‘Truyện Kiều’ nhìn từ những giấc mơ

535

“Truyện Kiều” – kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du đã trở thành một cái tên quen thuộc với người Việt suốt hơn 200 năm qua. Cũng trong hai thế kỷ qua, đã có hàng ngàn công trình lớn nhỏ, từ chuyên luận cho tới các bài viết bàn về đủ các góc cạnh của “Truyện Kiều”. Thế nhưng, với những người say mê tác phẩm kinh điển này, Truyện Kiều vẫn tiếp tục là một miền đất hứa hẹn những khai phá mới, những điểm nhìn mới.

Trong bài viết này, chúng tôi muốn góp thêm một góc nhìn còn chưa được những người nghiên cứu đi trước chú ý, đó là nhìn “Truyện Kiều” từ những giấc mơ.

1. Giấc mơ (còn có thể gọi tên là mộng hay chiêm bao) được hiểu là những sự việc/con người được bắt gặp trong giấc ngủ. Nói cách khác, mơ trong tương phản với tỉnh/thức được hiểu là một đời sống khác của tất cả mọi người. Đứng từ góc nhìn của những người theo chủ nghĩa Phân tâm học do Sigmund Freud (1856 – 1939) khởi xướng, giấc mơ được coi là một trong những định đề/ chìa khóa quan trọng để nghiên cứu văn chương cùng nhiều ngành nghệ thuật khác. Bởi lẽ, theo phân tâm học, giấc mơ phản ánh miền vô thức trong não bộ, là những dồn nén của mong muốn và ẩn ức. Nói một cách khác, giấc mơ phản ánh những miền cảm xúc thuộc tiềm thức con người. Đối với đời sống văn hóa tâm linh của nhiều người Việt, giấc mơ còn gắn với những điều thần bí, kì diệu liên quan đến niềm tin tâm linh.

Thì đây, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã có rất nhiều những biểu hiện về giấc mơ trải khắp từ đầu đến cuối tác phẩm. Những giấc mơ này tạo nên những tham dự quan trọng vào diễn biến cốt truyện và gắn chặt với cuộc đời của nhân vật chính – Thúy Kiều. Giấc mơ đầu tiên là giấc mơ của Thúy Kiều gặp Đạm Tiên sau khi đi tảo mộ cùng hai em về, được Nguyễn Du diễn tả bằng 30 câu lục bát, từ câu 185 đến câu 214: “Chênh chênh bóng nguyệt xế mành/ Tựa ngồi bên triện một mình thiu thiu/ Thoắt đâu thấy một tiểu kiều/ Có chiều phong vận có chiều thanh tân/ Sương in mặt tuyết pha thân/ Sen vàng lãng đãng như gần như xa/ Rước mừng đón hỏi dò la/ “Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây?”/ Thưa rằng: “Thanh khí xưa nay/ “Mới cùng nhau lúc ban ngày đã quên?/ “Hàn gia ở mé tây thiên/ Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu/ Mấy lòng hạ cố đến nhau/ Mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng/ Vâng trình hạ chủ xem tường/ Mà sao trong sổ đoạn trường có tên/ Âu đành quả kiếp nhân duyên/ Cũng người một hội một thuyền đâu xa/ Này mười bài mới, mới ra/ Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời”/ Kiều vâng lĩnh ý đề bài/ Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm/ Xem thơ nức nở khen thầm/ Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường/ Ví đem vào tập đoạn trường/ Thì trao giải nhất chi nhường cho ai?”/ Thềm hoa khách đã trở hài/ Nàng còn cầm lại một hai tự tình/ Gió đâu sịch bức mành mành/ Tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao”.

Giấc mộng này như một chỉ dấu báo trước về tương lai của Thúy Kiều. Đó là “sổ đoạn trường có tên”, là “người một hội một thuyền” với Đạm Tiên. Có thể thấy, chính sự báo mộng này cho ta thấy cái nhìn về thuyết thiên mệnh/ tiền định theo quan điểm của Nguyễn Du. Bản thân nhân vật chính Thúy Kiều cũng tin vào mộng triệu, nên khi tỉnh giấc mới khóc lóc thở than cùng cha mẹ: “Buổi ngày chơi mả Đạm Tiên/ Nhắp đi thoắt thấy ứng liền chiêm bao/…Cứ trong mộng triệu mà suy/ Thân con thôi có ra gì mai sau”.


