23.6.2018-18:30
Nhà văn Trương Tri
Bà già keo kiệt
TRUYỆN NGẮN CỦA TRƯƠNG TRI
1.
NVTPHCM- Ông bà ngoại thích ở nhà con rể và các cháu ngoại, gia đình cha mẹ mình. Các cậu mợ là con trai con dâu ruột đến đón về, thuyết phục gãy lưỡi vẫn trơ trơ. Mợ lệnh cậu chở hết áo quần ông bà ra khỏi nhà mình, ông bà cứ mặc đồ cũ sau khi tắm rửa, không buồn quan tâm việc thay đồ cho lắm, cứ ở nhà mình không chịu đi đâu.
Chị gái mình là cháu cưng nhất thường gần gụi ông bà ngoại, bạo dạn hỏi ngoại việc ấy. Ông cười xòa, còn bà rạch ròi bảo:
– Ông bà rất quý cậu mợ và các cháu nội, đều thành đạt, lịch sự lễ phép, gia đình có giáo dục, sẽ nối dõi tông đường cho ông bà sau nầy. Nhưng cha mẹ và các cháu ngoại đây mới thực sự có hiếu với cả đôi bên.
Chị mình gật gù dạ dạ vâng vâng, nhưng mình chẳng hiểu mô tê chi mấy:
– Gia đình các cậu mợ đều lễ phép lịch sự, còn gia đình cháu có hiếu là sao bà ạ?
Bà trìu mến lần khần nhìn ông ngoại, ông trìu mến nhìn xa xăm lặng khe. Nhưng ánh mắt ông bà chứa nhiều tia sáng lấp lánh tươi vui, long lanh như khi mẹ mình và các dì biếu bì thư khá dày cho ông bà mỗi cuối tháng lảnh lương, để ông bà tiện quà vặt ngoài mấy bữa cơm cháo. Mình còn nhỏ dại chưa quen giấu vụng đôi điều bâng khuâng ấy trong lòng, sắp khai ra. Chị gái vội kéo xệch mình đi nơi khác, bảo có chuyện nầy hay lắm, nên mình quên vụ ánh mắt tươi vui của ngoại mất tiêu. Chị gái hơn mình một tuổi, cao bằng mình thôi, không khỏe như mình, ăn nhằm thứ cao lầu gì mà khôn đáo để. Điều chị nói tự nhiên và nhẹ hều, chắc ba bốn năm nữa mình chưa nghĩ ra:
– Ngoại già “xa trời gần đất”, cần ít tiền mọn tiêu vặt, húp cháo sáng ăn quà khuya các món tùy thích, nhất là ông ngoại quen xài phóng túng, mẹ bảo thế. Ông cũng thường gửi tiền đi đâu đấy mỗi độ lễ tết và sanh nhật ông.
Sau này mình hiểu ra, chị chưa nói bà xài tiền làm gì. Tánh bà keo kiệt, chẳng tốn thêm một xu từ các bì thư nhận mỗi tháng, chẳng ngồi lê quà bánh gì ngoài hai ba bữa cháo cơm đạm bạc ở nhà con rể. Nếp bà rất liêm, hay đến các đám tang đám tuần nghe ngóng ma chay, ai mời gãy lưỡi cũng không ăn, “vì bụng bà yếu lắm”. Người bà khô đét mà chẳng bệnh vặt bao giờ. Khác với ông: “Cụ vừa mần quà bánh rong xong”. Mình nấp cánh cửa buồng, thấy bà mở găm băng lưng quần và găm băng vạt hò, lôi từ túi áo ra cái bị vải bền có dây rút, chắc tiền bà cuộn nùi chất lớp tròn vo trong ấy.
Các anh con cậu mợ to khỏe, giật được cái túi căng tròn của bà, chạy thoát về nhà đổ ra, té ngửa. Toàn giấy báo và lá chuối khô, các anh và cậu mợ chậc lưỡi ngao ngán, thắc thỏm: -“Quái, tiền bà giấu toẹt đâu nhỉ”. Mợ kinh nghiệm đáo để mắng: “Nắn kỹ trong đó, trả bị cho bà tránh tiếng”, rồi chả ai dại dột dũng cảm chường mặt ra hoàn trả. Vụ to kềnh ấy, cậu mợ chả rầy quát các anh, cậu còn trách lỗi bà độn giấy báo lá khô làm dổm làm gian, tập hư các anh bắt chước. Tuy vậy, các câu nầy chả biết sự thật hay nói dối để giấu vụng việc trộm cắp.
