Trường Sa hội tụ những miền quê

775

20.4.2017-23:00

NVTPHCM- Phấn khởi, hồi hộp, mong sớm được đến với biển đảo tiền tiêu, được đứng bên cột mốc chủ quyền và kể cho đồng đội, đồng hương… nghe về những đổi thay nơi quê nhà. Đó là tâm trạng, tình cảm của các thành viên Đoàn công tác Tổng cục Chính trị (TCCT) và nhân dân ra thăm và làm việc với quân dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

 

Trăm miền về hội tụ

 

Những ngày hành trình trên biển ra thăm huyện đảo, nhiều người trên tàu cứ bồn chồn, mong ngóng. Thỉnh thoảng, những người lần đầu ra thăm đảo lại chạy lên buồng lái hỏi thuyền trưởng, hoặc thủy thủ: “Các anh ơi, còn bao nhiêu hải lý nữa thì đến đảo?”. Cánh thủy thủ vui tính, nói một cách hình ảnh: “Còn vài sải bay của hải âu nữa là tới!”. Có người tưởng thật, cứ đứng trên boong tàu ngóng hoài.

Thiếu tướng Lê Hiền Vân và Chuẩn đô đốc Phạm Văn Vững

trò chuyện với các chiến sĩ ở đảo Nam Yết

Giao lưu văn nghệ trên đảo Sơn Ca

Nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh cùng văn công Quân khu 1 hát với chiến sĩ đảo Đá Lớn A

 

Mặt trời vừa nhô lên khỏi mặt biển, đảo đã hiện ra như một ngôi làng nhỏ giữa trùng khơi mênh mông, đẹp và yên bình đến lạ. Mấy người trên tàu reo lên sung sướng, rồi tất cả chạy ào lên boong cười rạng rỡ, vẫy tay không ngớt. Quân dân huyện đảo rất vui, ra tận cầu cảng đón chào. Trông ai cũng thân thiện và rắn rỏi, riêng nụ cười và nét mặt thì không lẫn vào đâu được- tươi rói và từng trải vì nắng gió.

 

Thuộc địa giới hành chính của tỉnh Khánh Hòa, nhưng huyện đảo Trường Sa có một nét riêng đặc biệt: Quân và dân huyện đảo thuộc nhiều địa phương trong cả nước về đây sinh sống và công tác. Họ đến từ miền biển Hải Phòng, Quảng Ninh…, từ miền núi Thái Nguyên, Lào Cai, Bắc Kạn…, hay từ miền “gạo trắng nước trong” Cần Thơ, Đồng Tháp…; từ “khúc ruột miền Trung” nắng cháy… Mỗi người mang theo một giọng nói của vùng miền và cả nét văn hóa quê hương.

 

Dưới tán cây phong ba, bàng quả vuông, mọi người quây quần trò chuyện. Không có khoảng cách giữa bờ và đảo, không phân biệt miền Trung, miền Nam, không kể giọng nói xứ Nghệ hay xứ Quảng; mặc sóng gió, chuyện trò cứ “nổ như ngô rang”. Người từ đất liền ra thì kể về đổi thay trên quê hương, người ở đảo thì kể chuyện làm ăn, chuyện đánh bắt và nuôi trồng hải sản, cả những chuyện bền gan, vững chí nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc… Những câu chuyện, lời thăm hỏi, chúc nhau “chân cứng đá mềm” dường như không ngớt.

 

Trong ánh mắt nụ cười của mọi người, niềm vui như rạng rỡ hơn, bởi huyện đảo Trường Sa đã thực sự khởi sắc; các xã đảo ngày một khang trang hơn, đẹp hơn và trở thành những làng quê mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc. Thành quả đó không chỉ là sự nỗ lực cố gắng của quân dân huyện đảo, mà còn là kết quả của một phong trào rộng lớn: “Trường Sa vì cả nước -Cả nước vì Trường Sa”.

Nhạc sĩ Quang Khánh hát với các chiến sĩ đồng hương xứ Quảng

Nhà thơ Phan Hoàng cùng các chiến sĩ đồng hương Phú Yên trên đảo Phan Vinh

Nhà biên kịch Thanh Hà giữa các chiến sĩ Trường Sa, trong đó có

những đồng hương Đồng Tháp miệt vườn của anh

 

Một thoáng quê hương

 

Đoàn công tác Tổng cục Chính trị và nhân dân từ đất liền ra thăm huyện đảo Trường Sa, ngoài tình cảm chung dành cho quân dân nơi tuyến đầu Tổ quốc, ai cũng muốn dành chút thời gian gặp gỡ, động viên, trò chuyện, hỏi thăm quân dân của địa phương mình.