Tranh chân dung Thúy Kiều và Thúy Vân – nguồn internet.

Sau cơn gia biến, Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha và thất thân cùng Mã Giám Sinh. Khi về tới lầu xanh của Tú Bà ở Lâm Truy, bị Tú Bà thị uy và quát gia nhân đánh đập, Kiều đã rút dao tự sát và ngất đi. Giấc mơ thứ hai của Kiều xuất hiện và được tả trong 10 câu thơ, từ câu 993 đến câu 1002: “Nào hay chưa hết trần duyên/ Trong mê dường đã đứng bên một nàng/ Rỉ rằng: “Nhân quả dở dang/ Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao/ Số còn nặng nghiệp má đào/ Người dù muốn quyết trời nào đã cho/ Hãy xin hết kiếp liễu bồ/ Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau”/ Thuốc thang suốt một ngày thâu/ Giấc mơ nghe đã dầu dầu vưà tan”. Cũng  có thể xem đây là lần thứ hai Thúy Kiều gặp Đạm Tiên trong mơ, nghe lời khuyên nhủ và tiên báo về cái hẹn bên sông Tiền Đường.

Sau giấc mộng lần thứ hai này, Thúy Kiều trải qua 15 năm lưu lạc với hàng  loạt các biến cố: từ việc gặp gỡ Thúc Sinh, được chuộc khỏi lầu xanh đến việc bị Hoạn Thư đánh ghen; từ việc rơi vào lầu xanh lần thứ hai đến việc gặp và kết duyên cùng Từ Hải, được Từ Hải giúp báo ân báo oán. Rồi Từ Hải bị Hồ Tôn Hiến lập mưu chiêu hàng sát hại, Thúy Kiều khi bị ép gả cho viên thổ quan đã nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn.

Giấc mơ thứ ba của Thúy Kiều xuất hiện khi tự vẫn mà không chết và được Giác Duyên cứu kịp thời: “Giác Duyên nhận thật mặt nàng/ Nàng còn thiêm thiếp giấc vàng chưa phai/ Mơ màng phách quế hồn mai/ Đạm Tiên, thoắt đã thấy người ngày xưa/ Rằng: “Tôi đã có lòng chờ/ Mất công mười mấy năm thừa ở đây/ Chị sao phận mỏng phúc dày/ Kiếp xưa đã vậy lòng này dễ ai/ Tấm thành đã thấu đến trời/ Bán mình là hiếu, cứu người là nhân/ Một niềm vì nước vì dân/ Âm công cất một đồng cân đã già/ Đoạn trường sổ rút tên ra/ Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau/ Còn nhiều hưởng thụ về lâu/ Duyên xưa tròn trặn phúc sau dồi dào”.

Giấc mơ thứ ba này cũng đồng thời khép lại vận hạn của nàng, khép lại những năm tháng sóng gió lưu lạc. Tên Kiều trong sổ đoạn trường đã được xóa đi, và như lời Đạm Tiên thì từ nay về sau mọi điều đều tốt đẹp. Đó cũng là một kết thúc có hậu, phản ánh ước mơ ngàn đời như trong những câu chuyện cổ tích của người Việt, rằng người tốt cuối cùng phải được hưởng cuộc sống bình an, hạnh phúc.

Ba giấc mơ của Thúy Kiều trải đều trong các phần của tác phẩm, đều là những cuộc gặp gỡ trong mơ với một người duy nhất: Đạm Tiên. Lần theo những giấc mơ này, có thể thấy đây là những nút thắt – mở vô cùng quan trọng trong diễn biến truyện, đồng thời ít nhiều phản ánh nhân sinh quan/ thế giới quan của Nguyễn Du. Có thể thấy Nguyễn Du rất tin vào một đời sống khác – một đời sống tâm linh bên cạnh đời sống trần thế/ trần tục của mỗi chúng sinh. Đời sống tâm linh ấy luôn đồng hành và dõi theo đời sống trần thế, có những tác động quan trọng đến đời sống trần thế của mỗi người. Đối với trường hợp Thúy Kiều, đời sống tâm linh qua sự chỉ dẫn của Đạm Tiên đã tạo ra cả một định hướng cho cuộc đời Thúy Kiều.