Ai cũng biết bà rất keo kiệt. Mất cái túi, bà nằm lệt giường, vì tiếc cái túi vải điều dây rút, tiếc ít tiền còm hay tiếc thứ gì trong đó. Nhưng các con cháu dâu rể chẳng ai biết bà để dành tiền ấy làm gì! Các cậu bảo: “Bà học đòi tật trưởng giả, mang theo tiền khi chầu trời cho vẻ vang danh phận nơi suối vàng”. Mợ bảo: ”Để đút lót các quan đầu trâu mặt ngựa âm phủ tham lam sẽ giảm án, nếu bị truy cứu các tội gian vụng trước đây”. Mợ khác bảo: “Chỉ tật keo kiệt bẩm sanh hoặc keo kiệt năng khiếu thôi, chấm hết. Không có lý do lý sào nào khác”. Túm lại là khá nhiều phỏng đoán mò kiểu độc mồm như thế trở lên về bà. Duy chỉ mẹ mình trực tánh, không thèm để ý lời phiếm nhạo ác khẩu mà hỏi thẳng ro, bà đáp yếu ớt từng lời: “Vài cô dâu… nói đúng, chắc tánh bà keo kiệt bẩm sanh”. –“Là sao”? –“Nhờ keo kiệt… hy sinh thân mình hết mực,… nuôi nổi đoàn tàu há mồm đông đúc các anh chị trưởng thành, …tháng năm gian khó”. –“Giờ chúng con nuôi cha mẹ đấy thôi”. –“Bà mơ một ngày hạnh phúc, dư mấy đồng dằn lưng trước khi nhắm mắt… bù bao năm neo hụt”. Mẹ mình đồng cảm nhìn bà trìu mến, thở dài: -“Ừ nhỉ, bà keo kiệt với bản thân neo hụt mà rất liêm, chẳng tham lận quà bánh đồng hào của ai bao giờ, như hầu hết người ta”. Mẹ mình cũng hỏi bà mất thứ gì quan trọng trong bị rút, mà phát trọng bệnh bỏ cả cơm như sắp chết tới nơi, trở mình không nổi thế. Bà chỉ bùi ngùi rơm rớm nước mắt lặng khe…
2.
Bà kiệt sức nằm như dán xuống chiếu chỏng vì bị cháu giật túi tiền hay vàng gì đấy, sau một đời keo kiệt mà chả hề bệnh vặt, gần chết. Nhưng một ngày nọ, ông ngoại phong lưu kính mến chúng mình đột quỵ phải chở vào bệnh viện. Bà bật dậy đi theo cố tỏ ra tĩnh bưng, giúp người mẹ bản lĩnh mình xách tay nải áo quần của ông. Mẹ mình cùng chú y công bồng ông lên xe đẩy chưa xong, thì bà trả tiền taxi xong rồi, lanh lẹ xuống taxi và vịn thành xe đẩy ông vào phòng cấp cứu. Mẹ mình đi làm thủ tục tạm ứng viện phí chưa được, ông ngoại kính mến của chúng mình đã tắt thở, thuê xe cứu thương bệnh viện đưa về nhà nguyện hành lễ, theo lời ông dặn bà trước khi mất.
Nhà nguyện có thể tổ chức quàn ba bốn đám tang đồng thời, bài trí lễ nghi trang nghiêm chuyên nghiệp. Mấy hôm nay linh cửu ông chỉ quàn một mình, treo tấm bảng lớn trên cột “MIỄN PHÚNG ĐIẾU*”. Anh trai đích tôn và cậu cả đứng tên chủ trì nghi lễ, vì bà già yếu. Vài ngày thì rước quan đi thiêu.
Thiêu xong, mẹ mình đánh taxi quay lại nhà nguyện, trên xe bước xuống vừa đi vừa chạy vừa khóc thút thít, xin thanh toán tiền nghi lễ mấy ngày quàn linh cửu và phí dịch vụ xe tang ma chay. Người quản lý nhà nguyện đi vắng, mẹ mình giàn giụa nước mắt muốn khóc, nhưng rồi kìm lại, cau mày đăm đăm ra về, “sẽ mất công quay lại trả tiền sau vậy”.