 

Bên gốc phong ba tỏa bóng mát trên đảo Sơn Ca, cô Phạm Thị Minh (vợ liệt sĩ), quê huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) rất xúc động khi được nghe những chiến sĩ còn rất trẻ quê Hải Dương kể về thành tích đạt được trong học tập, rèn luyện. Cô nói trong xúc động: “Cô rất cảm phục các con, tuổi đời còn trẻ nhưng rất bền gan, vững chí nơi tiền tiêu Tổ quốc. Mong rằng, các con hãy nỗ lực hơn nữa trong học tập, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp sức cùng với quân dân cả nước xây dựng huyện đảo Trường Sa ngày càng giàu mạnh…”.

 

Đáp lại tình cảm của quê mẹ thân yêu, binh nhất Nguyễn Mạnh Tiến, quê ở Thanh Miện, Hải Dương, công tác ở Cụm chiến đấu 3, đảo Sơn Ca nói: “Với tình cảm đặc biệt của các cô, các chú, chúng con như được tiếp thêm sức mạnh; thêm tự hào, vững vàng hơn nơi đầu sóng ngọn gió”.

 

Những người con của quê hương Thái Bình ra thăm đảo đã gặp gỡ, động viên con em quê nhà nơi đây bằng những tiết mục chèo đặc sắc. Theo các anh, các chị trong đoàn công tác của tỉnh thì đây là “ngôn ngữ” riêng để trao nhau tình cảm, động viên nhau hăng say hơn trong công việc và lạc quan trong cuộc sống. Người hát lên những điệu chèo quen thuộc trên “quê hương năm tấn” là Thiếu tá QNCN Nguyễn Tuấn Long (công tác tại Tổng cục Chính trị). Khâm phục trước tinh thần dũng cảm, kiên cường của đồng đội, đồng hương nơi đầu sóng, anh Long đã hát say sưa, hát bằng cả tấm lòng, quên hết mệt nhọc. Nghe anh hát, mọi người như thấy bóng dáng quê nhà, thấy cả những lời động viên nhắn nhủ gửi vào thương nhớ. Không ai bảo ai, tất cả siết chặt tay rồi gõ nhịp theo lời bài hát “Lời từ đảo nhỏ”: Mỗi miếng cơm thơm có mùi hương lúa, có tiếng quê hương muôn thuở mặn nồng/ Ngoài đảo vắng không rời tay súng, biển khơi gió lộng tung hoa sóng Tổ quốc trao ta”…

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đại diện Hội Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên

tặng bức ảnh Cột cờ Lũng Cú cho đảo Cô Lin

Đại tá Đoàn Tư Hoang hỏi chuyện một chiến sĩ đang trực bên công sự

Các nhà báo Trịnh Dũng, Nguyễn Việt Thắng chụp ảnh lưu niệm với chiến sĩ Trường Sa

 

Gửi người ở lại

 

Có những món quà các đoàn công tác mang tặng quân dân huyện đảo Trường Sa rất giá trị về vật chất, cũng có những mòn quà tuy giá trị không lớn nhưng rất ý nghĩa, bởi chứa chất bên trong bao điều mà đất liền gửi gắm, không thể nói thành lời. Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 2, đại diện cho Hội Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên tặng quân dân huyện đảo bức ảnh Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) – địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Một số đoàn công tác khác thì mang ra đảo tre ngà, cây vối… để cho những loại cây quen thuộc với đất liền này chung sống cùng phong ba, bàng quả vuông… ở Trường Sa. Ra thăm quân dân huyện đảo lần này, những người con của thủ đô Hà Nội đã gắn lên ve áo bộ đội Trường Sa biểu tượng Thủ đô ngàn năm văn hiến…

 

Không ai nói với ai, nhưng trong ánh mắt, nụ cười và những cái bắt tay siết chặt đã sáng lên niềm tin chan chứa. Từ trong sâu thẳm, quân dân huyện đảo Trường Sa hiểu rằng: Tổ quốc đã giao cho họ một nhiệm vụ thiêng liêng. Mỗi tấc đất, mỗi sải biển đều là máu thịt, là chủ quyền dân tộc và quyết tâm chung sức, đồng lòng, sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy, thậm chí hy sinh tính mạng để xây dựng và gìn giữ nơi đây thực sự là điểm tựa tiền tiêu vững chắc của Tổ quốc.

 

TRỊNH DŨNG

 

 

>> ĐỌC TIẾP VĂN HỌC BIỂN ĐẢO…