Truyện cực ngắn Nguyễn Ngọc Thu – 3

640

27.02.2018-18:30

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thu – Ảnh: PH

 

 

BA TÔI

 

NVTPHCM- Ba mẹ tôi sinh được bảy anh chị em lăm gái, hai trai. Tôi là con trai út trong nhà nên được chiều chuộng từ nhỏ. Mẹ sinh đẻ, nuôi con đã khổ rồi, gánh nặng gia đình cơm, áo, gạo, tiền đều trút lên vai ba. Có mấy công ruộng ông bà nội chia cho, gọi là của hồi môn, một năm hai vụ lúa, ba cặm cụi quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mới đủ lúa gạo nuôi cả nhà.

 

Thức ăn hàng ngày đều do ba tự cung, tự cấp bằng con cua, con cá ngoài đồng, mùa nào thức nấy. Những ngày giỗ, tết mới mổ con ga, con vịt nhà nuôi đươc. Mỗi lần vậy bao nhiêu miếng ngon ba gắp chia đều hết cho mẹ và chị em chúng tôi…

 

Mấy mươi năm qua đi, các chi lớn đã lấy chồng, Vì gánh nặng gia đình quá tải, ba  như trái tranh đã vắt cạn, sức lực giảm dần. Ba bệnh, mẹ nấu cháo gà cho ba ăn , nhưng ba cũng chỉ đòi ăn cổ, cánh, chân gà; mẹ khóc:“Ông phải ăn cho khỏe, cả đời ông ăn xương rồi…”. Ba thều thào: “Tôi thích mà… như nghiền ấy… Để cháo cho mấy đứa cháu nó ăn”.

 

Sau này khi đã có vợ con. Tôi càng hiểu ba và thương ba hơn… Hóa ra: “Không phải thứ ngon người ta mới nghiền. Nghiền chỉ là thói quen được lặp lại nhiều lần thôi”.

 

 

THẬP TOÀN ĐẠI BỔ

 

Ngày tôi còn nhỏ, thầy tôi làm nghề thợ may ở cái chợ nông thôn nghèo ngay đầu làng Xá. Tiệm bên cạnh là của thầy Lang bán thuốc Bắc người làng Thông, một làng nghề truyền thống, chuyên bán thuốc Bắc và dệt thủ công loại vải Xồi, Đũi bằng tơ tằm. Vì thế từ nhỏ tôi đã biết tên mười vị thuốc Bắc trong thang thuốc “thập toàn đại bổ”: Dương qui, Thục địa, Bạch thược, Xuyên khung, Nhân sâm, Phục linh, Bạch truật, Chích thảo, Hoàng kỳ, Nhục quế .

 

Thầy Lang cắt cho thầy tôi chén “thập toàn đại bổ” đặc biêt để ngâm với rượu “nếp cái hoa vàng”. Thầy giải thích: “Bài thuốc này vốn để sắc uống, nếu ngâm rượu tôi phải tăng lượng vị hàn cho ông đấy”.

 

Từ đó thầy tôi qúi bình rượu hơn tất thảy các thứ khác có trong nhà…

 

Trưa 30 tết năm ấy thầy tôi nâng lưu bình rượu rót ra một chai nửa lít sai tôi để lên bàn thờ cúng ông bà. Vì sơ ý nên tôi làm vỡ chai rượu. Thầy đánh tôi rất đau. Tôi bỏ trốn khỏi nhà…

 

Năm hết tết đến nơi rồi, cả nhà lo đi tìm tôi. Gần tới giờ giao thừa, trời tối đen như mực, thầy cõng tôi từ nhà bà ngoại về. Nhà bà ngoại ở làng bên, cách nhà tôi khoảng ba cây số. Về đến nhà thầy vừa cười, vừa nói với mọi người: “Không tìm được nó giờ này thì năm nay nhà mình hết tết”!  

 

Tôi mừng, tủi… hiểu thầy tôi thương tôi lắm!

 

Lớn lên tôi đi bộ đội. Ngày trở về thì thầy bu tôi không còn nữa. Sau này gia đình tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh. Năm nào về quê tôi cũng ra làng Thông cân vài ba chén “thập toàn đại bổ” của con thầy Lang xưa về ngâm rượu, chỉ để mỗi lần giỗ thầy, tôi đều rót một chai đặc biệt để trang trọng trên bàn thờ khấn: “Thưa thầy! Con ngâm rất nhiều rượu “thập toàn đại bổ”, thầy cứ uống thoải mái và mời cả bạn thầy cùng uống cho vui”.

 

Thầm thì khấn xong, suy ngẫm lại mà ứa nước mắt: “Đời người lắm cái trớ trêu. Lúc thầy bu nghèo khó thì mình không có gì để báo hiếu. khi mình có tất cả… các Cụ lại không còn!”