Mấy hôm sau các con cháu dâu rễ được dặn mặc đồ tang, các dì dượng và cháu ngoại y tang lếch thếch cố vuốt chỉnh tề, tập trung về cúng tuần ông. Bà đến sớm nhất chờ một đỗi lâu, các cậu mợ và cháu nội hầu như vắng cả, đúng là cha mẹ thế nào con cái thế ấy. Bà mệt hay choáng vì buồn phiền gì đó nên muốn xỉu, chị em mình dìu bà vào phòng xoa bóp và đánh gió. Cha mình là con rể mạn phép chủ trì nghi lễ. Cậu cả tới muộn trách cứ lớn tiếng “bà đâu bà đâu”, muốn bỏ về. Mẹ mình là em gái cậu, nhỏ nhẽ: “Bà ngất rồi”. Cậu cả im hin không nói thêm lời nào, hằm hằm nhìn về phía bàn thờ, như thể muốn trút nỗi bực tức thùa thẹn sang phía hư vô ấy. Buổi lễ diễn ra lưa thưa buồn tẽ hoàn tất. Mợ nhắc khéo nên cậu cả nói chửa thẹn: “Dặn các con cháu nội ngoại có mặt đông đủ trang nghiêm các buổi lễ sau”.
Rồi bốn năm lễ tuần liền vắng gieo neo như thế. Đến lễ thất tuần mới khá đông hơn, cậu cả là con trưởng chủ trì nghi lễ, xin thay mặt bà và toàn thể các con cháu dâu rễ thông báo: “Các anh chị em đã đóng góp gần một nửa kinh phi lễ tang ông, đề nghị chia đều góp thêm đủ thanh toán nhà nguyện về dịch vụ mai táng ông sớm nhất”. Mợ ba góp ý sắc sảo đanh thép kiểu cán chính họp hành chuyên nghiệp: “Thứ nhất, anh cả đề xuất mức đóng góp, nay thiếu thì anh chị ấy bù vào. Thứ hai, anh chị con đầu dâu trưởng, hãy tự hào gánh phần thiếu ấy. Thứ ba, anh chị cả gần như giàu nhất huyện lứa bạn bè anh, hãy tự gánh phần tiền ấy cho oách. Thứ tư…”
Mợ út ngắt lời chen ngang đồng tình với mợ ba luôn, chỉ cần một điều là đủ, vì sợ đổ tội vòng vo rồi theo truyền thống “giàu út nhờ, khó út chịu”, bắt mợ út gánh thì “nô thêbồ*” – miễn bàn. *No table – không bàn – miễn bàn, tiếng bồi. Mợ cả qua mặt chồng đề nghị phát huy bình đẳng nam nữ, vả lại bà tự treo bảng “MIỄN PHÚNG ĐIẾU” nên thất thu, bà tự chịu trách nhiệm. Mợ tư nói: “Nô sờ-ta goe*” –No star where – không sao đâu, tiếng bồi. Anh chị cả tạm ứng trả trước, đóng góp sau để giữ thể diện anh em nhà quan chức khá giả là cao kế”.
Buổi lễ cúng hồn ông nghiêm trang trở nên huyên náo, tiếng tây bồi tiếng ta từ lộn xộn sắp vỡ chợ. Bà nghe chưa xong đã muốn ngất, chị em mình hốt quá dìu bà vào buồng đánh gió, bà cố trở lưng thều thào mấy lời xa xưa tuồng cổ: “Muốn chết liền cùng ông cho trọn nghĩa tào khang”, mình hoảng quá khóc rống lên nên mẹ mình biết bà đang ngất trong buồng nầy. Cậu cả yêu cầu bà cho ý kiến, nhưng tìm không thấy bà đâu, mẹ mình vội ra đứng lên dõng dạc nói:”Bà lại bị ngất rồi, cần nghỉ ngơi”. – Mợ thấp thỏm bước ra về: “Bà khỏe thế, ai làm bà ngất”! –“Các anh chị biết rồi”, mẹ mình đáp… Mọi người nghe chưa xong đôi lời ấy đều ra về cả, chỉ mẹ mình và dì út ở lại thu dọn tàn khói chiến trường. Ai cũng muốn thoát ra về gấp để khỏi bị đóng góp tiền lễ tang ông, hay không phải cõng bà đi bệnh viện!
Bà nói là làm, bình tro cốt ghi tên ông được thỉnh về quê, thờ ở nhà thờ gia tộc, đặt cạnh bình trống ghi tên bà “trọn nghĩa tào khang”. Sinh thời, tánh khí và nếp nghĩ ông bà trái khuáy như mặt trăng mặt trời, nhờ bà khéo nên ông bà chả choảng nhau bao giờ, khác với các cậu mợ sau nầy.
