêu anh vận tải/ Yêu thợ rang xay/ Yêu người pha chế/…Cà phê phin Việt/ Say đắm lòng người…

Đọc Tình yêu cà phê Việt – Bí quyết trở thành chuyên gia cà phê, Tiến sĩ Nguyễn Nhã (Viện nghiên cứu ẩm thực Việt Nam) cho rằng: “Tập sách đã đưa ra những kỹ năng sống cần có từ người sản xuất, buôn bán đến tiêu thụ cà phê Việt. Góp phần phát triển cà phê Việt bền vững, thân thiện với môi trường thiên nhiên cũng là tiếp nối truyền thống yêu thiên nhiên, lấy tự nhiên làm gốc ẩm thực Việt của dân tộc Việt Nam”.

Tình yêu cà phê Việt – Bí quyết trở thành chuyên gia cà phê bên cạnh những kiến thức về chuyên môn, Trương Phú Thiện còn đưa đến cho bạn đọc những kiến thức, kỹ năng về văn hóa, vốn sống và cả về tình yêu thương; gieo niềm tin, khát vọng sống cho các bạn trẻ, nhất là những người đang trên bước đường khởi nghiệp.

N.V.H