2. Câu chuyện về những giấc mơ trong “Truyện Kiều” vẫn chưa dừng lại. Giấc mơ không chỉ đến với Thúy Kiều mà còn đến cả với những nhân vật khác như Kim Trọng và Thúy Vân. Với Kim Trọng, sau lần được gặp mặt chị em Thúy Kiều ở lễ tảo mộ đã thầm thương trộm nhớ Kiều, ngày đêm tơ tưởng đến nàng. Và Nguyễn Du cũng đã tặng cho chàng Kim một chữ “chiêm bao” đầu tiên: “Mây Tần khóa kín song the/ Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao”.

Đến khi hai người đã gặp được nhau, bày tỏ tình cảm và tự đính ước, thì hạnh phúc này cũng được diễn tả như một giấc mộng diệu kỳ: “Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần/ Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng/ Nàng rằng “Khoảng vắng đêm trường/ Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa/ Bây giờ rõ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”. Sau này, trên bước đường lưu lạc, Thúy Kiều cũng có những giấc mơ hướng về quê nhà, hướng về chàng Kim thuở nào: “Mối tình đòi đoạn vò tơ/ Giấc hương quan luống lần mơ canh dài”.

Chàng Kim sau khi chịu tang chú, trở lại vườn xưa tìm Kiều thì mới biết nàng đã lưu lạc phương trời. Chữ “chiêm bao” một lần nữa được dùng cho Kim Trọng để diễn tả nỗi đau khổ đến tột cùng của chàng: “Thẫn thờ lúc tỉnh lúc mê/ Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao”.

Thúy Vân thay chị kết duyên cùng Kim Trọng, phần nào vơi đi nỗi đau đớn trong lòng chàng Kim. Từ trước đến nay, khi bàn luận về “Truyện Kiều” nói chung và Thúy Vân nói riêng, nhiều ý kiến vẫn đánh giá Thúy Vân là cô gái vô tâm, mặc nhiên lấy Kim Trọng rồi ăn no ngủ kỹ, sinh một đàn con. Nhưng không, khi đọc  lại “Truyện Kiều” và nhìn “Truyện Kiều” từ tiêu điểm giấc mơ, tôi nhận ra Thúy Vân cũng không nguôi nhớ đến chị và nàng cũng đã nằm mơ về Kiều. Một chữ “chiêm bao” vì thế được dành cho Thúy Vân: “Phòng xuân trướng rủ hoa đào/ Nàng Vân nằm bỗng chiêm bao thấy nàng/ Tỉnh ra mới rỉ cùng chàng/ Nghe lời, chàng cũng hai đường tin nghi”.

Chữ “chiêm bao” cuối cùng được Nguyễn Du sử dụng trong “Truyện Kiều” là chữ “chiêm bao” dành cho tất thảy mọi người, khi đại gia đình tìm được Thúy Kiều sau 15 năm lưu lạc: “Tưởng bây giờ là bao giờ/ Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao”. Chữ “chiêm bao” này vì thế là một hạnh phúc dẫu muộn màng, mừng mừng tủi tủi nhưng cũng là một cái kết mong ước cho tất cả những độc giả theo dõi thiên truyện.

Nhìn “Truyện Kiều” từ những giấc mơ, có thể thấy Nguyễn Du đã 8 lần sử dụng chữ “chiêm bao”, bên cạnh đó là các cách diễn đạt khác như: mộng triệu, mộng huyễn, giấc mộng, mê, thần mộng (2 lần), giấc hương quan, giấc vàng; tất cả góp phần làm nổi bật thế giới tinh thần, cảm xúc và tâm trạng của các nhân vật. Cũng qua những diễn đạt về giấc mơ trong “Truyện Kiều”, một thông điệp/ gửi gắm mà chúng tôi cảm nhận được, đó là đời người phải chăng cũng như một giấc mộng lớn mà thôi, trong mỗi giấc mộng lớn lại bao gồm những giấc mộng nhỏ. Điều quan trọng nhất là mỗi người cần sống bằng một thiện căn, bởi “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Theo Đỗ Anh Vũ/VNCA