Vài hôm sau mẹ mình thuyết phục cậu cả mang gói tiền hụt chạt ấy, đến trả lễ tang ông và xin khất số còn thiếu, mẹ là con gái theo chồng không thể thay mặt gia tộc. Mẹ nói muốn gãy lưỡi, cậu đáp rất tình tràn lý sự, mà thiếu gói tiền bảo chứng: “Luật pháp không cấm cô, cứ đến nhà nguyện xin khất xong cả gói sẽ trả sau, thời gian sớm nhất”. Mẹ mình vừa buồn rầu vừa tức anh ách, cố phôi phai vì hiểu tánh các cậu xưa nay vốn thế. Trộm hồn thiêng ông từng tự hào là các con trai giống ông cả hình dong và vài món khác. Cậu còn nói thêm “vài đám tang thoát nợ nhờ tổ chức từ thiện nào đó cứu trả rồi cũng nên”.
3.
Cha mẹ mình và dì dượng út đến nhà nguyện, tự ứng tiền xin thanh toán dịch vụ ma chay ông ngoại đã gần vài tháng. Bước thấp bước cao rón rén không phải vì nền nhà nguyện gập ghềnh, mà vì tấc lòng gập ghềnh, thẹn thùa mắc nợ hiếu nợ nghĩa nợ ân tình quá lâu. Mẹ mình nhỏ nhẻ: “Dạ chúng tôi thành thật xin cảm phiền tang gia bối rối để nợ quá lâu. Có thể khó bù đắp thiệt hại, chỉ xin chịu một phần lãi xuất chậm trễ”.
– Có gì đâu, quý cô chú không phải lo. Một vị thiện nguyện đã gửi từ trước hôm di quan rồi. Bác quản lý nhà nguyện ân cần đáp.
– ???.
– Anh cả đoan đúng hay biết trước, không nói ra. Dì út nhẹ bẩng cả người, xì xào vào tai mẹ mình thế, và muốn chào ra về.
– Xin cho biết tổ chức hay cá nhân để gửi lời cám ơn ạ.
– Bà tư Hanh, Trương Thị Hanh đại diện, một bà già hom hem khắc khổ, có đôi mắt từ dung sáng như sao.
Dì út tiếp lời xì xào: “Lẽ nào”… Trong lúc mẹ mình đứng ngồi không yên: “Có bút tích hay địa chỉ của vị ân nhân đặc biệt ấy không”!
– Có lẽ còn tấm hình bà đây, xin chờ. Bà ấy chỉ nhường xuất của mình cho người đồng cảm thôi. Hình như bà có vài nén vàng gói lá chuối bị ai đó lấy mất sạch. Dư ít tiền mọn sợ mất nốt, gửi nhà nguyện phòng ma chay.
Hai chị em mẹ mình xem hình, nghe chưa hết lời đã gần lộn nhào đầu xuống đất vì quá ngạc nhiên, thưa:
– “Dạ… là mẹ chúng tôi đây ạ”. Và ông quản lý nhà nguyện tròn xoe đôi mắt vành môi nam trượng một đỗi lâu.
***
Ôi, chính bà, bà già keo kiệt, bà còn phóng khoáng bao dung hơn trăm lần những quý ông bà trẻ trung sang trọng, rủng rỉnh đại ngôn quanh ta. Thời thanh xuân son trẻ bà keo kiệt dành tiền lấy chồng, làm chủ hôn nhân mình. Vài lần trăng thì rồi trung niên, bà keo kiệt để làm chủ hạnh phúc gia đình, tất tả hy sinh thân mình nuôi đàn con áo cơm đèn sách đến trưởng thành. Giờ nua già hom hem, bà keo kiệt ki cóp bị bầy cháu hư phá tán, và rất mực lễ nghĩa trút hết hầu bao lo ma chay cho người tình phóng túng mình. Buồn thay, chả biết bà còn cơ hội keo kiệt để lo lễ thọ mai mình, hay chỉ dừng giấc mơ từ dung ở cái bình tro cốt trống hơ tự sắm, chờ “vẹn nghĩa tào khang” bên cạnh bình cốt ông trên bàn thờ gia tiên!
CÙNG MỘT TÁC GIẢ:
>> Ông Tư Ngọc
>> Mùa tựu trường nhớ mẹ
>> Phép mầu từ chiếc nhẫn
>> Người mẹ đơn thân
>> Vu lan bồn dâng mẹ
>> Biển – cô gái phương Đông
>> Ánh trăng nghiêng bờ vai
>> Buông câu tuổi thơ
>> Về bước mẹ long đong
>> Tung mẻ lưới từng đêm
>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…