 

 

TÀI SẢN?

 

Bu tôi mất sớm, thầy tôi “gà trống nuôi con” lo cho bốn anh em chúng tôi ăn học. Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, anh cả được đi học ở Liên Xô là kỹ sư cơ khi chế tạo máy, chị gái thoát ly là giáo viên, còn anh rể, tôi và chú út đi bộ đội.

 

Hơn 10 năm trở về thì thầy tôi cũng không còn nữa, trên nền đất cũ anh tôi xây nhà mới to đẹp hơn xưa. Chỉ buồn là không có lấy một tấm ảnh của thầy bu tôi để đặt lên bàn thờ hai Cụ. Người xưa cảnh cũ đã chìm vào thời gian, anh chị em tôi ai cũng buồn, cứ tự trách mình… Tại sao không làm những cái có thể làm? Không hiểu những điều có thể hiểu. Mình đã vô tư, vô tâm hay vô ơn v.v Với bậc sinh thành?…

 

Ngày giỗ thay lần thứ 40, có đông đủ anh em con cháu nội ngoại trong nhà, chị dâu tôi nói: “Chị em mình bây giờ đầy đủ sung sướng vô cùng. Ông bà nội ngày xưa nghèo lắm, có tài sản gì để lại cho con cháu đâu”. Anh cả vội đỡ lời: “Nhân danh là trưởng, phải nói thế này: Nhà ta ba chú đi chiến đấu ở miền Nam đều nguyên vẹn trở về; anh em dâu rể đều qua tuổi “xưa nay hiếm”; nội ngoại con đàn, cháu đống, đứa ở gần, đứa ở xa, đều có cuộc sống no đủ .v.v. Chị dâu các em thường nói với anh: nhà ta Phúc, Lộc,Thọ đều có…”. Anh quay về phía vợ: “Bà nghe đây: Tất cả những thứ đó đều là những tài sản vô giá. Tài sản đó là PHÚC ĐỨC CỦA ÔNG BÀ NỘI để – lại- cả- đấy!” .

 

 

ÔNG GIÀ XÍCH LÔ

 

Cả khu phố đều gọi ông là “ông già xích lô” vì không biết tự bao giờ, ban ngay ông làm nghề đạp xe xích lô kiếm tiền, tối đến ông lại ngủ trên chiếc xe ấy đậu ở đầu hẻm. Trước khi ngủ ông thường thắp nhang vái trời đất tứ phương rồi cắm nhang dưới chân cột điện cách nơi “đặt phòng ngủ cơ động” của ông khoảng ba thước. Biết vậy thôi, cũng không ai quan tâm đến hoàn cảnh của ông thế nào, từ đâu đến…

 

Trời vừa tối, có tiếng chuông cửa, tôi ra mở thì thấy ông.

 

– Chào cháu, cháu gọi cô chủ cho ông gặp được không?

 

 – Dạ, vâng ạ! Tôi trả lời ông rồi vào nhà.

 

– Thưa cô! Có “ông già xích lô” xin gặp cô ạ.

 

Có tiếng vọng từ trong nhà tắm ra.

 

– Chờ chút, mày canh cửa đấy… Lão già này thì có gì mà gặp mới ghiếc cơ chứ?

 

Khoảng năm phút sau cô chủ bước ra vừa đi tay vừa rũ búi tóc còn ướt bàu nhàu:

 

– Mới về, tắm cũng không yên, có gì không ông già?

 

– Cô cẩn thận nghen. Ví của cô rớt ở ngoài xe tôi nè, tiền là một chuyện nhưng giấy tờ, phải làm lại là nhiêu khê lắm đấy.

 

Vừa nói ông vừa trao lại ví cho chủ của nó rồi quay ra luôn. Cô chủ cũng không kịp cám ơn vội đi vào nhà kiểm lại ví, lát sau tủm tỉm cười rồi lẩm bẩm một mình: “Ông già này khờ thật, năm triệu bạc còn nguyên; đạp xích lô đến chết cũng không có nổi”.

 

NGUYỄN NGỌC THU

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Chỗ nghẽn trong tim – Phương Trà

>> Mùi của rác – Nguyễn Trí

>> Ông Tư Ngọc – Trương Tri

>> Con một – Lê Mỹ Ý

>> Về nhà – Chu Quang Mạnh Thắng

>> Chậu mai chiều 30 Tết – Ngô Đình Hải

>> Mỗi năm một lần – Trương Anh Quốc

>> Từ bỏ – Nguyễn Ngọc Tư

>> Bồng bềnh mây trắng – Ái Duy

>> Mắt sông – Phương Huyền

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…