Truyện ngắn ‘Cái nghinh xưa’ của Nguyễn Bá Hòa

598

Nguyễn Bá Hòa

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hướng đi ra đi vào. Trời không nóng lắm nhưng mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt rám nắng. Ngôi nhà quá nhỏ, chật chội, nắng chiều ập vào lưng nhà hun cái nóng hầm hập. Chỉ vỏn vẹn mười tám mét vuông mà cả phòng khách, phòng ăn lẫn phòng ngủ của một gia đình ba thế hệ.

Hai vợ chồng Hướng và thằng cu nhỏ mới lên hai tuổi chiếm một góc nhà. Bố của Hướng đã gần bảy mươi ở gần lối cửa ra vào. Giữa nhà là một cái tủ gỗ, trên tủ là bàn thờ tổ tiên. Trước bàn thờ là bộ bàn đã cũ vừa là nơi tiếp khách vừa là phòng ăn, phòng họp mặt của cả gia đình khi giỗ chạp. Hướng luôn mơ ước có được một bộ tách trà đàng hoàng để tiếp khách, nhưng có đủ tiền đâu mà sắm. Mấy cái ly nhựa đôi lúc thật tiện, uống nước xong ném vội đâu đó cũng được hoặc ba bốn cái chồng lên nhau để ở góc bàn vốn đã quá hẹp.

Thằng cu sốt cao ho liên tục, kiếm đâu ra mấy đồng đi bác sĩ. Vợ Hướng lại lu bu công việc chợ búa. Bực mình Hướng cầm mấy cái ly nhựa ném mạnh vào tường. Bố của Hướng vén màn nhìn Hướng ái ngại. Ông cụ vốn thương con thương cháu nhưng lực bất tòng tâm. Đã gần bảy mươi, đau yếu quanh năm, không giúp gì cho con cho cháu, ông lặng lẽ thở dài.

– Thằng cu sốt hả con, mẹ nó đâu? Chặp nữa hai đứa đưa nó đi khám bác sĩ.

– Bố biết gì mà nói, tiền đâu?

Ông cụ không nói gì nữa. Hướng cũng yên lặng nhìn bố. Sao cái nghèo cái khổ cứ quanh quẩn ngôi nhà này kia chứ? Mùa nắng thì nóng không chịu được, mùa mưa thì gió Đông Bắc thổi dộng vào cửa, rét càng thêm rét. Lũ chuột lại phá mái tranh, dột từ sau ra trước. Mấy cái cột, cái kèo mối ăn quá nửa. Ngôi nhà còn đứng được vì còn có người ở đó, chắc như vậy! Ngôi nhà nhỏ nằm trên mảnh đất vườn này là tài sản duy nhất mà Hướng được thừa kế. Còn nữa chứ, cả cái gánh nặng giỗ chạp, phải không mà đứa con trai trưởng đảm nhận. Hướng thương bố, thương vợ, thương con nên chu toàn tất cả. Làm cái nghề thợ đụng vừa kiếm ra tiền, vừa có thời gian lo chăm sóc gia đình. Hướng to khỏe, khi thì làm phụ hồ, khi thì chạy xe đạp thồ, khi thì dọn vườn cho lối xóm, cũng kiếm được ít đồng phụ với vợ để gọi là sống được qua ngày. Tất nhiên là trong nhà không ai đau ốm gì, không có sự cố bất trắc xảy ra.

Thằng cu khóc thét, Hướng bế xốc nó lên, dặn dò ông cụ đôi điều rồi đưa con đi bệnh viện. Vợ Hướng vừa về, dắt xe vào đến cổng, thấy vậy òa lên khóc rồi lật đật chạy theo. Ông cụ ngồi một mình, nhìn quanh nhà. Có cái gì đáng giá đâu kia chứ! Tội cho con cho cháu quá! Ông đưa tay với lấy cái khăn. Có lẽ ông khóc. Ông vào buồng nằm. Trong cái xâm xẩm nhờ nhợ tối, ông ước gì mình không có ở đây, không nhìn thấy gì, không nghe thấy gì. Ông thiếp đi trong từng tiếng nấc. Con chó nhà bên sủa vu vơ. Hình như đêm đã dày.

– Bố ơi!

Ông giật mình, thằng Hướng gọi. Quờ quạng trong bóng tối, ông hỏi vọng ra:

– Thằng Cu sao rồi con?

– Nó viêm phổi nặng, làm sao bây giờ hở bố?

Hướng bật đèn, ngôi nhà sáng lên soi rõ cái đau khổ đến tột cùng của Hướng. Ông khoát chiếc áo dài đen cũ, lại bàn thắp mấy nén hương, ông cầu ơn trên phù hộ cho cháu. Như một phép lạ, gương mặt ông rạng rỡ.

– Hướng ơi! Phải rồi! Sao bố không nghĩ ra chứ!? Con bán cái này đi, chắc cũng đủ tiền cho cháu chữa bệnh.

– Bán cái gì chứ?

Ông ngước mắt chỉ lên bàn thờ:

– Cái nghinh xưa này nè!

Hướng trố mắt nhìn, cái tam sơn mà ông cụ hay gọi là cái nghinh bằng gỗ mun đen cẩn xà cừ, trên nó là cái lư hương với những vòng khói nhạt nhờ mà bố anh vừa thắp. Lẽ nào? Trời ơi, sao nghiệt ngã thế?! Phải bán nó đi sao? Ừ! Mà có cái gì đáng giá hơn đâu! Hướng nhớ rất rõ, cách đây một năm, có mấy người buôn đồ cổ đã đến dạm mua, nhưng ông cụ cương quyết từ chối. Cái nghinh này là vật duy nhất còn lại mà ông cụ giữ được từ các đời trước đó. Nó vừa là kỷ vật thiêng liêng của cả gia tộc nhà Hướng vừa là cái đang sử dụng hằng ngày. Nhưng… nó cũng là cái quý giá nhất mà nhà Hướng đang có.

Vợ Hướng từ bệnh viện về, cô hớt hải nói:

– Toa thuốc đây, bác sĩ bảo mua ngay, nếu không thì nguy lắm!

Không nghĩ gì nữa, Hướng đưa hai tay lấy cái lư hương đặt vội xuống, ôm cái nghinh xưa chạy biến đi trong sự ngỡ ngàng của vợ. Ông cụ quay mặt vào bóng tối.

Hướng chạy nhanh đến nỗi hai bên đường cây cối cứ thụt lùi, tiếng trẻ con khóc thét đâu đó, tiếng rì rào của gió… Gió mỗi lúc một mạnh dần, Hướng mơ hồ chạy, bỗng một cây cổ thụ bật gốc đánh rầm trước mặt. Hướng giật mình. Thì ra là câu chuyện đã ba mươi năm trước lại hiện về trong giấc ngủ của Hướng.

Hướng bật dậy, rửa mặt cho tỉnh ngủ. Nhanh thật, mới đó mà đã ba mươi năm rồi! Ông cụ đã ra đi, khi ấy thằng cu Phương vừa tròn một giáp. Hai vợ chồng Hướng bây giờ làm ăn cũng khá lên. Ngôi nhà tranh ngày xưa không còn nữa. Trên mảnh vườn cũ, một ngôi nhà hai tầng mọc lên trông thật bề thế. Phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, phòng bếp… khang trang, riêng biệt. Trên tầng hai, ngăn giữa là nơi đặt bàn thờ tổ tiên. Chiếc lư hương được đặt trên một cái tam sơn mới chạm trổ hoa văn rất đẹp. Hướng vẫn luôn tâm nguyện một ngày nào đó Hướng sẽ tìm lại cái nghinh xưa, đặt nó vào vị trí cũ, thắp nén hương xin ông cụ tha thứ. Nhà cao cửa rộng nhưng chỉ có hai vợ chồng Hướng thôi. Đứa con trai duy nhất của vợ chồng Hướng, thằng Phương bây giờ là giám đốc một công ty chuyên sản xuất hàng may mặc, có vợ ra ở riêng. Nhà nó còn sang trọng gấp mấy lần nhà Hướng. Có hẳn một gian trưng bày các sản phẩm mà nó sưu tầm được.

Hướng ra sân nhìn quanh, các chậu hoa chưa kịp tưới nước, giàn phong lan chưa kịp phun sương. Bật công tắc điện, dòng nước mát trong veo phun lên hòn giả sơn đặt giữa hồ cá được xây bằng gạch men sáng xanh mát dịu. Nơi xây hồ cá chính là vạc đất mà bố của Hướng tỉa mướp, những trái mướp cong queo do ong chích vẫn đu đưa trong ký ức vợ chồng Hướng. Nó là món canh gần như chủ lực của nhà Hướng một thời. Thằng cu Phương lớn lên từ giàn hoa mướp vàng ấy. Nhớ bố, Hướng vào nhà, lên gác hai thắp hương. Những vòng khói hương xám cứ xoay vần không bay lên. Trong màu xám ấy khuôn mặt bố hiện ra. Ông cụ ít nói, chiều con, chiều cháu, chịu đựng. Hơn mười năm với tuổi già sức yếu ông vẫn phải chăm sóc thằng Phương mỗi khi vợ chồng Hướng bận rộn làm ăn. Ông dỗ thằng Phương khi hắn khóc, đút cho nó ăn, ru cho nó ngủ. Ông làm tất cả những gì có thể làm được cho thằng Phương. Ngày thằng Phương trưởng thành thì ông đã đi xa. Hướng chăm chăm nhìn cái lư hương và thầm khấn: “Bố ơi, cái nghinh của bố đã cứu thằng Phương sống, con sẽ tìm cái nghinh về cho bố, bố ơi!”

Hướng mặc bộ đồ tươm tất hơn mọi ngày, xách xe ra phố. Ông Tơn buôn đồ cổ đầu phố là điểm đến đầu tiên. Hướng lân la hỏi chuyện, rồi lại đi. Nghe đâu trên tỉnh có người chuyên mua bán các câu đối xưa, các lọ cổ, các bình quý hiếm. Biết chừng đâu, Hướng sẽ tìm được cái nghinh xưa. Hướng nhớ rất rõ, Hướng đã ôm cái nghinh đó đến nhà bố ông Tơn để bán, vỏn vẹn vừa mua được hai toa thuốc chữa viêm phổi cho thằng Phương. Ông Tơn buôn bán với những ai, Hướng phải gạ hỏi cho bằng được. Hướng dắt xe ra về lòng hồ hởi với những dự tính.

Thằng Phương đã chờ sẵn ở nhà. Ông Hướng vui hơn mọi ngày. Sao nó giống nội như đúc vậy! Vóc người thanh mảnh cao cao. Cái mũi hơi to một chút trên khuôn mặt trắng hồng. Dáng đi là giống nhất.

– Con đi đâu mà ghé qua đây?

– Bố ơi! Con sưu tầm được một số đồ cổ, bố đến xem!

– Ừ! Đi nhé!

Nhà Phương cách nhà bố nó khoảng hơn ba cây số. Mảnh đất mới của khu dân cư mới. Từ ngày thị xã nhỏ bé này nâng cấp lên thành phố, nhà mới cao tầng mọc lên nhiều hơn, đời sống dân cư khá hơn. Những thú chơi cũng phong phú, sang trọng hơn. Chơi phong lan, địa lan, xương rồng ngoại nhập, sưu tầm đồ cổ, sưu tầm tranh ảnh nghệ thuật, cả sưu tầm huy hiệu, logo…

Ông Hướng biết thằng Phương sưu tầm được nhiều tranh nghệ thuật, một số bình gốm Trung Quốc, một số lọ sứ men xanh. Chắc hôm nay nó muốn khoe với bố cái gì mới chăng?

– Đấy bố xem đi, cái nghinh này mới mua đấy!

Một cơn lạnh chạy từ chân đến đỉnh đầu, ông Hướng giật mình khi nghe rõ mồn một hai tiếng “cái nghinh”. Trời ơi! Cái nghinh ngày xưa đây rồi, không thể nào khác được. Một chỗ xà cừ bị bong ra là vết tích dễ nhận ra nhất. Ông Hướng còn nhớ khi ôm cái nghinh chạy đi bán, ông vô tình làm bong ra mảnh nhỏ xà cừ ở bên trái, chính bố ông Tơn đã mua rẻ cái nghinh vì vết bong đó.

Trời đất đã thương ông! Bố ông đã phù hộ, đã nghe ông khấn vái! Bố ơi, chính thằng Phương đã tìm được cái nghinh rồi!

Ông đứng trân người, lặng đi vì hạnh phúc. Câu chuyện ba mươi năm xưa như hiện ra trước mắt ông. Tiếng khóc thét của thằng Phương còn nguyên vẹn trong ông, giọt nước mắt của bố còn ẩm ướt cả đời ông.

– Phương ơi! Bố lấy chiếc nghinh này về để lư hương thờ ông bà nhé!

– Bố ơi! Bố có biết giá nó bao nhiêu không? Đổi hai chiếc máy vắt sổ của công ty con đấy!

– Ừ! Bố biết rồi, nhưng bố cần nó. Bàn thờ nhà mình cần nó con ạ!

– Không được đâu bố ơi, con sẽ tìm cho bố cái khác.

Ông nghiêm giọng:

– Phương! Chính bố đã bán nó để lấy tiền mua thuốc cho con, con có biết không?

– Con đã nghe bố kể nhiều lần rồi. Chuyện xưa rồi bố đừng nói nữa!

– Mày có biết, nó là kỷ vật cuối cùng ông nội còn giữ được của gia tộc nhà mình không? Nội đã cho bố bán đi, cứu sống mày đấy Phương ơi!

Mặt của Phương chẳng có chút xúc động nào:

– Con lỡ nhận lời chuyển cho người khác rồi, thôi bố quên đi, con sẽ mua một cái tủ thờ lớn hơn để bố yên tâm.

Phương đã lảng sang phòng khác.

Ông Hướng thấy một màu đen ập xuống. Không phải một màu đen mà cả một trời đen ập xuống, ông chơi vơi chới với trong cái trời đen khủng khiếp đó. Ông gặp bố, ông cụ vẫn ít nói, dễ dãi, vẫn chiều con chiều cháu, vẫn chịu đựng như ngày nào. Bố ông dẫn ông đi trong trời đen bất tận, phía cuối con đường ánh lên những tia xà cừ lấp lánh.

N.B.H